Văn hóa là gì? Vai trò, chức năng và cơ cấu văn hóa

0

1. Khái niệm văn hóa

Văn hóa là một khái niệm hết sức đa nghĩa. Nó thể hiện trong toàn bộ mọi hoạt động, mọi lĩnh vực của xã hội, của cộng đồng, của mỗi gia đình cho từng cá nhân. Cho đến nay, văn hóa vẫn là một trong những khái niệm phức tạp và khó xác định.

Về mặt thuật ngữ khoa học, văn học được bắt đầu từ chữ la tinh “Cultus” mà nghĩa gốc là gieo trồng được dùng theo nghĩa Cultus Agri là “gieo trồng ruộng đất” và “Cultus Animi” là “gieo trồng tinh thần” hay “canh tác tinh thần” tức là “sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người”. Hoặc nói theo nhà triết học Anh Thomas Hobbes: “Lao động giành cho đất gọi là sự gieo trồng và sự dạy dỗ trẻ em gọi là gieo trồng tinh thần”.

Cho đến nay, theo thống kê, có tới trên 400 định nghĩa về văn hóa khác nhau. Mỗi định nghĩa đều xuất phát từ những cứ liệu riêng, góc độ riêng, mục đích riêng phù hợp với vấn đề mà họ quan tâm hay nghiên cứu.

Các nhà tâm lý học xem xét văn hóa từ góc độ tác động của nó đến cá nhân trong quá trình xã hội hóa: “Văn hóa là toàn thể những môn học cho phép cá nhân trong xã hội nhất định đạt tới sự phát triển nào đó về cảm năng, về ý thức phê phán và các năng lực nhận thức, các khả năng sáng tạo” (TeanLadriere, UNESCO 1977).

Theo các triết học: “Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất, tinh thần, do con người tạo ra trong quá trình thực tiễn lịch sử xã hội và đặc trưng cho trình độ đạt được trong sự phát triển lịch sử và xã hội” (Từ điển triết học, tiếng Bungari 1986).

Các nhà xã hội học cũng định nghĩa văn hóa theo nhiều cách khác nhau. Có người đồng nhất văn hóa với văn minh theo nghĩa dân tộc rộng nhất, chỉ toàn bộ tập hợp bao gồm đồng thời cả khoa học tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, phong tục, những kỹ năng và thói quen khác do con người thu nhận được với tư cách thành viên của xã hội (B.T.Etuốt). Có người cho rằng: văn hóa là tổng thể những hành vi học hỏi được các giá trị, niềm tin, ngôn ngữ, luật pháp và kỹ thuật của các thành viên sống trong một xã hội nhất định nào đó (P.T Côn và Tlubiu). Có người lại định nghĩa văn hóa là một hệ thống các khuôn mẫu và chuẩn mực được soạn thảo (tức là được ghi lại dưới hình thức này hay hình thức này hay hình thức khác trong các tập thể) về hành vi, hoạt động, giao tiếp và tương tác của con người, có chức năng điều tiết và khống chế trong tập thể lớn (T.M.Đritdơ) v.v….

Qua các định nghĩa về văn hóa, ta thấy tuy có nhiều điểm riêng theo từng góc độ của nhà nghiên cứu nhưng khái quát lại, giữa chúng có điểm chung như sau:

+ Văn hóa là một trong những nét cơ bản của đời sống xã hội.

+ Là một hệ thống (các giá trị, các cơ cấu, kỹ thuật, thể chế các tư tưởng ) được hình thành trong quá trình hoạt động sáng tạo của con người, được bảo tồn và truyền lại cho thế hệ sau.

+ Hệ thống văn hóa có chức năng như là một khuôn mẫu chuẩn mực quy định các hành vi xã hội. Mỗi cá nhân muốn trở thành con người xã hội, muốn hòa nhập vào cộng đồng xã hội thì phải tiếp thu, tuân thủ theo các chuẩn mực đó. Về phương diện này có thể coi văn hóa của xã hội là mục tiêu của quán trình xã hội hóa cá nhân và nhóm.

Về văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ở và phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt, cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. (Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, T3, tr 431).

Như vậy, ta thấy quan niệm về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính khái quát cao, đồng thời cũng khó tương đồng với định nghĩa văn hóa của tổng thư ký UNESCO Federice Mayor. Chúng ta có thể thống nhất định nghĩa văn hóa theo định nghĩa của Tổng thư ký UNESCO Federice Mayor: Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và các cộng đồng) trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc.

Khái niệm văn hóa là khái niệm rất phức tạp. Không ít trường hợp người ta đồng nhất khái niệm văn hóa với khái niệm học vấn. Sự đồng nhất này có khi được biểu hiện trên các văn bản có tính pháp quy. Ví dụ: trong mẫu các bản khai lý lịch có mục: trình độ văn hóa mà thực chất là trình độ học vấn. Người khai lý lịch khai theo trình độ học vấn, tuy nhiên, cũng có người đạt trình độ học vấn cao nhưng trong lối sống, cách ứng xử, trong quan hệ xã hội, vẫn cứ bị coi là thiếu văn hóa.

Về khái niệm văn minh cũng vậy. Không thể đồng nhất khái niệm văn minh với khái niệm văn hóa. Văn minh chỉ đồng nghĩa với văn hóa khi người ta đối lập văn minh với bạo tàn. Văn minh là trình độ phát triển đạt đến mức nhất định của xã hội loài người, có nền văn hóa vật chất và tinh thần với những đặc trưng riêng. Văn minh thường được dùng để chỉ trình độ phát triển của nhân loại đạt tới ở thời kỳ lịch sử nào đó. Nói đến văn minh là nói đến bốn nội dung cơ bản là đô thị, Nhà nước, chữ viết và trình độ kỹ thuật. Ví dụ: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, văn minh hậu công nghiệp…

Nói tới văn hóa, không thể nào không nói tới văn hiến và văn vật. Văn hiến là truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp. Có thể hiểu văn hiến là văn hóa theo đúng cách dùng và cách hiểu trong lịch sử. Văn hiến thiên về những giá trị tinh thần do những người có đức, có tài tạo ra trong lịch sử. Văn hiến là khái niệm của Phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng. Còn văn vật là truyền thống văn hóa tốt đẹp thể hiện ở nhiều nhân tài trong lịch sử và nhiều di tích lịch sử. Văn vật còn là khái niệm hẹp để chỉ những công trình, những hiện vật có giá trị trong lịch sử và giá trị nghệ thuật cao.

Tóm lại, nói văn hóa là nói tới con người, là nói tới việc phát huy những năng lực bản chất của con người nhằm hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội. Do đó, khái niệm văn hóa chứa đựng bản chất nhân văn, nhân bản. Cơ sở của mọi hoạt động văn hóa là hướng tới những khát vọng vĩnh hằng của nhân loại là Chân, Thiện và Mỹ. Văn hóa và xã hội là hai phạm trù khác nhau nhưng gắn bó với nhau, trong đó xã hội có phạm vi bao quát quát hơn. Một xã hội, xét một cách trung nhất là một người nhóm người chung sống với nhau trong một thời gian, thiết lập các tổ chức quan hệ riêng. Chính trong cuộc sống hoạt động và quan hệ đó tạo nên nền văn hóa riêng. Như vậy, có xã hội thì tất yếu phải có nền văn hóa tương ứng. Một nền văn hóa bao giờ cũng tồn tại trong lòng một xã hội và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông qua quá trình xã hội hóa.

2. Vai trò của văn hóa

Cũng như mọi sinh thể khác, con người là một yếu tố trong vũ trụ, chịu sự quy định chặt chẽ những điều kiện môi trường xung quanh. Nhưng khác với mọi sinh vật khác con người lại sống trong một trật tự xã hội với những thiết chế nhất định, với những khả năng hoạt động sáng tạo nhất định, hay nói cách khác là có văn hóa. Nếu giới tự nhiên là cái nôi đầu tiên nuôi sống con người, thì văn hóa là cái nôi thứ hai, mà ở đó toàn bộ đời sống tinh thần của con người được hình thành, được nuôi dưỡng và phát triển. Con người không thể tồn tại khi tách rời với môi trường tự nhiên, cũng như con người không thể thực sự là con người nếu tách khỏi môi trường xã hội hay môi trường văn hóa.

Vì văn hóa là sự phát huy các năng lực bản chất của con người, là sự thể hiện đầy đủ nhất chất người nên dù đó là hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội hay trong cách cư xử… Ngày nay, trong ngôn ngữ xã hội, người ta sử dụng khá phổ biến các khái niệm có liên quan đến văn hóa như: văn hóa chính trị, văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, văn hóa giáo dục, văn hóa lao động, văn hóa gia đình, văn hóa thẩm mỹ, văn hóa nghệ thuật… Lẽ dĩ nhiên, điều đó không loại trừ sự tồn tại những lĩnh vực hoạt động riêng của văn hóa, nghĩa là những hoạt động không thuộc lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội… Hoạt động văn hóa là hoạt động sản xuất ra những giá trị tinh thần hoặc những vật chất chứa đựng những giá trị tinh thần, nhằm giáo dục con người khát vọng hướng tới cái chân, thiện, mỹ và khả năng sáng tạo ra cái chân, thiện, mỹ trong đời sống. Do đó, có thể nói văn hóa là động lực cho sự phát triển của mỗi dân tộc cũng như của toàn nhân loại. Đồng thời, văn hóa còn là nền tảng tinh thần của mọi xã hội.

Vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế:

Nói con người chính là nói văn hóa, vì toàn bộ các giá trị văn hóa làm nên những phẩm chất, những năng lực tinh thần của con người. Những phẩm chất và năng lực đó được vật chất hóa trong quá trình sản xuất. Đổi mới tư duy kinh tế của nước ta là một thành tựu về văn hóa. Thành tựu đó đã thúc đẩy kinh tế nước ta vượt qua sự khủng hoảng đình trệ và vượt tới sự phát triển.

Gần đây, trong lĩnh vực kinh doanh đã xuất hiện khái niệm tài sản vô hình. Tài sản vô hình bao gồm các yếu tố chính như: Thông tin và khoa học – kỹ thuật, tổ chức bộ máy và nghệ thuật quản lý, sự tín nhiệm của khách hàng đối với công ty và sản phẩm… Các tài sản vô hình đó chính là sự chuyển hóa các năng lượng tinh thần của con người vào hoạt động kinh doanh. Đó chính là văn hóa. Thế giới đã có ý thức sử dụng văn hóa như một động lực phát triển kinh tế. Một văn kiện của Vatican ra đời năm 1972 trong phần nói về đời sống kinh tế của xã hội có viết: “Con người là tác giả, là tâm điểm và là cứu cánh của tất cả đời sống của xã hội…

Trong thời đại mà sự phát triển kinh tế, nếu được điều khiển và phối hợp một cách hợp lý và nhân đạo, có thể giảm được những chênh lệch trong xã hội thì nhiều khi lại làm cho những chênh lệch hoặc ở các nơi còn trở thành sự thoái hóa địa vị xã hội của những người yếu thế và miệt thị những người nghèo túng…”.

Khả năng phát triển của trí tuệ, của khoa học và kỹ thuật là điều kiện giả phóng và phát triển con người. Nhưng sự phát triển của trí tuệ, của khoa học – kỹ thuật cũng có khả năng ngược lại. Vấn đề là sử dụng trí tuệ và khoa học kỹ thuật vào mục đích gì. Nghịch lý những thời kỳ lịch sử đã qua là lý trí và khoa học càng phát triển thì lương tâm, đạo đức con người càng suy thoái. Đúng như nhà triết học Rabelais nói: “Khoa học mà không có lương tâm thì chỉ làm bại hoại tâm hồn”. Federico Mayor cũng nhận xét: “Chưa bao giờ như ngay nay, sự căng thẳng giữa khoa học và lương tâm, giữa kỹ thuật và đạo đức lên tới cực điểm đã trở thành mối đe dọa toàn thế giới”.

Điều này dẫn các nhà lý luận tới một quan niệm, nói văn hóa phải là mục tiêu của phát triển kinh tế cũng có nghĩa là phát triển phải hướng vào phát triển và hướng hoàn thiện con người, hướng vào phát triển và hoàn thiện xã hội. Từ đó nhân loại đang đi tới một lý thuyết mới về sự phát triển. Nhận thức mới về sự phát triển không dừng lại ở các đảm bảo sự tồn tại của con người, đáp ứng nhu cầu về vật chất (ăn, mặc, ở, đi lại…), những sự phấn đấu có thể là nguyên nhân tạo nên sự bất bình đẳng trong thi nhập và hưởng thụ, có thể dẫn tới cuộc sống không lành mạnh, ích kỷ, thực dụng, coi thường trí tuệ và nhân cách… Vì vậy, sau các chỉ tiêu kinh tế, người ta phải quan tâm hàng loạt tới các chỉ tiêu khác như: tuổi thọ trung bình, trình độ học vấn chung của xã hội, tỷ lệ người có công ăn việc làm, môi trường xã hội lành mạnh, môi trường tự nhiên trong sạch…

Định hướng của thế giới hiện đại là khởi động của sức sống của văn hóa để phát triển và hội nhập, để cân bằng với tiến trình văn minh. Văn hóa, vì vậy, ngày càng chứng tỏ vai trò tiên quyết của mình, nó không còn được xem đơn thuần như một hoa lá trang trí cho cỗ máy đại công nghiệp, ngược lại nó được coi là “chốt an toàn”, là “chìa khóa” và “động lực” của sự phát triển như lời kêu gọi của UNESCO khi phát động “thập kỷ phát triển của văn hóa thế giới” trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI. Như vậy văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển, đang trở thành vấn đề lý luận và thực tiễn có tính thời đại. Đó là hành trang chung của mọi quốc gia, để bước vào kỷ nguyên mới.

3. Cơ cấu văn hóa

Khi nói đến cơ cấu văn hóa, chúng ta cần xem xét văn hóa như một hệ thống chứa đựng trong đó hàng loạt các thành tố tạo nên một nền văn hóa. Giữa các thành tố này có liên kết chặt chẽ với nhau và sự thay đổi của mỗi một trong các thành tố đó đều kéo theo sự thay đổi các thành tố khác. Có nhiều cách lý giải khác nhau về cơ cấu của văn hóa. Có một số ý kiến cho rằng, văn hóa là bao gồm các thành tố như quan niệm, các mối quan hệ, các giá trị và luật lệ hoặc có ý kiến cho văn hóa gồm 4 thành tố chân lý, giá trị, chuẩn mực và các biểu tượng. GS sử học Trần Quốc Vượng cho rằng các nhân tố của văn hóa gồm: ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục – lễ tiết – lễ hội, nghệ thuật âm thanh và nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật tạo hình, nhà cửa – kiến trúc.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều tác giả thì cơ cấu văn hóa bao gồm:

3.1. Chân lý

Trong lịch sử đã tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về chân lý, có quan niệm cho chân lý là tính chính xác, rõ ràng của tư duy. Quan niệm khác cho chân lý là những nguyên lý, quan niệm được nhiều người tán thành thừa nhận. Có quan điểm gắn ý nghĩa của chân lý với lợi ích thực tế của nó… Tuy nhiên về mặt khoa học, chúng ta cần phải khẳng định chân lý là sự phản ánh sự vật, hiện tượng của hiện tượng vào nhận thức con người đúng như sự tồn tại trong thực tế khách quan. Hay nói cách khác, chân lý là sự phản ánh đúng thế giới khách quan trong ý thức con người. Chân lý là tri thức, phù hợp với hiện tượng khách quan và đã được thực tế kiểm nghiệm. Chân lý là những quan niệm về cái thật, cái đúng.

Chân lý là phạm trù mang tính tương đối, bởi lẽ mỗi nền văn hóa có những cái đúng, cái thật riêng, hay nói cách khác là có chân lý riêng. Cái mà ở nền văn hóa này, dân tộc này được coi là chân lý thì ở nền văn hóa khác, dân tộc khác lại bị phủ nhận. Chân lý luôn cụ thể, gắn liền với hiện tượng khách quan, vì vậy, ngay trong một nền văn hóa, một dân tộc ở các thời điểm lịch sử khác nhau cũng có những chân lý khác nhau.

Nói đến chân lý phải nói đến nhóm hay cộng đồng xã hội. Chân lý chỉ có thể được hình thành thông qua nhóm người. Một cá nhân không thể xã hội được chân lý. Cá nhân qua tiếp xúc, tương tác với nhóm nhỏ, nhóm lớn hình thành nên những ý kiến cho là đúng, là thật, ngày càng có tính khách quan hơn, càng gần với hiện thực hơn. Hiện thực khách quan, những sự vật, hiện tượng, những giá trị cụ thể của xã hội là nguồn gốc của chân lý, do đó, con người luôn luôn tồn tại gắn liền với những điều kiện khách quan lịch sử cụ thể. Khi những điều kiện khách quan thay đổi thì chân lý khách quan cũng thay đổi theo.

Mỗi nền văn hóa, mỗi dân tộc đều có những hoàn cảnh lịch sử khác nhau vì vậy, trong nền văn hóa dân tộc của họ cũng có các bộ phận chân lý khác nhau.

3.2. Giá trị

Giá trị là những cái cao cả mà con người cần vươn tới và khi đạt được thì con người mãn nguyện, có sự thăng hoa về tình cảm, sự cân bằng về tâm sinh lý. Với tư cách là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa, giá trị luôn được sự quan tâm và chấp nhận rộng rãi trong khoa học xã hội. Có thể coi giá trị là những quan niệm về cái đúng mong muốn ảnh hưởng tới hành vi lựa chọn. Giá trị là điều mà chủ thể quan tâm, vì vậy, nhìn nhận một cách rộng rãi hơn thì bất cứ cái gì tốt, xấu đều là giá trị. Giá trị gắn với nhận thức và tình cảm của chủ thể. Chúng có tính hướng dẫn và lựa chọn. Khi đã nhận thức được, chúng trở thành tiêu chuẩn lựa chọn, để hướng tới và dùng nó để phán xét. Do đó, giá trị chính là yếu tố quan trọng để hướng dẫn cho hành vi của chủ thể.

Con người đã tiếp nhận những giá trị ngay từ khi còn nhỏ thông qua giáo dục gia đình, nhà trường, quan hệ xã hội (bạn bè, nhóm xã hội…), các phương tiện thông tin đại chúng hay thông qua nhiều thông nhiều nguồn khác nhau. Chính những giá trị mà con người đã tiếp nhận đó đã trở thành một phần nhân cách của họ. Tuy nhiên, do nhận thức, điều kiện, môi trường hoàn cảnh sống… giữa mọi người khác nhau nên ở mỗi người thường có những hệ giá trị nhất định. Những hệ giá trị đó, có thể phù hợp với cộng đồng, xã hội, nhưng cũng có thể có những mâu thuẫn, xung đột giữa các cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng, với xã hội.

Tuy nhiên, mỗi cộng đồng xã hội, mỗi dân tộc, mỗi xã hội, mỗi nền văn hóa đều có những hệ giá trị riêng. Chính hệ giá trị riêng đó chi phối hành vi của đại đa số thành viên xã hội. Giá trị là cái hiện hữu, có thực và tồn tại trên thực tế. Chúng trực tiếp phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế xã hội cụ thể của từng xã hội. Do vậy, khi nghiên cứu, xem xét hệ giá trị, phải đặt chúng trong những điều kiện lịch sử, những điều kiện kinh tế, xã hội nhất định. Hệ giá trị của một xã hội chính là phương hướng phấn đấu cho toàn xã hội.

Hệ giá trị của mỗi con người hay của mỗi xã hội rất phức tạp và giữa chúng luôn có mâu thuẫn, thậm chí xung đột nhau. Khi các giá trị cơ bản có mâu thuẫn hay xung đột nhau, người ta thường ưu tiên, nhấn mạnh những giá trị được xếp theo thứ bậc quan trọng. Con người cũng như xã hội thường hành động theo những giá trị cơ bản và quan trọng nhất.

Giá trị ảnh hưởng đến động cơ và hướng dẫn cho hành động của con người, do đó, có thể nhìn hành động mà đoán được giá trị con người. Tuy nhiên, trong một số trường hợp giá trị và hành động có thể không nhất quán nhau.

3.3. Mục tiêu

Mục tiêu là cái đích cần phải đạt tới. Mục tiêu là một bộ phận của văn hóa và phản ánh văn hóa của một dân tộc. Mục tiêu là một trong những yếu tố cơ bản của hành vi và sự hoạt động có ý thức của con người. Mục tiêu chính là kết quả của hành động được đoán trước. Mục tiêu là cái đích thực tế cần phải hoàn thành. Mọi hoạt động của con người đều được xoay quanh những cái đích thực tế nhất định. Nhờ nó mà hoạt động đa dạng của con người được liên kết với nhau trong một hệ thống hướng tới những phương án hành động chung.

Có hai loại mục tiêu là mục tiêu cá nhân và mục tiêu chung. Mục tiêu cá nhân là mục tiêu của mỗi con người. Mục tiêu cá nhân rất đa dạng và không giống nhau với mọi cá nhân. Mục tiêu chung là mục tiêu của cộng đồng xã hội. Chúng được hình thành bằng hai con đường: một là, qua sự đồng ý lẫn nhau của các mục tiêu cá nhân; hai là qua sự trùng nhau của một vài mục tiêu cá nhân của các thành viên trong cộng đồng, xã hội.

Mục tiêu gắn chặt với giá trị và chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của giá trị. Không có giá trị thì không có mục tiêu, hay nói cách khác, giá trị thế nào thì sinh ra mục tiêu như thế. Tuy nhiên, mục tiêu khác với giá trị ở chỗ giá trị nhằm vào một cái gì đó nặng về mục đích tư tưởng, có hướng dẫn, còn mục tiêu thì nhằm vào cái cụ thể mà con người tổ chức hành động. Ví dụ trong học tập của sinh viên, giá trị là kiến thức thu được, còn mục tiêu là điểm 9, điểm 10, bằng nọ, bằng kia…

Sự tương tác giữa các thành viên trong việc chia sẻ những mục tiêu và giá trị chung chính là cơ sở cho sự tồn tại của các cộng đồng, xã hội. Mục tiêu và giá trị tạo ra con người hành động hướng con người đến những đích cụ thể, đến những điều cao cả, tạo sự tồn tại của cộng đồng, xã hội. Còn cộng đồng, xã hội tập thể các cá nhân, biến mục tiêu, giá trị cá nhân trở thành mục tiêu, giá trị của cộng đồng, xã hội. Khi giá trị và mục tiêu không thống nhất thì cộng đồng, xã hội sẽ thiếu bền vững, khi đó cần phải củng có giá trị và mục tiêu.

3.4. Chuẩn mực

Chuẩn mực là cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu, để hướng theo đó mà làm cho đúng. Về mặt xã hội chuẩn mực là tổng thể những mong đợi, những yêu cầu, những quy tắc của xã hội được ghi nhận bằng ngôn ngữ, bằng ký hiệu hay bằng các biểu tượng văn hóa làm căn cứ cho các hành vi của thành viên trong xã hội. Qua chuẩn mực, các thành viên xã hội biết mình được phép làm gì và cần phải xử sự như thế nào cho đúng trong những tình huống xã hội khác nhau. Chuẩn mực là sản phẩm của sự cọ sát, cân nhắc của cơ cấu xã hội, của quyền lợi nhóm, của hệ thống các mối quan hệ giữa các thành viên của xã hội về cái cần, cái được phép, cái có khả năng, cái mong muốn, hay về cái không mong muốn và không được phép. Chuẩn mực thực hiện chức năng liên kết, điều chỉnh, duy trì quá trình hoạt động của xã hội, như là hệ thống của các mối quan hệ tác động lẫn nhau của các cá nhân và các nhóm xã hội.

Chuẩn mực là khái niệm có phạm vi rất rộng, bao gồm những đạo luật, những quy tắc chặt chẽ nhất cho đến những quy định lỏng lẻo nhất giữa một số người với nhau. Nhờ hệ thống chuẩn mực mà hành vi của con người hòa nhập với cộng đồng, xã hội, cùng chia sẻ và thực hiện hệ giá trị xã hội. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt chuẩn mực với giá trị. Nếu giá trị là cái quan trọng, đánh giá nhất thì chuẩn mực là cái tiêu chuẩn, các quy ước, hướng dẫn và sự mong đợi đối với hành vi của con người.

Mỗi địa vị xã hội đều có chuẩn mực riêng. Con người ở các địa vị khác nhau đều được xã hội mong đợi và yêu cầu ở các mức độ phù hợp. Tuy nhiên, với chuẩn mực chung thì không xét đến địa vị xã hội.

Có nhiều loại chuẩn mực xã hội khác nhau. Tùy theo giác độ phân loại, ta có:

+ Căn cứ vào mức độ cộng đồng có chuẩn mực của toàn xã hội (chuẩn mực chung), chuẩn mực của các hệ thống xã hội nhỏ (chuẩn mực nhóm) và chuẩn mực của từng địa vị xã hội (chuẩn mực riêng).

+ Căn cứ vào mức độ thiết chế hóa có chuẩn mực được thiết chế hóa và chuẩn mực không được thiết chế hóa.

+ Căn cứ vào mức độ nghiêm khắc của sự trừng phạt đối với sự vi phạm thì có lề thói và phép tắc.

Lề thói là thói quen xã hội từ lâu đã thành nếp, là những tục lệ, những quy ước, quy tắc xử sự đối với hành vi của con người trong nhóm, trong xã hội. Lề thói được con người tiếp thu qua giao tiếp và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lề thói lan truyền rộng rãi và định chế hoạt động, hành vi của con người một cách tự giác qua sự giám sát của cộng đồng dư luận xã hội. Cộng đồng thường chỉ lên án nhẹ như tặc lưỡi, lắc đầu và cùng lắm là loại ra khỏi cộng đồng đối với những người có hành vi lề thói. Tuy nhiên, những định chế của lề thói có khi khá ngặt nghèo, vượt cả phép nước (phép vua thua lệ làng). Lề thói hay phong tục tập quán có thể có phạm vi rộng, hẹp khác nhau. Có những lề thói bao trùm trong xã hội, nhưng cũng có những lề thói riêng cho từng địa phương hay cộng đồng nhỏ (đất có lề, quê có thói).

Phép tắc, nói một cách khái quát, là những quy tắc, lề lối phải tuân theo. Phép tắc là những chuẩn mực quan trọng hơn so với lề thói. Cộng đồng, xã hội thường và phải cử ra một nhóm người để thực thi các phép tắc. Cộng đồng, xã hội sẽ áp dụng sự trừng phạt nghiêm khắc đối với những sự vi phạm phép tắc. Mức độ trừng phạt có thể từ thấp đến cao, từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể bị xử tù hoặn bị xử tử hình. Phép tắc phân biệt rạch ròi giữa đúng và sai, gắn với những giá trị mà xã hội cho là quan trọng hơn lề thói. Phép tắc được thể hiện ở luật pháp. Luật pháp chính là chuẩn mực quan trọng nhất đối với mọi xã hội. Pháp luật phải phản ánh lề thói và một số phép tắc. Nếu không như vậy, sự tuân thủ sẽ không được chú trọng, dễ bị bỏ qua. Do vậy, cần phải có sự thống nhất, tránh mâu thuẫn và xung đột giữa luật pháp với lề thói và phép tắc.

Lề thói và phép tắc là các thành tố của văn hóa. Vì vậy, mỗi nền văn hóa, mỗi nhóm văn hóa, cộng đồng, xã hội có những lề thói và phép tắc riêng.

4. Các loại hình văn hóa

Nói đến loại hình văn hóa là nói đến sự phân loại văn hóa theo những đặc trưng cơ bản nào đó nhất định. Vì vậy, nói đến các loại hình văn hóa, ta thấy có rất nhiều quan niệm khác nhau. Chẳng hạn, có thể phân chia các loại hình văn hóa thành văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, thành văn hóa tĩnh hoặc văn hóa động… ở đây, để tiện phân biệt, ta quan tâm tới cách phân loại các loại hình văn hóa thành văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.

a. Văn hóa vật chất

Loại hình văn hóa vật chất bao gồm những sản phẩm văn hóa chứa đựng trong vật chất mà sự tồn tại của chúng gắn liền với sự hiện diện của khối vật chất cụ thể như: các công trình kiến trúc, nhà cửa, thành phố, công viên, tượng đài, công cụ sản xuất… Đó là những vật phẩm do con người sáng tạo ra, một để đáp ứng các nhu cầu sinh tồn và phát triển, hai là để phân biệt họ với người khác. Chính trong quá trình làm ra các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của mình, con người đã sử dụng và phát huy mọi yếu tố như công cụ lao động, sự hiểu biết, kỹ năng lao động, các yếu tố vật chất đã có… gắn liền với những điều kiện, môi trường sống và môi trường sinh thái cụ thể nhất định. Chính các yếu tố đó thể hiện văn hóa của con người và được kết tinh trong mỗi sản phẩm. Mỗi sản phẩm vật chất do con người sản xuất ra đều chứa đựng trong nó hai mặt. Về mặt thực thể, chúng cho biết chúng là cái gì và để thỏa mãn nhu cầu nào của con người. Về mặt văn hóa, chúng cho biết chúng được sản xuất như thế nào và trong những điều kiện hoàn cảnh nào.

b. Văn hóa tinh thần

Loại hình văn hóa tinh thần (còn gọi là văn hóa phi vật chất) bao gồm những sản phẩm văn hóa có giá trị tinh thần thuần túy, mà sự tồn tại của chúng có tính độc lập tương đối, không trực tiếp liên quan đến vật chất mà chúng nhờ vả. Đó là những ý niệm, tư tưởng triết học, tư tưởng tôn giáo tín ngưỡng, những sáng tác văn học nghệ thuật lấy ngôn ngữ là chất liệu chính, những giá trị, chuẩn mực đạo đức, phong tục, tập quán…

Tất nhiên sự phân chia trên chỉ là tương đối, chỉ là để dễ phân biệt. Không nên cứng nhắc trong quan niệm, bởi lẽ trong những cái gọi là “văn hóa vật chất” có giá trị của văn hóa tinh thần và trong những cái gọi là “văn hóa tinh thần” thì ít nhiều cũng cần những nhân tố vật chất nhất định để thể hiện chúng. Qua những đường nét uốn lượn của một bức tượng, một mái chùa cong hay hình hoa văn, hình con rồng… chúng ta có thể cảm nhận những rung động, tài năng của nghệ sĩ tạo nên chúng, đồng thời có thể rút ra những nhận định về một thời đại lịch sử, người nghệ sĩ đã sống và sáng tạo nên tác phẩm. Một bài hát, một bài ca dao, một câu chuyện kể, cũng cần lời nói, người kể, người nghe, cần không gian, thời gian nhất định để đọc, hát, kể… Ngoài ra, khi diễn xuất và in ấn thành sách cần có những nhạc cụ, giấy mực và nhiều công đoạn mang tính chất khác.

5. Chức năng của văn hóa

Hoạt động văn hóa là lĩnh vực hoạt động rất phong phú và đa dạng. Văn hóa có mặt ở mọi nơi, mọi lúc và ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chỗ giống nhau của tất cả các hoạt động đó, dù là các hoạt động thuần văn hóa lẫn những hoạt động mang trong nó tính văn hóa đều có điểm chung là đều hướng tới cái chân, cái thiện, cái mỹ, qua đó tác động tới con người và xã hội. Vì vậy có thể nói, chức năng bao trùm của văn hóa là chức năng giáo dục.

a. Chức năng giáo dục

Nói chức năng giáo dục là nói tới việc định hướng xã hội, là những ý tưởng, đạo đức và hành vi của con người vào “điều hay lẽ phải”, theo đúng khuôn mẫu mà xã hội quy định. Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng. Những quan niệm, những đặc tính, truyền thống và tâm lý của mỗi dân tộc gắn liền với những điều kiện lịch sử riêng đã tạo ra bản sắc dân tộc văn hóa. Đã bao đời nay các thế hệ người Việt

Nam đã sống trong những điều kiện tự nhiên đặc thù, đã trải qua những thời kì lịch sử lâu dài gắn liền với những cuộc đấu tranh với thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, đã được nuôi dưỡng về tinh thần bằng kho tàng văn hóa dân gian, bằng những áng thơ tuyệt tác, bằng những phong tục và lễ hội, bằng những di tích lịch sử oai hùng… Chính văn hóa của mỗi dân tộc đã giáo dục, định hướng cho con người của dân tộc mình theo bản sắc riêng đó.

Cùng với bản sắc dân tộc, văn hóa trong xã hội có giai cấp bao giờ cũng mang tính giai cấp. Điều kiện sinh hoạt vật chất của các giai cấp khác nhau nảy sinh những tư tưởng, ý thức hệ và tình cảm khác nhau. Cuộc đấu tranh giai cấp về ý thức hệ thường khá gay gắt trên lĩnh vực văn hóa. Đó là cuộc đấu tranh giữa lớp người giàu với lớp người nghèo, giữa các thế hệ (trẻ – già), giữa lao động trí óc với lao động chân tay. Giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa các sắc tộc, tôn giáo… Trong xã hội phong kiến và tư bản, sự phân biệt đẳng cấp văn hóa bộc lộ rõ ràng, gay gắt. Các tầng lớp quý tộc tự tôn mình là xã hội thượng lưu, duy trì và đề cao văn hóa “thượng lưu”, “cung đình”, mệt thì văn hóa “tiện dân”… Do đó, bằng văn hóa bà thông qua văn hóa, xã hội có thể định hướng hành vi của xã hội theo những giá trị, những chuẩn mực nhất định. Tuy nhiên, không nên biến các hoạt động văn hóa thành sự giáo huấn khô khan, quá trìu tượng, mà phải bằng các hình thức hoạt động phong phú, sinh động tác động vào việc hình thành nhân cách, giúp con người phát triển toàn diện, phát huy được mọi năng lực tinh thần của con người.

b. Chức năng nhận thức

Trong bất cứ hoạt động văn hóa nào cũng chứa đựng chức năng nhận thức, ví dụ như các bảo tàng, các công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật… Bằng văn hóa, thông qua hoạt động văn hóa, xã hội tác động đến nhận thức của con người, trang bị thêm cho con người những tri thức, những kinh nghiệm và làm cho sự hiểu biết của con người về thế giới xung quanh, về xã hội và về bản thân con người ngày càng sâu sắc. Chức năng này của văn hóa được thể hiện trong hoạt động giáo dục – đào tạo, trong khoa học – công nghệ. Đây chính là những hoạt động tác động trực tiếp tới nhận thức, trí tuệ, mở mang và nâng cao dân trí. Phát huy chức năng nhận thức của văn hóa sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa các nước chậm phát triển với các nước phát triển.

Từ những kinh nghiệm đúc kết được trong lịch sử của dân tộc và của thế giới, Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nhân dân, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục, thực hiện “chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội”… Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức chính quy và không chính quy, thực hiện “giáo dục cho mọi người” cả nước trở thành một xã hội học tập”…

c. Chức năng thẩm mỹ

Cùng với nhu cầu hiểu biết, con người còn có nhu cầu hướng tới cái đẹp. Nhu cầu và khả năng hướng tới cái đẹp là dấu hiệu cơ bản để phân biệt con người với con vật. Mác viết câu “Bản chất con người là biết nhào nặn hiện thực theo quy luật của cái đẹp”. Hướng tới cái đẹp, nhận thức được cái đẹp và có khả năng biết rung động trước cái đẹp, đó chính là cảm xúc thẩm mỹ, ở một mức độ nào đó, tạo nên giá trị, phẩm chất đạo đức của con người.

Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, mỗi bước tiến của xã hội là một bước con người vươn tới cái đẹp. Chính nhu cầu và khả năng vươn tới cái đẹp là một trong những động lực quan trọng tạo nên sự tiến bộ về vật chất và về tinh thần cuộc sống của con người. Càng tiến tới trình độ văn minh thì nhu cầu và khát vọng về cái đẹp của con người càng trở nên bức thiết.

Thiên nhiên và cuộc sống xã hội luôn tạo ra cho con người những cảm xúc thẩm mỹ. Cái đẹp vừa là khuôn mẫu, vừa là gợi ý cho các chủ thể trong sự sáng tạo ra cái đẹp. Chức năng thẩm mỹ của văn hóa chính là ở chỗ hướng cho con người biết, có khả năng phát hiện cái đẹp và có sáng tạo ra cái đẹp. Điều đó không thể tách rời khả năng nhận thức của con người và do đó, chức năng thẩm mỹ gắn khá chặt với các chức năng giáo dục và nhận thức.

Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “Tạo điều kiện để nhân dân ngày càng nâng cao trình độ thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật, trở thành những chủ thể sáng tạo văn hóa. Đồng thời là người hưởng thụ ngày càng nhiều các thành quả văn hóa”.

d. Chức năng dự báo

Con người là chủ thể sáng tạo ra lịch sử. Sự sáng tạo đó chỉ được phát huy khi con người biết căn cứ vào những điều kiện khách quan của lịch sử. Những điều kiện đó hoặc đã có hoặc dần dần xuất hiện. Văn hóa là tổng thể những hoạt động về tinh thần và trí tuệ, là sự nhận thức ngày càng sâu sắc những quy luật tự nhiên, của xã hội cũng như của con người nhằm mở rộng sự hiểu biết, trí tưởng tượng khám phá và sự sáng tạo của con người. Chính với ý nghĩa đó, văn hóa có thể đưa ra những dự báo cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người.

Lịch sử nhân loại đã ghi nhận những dự báo của các nhà văn hóa. Nhìn vào sự phát triển ồ ạt của công nghiệp tư bản chủ nghĩa, họ đã dự báo những thảm cảnh sẽ xảy ra đối với nhân loại như: nạn ô nhiễm môi trường và mất cân bằng sinh thái, vấn đề vế sức ép dân số… Đặc biệt, trước sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học công nghệ, của các ngành điện tử, tin học… nhiều nhà văn hóa cũng đã đưa ra những dự báo về toàn cầu hóa, về hội nhập văn hóa, về một xã hội tri thức trong tương lai gần… Những dự báo đó đều là những căn cứ xây dựng các chiến lược về kinh tế – xã hội, chiến lược về con người.

e. Chức năng giải trí

Nhu cầu của con người rất đa dạng, nhưng có thể quy về hai loại nhu cầu cơ bản là nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Khi xã hội phát triển cao, khi đời sống vật chất đầy đủ, con người ta thường hướng tới việc thỏa mãn nhu cầu tinh thần. Giải trí là làm cho trí óc thảnh thơi bằng cách nghỉ ngơi hoặc tham gia các hoạt động vui chơi khác. Giải trí là thỏa mãn một phần nhu cầu của con người. Chính các hoạt động văn hóa góp phần đáp ứng nhu cầu đó. Quần chúng đến với các hoạt động văn hóa, đặc biệt đến với các hoạt động nghệ thuật, các bảo tàng, các câu lạc bộ, các lễ hội… chính là để thỏa mãn những sở thích cá nhân, tìm những niềm vui, giải tỏa những mệt mỏi sau thời gian làm việc căng thẳng… có nghĩa là họ tìm một sự giải trí. Giải trí không chỉ là sự bù đắp lại sức lao động đã mất đi mà còn để phát triển những năng khiếu tiềm tàng và bẩm sinh ở mỗi con người, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của con người.

Các hoạt động văn hóa với mục đích giải trí không chỉ có chức năng giải trí, mà đồng thời với nó, cũng chứa đựng các chức năng giáo dục hay nhận thức và hoàn thiện con người.

(Nguồn tài liệu: TS. Nguyễn Thế Phán, Giáo trình Xã hội học, NXB Lao động Xã Hội)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.