Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa

0

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là một thuật ngữ nhằm gọi tên một nền văn học của một quốc gia, một dân tộc tồn tại với tư cách là văn học chính thống dưới một chính thể mà Đảng cộng sản là lực lượng duy nhất cầm quyền, hoặc dùng để gọi tên một bộ phận, một dòng văn học, một khuynh hướng văn học gắn với ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản ở các nền văn học dân tộc khác, đồng thời còn gọi tên một phương pháp sáng tác với tư cách là nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật ra đời vào thế kỷ XX.

Về thực tiễn sáng tạo, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác xuất hiện trước đó khá lâu trong nền văn học cách mạng ở Liên Xô (cũ), bắt đầu từ tiểu thuyết Người mẹ (1906) của M. Gorki (1868 – 1936), những tập thơ Trong vòng vây lửa (1919), Cái cũ và cái mới (1919), trường ca Đường phố chính (1922) của D. Betnưi (1883 – 1945), các trường ca Đám mây mặc quần (1915), Cây sáo – xương sống (1915), Chiến tranh và thế giới (1916), Con người (1917) của B.Maiakovski (1893 – 1930), tiểu thuyết Thành phố trên thảo nguyên (1910) của A. Xerafimovits (1863 – 1949) trước Cách mạng tháng Mười. Sau cách mạng tháng Mười, còn phải tiếp tục kể đến sáng tác của Maiakovski, Xerafimovits, tiểu thuyết Chiến bại của Fadeev, tiểu thuyết Hai chị em (1921), Năm 1918 (1928) của A. Tolstoi… Các tác phẩm nói trên tuy khác nhau về đề tài, nhân vật, truyền thống nghệ thuật, phong cách, thể loại, và cả thủ pháp biểu hiện, nhưng đều thống nhất là ở một lý tưởng xã hội – thẩm mỹ, điểm cốt lõi của phương pháp sáng tác. Cũng từ thực tiễn sáng tác ấy, các nhà văn đã có những đề nghị về tên gọi khác nhau: chủ nghĩa hiện thực vô sản (Libedinski), chủ nghĩa hiện thực cộng sản (Gromski), chủ nghĩa hiện thực có tính khuynh hướng (Maiakovski), chủ nghĩa hiện thực đồ sộ (A. Tolstoi), chủ nghĩa hiện thực lãng mạn (Voronski), chủ nghĩa hiện thực xã hội (Lunasaski)… Trên các hệ thống thông tin đại chúng, có nhiều ý kiến đề nghị gọi là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa: “Quần chúng đang đòi hỏi nghệ sĩ một sự thành tâm, một sự chân thực và phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa của cách mạng vô sản” (Hãy bắt tay vào việc, xã luận báo Văn học, số ra ngày 25.9.1932). Trong cuộc họp các nhà văn tại nhà riêng của M. Gorki ngày 26 tháng 10 năm 1932, Stalin có đến dự và phát hiểu, cũng có sử dụng khái niệm này. Tất cả những điều đó tạo tiền đề cho Gorki trong diễn văn đọc tại Đại hội lần thứ nhất Hội Nhà văn Liên xô (1934), ông đã dùng thuật ngữ này và lần đầu tiên chính thức ghi vào điều lệ Hội Nhà văn Liên xô với hàm nghĩa là một phương pháp sáng tác, một cương lĩnh sáng tác nhằm thực hiện tư tưởng nhân đạo cách mạng: “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa khẳng định tồn tại như là sự hoạt động, sự sáng tạo mà mục đích là liên tục phát triển những năng lực quý giá của cá nhân con người, vì thắng lợi của nó đối với các lực lượng của tự nhiên, vì sức khỏe và tuổi thọ, vì hạnh phúc lớn nhất là được sống trên trái đất”. Điều lệ Hội Nhà văn Liên xô thông qua Đại hội lần thứ nhất cũng nêu rõ phương thức điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là: “phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa yêu cầu mô tả cuộc sống một cách chân thực lịch sử – cụ thể và trong quá trình phát triển cách mạng của nó, và trên cơ sở mô tả đó, có nhiệm vụ giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho người lao động”. (Dẫn theo Lại Nguyên Ân, Từ điển văn học, bộ mới, Sđd tr.286)

Như vậy, sự hình thành của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là quá trình khái quát từ thực tiễn sáng tác của một phương pháp nghệ thuật vốn tồn tại trước đó rất lâu, qua một số tác phẩm, đến sáng tác của một số tác giả, tạo thành một trào lưu mạnh mẽ, được các nhà sáng tác và lý luận tìm tòi, khái quát nên.

Nguyên lý tính đảng cộng sản

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là một hệ thống nghệ thuật mới mang tính cách tân, nó kế tục truyền thống nhân đạo chủ nghĩa của nghệ thuật quá khứ, đồng thời kết hợp truyền thống đó với nội dung xã hội chủ nghĩa, một nội dung hoàn toàn mới, là đóng góp  mà chủ nghĩa Marx sáng tạo, bổ sung vào triết học duy vật, khẳng định vai trò của hoạt động cải tạo cách mạng, nhằm thay đổi hiện thực. Cơ sở xã hội và ý thức của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và học thuyết mác xít. Năm 1848, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản do Marx và Engels soạn thảo được công bố, đánh dấu chủ nghĩa Marx chính thức ra đời, và giai cấp công nhân từ chỗ là một giai cấp tự phát trở thành một giai cấp tự giác, thì những mầm mống đầu tiên của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng đã xuất hiện trong văn học Tây Âu. Ngọn nguồn của nền văn học nghệ thuật kiểu mới này, được xem là bắt đầu từ thơ ca công xã Paris (1871), với những tên tuổi như E. Pottier (1816 – 1887), tác giả của bài thơ Quốc tế được phổ nhạc thành Quốc tế ca và các tác giả khác như L. Michel (1830 – 1905), G. B. Cleiment (1836 – 1903), G. Vallès (1832 – 1885)… Từ đó lan tỏa đến nhiều tác giả với nhiều tác phẩm xuất hiện ở nhiều nước khác nhau như Người mẹ (1906), Những kẻ thù (1906) của Gorki ở Nga, Pelle – người chinh phục (tiểu thuyết dài bốn tập cùng lúc được dịch và in ra nhiều thứ tiếng ở châu Âu từ 1906 – 1910), tiểu thuyết Ditte – con của người đời (1917 – 1921) của nhà văn Đan Mạch M. Andersen – Nexo (1869 – 1954).

Sau khi công xã Paris bị dìm trong bể máu, các nhà sáng lập ra nền triết học mới là Marx và Engels lần lượt qua đời, chủ nghĩa Marx bị Đệ nhị quốc tế xuyên tạc, phong trào công nhân còn non yếu và dần dần đi đến thoái trào. Trung tâm của cách mạng vô sản đã chuyển từ Tây sang Đông, từ Paris sang Pêterbour. Chủ nghĩa Marx đã được Lenine vận dụng vào thực tiễn của cách mạng và phong trào công nhân, trở thành chủ nghĩa Marx – Lenine, với bước nhảy vọt làm ngỡ ngàng lịch sử châu Âu, đó là sự kết hợp giữa phong trào công nhân và chủ nghĩa Marx, bằng cách thành lập một đảng kiểu mới của giai cấp công nhân – Đảng cộng sản bônsêvic Nga. Nguyên lý tính đảng ra đời trên cơ sở ý thức tự giác của một tổ chức, là cơ sở triết học kết tinh của cơ sở xã hội và ý thức hệ, nó trở thành linh hồn của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, cũng giống như nguyên tắc lịch sử – cụ thể của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX trước đó.

Nguyên tắc tính đảng chỉ có thể xuất hiện khi phong trào công nhân đã có một chính đảng lãnh đạo, nó trở thành ý thức tự giác trong mọi họat động của tư tưởng và hành động, nó thấm nhuần trong sáng tạo nghệ thuật, từ bình diện thẩm mỹ của thời đại thể hiện trong thực tại khách quan, đến tình cảm chủ quan của tác giả đã thấm đẫm trong tác phẩm, tạo thành một trào lưu nghệ thuật mạnh mẽ. Với trào lưu văn học, không chỉ dừng lại ở tác giả sáng tác và lý luận phê bình, ở tổ chức nhà văn mà còn liên quan đến cơ quan ngôn luận, xuất bản, phát hành,… tất cả đều phải thấm nhuần tính đảng, tuyệt đối chịu sự lãnh đạo của Đảng. Lenine yêu cầu: “Báo chí phải là những cơ quan của các tổ chức Đảng (..) các nhà xuất bản và các kho sách, các hiệu sách và các phòng đọc sách, các thư viện và các nơi bán sách báo – tất cả những cái đó đều phải trở thành của Đảng, chịu phụ trách trước Đảng. Giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa có tổ chức phải theo dõi tất cả các công tác đó, kiểm soát toàn bộ các công tác đó, mang nguồn nhựa sống cho sự nghiệp đầy sức sống của giai cấp vô sản vào trong toàn bộ công tác đó, không trừ bất kỳ trường hợp nào.” (Lenine, Bàn về văn học và nghệ thuật, Sđd tr.97) Với phê bình văn học, được coi là thể loại văn chương lý trí, Lenine hết sức quan tâm. Trong thư gửi cho Gorki ngày 7 tháng 2 năm 1908, ông tỏ ra chán ngán những bài viết dài dòng văn tự, vô bổ nhàm chán, nhan nhản trên các báo, biểu hiện thói trí thức quý tộc đã lỗi thời và đòi hỏi: “Hãy gắn chặt hơn nữa việc phê bình văn học với công tác Đảng, với việc lãnh đạo của Đảng” (Lenine, Bàn về văn hóa văn học, Nxb Sự thật, H. 1984, tr.300). Cố nhiên, văn học có tính đặc thù riêng của nó, sự lãnh đạo cả về tư tưởng và tổ chức nhưng không thể cào bằng mọi hình thái như nhau: “Sự nghiệp văn học ít chịu ảnh hưởng hơn cả đối với sự san bằng, sự bình quân máy móc, sự thống trị của số đông đối với số ít” (Marx – Engels – Lenine, Về văn học nghệ thuật, Sđd, tr.307). Tính đảng cộng sản là thuộc tính phẩm chất của nền văn học vô sản. Nó khác với tính giai cấp là thuộc tính tất yếu của mọi nền văn học trong xã hội có giai cấp. Lenine chỉ ra rằng: “Những người xã hội chủ nghĩa muốn đem văn học tự do chân chính công khai gắn chặt với giai cấp vô sản đối lập lại thứ văn học tự do giả dối, trên thực tế bị buộc chặt vào giai cấp tư sản” (Lenine, Bàn về văn học và nghệ thuật, Sđd tr. 98).

Như vậy, biểu hiện của tính đảng không chỉ là ý thức tự giác mà còn thể hiện ở tính công khai gắn chặt với giai cấp vô sản. Bởi tính đảng chỉ là biểu hiện tập trung của tính giai cấp. Mối quan hệ giữa tính đảng và tính giai cấp biểu hiện rõ trong sự vận động và phát  triển của lịch sử cũng như tiến trình văn học. Có những nền văn học xuất phát từ giai cấp công nhân nhưng không theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, có những nền văn học nhân danh xã hội chủ nghĩa nhưng lại xa lạ với quyền lợi của giai cấp công nhân. Đảng là đảng của giai cấp công nhân, phải đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, do đó tính nhân dân cũng là một thuộc tính phẩm chất của văn học và là một thuộc tính bản chất, là đòi hỏi của tính đảng. “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của tổ quốc, của nhân dân” (Trường Chinh), nên trong văn học của giai cấp vô sản, khi nói đến tính đảng là đã bao hàm cả tính nhân dân. Tính đảng cộng sản luôn gắn liền từ máu thịt, từ đời sống của nhân dân: “Đó sẽ là văn học tự do vì rằng nó sẽ không phải là để phục vụ cho các quý bà ăn uống phè phỡn, không phải là để phục vụ mấy vạn người lớp trên béo phị đến phát chán, phát khổ ra mà là để phục vụ cho hàng triệu và hàng chục triệu nhân dân lao động. Tức là tinh hoa, là lực lượng, là tương lai của đất nước” (Lenine, Bàn về văn học và nghệ thuật, Sđd, tr.97). Nghĩa là nền văn học có tính đảng là nền văn học được vũ trang bằng tư tưởng của giai cấp công nhân, phục vụ tuyệt đại đa số nhân dân. Tính đảng cộng sản trở thành thuộc tính phẩm chất thống nhất với tính giai cấp và tính nhân dân – thống nhất chứ không phải đồng nhất, trong tính đảng có tính giai cấp và tính nhân dân chứ không thể đảo đề ngược lại.

Lenine còn đề ra việc xây dựng nhân lực, xây dựng một đội ngũ nhà văn có tính đảng, cả về tư tưởng và tổ chức. Tư tưởng là ý thức hệ của giai cấp vô sản phải được thấm nhuần cả lý trí và tình cảm, trở thành ý thức tự giác. Về tổ chức, ông kêu gọi các nhà văn tham gia tổ chức Đảng, nhưng quan trọng hơn là sự tự nguyện phục vụ cho đường lối tổ chức của Đảng, nên phải tôn trọng tự do cá nhân, khác với lối tự do chủ nghĩa thực chất là thứ tự do lệ thuộc vào quyền lực tư sản và sức mạnh vật chất. Dân chủ xã hội bao giờ cũng bắt nguồn từ chính sự tôn trọng từng con người, từ đó dẫn đến tôn trọng quyền của mỗi con người, ý kiến cá nhân chấp nhận sự đa dạng của những cách sống, cách nghĩ, cách làm khác mình và khác nhau. Một người không có ý thức đầy đủ về tự do của mình sẽ không hiểu hết tự do của người khác. “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.” (K. Marx – F. Engels, Tuyển tập, Nxb Sự thật, H. 1980, tr. 6). Vì vậy, đối với tự do trong sáng tạo nghệ thuật, Lenine cho rằng: “Không thể chối cãi được rằng, trong sự nghiệp đó phải tuyệt đối bảo đảm phạm vi hết sức rộng rãi cho các ý kiến cá nhân, cho sở thích cá nhân, bảo đảm phạm vi hết sức rộng rãi cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung” (Marx – Engels – Lenine, Về văn học nghệ thuật, Sđd tr.307).

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã thành một trào lưu chung của các nước thuộc cộng đồng xã hội chủ nghĩa thế giới (1945 – 1991) được vận dụng trong các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, được luận chứng về mặt lý thuyết, được sử dụng như một loại thước đo, một loại tiêu chuẩn mang tính pháp quy để điều chỉnh sự phát triển của văn học nghệ thuật. Ở nước ta, trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ III (26.11 đến 1.12. 1962), thay mặt Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh đã có bài phá biểu tại đại hội với tiêu đề Tăng cường tính đảng, đi sâu vào đời sống mới để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng tốt hơn nữa, trong đó nêu rõ: “Đối với chúng ta, một tác phẩm văn nghệ có tính đảng là một tác phẩm văn nghệ thể hiện chân thật cuộc sống muôn màu muôn vẻ theo quan điểm chủ nghĩa Marx – Lenine và dưới ánh sáng của đường lối của Đảng. Từ nội dung tư tưởng của tác phẩm đó phải toát ra nhiệt tình chân thực đối với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đối với mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà (…) Tác phẩm có tính đảng là tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, nó tiêu biểu cho giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất kế thừa toàn bộ truyền thống tốt đẹp trong lịch sử và đứng ở đỉnh cao nhất của trí tuệ loại người mà phát minh khoa học và sáng tạo nghệ thuật.”(Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Nxb Hội Nhà văn, H. 2005, tr.36)

Nhân vật lý tưởng

Tái hiện thực tại đấu tranh và xây dựng một thế giới mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhân vật lý tưởng là nhân vật tích cực – nhân vật chính diện, xây dựng hình tượng con người mới, người chiến sĩ đấu tranh và sáng tạo ra thế giới mới xã hội chủ nghĩa, được xem là nội dung chủ yếu của văn học xã hội chủ nghĩa. Trong yêu cầu của Engels đối với chủ nghĩa hiện thực cũng đã đòi hỏi dành một vị trí cho hình ảnh những người công nhân cách mạng. Nhân vật trung tâm trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là hình tượng sống động những con người mới giác ngộ lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Tiểu thuyết Người mẹ được coi là mở đầu cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, là bởi vì lần đầu tiên trong văn học thế giới, M. Gorki đã tái hiện một cách chân thực hình tượng một nhân vật kiểu mới, một người vô sản có ý thức cách mạng tự giác cao độ. Chức năng chân chính của văn học được soi sáng thông qua nhân vật lý tưởng, cũng là nhân vật trung tâm của tác phẩm, đó là Paven Vlaxov, một hình tượng điển hình cho người công  nhân bônsêvic tiên tiến, người tổ chức, lãnh đạo quần chúng vươn lên trên con đường cách mạng. Ts. Aimatov, một nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa thuộc thế hệ sau, đã từng quan niệm về sứ mệnh của nền văn học mới: “Văn học phải biết quên mình, vác trên lưng cây thập giá của nó – dám xông vào những vấn đề phức tạp của cuộc sống, với mục đích giúp cho con người nhận ra những phẩm chất tốt đẹp trong bản thân mình, trong những người xung quanh, trong xã hội, để rồi yêu mến và bảo vệ nó. Chính trong ý nghĩa đó, tôi nhận ra chức năng chân chính của nghệ thuật.” ( Ts. Aimatov, Vài nét về bản thân, báo Văn nghệ số 50, Hà Nội ngày 14.12.1985).

Từ sự hy sinh của Người mẹ trở đi, ta bắt gặp hàng loạt những nhân vật trung tâm tiếp nối lý tưởng, mang vác trên vai lý tưởng giải phóng loài người, như chính vẻ đẹp tinh thần của thời đại: Davưdov, Mactunov trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Sapaev trong thời kỳ nội chiến, Cosevoi trong chiến tranh vệ quốc… Ở Việt Nam, chỉ nói riêng về văn học của hai cuộc kháng chiến, đã có bao nhiêu hình ảnh mang vẻ đẹp lý tưởng của người phụ nữ Việt Nam, như có sự vận động từ thấp đến cao: chị Mỵ (Vợ chồng A Phủ), chị Mẫn (Mẫn và tôi), chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng), chị Sứ (Hòn đất); hoặc các anh hùng như Đinh Núp (Đất nước đứng lên), anh Trỗi (Sống như anh), chính uỷ Kinh (Dấu chân người lính); các nhân tố mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội như Đào (Mùa lạc), Tiệp (Bão biển),… Hình tượng những nhân vật trung tâm này quyết định cho cảm hứng chủ đạo của nhà văn, biểu hiện lý tưởng thẩm mỹ trong quá trình sáng tạo, do vậy nó trùng khít – nó cũng là nhân vật lý tưởng – nó khẳng định nhân tố mới của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai cho rằng: “Văn hoá phải thích ứng với cõi người, phải có tính chất nhân đạo, phải chống lại những lực lượng trái với quyền lợi của sự sống, bất kỳ là lực lượng nào, từ đâu mà đến…” (39). Hoạt động văn hoá cũng như sáng tạo văn học bao giờ cũng phải có chủ đích, phải vì một cái gì, vì con người nào. Ca ngợi khẳng định người tốt là chủ đạo, nhưng không có nghĩa là duy nhất. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa có thể và cần thiết phải phê phán, lên án, tố cáo qua việc khắc hoạ chân dung những nhân vật phản diện, tiêu cực. Chính Lenine chứ không phải ai khác, rất ghét thói tô hồng che đậy, cơ hội, thiếu trung thực: “Người lắng nghe ý kiến của những kẻ đối lập, cũng như chú ý đọc cả sách báo của kẻ thù và ghi nhận xét của mình. Tôi thường bắt gặp người nghiên cứu và nhận xét các sách của bọn trắng xuất bản ở Berlin, Paris hoặc Tokyo. Nét mặt người rạng rỡ: Những người này đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Họ nhắc chúng ta chú ý đến tất cả những sai lầm và hành động ngốc nghếch mà chúng ta mắc phải. Chúng ta phải cảm ơn họ. Trái lại, Người không ưa kẻ khác tán tụng mình hoặc thêu dệt thêm những thành tích đạt được ở Liên bang Cộng hoà xã hội xô viết Nga, dù chỉ là để tuyên truyền: Chúng ta không cần bọn xiểm nịnh, chúng ta cần những người nói thật. Một lần nữa Lenine nói với tôi như vậy khi Người chỉ vào quyển sách của một người Pháp mới nghiêng về chủ nghĩa cộng sản, người Pháp này đã dùng hình thức văn học để miêu tả người Nga nhưng rõ ràng là không đúng” .

Lenine đã trực tiếp tỏ bày: “Chúng ta không bắt chước những kẻ viết hoa từ cách mạng như bọn xã hội chủ nghĩa cách mạng. Nhưng chúng ta có thể nhắc lại lời của Marx rằng, trong thời đại cách mạng không phải là có ít hơn những điều xuẩn ngốc mà đôi khi lại còn nhiều hơn. Phải nhìn những điều xuẩn ngốc đó một cách tỉnh táo mà không sợ hãi”. Đảng ta, với nhận thức khoa học và biện chứng, biết học tập và chọn lọc khách quan, đã tổng kết những bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tế cách mạng thế giới và tình hình cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Viết để nêu lên những cái hay, cái tốt của dân tộc ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra. Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân chính, đúng đắn chứ không phải cho địch lợi dụng để phản tuyên truyền” . Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa khác về chất so với chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX, chứ không phải không có sự phê phán. Bởi vì xét cho cùng, bất kỳ trào lưu văn học nào mà không ca ngợi, khẳng định cái tốt, cái đẹp và lên án, tố cáo, phê phán cái xấu, cái thù địch với bản chất người của con người. Khẳng định, ca ngợi luôn gắn bó hữu cơ, biện chứng với phê phán, khẳng định để phê phán, phê phán để khẳng định, trong phê phán có khẳng định, trong khẳng định có phê phán. Lãng tránh cái xấu, không dám phê phán là có tội, làm giảm đi sức mạnh của sự khẳng định.

Trong nhật kí của mình, Nguyễn Minh Châu đã từng chiêm nghiệm bản thân như một bản tự kiểm điểm: “Là những nhà văn hiền lành vô sự, chỉ biết ca ngợi, cả đời chúng ta không làm hại ai, không làm điều ác với ai. Nhưng cái tội ác của mỗi người chúng ta là đã khiếp đảm trứơc cái xấu và cái ác, nhất là khi cái xấu và cái ác đã nắm quyền lực. Và lâu dần dường như chúng ta coi như không có nó – cuộc đời không có cái xấu và cái ác chi phối sinh mạng con người”.

Đặc điểm nghệ thuật

Về phương diện nghệ thuật, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa coi trọng và kế thừa chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX, xác định phương tiện nghệ thuật chủ yếu là sự miêu tả giống như thực “trong những dạng thức của bản thân đời sống”. Nguyên tắc điển hình hoá của chủ nghĩa hiện thực gần như kế thừa trọn vẹn “tái hiện một cách chân thực những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình”. Tính cách có sự hài hoà giữa cái riêng có ý nghĩa cụ thể và cái chung có ý nghĩa khái quát, có sự phong phú đa dạng, gắn nó và luôn phát triển trong hoàn cảnh điển hình. Phải phục tùng và tôn trọng sự phát triển logic nội tại của tính cách, do đó không thể không có kiểu “nhân vật nổi loạn” như chủ nghĩa hiện thực thể kỷ XIX. Cái khác so với nguyên tắc điển hình của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX là tính cách và hoàn cảnh được nâng cao ở cấp độ chất lượng mới và trong chiều hướng vận động phát triển của nó: “Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa đòi hỏi điển hình hoá cao độ”. Bởi vì, “điển hình trong nghệ thuật là những nét, những tính cách cơ bản nhất, bản chất nhất, quan trọng và nổi bật nhất trong trong đời sống xã hội được tập trung biểu hiện và nâng cao qua sự sáng tạo của nghệ sĩ, nhưng chung quy nó vẫn là cuộc sống”

“Miêu tả cuộc sống trong quá trình phát triển cách mạng của nó”, nghĩa là miêu tả cuộc sống trong mối tương quan cái mới chiến thắng hoặc có khả năng và triển vọng chiến thắng cái cũ. Sở dĩ như thế là vì các nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa có nhãn quan duy vật biện chứng, nhìn thấy được quy luật phát triển của đời sống. Nhìn thấy những cái hiện tồn đang trị vì, lấn át nhưng đã chứa đựng mầm móng của sự thoái hoá, nên có thể dự cảm đựơc quá trình suy vong của nó. Người ta nói rằng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa có đến “ba thực tại” là quá khứ, hiện tại và tương lai. Tương lai mà họ nhìn thấy không phải bao giờ cũng thắng lợi rực rỡ, mà trong sự mất mát, hi sinh, có thể nhận ra xu thế của thắng lợi tất yếu. Chính phương thức này là sự dung nạp những thủ pháp của chủ nghĩa lãng mạn, gắn liền với cảm hứng anh hùng trong chiến đấu và lao động xây dựng cuộc sống mới. Kết thúc tiểu thuyết Người mẹ là sự thất bại của nhóm hoạt động cách mạng, Paven và các đồng chí của mình bị đày đi Xibir, bà mẹ bị cảnh sát Nga hoàng bắt giam. Nhưng kinh nghiệm đấu tranh của nhóm hoạt động cách mạng sẽ soi sáng cho hàng triệu quần chúng đứng lên đấu tranh và giành thắng lợi cuối cùng. Trước toà án của giai cấp thống trị, lời lẽ đanh thép của Paven không những lên án chế độ độc tài chuyên chế, mà còn khẳng định nhiệm vụ và tiền đồ cách mạng mà anh và các đồng chí của anh đang thực hiện. Ý chí sắt đá, niềm tin về phía tương lai, thái độ ung dung lạc quan của Paven, mấy câu nói cuối cùng của bà mẹ, xu thế hiện thực của tác phẩm đã được dự báo, làm cho viễn cảnh của cách mạng như có thể thấy, như đang sắp diễn ra. Yếu tố lãng mạn cách mạng là xu thế tất yếu, tuy chưa có nhưng có thể có hoặc sẽ có. Khác với chủ nghĩa lãng mạn về chất, tuy biểu hiện những ước mơ rất đẹp có thể an ủi được con người, nhưng cũng không bao giờ có. Cũng khác với chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX là hoàn cảnh được miêu tả vận động theo quá trình cách mạng, nên tính cách cũng phát triển tương ứng. Tính cách trong chủ nghĩa hiện thực cổ điển tuy có phát triển nhưng không phải là phát triển cách mạng: AQ ngưỡng mộ cách mạng, chị Dậu, Chí Phèo cũng có lúc thức tỉnh, phản kháng, thậm chí quyết liệt, nhưng chưa có ý thức mới, vẫn tự cầm tù trong ý thức cũ. Nhân vật có sự chuyển biến nhưng tốt xấu, mới cũ lẫn lộn. Tính cách trong chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa về căn bản vẫn phát triển theo một chiều hướng sáng tỏ, minh bạch trong ý thức đến hành động trong từng con người như người mẹ Nilovna của Gorki, chị Sứ, Út Tịch, má Bảy, anh Trỗi, Đinh Núp… Những nhân vật phản diện thì nguyên tắc miêu tả trong quá trình phát triển cách mạng của nó là theo chiều hướng suy thoái, huỷ diệt…

Cũng khác với chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX, tính cách trong chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vừa là con đẻ, vừa là người sáng tạo ra hoàn cảnh. Chủ nghĩa hiện thực cổ điển, nhân vật gắn bó với hoàn cảnh, là con đẻ của hoàn cảnh nhưng không thể cải tạo được hoàn cảnh, giẫy giụa chống lại hoàn cảnh như Chí Phèo, chị Dậu là chuốc lấy thất bại. Ngược lại mỹ học mác xít, với cơ sở ý thức là triết học không chỉ “giải thích thế giới mà vấn đề là cải tạo nó” (Marx), đã sáng tạo ra những tính cách có khả năng, có bản lĩnh sáng tạo ra được cả hoàn cảnh, khi được trang bị một ý thức đầy đủ. Lenine đã chỉ ra rằng: “Ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất vào trong bộ não của con người rồi cải biên trong đó” . Trong báo cáo chính trị Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đưa ra định nghĩa: “Con người mới vừa là sản phẩm của xã hội, vừa là chủ thể ý thức của xã hội”. Có thể nói, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là một hệ thống những nguyên tắc mở, cho phép khai thác con người trên mọi góc độ, dưới mọi khía cạnh, đặt trong mối giao hoà của đời sống xã hội và quan trọng hơn hết là hé mở được chiều hướng phát triển tất yếu. Phát hiện ra sự bí ẩn của con người là thuộc về các nhà hiện thực cổ điển, nhưng phát hiện ra quy luật vận động lịch sử- cụ thể của nó là những nhà hiện thực xã hội chủ nghĩa với thế giới quan khoa học và cảm quan về hiện thực một cách sáng rõ. Nhà hiện thực vĩ đại thế kỷ XIX Dostoievski nói rằng: “Con người là một điều bí ẩn, cần phải khám phá con người. Tôi tìm hiểu điều bí ẩn ấy vì tôi muốn trở thành con người”. Chủ nghĩa duy vật biện chứng không chỉ khám phá con người, mà còn phân biệt được sở dĩ con người tồn tại được là nhờ  ý thức tự giác, vì thế nó không chỉ chiến thắng được bản thân mà còn chiến thắng cả thế lực thù địch, cả về ý nghĩa tinh thần mang ý thức tự giác, để vươn về phía nắng ấm của tương lai. “Một nhà kiến trúc tồi nhất – Marx viết – ngay từ đầu đã khác với con ong khéo léo nhất là trước khi làm cái tổ bằng sáp, anh ta đã xây dựng nó trước trong đầu óc (…) Khác với  con ong, người lao động không chỉ thay đổi những hình thái, những vật tự nhiên mà qua đó còn thực hiện mục đích tự giác của mình, mục đích ấy như là quy luật quyết định phương thức và tính chất hành động của con người và anh ta bắt ý muốn của mình phải phục tùng nó”. (Marx – Engels – Lenine, Về văn học nghệ thuật, Sđd, tr.19)

Tóm lại, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa yêu cầu miêu tả cuộc sống theo ba vế tăng cấp dần: chân thật, lịch sử – cụ thể, trong quá trình phát triển cách mạng của nó.

“Lý thuyết thì xám xịt chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi” (Goeth). Những thành tựu của chủ ngiã hiện thực xã hội chủ yếu về thực tiễn sáng tác của các nền văn học dân tộc thuộc Liên bang Xô viết, mà những đại biểu xuất sắc là M. Gorki, Maiakovski, Fadeev, A. Tolstoi, M. Solokhov, hoặc các nhà văn trẻ sau chiến tranh như Raxputin, Boldarev, Vampilov, Suksin, Đumbaze, Bưcov… là thực tiễn sáng tác của các nền văn học thuộc các quốc gia khác trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, là thực tiễn sáng tác của bộ phận văn học gồm những nhà sáng tác thuộc phái tả (cộng sản hoặc có thiện cảm với cộng sản) ở các nước phương Tây như L. Aragon (Pháp, 1897-1982), P.Neruda (Chile, 1904 – 1973), N.Hikmet (Thổ Nhĩ Kỳ, 1902 – 1963)… Với các cây đại thụ của các nền văn học này thì sự sáng tạo của họ làm phong phú thêm và phần nào phá vỡ những quy phạm của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chẳng hạn, những cách tân trong văn xuôi Solokhov, trong thơ Maiakovski, hoặc sáng tạo nghệ thuật kịch “lạ hoá” của B. Brecht (Đức, 1898 – 1956) được thế giới phương Tây đánh giá là nhà cách tân sân khấu lỗi lạc nhất thế kỷ XX,… đó chính là những đóng góp đáng kể nhất của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vào nghệ thuật thế kỷ XX.

Bất kỳ một hiện tượng sự vật nào dù ưu tú đến đâu, cũng có những giới hạn nhất định của nó. Với một nền nghệ thuật chi phối cả một hệ thống nhiều nước trên thế giới, chiếm gần trọn cả thế kỷ XX, không thể không có những bất cập, không lộ ra những nhược điểm. Một mô hình xã hội có tính quy phạm như chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô không thể không ươm mầm cho những nhược điểm tồn tại quá lâu. Sự khủng hoảng và cáo chung của hệ thống đó vào cuối thế kỷ không thể không tác động đến các hình thái ý thức, trong đó có văn học, nhưng phải thấy đó là sự cáo chung của mô hình xã hội, chứ không phải toàn bộ lý tưởng và thực tiễn cuộc đấu tranh cách mạng nhằm giải phóng con người. Sự kiên trì theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay ở một số nước, trong đó có nước ta, xét trong tính lịch sử – cụ thể trước mắt là chính xác, còn sự phán xét cuối cùng chỉ có thể ở tương lai.

Từ đầu những năm 70, viện sĩ hàn lâm D. Markov, đã nêu ra quan niệm chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là hệ thống mở, có thể vì cần thiết phải phát huy về mặt thủ pháp của các phương pháp khác. Ngay ở nước ta từ rất sớm, năm 1962, Trường Chinh nhà lý luận của Đảng đã cho rằng: “Phương pháp hiện thực xã hội chủ yếu thu hút và bao dung những yếu tố tích cực của những phương pháp khác, chẳng hạn như phương pháp lãng mạn, phương pháp tượng trưng… ” . Điều đó, thể hiện rõ trong sáng tác của Ts. Aimatov trong Vĩnh biệt Gunsarư, hoặc Và một ngày dài hơn thế kỷ đã sử dụng các thủ pháp của văn học cổ đại, của chủ nghĩa hiện đại như huyền thoại, truyền thuyết, ảo giác, hồi ức, thời gian phi tuyến tính, tưởng tượng, hoang tưởng…

Với tác giả Hồ Chí Minh, dường như khi cầm bút ngồi trước trang giấy, trong đầu luôn xuất hiện các câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Và, đã không ít lần xác định: “Mình viết là cốt để giáo dục, cổ động, nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem”. Tuy không bao giờ dẫn ra khái niệm “phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa” nhưng thực tiễn sáng tác của Người đã khẳng định tuân theo nguyên tắc hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong nhiều tác phẩm của Hồ Chí Minh thể hiện rõ tính chân thật và tính lịch sử – cụ thể như Vi hành, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu, Đoàn kết giai cấp, Con rùa… và ngay cả tập thơ Nhật ký trong tù đã khái quát được những dạng thái của bản thân đời sống. Tất nhiên, sự chân thật chứ không phải xác thực, sự thật nghệ thuật chứ không phải sự thật ngoài đời. Lenine cho rằng: “Nghệ thuật không đòi hỏi phải thừa nhận các tác phẩm của nó như là hiện thực (…) Ý thức xã hội phản ánh sự tồn tại xã hội, đó là học thuyết của Marx. Hình ảnh có thể phản ánh vật thể một cách trung thực hoặc nhiều hoặc ít, nhưng ở đây mà nói giống hệt thì là ngu xuẩn     Chủ nghĩa duy vật thừa nhận một cách chung chung rằng tồn tại, thực tại khách quan (tức là vật chất) không lệ thuộc vào ý thức, cảm giác, kinh nghiệm của nhân loại, chủ nghĩa duy vật lịch sử thừa nhận tồn tại xã hội không lệ thuộc vào ý thức xã hội loài người. Trong hai trường hợp đó, ý thức chỉ là phản ánh của tồn tại, nhiều lắm thì cũng chỉ là một sự phản ánh gần đúng (ăn khớp, chính xác một cách lý tưởng)”. Vì vậy, trong thơ văn của Hồ Chí Minh còn sử dụng đến phương thức khái quát “phi hiện thực” như các thủ pháp lãng mạn, kỳ ảo (Lời than vãn của bà Trưng Trắc), viễn tưởng (Con người biết mùi hun khói, Giấc ngủ mười năm), giả tưởng (Nhật ký chìm tàu), tượng trưng (Con rồng tre)    Tóm lại, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không thể tự giới hạn mình

trong cái khung của ba cấp độ chân thực, lịch sử – cụ thể và trong quá trình phát triển cách mạng, mà có thể vận động đổi mới phù hợp với sự vận động của tư duy sáng tạo của nhân loại. Không phải không nên mà không nhất thiết, phải miêu tả cuộc sống một cách lịch sử – cụ thể trong quá trình phát triển cách mạng của nó, mà chỉ cần phản ánh cuộc sống một cách chân thực theo chiều hướng cách mạng, theo xu thế tất yếu của lịch sử, là đủ.

(Theo: Phạm Phú Phong, Giáo trình Tiến trình Văn học)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.