Trật tự xã hội là gì?

0

1. Khái niệm, đặc điểm

Trật tự xã hội là khái niệm chỉ sự tồn tại, hoạt động ổn định, hài hoà của các thành viên trong cơ cấu xã hội. Nó, biểu hiện tính tổ chức của đời sống xã hội, tính chuẩn mực của hành động xã hội. Nhờ sự trật tự xã hội mà hệ thống xã hội đạt được sự ổn định và hoạt động một cách có hiệu quả dưới sự tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài xã hội.

Các cơ chế đảm bảo cho trật tự xã hội là các thiết chế xã hội. Các thiết chế xã hội này điểu chỉnh các mối quan hệ xã hội (chủ yếu là quan hệ về kinh tế giữa các nhóm, hoặc giai cấp xã hội). Sự điều chỉnh của các thiết chế xã hội hướng vào các lợi ích của các nhóm. Các lợi ích này sẽ được điều chỉnh cho đến khi nào đạt được sự công bằng theo quan niệm của xã hội cụ thể đó. Thông qua chức năng kiểm soát xã hội, các thiết chế xã hội đảm bảo tính ổn định, tính có thể dự đoán, tính có thể điều khiển của những hành vi cá nhân (tuân theo những giới hạn xã hội). Một khi hành vi của cá nhân vượt qua giới hạn này sẽ làm giảm bớt sự ổn định và trật tự xã hội.

Biểu hiện bên ngoài của sự phá vỡ tính ổn định và trật tự xã hội là sự suy giảm tính năng động của hệ thống, xuất hiện sự trì trệ, hoặc là xung đột xã hội tăng lên về phạm vi và số lượng, hay là suy giảm mức độ hài lòng trong xã hội của dân chúng, hoặc là sự tăng lên về số lượng những hiện tượng chống đối xã hội như: bãi công, bãi thị, bãi khóa, bạo động…

Sự vi phạm tính ổn định và trật tự xã hội mang tính chất định tính hoặc định lượng. Nó mang tính chất định lượng trong trường hợp tình huống và hệ thống xã hộ có thể khắc phục được. Nó mang tính định tính khi sự vi phạm này chuyển  thành một khủng hoảng xã hội, dẫn đến việc chuyển đổi hệ thống xã hội sang một dạng mới hơn về chất.

Đối lập với trật tự xã hội là rối loạn xã hội. Trong đó, các thành phần của cấu trúc xã hội hoạt động không ăn khớp, nhịp nhàng, các hành động của chủ thể xã hội xung đột với nhau do sự khác biệt lợi ích hoặc thiếu hụt các giá trị, chuẩn mực để đối chiếu.

2. Các lý thuyết

Khi bàn về trật tự xã hội đã xuất hiện các lý thuyết:

+ Thuyết xung đột, trật tự xã hội chỉ được thiết lập khi sức mạnh của nhóm xã hội có quyền lực còn đủ duy trì vị trí thống trị của mình và nhóm bị thống trị phải chấp nhận địa vị phụ thuộc. Trật tự này chỉ mang tính chất tạm thời, bởi trong lòng xã hội đó đang ngầm chứa đựng những mâu thuẫn cơ bản. Trật tự này sẽ bị phá vỡ khi nhóm bị trị không còn chấp nhận cách tổ chức, quản lý và điều hành của nhóm thống trị. Vì vậy, nhóm xã hội thống trị luôn luôn tìm cách duy trì, củng cố trật tự xã hội hiện có.

+ Thuyết chức năng, khi tất cả những thành phần trong xã hội thực hiện tốt chức năng của mình, thì sẽ có trật tự xã hội. Nghĩa là các cá nhân, các nhóm xã hội phải thực hiện vai trò của mình sao cho đáp ứng được sự mong đợi của những người xung quanh và của xã hội.

Sự kiểm soát xã hội là khuôn mẫu hành vi của các cá nhân, các nhóm…, căn cứ vào các chuẩn mực, giá trị đã được xã hội thừa nhận. Kiểm soát xã hội có thể được thực hiện bởi các thiết chế xã hội như gia đình, tôn giáo, chính trị, kinh tế, giáo dục. Kiểm soát xã hội có mặt ở khắp mọi nơi trong đời sống văn hoá xã hội và luôn tác động đến sự lựa chọn hành vi của các cá nhân và các nhóm. Kiểm soát xã hội thường sử dụng những công cụ khác nhau để uốn nắn những sai lệch xã hội.

Parsons đã từng đưa ra ba loại công cụ chính của kiểm soát xã hội, đó là: Cô lập hoàn toàn; hạn chế giao tiếp; quản chế, cải tạo và phục hồi. Sự kiểm soát xã hội chính thức được thực hiện bởi các tổ chức như công an, toà án, viện kiểm soát, nhà tù… và các quy định, luật lệ…

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.