Chủ nghĩa tự nhiên

0

Chủ nghĩa tự nhiên khác với trường phái tự nhiên. Trường phái tự nhiên ở Nga thực chất bao gồm các nhà văn hiện thực xuất hiện khoảng những năm 40 – 50 của thế kỷ XIX mà cơ sở lý luận của họ là những quan niệm về văn học và nghệ thuật của nhà phê bình kiệt xuất đương thời Bielinski. Còn chủ nghĩa tự nhiên là một khuynh hướng văn học hình thành nửa sau thế kỷ XIX (chủ yếu là khoảng 1860 – 1880) ở châu Âu và Hoa Kỳ. Chủ nghĩa tự nhiên hướng vào sự miêu tả một cách khách quan, chính xác và lãnh đạm đối với thực tại và tính cách con người vốn bị quy định bởi bản chất sinh học, bởi môi trường vật chất và sinh hoạt trực tiếp chứ không tính đến các nhân tố xã hội – lịch sử.

Cơ sở xã hội – ý thức và sự ra đời của chủ nghĩa tự nhiên

Chủ nghĩa tự nhiên hình thành đầu tiên tại Pháp, khi mà mâu thuẫn xã hội và đấu tranh giai cấp giữa vô sản và tư sản trở nên gay gắt, chế độ tư bản bộc lộ rõ bản chất trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, phong trào cách mạng còn non yếu, công xã Paris bị dìm trong bể máu. Tình hình đó làm cho một bộ phận trí thức tư sản tuy thấy được những thối nát của xã hội, nhưng chưa vượt qua được những thiên kiến giai cấp, sống xa rời đời sống của nhân dân, cảm thấy hoàn toàn bất lực trước tội ác và cái xấu đang ngày một bao vây dày đặc. Tâm trạng đó lại cộng thêm sự tác động của những thành tựu về khoa học tự nhiên, là sinh lý học và triết học là chủ nghĩa thực chứng của A. Comte (1789 – 1857), cơ sở mỹ học là lý thuyết của H. Taine (1828 – 1893). Triết học thực chứng phủ nhận bản chất và nguồn gốc của sự vật, chỉ có những sự kiện và hiện tượng vật chất nghe nhìn và cảm thấy được, khoa học (ở đây là khoa học tự nhiên) giải thích và kiểm nghiệm được mới là sự thật. Cái bản chất luôn có tính chất thần bí bên trong. Họ quan niệm con người thuộc về con người tự nhiên, chứ không phải là con người xã hội, nên chỉ lo tập trung khai thác khía cạnh sinh vật và sinh lý của nó. H. Taine cho rằng, tâm lý và hành vi của con người là do sinh lý quyết định: “Tôi nghiên cứu sinh lý khoa học bằng chất liệu tinh thần không có gì khác. Tôi đã mượn ở triết học (thực chứng, P.P.P.) và khoa học thực nghiệm những phương pháp mà tôi cho rằng nó có hiệu lực và tôi đã áp dụng nó trong những ngành khoa học về tâm lý. Tôi khảo cứu tình cảm và tư tưởng như người ta đã làm đối với cơ năng và khí quản”. Những nhà văn mở đầu cho chủ nghĩa tự nhiên là Champfleury (1821 – 1889), Duranty (1933 – 1896), G. Flaubert (1820 – 1870). Người đề xướng về cương lĩnh cho lý thuyết chủ nghĩa tự nhiên đầu tiên trong văn học là E. Zola (1840 – 1902), trong các tác phẩm: Tiểu thuyết thực nghiệm, Các tiểu thuyết gia tự nhiên chủ nghĩa và đã áp dụng vào thực tiễn sáng tác của mình. Khoảng năm 1870, Zola đã hình thành một trường phái tự nhiên chủ nghĩa, thu hút các nhà văn tên tuổi như G. D. Maupassant (1850 – 1893), C. Huysmans (1848 – 1907), H. Ceard (1851 – 1924), L. Ennique (1850 – 1902), P. Alexis (1847 – 1901)… Trường phái này đã tan rã mười năm sau đó. Nhưng nó đã có sức cuốn hút tạo thành một trào lưu rộng khắp, ảnh hưởng nhiều nước trên thế giới như các tác giả G. Hauptmann, A. Holz, hai anh em nhà phê bình G. Hart và J. Hart (Đức), G. Moore, G. Gissing (Anh), S. Crane, F. Norris (Mỹ), Lemonnier (Bỉ), J. H. Strindberg (Thụy Điển), H. Ibsen (Na Uy), Manrin-Sibiriak, P. G. Boborykin (Nga) và một số nhà văn khác ở Italia và Tây Ban Nha.

Nhân vật và nguyên tắc xây dựng tính cách nhân vật

Từ thời cổ đại, các nhà triết học Hy Lạp đã phát hiện ra con người xã hội (Socrate), con người tâm linh (Platon) nhưng nay các nhà tự nhiên chủ nghĩa vứt bỏ tất cả, chỉ tập trung vào con người tự nhiên, xây dựng nhân vật trung tâm trong tác phẩm của mình là những con vật – người như chính tiêu đề một cuốn tiểu thuyết của E. Zola đã viết. Rubo sau khi đã kết hôn với Xevrin mới biết nàng đã thất tiết với bố nuôi của mình là một tên tư sản giàu có, Rubo tìm cách giết cha nuôi của vợ cho hả giận. Biết rõ thủ phạm nhưng vì thương hại Xevrin cho nên trước tòa Lăngchiê tự thủ tiêu tư cách nhân chứng, nên Rubo thoát tội. Từ đó Lăngchiê và Xevrin dan díu với nhau, tha hồ thỏa mãn nhục dục. Hai bên tìm cách trốn sang Mỹ để sinh sống, sau khi giết được Rubo. Trong khi chờ Rubo đến để thực hiện kế hoạch giết người, hai người đã ân ái với nhau, Xevrin để hở cổ ngực trắng nõn, Lăngchiê liền đâm vào đó một nhát dao. Đây vốn là thú tật điên loạn của Lăngchiê. Trước kia hắn cũng mấy lần toan làm như thế với Phlorơ, cô người yêu cũ của hắn. Vì hắn muốn hưởng  cái thú nhìn vòi máu vọt ra từ đấy, có thế mới nguôi được cơn “oán hận truyền kiếp” mà hắn đã được truyền từ dòng máu cha ông.

Nhân vật của chủ nghĩa tự nhiên không phải là con người, mà chỉ là những tính khí, hiểu theo nghĩa sinh vật học. Nó cá biệt, ngẫu nhiên, không có tâm hồn, không có lý tưởng, tình cảm theo nghĩa thông thường, mà là cảm nghĩ và hành động theo sự chi phối của sinh lý, di truyền, bệnh hoạn. Các nhà văn tự nhiên chủ nghĩa tự đặt nhiệm vụ nghiên cứu xã hội hoàn toàn như cung cách của các nhà khoa học nghiên cứu tự nhiên. Đối với họ, nhận thức bằng văn học cũng như nhận thức bằng khoa học, tác phẩm nghệ thuật như là tư liệu về con người lấy sự thể hiện đầy đủ hành vi nhận thức làm tiêu chuẩn căn bản về thẩm mỹ. Họ từ bỏ việc thể hiện đạo đức, mà cho rằng thực tại được miêu tả một cách lãnh đạm khoa học, tự nó đã đủ sức biểu hiện. Teredơ, một nhân vật khác của Zola, không thỏa mãn với chồng nên tìm đến thông dâm với một họa sĩ tên là Lôrăng, một con người cường tráng hừng hực lửa tình, đối lập với sự khờ khạo, yếu đuối của chồng mình. Nhân một cuộc du thuyền, họ dìm chết người chồng, rồi lấy nhau. Nhưng hình ảnh người chồng cứ bám riết làm cho họ dằn vặt, mê hoảng, điên loạn suốt đêm ngày. Khối thịt đông lạnh và rữa nát của chồng như luôn xen vào nằm giữa hai người. Dần dần họ căm ghét nhau, muốn tố cáo và hạ sát nhau, nhưng rồi tha thứ cho nhau và cùng tự sát. Ở hầu hết các nhà văn khác như Maupassant, Huysmans, Goncourt, Ceard… các mô típ về định mệnh, “mệnh lệnh đời sống” chi phối nặng nề hơn. Không gian nghệ thuật cho nhân vật tồn tại thường là những quán rượu, nhà thổ, những môi trường có tác dụng kích thích tính dục của con người.

Đặc điểm thi pháp

Phương pháp điển hình hóa của chủ nghĩa tự nhiên là sự lạm dụng các chi tiết đời sống, coi chi tiết không phải là phương tiện mà là mục đích của nghệ thuật. Chính Zola cũng đã từng thừa nhận rằng “bức tranh mà tôi miêu tả, đơn giản chỉ là phân tích một mẩu hiện thực như vốn nó đã tồn tại. Tôi chỉ việc xác nhận”. Chủ nghĩa tự nhiên quan niệm rằng, không cần phải chọn lọc các chi tiết của đời sống, các chi tiết bản thân nó đã là bản chất, người viết chỉ cần lắp ghép các chi tiết đó một cách trần trụi tự nhiên như nó vốn có đã là nghệ thuật rồi. Những yếu tố chi phối của sinh lý học tự nhiên thôi thúc họ trong việc chọn lựa đề tài, thể loại và miêu tả bức tranh đời sống. Tiểu thuyết Những bức tranh về Paris của Huysmans là một ví dụ: Chị thợ giặt suốt năm tháng cứ vò xát, dũ đập, đứng lên ngồi xuống, bọt nước tung tóe mặt mày. Anh thợ cạo ngày ngày vừa bắt chuyện vu vơ, vừa húi lên húi xuống, vặn trái vặn phải, phì cả hơi, cà cả râu vào mặt khách. Rồi những chuyến xe chở khách lên xuống đi về, chen lấn, huýt vai, cọ đùi nhau…

Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Nhưng chủ nghĩa tự nhiên chỉ lấy ngôn ngữ trực tiếp từ đời sống, nó có tính chất sống sượng, giàu tính khêu gợi, phàm tục, có khi bất chấp cả văn phạm và hẳn là thiếu đi sự tinh tế trong văn phong, cũng là một đặc điểm thường thấy về mặt thi pháp.

Vào khoảng năm 60 – 80 của thế kỷ XX, chủ nghĩa tự nhiên có ít nhiều thay đổi về mặt thi pháp, khi nó chiếm lĩnh những đề tài mới, đi vào những tầng vỉa mới của thực tại, trình bày cuộc sống của lớp người cơ cực, bị áp bức, đời sống của thợ mỏ, người buôn bán, tìm những tác động qua lại giữa các cá nhân và đám đông, khảo sát vai trò của tiềm thức trong tâm lý con người. “Chủ nghĩa tự nhiên – nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân viết – đưa vào văn học những thủ pháp và phương thức nghệ thuật mới để miêu tả đời sống. Chống lại thứ chủ nghĩa lạc quan chính thống giả dối, chống lại tư tưởng và đạo lý tiểu thị dân, biểu lộ tinh thần dân chủ rộng rãi và xu hướng phê phán, tố cáo, chủ nghĩa tự nhiên đã ảnh hưởng đến sự tiến bộ của tư tưởng xã hội và nhãn quan nghệ thuật.” (Lại Nguyên Ân, Từ điển văn học, bộ mới, Sđd, tr. 296)

Đến đây, có thể còn nhiều phương pháp sáng tác khác xuất hiện trong tiến trình văn học châu Âu trước thế kỷ XX hoặc nằm vắt ngang giữa hai thế kỷ XIX và XX, như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa Freud, chủ nghĩa hiện thực mới, chủ nghĩa lãng mạn mới, chủ nghĩa tình cảm,… Nhưng, hoặc là do nó là một trào lưu nhỏ, không thu hút đông đảo các tác giả tham gia, không để lại ấn tượng sâu đậm trong tiến trình văn học thế giới, nên không đề cập đến; hoặc là, tuy xuất hiện sớm, nhưng thành công chủ yếu là nằm trong phạm vi của thế kỷ XX, phương pháp sáng tác đó sẽ được khảo sát ở giai đoạn sau.

(Theo: Phạm Phú Phong, Giáo trình Tiến trình Văn học)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.