Chủ nghĩa hiện thực mới (TK XX)
Một khuynh hướng văn học nghệ thuật xuất hiện ở Italia khoảng mười năm sau đại chiến thứ hai (1939 – 1945) gắn với lý tưởng văn hóa dân chủ và chống phátxít. Tinh thần chung của khuynh hướng nghệ thuật này là sự phản ứng, chống lại đối với nền văn học Italia thời phátxít, một nền văn học xa rời đời sống nhân dân, có tính chất từ chương và mị dân, hoặc chỉ nhằm vào những tìm tòi có ý nghĩa hình thức. Ở Italia, lúc đầu chủ nghĩa hiện thực mới xuất hiện trong nghệ thuật điện ảnh với những phim nổi tiếng như Người đánh cắp xe đạp (1948), Cảnh sát và kẻ móc túi (1951)… Sau đó lan rộng sang văn học, ảnh hưởng đến các nước trên thế giới, trong đó có các tác giả văn học Xô viết tên tuổi như M. Gorky (1868 – 1936), A. A. Fadeev (1901 – 1956), các nhà văn Mỹ như E. Hemingway (1899 – 1961), Steinbeck (1902 – 1968)…
Chủ nghĩa hiện thực mới hướng về công bằng xã hội, tinh thần dân chủ, chống lại sự tàn bạo của giai cấp tư sản. Phong cách và ngôn ngữ mang tính giản dị, cô đọng, trầm tĩnh, dễ hiểu. Trung tâm tác phẩm là số phận con người bình thường. Xu hướng chung là trình bày đời sống một cách tự nhiên. Những người theo khuynh hướng này hầu hết đều đã kinh qua cuộc đấu tranh chống phátxít, hướng đến một xã hội công bằng, dân chủ, tốt đẹp, và từ đó phản ánh lịch sử một cách chân thực, lấy đó làm cương lĩnh của mình. Trong ý thức sáng tạo của họ luôn hướng đến việc phản ánh cuộc đấu tranh của nhân dân Italia hơn hai mươi năm đen tối “dưới ách thống trị của Mussolini và sau đó là của bọn Đức quốc xã”, xây dựng nên những hình ảnh chính diện của thời đại, “những chiến sĩ chống phátxít, những đội viên du kích, những người khởi nghĩa dành lại ruộng đất”. Trong điện ảnh, đó là những nhà làm phim tập hợp xung quanh tạp chí Bianco e nero. Phim Roma – thành phố mở (1945) của đạo diễn R. Rossellini (1906 – 1977) được coi là tuyên ngôn nghệ thuật cho chủ nghĩa hiện thực mới. Một loạt bộ phim khác đánh dấu thời hưng thịnh của chủ nghĩa hiện thực mới, mang cảm hứng nhân bản, đấu tranh cho công bằng xã hội và phẩm giá người thường dân, nhìn thẳng vào cuộc sống của những người cùng khổ, đói khát đến kiệt sức, những cặp mắt không có tuổi thơ của con cái họ, cho thấy cuộc đời đã khiến người ta trở nên hung dữ như thế nào. Tính xác thực của các thủ pháp miêu tả hình ảnh, tính chính xác của các chi tiết đến các biện pháp nghệ thuật khác như dùng diễn viên nghiệp dư, ngôn ngữ thông tục pha tiếng địa phương, đã khiến cho phim truyện gần với phim tư liệu. Những tác giả và tác phẩm tiêu biểu như bộ ba tiểu thuyết Phố của những cửa hàng, 1941, Khu phố, 1944, Chuyện hàng ngày trong gia đình, 1945, tiểu thuyết Ký sự những mối tình nghèo, 1947, tiểu thuyết sử thi bộ ba Câu chuyện nước Italia (gồm Metello, 1955, Sự hoang phế, 1960, Phúng dụ và giễu cợt, 1966) của Pratolini (1913 – 1991), các tập truyện ngắn tái hiện cuộc sống cùng cực của người dân lao khổ như Lũ thị dân, 1931, Nói chuyện ở Xixin, 1941 và tiểu thuyết Người và không phải người, 1945 của E. Vittorini (1908 – 1966), hàng loạt tiểu thuyết phê phán đời sống xã hội tư sản, sự trống rỗng về đời sống tinh thần của thanh niên như: Những kẻ lãnh đạm, 1929, Những tham vọng đổ vỡ, 1935, Hội hóa trang, 1941, Agostino, 1945, Cô gái Roma, 1947, bộ ba tiểu thuyết vạch trần bộ mặt thật của chủ nghĩa phátxít như Sự bất phục tùng, 1948, Tình nghĩa vợ chồng, 1949, Kẻ tùy thời, 1951, và hàng trăm truyện ngắn xuất sắc in thành hai tập Những câu chuyện Roma, 1954, Những câu chuyện mới ở Roma của A. Moravia… Chủ nghĩa hiện thực mới còn thu hút hàng loạt các tác giả trẻ, tuy không tập hợp thành tổ chức, nhưng cùng sáng tác về đề tài chống phátxít, ca ngợi người chiến sĩ đấu tranh vì lý tưởng xã hội.
Bạn đang xem: Chủ nghĩa hiện thực mới (TK XX)
Về thể loại, các tác giả chủ nghĩa hiện thực mới thường sử dụng các thể loại “tư liệu trữ tình”, trần thuật có sự kết hợp các yếu tố phóng sự, hồi ký, tự truyện với hư cấu nghệ thuật, hoặc những tiểu thuyết mang tính tự truyện. Họ rất chú ý đến những chi tiết chân thực, giàu chất ký sự. Ngay trong những tác phẩm hư cấu, cũng được trần thuật ở ngôi thứ nhất, thuận lợi cho việc bộc lộ những cảm xúc chủ quan, tạo sự giao tiếp giữa tác giả, nhân vật và độc giả.
Xem thêm : Sự pháp triển của chủ nghĩa tư bản đầu thế kỷ XIX
Chủ nghĩa hiện thực mới chỉ tồn tại mười năm. Bởi vì xét cho cùng nó cũng vẫn mang âm hưởng bi quan bế tắc, nhất là sau những năm năm mươi trở đi, chủ nghĩa tư bản lũng đoạn ở Italia được khôi phục và phát triển, đội ngũ nhà văn hiện thực bị phân hóa, thủ tiêu dần chí khí đấu tranh, không còn đất để phát triển.
(Theo: Phạm Phú Phong, Giáo trình Tiến trình Văn học)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức