Những cách thức giúp cá nhân sáng tạo hơn

0

Trong phần này, chúng tôi sẽ đề cập đến những cách thức giúp cá nhân trở nên sáng tạo hơn trong học tập, công việc cũng như trong cuộc sống nói chung.

Tạo ra môi trường thúc đẩy sự sáng tạo

Chúng ta bị tác động bởi môi trường xung quanh. Ví dụ khi bước vào thư viện, chúng ta nói chuyện nhẹ nhàng và di chuyển cẩn thận. Khi đến một buổi tiệc, chúng ta nói và cười nhiều hơn bình thường. Khi đến văn phòng, chúng ta trở nên lịch sự và nghiêm túc hơn. Chúng ta ứng xử theo sự thay đổi của môi trường bên ngoài.

Và môi trường cũng có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sáng tạo. Vì vậy, bằng cách tạo ra một môi trường học tập, làm việc thoải mải, tư duy của chúng ta cũng sẽ được cải thiện theo hướng sáng tạo hơn.

Giám đốc sáng tạo của một công ty quảng cáo có thói quen đi coi phim để tìm kiếm ý tưởng. Anh cho rằng làm một tác phẩm điện ảnh khá giống việc sáng tạo một phần mềm, bởi những công việc này đòi hỏi việc kết hợp các tài năng lại với nhau để đưa ra  sản phẩm có tính sáng tạo cao, với những giới hạn về tiền bạc và thời gian. Trong môi trường doanh nghiệp, nếu được làm việc trong một môi trường sáng tạo, dường như ở các nhân viên cũng nảy sinh nhiều sáng kiến hơn.

Có những người chỉ ở nơi đông người mới nghĩ được nhiều. Người khác lại phải ngồi một mình yên tĩnh mới suy nghĩ được. Bạn hãy tạo một môi trường mà ở đó bạn có thể có được nguồn cảm hứng để suy nghĩ sáng tạo. Những người trong các ngành đòi hỏi sự sáng tạo như: nhà văn, copywriter, designer… luôn làm việc ở những nơi không gò bó sự sáng tạo.

Vì vậy, việc tạo một không gian thoải mái, độc đáo, phù hợp với sở thích, cá tính của bạn có thể giúp kích thích sự sáng tạo. Bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây để thiết kế góc học học tập, phòng làm việc phù hợp với điệu kiện của bản thân cũng như điều kiện của công việc:

– Không gian có thể là ở phòng học tập hay làm việc của bạn. Chỉ cần chịu khó tạo vài thay đổi nhỏ là bạn sẽ có một nguồn cảm hứng làm việc mới cho mình. Hãy trang trí phòng bằng những bức ảnh, ánh sáng, màu sắc, vật dụng… mà bạn yêu thích.

cách thức giúp cá nhân sáng tạo hơn

– Nếu bạn cảm thấy bí bách trong phòng, hãy ra khỏi đó và tìm một không gian học tập khác, bởi sự gò bó của không gian ít nhiều sẽ hạn chế sức sáng tạo. Không gian mới sẽ đem đến tâm trạng thoải mái, những cảm giác mới và giúp bạn giảm bớt sự bế tắc. Một buổi họp trong công viên xanh mát hay trong một quán cà phê tĩnh lặng, ấm cúng… sẽ lên tinh thần và khuyến khích những ý tưởng mới nảy sinh. Hãy tìm một không gian tốt nhất có thể phát huy hết khả năng của mình. Đó có thể là công viên, bờ hồ hoặc bất cứ nơi nào đó có thể khơi nguồn sáng tạo cho bạn.

– Nghe những bản nhạc không lời êm dịu khi bạn suy nghĩ hoặc lúc căng thẳng. Nghe những thể loại nhạc thích hợp sẽ mang đến cho bạn nhiều lợi ích khác nhau. Có thể thấy một số tác dụng tích cực mà âm nhạc đem đến và đã được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh: tăng trí nhớ, tăng sự tập trung, giúp bạn sáng tạo hơn, giảm stress, giúp cơ thể mau hồi phục, giúp học sinh giỏi ghi điểm cao hơn trong các kỳ thi, kích thích cả hai bán cầu não (não trái và não phải) khi học tập.

Bạn có thể tham khảo bài viết cùng những bức ảnh sống động, độc đáo về không gian làm việc của những công ty lớn trên thế giới. Từ đây, bạn có thể thấy được tầm quan trọng của không gian làm việc, đặc biệt đối với sự sáng tạo của nhân viên, một yếu tố mà các công ty đang hướng tới.

Ngoài ra, bạn cũng cần mang theo công cụ lưu trữ ở bất cứ đâu. Bởi lẽ, những ý tưởng hay chợt đến nhưng cũng dễ dàng bay đi. Ý tưởng có thể xuất hiện vào lúc chúng ta không ngờ tới. Nếu không nắm bắt và ghi lại ngay, chúng ta sẽ rất dễ quên. Các nghệ sĩ hay những người làm công việc sáng tạo biết rõ điều này và luôn mang theo mình một cuốn sổ để ghi lại những ý tưởng ấy. Tuy nhiên, đâu cần phải là một nhà văn mới có những ý nghĩ hay xuất hiện trong đầu. Vì vậy, hãy luôn mang theo các công cụ lưu trữ để có thể giữ lại những suy nghĩ thoáng qua đó.

Khi học tập và ôn thi cũng vậy, lời giải và ý tưởng luôn có thể bất ngờ nảy ra. Một tờ giấy nhỏ và chiếc bút sẽ giúp bạn không bỏ quên nó.

Tạo ra những sự kết hợp mới

Sự sáng tạo xảy ra trong giai đoạn nhận thức của não bộ, khi mà tri giác và các khái niệm đang được hình thành từ những yếu tố tạo nên chúng và cũng là giai đoạn chúng thay đổi vị trí. Chính sự kết hợp ngẫu nhiên theo trật tự mới những yếu tố này sẽ tạo ra những khái niệm mới. Nhà sáng tạo đơn giản chỉ tạo ra nhiều ý tưởng hơn người bình thường. Cách thức tư duy của thiên tài thường dựa trên những nguyên tắc cơ bản. Và từ những nguyên tắc đó, họ có nhiều cách độc đáo để tạo ra nhiều ý tưởng cho vấn đề của mình. Một họa sỹ thiên tài nói “Khi tôi bó một bó hoa để vẽ nó, tôi luôn luôn quay vào mặt mà tôi không định vẽ”. Khi hoạ sĩ vẽ tranh theo trường phái ấn tượng Reoir có lời

 

phát biểu như trên, ông ta đã đề cao tầm quan trọng của sự phát triển những tầm nhìn mới đầy sáng tạo. Để làm ra một điều mới lạ thì chúng ta phải nhận thấy một điều gì đó mới lạ. Một điều mới lạ không hẳn là bạn nhìn vào sẽ thấy liền, nó là những điều bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Khi thấy một hiện tượng như vậy, những người sáng tạo sẽ biết cách liên kết và suy tưởng ra các ý tưởng sáng tạo mới. Vì thế, điều ta nhận thấy có thể là những yếu tố đã được xem xét trước đó ở một vấn đề hoặc một giải pháp nào đó từ việc kết hợp hai thành phần không liên kết của vấn đề hay những ý tưởng lại với nhau.

Có lẽ ví dụ nổi tiếng nhất trong lịch sử về một sự đột phá ra ý tưởng là câu chuyện về Archimedes. Ông đã nhảy ra khỏi bồn tắm và trần truồng chạy trên đường, la lớn rằng “Eureka! Eureka!”. Đây là một hành động kì lạ và vui nhộn khi ông này phát minh ra định luật về lực đẩy của nước. Khi đang tắm, ông ta đã chú ý tới việc trọng lượng cơ thể của ông đã thay thế cho một lượng nước bằng với trọng lượng cơ thể như thế nào. Điều này đã làm cho một tia sáng loé lên trong ông, hay một cách nhìn mới về cách làm thế nào để xác định xem vương miện của vua có được làm hoàn toàn bằng vàng ròng hay không.

Một ví dụ cũng cùng thời với ví dụ trên là của Art Fry – người phát minh ra những mẩu giấy ghi chú Notes. Ông là một người đánh đàn ở nhà thờ và luôn cần những mẩu giấy để dán lên chiếc đàn và giữ nguyên một chỗ. Kết quả là ông đã kết hợp nhu cầu của mình về một miếng giấy mà có thể ở yên một chỗ khi đánh dấu những bài thánh ca của nhà thờ với một mảnh giấy dùng keo dính được làm bởi Spencer Silver, một trong những đồng nghiệp của ông ở 3M. Cả Archimedes và Art Fry đã tạo ra một tầm nhìn sáng tạo hơn khi họ kết hợp những thành phần của phần không liên quan trước đó của vấn đề để tạo ra những thành quả mới. Cũng như Newton liên tưởng khi nhìn quả táo rụng và Galile phát minh ra con lắc đồng hồ khi nhìn thấy chuyển động quả chuông trong nhà thờ. Đôi khi sự sáng tạo được định nghĩa là sự sắp xếp những cái cũ có sẵn theo một trật tự mới.

Kỹ thuật kết hợp này được gọi là kỹ thuật Da Vinci. Những cái đầu kỳ quái và những bức tranh biếm họa nổi tiếng của Leonardo da Vinci được tạo ra bằng cách kết hợp ngẫu nhiên từ các đặc điểm tương ứng với các bộ phận trên khuôn mặt. Ông chia khuôn mặt thành 5 yếu tố: Đầu, Mắt, Mũi, Miệng, Cằm. Liệt kê những đặc điểm tương ứng với mỗi yếu tố. Ví dụ như Mắt: Lồi, Trũng, Ốc, Lác, Tròn, Xếch..

ĐầuMắtMũiMiệngCằm
Đầu trònLồiHình mõ vẹtMéoChe
Xương xẩuTRŨNGHình mócSứt môiTrễ
Đầu vòmỐc nhồiHẾCHMỏngVuông
Sâu rómLácHình mỏTRỄSệ
Hình vuôngTrònMỏngCongLẹm
Hình trứngXếchKhoằmDàyNhô ra
TRÁN NHĂNHình xì gàMọngTHỤT

Sau đó, ông kết hợp 5 đặc điểm tương ứng bất kỳ vào tạo ra một khuôn mặt mới hoàn toàn.

Hình vẽ bức tranh sáng tạo

Hình vẽ bức tranh tạo ra từ sự kết hợp theo bảng trên

Hãy tìm cách chia nhỏ vấn đề thành các nhân tố riêng lẽ và với mỗi nhân tố như vậy sẽ bao gồm những đặc điểm cụ thể. Và sau đó chúng ta tìm cách kết hợp chúng một cách ngẫu nhiên giống như trò chơi tổ hợp. Để áp dụng kỹ năng của Leonardo da Vinci, bạn có thể theo 5 bước sau:

  • Lựa chọn các đặc điểm hoặc chiều hướng. Bạn có thể chọn nhiều bao nhiêu tùy thích. Nhưng ít nhất nên là ba hoặc bốn.
  • Liệt kê nhiều hết mức có thể những biến đổi có thể cho mỗi đặc điểm.
  • Nối ngẫu nhiên một hay nhiều biến đổi ở mỗi cột với một hay nhiều biến đổi ở các cột khác.
  • Đưa những kết hợp ngẫu nhiên này thành những ý tưởng mới.
  • Tiếp tục thử những kết hợp khác

Đặt những câu hỏi hợp lý

Albert Einstein từng nói: “Điều quan trọng là đừng bao giờ ngừng đặt câu hỏi”. Hãy đặt thật nhiều câu hỏi về bất kỳ vấn đề nào mà bạn đang tìm cách giải quyết. Càng đặt nhiều câu hỏi bao nhiêu, bạn sẽ hiểu nhiều về vấn đề đó bấy nhiêu.

Những người sáng tạo, đặc biệt là người có tính sáng tạo cao, thường biết vượt qua cái bóng của mình để đặt ra những câu hỏi, đây là bản tính của họ. Những câu hỏi không sợ những lời phê phán. Những chất vấn tự nhiên thường bị nhầm lẫn là sự chỉ trích trong khi đơn giản chỉ là chất vấn, thăm dò. Bạn hãy đặt ra những câu hỏi cho những sự việc thường ngày ví dụ như: “Nếu thang máy không chỉ đi lên và xuống mà còn từ đầu này sang đầu kia thì sẽ thế nào?”, “Nếu cơ quan yêu cầu mỗi ngày mọi người phải cười ít nhất 30 phút thì sao?”…

Có nhiều cách đặt câu hỏi tùy vào mục đích. Có thể sử dụng kỹ thuật “Hỏi tại sao năm lần” (ask why five times) để tìm gốc rễ vấn đề khi thắc mắc một vấn đề gì đó chưa được giải đáp. Kỹ thuật này yêu cầu hỏi “Tại sao?” ít nhất năm lần. Đến khi không còn câu trả lời cho câu hỏi “tại sao” nữa thì nguyên nhân gốc đã được nhận dạng. Hoặc sử dụng những câu hỏi “5W và 1H” căn bản của nghề báo. Đó là: Ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao và như thế nào?

Chẳng hạn, bạn có thể đặt những câu hỏi: Ai là đối thủ cạnh tranh của ta? Ai là khách hàng của ta? Tổ chức của chúng ta làm gì? Nhiệm vụ của chúng ta là gì? Chúng ta có thể tạo được những bước cải tiến ở đâu? Chúng ta có thể lấy những thông tin về đối thủ của mình ở đâu? Khi nào chúng ta nên thâm nhập vào một thị trường mới? Khi nào là thời điểm thích hợp nhất để khách hàng mua sản phẩm của chúng ta? Tại sao khách hàng chọn sản phẩm của chúng ta? Tại sao chúng ta lại muốn thâm nhập thị trường mới? Đặt thật nhiều câu hỏi, bạn sẽ hiểu rõ hơn về tổ chức, về cơ quan của bạn và môi trường xung quanh. Nếu có sự hiểu biết tốt hơn, bạn sẽ có những cái nhìn sáng tạo về cách cải tạo nó.

Bài tập vận dụng

Hãy nghĩ ra càng nhiều công dụng của một vật thể, một dụng cụ bất kì càng tốt, ví dụ:

  • Mũ bảo hiểm?
  • Ly uống nước?
  • Hòn đá?
  • Chiếc lược?
  • Cây bút?
  • Ghim kẹp giấy?

– ….

Chẳng hạn, bạn lấy ra ghim kẹp giấy và tự hỏi: “Cái này dùng để làm gì?”. Đầu tiên, hãy thay đổi cách đặt câu hỏi, bạn nên để đầu óc của mình được “mở” hơn với một câu hỏi khiến bạn phải nghĩ ra thật nhiều đáp án, như: “Có thể dùng cái cái ghim này vào những việc nào?”

Tiếp theo là những câu trả lời. Nếu câu trả lời của bạn là “để kẹp giấy” thì đây là cách thông thường. Tuy nhiên, nếu bạn xem đây không chỉ là chiếc ghim kẹp giấy mà còn là một mẩu dây thép, có nghĩa là bạn bắt đầu quá trình tư duy sáng tạo. Từ cách nhìn đó, bạn sẽ thấy được nhiều công dụng mới của ghim kẹp giấy. Ví dụ, nó có thể dùng làm dây cầu chì cho một mạch điện, một dụng cụ dùng để đánh dấu hoặc một chiếc kẹp để giữ hộp. Hãy bắt đầu chú ý tới các khả năng trong các trường hợp khác nhau, những tiện ích khác mà chiếc ghim này có thể mang lại.

Tạo ra những góc nhìn mới

Chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi thói quen và những giới hạn. Tất cả chúng ta đều có một cách thoải mái và khác biệt để làm mọi thứ, và chẳng có gì sai khi làm như vậy cả.

Tuy nhiên, có một vấn đề nảy sinh ra bất kỳ khi nào chúng ta cố gắng vượt ra khỏi đường mòn thói quen. Mỗi suy nghĩ để làm một việc gì đó khác thường có thể làm bạn lo sợ. Nhưng tư duy sáng tạo luôn yêu cầu ta làm điều đó. Charles Kettering, một nhà phát  minh ra động cơ điện tự động đã có lần nói rằng: “Chúng ta sẽ không bao giờ có được một cái nhìn mới mẻ từ tận cùng của con đường mòn thói quen”.

Đôi lúc một nhà bác học với một kiến thức uyên thâm không thể giải quyết một vấn đề đơn giản mà một đứa trẻ lên mười có thể làm được. Một người trưởng thành suy nghĩ quá nhiều, bị trói buộc bởi quá nhiều tri thức, quá nhiều giới hạn và quá nhiều thành kiến. Đôi lúc có những vấn đề khá đơn giản nhưng ta lại tư duy quá cao siêu và gặp thất bại. Lúc bé, chúng ta học nhiều về thường thức trong cuộc sống. Tất nhiên, những hiểu biết đó đã giúp ích cho ta trong đời sống hàng ngày. Tuy vậy, cũng có những lúc nó không những vô dụng mà còn làm hạn chế tư duy của chúng ta khi giải quyết một số vấn đề. Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề đơn giản đến nỗi trẻ con cũng làm được mà người lớn lại cảm thấy vô cùng khó khăn.

Đầu óc của con người vì sao lại bị ràng buộc bởi những “hiểu biết về kiến thức thông thường” hoặc là những “kiến thức và kinh nghiệm của quá khứ”. Suy nghĩ cũng làm cho con người mệt mỏi, nên cần có thời gian thích đáng để nghỉ ngơi. Nhất là gặp những trường hợp nhiều lần được giải quyết một cách thuận lợi bởi những kinh nghiệm sẵn có, lúc đó đầu óc của chúng ta sẽ chọn cách ‘tiết kiệm tư duy” để ứng phó với những vấn đề đó. Chúng ta đã trở nên rất quen thuộc khi làm mọi thứ theo một cách nhất định mà chúng ta có thể mất đi khả năng thoát ra khỏi những thói quen của mình. Có lẽ điều quan trọng nhất là gia tăng nhận thức của chúng ta về những người là nạn nhân của lối tư duy theo khuôn mẫu như thế nào. Khi làm điều này, ta hiểu biết rõ hơn khi nào chúng ta sẽ bị lạc vào đường mòn ấy.

Hãy ra khỏi thành phố thói quen

Hãy ra khỏi thành phố thói quen

Sự quen thuộc về một thứ gì đó là một kẻ tiếp tay cho thói quen. Sau đây là những cách thức giúp chúng ta tạo ra những góc nhìn mới:

  • Lắng nghe từ đám đông và đi theo cách khác: Những người sáng tạo hiệu quả đều nghi ngờ cái gọi là trí tuệ đám đông. Họ hiểu rằng đám đông không có tầm nhìn tổng quát và thường bị dẫn dắt bởi những kích thích hiếm khi phù hợp với các mục tiêu sáng tạo. Những người sáng tạo hiệu quả không sợ đi một con đường khác và tìm ra một lộ trình mới. Các nhà sáng tạo cũng là những nhà lãnh đạo, và điều này có nghĩa là họ dẫn mọi người tới những miền đất mà họ chưa từng đặt chân tới.
  • Tin vào điều không thể là hoàn toàn có thể: Những người sáng tạo tin những điều người khác không thể. Thay vì những thách thức lớn, họ nhìn thấy những cơ hội lớn. Điều này có lẽ là những lời mà các nhà tạo động lực thường xuyên muốn nói. Mọi sáng tạo lớn đều chứa đựng một thách thức thực sự. Nếu bạn không tin, bạn sẽ khó nhận được sự thành công.
  • Thực hành sáng tạo ở khắp mọi nơi: Những người sáng tạo cao luôn rất tích cực khi nói tới sáng tạo. Họ luôn luôn thử những điều mới trong cuộc sống và có tư duy cải tiến để thay đổi nhanh hơn.

Loại bỏ những thói quen tiêu cực

Hãy thử làm một vài bài tập nhỏ cho riêng bạn hoặc nhóm của bạn: trong 5 phút, bạn hãy viết xuống bất kỳ một phản ứng tiêu cực mà bạn thường có đối với một ý tưởng mới. Khi hoàn tất, bạn hãy so sánh những điểm được ghi trong giấy của bạn với những những điểm dưới đây. Sẽ có nhiều điểm giống nhau đấy, nếu không phải thế thì có thể là danh sách của bạn là bản sao của danh sách dưới đây.

  • Vấn đề của chúng ta khác mà
  • Chúng ta đã đề cập tới điều đó rồi
  • Chúng ta không còn đủ thời gian nữa
  • Chúng ta không có đủ sự giúp đỡ đâu
  • Hệ thống của chúng ta quá nhỏ bé để làm điều dó
  • Chúng ta vẫn làm theo cách đó đấy thôi
  • Phương pháp mà chúng ta đang làm cũng đáng tin cậy mà
  • Nó không thực tế chút nào
  • Nó tốn nhiều thời gian lắm
  • Nó cũ rích rồi
  • Chúng ta chưa sẵn sàng để làm điều đó
  • Chúng ta còn nhiều việc khác phải làm vào lúc cấp bách này
  • Đừng có tỏ ra trứng khôn hơn vịt nhé
  • Một nhóm nhỏ và tiến bộ như nhóm của chúng ta không nhất thiết phải làm điều đó.
  • Điều này đòi hỏi phải đầu tư kỹ lưỡng lắm mới được
  • Chúng ta không bao giờ phải chịu tốn kém về nó cả
  • Nếu không cần phải đầu tư kỹ lưỡng thì làm sao mà nó hoạt động được
  • Nó quá cực đoan
  • Nó gần giống như những gì chúng ta đang làm đó thôi
  • Điều này ghi trên sách vở thì được đó, nhưng còn làm được điều này thì chắc không được đâu
  • Nó trái với những tiêu chuẩn chuyên nghiệp
  • Cấp trên sẽ không thích nó đâu
  • Nó ngoài giới hạn và trách nhiệm của tôi

Cố gắng thêm một chút nữa có thể là bạn sẽ nghĩ ra nhiều ví dụ hơn nữa. Bây giờ thì điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cố làm một danh sách về các phản ứng tích cực? Trong 5 phút, bạn hãy viết ra tất cả những phản ứng tích cực mà bạn có thể có về một ý tưởng mới. Rất có thể danh sách này sẽ ngắn hơn danh sách trước. Và bạn cũng có thể thấy khó hơn để nghĩ về những phản ứng tích cực đấy.

Để loại bỏ thói quen suy nghĩ tiêu cực, hãy cố gắng phát triển nhiều hơn những phản ứng cân bằng với một ý tưởng mới. Có nhiều cách để làm điều đó. Sau đây là một vài cách thức:

  • Ý tưởng luôn cần được hoàn thiện: Hãy cố gắng nhìn nhận những ý tưởng đó như là những nguyên liệu thô, tức là những ý tưởng ban đầu là những thứ mong manh, yếu ớt mà chúng ta thường chuyển tới những giải pháp khả quan hơn. Vì thế hãy nhẹ nhàng và từ tốn khi có một ý tưởng mới.
  • Ủng hộ tất cả những ý tưởng mới: để chúng có thể thường xuyên được bổ trợ và có thể giúp khuyến khích mở rộng thêm những ý tưởng mới hơn. Một ý tưởng mới không hẳn là một điều gì đó vĩ đại, nó có thể là một ý tưởng rất nhỏ giúp bạn tiết kiệm chi phí, chẳng hạn, một lúc nào đó bạn nghĩ ra một điều đơn giản: thay vì mua báo hàng ngày, bạn đặt báo tháng thì sẽ tiết kiệm hơn và có người giao báo sớm hơn. Người Nhật luôn luôn khuyến khích những ý tưởng nhỏ như vậy để cải tiến liên tục và với hàng ngàn ý tưởng nhỏ cho mỗi năm trong một công ty, họ được coi là một nước có chỉ số sáng tạo cao nhất thế giới.
  • Tư duy tích cực: Trong phương pháp tư duy “6 chiếc mũ tư duy – Six thinking hats” , chiếc mũ màu vàng tượng trưng cho sự lạc quan và suy nghĩ tích cực. Mỗi lần bạn nghe thấy một ý tưởng mới, hãy tập cho mình nghĩ hoặc nói rằng: “Điều này có điểm gì tốt?”, “Đặc điểm nổi bật của ý tưởng đó là gì?”. Nếu bạn có thể nghĩ một mặt tích cực, rồi sau đó bạn sẽ được lợi từ những điều có thể là vô ích mà đã xuất hiện trước đó. Hơn nữa, đặc điểm tích cực đó có thể kích thích tạo ra được một ý tưởng mới. Nói hoặc nghĩ những gì bạn thích về ý tưởng, những điểm thu hút bạn, rồi sau đó là những điểm bạn không thích về nó.
  • Theo đuổi và thử nghiệm: Một vài người muốn nói rằng: để sáng tạo thành công, bạn cần phải thất bại. Những người sáng tạo hiệu quả không từ bỏ và chấp nhập thất bại khi lần đầu tiên họ đối mặt với một vấn đề. Họ tiếp tục phát triển ý tưởng cho tới khi họ đạt tới thành công. Chỉ sau khi theo đuổi và quyết liệt theo đuổi ý tưởng của mình và trải nghiệm tất cả các khả năng có thể, họ sẽ trở nên rất khó bị đánh bại.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.