Tư tưởng triết học của Rôgiê Bêcơn

0

R.Bêcơn (Roger Bacon, 1214-1294) là nhà triết học Anh chủ trương phê phán triết học kinh viện của Nhà thờ và chế độ phong kiến đương thời, đồng thời đề xướng khoa học thực nghiệm.

Theo R.Bêcơn, triết học mới phải là siêu hình học – khoa học lý luận chung giải thích mối quan hệ giữa các khoa học bộ phận, cũng như đem lại cho các khoa học đó những quan điểm cơ bản. Bản thân siêu hình học phải được xây dựng dựa trên thành quả của các khoa học đó. Quan điểm này chống lại quan điểm cũ coi triết học phải phục vụ thần học.

R.Bêcơn đã phê phán gay gắt tính chất vô dụng của phương pháp kinh viện. Theo ông, con đường đi đến chân lý của chúng ta bị tắt bởi 4 trở ngại sau: một là, sự sùng bái trước cái uy tín không có cơ sở; hai là, thói quen thừa nhận những quan niệm được coi là rõ ràng; ba là, tính vô căn cứ của những đánh giá thuộc về số đông; bốn là, sự thông thái giả tạo của các nhà bác học rởm. Từ đó, ông cho rằng, nguồn gốc của nhận thức phải bao gồm uy tín, lý trí, kinh nghiệm, trong đó, kinh nghiệm là quan trọng nhất. Theo ông, uy tín không được chứng minh là uy tín thiếu sót; còn lý trí (hay kết luận của nó) không được kiểm chứng bằng kinh nghiệm, thực nghiệm thì chỉ là lý trí ngụy biện, giáo điều…

Việc coi kinh nghiệm là tiêu chuẩn của chân lý, là thước đo của lý luận là một bước ngoặt mang tính cách mạng trong lý luận về nhận thức lúc bấy giờ.

R.Bêcơn đánh giá cao vai trò của các lĩnh vực khoa học mang tính thực nghiệm vì chúng giúp con người xây dựng nhà cửa, thành phố, cầu đường, làm ruộng, chăn nuôi; giúp con người có được tri thức về giới tự nhiên. Do nhận thức được vai trò quan trọng của tri thức khoa học mà ông cho rằng, không có sự nguy hiểm nào lớn hơn sự ngu dốt của con người.

R.Bêcơn dũng cảm vạch trần tội ác của giai cấp phong kiến những tội lỗi của giới giáo sĩ. Ông cho rằng cuộc chiến tranh bất tận của bọn quý tộc phong kiến, và đi kèm với nó là chính sách thuế khóa nặng nề, đã hủy hoại cuộc sống người dân lao động. Do quan niệm tiến bộ này mà ông đã bị nhà nước phong kiến cùng giáo hội Nhà thờ truy nã gắt gao, và sau đó bị cầm tù 14 năm. Mặc dù chống giáo hoàng và giáo sĩ nhưng ông không chống lại tôn giáo nói chung. Do chịu ảnh hưởng của thần học và giáo hội mà ông vẫn còn cho rằng, triết học phụ thuộc vào thần học.

Tư tưởng của R.Bêcơn là tiếng chuông báo hiệu sự kết thúc của chủ nghĩa kinh viện giáo điều và mở đầu cho thời kỳ khoa học thực nghiệm.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.