Văn học dân gian Việt Nam
Nội Dung
1. Tình hình nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam
a. Trước Cách mạng tháng Tám:
Từ thời Bắc thuộc, đã có một số truyện cổ dân gian Việt Nam được ghi rải rác trong một số sách do quan lại Trung Quốc viết nhưng ở đây chỉ là nhân việc chép chuyện cai trị rồi ghi vài nét về việc họ nghe, họ biết mà thôi.
Bạn đang xem: Văn học dân gian Việt Nam
Đời Lý – Trần, các nhà nghiên cứu bắt đầu chú ý sưu tập truyện cổ như các tác phẩm “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên, “Lĩnh Nam chích quái” của Trần Thế Pháp. Đời Lê về sau có “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dư, “Tục truyền kỳ” của Đoàn Thị Điểm, “ Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ – Nguyễn An, “Truyền văn tân lục” của Nguyễn Diễn Trai, “Tân truyền kỳ lục” của Phạm Quý Thích, “Thoái thực ký văn” của Trương Quốc Dung, “Bản Quốc dị văn lục” của tác giả khuyết danh… Nhưng tất cả đều bằng chữ Hán. Chữ Nôm được ghi chép sau, rải rác trong “ Thiên Nam ngữ lục” (thế kỷ XVII) “ Việt Nam phong sử” của Nguyễn Văn Mại, “ An Nam phong thổ thoại” của Trần Tất Văn, “Đại Nam quốc túy” của Ngô Giáp Đậu… Tuy nhiên, các tác phẩm đã nêu chỉ mới dừng lại ở công việc sưu tầm có tính chất kể chuyện (chứ không phải nghiên cứu), chưa phân biệt chọn lọc nội dung và các thể loại văn học dân gian. Mặc dù vậy, chúng cũng rất cần thiết cho việc nghiên cứu sau này.
Đến thời Pháp thuộc, khi chữ Quốc ngữ thông dụng, các cha cố, các học giả quan lại Pháp đã thực hiện một số công trình nghiên cứu. Nổi bật hơn cả là “Truyện đời xưa” và “Truyện khôi hài” của Trương Vĩnh Ký, “Truyện giải buồn” của Huỳnh Tịnh Của, “Truyện khôi hài” của Trần Phong Sắc, “Tục ngữ phong dao” và “Truyện cổ nước Nam” của Nguyễn Văn Ngọc, “Kinh thi Việt Nam” của Trương Tửu… Cùng một số bài nghiên cứu, bài báo về văn học dân gian đăng trên Nam Phong, Thanh Nghi, Tri Tân…
b. Sau Cách mạng tháng Tám:
Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như “Chủ nghĩa Mác và vấn đề Văn hóa Việt Nam” của Trường Chinh (trong đó có bàn về văn học dân gian), “Lược khảo về thần thoại Việt Nam” và “ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi, “Tục Ngữ – Ca dao – dân ca” của Vũ Ngọc Phan… Và rất nhiều những công trình sưu tầm nghiên cứu về văn học dân gian được công bố trên báo, tạp chí ( Tạp chí Văn học, Tạp chí văn hóa dân gian, Tạp chí nghiên cứu lịch sử…).
Thời gian gần đây, các chuyên gia đầu ngành về văn học dân gian tiếp tục nghiên cứu và đã công bố nhiều công trình có giá trị.
2. Sơ lược tiến trình Văn học dân gian Việt Nam
a. Thời kỳ tiền Hùng Vương (trước thế kỷ VII TCN)
Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu đầu ngành, cách nay khoảng ba đến bốn ngàn năm, những lớp thần thoại đầu tiên (thần thoại suy nguyên) của người Việt ra đời.
b. Thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc (từ khoảng thế kỷ VII đến thế kỷ II TCN):
Thời kỳ này, thần thoại phát triển và được hệ thống hóa, thuyền thuyết hóa để giải thích nguồn gốc dân tộc và phản ánh quá trình dựng nước và giữ nước của người Lạc Việt (Lạc Long Quân và Âu Cơ, Sơn Tinh Thủy Tinh, Sự Tích bánh chưng bánh dày, Sự tích dưa hấu, Thánh Gióng, An Dương Vương…)
Cũng thời kỳ này, những hình thức đầu tiên của cổ tích phản ánh xung đột trong gia đình cũng xuất hiện (Trầu cau). Riêng văn vần, dân ca cổ… chắc chắn đã có nhưng không lưu giữ được.
Xem thêm : Triết học là gì? Nguồn gốc và sự biến đổi đối tượng triết học
c. Thời kỳ Bắc thuộc (thế kỷ II TCN đến năm 938):
Các sáng tác thời kỳ Văn Lang Âu Lạc tiếp tục lưu truyền, phát triển đồng thời nảy sinh nhiều sáng tác dân gian mới. Truyền thuyết lịch sử xoay quanh các anh hùng cứu nước (Hai bà Trưng, Bà Triệu, Lê Bôn, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Mai Hắc Đế…). Riêng những truyện cổ tích phản ánh xung đột gia đình và nỗi đau khổ của con người trong đời sống xã hội chắc chắn phát triển hơn thời kỳ trước (nhưng rất khó xác định). Và không thể không nói đến ca dao, tục ngữ lúc này chắc chắn đã rất phong phú.
d. Thời kỳ phong kiến tự chủ (thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX):
– Bộ phận ra đời trước thời phong kiến tự chủ:
Có thể phân thành hai loại, những sáng tác truyền miệng có từ trước thời phong kiến tự chủ được sưu tầm và ghi chép bằng chữ Hán Nôm trong thời phong kiến tự chủ. Và những sáng tác truyền miệng có từ trước thời phong kiến tự chủ được sưu tầm và ghi chép bằng chữ Quốc ngữ từ thế kỷ XX đến nay.
– Bộ phận ra đời trong thời phong kiến tự chủ:
Theo các tài liệu còn lại thì bộ phận này được ghi chép và sưu tầm hoặc chuyển thể trong thời kỳ ấy. Bên cạnh đó, bộ phận này cũng bao gồm những tác phẩm văn học dân gian được ghi chép từ đầu thế kỷ XX đến nay.
e. Thời kỳ cận hiện đại (Từ đầu thế kỷ XX đến nay)
Đó là những tác phẩm sưu tầm và nghiên cứu trong thời Pháp thuộc và giai đoạn từ Cách mạng tháng Tám đến nay.
3. Tính chất đa sắc tộc của văn học dân gian Việt Nam
Cộng đồng dân tộc Việt Nam có 54 dân tộc mà mỗi dân tộc có sáng tác dân gian (Folklore) và sáng tác văn học dân gian với nội dung và nghệ thuật phong phú và độc đáo khác nhau. Tính chất đa sắc tộc của văn học dân gian Việt Nam bao gồm tính quốc tế, tính đa dân tộc thể hiện nét chung của văn học dân gian Việt Nam và thế giới; đồng thời thể hiện màu sắc riêng của từng dân tộc (sắc tộc)
Trong văn học dân gian Viêt Nam, văn học dân gian người Việt (Kinh) là bộ phận lớn nhất, tiêu biểu nhất. Còn văn học dân gian các dân tộc ít người, về công tác sưu tầm lẫn nghiên cứu tuy chưa bằng văn học dân gian Việt (Kinh) nhưng đó lại là một kho tàng quý giá đặc sắc .
Ví dụ: Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” (Mường), “Tiếng hát làm dâu” (H’ Mông), “Tiễn dặn người yêu” (Thái), “Đam San” “Xing Nhã” (Tây nguyên). Những tác phẩm tiêu biểu này sẽ được giới thiệu trong chương “Văn học dân gian các dân tộc ít người”.
4. Hệ thống thể loại của văn học dân gian Việt Nam
Xem thêm : Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý (1075 – 1077)
a. Sự phân loại tự nhiên, tự phát của quần chúng:
Sự phân loại này diễn ra chủ yếu theo những tên gọi tự phát nhằm xác định chủ yếu về mặt hình thức, thể loại. Ví dụ: Truyện đời xưa, Truyện Trạng, Câu đố, Ví, Bài vè, Bài ca (Hát Quan họ, hát Trống quân, hò Sông Mã, hò Giã gạo …hay hò Gò Công, hò Bạc Liêu…).
Chính vì thế mà cách phân loại này chưa khoa học, nhất quán và khái quát. Tất nhiên, cũng vì vậy mà những tên gọi đó không thuận lợi cho việc nghiên cứu, đôi khi còn làm phức tạp hơn công tác sưu tầm văn học dân gian.
b. Những cách phân loại của các nhà nghiên cứu:
Trong một số công trình văn học dân gian, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều cách phân loại khác nhau, theo những tiêu chí khác nhau. Dưới đây, xin giới thiệu một số cách phân loại tiêu biểu để tiện cho việc tham khảo, so sánh, đối chiếu.
– Hoàng Tiến Tựu:
– Đỗ Bình Trị:
– Đinh Gia Khánh- Chu Xuân Diên:
- Tự sự dân
- Trữ tình dân gian.
- Kịch, sân khấu dân gian.
- Lời ăn tiếng nói của nhân dân.
c. Các thể loại
- Thần thoại và truyền thuyết
- Truyện cổ tích
- Truyện cười và truyện ngụ ngôn
- Tục ngữ và câu đố
- Ca dao dân ca
- Vè
- Sân khấu dân gian
- Một số thể loại văn học dân gian các dân tộc ít người.
(Nguồn tham khảo: Trần Tùng Chinh, Giáo trình văn học dân gian Việt Nam)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức