Những cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp cuối thế kỷ XIX
Tuy quân Pháp giành được nhiều thắng lợi trong cuộc chiến tranh xâm lược và đã đặt được ách đô hộ lên đất nước ta, nhưng những cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp ở Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX vẫn liên tục được dấy lên để giành lại chủ quyền dân tộc và nền độc lập vừa bị mất.
Có cả một triều đình kháng chiến lần đầu tiên được hình thành để phát động phong trào trên phạm vi rộng lớn. Có cả những cuộc khởi nghĩa nông dân và phong trào tự phát nổ ra ở các địa phương mà quân thù không sao dập tắt được.
Bạn đang xem: Những cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp cuối thế kỷ XIX
Nội Dung
1. Phong trào Cần vương
Khi vua Tự Đức mất, triều Nguyễn lâm vào tình trạng khủng hoảng tranh chấp quyền lực ngôi vị trong triều chính. Hội đồng phụ chánh được thành lập theo di chiếu của vua Tự Đức, gồm Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Trần Tiễn Thành. Do nắm binh quyền và từ lâu vẫn toan tính ý đồ chống Pháp, Tôn Thất Thuyết đã liên tục phế truất các vị vua có tư tưởng thân Pháp như Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc, cuối cùng đưa Hàm Nghi lên ngôi, mặc dù mới 9 tuổi.
Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết và vị vua trẻ Hàm Nghi đã áp chế hoàn toàn phái chủ hòa trong triều Huế ngự trị bấy lâu nay, đồng thời tích cực chuẩn bị cho những kế hoạch chống Pháp. Được sự hỗ trợ của nhân dân và sự ủng hộ của những người yêu nước trong triều đình, Hàm Nghi – Tôn Thất Thuyết đã củng cố và tập hợp binh lực, xây dựng hệ thống sơn phòng, bí mật chuẩn bị những kế hoạch tấn công các vị trí quân Pháp ở Huế…
Ngay từ khi phát hiện tình hình đó, quân Pháp ở Huế đã tập trung lực lượng, chuẩn bị kế hoạch lọai trừ Tôn Thất Thuyết, thủ tiêu triều đình kháng chiến. Tướng Pháp De Courcy đem quân từ Bắc vào Huế để chuẩn bị hành động. Biết rõ âm mưu của Pháp, Tôn Thất Thuyết cũng tích cực đối phó và ráo riết chuẩn bị khởi sự.
Đêm mồng 4 rạng ngày 5/7/1885 Tôn Thất Thuyết hạ lệnh tấn công các vị trí Pháp ở Huế, đồng thời tổ chức cho Hàm Nghi cùng đòan tùy tùng rời khỏi kinh thành, hướng lên miền Tân Sở (Quảng Trị) bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Quân Pháp bị bất ngờ, sau đó đã đàn áp dã man lực lượng triều đình và những người yêu nước chống Pháp ở Huế.
Ngày 13/7/1885 tại miền sơn phòng Tân Sở, Hàm Nghi – Tôn Thất Thuyết ra chiếu Cần Vương lần thứ nhất, kêu gọi sĩ dân trong nước tề tựu cần vương chống thực dân Pháp xâm lược. Tiếp tục hành quân, ngày 20/9/1885 Hàm Nghi – Tôn Thất Thuyết hạ chiếu Cần Vương lần thứ hai, kêu gọi sĩ phu, văn thân và nhân dân cả nước phò vua cứu nước.
Với các chiếu Cần Vương ban ra, lá cờ “Cần Vương” chống xâm lược đã phát lên, Hàm Nghi – Tôn Thất Thuyết đã tạo ra danh chính ngôn thuận cho sĩ dân trong nước đứng lên kháng chiến.
Có cả một lớp sĩ phu văn thân yêu nước đứng về phía nhân dân tụ nghĩa đánh giặc cứu nước như Mai Xuân Thưởng ở Bình Định, Trịnh Phong ở Khánh Hòa, Trần Văn Dự Nguyễn Duy Hiệu, Phan Thanh Phiến ở Quảng Nam, Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân ở Quảng Ngãi, Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như ở Quảng Trị, Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân ở Quảng Bình, Lê Ninh, Phan Đình Phùng, ở Hà Tĩnh, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Dõan Nhạ ở Nghệ An, Tống Duy Tân, Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Cao Điền ở Thanh Hóa, Tạ Hiện ở Thái Bình, Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên… Lớp lớp nhân dân ở các nơi từ đồng bằng Bắc bộ vào đến Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ, đứng lên chiến đấu dưới sự lãnh đạo của các văn thân sĩ phu yêu nước. Tiêu biểu là: khởi nghĩa Bãi Sậy ở Hưng Yên (1883- 1892) của Nguyễn Thiện Thuật; khởi nghĩa Ba Đình ở Thanh Hóa (1886-1887) của Phạm Bành và Đinh Công Tráng; khởi nghĩa Hùng Lĩnh ở Thanh Hóa (1887-1892) của Tống Duy Tân và Cao Điền; khởi nghĩa Hương Khê ở Hà Tĩnh (1885-1895) của Phan Đình Phùng và Cao Thắng…
Xem thêm : Kế hoạch Nava – Âm mưu mới của Pháp Mỹ ở Đông Dương
Đi theo đường lối quân sự phong kiến, các cuộc khởi nghĩa trong phong trào cần vương đã tập hợp nông dân tình nguyện làm nghĩa quân, xây dựng căn cứ dựa vào thế hiểm trở của núi rừng và địa hình địa vật, tổ chức những trận đánh theo chiến thuật du kích làm hao tổn binh tướng của quân Pháp và tay sai. Thực dân Pháp phải huy động lực lượng quân sự lớn và sử dụng nhiều vũ khí hiện đại với sức cơ động cao, công phá các căn cứ của nghĩa quân, sử dụng cả lực lượng bội phản và đội quân tay sai để đánh phá lực lượng khởi nghĩa.
Cuối cùng, những những cuộc khởi nghĩa của Phong trào Cần Vương đều bị thất bại. Sự thất bại ấy trước hết bởi nó đã bị giai cấp thống trị mà tiêu biểu là triều đình Huế bỏ rơi, sau đó và cùng với qúa trình đó, nó bị thực dân Pháp cấu kết với phong kiến tay sai kiên quyết bình định tiêu diệt dần từng cuộc khởi nghĩa một. Mặt khác phong trào chỉ có thể phát triển trong khuôn khổ đường lối chính trị và đường lối quân sự kiểu phong kiến lạc hậu; do đó mặc dù nghĩa quân chiến đấu rất dũng cảm ngoan cường và mưu trí sáng tạo, quần chúng đông đảo rất căm thù bọn cướp nước và bán nước, nhưng họ không thể giành được thắng lợi.
2. Phong trào nông dân Yên Thế
Phong trào nhân dân Yên Thế bùng nổ từ tháng 6/1884, khi các đội quân của Đề Nắm, Đề Thám chống trả quyết liệt cuộc hành binh của quân Pháp lên vùng Yên Thế (Bắc Ninh).
Sau trận này, lực lượng của các đội quân trong vùng (Đề Nắm, Bá Phức, Thống Luận, Tổng Tài, Đề Thuật, Đề Chung, Đề Thám…) đã phối hợp chiến đấu chống các cuộc hành quân càn quét của địch. Sau cái chết của thủ lĩnh có uy tính nhất là Đề Nắm (1892), Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) đứng ra thống nhất các lực lượng và phát triển thành phong trào khởi nghĩa lớn.
Nghĩa quân xây dựng Hố Chuối (Yên Thế) thành căn cứ vững chắc và từ bàn đạp này mở rộng họat động ra các vùng thuộc Bắc Ninh, Bắc Giang, tổ chức những trận đánh làm thất điên bát đảo quân Pháp.
Đã hai lần nghĩa quân đình chiến với quân Pháp (tháng 10/1894 và tháng 12/1897), đó cũng là thời gian để củng cố, xây dựng lực lượng, tiếp xúc và phối hợp với các lực lượng yêu nước ở Hà Nội và Trung kỳ, xây dựng thêm căn cứ mới ở Phồn Xương và đồn Tú Nghệ… Trong khi đó quân Pháp ở Bắc kỳ cũng ra sức chuẩn bị cho những cuộc tấn công hòng tiêu diệt nghĩa quân Hoàng Hoa Thám.
Đầu năm 1909 quân Pháp chấm dứt đình chiến bằng cuộc tấn công ào ạt lên Yên Thế. Nghĩa quân Hoàng Hoa Thám cũng bước vào giai đọan quật khởi cuối cùng. Những trận đánh ác liệt diễn ra làm tổn thất lớn cả binh lực của Pháp và nghĩa quân. Nhiều thủ lĩnh khởi nghĩa đã hy sinh hoặc sa vào tay giặc, một số ra hàng, làm cho so sánh lực lượng ngày càng chênh lệch bất lợi cho nghĩa quân.
Ngày 10/2/1913 Hoàng Hoa Thám bị giết hại, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của cuộc khởi nghĩa – một phong trào tự phát của nông dân sau gần 30 năm tồn tại bền bỉ dẻo dai, với sức mạnh và danh tiếng từng vang khắp 4 tổng vùng Nhã Nam – Yên Thế.
3. Những phong trào yêu nước và đấu tranh tự phát
Thực dân Pháp tiến hành bình định và áp đặt ách cai trị ở đâu trên đất nước ta, kể cả ở vùng rừng núi hay thuộc địa Nam kỳ, chúng cũng vấp phải sức kháng cự đấu tranh của các tầng lớp nhân dân yêu nước.
Ở Tây Bắc có các cuộc nổi dậy của người Mường, Thái, Mông vùng Lai Châu dưới sự lãnh đạo của Ngô Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp; trong khi đó người Thái, Dao vùng Sơn La, Yên Bái nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Đèo Văn Trị, Nông Văn Quang, Cầm Văn Thanh, Cần Văn Hoan, Đèo Chính Lục, Đặng Phúc Thành, Bàn Văn Siêu…
Ở Đông Bắc, người Dao, Hoa do Lưu Kỳ lãnh đạo đứng lên chống Pháp vùng Móng Cái, Đông Triều.
Xem thêm : Khấu hao tài sản cố định là gì? Phạm vi và thời điểm trích khấu hao
Ở Trung kỳ, vùng Thanh Hóa có các cuộc cuộc nổi dậy của người Mường do Hà Văn Mao lãnh đạo, người Thái do Cầm Bá Thước lãnh đạo.
Ở Tây Nguyên, người Thượng nổi dậy dưới sự lãnh đạo của M’Trang Guh, Ama Wal, Ama Kol, Ama Jhao…
Phong trào Hội kín ở Nam kỳ xuất hiện cuối thế kỷ XIX, mang màu sắc tôn giáo, gồm các hội: Nghĩa hòa, Phục hưng, Thi bình, Ai quốc… Nhiều họat động khủng bố, ám sát cá nhân đã xảy ra nhằm vào quân Pháp và ác ôn người Việt.
Phong trào của Kỳ Đồng – Mạc Đĩnh Phúc ở Bắc kỳ cuối thế kỷ XIX, cũng mang màu sắc tôn giáo, phát triển khắp các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam. Sau chuyển thành khởi nghĩa chống Pháp tồn tại từ 1895 đến 1897.
Phong trào của Vương Quốc Chính ở Hà Tây với hội Thượng Chí lấy chùa Ngọc Long Động làm căn cứ. Sau chuyển thành lực lượng khởi nghĩa chống Pháp năm 1898 và bị đàn áp.
Khởi nghĩa của Võ Trứ, Trần Cao Vân ở Phú Yên, Bình Định dùng màu sắc tôn giáo, lấy cơ sở là chùa Chánh Danh, để chuẩn bị khởi nghĩa; nhưng thất bại.
*
Xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷ XIX khủng hoảng suy vong trầm trọng không có lối thoát đã trở thành miếng mồi cho chủ nghĩa thực dân phương Tây. Nhưng việc mất nước ta nửa cuối thế kỷ XIX không phải là ngẫu nhiên, mà do nhiều nguyên nhân bên, trong đó trách nhiệm lớn nhất thuộc về triều đình Nguyễn. Cuộc chiến đấu ngoan cường của nhân dân ta từ Nam chí Bắc, cuối cùng đã thất bại trước cuộc vũ trang xâm lược của thực dân Pháp nhằm thôn tính Việt Nam làm thuộc địa.
Phong trào đấu tranh yêu nước chống xâm lăng của dân tộc cuối cùng đã thất bại trước cuộc vũ trang xâm lược của thực dân Pháp. Sự thất bại ấy không phải do thiếu tinh thần và lực lượng, mà là không có người tổ chức lãnh đạo. Triều đình nhà Nguyễn và giai cấp phong kiến thống trị có trách nhiệm trong việc tổ chức cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc, nhưng họ đã tự tước bỏ vai trò nhiệm vụ lịch sử của mình. Trong lúc đó xã hội vẫn chưa xuất hiện một tầng lớp, giai cấp mới nào có thể giương lên ngọn cờ dân tộc. Điều ấy phản ánh sự trì trệ của xã hội phong kiến thời Nguyễn. Mặc dù nền kinh tế – văn hóa – xã hội vẫn ì ạch lăn chuyển, và được điểm xuyết một vài tiến bộ, nhưng tất cả chưa đủ sức sản sinh ra từ trong lòng xã hội cũ, những nhân tố mới của một xã hội tương lai, trong lúc thế giới bên ngoài vẫn cứ ầm ầm chuyển động.
Nhiệm vụ nóng bỏng của dân tộc khi bước vào thế kỷ XX là: Phải cứu giang sơn đang chìm đắm trong nô lệ của ngoại bang, phải giành lại Độc lập – Tự do- Hòa bình – Thống nhất cho Tổ quốc, đưa đất nước tiến lên con đường phát triển và hội nhập vào thế giới hiện đại.
Muốn vậy cần có những thế hệ mới – thế hệ biết suy nghĩ và hành động theo yêu cầu nhiệm vụ lịch sử; phải có giai cấp mới tiên tiến có đường lối phù hợp, tập hợp lực lượng của toàn thể dân tộc, giương lên ngọn cờ đấu tranh cho tự do độc lập thực sự của dân tộc, kiên quyết đấu tranh lật đổ ách thống trị áp bức của thực dân, đế quốc và phong kiến tay sai của chúng, giành chính quyền về tay nhân dân.
(Nguồn: Hà Minh Hồng, Lịch sử Việt Nam Cận Đại (1858-1975))
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức