Sự ra đời của Chủ nghĩa Cộng sản khoa học

0

Học thuyết về chủ nghĩa cộng sản khoa học do C.Mác và Ph. Ăngghen đề xướng vào những năm 40 của thế kỷ thứ XIX là một sự kiện lịch sử trọng đại. Nó ra đời trong những điều kiện nhất định của sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa và của mối mâu thuẫn tư sản – vô sản ngày càng tăng. Nó cung cấp cho loài người những tri thức khoa học về các quy luật tự nhiên và xã hội, trang bị cho giai cấp vô sản vũ khí tư tưởng trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, giải phóng người lao động thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, giương lên ngọn cờ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

I – Sự phát triển của Chủ nghĩa tư bản và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân

1. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản

Cuộc cách mạng công nghiệp Anh bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XVIII đã gây nên những chuyển biến căn bản trong sự phát triển của sức sản xuất, và quan hệ sản xuất. Những phát minh kỹ thuật đem lại hậu quả kinh tế cơ bản là chuyển từ lao động bằng tay sang lao động bằng máy, thay thế các công trường thủ công bằng xí nghiệp hiện đại. Thay thế sức gió và sức nước bằng máy hơi nước. Nhờ đó, trong một thời gian ngắn, nước Anh đã đạt được những thành tựu về kinh tế rất to lớn. Đến những năm 30-40 của thế kỷ XIX, nước Anh trở thành một trung tâm công nghiệp của thế giới và đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa cao với nền đại sản xuất cơ khí vào những năm 50 và 60. Chủ nghĩa tư bản Pháp cũng giành được những thắng lợi đáng kể, đưa nước Pháp lên địa vị hàng đầu của lục địa. Song ở đây, thời gian bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp muộn hơn và tốc độ chuyển biến chậm hơn Anh. Nền công nghiệp ở Đức cũng phát triển rõ rệt đặc biệt là công nghiệp than và luyện kim ở vùng Ranh Vétxphalen, công nghiệp bông sợi ở Sơlêdiên và Dăcden. Nhiều trung tâm công nghiệp ra đời với những xí nghiệp chế tạo lớn. Nhưng nói chung, đó mới là những bước chuyển biến đầu tiên vì lực lượng sản xuất mới còn bị kìm hãm bởi quan hệ sản xuất nửa phong kiến và tình trạng phân cắt chính trị. Hà Lan, Bắc Mỹ và ngay cả các vùng tương đối chậm phát triển như Tiệp, Áo, Hung. Ý… đều có những bước tiến rõ rệt trong nền kinh tế công nghiệp.

Sự phát triển đó đem lại kết quả tất nhiên là xác lập sự thống trị của chủ nghĩa tư bản trong các nước đã trải qua cuộc cách mạng xã hội, hoặc ít ra, cũng tạo nên những tiền đề cần thiết cho sự thắng lợi của giai cấp tư sản đối với chế độ phong kiến trong một khoảng thời gian không xa nữa. Trên cơ sở đó, đến những năm 50-60 của thế kỷ XIX, cuộc cách mạng công nghiệp căn bản hoàn thành trên hầu hết các quốc gia phát triển của châu Âu và Bắc Mỹ. Đồng thời, bộ mặt các thành thị cũng thay đổi bởi những xí nghiệp hiện đại trang bị bằng máy móc và tập trung hàng ngàn vạn công nhân. Những đường giao thông chằng chịt nối liền các trung tâm với nhau, xóa bỏ sự ngăn cách lâu đời giữa các vùng. Nhưng cảnh phồn thịnh đó lại bị chi phối bởi quy luật giá trị thặng dư, quy luật lợi nhuận khiến cho người công nhân thực sự trở thành món hàng của nhà tư bản bị bóc lột hơn bao giờ hết, Cảnh tương phản giữa khu tư sản sang trọng, lộng lẫy với khu công nhân tối tăm, lụp xụp bộc lộ ngày càng rõ nét. Cuộc cách mạng công nghiệp làm cho số công nhân ngày một đông đảo và tập trung nhưng không cải thiện đời sống cho họ. Tình cảnh của họ tồi tệ và sa sút. Ngày lao động của công nhân kéo dài từ 12 đến 16 giờ và chỉ được lĩnh đồng lương chết đói. Lao động trẻ em và phụ nữ được sử dụng rộng rãi trong những điều kiện khắc nghiệt. Họ còn bị nạn thất nghiệp đe dọa do những cuộc khủng hoảng kinh tế gây nên, sẵn sàng hất họ ra hè phổ. Tác phẩm “Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh” của Ăngghen xuất bản năm 1815 là một bản cáo trạng đầy đủ vạch trần ách áp bức bóc lột của giai cấp tư sản đỗi với công nhân. Mối mâu thuẫn giữa vô sản và tư sản là điều không thể tránh khỏi và ngày càng trở nên hết sức gay gắt.

2. Phong trào đấu tranh bước đầu của giai cấp công nhân

Mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản càng gay gắt thì công nhân càng đứng dậy đấu tranh giành quyền lợi cho mình. Ngay từ những ngày đầu tiên của các công trường thủ công, công nhân đã chống lại bọn chủ một cách lẻ tẻ và tự phát. Nhưng khi đó, mâu thuẫn chủ yếu bao trùm xã hội là mâu thuẫn giữa sức sản xuất tư bản chủ nghĩa với quan hệ sản xuất phong kiến, công nhân chưa tấn công quyết liệt vào giai cấp tư sản mà còn đi theo giai cấp tư sản “chống lại kẻ thù của kẻ thù mình”. Sự tham gia của công nhân vào các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu và Bắc Mỹ đã góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chống phong kiến. Song những thành quả thu lượm được rơi vào tay giai cấp tư sản.

Hình thức phản kháng sơ khai của người công nhân là những cuộc bạo động tự phát chống lại việc áp dụng máy móc. Trong buổi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp, họ tưởng rằng nguồn gốc của nỗi khổ đau chính là máy móc. Vì vậy phong trào phá máy, đập phá công xưởng lan tràn rất nhanh trong các trung tâm công nghiệp. Nhưng dần dần, họ thấy rằng máy móc không phải là kẻ thù thực sự và hậu quả của những cuộc phá máy thường là sự trấn áp của chính quyền. Họ tiến lên một bước cao hơn là đấu tranh bãi công và xây dựng công đoàn. Trong những năm 20 – 30 của thế kỷ XIX, các ngành lao động ở Anh đều có tổ chức công đoàn với chủ trương công khai là bảo vệ công nhân, chống những hành động bạo ngược của giai cấp tư sản. Mục đích của những công đoàn ấy là đòi quy định tiền lương, tập hợp thành một lực lượng để điều đình tập thể với chủ, điều chỉnh lương theo lợi nhuận của chủ, tăng lương hoặc giữ vững mức lương khi cần thiết, ở nước Anh, hầu như không có tuần lễ nào, thậm chí không có ngày nào không xảy ra bãi công chống lại việc chủ định hạ lương hoặc không chịu tăng lương, chống thói đánh đập hoặc những quy chế khắc nghiệt. Những cuộc bãi công thường bị thất bại, mới là những sự va chạm nhỏ, chưa giải quyết được vấn đề gì lớn.

Qua quá trình đấu tranh, giai cấp công nhân dần dần có ý thức và có tổ chức hơn, họ tiến hành những cuộc đấu tranh với quy mô to lớn hơn, chống lại không riêng một chủ xưởng mà với toàn bộ giai cấp tư sản, đòi hỏi không riêng quyền lợi kinh tế mà còn có yêu cầu chính trị rõ rệt. Cuộc khởi nghĩa Lyông ở Pháp năm 1831 và 1834, phong trào Hiến chương ở Anh từ 1836-1848 và cuộc khởi nghĩa Sơlêdiên ở Đức năm 1844 đánh dấu thời kỳ đấu tranh có tính chất độc lập của giai cấp công nhân. Tuy nhiên nó cũng bộc lộ những nhược điểm lớn: chưa có một đường lối đấu tranh khoa học và chính xác, chưa có một tổ chức lãnh đạo sáng suốt của giai cấp công nhân. Chủ nghĩa xã hội không tưởng của Xanh Ximông, Phuariê, Ôoen không khắc phục được nhược điểm đó. Sự ra đời của chủ nghĩa cộng sản khoa học mà người sáng lập vĩ đại là C. Mác và Ph. Ăngghen đặt cơ sở lý luận cho việc giải quyết những yêu cầu của công nhân.

II – Quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Chủ nghĩa cộng sản khoa học

Thời kỳ hoạt động cách mạng bước đầu của Các Mác và Phriđrich Ăngghen:

C. Mác sinh ngày 5 tháng 5 năm 1818 ở thành phố Tơriê thuộc miền sông Ranh, một trung tâm công nghiệp nước Phổ. Cha ông là một luật sư người Do thái, có học thức cao và có tư tưởng tự do tiến bộ. Mác học trường trung học Tơriê năm 1835 tốt nghiệp với bài luận văn “Những ý nghĩ của người thanh niên chọn nghề nghiệp”, trong đó ông nêu lên sứ mệnh cao cả của con người trong cuộc sống. Sau đó ông vào trường đại học Bon, rồi chuyển về Beclin, nghiên cứu luật học, nhất là sử học và triết học. Năm 1841, ông trình bày luận án tiến sĩ với đề tài “Sự khác nhau giữa triết học tự nhiên Đêmôcrit với triết học tự nhiên Êpiquya”. Hồi đó ông còn là một người duy tâm chủ nghĩa, tham gia nhóm “Hêghen cánh tả” (còn gọi là nhóm Hêghen trẻ, là nhóm tìm cách rút ra từ triết học Hêghen những kết luận vô thần và cách mạng.

Tháng 4-1842, Mác về Khuên làm cộng tác viên “Báo sông Ranh” là tờ báo của phái tư sản cấp tiến có một số quan điểm giống với phái Hêghen trẻ. Nửa năm sau ông trở thành chủ bút của tờ báo, xu hướng dân chủ cách mạng của tờ báo dần dần được xác định Ông nêu lên những vấn đề bức thiết nhất của nước Đức: tình trạng bị áp bức của nông dân, con đường thống nhất nước Đức, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt Phổ và chống trật tự phản động lạc hậu ở Phổ… Mặc dầu đã kiểm duyệt rất khắt khe, đến tháng 1-1843, chính phủ phản động vẫn quyết định đóng cửa tòa báo. Mác phải rút khỏi ban biên tập và đến mùa thu ông chuyển sang Pari, khi đó đang là một trung tâm của các nhà cách mạng châu Âu.

Ở Pari, Mác thường xuyên tiếp xúc với những nhà hoạt động cách mạng của phong trào công nhân, đồng thời nghiên cứu lịch sử cách mạng Pháp, nghiên cứu các tác phẩm triết học duy vật Pháp và các cuốn sách của Phuariê, Xanh Ximông, Đêdami… Những ngày lưu lại ở Pháp đã làm cho Mác chuyển từ lập trường dân chủ cách mạng sang hẳn lập trường cộng sản chủ nghĩa. Sự chuyển biến về quan điểm chính trị đó gắn liền với sự chuyển biến về quan điểm triết học từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật. Ban đầu là một người thuộc phái Hêghen cánh tả, Mác muốn rút ra từ phép biện chứng của Hêghen những kết luận cách mạng. Nhưng dần dần, Mác nhận thấy nhược điểm của hệ thống triết học duy tâm và bảo thủ. Có ảnh hưởng quan trọng đối với Mác trong thời kỳ này là các tác phẩm của nhà triết học Đức Luvich Phơbách, người đầu tiên lên tiếng phê phán Hêghen. Mác cũng thấy rõ nhược điểm của Phơbách là đứng trên lập trường duy vật nhưng lại gạt bỏ hoàn toàn phương pháp biện chứng. Mác đã phê phán những nhược điểm của Hêghen và Phơbách, rút từ đó ra hạt nhân khoa học tinh túy nhất để xây dựng cơ sở cho một phép biện chứng mới về căn bản – phép biện chứng duy vật.

Tháng 2-1844, Mác xuất bản Tạp chí Pháp Đức niên giám. Trong số đầu và cũng là số duy nhất, tạp chí đăng lời nói đầu cuốn Phê phán triết học pháp quyền của Hêghen của Mác. Tác phẩm đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển thế giới quan của ông. Qua đó, ông nêu lên rằng việc phê phán có tính chất cách mạng đối với chế độ xã hội không chỉ hoàn toàn biểu hiện trong sự phê phán tôn giáo mà phải làm thế nào cho nhân dân vứt bỏ xiềng xích và thật sự trở thành tự do. Sự phê phán đối với trời, tôn giáo, thần học phải trở thành sự phê phán đối với đất, pháp quyền, chính trị. Hơn nữa, phải thấy rằng sự phê phán là phương tiện chứ không phải là mục đích tự nó. Những luận điểm đó đặt cơ sở cho việc giải quyết một cách khoa học và duy vật vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại, giữa tinh thần và vật chất. Nói về tình hình nước Đức, Mác đề ra nhiệm vụ giải phóng con người khỏi ách bóc lột và sứ mệnh của giai cấp vô sản. Triết học có nhiệm vụ phải phục vụ cho quần chúng và trước hết cho giai cấp vô sản trong sự nghiệp đấu tranh tự giải phóng. Mác viết: “… vũ khí của sự phê phán không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”[15] và “cũng giống như triết học thấy giai cấp vô sản là vũ khí vật chất của mình, giai cấp vô sản thấy triết học là vũ khí tinh thần của mình”[16]

Đồng thời, Mác chú ý nghiên cứu một cách có hệ thống các vấn đề kinh tế chính trị và chính công việc đó cũng góp phần quan trọng vào việc chuyển sang lập trường chủ nghĩa cộng sản của ông.

Cũng trong thời gian này, giai cấp vô sản còn có một nhà hoạt động vĩ đại và sau trở thành người bạn chiến đấu của Mác là Phriđrich Ăngghen. Ông sinh ngày 28 tháng 11 năm 1820 ở thành phố Bacmen, thuộc miền sông Ranh, một trung tâm công nghiệp của Phổ.

Tháng 11 năm 1842, Ăngghen sang nước Anh, dọn đến Mantretxtơ là một trung tâm công nghiệp lớn, làm công cho một hiệu buôn giàu, có phần vốn của cha. Ở đó, Ăngghen đi thăm các khu nhà bẩn thỉu của công nhân, trông thấy tận mắt tình trạng khốn cùng và những nỗi đau khổ của họ. Ông tìm đọc các tài liệu, báo cáo, thống kê, nhận định của những người trước về giai cấp công nhân Anh. Từ đó, ông bắt tay vào xây dựng tác phẩm Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh.

Tháng 8 năm 1844, Ăngghen đến Pari để gặp Mác. Lần gặp đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 11-1842 ở tòa soạn Báo sông Ranh. Hai ông hoàn toàn nhất trí với nhau về những vấn đề quan trọng nhất. Khi đó hai ông đã chuyển từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản khoa học.

Quá trình cộng tác của hai ông trong việc nghiên cứu đã tạo ra những tiền đề lý luận cho chủ nghĩa xã hội khoa học. Tổng kết nguồn gốc của học thuyết Mác, Lênin chỉ ra rằng: “Nó là người thừa kế chính đáng của tất cả những cái tốt đẹp nhất mà loài người đã tạo ra hồi thế kỷ XIX – đó là triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp”.

Trong khi xây dựng nền tảng đầu tiên cho học thuyết cộng sản khoa học, Mác và Ăngghen rất chú ý tới công tác tuyên truyền và xây dựng tổ chức trong phong trào công nhân.

Trong phong trào công nhân khi đó, chủ nghĩa xã hội không tưởng tiểu tư sản của Vaitơlinh được phổ biến rộng rãi. Tổ chức “ Đồng minh những người chính nghĩa” chịu ảnh hưởng của tư tưởng Vaitơlinh được thành lập ở Pari năm 1836. Thành phần ban đầu gồm những người Đức lánh nạn, phần đông là thợ may. Sau đó, nó thu nhận những người thợ thủ công nhiều nước và phát triển chi nhánh sang Anh, Đức, Thụy Sĩ, Nga, Hung, Tiệp, Nam Tư, Hà Lan… Mác và Ăngghen từ chối không tham gia Đồng minh vì không tán thành khuynh hướng hoạt động của nó, nhất là đối với những hoạt động có tính chất âm mưu của tổ chức này. Song hai ông vẫn thường xuyên theo dõi và tìm cách gây ảnh hưởng tới quan niệm lý luận của những người tham gia phong trào bằng thư từ, báo chí,

Để tạo điều kiện tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và phong trào công nhân, và đặt sợi dây liền lạc giữa những nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa, Mác và Ăngghen thành lập các Ủy ban thông tấn cộng sản. Năm 1846, một ủy ban được thành lập ở Bruyxen do hai ông chủ trì. Ủy ban liên hệ với các công nhân Đức có xu hướng cộng sản đang ở trong hay ngoài nước. Thông qua ủy ban, hai ông đã thường xuyên trao đổi với các lãnh tụ cánh tả của phái Hiến chương và nhiều nhà xã hội chủ nghĩa các nước khác.

Công tác tuyên truyền và đấu tranh của Mác và Ăngghen chảng bao lâu đã có kết quả trong phong trào công nhân. Một số người lãnh đạo trong “Đồng minh những người chính nghĩa” bắt đầu tiếp thu những cơ sở lý luận của Mác và Ăngghen.

Mùa xuân năm 1847, một trong những người lãnh đạo của đồng minh là Giôdep Môn đến gập Mác và Ăngghen, đề nghị hai ông tham gia vào việc cải tổ Đồng minh và xây dựng cho nổ một cương lĩnh mới. Giôdep Môn tuyên bố rằng những người lãnh đạo Đồng minh đã hiểu được sự đúng đắn của học thuyết mácxít và sản sằng từ bỏ phương pháp âm mưu trước kia. Xét những sự thay đổi sâu sắc trong quan niệm và ý muốn cải tổ của những người lãnh đạo, Mác và Ăngghen quyết định tham gia tổ chức với một số điều kiện nhất định.

Đầu tháng 6-1847, Đồng minh tiến hành đai hội ở Luân Đôn. Theo đề nghị của Mác và Ăngghen “Đồng minh những người chinh nghĩa” được đổi tên là “Đồng minh những người cộng sản”

Đại hội thứ nhất của “Đồng minh những người cộng sản” đánh dấu một bước thắng lợi lớn về mặt tư tưởng và tổ chức. Nó chứng tỏ rằng giai cấp công nhân đã bước đầu tiếp thu học thuyết cách mạng mácxit, dần dần thoát khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản để xây dựng nên tổ chức độc lập của mình.

Đại hội lần thứ hai tiến hành từ 29-11 đến 8-12-1847 dưới sự lãnh đạo của Mác và Ăngghen. Các đoàn đại biểu các công xã Đức, Anh, Pháp, Bỉ, Ba Lan, Thụy Sĩ… đều tới họp. Sau khi thảo luận ở các cơ sở, Đại hội đã chính thức thông qua điều lệ của Đồng minh. Đại hội giao cho Mác và Ăngghen thảo ra cương lĩnh dưới hình thức một bản tuyên ngôn. Chấp hành nghị quyết đó. Mác và Ăngghen đã hoàn thành nhiệm vụ sau một thời gian nghiên cứu. Tháng 2 năm 1848, bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản lần đầu tiên được công bố ở Luân Đôn.

Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.