Cách mạng xã hội là gì?

0

Cách mạng xã hội là gì? Tại sao cách mạng xã hội là phương thức thay thế các hình thái kinh tế – xã hội khác nhau?

Khái niệm cách mạng xã hội

Cách mạng xã hội là bước nhảy vọt về chất trong sự phát triển của xã hội, nhờ đó mà một hình thái kinh tế xã hội này được thay thế bằng một hình thái kinh tế xã hội khác cao hơn.

Đặc trưng chủ yếu của cách mạng xã hội là thay đổi chính quyền nhà nước của giai cấp thống trị đã lỗi thời sang một giai cấp cách mạng. Bởi vì chính quyền nhà nước là vấn đề cơ bản của tất cả các cuộc cách mạng trong lịch sử. Cho nên, theo một nghĩa khác thì thực chất của cách mạng xã hội là một cuộc cách mạng chính trị – cách mạng về sự thay đổi các kiểu nhà nước. Nhà nước là sự thống trị về mặt chính trị của các giai cấp nắm địa vị về mặt kinh tế, nó bảo vệ quan hệ kinh tế của giai cấp thống trị và đồng thời chi phối tất cả các quan hệ xã hội khác.

Cách mạng xã hội khác với các cuộc đảo chính chính trị, đảo chính chính trị thực chất chỉ là sự thay đổi quyền lực nhà nước giữa các cá nhân, các tập đoàn khác nhau trong bản thân giai cấp thống trị khi có mâu thuẫn và đối lập về mặt lợi ích, v.v… Còn cách mạng xã hội là quá trình thay đổi các quan hệ xã hội dẫn đến sự thay đổi các hình thái kinh tế xã hội khác nhau. Nhưng đồng thời đảo chính chính trị cũng được coi là một trong những điều kiện khách quan khi thời cơ của một cuộc cách mạng xã hội có thể nổ ra và thành công.

Cách mạng xã hội khác với các cuộc cách mạng khác như: cách mạng tư tưởng văn hóa, cách mạng khoa học – kỹ thuật, v.v… bởi các cuộc cách mạng khác chỉ là một sự thay đổi trong một quan hệ xã hội nhất định, mà trong đó vấn đề chính quyền nhà nước không phải là vấn đề cơ bản, v.v… Còn cách mạng xã hội là phương thức dẫn đến sự thay đổi các hình thái kinh tế – xã hội của xã hội có giai cấp.

Cách mạng xã hội là phương thức thay thế các hình thái kinh tế – xã hội

Nguyên nhân của cách mạng xã hội có nhiều nguyên nhân khác nhau như: chính trị, kinh tế – xã hội, tư tưởng, v.v… Nhưng nguyên nhân về kinh tế là nguyên nhân chủ yếu mang tính quyết định. Nguyên nhân đó nằm trong phương thức sản xuất của một hình thái kinh tế xã hội nhất định.

Trong một phương thức sản xuất nhất định luôn bao hàm sự thống nhất giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất. Nhưng sự phát triển của lực lượng sản xuất đến một giới hạn nhất định nào đó thì mâu thuẫn với quan hệ sản xuất cũ, đòi hỏi xóa bỏ quan hệ sản xuất cũ, xây dựng một quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất mới. Mâu thuẫn này biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn cơ bản của của các hình thái kinh tế xã hội khác nhau. Đó là mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị đại diện cho quan hệ sản xuất cũ đã lỗi thời với giai cấp tiến bộ và cách mạng đại diện cho lực lượng sản xuất mới.

Cuộc đấu tranh giai cấp phát triển đến một giới hạn nhất định nào đó thì chuyển thành cách mạng xã hội. Ví dụ: trong cách mạng tư sản là việc giải quyết mâu thuẫn cơ bản giữa giai cấp địa chủ và giai cấp nông dân, giai cấp địa chủ đại diện cho quan hệ sản xuất cũ đã lỗi thời không còn phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, dẫn đến sự xóa bỏ quan hệ sản xuất địa chủ và xây dựng quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, v.v… hoặc trong cách mạng vô sản là việc giải quyết mâu thuẫn cơ bản giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản… làm xuất hiện nhà nước xã hội chủ nghĩa, quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa.

Cách mạng xã hội là phương thức dẫn đến sự thay đổi các hình thái kinh tế – xã hội xét cho cùng về mặt kinh tế, là giải quyết sự xung đột giữa lực lượng sản xuất đang phát triển với quan hệ sản xuất cũ đã lạc hậu và lỗi thời. Về chính trị, là giải quyết sự xung đột giữa kiến trúc thượng tầng cũ đã lỗi thời với cơ sở kinh tế mới đã được hình thành.

Các giai cấp thống trị bóc lột đại diện cho quan hệ sản xuất cũ đã lỗi thời, đã dùng bạo lực để duy trì quan hệ sản xuất ấy; nhưng những giai cấp cách mạng tiến hành đấu tranh xóa bỏ quan hệ sản xuất cũ. Cuộc đấu tranh đó phát triển thành đấu tranh chính trị mà đỉnh cao của nó là cách mạng xã hội. Cho nên, trong xã hội có giai cấp đối kháng thì cách mạng xã hội như là đỉnh cao của quá trình đấu tranh giai cấp, là phương thức thay đổi các hình thái kinh tế – xã hội khác nhau.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.