Xu hướng bạo động của Phan Bội Châu

0

1. Từ Duy tân hội đến phong trào Đông Du

Phan Bội Châu (1867 – 1940) hiệu là Sào Nam, sinh trưởng trong một gia đình nhà nho ở huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An, nơi có phong trào khởi nghĩa vũ trang Cần Vương phát triển mạnh cuối thế kỷ XIX. Cha ông là Phan Văn Phổ, một nhà nho rất có uy tín trong làng văn chương và là người đức độ, hay thương người, ghét bọn giặc Tây. Từ nhỏ Phan Bội Châu đã giỏi văn chương và sớm có chí cứu nước.

Năm 1900, Phan Bội Châu đậu kỳ thi Hương ở Huế. Sau đó ông không vào trường Hậu Bổ để ra làm quan trong triều đình An Nam. Phan chỉ chuyên tâm công việc cứu nước theo nhận thức chính trị mới tiếp thu được từ các Tân thư Tân báo và sách báo đương thời. Giao tiếp với các nhà yêu nước, Phan càng hiểu rõ rằng muốn đánh Pháp và giải phóng dân tộc phải có sự hưởng ứng của dân chúng đông đảo, theo con đường khởi nghĩa vũ trang bạo động.

Năm 1901 Phan tập hợp lực lượng thành lập đội nghĩa binh, ý định đánh úp thành Nghệ An. Năm 1902 Phan ra Bắc, lên Yên Thế tìm gặp Hoàng Hoa Thám phối hợp hành động. Năm 1903 Phan trở lại Huế, vào Quảng Nam gặp Nguyễn Hàm và tìm gặp Kỳ ngoại hầu Cường Để để mời làm minh chủ; kết giao với Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Qúi Cáp… Năm 1904 Phan vào Nam kỳ tranh thủ sự ủng hộ của các thân sĩ…

Tháng 5/1904 tại nhà Nguyễn Hàm (Quảng Nam), Phan và các đồng chí của ông lập ra Duy tân Hội với mục đích “cốt sao khôi phục được nước Nam, lập ra một chính phủ độc lập”. Duy tân Hội chủ trương dùng bạo động đánh đuổi thực dân Pháp, nhờ nước ngoài giúp đỡ đào tạo xây dựng lực lượng nòng cốt cho toàn dân nổi dậy. Việc ngoại viện lúc đó chỉ có thể là Nhật Bản, vì đó là nước tiên tiến, máu đỏ da vàng. Phan Bội Châu phân tích: “Bây giờ ta sang Nhật đem lợi hại thuyết phục họ, tất nhiên họ vui lòng viện trợ ta, nếu không viện trợ bằng binh lính thì việc mua khí giới, nhờ lương thực cũng có phần dễ” (Niên Biểu).

(Ảnh Phan Bội Châu)

(Ảnh Phan Bội Châu)

Ngày 20/01/1905 Phan Bội Châu sang Nhật thực hiện nhiệm vụ của Duy tân Hội. Trên đất Nhật, Phan Bội Châu tiếp xúc với các lãnh tụ Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu. Tuy rất tâm đắc với các sĩ phu cấp tiến này, nhưng ông vẫn chủ trương con đường cách mạng bạo động. Tiếp xúc với các đại diện của Đảng Tiến Bộ, Phan Bội Châu chấp nhận lời đề nghị của Bá tước Đại Ôi, Tử tước Khuyển Dương Nghị về việc cử người sang Nhật đào tạo cán bộ nòng cốt.

Tháng 7/1905 Phan Bội Châu dẫn Cường Để và các thanh niên khác sang Nhật học, mở đầu cho phong trào Đông Du từ tháng 7/1905 kéo dài đến 9/1908.

Tại trường quân sự Chấn Vũ của Nhật (sau đó là Đông Á Đồng văn Thư viện), đã có khoảng 200 thanh niên Việt Nam được gửi sang, đào tạo thành những cán bộ có kiến thức về văn hóa và quân sự, có năng lực hoạt động phong trào và được bồi dưỡng lòng yêu nước, chí đánh đuổi thực dân Pháp. Nhưng được vài năm thì Pháp ở Đông Dương tìm ra manh mối và chúng phối hợp với Nhật đánh phá phong trào.

Cuối năm 1908 Chính phủ Nhật đóng cửa trường Đông Á Đồng văn Thư viện, trục xuất các học viên Đông Du. Đến tháng 2/1909 đến lượt lãnh tụ Phan Bội Châu cũng bị trục xuất khỏi Nhật.

Phong trào Đông Du thất bại nhưng nó giới thiệu cho phong trào dân tộc một hình thức hoạt động mới; nó cũng giúp các nhà yêu nước thấy rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc, như Phan Bội Châu thấm thía ghi lại trong Niên Biểu: “đã là đế quốc thì da vàng hay da trắng đều là phường cướp nước như nhau mà thôi”.

2. Việt Nam Quang phục Hội và cố gắng mới của con đường cứu nước theo xu hướng bạo động

Giữa lúc Phan Bội Châu và các nhà yêu nước Việt Nam đang trông chờ một cơ hội khác để tiếp tục hoạt động, thì khởi nghĩa Vũ Xương bùng nổ ngày 10/10/1911, mở đầu cuộc cách mạng tư sản đầu tiên ở Trung Quốc. Cách mạng Tân Hợi đưa đến việc lật đổ triều Mãn Thanh, lập ra chính phủ Trung Hoa Dân quốc. Điều đó đã trở thành một hình mẫu mới cho các nhà cách mạng Việt Nam hướng tới.

Ngày 19/6/1912, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Phan Bội Châu, hơn 100 người đại diện cho nhiều lực lượng yêu nước Việt Nam cả trong và ngoài nước, đã cùng hội họp ở Quảng Châu (Trung Quốc), lập ra một tổ chức mới thay cho Duy tân Hội, lấy tên là Việt Nam Quang Phục Hội. Tôn chỉ của Việt Nam Quang Phục Hội nhấn mạnh việc phải đánh đuổi thực dân Pháp giành lại nước Việt Nam, thành lập Cộng hòa Dân quốc Việt Nam.

Tổ chức của Việt Nam Quang Phục Hội giống như một chính phủ lâm thời. Là người sáng lập ra Việt Nam Quang Phục Hội, Phan Bội Châu tiếp tục giữ những trọng trách của tổ chức này (phụ trách bộ Bộ Tổng vụ). Các bộ khác như Bộ Bình Nghị, Bộ Chấp Hành cũng phân công cho những người có uy tín và đức độ phụ trách.

Với sự mô phỏng theo Cách mạng Tân Hợi, Việt Nam Quang Phục Hội đã tiến một bước xa hơn trên con đường dân chủ tư sản. Tuy vậy Phan vẫn chủ trương dựa vào sự giúp đỡ của nước ngoài để tiếp tục con đường bạo động đánh Pháp. Theo chủ trương đó, ngay khi ra đời, Việt Nam Quang Phục Hội đã tích cực vận động sự giúp đỡ của Chính phủ Trung Hoa Dân quốc để tranh thủ xây dựng lực lượng, chuẩn bị một cuộc vũ trang khởi nghĩa. Nhưng từ khi Tôn Trung Sơn nhường chức tổng thống cho Viên Thế Khải, chính phủ Trung Hoa Dân quốc ngả sang con đường quân phiệt. Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu gặp nhiều khó khăn về ngoại viện, làm chậm việc xây dựng lực lượng trong và ngoài nước.

Để gây tiếng vang thúc đẩy qúa trình này, đầu năm 1913 Phan Bội Châu quyết định thực hiện một số hoạt động có tính chất “kinh thiên động địa”, bằng cách cho hội viên Việt Nam Quang Phục Hội thi hành các bản án viết sẵn đối với Toàn quyền Đông Dương và những tên ác ôn tay sai khét tiếng như Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Duy Hàn…

Ngày 19/4/1913 nhóm hội viên trong nước của Việt Nam Quang phục Hội, ném tạc đạn giết tên ác ôn Nguyễn Duy Hàn ở Thái Bình. Tiếp đó, ngày 26/4/1913 một nhóm khác lại đánh bom vào khách sạn Tràng Tiền ở Hà Nội, giết chết 2 sĩ quan Pháp…

Những cuộc ám sát cá nhân ấy gây cho địch nhiều hoang mang, nhưng liền đó chúng đã tập trung đánh phá Việt Nam Quang Phục Hội. Hàng trăm người yêu nước bị bắt bớ giam cầm, 7 hội viên tích cực của Việt Nam Quang Phục Hội ở Bắc kỳ bị xử tử hình, các cơ sở trong ngoài nước bị vỡ lở. Đầu tháng 1/1914 đến lượt Phan Bội Châu và Cường Để bị bắt, Việt Nam Quang Phục Hội đến đây tan rã.

*

Như vậy, từ Duy tân Hội đến Việt Nam Quang Phục Hội, con đường đấu tranh theo xu hướng bạo động mà Phan Bội Châu chủ trương đã trải qua hai bước phát triển quan trọng, đạt tới mức độ cao nhất có thể đạt được của tư tưởng dân chủ tư sản lúc bấy giờ. Trong thời gian khoảng 10 năm kể từ khi Duy tân Hội được thành lập, phong trào yêu nước Việt Nam đã bùng lên với bao nội dung và hình thức mới thật sôi nổi.

Mặc dù những tổ chức và những hoạt động yêu nước theo tư tưởng đó sớm muộn đều bị thất bại, nhưng tính phong phú sáng tạo của nó, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam phát triển trên nền tảng đó, thì bất diệt. Phan Bội Châu mãi mãi là một trong những lãnh tụ xuất sắc của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX.

(Nguồn: Hà Minh Hồng, Lịch sử Việt Nam Cận Đại (1858-1975))

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.