Nước Đức 1870-1914
Nội Dung
I – Sự phát triển kinh tế và sự hình thành các tổ chức lũng đoạn
1. Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Đức trong 30 năm cuối thế kỷ XIX
Từ những năm 70 của thế kỷ XIX trở đi, nền kinh tế Đức có nhiều điều kiện thuận lợi. Cuộc đấu tranh thống nhất hoàn thành đã tạo nên một chế độ chính trị thống nhất một nhà nưởc tư bản chủ nghĩa mạnh mẽ, một thị trường thống nhất và chế độ tiền tệ, thuế khóa, đo lường thống nhất. Việc cướp đoạt của Pháp vùng Andat và Lôren giàu quặng mỏ và 5 tỉ phrăng góp phần đáng kể vào sự phát triển ban đầu của nó. Là nước công nghiệp hóa muộn hơn các nước khác, Đức đã áp dụng được những kinh nghiệm và phát minh kỹ thuật, mới nhất trong sản xuất. Nhờ sự bóc lột tàn tệ và tận dụng những nhân tố trên, kinh tế Đức lớn lên rất nhanh chóng. Từ một nước nông nghiệp, Đức dần dần trở thành một nước công nghiệp quan trọng ở châu Âu và thế giới. Sản lượng các ngành công nghiệp nặng tăng lên rất nhanh, chiếm một tỉ lệ đáng kể trong tổng sản lượng thế giới. Về nhiều mặt, nó đuổi kịp và vượt Anh, Pháp. Mạng lưới đường sắt được mở rộng trên quy mô rất lớn. Các ngành công nghiệp mới như điện, hóa chất đều tăng tiến mạnh mẽ, chiếm vị trí hàng đầu châu Âu. Năm 1883, Đức sản xuất 2/3 thuốc nhuộm trên thế giới dùng cho ngành dệt. Do đó, ngành ngoại thương, nhất là việc xuất cảng các sản phẩm công nghiệp, tăng lên rõ rệt.
Bước chuyển biến trong công thương nghiệp làm thay đổi hẳn tình hình dân cư và bộ mặt thành thị. Dân số thành phố năm 1871 chiếm 36% toàn bộ cư dân thì đến năm 1901 lên tới 54,3%. Trong đó, tổng số công nhân năm 1896 là 10,6 triệu chiếm 22% cư dân. Các đường phố chật hẹp, các thành quách cổ xưa được thay thế bằng những trung tâm công thương nghiệp sầm uất với những nhà máy có tới hàng vạn công nhân và những bến cảng tấp nập.
Bạn đang xem: Nước Đức 1870-1914
Sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp Đức đưa tới hiện tượng tập trung sản xuất và hình thành các tổ chức lũng đoạn sớm hơn các nước khác. Xanhđica “Ranh Vetxphalen” là một trong những độc quyền lớn nhất của nước Đức, khai thác 87% tổng sản lượng than cả nước. Hãng Krúp nắm độc quyền trong ngành sản xuất khí giới, sử dụng tới 4 vạn thợ. Những hội cổ phần được thành lập để tập trung vốn đầu tư: ngân hàng, công ty đường sắt, đóng tầu… Hình thức tổ chức lũng đoạn phổ biến ở nước Đức là cácten và xanhđica: năm 1879 có 14, 1885 – 90, 1890 – 210, 1900 – 300.
Tuy nhiên, bên cạnh nền công nghiệp hiện đại, nước Đức còn duy trì thủ công nghiệp trong một thời gian khá lâu. Đến những năm 80 còn có 2,3 triệu thợ thủ công, trong đó có hơn 67 vạn người làm ở nhà một mình.
Cũng như các nước khác, kinh tế Đức không tránh khỏi những cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ mà trầm trọng, nhất là vụ khủng hoảng năm 1873 và tiếp theo là vào năm 1882 và 1890. Phải từ sau năm 90, những bước tiến về kinh tế mới bộc lộ rõ rệt.
Trong khi đó, nông nghiệp Đức cũng có những bước tiến bộ, nhưng chậm chạp vì sự tiến hành không triệt để của cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Phần lớn ruộng đất tập trung trong tay quý tộc và địa chủ. Ở vùng Đông Phổ, những trang trại lớn trên 100 hecta chiếm 40% – 50% diện tích cày cấy, có người chiếm đến gần 20 vạn hecta. Đi theo “con đường kiểu Phổ”, trong khi canh tác theo phương thức tư bản chủ nghĩa (dùng máy móc, phân bón hóa học, áp dụng kỹ thuật mới…), những tàn dư phong kiến vẫn được duy trì. Người lao động ở vào địa vị cố nông hoặc tá điền bị bóc lột thậm tệ, làm việc không kể ngày đêm, bị hành hạ, vẫn chịu gánh nặng của “đạo luật về những người đầy tớ” ban hành từ đầu thế kỷ XIX và đạo luật năm 1854 bỏ tù những người lãn công. Ở vùng Tây Nam, kinh tế tiểu nông chiếm ưu thế, nhưng địa chủ cũng chiếm tới hơn 1/4 diện tích cày cấy. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản làm cho nông thôn phân hóa sâu sắc, phần lớn nông dân nghèo túng hay phá sản phải đi làm thuê cho địa chủ, phú nông hoặc phải đi kiếm ăn ở các cơ sở công nghiệp.
2. Sự phát triển kinh tế đầu thế kỷ XX và bước chuyển sang chủ nghĩa đế quốc
Đến đầu thế kỷ XX, tốc độ phát triển của công nghiệp Đức có những chuyển biến mạnh mẽ. Về tổng sản lượng cũng như về những ngành cơ bản, Đức đứng vào hàng đầu châu Âu và thứ hai trên thế giới. Đức đuổi kịp Anh về sản xuất gang thép và đến năm 1912 nó vượt cả Anh và Pháp 5 triệu tấn gang. Các ngành khai mỏ, luyện kim, cơ khí, hóa chất, đường sắt, đóng tàu biển… đều có những bước tiến tương tự. Thu hoạch nông nghiệp cũng tăng nhanh chóng trên cơ sở cơ giới hóa lao động và sử dụng phân bón hóa học. Năm 1909-1913, sản lượng lúa và khoai tăng gấp 2 lần năm 1894-1897.
Quá trình tập trung sản xuất và hình thành những tổ chức lũng đoạn được đẩy mạnh trên quy mô rất lớn. Không đầy 1% xí nghiệp sử dụng hơn 3/4 tổng số điện lực trong khi 91% là xí nghiệp nhỏ chỉ được nhận có 7% thôi. Số cácten tăng lên nhanh chóng, năm 1905 có 385, đến năm
1911 có 550 – 600. Ngoài những xanhđica lớn từ trước như “RanhVetxphalen” kiểm soát hầu hết ngành than đá, “Krúp” – ngành quân giới, còn xuất hiện nhiều công ty khác: 3 công ty lớn nắm về công nghiệp khai mỏ và luyện kim, 2 công ty về điện, 2 công ty về hóa chất, 2 công ty về hàng hải… 9 nhà ngân hàng lớn (nhất là Ngân hàng Beclin) kiểm soát 83% tổng số tư bản ngân hàng cả nước. Bọn chủ ngân hàng thường giữ địa vị quản trị trong nhà máy và giám đốc ngân hàng thường là chủ nhà máy lớn. Riêng Ngân hàng Beclin với số vốn 3 tỉ mác có đại diện trong 2.000 xí nghiệp. Lực lượng kinh tế nước Đức tập trung trong tay khoảng ba chục “vua công nghiệp” như Krúp, Títxen, Kiđrốp, Ximen, Handơman… Tổng số lãi năm 1913 của những tập đoàn này là 15 tỉ mác.
Trong bước phát triển đó, giai cấp tư sản Đức chú ý xuất khẩu vốn ra nước ngoài. Năm 1902, số vốn đó là 12,5 tỉ phrăng (bằng 1/5 Anh, 1/2 Pháp), đến 1914 lên 44 tỉ (gần bằng 1/2 Anh và 2/3 Pháp). Đồng thời trong khoảng 1909-1913, hàng xuất khẩu của Đức tăng 60%. Thị trường đầu tư chủ yếu của Đức là Đông Nam Âu, Cận đông và Nam Mỹ. Trong tình trạng ít ỏi về thuộc địa, những thị trường trên không thỏa mãn sự phát triển kinh tế và tham vọng của tư sản Đức. Điều đó sẽ quyết định “chính sách thế giới” của nước Đức sau này.
II – Chế độ chính trị ở Đức
1. Nhà nước tư sản Gioongke
Nhà nước đế quốc Đức được thành lập sau khi cuộc đấu tranh thống nhất thắng lợi. Hiến pháp năm 1871 quy định Đức là một quốc gia liên bang gồm 22 vương quốc và 3 thành phố tự do. Các nước nhỏ vẫn giữ chính phủ và vua riêng, có quyền hạn riêng về giáo dục, nhà thờ, hành chính và thu thuế. Còn trong toàn nước Đức có Hội đồng liên bang gồm đại biểu các vương quốc nhỏ và Quốc hội do bầu cử lập nên. Nhà vua có những quyền hạn rất lớn như thống lĩnh quân đội, bổ nhiệm và cách chức thủ tướng, ký kết hiệp ước, ngoại giao, tuyên chiến… Vua có quyền triệu tập, giải tán và hoãn các phiên họp của Hội đồng liên bang và Quốc hội mà không chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Thủ tướng chỉ chịu trách nhiệm trước vua cho nên không bắt buộc phải thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, lại càng không bị bắt buộc phải rút lui khi không được tín nhiệm. Những sắc luật do Quốc hội thông qua vẫn có thể bị Hội đồng liên bang bác bỏ.
Tinh thần “Phổ hóa” nước Đức thể hiện rõ rệt trong hiến pháp: vua Đức phải là vua của Phổ và thủ tướng Đức thường là thủ tướng Phổ. Chủ tịch Hội đồng liên bang phải là thủ tướng của đế quốc và trong số 58 ghế của Hội đồng thì Phổ chiếm 17 ghế. Điều đó bảo đảm ưu thế tuyệt đối của Phổ vì Hội đồng không thể thông qua một quyết nghị nào nếu có 14 phiếu chống lại. Bixmác đã giữ chức vụ Thủ tướng đế quốc Đức trong suốt 20 năm (18711890), buộc nhà vua Vinhem I phải theo ý mình và không kể gì đến Quốc hội.
Nhà nước Đức tuy mang tính chất tư bản chủ nghĩa nhưng vai trò của quý tộc gioongke (quý tộc tư sản hóa) còn rất lớn. Thế lực kinh tế của quý tộc khá mạnh, nhất là miền Đông Phổ, hầu hết đất đai ở trong tay họ. Việc mở rộng mối liên hệ với các công ty lũng đoạn càng củng cố địa vị của tầng lớp này. Mặt khác, sự lớn mạnh của giai cấp công nhân và phong trào xã hội chủ nghĩa là mối nguy chung cho cả hai giai cấp bóc lột, tư sản và địa chủ. Vì vậy, mặc dầu lực lượng của bọn trùm ruộng đất đã sút kém trước thế lực của giai cấp tư sản công nghiệp, tư sản vẫn xem quý tộc là một lực lượng chính trị có ảnh hưởng nhất ở trong nước. Cả hai bên phải tựa lưng vào nhau để tạo nên một nhà nước quân phiệt với bộ máy cảnh sát có đủ sức trấn áp quần chúng và củng cố địa vị thống trị. Cả hai đều ủng hộ chính sách thuế quan “bảo hộ mậu dịch” để ngăn cản sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài và quan tâm đến việc xây dựng lực lượng quân đội, hải quân và hạm đội, mở rộng thị trường bằng những cuộc chiến tranh ăn cướp. Chủ nghĩa quân phiệt vốn có ở Phổ được bọn đại tư sản ủng hộ có vị trí đáng kể trong chính sách của nhà nước Đức. Bộ máy quan liêu nặng nề, tinh thần quân phiệt và chế độ cảnh sát thống trị trong cả nước. Đế quốc Đức là một quốc gia có “nền độc tài quân sự được tổ chức theo lối quan liêu, được bảo vệ bằng cảnh sát, được trang sức bằng những hình thức nghị viện, với một mớ hỗn hợp những yếu tố phong kiến và đồng thời đã chịu ảnh hưởng của giai cấp tư sản” là “đế quốc tư sản gioongke”.
Bixmác chính là hiện thân của tính chất đó, đại diện cho sự cấu kết của hai tập đoàn tư sản và gioongke. Đảng Bảo thủ đại diện quyền lợi của quý tộc địa chủ vùng Đông Phổ, chủ trương thiết lập chế độ quân chủ bán chuyên chế, chiếm các chức vụ quan trọng trong quân đội và trong bộ máy nhà nước. Tuy rằng có những vấn đề chống lại Bixmác, nó vẫn giữ địa vị của đảng cầm quyền, có ảnh hưởng lớn trong Quốc hội, luôn luôn đòi tăng ngân sách quân sự, tăng cường quân đội và giữ giá cao về nông sản. Một bộ phận của đảng Bảo thủ tách ra thành đảng Đế quốc hay đảng Bảo thủ tự do. Nó đại diện lợi ích của đại địa chủ, phát triển kinh tế theo con đường tư bản chủ nghĩa và các trùm công nghiệp (như Krúp, Cácđốpphơ…). Đại diện cho tư sản công nghiệp lớn là đảng Dân tộc tự do, bênh vực chính sách tăng cường công nghiệp hóa trong nước và đẩy mạnh chiến tranh giành thuộc địa, chủ trương củng cố và phát triển quân đội. Hai đảng Đế quốc và Dân tộc tự do là chỗ dựa cho Bixmác.
Những người tư sản loại vừa và nhỏ cùng với một số trí thức tập hợp trong “Những người tư tưởng tự do”; trong Quốc hội thường lên tiếng phản đối các chính sách của chính phủ.
Đảng “Trung tâm Cơ đốc giáo” có ảnh hưởng ở miền Nam và Tây Nam nước Đức, dựa vào quý tộc của các quốc gia nhỏ ở vùng đó, chống lại chính sách Phổ hóa. Bằng những tổ chức nhà thờ, nó kéo theo đông đảo nông dân, thợ thủ công và cả một bộ phận công nhân lạc hậu. Nó đòi quyền độc lập cho các vương quốc nhỏ và phát triển lực lượng đạo Kitô trong các trường học.
Xem thêm : Tư tưởng triết học của Tôma Đacanh
Những chính đảng trên ít nhiều có sự khác biệt và đôi khi đối lập nhau nhưng đều đứng trên lập trường của giai cấp bóc lột, bảo vệ lợi ích cho các giai cấp hữu sản. Giới trùm tài chính thông qua áp lực kinh tế đã chi phối nhân viên chính phủ, mua chuộc nghị viện, và báo chí định đoạt các chính sách nội trị và ngoại giao của nhà nước.
Đại đa số quần chúng nhân dân bị bóc lột nặng nề, bị tước đoạt quyền tuyển cử, bị gạt ra ngoài sinh hoạt chính trị của nhà nước. Đấu tranh giành quyền lợi cho mình, giai cấp công nhân đã thành lập Đảng Xã hội dân chủ Đúc (1869) và đóng vai trò quan trọng trên vũ đài chính trị nước Đức.
