Nhân viên xã hội là ai? Những yêu cầu cần có?
Nội Dung
1. Khái niệm nhân viên xã hội
Trong nhiều tài liệu tiếng Việt có thể gặp những khái niệm: Nhân viên xã hội, cán bộ xã hội, cán sự xã hội, người trợ giúp. Trong tài liệu này chúng tôi sử dụng thuật ngữ là nhân viên xã hội.
Nhân viên xã hội (social worker) được Hiệp hội các nhà công tác xã hội chuyên nghiệp Quốc tế – IASW định nghĩa: “Nhân viên xã hội là người được đào tạo và trang bị các kiến thức và kỹ năng trong công tác xã hội, họ có nhiệm vụ: Trợ giúp các đối tượng nâng cao khả năng giải quyết và đối phó với vấn đề trong cuộc sống; tạo cơ hội để các đối tượng tiếp cận được nguồn lực cần thiết; thúc đẩy sự tương tác giữa các cá nhân, giữa cá nhân với môi trường tạo ảnh hưởng tới chính sách xã hội, các cơ quan, tổ chức vì lợi ích của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng thông qua hoạt động nghiên cứu và hoạt động thực tiễn”.
Bạn đang xem: Nhân viên xã hội là ai? Những yêu cầu cần có?
* Nhiệm vụ của nhân viên xã hội:
Xuất phát từ mục tiêu, chức năng của công tác xã hội, nhân viên xã hội với tư cách là người hành nghề công tác xã hội, có những nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Thúc đẩy, phục hồi, duy trì và tăng cường chức năng của cá nhân, gia đình và cộng đồng thông qua hoạt động trợ giúp, xoá bỏ và phòng ngừa nghèo đói, phát huy nguồn lực trong xã hội.
- Xây dựng, hoạch định và thực thi các chính sách xã hội, chương trình hành động, hệ thống dịch vụ xã hội, nguồn lực xã hội cần thiết để đáp ứng nhu cầu của con người và trợ giúp sự phát triển năng lực của con người.
- Theo dõi, kiểm soát các chính sách, chương trình thông qua hoạt động biện hộ, hoạt động chính trị để tăng năng lực cho những nhóm yếu thế hay có nguy cơ yếu thế và thúc đẩy công bằng, bình đẳng về mặt kinh tế cũng như xã hội.
- Phát triển những kiến thức kỹ năng của công tác xã hội để đảm bảo mục tiêu nghề nghiệp của mình (đó chính là những mục tiêu được đề cập tới ở trên).
Xem thêm : Phương pháp Biện chứng và Siêu hình là gì? Sự đối lập của chúng
Với tính chất chức năng khá rộng rãi và phổ quát trong xã hội của nghề công tác xã hội, nhân viên xã hội có thể làm việc ở phạm vi khá rộng như trong các lĩnh vực:
- Lĩnh vực phụ trách về giải quyết các vấn đề xã hội (Như các Bộ: Bộ Lao động và an sinh xã hội của Thái Lan, Bộ Xã hội của Parkistan, Bộ Xã hội của Phillipines, Bộ Thể thao và Phát triển cộng đồng của Singapore, Bộ Y tế và Dịch vụ xã hội của Mỹ. Tại Việt Nam đó là Bộ Lao động -Thương binh &Xã hội).
- Lĩnh vực về y tế: Trong các bệnh viện, cơ sở y tế công cộng…
- Lĩnh vực giáo dục: Trong các trường học, cơ sở đào tạo
- Lĩnh vực luật pháp: Trong các toà án, nhà tù…
- Lĩnh vực chính trị (tham gia vào các nghị viện nhằm đưa tiếng nói của đông đảo quần chúng, nhóm yếu thế tới nghị viện khi thông qua các luật pháp, chính sách an sinh xã hội…).
– Ngoài ra còn làm trong các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức NGOs, các tổ chức đoàn thể (đặc biệt như ở Việt Nam là làm trong các Hội Phụ nữ, Chữ Thập đỏ, Đoàn Thanh niên…).
* Vai trò của nhân viên xã hội
Khi nhân viên xã hội ở những vị trí khác nhau thì vai trò và các hoạt động của họ cũng rất khác nhau, tùy theo chức năng và nhóm đối tượng họ làm việc.
Theo quan điểm của Feyerico (1973) người nhân viên xã hội có những vai trò sau đây:
- Vai trò là người vận động nguồn lực
- Vai trò là người kết nối các dịch vụ, chính sách và giới thiệu cho đối tượng các chính sách, dịch vụ, nguồn tài nguyên đang sẵn có
- Vai trò là người biện hộ: Là người bảo vệ quyền lợi cho đối tượng để họ được hưởng những dịch vụ, chính sách, quyền lợi của họ đặc biệt trong những trường hợp họ bị từ chối
- Vai trò là người vận động/hoạt động xã hội: Là nhà vận động xã hội tổ chức các hoạt động xã hội để biện hộ, bảo vệ quyền lợi cho đối tượng, cổ vũ tuyên truyền
- Vai trò là người giáo dục: Là người cung cấp kiến thức kỹ năng liên quan tới vấn đề họ cần giải quyết, nâng cao năng lực cho cá nhân, gia đình, nhóm hay cộng đồng qua tập huấn, giáo dục cộng đồng
- Vai trò người tạo sự thay đổi: Nhân viên xã hội tham gia vào các hoạt động phát triển cộng đồng để tạo nên sự thay đổi về đời sống cũng như tư duy của người dân trong cộng đồng nghèo là một ví dụ.
- Vai trò là người tư vấn: Nhân viên xã hội tư vấn, cung cấp thông tin cho cá nhân, gia đình cộng đồng, làm việc với những nhà chuyên môn khác để giúp họ có được những dịch vụ tốt hơn.
- Vai trò là người tham vấn: Nhân viên xã hội trợ giúp gia đình và cá nhân tự mình xem xét vấn đề, và tự thay đổi. Ví dụ như nhân viên xã hội tham gia tham vấn giúp trẻ em bị xâm hại tình dục hay phụ nữ bị bạo hành vượt qua khủng hoảng.
- Vai trò là người trợ giúp xây dựng và thực hiện kế hoạch cộng đồng
- Vai trò là người chăm sóc, người trợ giúp: Nhân viên xã hội có thể thực hiện nhiệm vụ của người chăm sóc những người già, trẻ em trong các trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng tập ..
- Vai trò là người quản lý hành chính: Nhân viên xã hội thực hiện những công việc cần thiết cho việc quản lý các hoạt động, các chương trình, lên kế hoạch và triển khai kế hoạch các chương trình dịch vụ cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Thực hiện công tác đánh giá và báo cáo về sự thực hiện công việc, chất lượng dịch vụ…
- Người tìm hiểu, khám phá cộng đồng: Nhân viên xã hội đi vào cộng đồng để xác định vấn đề của cộng đồng để đưa ra những kế hoạch trợ giúp, theo dõi, giới thiệu chuyển giao những dịch vụ cần thiết cho các nhóm đối tượng trong cộng đồng.
2. Yêu cầu đạo đức, kiến thức và kỹ năng đối với nhân viên xã hội
2.1. Yêu cầu về phẩm chất đạo đức
Xem thêm : Vốn kinh doanh là gì? Cơ cấu và chiến lược nguồn vốn kinh doanh
Công tác xã hội là hoạt động chịu ảnh hưởng rất nhiều của mối quan hệ tương tác với con người do vậy hoạt động của nghề nghiệp này mang tính chất khá phức tạp. Chất lượng và hiệu quả của thực hành công tác xã hội được quyết định một phần bởi phẩm chất đạo đức của người nhân viên xã hội. Đây là hoạt động được xem như một nghệ thuật, nghệ thuật của giao tiếp cùng với trái tim nhân hậu. Có thể kể tới những phẩm chất đạo đức sau đây cần có ở họ:
- Trước hết nhân viên xã hội cần sự cảm thông và tình yêu thương con người, sự sẵn sàng giúp đỡ người khác cũng là một phẩm chất đạo đức quan trọng ở người nhân viên xã hội.
- Thứ hai, nhân viên xã hội cần có niềm đam mê nghề nghiệp, sự cam kết với nghề nghiệp.
- Trung thực là một yếu tố đạo đức quan trọng nhân viên xã hội cần có.
- Thái độ cởi mở cũng được xem như một yếu nhân cách cần có đối với nhân viên xã hội bởi đó là yếu tố tiên quyết tạo nên niềm tin và sự chia sẻ từ phía đối tượng đối với nhân viên xã hội
- Nhân viên xã hội cần có tính kiên trì, nhẫn nại
- Nhân viên xã hội cần có lòng vị tha, sự rộng lượng
- Nhân viên xã hội cũng cần là con người luôn có quan điểm cấp tiến và hoạt động hướng tới sự thay đổi trong trật tự xã hội
- Nhân viên xã hội cũng cần là người người tỏ ra cương trực, sẵn sàng từ chối sự gian lận trong người quản lý.
2.2. Yêu cầu về kiến thức
Nhân viên xã hội cần có những kiến thức cơ bản sâu đây:
- Kiến thức về chính sách và dịch vụ trợ cấp xã hội
- Kiến thức về hành vi ứng xử của con người và môi trường xã hội, bao gồm nội dung kiến thức về phát triển con người, phát triển nhân cách cá nhân (cả những điều bình thường và không bình thường); giá trị và tiêu chuẩn văn hoá; quá trình hoà nhập cộng đồng; và những khía cạnh khác ảnh hưởng đến chức năng của cá nhân và các nhóm trong xã hội
- Các phương pháp công tác xã hội, bao gồm kỹ thuật can thiệp trong khi làm việc với cá nhân, làm việc với nhóm và tổ chức cộng đồng; kiến thức về nghiên cứu và quản lý.
- Các kiến thức chung về kinh tế – xã hội, pháp luật…
2.3. Yêu cầu về kỹ năng với nhân viên xã hội
Trong tiến trình trợ giúp đối tượng giải quyết vấn đề, người nhân viên xã hội cần có những kỹ năng cụ thể về đảm bảo hiệu quả công việc, tuỳ theo chức năng và hoạt động.
Sau đây là một số kỹ năng cụ thể:
- Kỹ năng lắng nghe tích cực
- Kỹ năng thu thập, phân tích thông tin
- Kỹ năng nhận xét, đánh giá
- Kỹ năng thiết lập mối quan hệ với đối tượng
- Kỹ năng quan sát đối tượng
- Kỹ năng diễn giải vấn đề, thuyết trình trước quần chúng
- Kỹ năng giúp đối tượng tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề
- Kỹ năng đưa ra các giải pháp và dự đoán hiệu quả sử dụng
- Kỹ năng kiểm soát cảm xúc cá nhân như giữ được bình tĩnh, tự tin trước mọi tình huống
- Kỹ năng làm việc với nhiều tổ chức khác nhau, kể cả những tổ chức chính phủ và phi chính phủ
- Kỹ năng biện hộ cho nhu cầu của đối tượng
- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng tư vấn
- Kỹ năng tham vấn.
(Lytuong.net – Tài liệu tham khảo: Nhập môn công tác xã hội, UNICEF, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trường Đại học Lao động – Xã hội, 2016)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức