Cách mạng Pháp 1848, Nền cộng hòa và Đế chế thứ hai
Cuộc cách mạng 1848 ở Pháp đã lật đổ nền Quân chủ tháng Bảy, thiết lập nền Cộng hòa thứ hai từ 1848 đến 1852. Giai đoạn lịch sử này được chia làm ba thời kỳ :
- Thời kỳ tháng Hai từ 24-2-1848 đến 4-5-1848.
- Thời kỳ thành lập chế độ Cộng hòa và Quốc hội lập hiến từ 4-51848 đến 29-5-1849.
- Thời kỳ Cộng hòa hiến chế và Quốc hội lập pháp từ 29-5-1849 đến 2-12-1851.
Nội Dung
I – Cuộc cách mạng tháng Hai và sự thành lập chính phủ lâm thời
Đầu năm 1848, tình thế cách mạng đã chín mùi ở Pháp. Các tầng lớp nhân dân bất mãn trước những chính sách phản động của nền Quân chủ tháng Bảy do Luy Philip đứng đầu. Phong trào đòi cải cách chế độ tuyển cử phát triển mạnh mẽ. Vì bị kiểm soát chặt chẽ nên những người tham gia đấu tranh chống chính phủ thường hội họp dưới hình thức những “bữa tiệc”. Chính phủ ra lệnh cấm “bữa tiệc” của những người đòi cải cách tuyển cử định tổ chức vào ngày 22 tháng 2. Quần chúng trả lời lệnh đó bằng thái độ kiên quyết đấu tranh, tiến hành một cuộc biểu tình lớn ở Pari, đòi Ghizô – khi đó là thủ tướng – phải từ chức và đòi cải cách tuyển cử. Nhiều cuộc xung đột nổ ra giữa cảnh sát, binh lính với những người biểu tình. Các chiến lũy được dựng lên khắp các ngả đường. Chiều ngày 23, quân đội và cảnh sát tiến hành nhiều cuộc khủng bố đẫm máu. Nhưng công nhân không lùi bước, nhanh chóng chiếm lấy các vị trí chiến lược, chuyển Pari vào tay nghĩa quân. Luy Philip hoảng hốt bỏ chạy sang Anh. Ngai vàng bị lôi ra trước quảng trường và bị đốt trong tiếng reo hò “Nền cộng hòa muôn năm”.
Bạn đang xem: Cách mạng Pháp 1848, Nền cộng hòa và Đế chế thứ hai
Sau 18 năm thống trị (1830-1848) nền quân chủ tháng Bảy hoàn toàn sụp đổ. Ngay sau ngày khởi nghĩa, chính phủ lâm thời được thành lập gồm có 11 người. Trong đó, 7 người thuộc nhóm Cộng hòa tư sản cánh hữu, hai người Cộng hòa tiểu tư sản và hai đại biểu thuộc phái xã hội chủ nghĩa là Luy Blăng và Anbe. Chủ tịch chính phủ lâm thời là luật sư Đuypông nhưng kẻ đứng đầu thực sự là một người tự do ôn hòa, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lamactin. Đó là biểu hiện của sự thỏa hiệp giữa các giai cấp khác nhau đã từng cùng nhau lật đổ nền Quân chủ tháng Bảy, nhưng lợi ích thì vẫn đối lập nhau, đa số là các đại biểu của giai cấp tư sản.
Ngày 25-2 nền cộng hòa thứ hai được tuyên bố thành lập, nhưng đó không phải là nền cộng hòa xã hội như giai cấp công nhân mong muốn, mà là cộng hòa tư sản. Tuy vậy, lực lượng công nhân cũng buộc giai cấp tư sản phải nhượng bộ ít nhiều.
Ngày 25-2 Chính phủ thông qua quyết nghị thành lập ủy ban lao động do Luy Blăng và Anbe phụ trách, đặt trụ sở tại cung điện Lúcxămbua. Luy Blăng tập họp trong ủy ban những đại biểu của chủ xưởng, đề ra những kế hoạch không tưởng tiểu tư sản, tuyên truyền đường lối hòa bình, hợp tác giai cấp, trông chờ vào quốc hội lập hiến. Luy Blăng đóng vai trò quan trọng trong việc dàn hòa các xung đột giữa công nhân và chủ xưởng, ngăn ngừa các cuộc bãi công, làm tê liệt tinh thần cách mạng của quần chúng.
Trong tình trạng thất nghiệp ngày càng trầm trọng, chính phủ lâm thời ra quyết nghị thành lập các “công xưởng quốc dân”. Đến giữa tháng 5, các công xưởng đó thu hút tới 10 vạn người. Công việc của họ không phải là sản xuất mà là trồng cây, lát đường, quét quảng trường… Tiền lương mỗi ngày 23 xu. Các công xưởng quốc dân được tổ chức ở Pari, Lyông, Năngtơ và các thành phố khác. Dưới chiêu bài giải quyết nạn thất nghiệp, những công xưởng này sẽ làm hoãn phần nào các cuộc đấu tranh giai cấp, gieo rắc ảo tưởng chờ đợi vào chính phủ, phù hợp với lời tuyên truyền của Luy Blăng. Dưới con mắt của giai cấp tư sản, tiểu tư sản và nông dân thì công nhân các công xưởng quốc dân chỉ là những người “vô công rồi nghề”, lười biếng mà vẫn lĩnh lương trích trong các khoản thuế của họ. Do đó, các giai cấp khác sẽ bị lầm lẫn khi ủng hộ tư sản trong việc tiêu diệt lớp người đông đảo này khi có điều kiện.
Chính phủ lâm thời thành lập một đội vệ binh biệt động gồm 24 tiểu đoàn tuyển lựa những thanh niên từ 15 đến 20 tuổi. Phần đông họ thuộc về tầng lớp vô sản lưu manh, sẵn sàng bán mình cho giai cấp tư sản, được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt. Điều nguy hiểm là giai cấp công nhân đã coi đó là đội vệ binh vô sản đối lập với đội vệ quốc tư sản, coi nó là những chiến sĩ tiên phong của mình trên các chiến lũy, hoan hô nó một khi cuộc diễu hành được diễn ra trên đường phố. Thực ra, nó là một đội quân chống vô sản nằm ngay trong lòng giai cấp vô sản.
Nền tài chính thiếu hụt là vấn đề cấp thiết đặt ra trước mắt Chính phủ lâm thời. Chính phủ ban hành nhiều biện pháp: duy trì tất cả các thuế khóa trước kia đánh vào quần chúng nhân dân; trả lại trước kỳ hạn cho những người mua công trái quốc gia (hầu hết là tư sản) để gây lòng tin tưởng của giai cấp tư sản đối với khả năng trả nợ của nhà nước; lưu hành cưỡng bức trong toàn quốc các tín phiếu của Ngân hàng … Để bù đắp lỗ hổng của ngân quỹ, ngày 16-3, chính phủ ra sắc lệnh tăng 45 phần trăm đánh vào bốn loại thuế trực thu ở nông thôn. Báo chí tư sản làm cho công nhân tưởng rằng thuế đó đánh vào bọn địa chủ nhưng thật ra là đập vào lưng nông dân. Nó lại làm cho nông dân tưởng rằng món thuế tăng của mình dùng để nuôi những người vô sản “lười biếng ở thành thị, là gánh nặng do nền Cộng hòa đem lại cho họ. Cho nên “thuế 45 xăngtim” là một vấn đề sinh tử đối với nông dân Pháp; họ đã biến thứ thuế đó thành vấn đề sinh tử đối với nền Cộng hòa. Từ đấy trở đi, đối với người nông dân Pháp thì nền Cộng hòa là món thuế 45 xăngtim và họ coi giai cấp vô sản Pari là kẻ lãng phí đã ăn chơi hưởng lạc bằng mồ hôi nước mắt của họ.
Trong chính sách đối ngoại, Chính phủ cũng thi hành nhiều biện pháp phản động: không chịu ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước, ngăn cản sự thống nhất nước Ý và nước Đức, tìm mọi cách thân thiện với chính phủ Sa hoàng và chính phủ tư sản Anh.
Tuy nhiên, trong thời gian này, giai cấp công nhân cũng giành được một số cải cách dân chủ nhất định, Sắc lệnh ngày 2-3 quy định ngày làm việc rút xuống 10 giờ ở Pari và 11 giờ ở các tỉnh. Quyền tuyển cử phổ thông cho nam giới đến 21 tuổi được thực hiện. Sự bãi bỏ thuế tem đánh vào báo chí làm cho các tờ báo có khuynh hướng dân chủ được xuất bản và lưu hành rộng rãi. Quyền tự do hội họp và lập hội được ban hành làm nảy sinh nhiều hội và câu lạc bộ dân chủ. Riêng mùa xuân 1848 ở Pari đã có gần 30 câu lạc bộ, tổ chức theo tính chất nghề nghiệp hoặc liên hiệp theo các khuynh hướng chính trị. Ngày 27-4, Chính phủ ra sắc lệnh thủ tiêu chế độ nô lệ da đen ở các thuộc địa Pháp.
II – Thành lập chế độ Cộng hòa và cuộc khởi nghĩa tháng Sáu
1. Quốc hội lập hiến
Sau một thời gian dài đấu tranh xoay quanh vấn đề bầu cử, ngày 4-51848, Quốc hội lập hiến khai mạc, mở đầu thời kỳ thành lập, xây dựng nền Cộng hòa tư sản.
Tổng số đại biểu trong quốc hội là 880, trong đó, chiếm đa số và có thế lực nhất là phái Cộng hòa cánh hữu, còn gọi là “Cộng hòa tam tài” hay “Cộng hòa thuần túy” 550 ghế. Bọn bảo hoàng thuộc hai dòng Buốcbông và Oóclêăng chiếm 212 ghẽ. Phái Bônapactơ chiếm một địa vị không đáng kể. Những người dân chủ tiểu tư sản chiếm 80 ghế. Còn công nhân chỉ có 18 ghế.
Quốc hội lập hiến thành lập một chính phủ gọi là ủy ban chấp hành. Các bộ trưởng xã hội chủ nghĩa bị gạt ra ngoài, Chiếm đa số trong ủy ban là những người Cộng hòa tư sản cánh hữu có liên hệ chặt chẽ với tầng lớp đại tư sản. Chính phủ công khai bác bỏ lời đề nghị thành lập Bộ Lao động, hạn chế quyền đưa kiến nghị, quyền tự do báo chí, ngăn cản những hoạt động của các câu lạc bộ dân chủ.
Bất mãn trước những hành động của Quốc hội và Chính phủ, ngày 15-5-1848, các câu lạc bộ cách mạng ở Pari tổ chức cuộc biểu tình lớn, có tới 20 vạn người tham gia. Đoàn biểu tình kéo đến trụ sở quốc hội, ùa vào phòng họp, Raxpai, Blăngki, Bacbexơ… lên diễn đàn yêu cầu đặt ra thứ thuế đánh vào bọn tư sản có vốn trên 1 tỉ phrăng, thành lập ủy ban kiểm tra các hoạt động của Chính phủ, đưa quân đội ra khỏi Pari, giúp đỡ những người thất nghiệp và nghèo đói, viện trợ cho quân cách mạng ở Ba Lan. Không một đề nghị nào được chấp thuận. Các đại biểu Quốc hội bỏ ra về. Một số người lãnh đạo cuộc biểu tình chủ trương giải tán Quốc hội, thành lập chính phủ mới mặc dầu Blăngki và Raxpai khuyên can vì tình hình chưa chín mùi. Đoàn biểu tình kéo đến tòa Thị chính tuyên bố thành lập chính phủ mới, trong đó có các đại biểu xã hội chủ nghĩa và dân chủ tiểu tư sản. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, quân đội kéo đến đàn áp những người biểu tình. Các lãnh tụ của phong trào – Blăngki, Raxpai, Bacbexơ, Anbe… bị bắt.
Cuộc đàn áp ngày 15-5 mở đầu cho trận phản công của giai cấp tư sản đối với công nhân. Các câu lạc bộ bị đóng cửa. Tướng Cavenhắc, một tên công sứ tàn ác ở Angiêri được cử làm Bộ trưởng Bộ Chiến tranh.
Chính phủ ra sắc lệnh ngăn cấm các cuộc tụ họp trên đường phố. Mũi nhọn của cuộc phản công hướng vào các công xưởng quốc dân vì ở đó phần lớn công nhân có liên hệ gần gũi với các câu lạc bộ cách mạng. Bọn tư sản khiêu khích trong các công xưởng, âm mưu làm cho công nhân khởi nghĩa non để dễ đàn áp.
2. Cuộc khởi nghĩa tháng Sáu
Ngày 22 tháng 6, Chính phủ ra sắc lệnh buộc tất cả thanh niên chưa vợ từ 18 đến 25 tuổi trong các công xưởng quốc dân và không có chỗ ở cố định ở Pari phải đi lính. Các công nhân quá 25 tuổi phải về quê làm ruộng.
Công nhân hiểu ngay rằng đó là một đòn tấn công vào phong trào của họ. Bọn tư sản phản động thành lập các công xưởng quốc dân với âm mưu tổ chức một đội quân vô sản tay sai bên cạnh đội vệ binh biệt động. Nhưng kết quả thực tế lại là công nhân tranh thủ điều kiện đó để tập họp, tổ chức chống Chính phủ. Các sắc luật trên nhằm tách công nhân ra khỏi Pari và phá hoại phong trào. Công nhân Pari tuyên bố họ không rời khỏi thành phố trước khi thông qua một bản hiến pháp mới, “dân chủ, xã hội và nhân dân”, một bản hiến pháp “bảo đảm tính chất bất khả xâm phạm của chế độ Cộng hòa”.
Chiều hôm đó và sáng hôm sau, 23-6, trên quảng trường Păngtêông, công nhân họp mít tinh chống lại lệnh của Chính phủ, quyết định cầm vũ khí chiến đấu. Chỉ vài giờ sau, hơn 600 chiến lũy mọc lên khắp đường phố, kế hoạch tác chiến được vạch ra. Kecxôxi – người bạn chiến đấu của Raxpai – chủ trương lấy vùng ngoại ô phía đông Pari làm căn cứ địa, dựa chắc chắn vào khu công nhân. Từ đó bằng 4 mũi tấn công, nghĩa quân sẽ bao vây tòa Thị chính và tiến sang khu tư sản ở phía tây của thành phố.
Các chiến lũy của công nhân đều phấp phới cờ đỏ ghi khẩu hiệu: “Bánh mì hay đạn chì”, “Đạn chì hay việc làm”. “Sống có việc làm hay chết trong chiến đấu”, “Đả đảo chế độ người bóc lột người”, “Nền Cộng hòa xã hội muôn năm”… Công nhân dự kiến danh sách chính phủ mới sẽ thành lập sau khi thắng lợi. Trong đó có các đại biểu công nhân và xã hội chủ nghĩa như Blăngki, Raxpai, Cabê, Bacbexơ, Anbe… Trong lời kêu gọi của mình, nghĩa quân nhấn mạnh ý nghĩa quốc tế của cuộc khởi nghĩa: “Sự nghiệp mà chúng tôi bảo vệ là sự nghiệp của toàn thế giới”, “Nếu Pari bị sa vào xiềng xích thì toàn châu Âu sẽ bị nô dịch”. Tính chất vô sản của cuộc chiến đấu thể hiện rõ ràng.
Trưa ngày 23-6, tiếng súng giao tranh bắt đầu nổ. Thành phố Pari chia thành hai trận tuyến rõ rệt: phía đông và phía tây. Nếu trong những ngày tháng Hai, giai cấp tư sản đứng cùng một chiến lũy với giai cấp vô sản chống lại nền quân chủ tháng Bảy và đã từng tỏ ra đau xót trước những giọt máu, của người dân thành phố bị hy sinh thì trong những ngày tháng Sáu, giai cấp tư sản đứng sang trận tuyến đối lập với công nhân, xả súng giết công nhân một cách điên cuồng.
Sáng ngày 26-6, trận chiến đấu kết thúc. Lần đầu tiên Cavenhắc dùng đến đại bác, lựu pháo và hỏa tiễn ngay trên đường phố, tàn phá nhà cửa, mặc dầu những vũ khí đó có hủy hoại một phần tài sản của chúng. Cuộc khởi nghĩa bị nhấn chìm trong biển máu. 25 nghìn công nhân bị bắt, ba nghìn người bị đưa đi đày không xét xử, khắp nước Pháp bao trùm không khí khủng bố bắn giết.
Cuộc khởi nghĩa tháng Sáu bị thất bại vì thiếu một trung tâm chỉ đạo thống nhất. Trong cuộc đấu tranh, nhiều nhà quân sự trẻ tuổi, đầy tài năng và dũng cảm của công nhân xuất hiện, chỉ huy chiến đấu trong từng khu vực, trên các chiến lũy. Nhưng các chỉ huy trưởng đó không liên hệ được với nhau, không thực hiện được kế hoạch của Kecxôxi – người đầu tiên tổ chức các cuộc chiến đấu trên đường phố – không có tổ chức thống nhất, thiếu sự lãnh đạo sáng suốt và chặt chẽ. Giai cấp công nhân ở Pari đã tiến hành khởi nghĩa trong tình trạng bị cô lập. Khi tiếng súng nổ ra trên đường phố thủ đô, nhiều trung tâm công nghiệp không lên tiếng ủng hộ.
Xem thêm : Chủ nghĩa lãng mạn mới
Cuộc khởi nghĩa tháng Sáu bị thất bại nhưng có ý nghĩa lịch sử rất lớn. Ngay trong khi các sự kiện đang tiếp diễn, Mác và Ăngghen công khai tỏ tình đoàn kết với nghĩa quân, theo dõi từng trận đánh, kêu gọi công nhân toàn thế giới ủng hộ công nhân Pari. Hai ông vạch rõ tính chất vô sản của cuộc chiến đấu. Mác nhận định rằng đó là “trận giao chiến lớn đầu tiên đã diễn ra giữa hai giai cấp đối lập trong xã hội hiện đại. Đó là cuộc đấu tranh để duy trì hoặc để tiêu diệt chế độ tư sản”[19]
3. Cuộc bầu cử Tổng thống và sự thất bại của phái tư sản Cộng hòa
Sau khi tiêu diệt cuộc khởi nghĩa tháng Sáu, chính phủ Cộng hòa thiết lập chế độ chính trị phản động khủng bố gắt gao, tước bỏ quyền dân chủ, tập trung quyền hành độc đoán vào tay người đứng đầu nhà nước là Tổng thống.
Cuộc bầu cử ngày 10-12-1848 đã đưa Luy Bônapactơ lên làm Tổng thống thiết lập quyền thống trị của tầng lớp đại tư sản có xu hướng bảo hoàng, tập hợp trong đảng Trật tự. Đảng Trật tự có hai phái: phái Chính thống gồm những địa chủ đã thống trị thời Trung Hưng (1815-1830) và phái Oóclêăng gồm bọn quý tộc tài chính và công nghiệp lớn của thời Quân chủ tháng Bảy (1830-1848). Đúng như tên gọi, ý đồ của chúng là khôi phục lại “trật tự” của chế độ quân chủ với quyền hành không hạn chế của bọn đại tư sản và địa chủ. Trước áp lực của bọn bảo hoàng, Quốc hội lập hiến phải tuyên bố giải tán ngày 29-1-1849.
III – Thời kì Cộng hòa hiến chế và cuộc chính biến của L. Bônapactơ
Ngày 29-5-1849, cuộc bầu cử Quốc hội lập pháp được tiến hành. Đảng Trật tự giành được đa sổ trong quốc hội, chiếm 500 ghế. Phái Bônapactơ khi đó mới chỉ là cái đuôi của Đảng Trật tự mà thôi. Phái Cộng hòa tư sản cánh hữu chỉ còn 70 ghế. Phái dân chủ và xã hội chủ nghĩa – còn gọi là phái Núi – chiếm 180 ghế.
Trước các chính sách phản động của chính phủ Bônapactơ, những người dân chủ tiểu tư sản dần dần thấy rằng mình đã bị lừa trong những ngày tháng Sáu. Họ nhích lại gần với công nhân. Cuối cùng tháng 2-1849, các “bữa tiệc hòa giải” được tổ chức giữa công nhân và những người dân chủ tiểu tư sản. Họ thành lập phái “Núi mới” (phái Giacôbanh mới), chiếm được nhiều phiếu và trở thành một lực lượng đáng sợ của đảng Trật tự. Phái Núi tự cho rằng họ sẽ tiếp tục truyền thống của những người Giacôbanh hồi cuối thế kỷ XVIII. Họ chủ trương thiết lập chế độ Cộng hòa dân chủ để làm giảm nhẹ sự đối kháng lao động và tư bản, để cải biến xã hội theo con đường dân chủ trong khuôn khổ tiểu tư sản. Thực ra, trong điều kiện lịch sử lúc đó, họ không còn lý tưởng và khí phách của những người Giacôbanh thuở trước nữa.
Thành phần quốc hội lập pháp đã phản ánh tương quan lực lượng của xã hội lúc đó. Kẻ thù trước mắt của đảng Trật tự là phái Núi. Giai cấp tư sản bảo hoàng thấy cần phải tẩy trừ phái tiểu tư sản dân chủ.
Để đàn áp cao trào cách mạng của nhân dân Ý, quân đội Pháp liền được cử sang Rôma. Ngày 11-6, những nghị viên tiểu tư sản do Lơđruy Rôlanh làm đại biểu đòi truy tố Tổng thống và Quốc hội về sự vi phạm những điều khoản của hiến pháp cấm can thiệp vào cách mạng nước khác. Đa số phiếu của bọn phản động bác bỏ lời buộc tội đó. Những người dân chủ tiểu tư sản kêu gọi quần chúng biểu tình ngoài đường phố. Ngày 13-6, cuộc biểu tình có tính chất hòa bình được tổ chức ở Pari nhưng bị quân đội đàn áp. Các thủ lĩnh phái Núi không phát động được quần chúng nhân dân, không có cương lĩnh rõ rệt. Cuối cùng, họ bị loại trừ ra khỏi Quốc hội bởi bàn tay đẫm máu của viên tướng bảo hoàng Sănggaoniê theo đúng kế hoạch của đảng Trật tự.
Sự thất bại thảm hại của phái Núi đã củng cố địa vị của đảng Trật tự. Chúng liền thi hành hàng loạt chính sách phản động: đóng cửa các tờ báo tiến bộ, phục hồi thuế rượu đánh vào nông dân, đặt giáo dục dưới sự kiểm soát của giáo hội và đặc biệt là tăng điều kiện cư trú của người đi bầu lên ba năm, gạt ra ngoài danh sách cử tri gần ba triệu công nhân.
Như vậy là trong hơn hai năm trời, giai cấp vô sản, tư sản-cộng hòa và tiểu tư sản dân chủ lần lượt bị gạt ra khỏi vũ đài chính trị. Khi nguy cơ cách mạng tạm qua khỏi, mâu thuẫn trong nội bộ tập đoàn thống trị giữa Tổng thống và Quốc hội (đa số là phái Trật tự) lại nổi lên. Đảng Trật tự thấy không cần đến vai trò của Luy Bônapactơ nữa, muốn phục hồi chế độ quân chủ. Luy Bônapactơ cũng muốn xây dựng chính quyền độc đoán cá nhân nên thành lập “Hội Mười tháng Chạp” để làm chỗ dựa. Lợi dụng sự bất đồng giữa hai phái trong nội bộ đảng Trật tự là phái Buôcbông và phái Oóclêăng, Luy Bônapactơ từng bước loại dần đối thủ ra khỏi các chức vụ quan trọng của nhà nước, hạn chế quyền lực của nghị viên và cuối cùng, đêm 2-12-1851, làm cuộc chính biến dưới sự yểm hộ của pháo binh.
Các nghị viên đảng Trật tự không dám chống cự, không dám ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân, đã lần lượt vào tù. Nhóm Cộng hòa cánh tả do nhà văn Vichto Huygô đứng đầu thành lập “ủy ban kháng chiến”, kêu gọi nhân dân vũ trang bảo vệ nền Cộng hòa. Ngày 3 và 4-12, các chiến lũy được dựng lên ở khu ngoại ô Xanh Ăngtoan và trong thành phố, các chiến sĩ công nhân lại đứng lên chiến đấu một lần nữa. Nhưng do lực lượng của họ bị suy yếu quá nhiều sau cuộc khởi nghĩa tháng 6-1848 nên đến ngày 5-12, cuộc kháng cự ở thủ đô bị dập tắt. Cuộc đấu tranh ở các quận và các tỉnh miền Đông Nam nước Pháp cũng không kéo dài được bao lâu. Cuộc khủng bố lan tràn trong toàn quốc, 26.000 người bị bắt, hàng ngàn người bị đày và bị trục xuất khỏi nước Pháp.
Ngày 14-1-1852, hiến pháp mới ra đời, trao toàn bộ chính quyền vào tay Tổng thống với nhiệm kỳ 10 năm.
Ngày 2-12-1852, đúng một năm sau vụ đảo chính, Luy Bônapactơ lên ngôi hoàng đế, lấy danh hiệu là Napôlêông III. Nền Cộng hòa thứ hai sụp đổ. Đế chế thứ hai được xác lập.
IV – Nước Pháp dưới thời Đế chế hai
1. Tình hình chính trị và kinh tế – xã hội
Chế độ Bônapactơ thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ đã ban hành trong thời kỳ cách mạng 1848. Chính phủ bãi bỏ các tổ chức dân chủ, ngăn cấm các câu lạc bộ chính trị, hạn chế tự do báo chí, đóng cửa các tờ báo đối lập, nhà trường và nhà hát chịu sự kiểm soát ngặt nghèo của cảnh sát. Những người Cộng hòa bị truy tầm gắt gao. Bộ máy quan liêu và cảnh sát được tăng cường đến mức chưa từng thấy. Giáo hội có ảnh hưởng to lớn trong các lĩnh vực sinh hoạt của nhà nước.
Cuộc cách mạng công nghiệp ở Pháp hoàn thành vào những năm 5060 của thế kỷ XIX sau một thời gian phát triển lâu dài. Hầu hết các ngành công nghiệp đều sử dụng máy móc. Không kể số máy dùng trong các đầu xe lửa và tàu biển, việc sử dụng máy hơi nước tăng lên đến bốn lần, từ 6080 máy lên 26221 máy (1852-1869).
Ngành công nghiệp nặng phát triển với nhịp độ nhanh chóng, tốc độ vượt hẳn công nghiệp nhẹ, mặc dầu tỉ trọng trong khối lượng tổng sản phẩm công nghiệp còn thua kém.
Sự phát triển của ngành giao thông thủy bộ cũng thể hiện một mặt của bước tiến công nghiệp trong vòng 20 năm. Trong khoảng 1850-1870 chiều dài đường sắt tăng lên 5 lần, tàu chạy bằng máy hơi nước tăng hơn 3,5 lần với trọng tải tăng hơn 10 lần.
Cũng trong thời gian này ở nước Pháp bắt đầu diễn ra quá trình tập trung sản xuất với quy mô lớn. Trong khoảng thời gian 1856-1868, số lò cao thuộc ngành luyện kim giảm đi một nửa trong khi sản phẩm tăng gấp ba lần. Xí nghiệp luyện kim Crơdô thuê tới 1 vạn công nhân. Các cơ sở kinh doanh đường sắt tập trung trong 6 công ty. Trong ngành thương nghiệp cũng bắt đầu xuất hiện những cửa hàng tổng hợp lớn ở Pari. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh quy mô vừa và nhỏ vẫn phổ biến và chiếm ưu thế. Theo thống kê thì cuối những năm 60, 75% chủ xưởng là người kinh doanh các cơ sở vừa và nhỏ, 60% công nhân làm việc tại đó. Riêng Pari, trong số 44 vạn công nhân thì chỉ có 5 vạn làm việc trong xí nghiệp lớn (hơn 11%) số còn lại làm việc trong các xưởng nhỏ chế tạo giầy dép, thực phẩm, áo quần, xa xỉ phẩm, mỗi xưởng không quá 10 người thợ. Hình thức gia công của thời kỳ công trường thủ công vẫn tồn tại.
Sự phát triển của ngoại thương cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Pháp: năm 1851 tổng số tiền mậu dịch đối ngoại là 2.615 triệu phrăng, năm 1869 đã lên tới 8003 triệu, gấp hơn 3 lần. Bằng những hiệp ước ký kết với các nước, Pháp tăng cường buôn bán với Anh, Bỉ, Đức, Ý, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Hà Lan, Áo, Bồ Đào Nha…, trong đó nước Anh chiếm tỉ lệ hàng hóa cao nhất.
Sự phát triển của tư bản ngân hàng diễn ra nhanh hơn sự phát triển của tư bản công nghiệp. Những hoạt động của ngân hàng Pháp tăng lên gấp 5 lần (năm 1851: 1592 triệu phrăng, 1869: 8325 triệu phrăng). Các cơ sở giao dịch hoạt động rất mạnh mẽ. Sở Giao dịch Pari trở thành một thị trường buôn bạc ở châu Âu, cạnh tranh với Sở Giao dịch Luân Đôn. Số tư bản to lớn đó của nước Pháp không được sử dụng vào việc phát triển công nghiệp hay nông nghiệp. Phần lớn được xuất khẩu ra các nước chậm phát triển ở châu Âu và các thuộc địa dưới hình thức ngân hàng cho vay lãi hay đầu tư khai thác những nước đó. Năm 1868, 14 chính phủ các nước phải vay nợ của ngân hàng Pháp 33 tỉ phrăng. Nước Pháp dần dần đóng vai trò của kẻ cho vay trên thị trường thế giới.
Do ảnh hưởng của sự phát triển công nghiệp, bộ mặt Pari và các thành phố thay đổi rõ rệt. Một hệ thống đại lộ, nhà ga, cửa hàng, công viên được dựng lên thay thế các phố cũ chật hẹp.
Năm 1857, cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra trong các ngành công nghiệp quan trọng. Đến 1866-1867, những cuộc khủng hoảng xảy ra trong ngành tín dụng nhiều hơn là trong công nghiệp.
Nhìn chung, đến những năm 50-60 thế kỷ XIX, nước Pháp đã hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp sau hơn một thế kỷ tiến hành. Đặc điểm của nó là ngay trong cao trào sản xuất công nghiệp, nền sản xuất quy mô vừa và nhỏ vẫn chiếm ưu thế. Phần lớn số vốn không đầu tư vào các ngành công nghiệp mà dùng để cho vay. Cũng như bất cứ một nước tư bản chủ nghĩa nào khác, cuộc cách mạng công nghiệp ở Pháp được tiến hành một cách tự phát theo quy luật thặng dư giá trị, quy luật lợi nhuận. Nó thường bắt đầu phát triển từ các ngành công nghiệp nhẹ. Nguồn tích lũy tư bản của nó được thực hiện bằng cách bóc lột nhân dân trong nước, nhân dân các thuôc đĩa và nhân dân các nước khác.
Quá trình công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa đem lại những món lợi kếch sù cho giai cấp tư sản, nhưng đồng thời bần cùng hóa các tầng lớp quần chúng lao động. Năm 1858, ở Pháp có tới 3 triệu ăn mày và chừng 6 triệu người không đủ mức sống tối thiểu. Tiền lương thực tế giảm sút vì giá bánh mì và các thực phẩm tăng 50%, trong khi tiền lương danh nghĩa chỉ tăng có 10%. Ngày làm việc của công nhân kéo dài từ 13 đến 16 giờ. Đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bị bóc lột rất cùng cực. Năm 1867, lương nữ công nhân chỉ bằng 55% lương nam giới, lương trẻ em chỉ bằng 12%. Một số xí nghiệp thuê cả trẻ em dưới 8 tuổi, vì tiền lương rẻ, bọn chủ xưởng thường thích thuê công nhân phụ nữ và trẻ em hơn nam giới. Kết quả của lối bóc lột thậm tệ đó là tư bản ngày càng tích lũy trong tay chủ xưởng, còn công nhân thì ngày càng tàn tạ. Bệnh ho lao, vẹo xương sống, bệnh sốt rét và các bệnh khác luôn luôn đe dọa cuộc đời của họ. Tình trạng già trước tuổi, chết yểu… trở thành phổ biến. Các tai nạn lao động thường xảy ra vì bọn chủ không chú ý tới việc bảo hiểm. Chế độ giám thị trong nhà máy rất khắt khe, bọn cảnh sát và bọn côn đồ luôn luôn theo dõi, hễ ai ngừng tay là phải nộp phạt. Quy chế về “Sổ tiểu bạ công nhân” lại được áp dụng giống như thời Napôlêông I.
Những hy vọng của đông đảo nông dân khi cầm lá phiếu bầu cho Bônapactơ bị tiêu tan nhanh chóng. Nạn thiếu đất, nạn cho vay nặng lãi, ách bóc lột của bọn địa chủ và phú nông, các hình thức tô tức nô dịch, thuế má nặng nề…, đè nặng lên người tiểu nông. Hàng chục vạn người bị phá sản, phải kéo ra thành thị, lập thành hậu bị quân công nghiệp. Năm 1851 số nông dân chiếm 74% cư dân thì đến 1866 chỉ còn có 69,5%. Những người nông dân đó, thoát khỏi ách thống trị ở nông thôn lại sa vào nạn bóc lột của giai cấp tư sản. Chỉ có bọn khá giả trong nông thôn, làm giàu nhờ sự bóc lột thậm tệ và buôn bán nông sản phẩm mới tiếp tục ủng hộ chế độ Bônapactơ.
Xem thêm : Thiên văn học là gì?
Tầng lớp tiểu tư sản cũng trở thành vật hy sinh cho đại tư sản trong công cuộc công nghiệp hóa. Đế chế đã làm cho tầng lớp này bị phá sản nhanh chóng bằng cách cướp đoạt tài sản và cạnh tranh tiêu diệt họ để xúc tiến việc tập trung tư bản. Nền tiểu sản xuất bị bóp chết trước sự lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản.
2. Chính sách xâm lược thuộc địa
Sau khi lên nắm chính quyền, Napôlêông III tuyên bố “Đế chế là hòa bình”. Nhưng chính sách đối ngoại hoàn toàn trái ngược với lời nói trên. Đế chế II đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh hòng đem lại của cải và nguyên liệu về cho bọn đại tư sản ngân hàng và công nghiệp, đem lại danh vọng và tiền tài cho bọn quân phiệt và muốn nhờ những chiến công bên ngoài để củng cố địa vị thống trị ở trong nước.
Quan hệ ngoại giao giữa Pháp và các nước châu Âu.
Sau khi củng cố địa vị ở trong nước, Napôlêông III liền tham gia cuộc chiến tranh Crưm (từ 1853 đến 1856). Nước Pháp liên minh với Anh để chống Nga nhằm tranh giành ảnh hưởng ở Hắc Hải. Nga bị thất bại, phải ký kết hòa ước Pari ngày 30-3-1856. Mặc dầu Anh là kẻ có lợi nhất nhưng nhờ cuộc chiến tranh này, Napôlêông đã tăng cường ảnh hưởng của mình ở trong và ngoài nước. Sợ hãi địch thủ Anh lớn mạnh, Pháp lại bí mật liên kết với Nga để chống Anh. Trước cao trào cách mạng tư sản, Napôlêông III can thiệp vũ trang vào cuộc đấu tranh thống nhất nước Ý, ngăn cản sự thống nhất nước Đức, dẫn tới cuộc chiến tranh Pháp Đức năm 1870.
Chính sách bành trướng thuộc địa
Chính phủ Napôlêông III tiếp tục mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Angiêri. Từ năm 1830 tập đoàn quý tộc tài chính Luy Philip đã nổ súng tấn công Angiêri. Ở đây chúng đã gặp sức kháng cự mãnh liệt và kiên cường của nhân dân Angiêri dưới sự lãnh đạo của một nhà chỉ huy quân sự có tài và đầy nghị lực Apđen Cađe. Năm 1834 và 1837 Pháp buộc phải ký hòa ước thừa nhận chính quyền Cađe trên 2/3 lãnh thổ. Tuy vậy, cuộc chiến tranh xâm lược và chống xâm lược vẫn tiếp diễn. Đến những năm 50, Napôlêông III bành trưống xuống phía nam, sáp nhập vào nước Pháp một phần lớn đất đai Xahara và hoàn thành việc chinh phục các vùng rừng núi.
Để mở rộng thuộc địa, Napôlêông III câu kết với Anh, Mỹ… nhiều lần tấn công vào Trung Quốc, buộc triều đình Mãn Thanh phải ký những điều ước không bình đẳng.
Cuối những năm 50, quân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược Việt Nam. Từ thế kỷ XVII, những người Pháp đầu tiên đặt chân lên nước ta, đã để lộ dã tâm muốn chinh phục Việt Nam. Trải qua một quá trình lâu dài vừa chuẩn bị lực lượng, vừa bị những biến cố lớn lao trong nước ngăn trở (cách mạng 1789, chiến tranh Napôlêông, thời kỳ Trung hưng, cách mạng 1830, cách mạng 1848…) nước Pháp mới hạn chế trong một số hoạt động “ngoại giao”, truyền giáo, gián điệp và một vài cuộc xung đột nhỏ. Đế chế II là thời kỳ thuận lợi nhất cho việc đẩy mạnh xâm lược Việt Nam. Khi đó, chủ nghĩa tư bản phát triển đòi hỏi ngày càng cấp thiết thị trường và nguyên liệu. Nền thống trị tạm thời ổn định và có một số dấu hiệu bề ngoài tựa hồ như vững vàng để có thể tiến hành những cuộc viễn chinh ở các nơi. Napôlêông III trông chờ vào những chiến thắng ngoài biên giới để củng cố địa vị, nâng cao uy tín của Đế chế, vơ vét thêm nhiều của cải. Việt Nam lại là một vị trí quan trọng ở phía đông, có thể làm bàn đạp tấn công Trung Quốc, cho nên Napôlêông III tiến hành xâm lược Việt Nam bằng vũ lực.
Năm 1858, sau khi tấn công Quảng Châu, hạm đội Pháp tiến về bắn phá cửa biển Đà
Nẵng, một vị trí chiến lược quan trọng của nước ta. Tháng 2-1859, quân Pháp tiến sâu vào nội địa, chiếm lấy Gia Định. Năm 1861, ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ bị thất thủ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường). Trên con đường tiến quân, quân Pháp luôn luôn vấp phải sức kháng cự kịch liệt của các tầng lớp nhân dân. Nhưng triều đình phong kiến nhà Nguyễn thối nát không tin vào thắng lợi, đã nhận những điều khoản bất bình đẳng trong hòa ước 1862. Trả lời bản hòa ước nhục nhã đó là cao trào kháng chiến của quần chúng. Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương… trở thành những nhà lãnh đạo của phong trào chống Pháp, tên tuổi mãi mãi gắn liền với sử sách.
Trong khi đó, Pháp cũng dòm ngó Campuchia. Sau khi thất bại trong những hoạt động “ngoại giao” hòng buộc nhà vua Nôrôđôm công nhận quyền “bảo hộ” của Napôlêông III, quân Pháp liền tiến hành cuộc chính biến vào cuối 1863, chiếm lấy hoàng cung, treo cờ tam tài trên thành, buộc nhà vua phải khuất phục. Chống lại hành động cướp nước trắng trợn của bọn thực dân, hai dân tộc Việt Nam-Campuchia liên minh chiến đấu: Trương Định cùng Achasoa, Trương Quyền cùng pucômbô phát động cao trào chống Pháp trên một địa bàn rộng lớn khắp Nam Kỳ và Campuchia. Cuộc chiến đấu giành được nhiều thắng lợi, nhưng cuối cùng đều bị dìm trong biển máu.
Chiếm xong ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ và Campuchia, quân Pháp tiến đánh ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên vào tháng 61867. Một lần nữa triều đình phong kiến Việt Nam tỏ thái độ đầu hàng, không dám phát động quần chúng nổi dậy. Tuy vậy, với tinh thần yêu nước nồng nàn và truyền thống bất khuất của dân tộc, nhân dân miền Tây Nam Bộ cũng vùng lên chiến đấu ngăn cản bước tiến của quân thù.
Năm 1862, chính phủ Napôlêông III lại mở một cuộc phiêu lưu mới ở bên kia Đại Tây Dương. Pháp cùng Anh và Tây Ban Nha gửi quân sang xâm lược Mêhicô, ủng hộ bọn phản động và giáo sĩ, chống lại nước cộng hòa. Năm 1863, quân Pháp chiếm thủ đô Mêhicô lật đổ chế độ cộng hòa, đưa Maximiliêng lên làm vua bù nhìn. Nhưng nền quân chủ đó không tồn tại được bao lâu. Chủ tịch nước cộng hòa là Bênitô Hua, một người dân chủ tiểu tư sản, một chiến sĩ kiên cường, đã phát động quần chúng đứng lên đầu tranh giải phóng dân tộc, quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Năm 1867, quân Pháp phải rút khỏi Mêhicô, triều đại Maximiliêng sụp đổ nhanh chóng, bản thân y bị xử bắn. Nước cộng hòa Mêhicô một lần nữa thoát khỏi cơn nguy biến. Sự phá sản của cuộc viễn chinh ở Mêhicô là một đòn nặng đánh vào uy tín của Đế chế II.
3. Sự phát triển của phong trào công nhân trong những năm 60
Tình trạng ngày càng bị bần cùng hóa làm cho công nhân Pháp rất bất mãn. Sau khi cách mạng 1848 thất bại, phong trào công nhân bị lắng đi một thời gian. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1857 và cuộc khủng bố của cảnh sát năm 1858 đã làm bùng lên một cao trào đấu tranh mới. Trong đợt bầu cử thường kỳ vào Viện lập pháp năm 1863, nhờ sự ủng hộ của công nhân, phe Cộng hòa đã giành được 2 triệu phiếu trong số 7,2 triệu. Một nhóm công nhân Pari công khai đề cử người của mình và ra bản “Tuyên ngôn của 60 người”, chứng minh rằng giai cấp công nhân là một giai cấp độc lập, phải có đại biểu riêng trong nghị viện. Trước sức đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, chính phủ Napôlêông III buộc phải ban hành một số cải cách nhỏ nhặt nhằm xoa dịu và kìm hãm phong trào bằng cách lừa bịp về khả năng liên minh giữa công nhân và Chính phủ trong khi giải quyết các vấn đề xã hội. Năm 1862, một số công nhân ngành in bị bắt vì tội đình công được tha. Năm 1864, đạo luật Sapơliê ban hành từ cuối thế kỷ XVIII được bãi bỏ. Năm 1869, Chính phủ cho phép công nhân hội họp nhưng lại quy định không được thảo luận chính trị và phải có một nhân viên Chính phủ tham dự.
Sự kiện nổi bật nhất trong những năm 60 ở Pháp là sự thành lập các nhóm Đệ nhất quốc tế ở Pari và các thành phố khác. Công nhân Pháp đã đóng một vai trò tích cực trong việc liên hệ với các tổ chức Quốc tế ở các nước. Nhưng trong thời kỳ đầu, quyền lãnh đạo các chi nhánh Quốc tế ở Pháp thuộc về những người phái Pruđông.
Bên cạnh phái Pruđông còn có phái Blăngki, có thái độ cách mạng kiên quyết hơn nhưng đi theo chiến lược sai lầm có tính chất âm mưu, xa rời lý luận cách mạng và quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, trong thời gian đó, các nhóm Quốc tế thứ nhất ở Pháp cũng đã phát huy vai trò quan trọng. Tháng 11-1867, một nhóm công nhân dưới sự lãnh đạo của thành viên Quốc tế đã tổ chức biểu tình phản đối việc gửi quân can thiệp vào cuộc đấu tranh thống nhất nước Ý. Năm 1868, Chính phủ mở hai cuộc xử án những người lãnh đạo Quốc tế ở Pari.
Nhưng chính trong những phiên tòa này, bài diễn văn của người thợ đóng sách Vaclanh đã gây ra một ấn tượng sâu sắc, chứa chan niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của giai cấp công nhân.
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1866-1867 làm cho tình cảnh công nhân càng thêm trầm trọng và do đó, cuộc đấu tranh càng thêm mãnh liệt. Năm 1867, các cuộc đình công nổ ra ở Pari, Amiêng, Mácxây, Rube… Những năm sau, công nhân mỏ than vùng Loa, các nhà máy quân giới Crơdô tiếp tục đình công đều bị quân đội đàn áp rất tàn khốc. Các tổ chức nghiệp đoàn ra đời, liên hệ chặt chẽ với chi nhánh của Quốc tế thứ nhất làm nòng cốt cho phong trào, ngày càng đe dọa đến sự tồn tại của chính quyền Đế chế.
4. Các khuynh hướng cộng hòa đối lập và nguy cơ suy sụp của Đế chế II
Trong những năm 60, thái độ bất mãn của các tầng lớp tư sản và tiểu tư sản làm cho chính quyền đế chế càng lâm vào tình trạng khủng khoảng. Napôlêông III phải ban hành một số cải cách như bỏ một vài điều hạn chế tự do hội họp và tự do báo chí, mở rộng phần nào quyền hạn của Viện lập pháp và Viện nguyên lão, nhưng không thể kìm hãm được phong trào phản đối trong phái cộng hòa tư sản và tiểu tư sản.
Cánh tả của phe cộng hòa tiểu tư sản tập hợp thành nhóm “Giacôbanh mới” tự coi nhiệm vụ của mình là tiếp tục hoàn thành cuộc cách mạng cuối thế kỷ XVIII, thực hiện những khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái. Họ đòi tự do báo chí, đòi thành lập nhà trường thế tục và thực hiện những cải cách dân chủ. Họ đại diện cho quyền lợi của tiểu tư sản và một phần trí thức tư sản cấp tiến. Nhưng nhược điểm của họ là không dựa vào quần chúng, thường nói nhiều mà ít làm việc thực tế, có thái độ tiêu cực đối với những yêu cầu của công nhân.
Cuộc đấu tranh chống chính phủ bùng nổ gay gắt qua việc bầu cử Viện lập pháp năm 1869. Phe cộng hòa đối lập chiếm được 3,3 triệu phiếu trong số 7 triệu. Những đại biểu nổi tiếng của phe này là Rôsơpho và Găngbetta. Để tranh thủ quần chúng, Găngbetta đưa ra một cương lĩnh chính trị cấp tiến (cương lĩnh Benvin) đòi tách giáo hội ra khỏi nhà nước, giải ngũ quân đội thường trực…
Tình hình chính trị ở Pháp ngày càng căng thẳng, nguy cơ sụp đổ của chế độ Napôlêông ngày càng đến gần.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức