Chủ nghĩa hiện đại (modernisme)

0

Chủ nghĩa hiện đại (modernisme) là thuật ngữ có nội hàm rộng và biến động bao quát cả xã hội học, văn hóa học,  sử học…… có nguồn gốc từ cách phân biệt của các đức cha trong giáo hội Kitô giáo, gọi các xã hội đa thần giáo (trước khi có Kitô giáo) vùng Địa Trung Hải là aniticuus (cũ, cổ xưa) để phân biệt với thế giới công giáo là moderrus (mới, hiện đại), dần dần để nhằm chỉ một xã hội đi đôi với sản xuất công nghiệp hóa. Khái niệm này được sử dụng thông dụng ở Liên Xô (cũ) và cộng đồng xã hội chủ nghĩa (1945 – 1991) vận dụng vào mỹ học, văn học nghệ thuật với một nội hàm riêng, tựu trung chủ nghĩa hiện đại được dùng để gọi bao quát toàn bộ những khuynh hướng, trào lưu, trường phái văn học nghệ thuật không tiếp tục truyền thống của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX, từ những trào lưu nảy sinh trước hoặc sau Đại chiến I như chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa hoà đồng, chủ nghĩa tinh hoa, chủ nghĩa hình tượng, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực… Nghĩa là có những trường phái đã manh nha từ thế kỷ XIX, nhưng cũng có những trường phái vào thế kỷ XX mới ra đời (chủ nghĩa hậu hiện đại). Do vậy đúng ra phải được gọi tên là các chủ nghĩa hiện đại, nhưng nó lại có chung một vài đặc điểm cơ bản, có sự gần gũi nhau về nguyên tắc sáng tạo nên được gọi chung là chủ nghĩa hiện đại.

Chủ nghĩa hiện đại hiển nhiên là tồn tại trong bối cảnh chung với chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh kinh tế tư bản khủng hoảng, hai cuộc chiến tranh thế giới khốc liệt, cách mạng vô sản thắng lợi và phong trào giải phóng dân tộc làm tan rã hệ thống thuộc địa. Về khoa học kỹ thuật có sự phát triển mạnh mẽ: hình học phi Ơclit, thuyết lượng tử, thuyết tương đối, năng lượng hạt nhân… Chủ nghĩa hiện đại có cơ sở triết học từ tư tưởng ý chí luận A. Schopenhauer (1788-1860), F. Nietzsche (1844-1900), chủ nghĩa trực giác của H. Bergson (1859-1941), hiện tượng học của E. Husserl (1859-1938), phân tâm học của Freud (1856-1939) và Jung(1875-1961), chủ nghĩa hiện sinh của M.Heidegger (1889-1976), J.P. Sartre (1905-1980), A. Camus (1913- 1960), triết lý xã hội của trường phái Frankfurt như T. Adonno(1903-1969), H.Mareuse (1898-1979)…đều là hạt nhân tư tưởng tạo thành thế giới triết học của chủ nghĩa hiện đại. Từ khi con người có nhận thức, triết học ra đời bao giờ cũng đề cao lí tính, nhưng đến chủ nghĩa hậu hiện đại mọi sự ở đời đều được nhìn bằng đôi mắt phi lý tính, toàn thấy hư vô, phi lý, mộng ảo. Điều đó phản ánh tâm trạng bàng hoàng bất an trước những tai họa do chính con người gây ra. Thái độ từ chối tái hiện thực tại đời sống, quay vào khai thác những chấn thương tinh thần, thế giới bản năng bí hiểm, sự sám hối nội tâm có cơ sở xuất phát từ thực tại đời sống.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.