2. Những cải cách đầu tiên và chính sách đối nội của Bixmác
Trong những năm 70 của thế kỷ XIX, chính phủ Đức chú ý giải quyết một số trở ngại cho sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa: cải cách về tổ chức hành chính quy định đơn vị tiền tệ thống nhất là đồng mác vàng do Ngân hàng Phổ độc quyền phát hành, tập trung ngành bưu điện điện tín, thống nhất hệ thống đóng tàu… Để bảo vệ quyền lợi của các công ty độc quyền, chính phủ ban hành chế độ thuế quan cao làm hàng rào ngăn trở sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài. Giới quân phiệt quan tâm đến việc xây dựng quân đội, tăng ngân sách quân sự trong kế hoạch 7 năm (1875-1881) với lý do để phòng sự phục thù của Pháp. Đến đầu thế kỷ XX thì ráo riết tăng cường lực lượng lục quân và hải quân, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thế giới.
Chống lại chính sách Phổ hóa nước Đức, đảng Trung tâm Cơ đốc giáo tập hợp đông đảo cư dân theo đạo Giatô ở miền Tây nam Đức, người Ba Lan ở Đông Phổ và Pôdơnan, người Pháp ở vùng Andát-Lôren lên tiếng công kích Bixmác và được thế lực Vaticăng ủng hộ Bixmác trấn áp sự phản kháng đó bằng những đạo luật năm 1872 cấm giáo sĩ tuyên truyền chính trị, tước quyền kiểm soát của nhà thờ đối với trường học, nhà nước đào tạo và bổ nhiệm tăng lữ, hạn chế quyền lực của giáo sĩ cao cấp… Các công việc đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử… đều tách khỏi luật lệ của nhà thờ. Cuộc đấu tranh giữa hai thế lực diễn ra dưới hình thức “đấu tranh văn hóa” nhưng thực chất là cuộc tranh chấp về quyền lực chính trị.
Bixmác chĩa mũi nhọn tấn công vào giai cấp công nhân bằng “đạo luật đặc biệt” (18781890): giải tán các tổ chức công nhân, đóng cửa các tòa báo và tạp chí công nhân, bắt bớ và truy nã các đảng viên đảng Xã hội dân chủ và ở một số nơi, tuyên bố “tình trạng chiếm đóng quy mô nhỏ”. Sau khi Bixmác bị buộc phải từ chức (1890), đạo luật đặc biệt bị bãi bỏ.
3. Chính sách đối ngoại gây chiến và xâm lược
Trong những năm 70 – 80 của thế kỷ XIX, chính sách ngoại giao của Đức nhằm mục đích chủ yếu là xác lập vị trí đế quốc ở châu Âu. Hai kẻ thù đáng sợ đối với Bixmác là Pháp và Nga. Lo ngại sự phục thù của Pháp, Bixmác âm mưu đánh bại hoàn toàn nước Pháp và tiến hành cuộc “báo động quân sự” năm 1875, tập trung quân ở biên giới, hò hét chiến tranh. Nhưng không muốn Đức trở thành một thế lực mạnh ở châu Âu và cố giữ thế thăng bằng giữa Pháp và Đức. Anh và Nga lên tiếng ngăn chặn âm mưu gây chiến đó. Về phía Đức biết rằng chưa đủ sức để tấn công và muốn ngăn cản sự liên minh Nga-Pháp, Bixmác ký hiệp ước với Nga nhưng không bảo đảm chắc chắn. Đồng thời, thiết lập một khối “liên minh tay ba” gồm Đức-Ý-Áo Hung (1882) làm chỗ dựa cho cuộc chiến tranh chống Pháp và Nga sau này. Đó là khối quân sự đế quốc chủ nghĩa đầu tiên được thành lập ở châu Âu, chuẩn bị cuộc chiến tranh thế giới.
Cũng như các đế quốc khác, nước Đức ráo riết, tiến hành những cuộc chiến tranh thuộc địa. Từ lâu, các công ty lũng đoạn đã đặt thương điếm và các cơ sở buôn bán ở miền Nam và Tây Phi và nhiều đảo châu Đại Dương. Năm 1884, Đức tuyên bố đặt chế độ bảo hộ ở Angra Pêkina (bờ biển tây nam châu Phi). Mùa hè năm đó, Đức chiếm Tôgô, Camơrun, bắc
Ghinê và thành lập “Tây Nam Phi thuộc Đức”. Năm sau chiếm đảo Dandiba và thành lập “Đông Phi thuộc Đức”.
Từ những năm 90, nền kinh tế Đức phát triển mạnh mẽ, các công ty lũng đoạn đòi hỏi thị trường rất gay gắt, không thỏa mãn với Bixmác. Nhà vua Vinhem II (1898-1918) buộc Bixmác từ chức và chuẩn bị tiến hành chiến tranh xâm lược. Một làn sóng tuyên truyền chủ nghĩa sô-vanh, đòi chia lại thế giới dấy lên trong cả nước, gieo rắc trong quần chúng tư tưởng về “tính siêu việt của người Giecman”. Ph. Nisơ (1844-1890) kêu gọi người Đức hãy dùng chiến tranh để nâng cao địa vị của dân tộc mình: “Chỉ có máu mới giải quyết được những vấn đề lớn; những tư tưởng vĩ đại đòi hỏi phải có máu và chiến tranh là hình thức tồn tại của con người thượng đẳng”. Nhà trường nhối nhét cho thanh niên tinh thần cuồng chiến với khẩu hiệu “nước Đức trên hết”. Trong khi đó, giới cầm quyền hiếu chiến như thủ tướng Đức Phôn Bulốp, đô đốc Tiêcpitdơ, tham mưu trưởng Slipphen… đề ra kế hoạch xâm chiếm hoàn cầu nhằm chiếm tất cả thuộc địa của Anh, Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha, sáp nhập vào nước Đức vùng biên giới Pháp, tất cả các nước Bỉ, Hà Lan, các nước Xcăngđinavơ và ngay cả Áo là kẻ “đồng minh” của nó; nô dịch Thổ và vùng ven biển Ban Tích của Nga, chiếm Ucraina và Cápcadơ để với tay sang Ấn Độ thuộc Anh. Họ đòi biến châu Mỹ la-tinh thành một bán đảo quân sự để chống Bắc Mỹ. Muốn vậy, họ đề ra kế hoạch xây dựng hạm đội lớn mạnh và tiến hành chiến tranh chớp nhoáng, đánh Pháp trước rồi quay sang Nga.
Năm 1897, cùng với các đế quốc khác xâu xé Trung Quốc, Đức chiếm vịnh Giao Châu dưới hình thức “thuê mượn” làm quân cảng, xây dựng đường sắt ở Sơn Đông và được quyền khai thác quặng mỏ trong vòng 15 km dọc hai bên đường. Đức phái quân đến tham gia cuộc trấn áp Nghĩa hòa đoàn, buộc triều đình Mãn Thanh phải ký điều ước Tân Sửu (1901).
Cùng thời gian này, Đức chiếm các đảo Carôlina, Marian, một phần Xamoa và Mácsan, lập thành những căn cứ quan trọng trên con đường biển giữa châu Úc và Đông Nam Á.
Tuy nhiên, mũi nhọn xâm lược của Đức vẫn hưởng về phía Cận đông và các nước vùng Bancăng dưới khẩu hiệu “Tiến sang phía đông”. Năm 1898, lấy cớ sang thăm đất thánh ở Palétxtin, vua Đức Vinhem II cấu kết với xuntan Thổ về việc xây dựng con đường sắt từ Bôxpho qua các nước Cận đông đến cảng Côoet ở vịnh Ba Tư. Về mặt quân sự, đó là con đường chiến lược quan trọng vì nó nối liền Beclin tới vịnh Ba Tư (đường sắt Bátđa) cửa ngõ bước sang Ấn Độ. Về mặt kinh tế, bọn trùm tư bản thả sức đầu tư vào việc xây dựng đường sắt, trang bị hải cảng và bước đầu thăm dò dầu hỏa.
Trong gần ba chục năm, sự lớn mạnh của nền kinh tế Đức trở thành kẻ cạnh tranh nguy hiểm của Anh. Kế hoạch xâm lược của Đức đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của Anh ở vùng Cận đông, biển Ba Tư và Ấn Độ. Vì vậy Anh kịch liệt phản đối kế hoạch của Đức. Về phía Đức, giai cấp tư sản cũng nhìn thấy kẻ thù chủ yếu của nó là nước Anh, một nước vẫn giữ quyền bá chủ trên mặt biển. Vì vậy, Đức ráo riết xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh. Mâu thuẫn Anh-Đức ngày càng gay gắt, trở thành mối mâu thuẫn chủ yếu trên vũ đài quốc tế và sẽ dẫn tới cuộc chiến tranh thế giới.
III – Phong trào công nhân Đức từ 1870-1914
1. Phong trào công nhân Đức cuối thếkỷXIX
Sự thống nhất đất nước và sự phát triển kinh tế làm cho giai cấp công nhân Đức trở nên đông đảo, tập trung và có khả năng đấu tranh trên quy mô toàn quốc. Nhưng bước vào đầu những năm 70 của thế kỷ XIX, công nhân Đức chưa tập hợp thành một lực lượng thống nhất. Khi đó có hai đảng công nhân khác nhau về tư tưởng chính trị do phái Aidơnăc (Đảng XHDC Đức) của Bêben, Liepnêch và phái Látxan (Liên minh công nhân toàn Đức). Công đoàn cũng bao gồm nhiều tổ chức riêng biệt, có khi đối lập nhau.
Giai cấp công nhân Đức bị bóc lột nặng nề, đồng lương thấp, điều kiện lao động khắc khổ. Vì vậy, phong trào đấu tranh đòi cải thiện đời sống phát triển mạnh nhưng mang lại rất ít kết quả, bộc lộ nhược điểm phân tán của phong trào công nhân. Cuộc đấu tranh nghị viện (năm 1871 có 1 đại biểu của phong trào công nhân là Bêben, năm 1874 có 6 đại biểu) cũng để lộ ra tình hình chia rẽ trầm trọng cần phải khắc phục. Vấn đề thống nhất lực lượng trở thành một yêu cầu khách quan cấp thiết.
Năm 1875, phái Aidơnắc và phái Látxan đã họp đại hội ở thành phố Gôta, thành lập một chính đảng thống nhất lấy tên là “Đảng Công nhân xã hội dân chủ Đức”. Sự thống nhất lực lượng công nhân Đức là một việc cần phải làm. Nhưng cương lĩnh của đại hội Gôta mang tính chất cơ hội về những vấn đề cơ bản: chuyên chính vô sản, liên minh công nông, đảng vô sản và con đường chuyển sang chủ nghĩa xã hội. Những người Aidơnắc rời bỏ lập trường mácxít, lùi bước trước phái Látxan. Ngay từ khi đại hội khai mạc, Mác và Ăngghen đã phê bình những luận điểm cơ hội chủ nghĩa của cương lĩnh, song những người lãnh đạo phái Aidơnắc không chịu tiếp thu và giấu kín, những nhận xét của Mác không cho quần chúng biết. Sau này, năm 1891 Ăngghen đã công bố tập tài liệu đó, dưới nhan để “Phê phán cưang lĩnh Gôta”[31] làm bài học chung cho giai cấp vô sản thế giới.
Xem thêm : Tự học và sáng tạo – Vì sao phải tự học?
Ảnh hưởng lớn mạnh của phong trào xã hội chủ nghĩa (trong cuộc bầu cử năm 1877 được 12 đại biểu) làm cho giai cấp thống trị lo ngại. Nhân hai vụ ám sát hụt vua Đức năm 1878 của những phần tử vô chính phủ, Bixmác công bố “đạo luật đặc biệt”, giải tán các tổ chức công nhân, đóng cửa các tòa báo công nhân, bắt bớ và truy nã hàng loạt đảng viên.
Trước sự tấn công của Bixmác, những người lãnh đạo đảng tuyên bố giải tán đảng. Nhưng quần chúng ở các cơ sở đã biểu thị thái độ kiên quyết và vững vàng hơn nhiều. Họ tự thành lập những tổ chức bí mật và tiếp tục hoạt động. Tạp chí “Người xã hội dân chủ” được xuất bản và truyền đi bằng “bưu điện đỏ” – đường dây bí mật do quần chúng tổ chức đến tay công nhân. Năm 1890, “đạo luật đặc biệt” bị hủy bỏ, đảng Xã hội dân chủ lại ra hoạt động công khai, có ảnh hưởng rất lớn: số phiếu bầu cử tăng lên, đoàn viên công đoàn ngày càng đông đảo, cuộc biểu tình ngày 15-1890 được tiến hành rầm rộ. Đại hội công đoàn toàn Đức năm 1892 ở Anbecxtat quyết định kết nạp những công nhân chưa có tổ chức và thừa nhận quyền bình đẳng của phụ nữ.
Năm 1891, đại hội đảng Xã hội dân chủ họp ở Ecphuôcnơ thông qua cương lĩnh mới tiến bộ hơn cương lĩnh Gôta. Trong đó đã thừa nhận cuộc đấu tranh giữa tư sản và vô sản nhất định sẽ dẫn tới chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đề ra yêu cầu đấu tranh đòi quyền tổng tuyển cử, ngày làm 3 giờ, quyền bãi công, hội họp… Tuy nhiên cũng còn có nhiều điểm nhân nhượng chủ nghĩa cơ hội: không nêu lên nhiệm vụ lật đổ nền quân chủ và xây dựng nhà nước cộng hòa dân chủ, không đề cập tới vấn đề chuyên chính vô sản, coi tôn giáo là việc riêng của mỗi người và không đả động tới vấn đề ruộng đất.
Trong đại hội Phrăngphua năm 1894, vấn đề ruộng đất được thảo luận và trao cho một tiểu ban đặc biệt nghiên cứu. Xuất phát từ luận điểm sai lầm là đảng Xã hội dân chủ không những là đảng của vô sản mà còn là đảng của tiểu tư sản thành thị và nông thôn, họ đưa ra chủ trương bảo vệ nông dân khỏi bị vô sản hóa và đề nghị góp phần vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp bằng con đường đưa “chủ nghĩa xã hội nhà nước” vào khuôn khổ chế độ tư bản chủ nghĩa: Đại hội Brêtxlao năm 1895 đã bác bỏ cương lĩnh trên và đòi hỏi phải nghiên cứu vấn đề này hơn nữa, Ăngghen kịch liệt phê phán sự dao động của những người xã hội dân chủ trong tác phẩm “Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức”.
2. Chủ nghĩa xét lại Becxtainơ
Cuối những năm 90, phong trào công nhân Đức có những bước phát triển rõ rệt. Năm 1890 có 266 cuộc đình công với 38.536 người tham dự. Năm 1896 có 483 cuộc với 128.308 người. Yêu cầu cơ bản của những cuộc đình công là đòi tăng lương và giảm giờ làm.
Nhưng phong trào đấu tranh bị kìm hãm bởi chính sách của những bộ phận công nhân quý tộc. Mặc dầu đế quốc Đức không có nhiều thuộc địa như Anh nhưng nó cũng có nhiều nguồn siêu lợi nhuận do việc tham dự vào các công ty lũng đoạn quốc tế, xuất cảng tư bản, chế độ quan thuế cao để nâng cao giá thị trường trong nước, tăng cường bóc lột công nhân, nhất là công nhân người nước ngoài. Những nguồn siêu lợi nhuận to lớn tạo nên khả năng vật chất để giai cấp tư sản mua chuộc một bộ phận công nhân lớp trên. Tầng lớp này dần dần hình thành ý thức hệ thỏa hiệp với giai cấp tư sản, sợ hãi những biến đổi xã hội vì nó có thể phá vỡ cuộc sống ưu đãi của chúng. Điều kiện sống cao hơn người khác đã ràng buộc tầng lớp công nhân quý tộc vào bánh xe của chủ nghĩa tư bản. Chúng có thể phản bội giai cấp công nhân một cách hèn hạ, công khai liên minh với giai cấp tư sản, cúi mình trước giai cấp tư sản để hưởng “những mẩu bánh thừa trên bàn tiệc của nhà giàu”. Nó trở thành cơ sở xã hội của chủ nghĩa xét lại, thành “tay sai thật sự của giai cấp tư sản trong phong trào công nhân, những công nhân tay chân của giai cấp tư sản (labour lienteants of the capitalist class), những kẻ truyền bá thật sự chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa sô-vanh”.
Người đại diện cho trào lưu cơ hội chủ nghĩa Đức hồi cuối những năm 90 là E. Becxtainơ (1850-1932) lên tiếng đòi xét lại chủ nghĩa Mác, nên được gọi là chủ nghĩa xét lại. Trong nhiều bài báo và đặc biệt tập trung trong cuốn “Những tiền đề của chủ nghĩa xã hội và nhiệm vụ của đảng Xã hội dân chủ”, Becxtainơ nêu lên cơ sở lý luận của chủ nghĩa xét lại, rút ra kết luận là giai cấp công nhân sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội không phải bằng con đường cách mạng mà bằng con đường “chuyển hóa dần dần”, không phải bằng đấu tranh của quần chúng mà bằng cách tăng số ghế đại biểu trong nghị trường, bằng việc giành đạo luật ngày làm việc 8 giờ, cải thiện điều kiện kinh tế và vật chất. Khẩu hiệu của Becxtainơ “Phong trào là tất cả, mục đích cuối cùng không đáng kể” bộc lộ thực chất của nó không phải là đấu tranh cho cách mạng xã hội chủ nghĩa mà chỉ lo tuyên truyền cho những cải cách trước mắt, cho hoạt động nghị trường.
Đại hội đảng Xã hội dân chủ Đức năm 1899 ở Hanôvơ đã lên án chủ nghĩa Becxtainơ. Bêben kịch liệt phê phán, vạch trấn tính chất cơ hội của Becxtainơ và bảo vệ nguyên tắc cách mạng của chủ nghĩa Mác. Rôda Lucxembua cũng đấu tranh chống những luận điểm phản mácxít, trong đại hội. Trong nhiều tác phẩm, Lênin đã phân tích nguồn gốc và cơ sở giai cấp của chủ nghĩa xét lại, vạch trần thực chất của nó là biến tướng của chủ nghĩa tự do tư sản khoác bộ áo mácxít, muốn chống chủ nghĩa Mác ngay trong nội bộ những người mácxít.
3. Phong trào công nhân Đức đầu thế kỷ XX
Đầu thế kỷ XX, phong trào công nhân Đức đạt tới đỉnh cao mới. Số người tham gia những cuộc bãi công tăng lên rõ rệt: năm 1900-1902 có gần 12 vạn người thì đến 19031904 có trên 25 vạn. Cuộc bãi công có tiếng vang nhất khi đó diễn ra ở Krimisau (Đắcxen), kéo dài trong nửa năm (8-1903 đến 1-1904), có 7 ngàn công nhân tham gia với yêu sách tăng lương và giảm giờ làm. Các cuộc bãi công tương tự cũng xảy ra ở các thành phố khác.
Những tin tức của cuộc cách mạng Nga tháng 1-1905 lan truyền rất nhanh sang Đức. Giai cấp công nhân Đức nhiệt liệt đón chào sự kiện trọng đại đó bằng những cuộc mít tinh, những bản kiến nghị, những khẩu hiệu “Chào mừng nước Nga giải phóng”. Làn sóng đấu tranh ở Đức lại bùng lên mạnh mẽ.
Tuy vậy, Đảng XHDC Đức ngày càng lâm vào tình trạng khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng trong đảng xoay quanh các vấn đề chính trị và sách lược quan trọng; tổng bãi công chính trị, khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền và thiết lập chuyên chính vô sản, vai trò của đảng trong đấu tranh cách mạng. Dần dần trong phong trào công nhân Đức hình thành 3 “khuynh hướng khác nhau: phái xét lại, phái giữa và phái tả. Becxtaino, Đavit Phônma tiêu biểu cho khuynh hướng xét lại, chống cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản. Đại diện cho phái giữa là Cauxky, Hase, ngoài miệng giả vờ thừa nhận chủ nghĩa Mác nhưng trên thực tế biện hộ cho chủ nghĩa đế quốc, che đậy những mâu thuẫn cơ bản của xã hội đó. Nêu lên cái gọi là “chủ nghĩa siêu đế quốc”, Cauxky gây nên ảo tưởng là các tổ chức lũng đoạn sẽ hòa hoãn với nhau, sẽ chấm dứt khủng hoảng và chiến tranh. Những lập luận sai lầm đó dẫn đến chủ nghĩa cải lương tư sản. Đại diện cho tinh thần chân chính cách mạng là những người mácxít, bảo vệ những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác, đấu tranh cho quyền tuyển cử, tổng bãi công, chống chủ nghĩa quân phiệt, bảo vệ lao động phụ nữ và trẻ em, ủng hộ cuộc cách mạng của giai cấp vô sản Nga… Các Liepnếch (18711919) con của Vinhem Liepnếch là một chiến sỹ trung thành với sự nghiệp của giai cấp vô sản Đức, đấu tranh kiên quyết chống chủ nghĩa quân phiệt, chống chiến tranh đế quốc. Rôda Lúcxembua (1871-1919) một nhà hùng biện lỗi lạc, đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa đế quốc và các trào lưu cơ hội chủ nghĩa. Clara Xetkin (1,1S571933) là nhà cách mạng dũng cảm với thiên tài về hùng biện và văn học, làm chủ bút báo “Bình đẳng” – cơ quan của nữ công nhân quốc tế, Augutxta Bêben (1840-1913) là người lãnh đạo và tổ chức đảng Xã hội dân chủ đã từng dẫn dắt công nhân Đức vượt qua những cơn sóng gió của “đạo luật đặc biệt” và đấu tranh không mệt mỏi với Becxtainơ và Cauxky. Nhà lý luận Phrăng Mêrinh (1846-1919) của đảng Xã hội dân chủ Đức đã đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng quần chúng ra khỏi ảnh hưởng tư tưởng tư sản và đấu tranh chông chủ nghĩa quân phiệt trong các tác phẩm về lịch sử, triết học, văn học và báo “Nhân dân Laixích” do ông làm chủ bút. Nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào công nhân Đức và phong trào cộng sản quốc tế Vinhem Pich (1876-1960) đã từng tấn công kịch liệt trên hành động thực tế và trong các đại hội đảng vào bọn cơ hội chủ nghĩa, ông là một trong những lãnh tụ đáng kính nhất của công nhân Đức.
IV – Nước Đức ráo riết chuẩn bị chiến tranh và thái độ của Đảng xã hội dân chủ Đức
Đến đầu thế kỷ XX, mâu thuẫn giữa các đế quốc ngày càng gay gắt. Nổi bật lên hàng đầu là sự cạnh tranh giữa Anh và Đức. Cuối năm 1905, Hội đồng tướng lĩnh của Đức đã hoàn thành việc khởi thảo kế hoạch chiến tranh trên hai mặt trận chống Pháp và chống Nga (kế hoạch Slipphen). Trong 5 năm 1909-1914 chi phí quân sự tăng gần 33%, riêng năm 1914 là hơn 2 tỉ mác, chiếm nửa ngân sách nhà nước. Năm 1912 đạo luật tăng quân số (lên 136 ngàn người) và tăng cường pháo binh được chuẩn bị đưa ra quốc hội. Đặc biệt là kế hoạch tăng cường hải quân (năm 1914 có 232 tàu chiến mới) đã làm cho nước Đức vươn rất nhanh lên hàng thứ hai trên thế giới, tuy còn kém Anh. Bọn quân phiệt vừa gieo rắc tư tưởng sô-vanh, vừa ráo riết chuẩn bị gây chiến, đẩy cả dân tộc Đức vào cuộc chiến tranh đế quốc.
Việc tăng ngân sách quân sự và những hoạt động chuẩn bị chiến tranh đè lên vai quần chúng những gánh nặng không thể chịu nổi. Thuế khóa tăng, ngày làm việc kéo dài, giá sinh hoạt lên cao, đời sống rất khó khăn. Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân bùng nổ. Mùa thu năm 1910, 30 vạn công nhân Beclin tổng bãi công, xây dựng chiến lũy trên đường phố chống lại quân đội và cảnh sát. Công nhân nhiều thành phố cũng nổi dậy hưởng ứng. Năm 1912, hơn 25 vạn công nhân mỏ than vùng Rua đình công đòi ngày làm 8 giờ và tăng lương. Bọn chủ phải cầu cứu tới binh lính của chính phủ để đàn áp. Đồng thời quần chúng nhân dân ở miền Tây Ba Lan, Andat và Lôren đấu tranh chống lại chính sách “Đức hóa”, chống ách áp bức dân tộc. Những biến cố đó đặt nước Đức vào tình trạng khủng hoảng chính trị, có khả năng dẫn tới một cuộc cách mạng.
Nhưng đảng Xã hội dân chủ Đức không làm được nhiệm vụ lãnh đạo và phát động quân chúng tiến lên những hành động cách mạng. Sau khi Bêben mất (1913), quyền lãnh đạo đảng rơi vào tay F.Ebec (1871-1925) là kẻ gắn bó chặt chẽ với bọn lãnh tụ quan liêu trong công đoàn. Mặc dầu Các Liepnếch và Rôda Lúcxembụa không ngừng đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt và bỏ phiếu chống những đạo luật tăng ngân sách quân sự, các đại biểu xã hội dân chủ trong quốc hội không chịu vạch trần chính sách quân phiệt gây chiến, lại đồng tình với khẩu hiệu “các nước đều bình đẳng về thuộc địa”, bỏ phiếu tán thành việc tăng thuế để chi phí cho quân sự. Trong những năm trước chiến tranh, số lượng đảng viên Xã hội dân chủ tăng, số báo phát hành nhiều lên và số đại biểu trong quốc hội cũng đông thêm. Nhưng điều đó không nói lên tình hình lớn mạnh của đảng. Trái lại, sự đầu hàng của các lãnh tụ cơ hội đã làm suy yếu lực lượng giai cấp công nhân. Đảng Xã hội dân chủ Đức không còn giữ được tính chất cách mạng của giai cấp công nhân mà bị phụ thuộc vào quyền lợi của giai cấp tư sản. Do đó, nó không thể lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chiến tranh đang ngày càng đến gần. Những người cánh tả vẫn trung thành với nguyên tắc của mình nhưng chưa thể đánh lui được ảnh hưởng của bọn cơ hội ở trong đảng.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức