Nguồn gốc và bản chất xã hội của văn học

0

Nguồn gốc của văn học

Khi xét đến nguồn gốc của văn học là xét đến điều kiện lịch sử khách quan nào, nhu cầu xã hội tất yếu nào đã làm nảy sinh, tồn tại và phát triển của văn học. Ai cũng biết văn học là tiếng nói của tình cảm, là hình thức thuần nhị của tư tưởng, có tác dụng sâu rộng và bền vững trong đời sống của con người. Do đó, muốn hiểu biết sâu sắc vai trò lớn lao của nó trong đời sống, ta phải tìm hiểu nguồn gốc, bản chất và những quy luật cơ bản đích thực của nó trong đời sống xã hội của con người.

Các quan niệm sai lầm, thô sơ về nguồn gốc văn học

Từ lâu đã tồn tại một quan niệm rất phiến diện cho rằng, văn học là sản phẩm của tinh thần, là quà tặng của thượng đế, rằng văn học không phải là sản phẩm của con người mà là tiếng nói thần linh thông qua con người. Trước khi có chủ nghĩa Mác ra đời, các nhà mĩ học như Căngtơ và Sile đã cho rằng nguồn gốc của văn học là khuynh hướng vươn tới “thế giới vui vẻ của du hí” để thoát li khỏi cuộc sống đầy những xiềng xích trói buộc con người. Quan niệm này lại được nhà triết học Anh Xpenxơ bổ sung bằng lí thuyết “phát tiết sinh lực thừa”. Theo Xpenxơ, con người cũng như động vật sau khi thỏa mãn nhu cầu vụ lợi thì chuyển sang hoạt động phát tiết sinh lực thừa. Hình thức tiêu phí sinh lực thừa đó là các trò chơi, trong đó có văn học và nghệ thuật.

Dù thuyết này có đề cập đến yếu tố “vui chơi”, một yếu tố khá đặc trưng của văn học, nhưng nó lại đối lập giữa văn học với lao động thực tiễn của con người nên cũng không cắt nghĩa được tại sao sự vui chơi của người nguyên thủy lại trở thành nghệ thuật.

Một số học giả khác lại cho rằng, văn học bắt nguồn từ bản năng bắt chước. Thuyết bắt chước của họ là một thứ lí luận bắt chước tầm thường máy móc. Thứ lí thuyết ấy quan niệm quá đơn giản và hoàn toàn xem nhẹ tính tích cực sáng tạo của văn học.

Đầu thế kỉ XX, lại có một số học giả cho rằng, văn học bắt nguồn từ tình cảm tôn giáo của con người. Chính tình cảm sợ hãi, sùng bái trước các lực lượng siêu nhiên làm nảy sinh các nghi thức tế lễ, ma thuật như cầu nguyện, tế lễ, nhảy múa… Văn học nghệ thuật nảy sinh từ đó. Mặc dù, xét về hình thức, văn học nghệ thuật được xuất hiện ở dạng nguyên thủy là thuộc về các hình thức nghi lễ tôn giáo, nhưng nếu giải thích tôn giáo là nguồn gốc đích thực của nghệ thuật thì sự giải thích này cũng không thuyết phục, bởi vì cảm xúc tôn giáo là sự sợ hãi và bất lực trước tự nhiên của con người, còn văn học là những cảm xúc nhằm khẳng định con người, là cảm hứng chiếm lĩnh, chinh phục tự nhiên.

Có thể nói, tất cả các quan niệm trên đều chưa giải thích được nguồn gốc đích thực của văn học, bởi vì nhìn nhận văn học và nghệ thuật một cách duy tâm siêu hình và phiến diện.

Nguồn gốc của văn học

Văn học cũng như những hình thái ý thức khác, không thể tách rời đời sống xã hội cho nên nói đến nguồn gốc của văn học, chúng ta không thể tìm nơi ở ngoài đời sống xã hội. Các tài liệu khảo cổ mới nhất ở Châu Phi cho biết cách đây 2 triệu 60 vạn năm, con người đã xuất hiện với công cụ bằng đá trong tay để săn bắt và xẻ thịt thú rừng. Tuy nhiên các hiện tượng nghệ thuật nguyên thủy được phát hiện trong các hang động lại có niên đại khoảng từ cách đây 4 vạn đến 1 vạn 2 nghìn năm trước công nguyên. Xem thế đủ thấy nghệ thuật xuất hiện rất muộn.

Chủ nghĩa Mác cho rằng, điều kiện ra đời của văn học trước hết gắn liền với sự hoàn thiện của chủ thể sáng tạo ra nó là con người. Quá trình lao động đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện con người. Chính lao động đã góp phần làm cho đôi tay con người ngày càng phát triển, trở nên linh hoạt khéo léo, các giác quan con người ngày càng phát triển và hình thành ngày càng rõ nét những cảm xúc thẩm mĩ. Đó là quá trình làm cho con người có năng lực cảm thụ cái đẹp của khách quan và có năng lực sáng tạo ra văn học nghệ thuật.

Nhờ có lao động, con người như một chủ thể thẩm mĩ có khả năng hiểu biết, thưởng thức và sáng tạo cái đẹp dần dần xuất hiện. Một số quy luật của cái đẹp tự nhiên được nhận thức trong quá trình lao động, chiếm lĩnh đời sống. Trước hết, nhờ lao động, qua săn bắt, chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng nhà cửa, làm ra các vật phẩm sử dụng hàng ngày… con người nhận ra rằng, vật có ích nhất là vật hoàn mĩ, toàn vẹn nhất trong hệ thống đồng loại. Ví như cái cây ra nhiều quả nhất phải là cái cây tốt tươi nhất, xum suê nhất. Con vật cho nhiều thịt, nhiều sữa, mắn đẻ phải là con to béo, khoẻ mạnh nhất trong đàn. Hơn nữa, đồ vật đó phải hài hòa cân đối mới tiện dụng nhất: cái bình, cái lọ phải hình thuôn tròn mới dễ sử dụng, cái nhà phải cân bằng mới đứng vững trước gió mưa. Cũng trong các thao tác lao động và kỹ thuật, ý thức về nhịp điệu, tỉ lệ, đối xứng, cân bằng xuất hiện. Con người bắt đầu nhận biết những phẩm chất khách quan của cái đẹp trong đời sống qua lao động, bắt đầu có ý thức thẩm mĩ.

Tại sao chúng ta nhận thấy cái hài hòa, hoàn thiện, chỉnh thể là đẹp? Đó là vì do kinh nghiệm lao động, kinh nghiệm sống, con người hình thành tâm lí và kinh nghiệm về sự cân đối hợp lí, nhịp nhàng, toàn vẹn… Điều đó không chỉ dẫn đến việc dễ chịu, thoải mái khi tiếp xúc, khi làm việc mà còn báo hiệu chất lượng cao của đối tượng.

Cũng trong quá trình lao động, con người, có thể là lúc đầu chưa có ý thức, đã dần biết sáng tạo ra những vật phẩm có giá trị thẩm mĩ, tức là sáng tạo theo quy luật của cái đẹp.

Do tiếp xúc với muôn vàn sự vật, quy luật và hình thức tự nhiên, con người biết lựa chọn những tính năng, hình thức thích hợp để sử dụng. Vật phẩm được làm ra bao giờ cũng với mục đích thực dụng: chai lọ để đựng nước, vải vóc để che thân, nhà cửa để che mưa che nắng… nghĩa là phải đạt tiêu chuẩn có ích. Cái đẹp gắn với cái có ích là vì thế.

Nhưng, những vật phẩm được tạo ra không chỉ giúp thoả mãn nhu cầu vật chất mà cả nhu cầu tinh thần, nghĩa là có sự dễ coi, vừa mắt, làm thích thú, vui vẻ, dễ chịu khi sử dụng và thưởng thức đối tượng. Khi con người biết dệt các loại vải và làm các đồ gốm có màu sắc, hoa văn, trang trí, kiểu dáng khác nhau là khi họ tạo ra các sản phẩm không chỉ để đáp ứng nhu cầu vật chất (che thân, đựng, cất giữ…) mà đã chú ý tới sự thoả mãn tinh thần con người, bởi con người sẽ chọn vật phẩm nào mà họ cho là đẹp khi có quyền lựa chọn. Và thực chất, khi sáng tạo ra vật có ích, tiện lợi nhất cũng là khi sản phẩm trở nên hoàn thiện nhất về mặt sử dụng, nghĩa là nó cũng đạt được những tiêu chuẩn về các quy luật hình thức chuẩn mực, về sự cân đối, hài hòa, hoàn mĩ… Con người dần sáng tạo ra của cải vật chất theo quy luật của cái đẹp (Mác) là như vậy.

Khi được sáng tạo bởi bàn tay con người, sản phẩm đều được tạo ra theo những thước đo và ý niệm của sự hài hòa, hoàn thiện, theo khuôn mẫu lí tưởng của đối tượng. Cái nhà là từ cái hang ẩn nấp được nâng lên. Quần áo dựa trên cơ sở bộ lông của muông thú. Loài người đã dùng chính quy luật của thế giới khách quan để thoả mãn nhu cầu chính mình. Theo Mác, đây chính là đặc điểm mang tính bản chất của nhân loại trong hoạt động sản xuất: vận dụng thước đo của đối tượng để sáng tạo các vật phẩm mới mẻ1.

Nhờ lao động, bàn tay và các giác quan của con người ngày càng được rèn luyện. Con người ngày càng khéo léo hơn, tinh tế hơn trong việc tạo ra những giá trị thẩm mĩ của đời sống qua những vật phẩm như đền đài, cung điện, vải vóc, chai lọ, thảm… Bàn tay và các giác quan khi phát triển đến một độ tinh tế nào đó, đã được gọi là những khí quan thẩm mĩ, bộc lộ năng lực thẩm mĩ của con người trong việc chiếm lĩnh đời sống.

Và trải qua hàng nghìn năm lao động để sinh tồn trong quá trình chinh phục tự nhiên và cải tạo xã hội, trong con người bắt đầu nảy sinh những tình cảm đẹp, tình cảm thẩm mĩ : tình yêu quê hương, sự gắn bó với đất đai, niềm vui mùa màng bội thu, lòng cao thượng, sự vị tha, tình cảm cha con vợ chồng…

Nhờ lao động, con người đã trở thành chủ thể thẩm mĩ, có khả năng mĩ cảm, biết thưởng thức và sáng tạo ra cái đẹp. Quá trình hình thành mĩ cảm chính là quá trình “nhân hóa tự nhiên’‘, quá trình sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Bên cạnh việc sáng tạo ra những cái đẹp, những giá trị thẩm mĩ ít nhiều tự phát ấy, con người dần có ý thức tạo ra những ngành sản xuất chuyên biệt về cái đẹp – sáng tạo nghệ thuật ra đời.

Như vậy là lao động chẳng những sáng tạo ra chủ thể thẩm mĩ mà còn trực tiếp sáng tạo ra các hiện tượng thẩm mĩ trong đời sống.

Từ trong quá trình lao động đã hình thành mối quan hệ giao tiếp thông tin giữa người với người. Nhu cầu giao tiếp này đã kích thích sự ra đời của ngôn ngữ. Ăngghen đã chỉ ra rằng: “Trước hết là lao động, sau lao động và đồng thời với lao động là ngôn ngữ, đó là hai sức kích thích chủ yếu đã ảnh hưởng đến bộ óc của con người”2.

Để trao đổi những nhận thức về đối tượng lao động, con người ngoài việc sử dụng những tín hiệu ngôn ngữ đã dùng những tín hiệu khác như biểu diễn bằng động tác, vẽ lại các đường nét, hình khối trên các vật liệu. Những tác phẩm nghệ thuật tạo hình đầu tiên của loài người xuất hiện vào khoảng thời kì đồ đá. Mầm mống của âm nhạc và thơ trữ tình bắt nguồn từ hình thức lao động tập thể. Lao động có tiết tấu thì có hiệu quả hơn, nó làm cho người ta tập trung sức mạnh trong những nhịp điệu chung. Ngày nay, trong các làn điệu dân ca, chúng ta vẫn tìm thấy cơ sở của nhịp điệu tiết tấu lao động như hò kéo gỗ, hò chèo thuyền, hò giã gạo, hò đạp nước… Như vậy là trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại, mầm mống của văn học nghệ thuật đã nảy sinh trong quá trình lao động và trở lại phục vụ lao động, góp phần làm cho lao động có hiệu quả hơn. Có thể nói, nghệ thuật thời nguyên thủy trước hết lấy đời sống lao động làm đối tượng miêu tả chẳng những thế nghệ thuật thời nguyên thủy còn phản ánh cuộc đấu tranh bền bỉ của người xưa, phản ánh ý chí đấu tranh bất khuất, niềm tin và ước mơ của họ.

Bản chất xã hội của văn học

Theo quan điểm Mác – Lênin, về bản chất, văn học nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng, nên nó tồn tại và phát triển theo những quy luật chung của đời sống ý thức xã hội như: chịu ảnh hưởng của đời sống vật chất xã hội, chịu sự tác động lẫn nhau của các hình thái ý thức xã hội khác, mang tính kế thừa và phát triển trong lịch sử ý thức xã hội.

Văn học chịu ảnh hưởng của đời sống vật chất xã hội

Đây chính là hệ quả của mối quan hệ giữa kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng. Văn học là hình thái ý thức nằm trong kiến trúc thượng tầng, chịu sự tác động chi phối của cơ sở kinh tế. C. Mác đã chỉ ra rằng: “Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức con người quyết định sự tồn tại của họ, trái lại, sự tồn tại của xã hội của họ quyết định ý thức của họ”3.

Cơ sở kinh tế thay đổi thì kéo theo sự thay đổi của kiến trúc thượng tầng. Xét về mặt nội dung thì các tri thức, quan điểm, cảm hứng nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng đều do kinh tế và trình độ sản xuất quy định. Có thể nói, đời sống xã hội là cội nguồn nội dung phong phú không bao giờ cạn của nghệ thuật. Truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh phản ánh quá trình chống bão lụt của con người thời cổ. Thuỷ hử (Thi Nại Am) trình bày nguyên nhân và diễn biến các cuộc khởi nghĩa nông dân dưới thời Tống ở Trung Hoa, Chiến tranh và hòa bình (L. Tôn xtôi) là đời sống Nga đầu thế kỉ 19.

Không đơn giản chỉ là miêu tả hiện thực đang xảy ra trong đời sống xã hội, văn học còn phản ánh tồn tại tinh thần con người, tức ý thức xã hội, như quá trình nhận thức và lí giải đời sống, các mô hình và quan niệm về thế giới, quan niệm đạo đức chuẩn mục, đời sống tình cảm con người. Ví như văn học mọi thời đại, cả phương Đông lẫn phương Tây đều lí giải về nguồn gốc tạo thành thế giới, tạo thành dân tộc (Truyện Thần trụ trời, Nữ Oa vá trời, Lạc Long Quân và Âu Cơ)… hoặc thể hiện quan niệm về mối quan hệ giữa con người và định mệnh (Ơđíp làm vua – Xôphốclơ, Truyện Kiều – Nguyễn Du). Văn học do đó còn là một hình thái quan niệm nhân sinh.

Đời sống xã hội là yếu tố năng động phát triển, quy định sự tồn tại và phát triển của văn học về cả hình thức. Chẳng hạn, thần thoại chỉ ra đời trên cơ sở nghề nông phát sinh khi con người biết được quan hệ nhân quả của các hiện tượng tự nhiên như mặt trăng, mặt trời, gió, mưa, lụt bão đối với canh tác chăn nuôi, nhưng họ không hiểu chúng và quy cho chúng một sức mạnh siêu nhiên của thần linh. Sự tan rã của công xã nguyên thủy, vai trò lớn lao của lãnh tụ trong chiến tranh bộ lạc đã làm xuất hiện thể loại anh hùng ca – một “thời đại anh hùng” trong văn học. Khuynh hướng khẳng định nguồn gốc siêu nhiên của các lãnh tụ đã làm cho họ có bộ mặt nửa người, nửa thần (Asin, Prômêtê, Thánh Gióng, An Dương Vương). Sự phát triển của thành thị, tầng lớp thị dân và nghề in làm cho hình thức tiểu thuyết khác hẳn truyện kể dân gian4. Các thể loại hài phát triển mạnh mẽ vào giai đoạn suy tàn của một chế độ, khi chế độ ấy bộc lộ hết mọi sự bất hợp lí của nó. C. Mác đã khẳng định, hài kịch nở rộ vào giai đoạn cuối chế độ phong kiến, giúp cho nhân loại “rời bỏ quá khứ một cách vui vẻ”. Văn học phải luôn thay đổi không ngừng để đáp ứng nhu cầu của thời đại vì lẽ đó.

Nói đời sống vật chất xã hội quyết định đối với ý thức xã hội nói chung, văn học nói riêng, điều đó không có nghĩa là văn học chỉ là một hình thái ý thức thụ động, trái lại văn học cũng như các hình thái ý thức khác của kiến trúc thượng tầng có tính độc lập tương đối. Văn học cũng tác động trở lại đời sống xã hội một cách gián tiếp. Có thể tìm thấy tác dụng kìm hãm sự phát triển xã hội của các tác phẩm thể hiện tư tưởng thần quyền cũng như tư tưởng phong kiến, cổ hủ, phản động. Các tác phẩm đề cao tư tưởng ngu trung, ngu hiếu, đề xướng tiết liệt – những thứ mà Lỗ Tấn gọi là lễ giáo “ăn thịt người” – đã kìm hãm sự phát triển của cá tính và năng lực sáng tạo trong xã hội Trung Quốc cổ. Tư tưởng mệnh trời, đợi thời đầy rẫy trong văn học phong kiến đã hạn chế tính tích cực của con người, khiến bao nhiêu trí óc thông thái tìm ra sự an thân trong cảnh đời ẩn dật. Những tác dụng tiến bộ cách mạng văn nghệ đối với cơ sở là rất lớn: văn nghệ Phục hưng đã làm sống lại tư tưởng nhân đạo, giải phóng cá tính; tiếng cười trong văn học dân gian đập phá tôn ti trật tự phong kiến, hạ uy thế thần quyền; chủ nghĩa Khai sáng đổi mới cách tư duy trung cổ; văn học cách mạng vô sản kêu gọi đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội và mở ra viễn cảnh mới cho lịch sử, dự báo tương lai5. Vì vậy, văn học mang tính khuynh hướng và tình cảm rõ rệt.

Văn học có ảnh hưởng qua lại với các hình thái ý thức xã hội khác

Văn học nghệ thuật cùng với triết học, khoa học chính trị, đạo đức, tôn giáo…là các hình thái ý thức xã hội. Chúng đều phản ánh tồn tại xã hội và đáp ứng các nhu cầu khác nhau của đời sống. Dù khác nhau về đối tượng, nội dung, phương thức tiếp cận và có tính độc lập tương đối, nhưng chúng vẫn có sự liên hệ và ảnh hưởng qua lại với nhau. Ở đây ta chỉ xét mối quan hệ văn học với một số các hình thái ý thức khác như khoa học, triết học và chính trị.

Thực ra, thời xa xưa, con người chưa phân biệt rõ ràng hai loại tư duy nghệ thuật và tư duy khoa học như là hai loại tư duy riêng biệt. Các học thuyết toán học của Hi Lạp cổ gắn liền với cảm giác về sự hài hòa của vũ trụ. Trong triết học và sử học yếu tố khoa học và thẩm mĩ hòa trộn. Sử kí của Tư Mã Thiên vừa là sách lịch sử vừa là một tác phẩm văn học đồ sộ.Văn học và khoa học: Khoa học là tri thức khách quan về thế giới tự nhiên và xã hội được hệ thống hóa dưới dạng các quy luật, khái niệm, phạm trù, qua các công thức, phán đoán, suy lí, chứng minh… Văn học cũng phản ánh, lí giải, phát hiện, cung cấp cho con người nhận thức được những quy luật và những vấn đề nào đó của cuộc sống, nhưng bằng hình tượng.

Tư duy khoa học giúp cho trình độ nhận thức văn học thêm sâu sắc. Chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX ở châu Âu không thể đạt trình độ khái quát cuộc sống sâu rộng, nếu không có các thành tựu khoa học tự nhiên và sử học đương thời. Để viết được bộ Chiến tranh và hòa bình, L. Tônxtôi đã phải đọc hàng trăm cuốn sách lịch sử. Chắc chắn kiến thức khoa học đã có tác dụng không nhỏ đối với tiểu thuyết viễn tưởng của Guyn Vécnơ.

Và ngược lại, văn học cũng như nghệ thuật lại giúp cho việc phát triển năng lực tưởng tượng, trực giác trong sáng tạo khoa học. Anhxtanh nói: “Trong tư duy khoa học bao giờ cũng có yếu tố thơ. Khoa học hiện đại và âm nhạc đòi hỏi một quá trình tư duy cùng loại. Đốtxtôiépxki cho tôi nhiều hơn bất cứ một nhà tư tưởng nào”6. Có những khi, khoa học và văn học gặp gỡ một cách thật hài hòa: các tác phẩm khoa học viễn tưởng của Guyn Vecnơ, các tiểu thuyết lịch sử của Alécxây Tônxtôi, các tùy bút, bút kí về địa lí của Prisvin, Nguyễn Tuân…

Bên cạnh đó, có những nhà văn, tuy không phải là nhà triết học, song đã trình bày được hệ thống triết học của mình. Nhà văn lớn thường có những tư tưởng lớn mang tính triết học cao. L. Tônxtôi trong Chiến tranh và hòa bình có quan điểm về triết học – lịch sử đáng ghi nhận. Và ngược lại, nhiều nhà triết học lại mượn các hình thức văn học với các câu chuyện ngắn gọn để chuyển tải nội dung triết học: Lão Tử, Mạnh Tử, Vônte, Điđơrô…Văn học và triết học: Văn học và triết học đều hướng nhận thức tới những vấn đề phổ quát của tồn tại con người, tìm kiếm con đường giải phóng con người, cắt nghĩa về thế giới. Trong các tác phẩm văn học, ta thấy không ít những triết lí sâu sắc về con người và cuộc sống con người một cách gợi cảm. Trong từng chặng đường phát triển của văn học, các dấu ấn của các trường phái triết học cũng in đậm trong các sáng tác của nhà văn. Ví dụ: Hệ tư tưởng Nho, Phật, Lão đối với văn học Phương Đông; triết học duy lí đối với văn học thời kì khai sáng phương Tây; triết học duy vật biện chứng đối với nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Các hệ thống triết học này ảnh hưởng tới phương pháp nhìn nhận và đánh giá thế giới của văn học. Trong câu thơ: Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, Đêm qua sân trước một cành mai, chính tư tưởng luân hồi của Phật giáo đã khiến nhà thơ có một cái nhìn bình tĩnh sáng suốt, ung dung dù đang ốm nặng (Cáo tật thị chúng – Mãn Giác thiền sư). Cũng tư tưởng luân hồi ấy đã hiện hình qua sự kiện cô Tấm chết đi sống lại nhiều lần, không khuất phục cái Ác (Tấm Cám).

Văn nghệ và chính trị khác biệt nhau nhưng không đối lập, loại trừ nhau. Hứng thú nghệ thuật gắn với những rung động tâm hồn, niềm say mê. Chính trị nhằm giải quyết vấn đề thực tiễn. Văn nghệ có thể phản ánh đời sống chính trị, còn chính trị biến lí tưởng xã hội thành hiện thực. Như vậy, ngoài sự khác biệt về hình thức, văn nghệ và chính trị không đối lập nhau về bản chất xã hội. Văn nghệ bày tỏ quan điểm chính trị theo cách của nó, cũng như chính trị có cách riêng để tác động tới văn học.Văn học và chính trị: Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, chính trị là những quan điểm, thái độ của một giai cấp nhất định. Nhưng chính trị không chỉ là một hình thái ý thức xã hội. Nó còn bao gồm pháp luật và những tổ chức hành chính phục vụ giai cấp đó. Trong các hình thái ý thức xã hội thì chính trị và văn học nghệ thuật có mối quan hệ đặc biệt gần gũi và tác động lẫn nhau một cách sâu sắc. Nội dung văn học nghệ thuật thường chứa đựng nội dung chính trị của giai cấp này hay giai cấp khác, bởi lẽ, quan điểm chính trị, các cuộc đấu tranh giai cấp, các vấn đề dân tộc đều là những nội dung sâu sắc của hiện thực mà văn học nghệ thuật cần phản ánh. Thí dụ, những bài thánh ca, những truyện về các vị thánh… phục vụ hoạt động của tầng lớp tăng lữ; những bài hát, tranh vẽ, bài thơ ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thời kì 1945-1975. Nhưng đồng nhất chính trị với văn học là tước bỏ đặc trưng của văn học.

Tóm lại, văn học không bao giờ tách khỏi đời sống kinh tế và đời sống tinh thần xã hội. Văn học luôn luôn chịu sự quy định của đời sống xã hội và chịu sự tác động qua lại, cũng như tác động tích cực trở lại đối với các hình thái ý thức xã hội khác.

Quy luật kế thừa và sáng tạo của văn học

Ý thức xã hội nảy sinh do chịu ảnh hưởng của đời sống vật chất xã hội, nhưng nó lại mang tính bảo thủ, không biến mất hẳn trong những điều kiện vật chất xã hội mới. Bởi lẽ, những gì thuộc về kinh nghiệm, về thế giới quan, về nếp sống, nếp suy nghĩ… thường có một sức sống dai dẳng, lâu bền, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng chúng cũng dần thay đổi để có thể phù hợp với những điều kiện mới. Đối với văn học cũng vậy, kế thừa và sáng tạo là quy luật cơ bản. Quy luật đó cho thấy sự vận động và phát triển của văn học trong tiến trình lịch sử.

Sự kế thừa bao giờ cũng xuất phát từ nhu cầu nội dung. Do nhu cầu chống ngoại xâm mà văn học Việt Nam có sự kế thừa và phát triển liên tục chủ đề yêu nước, từ truyền thuyết Thánh Gióng, An Dương Vương đến văn học cách mạng hiện đại. Sự tiếp nối và tương đồng các điều kiện lịch sử, xã hội, địa lí, phong tục… tạo thành các chủ đề lặp đi lặp lại mang tính truyền thống như yêu nước, nhân đạo, các môtíp nội dung như kiểu truyện Vọng Phu, truyện cô gái mồ côi được làm hoàng hậu, chàng trai nghèo được làm vua…

Bên cạnh đó, sự kế thừa các yếu tố hình thức như ngôn ngữ, thể loại, các phương tiện tạo hình, biểu hiện, các biểu tượng… vừa làm dễ dàng cho sáng tác đời sau vừa là con đường ngắn nhất đối với sự tiếp nhận. Bởi đằng sau những yếu tố hình thức và nội dung ấy là những giá trị thẩm mĩ mang tính truyền thống, nó vừa quen thuộc, dễ hiểu, dễ được chia sẻ, vừa dễ gây xúc động, đồng cảm. Ví như, đối với người Việt Nam, các câu thơ lục bát mang theo những dư vang của câu ca, điệu hò, các hình ảnh, cây đa, bến nước, con đò gợi những hằng số tình cảm được tích tụ từ bao đời7.

Nhưng đồng thời với kế thừa là sáng tạo, đổi mới, phát triển. Sáng tạo và đổi mới luôn là kết quả của những nhu cầu thời đại mới và sự khẳng định cá tính sáng tạo cá nhân. Mục đích của kế thừa – sáng tạo là làm nên những giá trị nghệ thuật không lặp lại, phát triển các khả năng chiếm lĩnh đời sống của văn học.

Tuy nhiên, việc sáng tạo ra các giá trị mới không dẫn đến loại bỏ những giá trị đã được thừa nhận. Thời đại của thần thoại và anh hùng ca đã một đi không bao giờ trở lại, nhưng thần thoại và anh hùng ca vẫn hấp dẫn với đời sau bởi những giá trị đã kết tinh của chúng.

(Nguồn tham khảo: Lê Lưu Oanh, Giáo trình lý luận văn học, ĐH Sư phạm Hà Nội)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.