Tượng gốm Việt Nam
Trong kho tàng điêu khắc cổ cũng như hiện đại của Việt Nam ngày nay, ta thấy ngoài những chất liệu đá, gỗ, thạch cao thì chất liệu gốm (bao gồm đất nung và các loại sành, sứ) đóng góp vai trò khá trọng yếu. Tượng gốm Việt Nam tuy không to lớn bề thế như các loại tượng đá nhưng nó lại có một số lượng đáng kể và là một trong những loại tượng phổ cập rộng rãi nhất trong cuộc sống. Nó có mặt không những trên các mái nhà, mái đình, trong các lầu gác của giai cấp phong kiến mà ngay cả ở trong những xóm nghèo của người dân lao động ở thành thị cũng như nông thôn.
Người ta yêu mến tượng gốm không phải chỉ vì nó rẻ, dễ sản xuất hàng loạt, mà chính là vì nó mang trong mình phẩm chất nghệ thuật, làm tươi đẹp cuộc sống, nhiều khi nó lại là những cái thể hiện lòng khao khát, ước mơ của con người: một ông phỗng béo mập cười thỏa thích, một con trâu khỏe, một con lợn béo, một lão tiều phu với những gánh củi đầy cho đến một con cá sắp vào giỏ, tất cả đều ở dạng thành quả, không diêm dúa, không cầu kỳ mà gãy gọn, cô đúc như tục ngữ, ca dao.
Trước hết phải nói phần lớn tượng gốm là sáng tác của những người lao động, sản xuất và nó phục vụ cho đời sống của nhân dân hàng ngày. Nhiều nghệ nhân nặn tượng gốm hiện nay đã chứng minh điều đó. Họ làm nghệ thuật vì cuộc sống, vì “nhân sinh”, vì vậy tượng của họ gần gũi với tâm hồn con người; cũng có những thời kỳ nó phục vụ các tầng lớp trên, nhưng rồi nó lại trở về với cuộc sống của người dân lao động.
Nhìn lại quá khứ, đồ gốm Việt Nam ra đời kể từ ngày còn trứng nước thì có đến vạn năm, nhưng những tượng gốm đầu tiên mà hiện nay ta có được thì số tượng gốm cổ nhất tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ ở Đồng Đậu, xóm Rền (Vĩnh Phú) đã có cách đây 4.000 năm.
Ta có thể nhận ra trong bức tượng toàn gốm nhỏ diễn tả hình một con bò với thế đang lao húc về phía trước các khối đơn giản như thể hiện được sức sống của những bắp thịt trong mình nó. Người nặn đã nắm bắt được các đặc điểm, cái thần của con vật mà diễn tả ra một cách nhẹ nhàng sinh động với những khối gọn, đơn giản, chắt lọc.
Ngoài tượng bò ta còn thấy tượng nhỏ hình con chim trông hơi giống một con gà mái. Khác với khối của tượng bò, khối của tượng chim được tạo mỏng mảnh, nhẹ nhàng và biết sử dụng nét vẽ chìm (như vẽ trong gốm đất nung) để vẽ thêm vài nét lông đuôi. Chu vi theo chiều nghiêng của chim được quan tâm đầy đủ và chắt lọc, gần như khối để tạo lấy hình chú ý nhiều đến sự uyển chuyển và nhịp điệu của nét.
Ở di chỉ xóm Rền (Vĩnh Phú) người ta lại tìm được tượng tròn đầu gà bằng đất nung, đây có thể là một phần lớn của các tượng gà và qua cái đầu ta có thể đoán định được loại tượng này không phải là nhỏ. Kỹ thuật tạo tượng đã khá tinh vi, các chi tiết của đầu gà như mỏ, mào, tai, đều được diễn tả đầy đủ, nhưng các khối này không tách bạch nhau, tạo thành những góc gãy làm cho toàn khối mịn màng, liên tục. Đặc biệt đối với đôi mắt thì nhà nặn tượng đã mạnh dạn tạo nên bằng một viên đất nhỏ tròn ấn dẹt xuống chứ không vẽ hoặc khoét sâu. Rõ ràng quan niệm về thẩm mỹ, về phương pháp diễn tả đã chủ động sáng tạo, tạo nên hình tượng không lệ thuộc vào việc đơn thuần sao chép sự thực mà đã thông qua tư duy và sáng tạo của cá tính nghệ sĩ.
Ngộ nghĩnh hơn là bức tượng nhỏ nặn một người đang cưỡi lên lưng tê giác. Ta có thể cảm thụ được ý đồ của tác giả toát ra qua bức tượng này: con người bé nhỏ, lưng cúi rạp, tay bám chắc trên lưng con vật gần như khó có thể tách rời và đang cố tình bắt con tê giác phải thuần phục mình mặc dù con vật được nặn có thân hình béo mập, chân to, đuôi quặn, đầu ngửa lên, mắt mở to và có lẽ to mồm dọa dẫm. Bức tượng này phải chăng chỉ là một sự ngẫu nhiên, một sự thích thú đơn thuần về nghệ thuật? Rõ ràng là không phải như vậy. Nhìn bức tượng ta có thể thấy sức mạnh vô địch của con người dù bé nhỏ nhưng có bộ óc thông minh chinh phục những con thú rừng hung ác, và phải chăng đó là những lời kêu gọi sự thuần hóa các con vật hoang dã thành những con vật nuôi như bò, gà…
Những tượng gốm đầu tiên này tuy còn bé nhỏ về kích thước nhưng nó cho ta rút ra được nhiều kết luận quan trọng: trước hết là phản ánh con người thời đó với bàn tay khéo léo với óc thẩm mỹ cao đã tạo nên được những pho tượng đẹp đơn giản, chất lọc và giàu tính trang trí. Thứ hai là nêu lên được ước vọng của con người muốn chinh phục thiên nhiên, thuần hóa gia súc, ước mơ một sức mạnh cải tạo cuộc sống. Bản thân những tượng nhỏ này cũng có thể là những mẫu con vật rất phát triển cùng thời và người ta muốn truyền những kinh nghiệm hay dạy cách nhận dạng và hình dáng của nó như người châu Âu vẫn dùng cách vẽ lên những hang đá lớn các hình súc vật để săn bắn?
Như vậy tượng gốm Việt Nam ngay từ buổi đầu không phải chỉ mang tính chất đồ chơi, trang trí đơn thuần mà còn mang những mong ước của con người, những nội dung giáo dục thông qua hình tượng nghệ thuật cô đọng và bằng loại chất liệu dễ tạo hình nhất, gần gũi nhất là đất làm gốm. Và nội đung đề tài các bức tượng cũng gần gũi với cuộc sống của con người.
Xem thêm : Các nguyên lý cơ bản của xã hội học Macxit
Sau này qua các thời kỳ phát triển của đồ đồng và đồ sắt thì những tượng nhỏ bằng chất liệu này khá phát triển và hình tượng con người cũng được đề cao, phản ánh những sinh hoạt của cuộc sống đương thời.
Nội Dung
1. Tượng gốm thời Lý – Trần
Tượng gốm Việt Nam phát triển mạnh trong thời Lý – Trần khi mà nền độc lập tự chủ của đất nước được thiết lập sau hơn 1000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Các chính quyền phong kiến đã ra sức củng cố nhà nước, lo xây dựng nhiều cung điện lộng lẫy và đề cao các sản phẩm sản xuất trong nước.
a. Tượng trang trí
Cùng với sự phát triển rực rỡ của đồ gốm sành xốp tráng men ngà, men ngọc, tượng gốm cũng được sản xuất khá nhiều. Những tượng gốm đó cho đến nay vẫn còn mang trên mình dấu ấn của những thời đại đã qua, từ nội dung, đề tài cho đến phong cách biểu hiện. Các tượng nhỏ bằng sành xốp, đất nung ít thấy xuất hiện mà phần lớn là tượng nhỏ bằng sành xốp có tráng men màu. Rõ ràng những tượng này được sản xuất trong những lò gốm của triều đình cùng với các loại gốm men ngọc… và đối tượng phục vụ của nó không phải là nhân dân lao động mà là giai cấp phong kiến hồi bấy giờ.
Vì đối tượng phục vụ như vậy, nên nội dung các tượng này thường là nữ múa, người quỳ dâng hoa. Những con vẹt ngủ, con sư tử, con nghê, con mèo, con sóc…, tượng nhỏ xinh xắn nhưng cách diễn tả theo thực, hoặc chạm tỉa chi tiết, trau chuốt.
Về mặt nghệ thuật, những tượng nhỏ này đều có chung một vẻ đẹp đơn giản, chú ý tạo hình khối và những nét viền toàn tượng do khối tạo nên. Các con vật được diễn tả khá tập trung các đặc điểm và gợi được những chi tiết đẹp. Toàn tượng được đắp thành một khối ít có lỗ thủng hoặc những góc sâu, lỗ hõm hay gãy khúc. Chính vì vậy mà bản thân tượng toát lên một vẻ đẹp nhẹ nhàng gần gũi như một bài thơ ngắn.
Ta có thể nêu lên đây một vài bức tượng nhỏ điển hình của thời kỳ này: tượng chim vẹt ngủ bằng sành xốp men ngà khá phổ biến. Tượng đắp hình chim vẹt đang ở tư thế ngủ, đầu cúi gập về phía ngực, mỏ quặp vào trong tạo thành một khối liền. Phần chi tiết của đầu như mắt, lông mi, lông má được chạm tỉa khá tinh vi với những hình chọn lọc và rất có giá trị trang trí. Trong khi đó các phần khác như ngực, cánh được tạo khối hơi dẹt và trang trí lông thưa bằng nét chìm trông rất thoáng.
Đặc điểm tạo hình của tượng là gọn, các khối tạo nên hơi dẹt, có xu hướng như các khối trên lượng chạm gỗ Tây Nguyên. Đặc biệt nếu nhìn chính diện từ phía ngực, ta sẽ thấy rất rõ những mảng khối vuông được tạo một cách hài hòa giữa các khối và nét trang trí.
Ngoài những tượng nghê nằm hoặc đứng, mồm nhe có vẻ dữ tợn nhưng lại toát ra vẻ hiền từ, tượng voi nhỏ nhưng khối hình trau chuốt, khỏe khoắn, tượng mèo trong thế ngồi rình mồi đầu ngẩng cao, mắt đang theo dõi con mồi, hai chân trước thư thả, hai chân sau đang ở tư thế sẵn sàng bật dậy, ta còn thấy tượng cóc bằng sành men trắng vẽ nâu. Tuy tượng có kích thước nhỏ (0,033 x 0,05m) ngồi trong tư thế đĩnh đạc, đôi mắt mở to, hàng lông mi kéo dài mềm mại, mồm há rộng như đang kêu trời. Tượng cóc bằng gốm gợi cho ta nghĩ đến những tượng cóc bằng đồng trên các trống đồng cổ, hình dáng đơn giản, khỏe mạnh, gợi nhớ đến chuyện dân gian “Cóc kiện trời” một câu chuyện thể hiện sức mạnh đoàn kết đấu tranh để giành thắng lợi, thể hiện ước mơ của những cư dân nông nghiệp mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng cây cối tốt tươi.
Ngày nay, hình tượng cóc đối với nhân dân lao động có phần xa lạ, nhưng tượng cóc trên trống đồng và tượng cóc bằng gốm cho ta một quan niệm của thời xa xưa với những hình tượng nghệ thuật đầy thiện cảm và sức sống.
b. Tượng gốm kiến trúc
Cũng từ thời Lý – Trần, tượng gốm kiến trúc cũng xuất hiện khá nhiều trên các công trình xây dựng, đó là những đầu con giống đặt trên các đền chùa hoặc dinh thự làm tôn thêm vẻ đẹp của kiến trúc, hoặc những tượng đặt trước hoặc trong các công trình kiến trúc. Phần lớn các tượng này làm bằng chất liệu đất nung tạo hình khỏe khoắn và cách điệu cao.
Ta thường gặp là những tượng đầu rồng và đầu phượng. Tuy chung một đề tài, nhưng nó là những tượng nặn đơn chiếc tại chỗ, tùy theo từng công trình kiến trúc nên về mặt nghệ thuật ở mỗi cái đều có vẻ đẹp và những tìm tòi riêng trong cách diễn tả khối cũng như tạo dáng. Tuy là khối tượng tròn nhưng nó chịu nhiều ảnh hưởng của lối tạo hình trang trí cân xứng theo trục dọc cứa đôi con vật và cách giải quyết các chi tiết cũng không theo lối tả thực từng cái riêng mà đã cách diệu những mảng lông thành những mảng hoa lá rất đẹp mắt.
Ta có thể nêu ra đây chiếc đầu chim, phượng – tượng toàn bằng đất nung một bộ phận của kiến trúc. Tuy là một khối tượng tròn khá to, nhưng ta vẫn thấy phảng phất đâu đó một cái đầu phượng trong những bức phù điêu gốm rất phổ biến thời kỳ này. Bên cạnh chiếc mỏ to, khỏe, để nhẵn, là phần trang trí phức tạp. Cái mắt mở to và những đường mi mắt, lông mắt dập dờn, phần lông má được diễn tả bằng những gạch chéo tạo hình quả trám và một hoa văn hoa chanh hiện ra từ gốc trám tạo nên từng lớp như chiếc lông nọ chồng lên chiếc lông kia và được tạo bằng những nét chìm trên nền phẳng.
Xem thêm : Tài khoản Spotify Premium miễn phí 2023, Acc Spotify Premium Free
Tiếp đó là một đường viền hình cánh cúc xoắn và những cạnh hình lửa. Sau nữa là những chiếc lông cong dài được tạo ra từ những họa tiết lá kép có hình như những móc câu, càng ra ngoài càng thưa dần. Đặc biệt phần lông dưới mỏ được tạo như một cành lá cúc có độ sâu chênh lệch uốn lượn, ta có thể thấy rất rõ chủ tâm của tác giả tập trung các chi tiết vào giữa và càng ra ngoài càng đơn giản dần.
Ta có thể coi đây là những tượng “chân dung” bởi hiệu quả nghệ thuật của nó.
Vùng với phong cách đó, chiếc đầu rồng bằng đất nung cũng có giá trị trang trí và có hồn.
Ngoài những tượng để trên các mái nhà ta còn thấy những tượng gốm đất nung về những con vật hoàn chỉnh, không những tái tạo được hình ảnh con vật mà còn thể hiện được sinh khí của con vật.
Tiêu biểu là tượng sư tử bằng đất nung cao 17 cm thuộc thế kỷ XI – XII hiện lưu lại tại Bảo tàng Mỹ thuật. Tượng con sư tử này gần gũi với tượng sư tử bằng đá ở chùa bà Tấm (Đức Thắng, Gia Lâm, Hà Nội).
Đặc biệt trong triển lãm gốm vừa qua của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có trưng bày một pho tượng đất nung không men, hình tượng một người ngồi, phần tay đã bị gãy nên không rõ đang làm gì nhưng nhìn qua vẻ mặt, động tác ngồi xổm và phần tay còn lại đặt trên đùi, ta có thể tưởng tượng ra được đó là người ngồi trong dáng đang nghỉ ngơi, mặt nhìn ra phía trước (có người cho đó là bức tượng một người đang ngồi nghỉ vừa hút thuốc lào xong, tay cầm điếu, miệng nhả khói và tâm hồn lâng lâng).
Với chiều cao 33 cm, đây là bức tượng ngồi đất nung loại lớn mà chúng ta thấy. Bức tượng này gợi cho ta suy nghĩ về những tượng người to lớn hơn bằng đất nung ngày nay.
2. Tượng gốm thời Lê Mạc
Phần lớn là tượng bằng chất liệu sành nâu, sành trắng có men màu, vẽ trang trí hoa lam, tam sắc, men màu xanh đồng, nâu hoặc lam. Nhiều tượng kết hợp với công dụng hoặc sành nâu, sành nâu tráng men da lươn.
Nổi bật là các tượng voi, nghê, ngựa được tạo hình đa dạng và rất sáng tạo. Có thể thấy rõ rệt: các loại tượng nhỏ phục vụ cho trưng bày ở trong nhà, thường là voi, ngựa…; loại thứ hai là dùng cho nơi thờ cúng có kích thước lớn như nghê, ngựa, hạc…; loại thứ ba là kết hợp với sản phẩm như tượng nghê, cá, người trong các bình uống rượu,
Vào thời Nguyễn chúng ta thấy ngoài loại tượng đất nung thôn quê trang trí hòn non bộ, thì các loại tượng như hổ, hạc, nghê… bằng gốm hoa lam hoặc men rạn khá phong phú.
Có thể nói tượng gốm Việt Nam là một kho tàng điêu khắc dân gian phong phú để cùng với các loại tượng đá, gỗ làm nên nền điêu khắc cổ Việt Nam.
(Nguồn tài liệu: Trần Khánh Chương, Gốm Việt Nam từ đất nung đến sứ, NXB Mỹ thuật, 2004)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức