Chủ nghĩa lãng mạn mới
Một khuynh hướng tư tưởng – nghệ thuật xuất hiện ở nhiều nước châu Âu vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhằm phản ứng lại tính chất suy đồi của chủ nghĩa tự nhiên, phản ứng cả với tinh thần bi quan và mất lòng tin của các trường phái văn học đương thời. Do vậy, có người coi nó là một kiểu chủ nghĩa hiện thực đặc biệt của thế kỷ XX. Khuynh hướng nghệ thuật này đã thu hút nhiều tác giả tên tuổi ở nhiều nước tham gia như ở Mỹ có J. London (1876 – 1916), ở Anh có J. Conrad (1857 – 1924), ở Đức có G. Hauptmann (1862 – 1946), ở Na Uy có K. Hamsun (1859 – 1952)…
Chủ nghĩa lãng mạn mới không phải là một tư trào độc lập, ngay cả cơ sở triết học cũng không thuần nhất, nó xuất hiện với tư cách là một xu hướng tư tưởng và phong cách đan xen, vừa tương tác cả khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa lẫn khuynh hướng suy đồi, vừa kế thừa những thành tựu mà chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ XIX đã đề ra. Đó là sự cự tuyệt “tồn tại tầm thường” của kẻ tiểu thị dân phàm tục, ca ngợi sự dũng cảm, anh hùng, kỳ công của những hành động phiêu lưu trong những hoàn cảnh phi thường. Conrad vừa là nhà tiểu thuyết, truyện ngắn, vừa là nhà phê bình văn học. Khuynh hướng lãng mạn trong ông thường kết hợp việc miêu tả một cách hiện thực tâm lý của con người hiện đại và sự tàn bạo của thế giới tư bản. Truyện của ông phần lớn xảy ra ở xứ lạ, cách biệt với nền văn minh châu Âu, nhân vật thường trải qua những cuộc phiêu lưu trên biển cả hoặc trong rừng sâu, thường bộc lộ những phẩm chất tinh thần tốt đẹp như nghị lực, dũng cảm, kiên cường, chịu đựng, đầy lương tâm và ước mơ về tình yêu, tình bạn; lên án sự bất bình đẳng về xã hội và chủng tộc, phẫn nộ trước tội ác của chủ nghĩa đế quốc (Trung tâm của bóng tối, Ngài Jim, Bão táp, Dưới con mắt phương Tây…). Ngay cả J. Lorca ở giai đoạn sáng tác ban đầu, tuy thể hiện rõ chủ đề phản kháng đối với lối sống thị dân thô thiển và ích kỷ, nhưng về mặt thi pháp vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa siêu thực; hoặc J. London được coi là nhà văn hiện thực lớn nhất của nước Mỹ đầu thế kỷ XX, nhưng về mặt thi pháp lại sử dụng những biện pháp của chủ nghĩa lãng mạn mới, về cuối đời lại bị khủng hoảng nặng nề về tư tưởng. Đối với hai nhà viết kịch Hauptmann, Ibsen, thì về những vở kịch cuối đời, từ chủ nghĩa hiện thực chuyển sang chủ nghĩa lãng mạn mới.
Bạn đang xem: Chủ nghĩa lãng mạn mới
Nhân vật điển hình của chủ nghĩa lãng mạn mới là con người dũng cảm, phi thường, đôi khi đối lập với xã hội, phải bị lưu đày, bị trục xuất, sống xa lạ với cuộc sống bình thường, trở thành những con người siêu nhân, thể hiện ước mơ thoát khỏi đời sống phàm tục, cuộc đời của họ đầy những chuyện lãng mạn, kèm theo sự mạo hiểm và phiêu lưu.
Xem thêm : Thư tín dụng (Letter of Credit – L/C) là gì?
Về mặt thi pháp, các nhà lãng mạn mới kế thừa được những yếu tố của chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ XIX, như xây dựng hình tượng nhân vật lý tưởng, siêu phàm, mở rộng phạm vi đề tài phản ánh, đề cao tính dân chủ về thể loại và nhất là thấm đẫm chất trữ tình, khai thác chính ở đời sống nội tâm của chủ thể. Về cốt truyện, chủ nghĩa lãng mạn mới thường có những cốt truyện căng thẳng, gay cấn, tình tiết éo le, trong đó các yếu tố cốt yếu là chiến đấu, hiểm nguy, đôi khi có cả những bí ẩn, hoặc siêu nhân. Khác với các nhà lãng mạn thế kỷ XIX, ngôn ngữ của chủ nghĩa lãng mạn mới ít có màu sắc bi quan mà là mạnh mẽ, sắc nét, gần với trào lưu hiện thực. Thực chất, đây là một dạng thức khác của chủ nghĩa hiện thực, chỉ xuất hiện trong không khí đầy những biến động dữ dội của đời sống xã hội thế kỷ XX.
Ngoài những tác giả tên tuổi đã nêu trên, chủ nghĩa lãng mạn mới còn thu hút nhiều nhà văn có cùng nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật và có sự gần gũi nhau về phong cách như P. Stevenson (1850 – 1894), C. Doyle (1859 – 1930), E. L. Voynich (1864 – 1960)…
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức