Mối quan hệ giữa xã hội học và các ngành khoa học xã hội khác
Khoa học xã hội bao gồm việc ứng dụng các phương pháp khoa học để nghiên cứu các khía cạnh con người của thế giới. Tâm lý học nghiên cứu suy nghĩ, cảm giác, hành vi (vi mô) của con người; xã hội học xem xét xã hội loài người; khoa học chính trị nghiên cứu sự quản lý, cai trị các nhóm và quốc gia; kinh tế quan tâm đến việc sản xuất và phân phối của cải của xã hội.
Sự phân biệt giữa xã hội học với các ngành khoa học xã hội khác là ở việc tìm tòi cái đặc thù, cái quy luật về những hiện tượng nảy sinh “giữa những con người trong cộng đồng, các quy luật thích nghi lẫn nhau giữa các yếu tố cấu thành của toàn bộ cộng đồng, sự tìm kiếm các lực lượng xã hội học bộc lộ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, các lực lượng khách quan tác động cả trong những cộng đồng lớn cũng như nhỏ, phát sinh một cách tự phát và bao trùm lên tất cả các hoạt động hữu ích và có mục đích của các cá nhân và các thể chế”
Bạn đang xem: Mối quan hệ giữa xã hội học và các ngành khoa học xã hội khác
Đối với các nhà xã hội học, kiến thức tâm lý học rất cần thiết trong tâm lý học xã hội. Xã hội học cũng có mối liên hệ hết sức chặt chẽ với chính trị kinh tế học. Đối với nhà xã hội học, các kiến thức về pháp lý (law) và pháp quyền (jurisdiction) cũng rất quan trọng. Thực vậy xã hội học phát triển như là một khoa học về sự phát sinh tự phát, về các lực lượng tự phát cho nên trong giới xã hội học luôn luôn có phần nào xem thường khoa học pháp lý và ngược lại, khoa học pháp lý vì vững tin ở sức mạnh điều hoà của các hành động chuẩn mực nên cũng có xu hướng coi nhẹ công tác nghiên cứu của các nhà xã hội học. Tuy nhiên, hiện nay cả hay lĩnh vực này đã xích lại gần nhau và các nhà xã hội học lẫn các nhà pháp lý đều đi đến kết luận rằng việc mô tả và giải thích đầy đủ các quá trình xã hội đã diễn ra yêu cầu phải kết hợp chặt chẽ với nhau. Ngoài ra, các nhà xã hội học cũng rất quan tâm đến kết quả nghiên cứu của các nhà nhân chủng học, sử học đặc biệt là lịch sử văn hóa.
Đời sống con người có nhiều mặt. Đó là khía cạnh kinh tế, pháp lý, thẩm mỹ, tôn giáo, chính trị…Xã hội học, do đó, có thể hiểu đời sống xã hội như là một tổng thể bằng cách nhờ sự hỗ trợ từ các ngành khoa học xã hội khác, các ngành này nghiên cứu một hoặc các khía cạnh của hoạt động con người.
Ví dụ: xã hội học để hiểu một xã hội cụ thể phải xem xét các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, môi trường địa lý, ngôn ngữ, tôn giáo, đạo đức, luật pháp và sự tương tác của nó với phần còn lại của thể giới. Điều đó cho thấy xã hội học không thể tồn tại một cách độc lập hoàn toàn với các ngành khoa học xã hội khác.
Nhưng điều đó không có nghĩa là xã hội học chỉ vay mượn từ các ngành khoa học xã hội khác và không trả lại điều gì. Thực tế cho thấy, các ngành khoa học xã hội khác cũng phụ thuộc nhiều vào xã hội học bởi lý do đơn giản là không có khía cạnh nào của đời sống con người có thể tách biệt khỏi các khía cạnh xã hội của nó.
Hơn nữa, các ngành khoa học xã hội khác chỉ tập trung nghiên cứu một khía cạnh của đời sống con người, và do đó không thể cung cấp cho chúng ta một bức tranh hoàn chỉnh về đời sống xã hội. Ví dụ, nhân chủng học văn hóa nghiên cứu con người, đặc biệt là con người nguyên thủy, và văn hóa của họ.
Kinh tế học nghiên cứu con người như là kẻ tìm kiếm sự giàu có và quan tâm đến mối quan hệ giữa sự giàu có và phúc lợi. Lịch sử nghiên cứu về quá khứ của loài người, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến con người.
Tâm lý học nghiên cứu con người như là những cá nhân có hành vi. Tâm lý học xã hội quan tâm đến cách thức các cá nhân phản ứng lại với các điều kiện xã hội. Còn xã hội học nghiên cứu mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố của đời sống xã hội và giải thích tổng thể đời sống xã hội.
Như vậy, xã hội học là một khoa học toàn diện hơn, bao gồm các ngành khoa học xã hội đặc biệt. Đó là lý do tại sao xã hội học đã được gọi là “nữ hoàng của tất cả các ngành khoa học xã hội” . Và chúng ta cũng có thể khẳng định rõ ràng là các ngành khoa học xã hội khác nhau không thể có sự tồn tại một cách hoàn toàn độc lập với những ngành khác.
Tất cả các ngành khoa học xã hội nói trên đều có một đối tượng chung đó là hành vi xã hội của con người. Như nhận xét của Simpson , “khoa học xã hội là một sự thống nhất , nhưng nó không phải là một sự thống nhất giả ; nó là một sự kết hợp năng động của các bộ phận hoạt động, và mỗi một bộ phận không thể tách rời nhau mà có tương quan chặt chẽ với nhau”.
Xã hội học và các ngành khoa học khác có nhiều điểm chung. Trong thời gian gần đây đã xuất hiện xu hướng “kết hợp dần dần” của các ngành khác nhau. Các ngăn cách cũ đang bị phá vỡ. Quan điểm về tiếp cận liên ngành đang trở thành phổ biến. Tuy nhiên các nhà xã hội học vẫn nhấn mạnh tính tự chủ về tri thức của lĩnh vực xã hội học.
Nội Dung
Xã hội học và lịch sử học
Xã hội học và lịch sử học có mối quan hệ mật thiết với nhau đến mức học giả Von-Bullow đã từ chối xem xã hội học như một ngành khoa học độc lập với lịch sử học. Lịch sử học là hồ sơ, ghi chép về đời sống của các xã hội loài người, của những sự thay đổi mà các xã hội đã trãi qua, của những tư tưởng đã chi phối các hoạt động của các xã hội và của điều kiện vật chất đã hỗ trợ hoặc cản trở sự phát triển của xã hội.
Xã hội học thì quan tâm đến việc nghiên cứu lịch sử phát triển của các xã hội. Nó nghiên cứu các giai đoạn khác nhau của đời sống, các phương thức sống, các phong tục, các cách ứng sử và các biểu hiện dưới hình thức các thiết chế xã hội. Do vậy, xã hội học phụ thuộc vào các tài liệu của lịch sử học.
Lịch sử học cung cấp sự kiện để các nhà xã hội học giải thích và kết hợp. Tương tự như thế, xã hội học cung cấp các nền tảng xã hội cho nghiên cứu lịch sử học. Hiện nay, lịch sử được nghiên cứu trên quan điểm xã hội học. Ta có thể nói rằng nghiên cứu lịch sử sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiếu sự quan tâm đến ý nghĩa xã hội.
Để lịch sử có thể giúp chúng ta hiểu hiện tại và đóng vai trò định hướng tương lai, thì việc giải thích các sự kiện về mặc xã hội học cực kỳ cần thiết. Do sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai ngành mà G. E. Howard đã phát biểu rằng Lịch sử học là xã hội học về quá khứ, Xã hội học là lịch sử học của hiện tại ( History is past Sociology, and Sociology is present History)
Xem thêm : Phim Kinh Dị Hàn Quốc hay nhất 2023
Mặc dù có sự tương quan chặt chẽ nhưng giữa hai ngành vẫn có sự khác biệt.
- Lịch sử học thì cụ thể và xã hội học thì trừu tượng. Có nhiều vấn đề của lịch sử không có liên quan trực tiếp đến xã hội học, đồng thời cũng có nhiều vấn đề của xã hội học không có trong lịch sử học. Mối quan tâm chủ yếu của các nhà xã hội học là tìm ra các quy luật chung của đời sống xã hội, còn mối quan tâm của các nhà lịch sử học là kể lại các sự kiện lịch sử theo trật tự thời gian. Các nhà xã hội học cố gắng tìm các đặc điểm chung của các sự kiện được ghi nhận bởi các nhà lịch sử học và sau đó khái quát hóa chúng.
- Xã hội học và lịch sử học có các quan điểm khác nhau. Lịch sử học nghiên cứu các sự kiện ở tất các các khía cạnh trong khi đó xã hội học nghiên cứu các sự kiện từ quan điểm của các mối quan hệ xã hội có liên quan. Ví dụ, các nhà sử học có thể mô tả một cuộc chiến tranh, các chi tiết liên quan đến cuộc chiến đó, trong khi các nhà xã hội học cố gắng hiểu cuộc chiến tranh như là một hiện tượng xã hội. Họ sẽ nghiên cứu ảnh hưởng của nó đến đời sống của con người, các thiết chế xã hội….
Xã hội học và khoa học chính trị
Xã hội học và khoa học chính trị có quan hệ gần gũi với nhau cho đến tận bây giờ. Theo Morris Ginsberg2 “Về mặc lịch sử, xã hội học có nguồn gốc chính trong khoa học chính trị và triết học lịch sử”. Khoa học chính trị là một nhánh của khoa học xã hội quan tâm đến các nguyên tắc tổ chức và quản lý xã hội loài người. Nói cách khác, khoa học chính trị giải quyết, nghiên cứu các nhóm xã hội được tổ chức dưới quyền nhà nước cấp cao.
Chúng ta có thể phát biểu rằng nếu thiếu kiến thức nền tảng về xã hội học, nghiên cứu của khoa học chính trị sẽ không thể hoàn chỉnh. Các hình thức nhà nước, bản chất của các tổ chức nhà nước, các luật lệ và các lĩnh vực hoạt động của nhà nước bị chi phối bởi các quá trình xã hội.
Barnes và các tác giả (Barnes, H.E. and others, 1924) đã viết. “vấn đề quan trọng nhất của xã hội học và lý thuyết chính trị hiện đại là hầu hết những sự thay đổi đã diễn ra trong lý thuyết chính trị trong vòng 30 năm qua tương ứng với những đề xuất và vạch ra bởi xã hội học”
Tiếp cận hành vi trong khoa học chính trị đã định hướng cho các nhà khoa học chính trị dựa vào các phương pháp nghiên cứu của các nhà xã hội học. Theo Giddings, “việc dạy lý thuyết về nhà nước cho những người chưa học những nguyên lý đầu tiên của xã hội học cũng giống như dạy thiên văn học hoặc nhiệt động lực học cho người chưa học các định luật của Newton về chuyển động.
Xã hội học cũng dựa vào khoa học chính trị để đưa ra các kết luận. Nghiên cứu chuyên biệt về đời sống chính trị của một xã hội không thể tách rời với việc nghiên cứu tổng thể xã hội. Theo Comte và Spencer, không có sự khác biệt nào cả giữa xã hội học và khoa học chính trị. G. E. G. Catlin thì nhấn mạnh rằng khoa học chính trị và xã hội học là hai mặt hoặc hai khía cạnh của cùng một vấn đề. Theo F. G. Wilson, “phải thừa nhận rằng thật khó để xác định một học giả nào đó là nhà xã hội học, nhà lý thuyết chính trị hoặc triết gia.”
Các nhà xã hội học nổi tiếng như Durkheim, Malinowski, Parsons, Spencer, Mertons, Max Weber và Leryhaix đã có những đóng góp quan trọng cho khoa học chính trị. Xã hội học chính trị (Political Sociology) là một khoa học liên ngành có mục tiêu nhằm kết hợp các tiếp cận xã hội học và chính trị học.
Các điểm khác biệt giữa khoa học chính trị và xã hội học là:
- Xã hội học là khoa học về xã hội, khoa học chính trị là khoa học về nhà nước, Gilchrist nói: “xã hội học nghiên cứu con người như một thực thể xã hội và tổ chức chính trị là một dạng đặc biệt của tổ chức xã hội; khoa học chính trị là một khoa học chuyên sâu hơn xã hội học”
- Phạm vi nghiên cứu của xã hội học rộng hơn khoa học chính trị. Khoa học chính trị chỉ nghiên cứu nhà nước và sự quản lý trong khi đó xã hội học nghiên cứu tất cả các thiết chế xã hội.
- Xã hội học quan tâm đến con người xã hội, khoa học chính trị quan tâm đến con người chính trị (political man). Xã hội học là khoa học về xã hội quan tâm đến con người và tất cả các quá trình có liên quan đến con người và tất cả các hình thức liên kết của con người, trong khi đó khoa học chính trị là khoa học về chính trị xã hội (political society) chỉ quan tâm đến một hình thức của sự liên kết con người (human association)- đó là nhà nước.
- Xã hội học là một khoa học cơ bản (general science). Chính trị học là một khoa học chuyên ngành. Tổ chức chính trị là một dạng đặc biệt của tổ chức xã hội và đó là lý do tại sao khoa học chính trị được xem là khoa học chuyên ngành còn xã hội học được xem là khoa học cơ bản.
- Xã hội học nghiên cứu các cộng đồng có tổ chức và không có tổ chức. Khoa học chính trị chỉ quan tâm đến các cộng đồng có tổ chức mà thôi.
- Xã hội học quan tâm đến cả các hoạt động vô thức, trong khi đó khoa học chính trị chỉ quan tâm đến các hoạt động có ý thức của con người.
- Cách tiếp cận khác nhau. Khoa học chính trị bắt đầu với giả định rằng con người là một thực thể chính trị; xã hội học đi sâu hơn trong việc giải thích tại sao và làm thế nào để con người trở thành một thực thể chính trị (political being)
Xã hội học và nhân học
Xã hội học và nhân học là hai ngành có mối quan hệ gần gũi với nhau và hai ngành này thường được xem có cùng đối tượng nghiên cứu. Thuật ngữ nhân học, Anthropology, bắt nguồn từ hai từ Hy Lạp là Anthropos có nghĩa là “con người” và “Logos” có nghĩa là “nghiên cứu”. Như vậy, có thể nói nhân học là khoa học nghiên cứu về con người, như nghiên cứu về sự phát triển của loài người. Do vậy, nhân học là một lĩnh vực nghiên cứu rất rộng.
Nhân học tập trung vào việc nghiên cứu con người và văn hóa của loài người trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của xã hội loài người. Xã hội học nghiên cứu cùng một đối tượng nhưng tập trung vào thời điểm hiện tại. Theo Kluckhon, “quan điểm của xã hội học tập trung vào thực tiễn và hiện tại, còn nhân học tập trung vào sự hiểu biết và quá khứ”
Xã hội học phụ thuộc nhiều vào các tài liệu do nhân học cung cấp. Thực tế, một bộ phận lịch sử của xã hội học đồng nhất với nhân học văn hóa. Nhân học đã có những đóng góp quan trọng cho nghiên cứu xã hội học.
Xã hội học phải dựa vào nhân học để nghiên cứu các hiện tượng xã hội hiện tại nhờ những tri thức về quá khứ. Xã hội học đã mượn các khái niệm như: lĩnh vực văn hóa, đặc trưng văn hóa, lệch pha về văn hóa… từ nhân học xã hội và trên cơ sở đó xã hội học văn hóa đã được phát triển.
Theo Hoebel, “xã hội học và nhân học, theo nghĩa rộng nhất, là một và giống nhau”. A. L. Karoeber gọi xã hội học và nhân học là hai chị em sinh đôi. Evans Pritchard xem nhân học học xã hội là một nhánh của xã hội học. Tương tự như thế, các kết luận từ nghiên cứu xã hội học là nguồn thông tin quan trọng cho các nhà nhân học.
Mặc dù hai ngành này có liên quan chặt chẽ với nhau nhưng lĩnh vực nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu thì rất khác nhau.
Thứ nhất, nhân học nghiên cứu tổng thể xã hội. Nó nghiên cứu các vấn đề về pháp lý, chính trị, tổ chức gia đình, tôn giáo, nghệ thuật và nghề nghiệp…Xã hội học chỉ nghiên cứu các khía cạnh cụ thể của những vấn đề đó. Xã hội học tập trung vào sự tương tác xã hội.
Thứ hai, nhân học nghiên cứu các nền văn hóa nhỏ và tĩnh trong khi đó xã hội học nghiên cứu các nền văn minh lớn và động. Đó là lý do tại sao nhân học phát triển nhanh và tốt hơn xã hội học.
Thứ ba, nhân học nghiên cứu con người và văn hóa của loài người trong suốt quá trình lịch sử phát triển xã hội loài người, trong khi đó xã hội học nghiên cứu con người và văn hóa của loài người ở hiện tại.
Xem thêm : Inđônêxia và Sự xâm lược của thực dân phương Tây
Cuối cùng, xã hội học quan tâm đến hai lĩnh vực đó là triết học xã hội học và hoạch định xã hội trong khi đó nhân học không quan tâm đến hoạch định xã hội. Nhân học không đưa ra các khuyến nghị cho tương lai.
Xã hội học và kinh tế học
Thực tế cho thấy, xã hội bị ảnh hưởng bởi các nhân tố kinh tế trong khi các quá trình kinh tế bị chi phối mạnh mẽ bởi các môi trường xã hội. Điều này là một minh chứng cho mối quan hệ chặt chẽ giữa xã hội học và kinh tế học. Kinh tế học được định nghĩa là việc nghiên cứu sự lựa chọn của con người trong việc sử dụng các nguồn lực có giới hạn để sản xuất ra của cải vật chất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Nói một cách cụ thể hơn, kinh tế học nghiên cứu sự sản xuất, phân phối và tiêu dùng các hàng hóa và dịch vụ. Kinh tế học quan tâm đến hành vi của toàn bộ nền kinh tế và hành vi của các chủ thể riêng lẻ trong nền kinh tế. Mỗi chủ thể kinh tế đều có mục tiêu để hướng tới, đó là tối đa hóa lợi ích kinh tế của họ. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế hay phúc lợi về kinh tế chỉ là một phần của phúc lợi chung và nó chỉ có thể đáp ứng được khi có đầu đủ kiến thức về các quy luật xã hội. Kinh tế học không thể phát triển mạnh nếu thiếu sự hỗ trợ của xã hội học và các ngành khoa học xã hội khác. Ví dụ, để giải quyết các vấn đề kinh tế như thất nghiệp, đói nghèo, chu kỳ kinh doanh hoặc lạm phát các nhà kinh tế phải xem xét các hiện tượng xã hội đang tồn tại.
Do đó, xã hội học có vai trò hỗ trợ kinh tế học bằng việc cung cấp các dữ liệu nghiên cứu cụ thể. Trật tự kinh tế và trật tự xã hội đan xen lẫn nhau. Có nhiều vấn đề chung giữa xã hội học và kinh tế học. Các vấn đề như gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường, giải tỏa nhà ổ chuột …là các vấn đề kinh tế học và xã hội học nó chỉ được giải quyết khi và hành vi xã hội của con người được xem xét thấu đáo.
Tương tự như thế, xã hội học cũng bị ảnh hưởng bởi kinh tế học. Các hiện tượng kinh tế bị ảnh hưởng bởi các nhu cầu và hoạt động xã hội khác nhau và đồng thời nó chi phối đến việc thiết lập, định hình và chuyển đổi các nhu cầu và hoạt động xã hội.
Các lực lượng kinh tế đóng vai trò quan trọng tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội. Đó là lý do các nhà xã hội học quan tâm đến các thiết chế kinh tế. Các nhà xã hội học tiền bối như Spencer đã phân tích các hoạt động kinh tế của con người khi phân tích các mối quan hệ xã hội. Sumner, Durkheim và Weber cũng nghiên cứu xã hội thông qua các thiết chế kinh tế.
Mặc dù có sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai ngành như đã đề cập ở phía trên, một số sự khác biệt có thể được liệt kê, đó là:
- Phạm vi của xã hội học rộng hơn. Kinh tế học chỉ giới hạn trong các hoạt động kinh tế của con người, trong khi xã hội học quan tâm đến tâm đến tất cả các mối quan hệ, không chỉ là quan hệ kinh tế mà còn là quan hệ xã hội.
- Xã hội học có quan điểm toàn diện. Mối quan tâm của các nhà kinh tế là các vấn đề có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc gia tăng hạnh phúc của con người về mặt vật chất, với phương thức và kỹ thuật liên quan đến sản xuất, phân phối và tiêu thụ. Nhà xã hội học thì quan tâm đến các khía cạnh xã hội học của các quá trình kinh tế hơn là cơ chế sản xuất và phân phối.
Xã hội học và tâm lý học
Tâm lý học nghiên cứu sự phát triển tinh thần cảm xúc của con người trong đời sống xã hội, còn xã hội học nghiên cứu về các nhóm người, các cộng đồng người. Tâm lý học hành vi và tâm lý học ứng dụng cũng đều chú ý đến hành vi, tình cảm, trí nhớ của con người ở đó nó biểu hiện sự tương tác giữa các cá nhân và nhóm xã hội. Xã hội học nghiên cứu mối quan hệ, tâm lý xã hội, nghiên cứu đời sống trong các nhóm xã hội chi phối như thế nào đến nhận thức và ứng xử của con người.
Xã hội học và tâm lý học xã hội
Tâm lý học xã hội chuyên nghiên cứu tác động của hoạt động xã hội và quá trình nhận thức lên suy nghĩ của mỗi cá nhân, cũng như ảnh hưởng và mối quan hệ của cá nhân đó với những người khác. Tâm điểm quan tâm của ngành tâm lý học xã hội là người ta làm thế nào để hiểu và tương tác với những người khác. Xã hội học nghiên cứu các nhóm khác nhau đã tạo thành xã hội.
Tâm lý học xã hội phụ thuộc vào xã hội học để có những hiểu biết đúng đắn về bản chất và hành vi của con người vì xã hội học cung cấp những tư liệu cần thiết liên quan đến cấu trúc, tổ chức và văn hóa của các xã hội mà các cá nhân con người đang sống. Đồng thời các nhà xã hội học cũng dựa vào các thông tin từ tâm lý học xã hội. Các nhà xã hội học đã nhận thức được vai trò quan trọng của các nhân tố tâm lý trong việc nhận thức những thay đổi của cấu trúc xã hội. Lappiere và Farnsworth cho rằng “tâm lý học xã hội là tâm lý học và xã hội học, cũng giống như Sinh hóa là Sinh học và Hóa học”. Theo Motwani: “tâm lý học xã hội là sự gắn kết giữa tâm lý học và xã hội học”. Do sự tương đồng giữa hai ngành mà Karl Pearson đã không đồng ý đây là hai ngành độc lập.
Có thể khái quát rằng việc nghiên cứu khoa học về các hiên tượng xã hội phải dựa trên nền tảng tâm lý học; và các hiện tượng tâm lý liên quan đến bản chất của con người phải được khám phá thông qua quan sát trực tiếp cũng như thực nghiệm. Việc cải thiện các hiểu biết về hành vi của con người sẽ làm cho xã hội học trở nên khách quan và thực tiễn hơn. Đời sống xã hội không thể chỉ nghiên cứu bằng các phương pháp của các nhà tâm lý học.
Tuy nhiên, vẫn có một số điểm khác biệt giữa hai ngành này.
- Khác nhau về chủ thể nghiên cứu. Xã hội học nghiên cứu xã hội như một tổng thể trong khi đó tâm lý học xã hội chỉ nghiên cứu các cá nhân trong quá trình tương tác như là thành viên của nhóm và ảnh hưởng của quá trình tương tác đó lên các cá nhân. Cá nhân là đơn vị phân tích của tâm lý học xã hội. Còn mối quan tâm của các nhà xã hội học là hành vi nhóm.
- Khác nhau ở quan điểm/thái độ. Xã hội hội học và tâm lý học xã hội quan tâm đến đời sống xã hội từ các khía cạnh khác nhau. Xã hội học nghiên cứu xã hội trên quan điểm nhân tố cộng đồng (community element) trong khi đó tâm lý học xã hội dựa trên quan điểm các nhân tố tâm lý có liên
Xã hội học và luật học
Luật học quan tâm đến nghiên cứu toàn thể các nguyên tắc pháp lý. Luật học và xã hội học có liên quan mật thiết với nhau. Xã hội học nghiên cứu con người trong xã hội. Luật kiểm soát và quy định hoạt động của con người trong xã hội và như vậy nó là chủ đề quan trọng cho các nhà xã hội học.
Tuy nhiên, cách tiếp cận đến chủ đề pháp luật của nhà xã hội học và luật sư có khác nhau. Luật sư quan tâm đến các luật lệ mà con người phải tuân thủ; luật sư không quan tâm đến làm thế nào và mức độ các luật lệ này chi phối hành vi của công dân. Nhà xã hội học, mặc khác, quan tâm đến luật như là một hiện tượng xã hội. Mối quan tâm chính không phải là bản thân các luật lệ mà là nó có được tuân thủ hay không và cách thức như thế nào. Xã hội học nghiên cứu luật theo khía cạnh này được gọi là Xã hội học pháp lý.
Xã hội học đã giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà xã hội cần phải giải quyết, đặc biệt là từ quan điểm của pháp luật hình sự. Kết quả là luật học đã thừa nhận một quan điểm mới là luật lệ được lập ra cho con người và các nhà làm luật, công tố phải quan tâm đến con người và các khía cạnh xã hội khi làm luật và thực thi luật pháp.
Xã hội học và triết học
Những nhà sáng lập ra môn xã hội học đều là những nhà triết học, trước khi xã hội học trở thành một khoa học độc lập thì nó đã tồn tại và gắn liền với triết học. Triết học là một hệ thống các ý tưởng, các giá trị, là một hệ thống các tư tưởng suy tư, con người phải kết hợp với nhau và hành động như thế nào. Còn xã hội học thì nghiên cứu cách thức con người ứng xử với nhau như thế nào, và hậu quả của lối ứng xử này ra sau? Triết học cung cấp cho xã hội học phương pháp luận khoa học khi xem xét các sự kiện xã hội, còn xã hội học đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu sự tương tác của con người trong xã hội, đặc biệt là nó chú trọng nghiên cứu sự hình thành và kết cấu trong xã hội, các phong tục, tập quán, các giá trị…xã hội học đi tìm những điều kiện xã hội, những logic đằng sau chi phối các ứng xử của con người. Đồng thời xã hội học cũng tác động trở lại triết học, nó cung cấp cho triết học những tư liệu, những sự kiện, những hiện tượng xã hội để triết học xem xét (Phạm Tất Dong, Lê Ngọc Hùng và ctg, 2001)
(Nguồn tham khảo: TS. Võ Văn Việt, Xã hội học đại cương)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức