Lịch sử Việt Nam thời kỳ nguyên thủy

0

Lịch sử Việt Nam thời kỳ nguyên thủy.

Những dấu vết đầu tiên của con người trên đất Việt Nam

Trong lịch sử loài người, giai đoạn đầu tiên là thời kỳ nguyên thủy. Trong khảo cổ học, giai đoạn này tương ứng với thời kỳ đồ đá cũ. Trong nhân loại học, nó tương ứng với thời kỳ người vượn.

Người vượn tồn tại cách ngày nay khoảng 2 triệu năm đến vài chục vạn năm. Trên lãnh thổ Việt Nam, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều dấu vết của người vượn, gần giống với người vượn Bắc Kinh, cách ngày nay trên dưới 50 – 60 vạn năm.

Trong các hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn); Thẩm Ồm (Nghệ An); Hang Hùm (Yên Bái)… các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một số răng người vượn nằm trong lớp trầm tích màu đỏ cùng di cốt các động vật thời Cánh tân, cách ngày nay khoảng 40 – 50 vạn năm, cùng với những công cụ lao động của người vượn.

Ở một số địa phương trên cả nước như Hang Gòn (Xuân Lộc – Đồng Nai), Lộc Ninh (Bình Phước), núi Đọ (Thanh Hóa)… đã tìm thấy công cụ lao động của người nguyên thủy. Những công cụ đó làm bằng đá, có ghè đẽo thô sơ rất giống với các công cụ đá thời đại sơ kỳ đá cũ.

Do trình độ thấp kém, công cụ lao động thô sơ, lại sống trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nên người vượn đã hợp thành từng bầy để cùng lao động và chống thú dữ. Khác với các bầy động vật, bầy người nguyên thủy đã có quan hệ xã hội, có người đứng đầu, có sự phân công lao động giữa nam và nữ. Mỗi bầy thường có khoảng 20 – 30 người, gồm các thế hệ khác nhau, lấy hái lượm, săn bắt làm phương tiện để sinh sống và lang thang khắp nơi.

Các giai đoạn phát triển của xã hội nguyên thủy ở Việt Nam

* Sự xuất hiện người hiện đại: từ Ngườm đến Sơn Vi

Trải qua một thời gian dài sinh tồn và phát triển, người vượn đã chuyển biến thành người khôn ngoan (hay còn gọi là người hiện đại). Tên khoa học là Homo sapiens. Người hiện đại thường xuất hiện vào hậu kỳ Cánh tân.

Trên lãnh thổ Việt Nam, ở hang Thẩm Ồm (Nghệ An) đã tìm thấy răng người cổ và xương răng một số động vật như voi răng kiếm, gấu tre. Răng người Thẩm Ồm có những đặc điểm của răng người – vượn (Homo erectus) lại có đặc điểm răng người hiện đại (Homo sapiens).

Ở hang Hùm (Yên Bái), hang Kéo Lèng (Lạng Sơn) lại phát hiện được 2 chiếc răng của người hiện đại, có niên đại cách ngày nay khoảng 3 vạn năm.

Ở mái đá Ngườm (Võ Nhai, Bắc Thái), các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều mảnh tước nhỏ, tách từ những hòn cuội để dùng làm nạo và mũi nhọn, có niên đại cách ngày nay khoảng 23.000 năm, thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ.

Vào cuối thời đại đá cũ, trên một vùng rộng lớn của miền Bắc nước ta, có nhiều bộ lạc săn bắt, hái lượm để sinh sống. Họ cư trú trong các hang động, mái đá, ven bờ các con sông, suối. Các di tích văn hóa thời kỳ này được các nhà khảo cổ học gọi bằng một thuật ngữ chung là văn hóa Sơn Vi (lấy tên xã Sơn Vi, Sông Thao, Phú Thọ – nơi phát hiện những hiện vật đầu tiên thuộc nền văn hóa này). Dấu tích của văn hóa Sơn Vi được tìm thấy ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị…

Các bộ lạc Sơn Vi dùng đá cuội ghè đẽo ở rìa cạnh tạo nên những công cụ chặt, nạo hay cắt. Hai mặt còn lại của hòn cuội vẫn vẫn giữ được vẻ tự nhiên. Đặc trưng của công cụ Sơn Vi là những hòn cuội được ghè đẽo ở rìa cẩn thận, có nhiều loại hình ổn định, thể hiện bước tiến trong kỹ thuật chế tác đá, song chưa có kỹ thuật mài. Sự xuất hiện của người hiện đại Sơn Vi đánh dấu bước chuyển biến trong tổ chức xã hội, các thị tộc, bộ lạc ra đời.

Mỗi thị tộc gồm vài ba chục gia đình với vài ba thế hệ cùng chung huyết thống, sống quây quần với nhau trên cùng một địa vực. Một số thị tộc sống gần nhau, có họ hàng với nhau vì cùng chung một nguồn gốc tổ tiên xa xôi hợp lại thành bộ lạc. Các thị tộc trong một bộ lạc có quan hệ gắn bó, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và có quan hệ hôn nhân giữa con trai của thị tộc này với con gái của thị tộc kia trong cùng một bộ lạc. Mọi thành viên trong cùng thị tộc đều có phong tục, tập quán như nhau và đều được tự do, bình đẳng.

* Thời kỳ Hòa Bình – Bắc Sơn

Tiếp theo văn hóa Sơn Vi là văn hóa Hòa Bình. Hòa Bình là địa điểm đầu tiên phát hiện được di chỉ văn hóa thuộc thời kỳ văn hóa đá mới trước gốm, có niên đại cách ngày nay khoảng 12.000 đến 10.000 năm. Cư dân Hòa Bình đã mở rộng địa bàn cư trú khắp vùng núi Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu…) vào đến các tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên…).

Cư dân Hòa Bình chủ yếu sống trong các hang động, mái đá thuộc các thung lũng đá vôi, gần suối sông và đã có cuộc sống định cư tương đối lâu dài. Công cụ của họ vẫn làm bằng đá cuội nhưng ghè đẽo rộng hơn, lên cả một bên mặt, còn mặt bên kia để nguyên. Những công cụ này có lưỡi xung quanh có thể chặt, đẽo, nạo. Đặc trưng của công cụ Hòa Bình là rìu ngắn. Các nhà khảo cổ còn tìm thấy chày nghiền hạt bằng đá cuội bị mài phẳng một đầu do nghiền hạt nhiều, những chiếc rìu dài bằng đá cuội có ghè đẽo, nhiều mảnh tước.

Hoạt động kinh tế chủ yếu của cư dân Hòa Bình là hái lượm và săn bắt. Trong nhiều di chỉ thuộc nền văn hóa Hòa Bình, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều xương động vật là các loài thú rừng, vỏ các động vật thân mềm sống dưới sông suối. Ở hang Chùa (Tân Kỳ), phát hiện các xương thú như hươu, voi, trâu bò, lợn rừng, khỉ, tê giác và nhiều vỏ ốc, hến… Ở hang Dơi (Quảng Trị) tìm thấy các công cụ, xương động vật như rìu ngắn, rìu hình đĩa, rìu lưỡi dọc, mảnh tước, bàn nghiền hạt, vỏ ốc, trai, hến…

Những phát hiện của khảo cổ học còn cho thấy dấu tích của một nền nông nghiệp sơ khai, nông nghiệp trồng rau quả hoặc cây cho củ thời Hòa Bình. Ở các di chỉ Sũng Sàm (Hòa Bình), Thẩm Khương (Lai Châu), bằng phương pháp phân tích bào tử phấn hoa, các nhà khảo cổ đã tìm thấy phấn hoa. Ở hang xóm Trại (Hòa Bình) đã tìm thấy dấu tích của hạt thóc, vỏ trấu, hạt gạo cháy. Các di tích đó chứng tỏ, cư dân văn hóa Hòa Bình đã phát minh ra nền nông nghiệp sơ khai. Mặc dù cuộc sống vẫn chủ yếu dựa vào nguồn thức ăn do hái lượm, săn bắt. Nhưng sự ra đời của nông nghiệp có ý nghĩa vô cùng to lớn, đánh dấu bước chuyển biến mới, mở đầu cho công cuộc cải tạo tự nhiên bằng lao động sáng tạo của mình.

Tập tục phổ biến của cư dân Hòa Bình là chôn người chết ở nơi cư trú. Ở các di chỉ hang Thẩm Hoi, hang Chùa (Nghệ An); hang Đắng, mái đá Mộc Long (rừng quốc gia Cúc Phương); hang Làng Gạo (Hòa Bình)…các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mộ táng thuộc văn hóa Hòa Bình. Ngôi mộ ở hang Chùa chôn người phụ nữ trong tư thế nằm co, xung quanh xếp nhiều hòn đá lớn cùng với một chiếc rìu đá. Các ngôi mộ ở rừng Cúc Phương, người chết được bôi thổ hoàng và chôn theo tư thế nằm co như ngôi mộ ở hang Chùa. Ngoài ra còn tìm thấy những khu mộ táng tập thể của các thị tộc thời văn hóa Hòa Bình. Ở hang Làng Gạo, tìm thấy 20 sọ người lớn và sọ trẻ em nằm trong khoảnh đất 25 m2, kèm theo các công cụ bằng đá.

Đời sống tinh thần của cư dân Hòa Bình khá phong phú. Họ đã biết làm các đồ trang sức để tô đẹp cuộc sống như vỏ ốc biển được mài và đục lỗ để xâu dây đeo, nhiều ngôi mộ xác chết được bôi thổ hoàng.

Lúc bấy giờ có lẽ đã nảy sinh ý niệm về tín ngưỡng vật tổ. Ở hang Đồng Nội (Hòa Bình) có những hình khắc mặt một con thú và 3 mặt người. Trên đầu ba người đều có sừng. Ở một số di chỉ thuộc văn hóa Hòa Bình (hang Làng Bon hay các hang ở Yên Lạc, Kim Bảng) đều có những viên cuội khắc hình lá cây hoặc cành cây.

Các di tích văn hóa Hòa Bình thường gần nhau và có tầng văn hóa khá dày. Có thể đây là nơi cư trú của các thị tộc trong một bộ lạc, những công xã thị tộc định cư lâu dài, hái lượm phát triển, nông nghiệp manh nha. Các công xã thị tộc này có thể là các công xã thị tộc mẫu hệ đang ở vào giai đoạn văn hóa đá mới trước gốm, cách ngày nay khoảng 1 vạn năm.

Nối tiếp văn hóa Hòa Bình là văn hóa Bắc Sơn. Các bộ lạc Bắc Sơn cư trú trong các hang động, mái đá vùng núi đá vôi, gần sông suối thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Tuy ra đời sau văn hóa Hòa Bình nhưng văn hóa Bắc Sơn có quan hệ nguồn gốc và những đặc trưng chung của văn hóa Hòa Bình, có niên đại cách ngày nay khoảng 7.000 năm.

Cư dân Bắc Sơn cũng định cư trong các hang động đá vôi, lấy cuội ở sông suối để chế tạo công cụ như cư dân Hòa Bình, nhưng tiến bộ hơn ở chỗ đã biết mài đá. Công cụ đặc trưng của văn hóa Bắc Sơn là rìu mài lưỡi. Trong các di chỉ thuộc văn hóa Bắc Sơn, bên cạnh các rìu mài còn có các bàn mài bằng sa thạch để mài, dũa. Ngoài rìu mài còn có các công cụ bằng đá khác như bôn, đục, dao… Với những chiếc rìu đá mài nhẵn, cư dân Bắc Sơn dễ dàng chế tác các công cụ bằng tre, nứa, gỗ, do vậy lao động thuận lợi hơn.

Trong một số di chỉ thuộc văn hóa Bắc Sơn, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra đồ gốm. Đây là một thành tựu mới trong kỹ thuật chế tác công cụ của cư dân Bắc Sơn. Người Bắc Sơn lấy đất sét nhào với cát để khi nung, đồ gốm không bị rạn nứt. Đặc điểm đồ gốm Bắc Sơn có miệng loe, đáy tròn, hình dáng còn thô và độ nung chưa cao.

Nhờ cải tiến công cụ lao động, trình độ sản xuất nông nghiệp của cư dân Bắc Sơn cũng được nâng lên một bước, song nguồn lương thực do nông nghiệp mang lại vẫn chưa đóng vai trò chủ đạo. Hoạt động kinh tế cơ bản vẫn là săn bắt, hái lượm.

* Thời kỳ cách mạng đá mới và các bộ lạc trồng lúa

Tiếp theo Hòa Bình – Bắc Sơn là văn hóa Đa Bút. Di chỉ văn hóa Đa Bút được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1926 – 1927, tại Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), có niên đại cách ngày nay hơn 6.000 năm. Nhiều nhà khoa học xếp văn hóa Đa Bút vào thời kỳ văn hóa Bắc Sơn. Đồ gốm Đa Bút tiến bộ hơn đồ gốm Bắc Sơn. Đặc trưng cơ bản là nồi có đáy tròn, mặt ngoài có những vết lõm, độ nung chưa cao.

Văn hóa Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) cũng thuộc văn hóa đá mới có gốm sau Hòa Bình – Bắc Sơn, phân bố ở vùng đồng bằng ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh. Người Quỳnh Văn đã bước đầu định cư tương đối lâu dài và tiến hành săn bắt, hái lượm các nguồn lợi tự nhiên ở ven biển miền Trung. Đồi sò điệp Quỳnh Văn vừa là nơi cư trú, vừa là khu mộ của người nguyên thủy. Sau khi khai quật, các nhà khảo cổ học cho rằng, mộ địa Quỳnh Văn vẫn là nơi chôn cất các thành viên của thị tộc, chưa có dấu hiệu chứng tỏ sự phân hóa tài sản trong cư dân Quỳnh Văn. Văn hóa Quỳnh Văn có niên đại cách ngày nay gần 5.000 năm.

Cùng thời kỳ với văn hóa Đa Bút – Quỳnh Văn, ở nhiều nơi khác trên lãnh thổ Việt Nam, người nguyên thủy đã tạo ra bước tiến có tính “cách mạng” trong việc cải tiến công cụ lao động. Họ không chỉ biết ghè đẽo, mài đá một mặt mà phổ biến là mài nhẵn cả hai mặt và khoan, cưa đá. Nhờ vậy, công cụ có hình dáng gọn, đẹp hơn, loại hình phong phú và thích hợp với từng công việc, năng suất lao động tăng.

Khắp các tỉnh miền núi như hang Ba Xã, hang Mai Nha (Lạng Sơn) cho đến các tỉnh trung du, đồng bằng và ven biển Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ như Cái Bèo (Hải Phòng), hang Bái Tử Long (Quảng Ninh), Gò Trũng, cồn Cổ Ngựa (Thanh Hóa), Trại Ổi (Quỳnh Lưu, Nghệ An), Rú Ta (Diễn Châu, Nghệ An), bãi Phôi Phối (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), cồn Lôi Một (Thạch Hà, Hà Tĩnh), Đồng Lê (Quảng Bình), đảo Bích Đầm (Khánh Hòa), Buôn Triết (Đắc Lắc), Cầu Sắt (Đồng Nai)…đều tìm thấy chiếc rìu tứ diện hay rìu có vai được mài nhẵn cả hai mặt. Có những di chỉ có cả rìu răng cưa, rìu mài nhẵn toàn thân, rìu có chuôi tra cán. Ngoài ra còn có bôn, đục, dao, cuốc đá có chuôi tra cán và đều được mài nhẵn.

Cư dân lúc bấy giờ còn biết dùng tre, nứa, gỗ làm cung tên, làm cán các loại cuốc, rìu, dao; dùng xương, sừng làm đục, dao nhỏ, kim khâu; dùng vỏ ốc làm công cụ nạo, gọt.

Nhờ sự tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật chế tác công cụ và sự phong phú của các loại hình công cụ, nền kinh tế có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Hoạt động kinh tế đa dạng. Hái lượm, săn bắt vẫn tồn tại song không còn đóng vai trò chủ yếu trong đời sống của các bộ lạc, mà nhường chỗ cho nghề trồng lúa. Họ đã biết dùng cuốc có lưỡi mài nhẵn, có cán để xới đất sau khi dùng lửa đốt hết cỏ dại, lau sậy hoặc dùng cuốc xới đất và cỏ, rồi cho nước vào làm thối cỏ, sau đó gieo hạt. Bên cạnh nông nghiệp trồng lúa, nghề chăn nuôi gia súc cũng ra đời và phát triển. Chó, lợn, gà, trâu bò… được nuôi trong nhà. Cư dân lúc bấy giờ đã định cư tương đối lâu dài trong các hang động, mái đá hoặc làm nhà sàn để ở.

Ngành thủ công rất phát triển, nhất là nghề chế tác đá, làm đồ gốm và dệt vải. Đồ gốm được làm bằng tay hoặc bằng bàn xoay, hoa văn đa dạng (dấu thừng, hình chữ S nối đuôi nhau chạy quanh gờ miệng, hình sóng nước, hình ô trám, hình gân lá, hình xoắn ốc, hình khắc vạch…). Nhiều đồ gốm được tô thổ hoàng màu đỏ. Bên cạnh đó, nghề kéo sợi, dệt vải cũng trở thành những nghề phụ khá phổ biến trong các gia đình. Tại các di chỉ Bàu Tró, Thạch Lạc đã tìm thấy những dọi xe chỉ bằng đất nung.

Xã hội chia thành nhiều thị tộc, nhiều thị tộc hợp lại thành bộ lạc. Mọi thành viên trong thị tộc, bộ lạc đều bình đẳng, người già và phụ nữ được tôn trọng. Tất cả mọi người đều phải tham gia lao động.

Đời sống tinh thần được nâng cao. Bằng chứng là đồ trang sức rất phong phú, đa dạng: vòng đá, chuỗi hạt đá, nhẫn đá, vòng làm bằng vỏ ốc có đục lỗ để xỏ dây; những chuỗi hạt hình trụ, hình thoi bằng đất nung; những vòng tay bằng sừng… Ở di chỉ bãi Phôi Phối có những khuyên tai bằng đất nung được trang trí bằng những chấm hoặc đường vạch. Ở những di chỉ khác như Hạ Long, Thường Xuân, Quỳ Châu…tìm thấy khuyên tai bằng đá và đất nung.

Quan niệm về thế giới bên kia của con người cũng trở nên phức tạp hơn. Người chết được chôn theo nhiều cách: chôn theo tư thế ngồi xổm, nằm co, nằm thoải mái như đang ngủ, hỏa táng, bị buộc chặt trước khi đem chôn.

Nhìn chung, vào cuối thời đại đá mới, trên khắp lãnh thổ Việt Nam đã xuất hiện nhiều nhóm bộ lạc có kỹ thuật làm đồ đá và đồ gốm tương tự nhau. Nông nghiệp trồng lúa dùng cuốc đá đã bắt đầu phổ biến, đời sống con người bước đầu ổn định. Họ đã bắt đầu định cư trong các xóm làng. Các nhà khoa học cho rằng, với những biến đổi to lớn về kỹ thuật chế tác công cụ và đời sống kinh tế của con người, cư dân Việt cổ đã bước vào thời kỳ “cách mạng đá mới” cách ngày nay khoảng 4.000 đến 6.000 năm.

* Thời kỳ Phùng Nguyên – Hoa Lộc

Vào cuối thời đại đá mới, cư dân các bộ lạc sống ở lưu vực sông Hồng đã biết đến một loại vật liệu mới là đồng và kỹ thuật luyện kim đồng thau (dù còn ở buổi đầu). Cư dân các bộ lạc này thuộc văn hóa Phùng Nguyên.

Di chỉ văn hóa Phùng Nguyên tìm thấy ở nhiều nơi thuộc lưu vực sông Hồng như Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tây, Hà Nội, Hải Phòng. Các bộ lạc Phùng Nguyên đã đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật làm đồ đá (sử dụng thành thạo kỹ thuật mài, cưa, khoan), biết làm đồ gốm bằng bàn xoay.

Ở một số di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các cục đồng và xỉ đồng. Điều đó chứng tỏ, cư dân Phùng Nguyên đã biết đến hợp kim đồng thau và dùng hợp kim này để chế tác công cụ, dù công cụ đá vẫn chủ yếu.

Do sự xuất hiện của kỹ thuật luyện kim, vai trò người đàn ông ngày càng được khẳng định. Công xã thị tộc mẫu quyền dần nhường chỗ cho công xã thị tộc phụ quyền. Xã hội nguyên thủy thời Phùng Nguyên có những chuyển biến mạnh mẽ, tạo tiền đề để bước sang xã hội có giai cấp và nhà nước.

Bên cạnh các bộ lạc Phùng Nguyên, ở lưu vực sông Hồng còn có những bộ lạc khác cũng tiến đến giai đoạn sơ kỳ đồng thau như các bộ lạc sống ở vùng châu thổ sông Mã thuộc nền văn hóa Hoa Lộc (Hoa Lộc – Hậu Lộc – Thanh Hóa là địa điểm đầu tiên tìm ra di tích của nền văn hóa này). Ở các di chỉ thuộc văn hóa Hoa Lộc, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dùi đồng, dây đồng. Điều đó chứng tỏ, các bộ lạc Hoa Lộc sống ở vùng ven biển là những cư dân đầu tiên biết đến kim loại và tiến đến giai đoạn sơ kỳ đồng thau.

Các di chỉ cồn Chân Tiên ở lưu vực sông Mã, đền Đồi ở Quỳnh Lưu, Long Thạnh ở Bình Định có phong cách trang trí trên gốm rất gần với văn hóa Phùng Nguyên. Cả 3 di chỉ này đều được các nhà khảo cổ xếp tương đương với văn hóa Phùng Nguyên ở lưu vực sông Hồng.

Tại đảo Hòn Tre (Khánh Hòa) và các đảo ở khu vực bờ vịnh Cam Ranh, từ năm 1925 đến nay đã phát hiện nhiều di tích văn hóa Xóm Cồn được xếp vào giai đoạn hậu kỳ đá mới – sơ kỳ đồng thau. Công cụ đá điển hình ở Xóm Cồn là loại rìu bôn tứ giác thon dài. Đồ gốm phong phú, với lối vẽ hoa văn màu đỏ nâu và vàng da cam. Cư dân ở đây còn biết sử dụng vỏ nhuyễn thể làm công cụ và đồ trang sức. Bên cạnh nghề đánh bắt cá, khai thác thủy sản, cư dân Xóm Cồn đã biết trồng trọt và chăn nuôi.

Thuộc di chỉ văn hóa Đồng Nai còn có di chỉ Cầu Sắt thuộc hậu kỳ đá mới. Các di chỉ Bến Đò, Phước Tân, Hội Sơn, Ngãi Thắng… là bước phát triển tiếp sau giai đoạn Cầu Sắt. Các bộ lạc nông nghiệp ở lưu vực sông Đồng Nai đã biết sử dụng những chiếc cuốc đá mài nhẵn, thân cong về phía trước, có kích thước lớn để làm đất. Gốm Đồng Nai đa dạng về kiểu dáng và hoa văn trang trí, có những nét gần gũi với gốm Phùng Nguyên.

Như vậy, cách ngày nay khoảng 4.000 năm, không chỉ các bộ lạc Phùng Nguyên mà còn nhiều bộ lạc khác trên khắp lãnh thổ Việt Nam đã biết đến hợp kim đồng thau. Văn hóa Phùng Nguyên và các nền văn hóa sơ kỳ đồng thau khác đều được phát triển từ các nền văn hóa hậu kỳ đá mới. Nếu xem Phùng Nguyên là nền văn hóa sơ kỳ đồng thau tiêu biểu nhất, thì ở hầu hết các nền văn hóa cùng thời, đồ gốm đều phảng phất phong cách Phùng Nguyên. Sự xuất hiện của hợp kim đồng thau được xem là sự kiện trọng đại nhất trong đời sống kinh tế xã hội nguyên thủy, là cơ sở cho bước phát triển nhảy vọt của các bộ lạc nguyên thủy trên đất nước ta trong giai đoạn tiếp theo.

(Tài liệu tham khảo: Đặng Như Thường, Giáo trình tiến trình lịch sử Việt Nam)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.