Đế quốc Mỹ 1870-1914
Nội Dung
I – Sự phát triển kinh tế và sự xuất hiện tơrơt
Cuộc nội chiến 1861-1865 đã mở đường cho chủ nghĩa tư bản Mỹ tiếp tục phát triển. Trong 30 năm cuối thế kỷ XIX, Mỹ từ một nước có nền kinh tế phụ thuộc châu Âu nhanh chóng trở thành một quốc gia công nông nghiệp đứng hàng đầu thế giới. Nếu năm 1860, Mỹ đứng hàng thứ tư về sản lượng công nghiệp thì đến năm 1894 đã vượt qua các nước khác, sản xuất bằng một nửa sản lượng cong nghiệp các nước Tây Âu cộng lại và gấp 2 lần nước Anh. Việc xây dựng đường sắt tăng lên 6 lần rưỡi, vượt quá tổng số chiều dài của tất cả đường sắt Tây Âu. Mạng lưới đường sắt lan rộng trong cả nước làm tăng tốc độ khai thác và phát triển công nghiệp, mở rộng thị trường; ngược lại, sự phát triển công thương nghiệp càng thúc đẩy việc xây dựng đường sắt.[35]
Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Mỹ dựa trên một số nhân tố thuận lợi: giai cấp đại tư sản xác lập được quyền thống trị, tăng cường bóc lột công nhân và bảo vệ thị trường trong nước bằng thuế quan; việc thực dân hóa đất đai miền Tây được xúc tiến mạnh mẽ, mở rộng thị trường trong nước; nguồn nhân công rẻ mạt do sự thủ tiêu chế độ nô lệ, làm cho nhiều người da đen rời bỏ đồn điền vào làm việc trong công xưởng và sự di cư của đông đảo dân nghèo từ nước ngoài tới; tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là than, sắt, đồng, dầu hỏa, rừng; sự áp dụng những thành tựu kỹ thuật mới nhất và điều kiện hòa bình của nước Mỹ trong một thời gian tương đối dài. Khác với Anh và Pháp, nguồn vốn của tư bản Mỹ lúc này được kinh doanh chủ yếu ở trong nước, các nước châu Âu cũng tăng cường đầu tư vào Mỹ làm cho công nghiệp tăng tiến nhanh chóng.
Bạn đang xem: Đế quốc Mỹ 1870-1914
Tuy nhiên, kinh tế Mỹ cũng không tránh khỏi nạn khủng hoảng chu kỳ xảy ra liên tiếp (1878-1879, 1886-1889, 1890-1897), ngày càng kéo dài và trầm trọng. Mỗi lần khủng hoảng hàng ngàn xí nghiệp bị phá sản. Tình trạng đó càng đẩy nhanh quá trình tập trung sản xuất và hình thành các tổ chức lũng đoạn. Nhiều công ty xuất hiện trong các ngành công nghiệp. Đến cuối thế kỷ XIX có 2 tập đoàn lũng đoạn lớn nhất là nhóm Rốccơphenlơ (về dầu hỏa, hóa chất, ngân hàng, đường sắt và hàng hải) và nhóm Moócgan (kim loại đen và có màu, cơ khí, điện khí, ngân hàng, đường sắt). Ngân hàng của hai nhóm trên thống trị toàn bộ hệ thống tài chính ở Mỹ. Họ đứng đầu tập đoàn tài chính có thế lực, xác lập quyền hành trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị và các mặt sinh hoạt trong nước.
Chủ nghĩa tư bản cũng phát triển rất nhanh chóng trong nông nghiệp. Diện tích canh tác tăng lên hơn 3 lần, sản lượng thu hoạch gấp bội.
Trong khoảng 1860-1900, lúa mì tăng 4 lần, ngô 3,5 lần, lúa kiều mạch 5,5 lần. Cuối thế kỷ XIX, Mỹ bán 9/10 bông, 1/4 lúa mạch trên thị trường thế giới. Mỹ còn là nước cung cấp nhiều thịt, bơ và lúa mì nhất. Giá trị nông sản xuất khẩu năm 1860 là 250 triệu đôla, đến 1900 lên 950 triệu, tăng gần 4 lần.
Trên các mảnh ruộng, bọn chủ tư bản dùng máy công cụ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật và phân bón, đẩy mạnh thâm canh, tăng cường độ lao động và sử dụng rộng rãi sức lao động làm thuê.
Bước vào đầu thế kỷ XX, nền công nghiệp Mỹ có những bước tiến mạnh mẽ, dần dần, chiếm địa vị bá chủ thế giới.
Năm 1913, sản lượng gang và thép vượt Đức 2 lần, vượt Anh 4 lần, than gấp 2 lần Anh và Pháp cộng lại. Trong khoảng 1900-1913, số vốn đầu tư vào công nghiệp tăng khoảng 2 lần rưỡi (9 triệu – 22,8 triệu đôla), và giá trị sản phẩm tăng hơn 2 lần (11,4 triệu– 24,2 triệu đôla). Đường sắt, vận tải đường biển và đường sông, khối lượng xuất khẩu đều tăng lên nhanh chóng.
Cùng với sự phát triển đó, quá trình tập trung sản xuất và hình thành các tổ chức lũng đoạn được đẩy mạnh trên quy mô lớn. Năm 1910, khoảng 1% số xí nghiệp cung cấp gần một nửa tổng sản lượng công nghiệp trong nước. Sự tập trung đó không chỉ tiến hành theo chiều ngang (gồm những xưởng cùng sản xuất một thứ hàng) mà còn theo chiều dọc (gồm những xưởng sản xuất từng loại vật liệu nằm trong một quá trình chế tạo thành phẩm như than – sắt – gang – thép – cắt dát – chế tạo máy móc…). Những tơrơt được hình thành trong hầu hết các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, vận tải, thương nghiệp… Trong mỗi ngành đều có những tơrơt nắm độc quyền trên phạm vi toàn quốc hoặc gần như thế. Từ đó sản sinh ra các “triều đại” vua thép, vua dầu lửa, vua đồng, vua điện, vua ôtô… Có thế lực nhất vẫn là hai tập đoàn tư bản Moocgan và Rốccơphenlơ.
“Công ty thép Mỹ” của Moócgan thành lập năm 1903 kiểm soát 60% công nghiệp thép Mỹ, 60% việc khai thác quặng đồng, 66% việc sản xuất thép tấm và 50% thép thành phẩm. Thuộc quyền sở hữu của công ty có 5.000 hec-ta đất mỏ chứa than cốc, hơn 1000 dặm đường sắt, hơn 100 tàu thủy. Tơrơt dầu lửa “Xtanda” của Rôccơphenlơ kiểm soát 90% toàn bộ sản xuất dầu với 7 vạn km ống dẫn dầu, hàng trăm tàu đi biển và kho hàng ở trong và ngoài nước. Tơrơt này còn chinh phục các ngành công nghiệp hơi, điện, các công ty đồng, kẽm, chì và nhiều xí nghiệp khác. Hai tập đoàn trên còn lũng doạn ngành ngân hàng ở Mỹ, nắm trong tay 1/3 toàn bộ của cái nước Mỹ.
Ngoài hai tập đoàn triệu phú nói trên còn rất nhiều tơrơt khác như: “Công ty nhôm Mỹ”, “Công ty đồng hợp nhất”, “Tơrơt đường Mỹ”, “Công ty thuốc lá Mỹ”, “Công ty cao su Mỹ”, “Tổng công ty điện khí”, “Công ty điện tín và điện thoại Mỹ”…. Lênin nhận định rằng: “Các tơrơt Mỹ là biểu hiện cao nhất của nền kinh tế của chủ nghĩa đế quốc hay của chủ nghĩa tư bản độc quyền”.
Từ địa vị một nước đi vay nợ trong thế kỷ XIX, Mỹ đã nhanh chóng trở thành một nước phát triển ngoại thương và xuất khẩu tư bản, xóa bỏ dần hiện tượng nước ngoài đầu tư vào Mỹ.
Số vốn xuất ra nước ngoài từ 1899 đến 1913 tăng từ 500 triệu lên 2.625 triệu đôla, gấp hơn 5 lần. Ngoại thương tăng từ năm 1870 là 1,5 tỉ đôla đến 1900 là 2,7 và 1914 là 5,5. Thị trường đầu tư và buôn bán của Mỹ là Canada, các nước vùng biển Caribê và Trung Mỹ, các nước châu Á nhất là Nhật Bản và Ấn Độ.
II – Chế độ chính trị và chính sách bành trướng của Mỹ
Xem thêm : Biến đổi xã hội là gì?
Sau khi cuộc nội chiến chấm dứt, quyền thống trị ở trong tay giai cấp tư sản, thông qua hai chính đảng luân phiên cầm quyền là đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Đảng Cộng hòa đại diện cho lợi ích của đại tư sản công nghiệp và tài chính, chủ trương thuế quan cao (chính sách bảo hộ) và lừa bịp người lao động bằng khẩu hiệu “Giá hàng cao thì lương cao, giá hàng thấp thì lương thấp”. Đảng Dân chủ sau nội chiến là đại biểu của đại địa chủ và phú nông, của giai cấp tư sản miền Nam và bộ phận tư sản miền Bắc không tán thành chính sách bảo hộ. Cả hai đảng đều muốn lôi kéo tiểu nông, tiểu tư sản về phía mình và muốn gây ảnh hưởng trong công nhân, cả hai đều bảo vệ quyền lợi của giai cấp đại tư sản, đều nhất trí trong những vấn đề cơ bản của chính trị tư sản mà chỉ khác nhau về một số biện pháp cụ thể. Trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và sự lớn mạnh của phong trào công nhân, ranh giới giữa hai đảng không còn đáng kể nữa.
– Thắng lợi của cuộc chiến tranh chống chế độ nô lệ (1861-1865) đem lại những điều kiện cải thiện nhất định đối với đời sống của người da đen. Ở nhiều bang miền Nam, người da đen có quyền bầu cử và tham gia các cấp chính quyền. Trên cương vị đó, họ tỏ rõ khả năng xuất sắc và có nhiều cống hiến tiến bộ, lập thành hệ thống giáo dục nhà nước, tiến hành chế độ thuế khóa công bằng, bãi bỏ các đạo luật phân biệt chủng tộc, dân chủ hóa bộ máy chính quyền địa phương và tổ chức các cơ quan cứu tế xã hội. Song địa vị và các hoạt động của họ tồn tại không được lâu. Năm 1872, nghị viện thông qua đạo luật ân xá, cho bọn chủ nô trước đây trở về phục hồi ách áp bức đối với người da đen. Người da đen bị loại dần ra khỏi các cơ quan, bị tước đoạt quyền bầu cử. Họ phải có điều kiện cử tri (về tài sản, mức thuế, trình độ văn hóa…). Từ năm 1881, bắt đầu ra đời đạo luật quy định người da đen đi tàu phải ngồi toa riêng, không được tới khách sạn, vườn hoa và các nơi công cộng dành cho người da trắng. Những luật lệ đó đặt người da đen vào tình trạng hết sức nhục nhã, luôn luôn bị khinh rẻ và bị đe dọa bởi sự thù địch và đánh đập bừa bãi của người da trắng. Đảng Klu-Klux-Klan (3K) là tổ chức phản động, mang nặng tính chất phân biệt chủng tộc, chuyên hành hạ những người da đen.
– Trong thời kỳ cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, hướng thôntính chủ yếu của giai cấp tư sản Mỹ là những vùng đất đai “bỏ trống” ở miền Tây và một vài khu vực láng giềng.
Tuy vậy, tham vọng trong những năm 1866, 1867 và 1871, Mỹ tiến hành nhiều cuộc đột nhập vào Triều Tiên nhưng đều thất bại. Năm 1882, Mỹ dùng vũ lực uy hiếp Triều Tiên, giành được một hiệp ước bất bình đẳng, cho phép Mỹ vào buôn bán ở 3 cửa biển, đặt đại diện ngoại giao, kiều dân Mỹ, có quyền lãnh sự tài phán tức là nếu họ phạm tội thì sẽ do người Mỹ xử mà pháp luật Triều Tiên không được xử.
Cùng trong những năm này, Mỹ xâm lược quần đảo Xamoa và giành được hòa ước 1878, biến Pagô Pagô thành một căn cứ quân sự. Nhưng Mỹ vấp phải sự kình địch của Anh và Đức là những kẻ đều muốn đặt quyền thống trị ở đây. Cuộc điều đình năm 1889 đặt Xamoa dưới sự “bảo hộ” chung của cả 3 nước Anh, Mỹ và Đức.
Đồng thời, những hoạt động xâm chiếm quân đảo Haoai được đẩy mạnh. Dưới con mắt nhà buôn thì đây là thị trường nguyên liệu quan trọng cho kỹ nghệ làm đường. Còn đối với giới chính khách và quân sự thì đó lại là một cái cầu dẫn tới miền Đông châu Á. Năm 1875, Mỹ ép Haoai ký hiệp ước thương mại, biến nó thành một thuộc địa kinh tế, gạt ảnh hưởng của Anh, Pháp ra ngoài. Cuối những năm 80, “kiều dân” Mỹ ở Haoai gồm chủ đồn điền mía, thầy tu… với sự hỗ trợ của các hạm đội và đại bác đã làm một cuộc “cách mạng”(!) lật đổ vương triều tự chủ Haoai. Năm 1893, quần đảo bị đặt dưới sự “bảo hộ” của Mỹ.
Ở châu Mỹ latinh, Mỹ đã giành được một số quyền lợi ở Mêhicô và các nước Trung Mỹ. Dưới chiêu bài học thuyết Mơnrô, năm 1889 Mỹ triệu tập hội nghị toàn châu Mỹ, đề ra cái gọi là “chủ nghĩa Liên Mỹ” đặt các nước Mỹ latinh dưới ảnh hưởng của Mỹ.
Năm 1898 Mỹ gây chiến với Tây Ban Nha. Cuộc chiến tranh được tiến hành ở cả hai vùng biển Caribê và Thái Bình Dương. Chỉ sau 3 tháng, Tây Ban Nha thua. Hòa ước Pari tháng 12-1898 cho phép Mỹ được chiếm Philippin, các đảo Puectô Ricô và Guyam. Tây Ban Nha cam kết không dòm ngó đến Cuba và nhận đặt nơi đó dưới quyền “bảo hộ” của Mỹ. Tây Ban Nha được nhận món tiền “bồi thường” là 20 triệu đôla. Cuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha là cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa đầu tiên nhằm chia lại thế giới.
Cùng thời gian đó, Mỹ hoàn thành việc thôn tính Haoai, sáp nhập thành một bộ phận của nước Mỹ. Việc thống trị chung giữa Anh, Đức và Mỹ trên quần đảo Xamoa chấm dứt, Mỹ được chiếm hoàn toàn phần phía đông Xamoa thủ phủ là Pagô Pagô một vị trí chiến lược quan trọng.
Rõ ràng là việc chiếm Cuba và Puectô Ricô đã củng cố vị trí của Mỹ ở vùng biển Caribê và thành một bàn đạp tiến vào châu Mỹ Latinh. Việc thôn tính Philippin, Guyam, Đông Xamoa, và Haoai đã tạo nên những căn cứ hải quân chắc chắn để tiến hành âm mưu chinh phục châu Á. Cho nên, cố thể nói rằng Cuba, Philippin, Haoai chỉ là “những món khai vị cho một bữa tiệc sang trọng hơn”.
Một trong những “bàn tiệc” mà đế quốc Mỹ thèm muốn là thị trường Trung Quốc rộng lớn và giàu có. Trong hơn nửa thế kỷ, các nước đế quốc phương Tây xâm nhập vào Trung Quốc, thành lập những “khu vực ảnh hưởng” về mặt chính trị và kinh tế. Trong khi xâu xé Trung Quốc, các đế quốc không ngừng kèn cựa lẫn nhau. Với tham vọng độc chiếm Trung
Quốc nhưng chưa chuẩn bị đầy đủ lực lượng, Mỹ đưa ra cái gọi là chính sách “mở cửa” năm 1889. Theo đó “các nước thừa nhận chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc” các nước đều bình đẳng đối với những đặc quyền ở Trung Quốc không xâm phạm vào những khu vực của nhau và ở khu vực ảnh hưởng của các nước đều đánh thuế ngang nhau đối với hàng hóa nước khác nhập vào. Thực chất là Mỹ ngăn chặn các nước đế quốc tiếp tục xâm chiếm Trung Quốc để hàng hóa Mỹ nhập vào Trung Quốc và chờ thời cơ cho Mỹ len chân vào thị trường này. Trong tình trạng mâu thuẫn giữa các đế quốc gay gắt mà chưa nước nào có thể nuốt chửng Trung Quốc được, chúng phải tạm hòa hoãn bằng cách chấp nhận chính sách trên. Đồng thời, Mỹ cùng các đế quốc tham gia trấn áp khởi nghĩa Nghĩa hòa đoàn, làm áp lực buộc Mãn Thanh phải ký thêm bản hiệp ước bất bình đẳng Tân sửu (1901) cho phép các nước có quân đội bảo vệ đường giao thông và bồi thường 450 triệu lạng bạc. Riêng Mỹ được 25 triệu đôla. Thực tế đó chứng tỏ rằng chính sách “mở cửa” chỉ là một bước, một thủ đoạn của quá trình xâm lược của Mỹ vào Trung Quốc mà thôi.
Ở châu Mỹ latinh, Mỹ tăng cường mở rộng khu vực ảnh hưởng. Mỹ
Xem thêm : Con đường biện chứng của nhận thức chân lý
mua lại của Pháp tất cả các cổ phần của Công ty Panama bị phá sản và buộc Anh phải thừa nhận độc quyền khai thác của Mỹ ở đây. Tiếp theo, Mỹ đòi Côlômbia trao độc quyền thiết kế và khai thác kênh Panama nằm trên lãnh thổ Côlômbia. Nhằm thực hiện âm mưu chiếm đoạt, năm 1903, Mỹ gây một cuộc phiến loạn ở Côlômbia với sự hỗ trợ của chiếc tuần dương hạm đậu ngoài biển. Panama tách khỏi lãnh thổ Côlômbia, tuyên bố độc lập, trao cho Mỹ độc quyền xây dựng kênh, đặt đường sắt và đóng quân ở hai bờ kênh. Sau 10 năm xây dựng (1904-1914) Mỹ độc chiếm kênh đào Panama vị trí chiến lược quan trọng về quân sự và kinh tế.
Để xác lập quyền thống trị ở châu Mỹ latinh, năm 1904, tổng thống Mỹ Têôđo Rudơven đưa ra trước quốc hội “chính sách cái gậy lớn” tự trao cho mình nhiệm vụ “sen đầm Tây bán cầu”, đứng ra can thiệp vào nội bộ các nước hoặc các vụ tranh chấp giữa các nước châu Âu với khu vực này. Bằng “chính sách cái gậy lớn”, kết hợp với “chính sách ngoại giao đôla”, Mỹ đã nắm được về chính trị và kinh tế một số nước Mỹ latinh: Xan Đômingô, Mêhicô, Nicaragoa…, xác lập quyền khống chế Tây bán cầu.
III – Phong trào đấu tranh của công nhân và quần chúng nhân dân từ 1870-1914
1. Phong trào công nhân và xã hội chủ nghĩa Mỹ
Giai cấp công nhân Mỹ có những đặc điểm khác với giai cấp công nhân châu Âu. Vùng đất đai rộng lớn ở phía tây là lối thoát cho những công nhân không chịu nổi ách áp bức của bọn chủ, bỏ sang canh tác và trở thành phácmơ. Do đó, trong một thời gian tương đối dài, giai cấp vô sản công nghiệp ở Mỹ không thực ổn định. Thành phần phức tạp trong công nhân, sự khác nhau về nguồn gốc dân tộc, màu da và ngôn ngữ là một trở ngại rất lớn. Bọn tư sản lợi dụng điều đó để gây chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết trong nội bộ, đồng thời tăng cường bóc lột đông đảo quần chúng lao động cơ bản, mua chuộc “công nhân quý tộc”, ngăn trở sự trưởng thành về ý thức và sự hình thành những tổ chức độc lập của công nhân.
Lịch sử đấu tranh của công nhân Mỹ trong những năm 70-80 gắn liền với phong trào đình công và bãi công sôi nổi khắp cả nước. Cuộc bãi công của công nhân đường sắt (18771878) lan ra 17 bang, bao gồm các trung tâm xe lửa, biến thành cuộc bãi công toàn quốc đầu tiên và nhiều nơi mang tính chất một cuộc nội chiến nhỏ. Công nhân đường sắt, được sự ủng hộ của công nhân các ngành và của phácmơ, đã chiến đấu dũng cảm chống lại quân đội và cảnh sát. Mặc dầu bị trấn áp, cao trào 18771878 gây được ảnh hưởng lớn lao trong việc khích lệ tinh thần đấu tranh của quần chúng.
Những cuộc biểu tình, đình công và tẩy chay trong những năm 80 xoay quanh khẩu hiệu đòi ngày làm 8 giờ. Gần 40 vạn công nhân đã tham gia cuộc tổng bãi công 1-5-1886. Cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt nhất ở Xicagô với sự tham gia của 8 vạn người do “Liên đoàn Lao động Mỹ” lãnh đạo. Bọn cảnh sát nổ súng vào công nhân trên quảng trường, những người cầm đầu bị bắt và xử tử. Tuy nhiên, chính phủ buộc phải ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ nhưng chỉ mới áp dụng cho khoảng 1-2 vạn người. Cuộc chiến đấu anh dũng và thắng lợi bước đầu của công nhân Mỹ được giai cấp công nhân toàn thế giới chào mừng Đại hội Quốc tế II năm 1889 đã quyết nghị lấy ngày đó làm ngày hội đoàn kết quốc tế của giai cấp vô sản thế giới. Từ đó, ngày 1-5 vinh quang vĩnh viễn được ghi vào lịch sử loài người – ngày Quốc tế Lao động.
Năm 1876, “Đảng Công nhân xã hội Mỹ” được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa các nhóm mácxít và phái Látxan trong các phân bộ Quốc tế I ở Mỹ. Tổ chức nghiệp đoàn có tính chất toàn quốc khi đó là “Liên đoàn lao động Mỹ” (A.F.L) thành lập năm 1881. Trong những ngày đầu, Liên đoàn lao động còn có tính chất cách mạng, đã lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi ngày làm 8 giờ sôi nổi năm 1886. Nhưng Liên đoàn chỉ kết nạp những công nhân da trắng có trình độ kỹ thuật, đẩy đại đa số công nhân rơi vào địa vị nô lệ chủ nghĩa tư bản và phản bội quyền lợi của người da đen.
Trong những năm 90, cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng cải lương và cách mạng được tiến hành trong phong trào công nhân Mỹ. Bọn cơ hội chủ nghĩa và những người cầm đầu Liên đoàn lao động bênh vực giai cấp tư sản, tìm cách điều hòa mâu thuẫn giữa chủ và thợ, xa lánh cuộc đấu tranh của quần chúng. Những người cánh Tả trong Liên đoàn có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa đòi phải ủng hộ phong trào đình công, tiến hành đấu tranh chính trị độc lập của giai cấp công nhân và thừa nhận đấu tranh giai cấp. Nhưng thành phần phức tạp của công nhân Mỹ và tình trạng thiếu một cương lĩnh thật sự cách mạng đã hạn chế những hoạt động của họ.
Bước vào đầu thế kỷ XX, nền kinh tế Mỹ có những chuyển biến lớn lao và những cuộc chiến tranh xâm lược ngày càng mở rộng. Tình hình đó có ảnh hưởng tới phong trào công nhân. Một mặt, do sự bóc lột tăng cường, giá sinh hoạt đắt đỏ, tiên lương thực tế giảm sút, đời sống của đông đảo quần chúng bị đe dọa. Mặt khác, bọn chủ tư bản đẩy mạnh việc mua chuộc tầng lớp công nhân có kỹ thuật cao. Cho nên, trong khi cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản được tăng cường thì sự phân hóa và đấu tranh giữa các trào lưu mácxít và cơ hội cũng diễn ra gay gắt trong phong trào công nhân.
Năm 1901, các nhóm xã hội chủ nghĩa tiến hành sự hợp nhất với đảng Xã hội dân chủ thành lập năm 1897 thành “Đảng Xã hội Mỹ”. Đảng Xã hội Mỹ xây dựng theo kiểu các đảng Xã hội dân chủ châu Âu. Ngay từ đầu đã bộc lộ 2 khuynh hướng rõ rệt. Cánh Hữu cơ hội chủ nghĩa đi theo con đường cải lương hoạt động chủ yếu hướng vào các cuộc vận động tuyển cử. Cánh “Tả” đấu tranh chống bọn cơ hội và bộ máy quan liêu thối nát của Liên đoàn lao động, ủng hộ phong trào bãi công, chủ trương xây dựng lại nghiệp đoàn theo nguyên tắc nghề nghiệp, thống nhất công nhân da trắng và da đen. Trong những người lãnh đạo có Hâyut, Phôxtơ, Rutenbớc mà sau này trở thành người sáng lập Đảng Cộng sản Mỹ.
Chống lại đường lối cơ hội chủ nghĩa của Liên đoàn lao động, năm 1905, một tổ chức nghiệp đoàn khác ra đời là “Công nhân sản nghiệp thế giới” (I.W.W). Người sáng lập là Đepxơ, Hâyut và Đơ Lêông. “Công nhân sản nghiệp thế giới” kết nạp cả những công nhân không có hoặc có trình độ kỹ thuật thấp. I.W.W đã đóng vai trò quan trọng trong phong trào đấu tranh của công nhân. Những cuộc bãi công liên tiếp nổ ra: năm 1905 bãi công của công nhân mỏ các bang miền Tây, năm 1907 ở bang Nêvađa, năm 1912 của công nhân dệt bang Maxaxusét và năm 1914 cuộc bãi công mang tính chất nội chiến của công nhân mỏ bang Côlôrađô… Nhưng chủ nghĩa nghiệp đoàn vô chính phủ và những sai lầm có tính chất bè phái không làm cho I.W.W. phát huy được ảnh hưởng rộng rãi của nó.
2. Phong trào đấu tranh của người đa đen
Vấn đề người da đen vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong sinh hoạt chính trị của nước Mỹ. Chính sách đàn áp và phân biệt chủng tộc của bọn tư sản đã làm bùng lên một đợt đấu tranh mới vào khoảng năm 19041914. “Phong trao Niagara” do Uyliam Đuyboa lãnh đạo đòi chấm dứt tất cả sự phân biệt, đối xử và đòi quyền bình đảng trong xã hội. Có thể nói phong trào Niagara là khởi điểm của cuộc đấu tranh giải phóng người da đen tiến hành trong hàng chục năm sau. Nó làm cho giai cấp tư sản hoảng sợ. “Hội giúp người da đen tiến bộ toàn quốc” thành lập năm 1909 là liên minh giữa những người trí thức da đen thuộc tầng lớp trung gian và những người bạn da trắng, chủ trương đấu tranh cho sự bình đẳng chủng tộc về pháp luật, kinh tế, xã hội và công đoàn. Nó chống luật treo cổ và thuế cử tri. Năm 1910, phong trào Niagara nhập vào hội trên.
Tuy nhiên, giai cấp công nhân da đen còn non về ý thức, yếu về tổ chức chưa thể giữ vai trò lãnh đạo. Họ còn bị tách rời khỏi phong trào công nhân và xã hội chủ nghĩa. Các chính đảng công nhân và các công đoàn, hoặc phạm vào sai lầm của tệ phân biệt chủng tộc, hoặc không nêu lên được những yêu sách chính đáng và cấp thiết của người da đen mà lý luận một cách giáo điều là vấn đề giải phóng người da đen hoàn toàn nằm trong vấn đề giải phóng giai cấp. Họ chỉ nêu khẩu hiệu đấu tranh giai cấp chung chung mà không đặt vấn đề đấu tranh giải phóng người da đen, không có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của phong trào. Cuộc đấu tranh của người da đen còn phải trải qua một quá trình lâu dài và gian khổ trong hàng chục năm sau nữa.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức