Thuyết chức năng [Xã hội học]
Thuyết chức năng xuất hiện từ nửa đầu thế kỷ XX. Người đặt nền móng cho lý thuyết này là Durkheim (1758 – 1817) và Malinowaski (1884 – 1942). Khi nghiên cứu xã hội Châu Âu và các nước khác, hai ông tập trung để giải quyết vấn đề đặt ra là: xã hội Châu Âu vận hành như thế nào hoặc biến đổi và phát triển ra sao?
Học thuyết cấu trúc xã hội của Durkheim được bắt đầu từ phạm trù: “sự kiện xã hội”, ông đã đưa ra định nghĩa sau đây: “sự kiện xã hội là một cách làm cố định hay không cố định, có khả năng tác động lên cá nhân một sự cưỡng bức bên ngoài, hay là mọi cách làm có tính chất chung trong phạm vi rộng lớn của xã hội nhất định trong khi vẫn có sự tồn tại riêng, độc lập với các biểu hiện cá biệt của nó”.
Bạn đang xem: Thuyết chức năng [Xã hội học]
Xem thêm : Đám mây Oort là gì?
Đặc trưng nổi bật của sự kiện xã hội là sự cưỡng bức của nó đối với hành vi của cá nhân. Sự cưỡng bức của các sự kiện xã hội không phải là do ý chí cá nhân mà là do hiện thực xã hội quy định, là sản phẩm của nguyên nhân nhất định. Bởi vậy muốn làm cho con người hoàn toàn phục tùng nó cần làm cho họ nhận thức được tình trạng phụ thuộc vào xã hội (thông qua khoa học hoặc tôn giáo). Sự cưỡng bức xã hội đối với cá nhân không đơn giản là cưỡng bức vật chất mà là trí tuệ và đạo đức, ý thức tập thể, tình cảm gắn bó cộng đồng xã hội và sự tôn trọng tập quán xã hội của cá nhân chỉ có thể hình thành và củng cố khi họ đặt sự tồn tại của họ trong sự tồn tại phong phú phức tạp và lâu bền của xã hội.
Theo ông, xã hội là tổng thể các sự kiện xã hội bình thường và các sự kiện xã hội không bình thường (bệnh lý). Sự kiện xã hội bình thường gắn liền với sự cưỡng chế bình thường. Đó là sự cưỡng bức phù hợp với ưu thế của một xã hội nào đó, là ưu thế về chính trị hay đạo đức của một xã hội. Sự kiện xã hội bình thường là các hiện tượng xã hội biểu hiện qua hình thức chung có thể nhận thấy ở tuyệt đại đa số cá thể trong xã hội cả về không gian và thời gian tồn tại của nó (ví dụ: bổn phận làm cha mẹ, làm con cái, các quy ước về ngôn ngữ giao tiếp…). Trái lại sự kiện xã hội khác thường (bệnh lý) là các hiện tượng xã hội biểu hiện qua các hình thức ngoại lệ, thường gặp ở thiểu số người và xảy ra nhất thời, không tồn tại trong toàn bộ cuộc sống các thể.
Một hiện tượng xã hội có thể gọi là bình thường hay bệnh lý cần phải xem xét trong quan hệ với một loại xã hội nhất định. Nguyên tắc chung để xác định loại xã hội đã được Durkheim kế thừa của Spencer: “sự tiến hóa xã hội bắt đầu bằng những tổ hợp đơn giản, bé nhỏ, rằng nó tiến triển do sự kết hợp của một số tổ hợp nhỏ thành những tổ hợp lớn hơn và sau đó khi đã được củng cố các nhóm đó lại kết hợp với các nhóm khác giống với chúng để tạo ra các tổ hợp càng lớn hơn. Sự phân loại xã hội phải bắt đầu bằng những xã hội thuộc loại thứ nhất, tức là đơn giản nhất”.
Xem thêm : Cách vẽ Speakerman đẹp đơn giản chi tiết nhất
Theo Durkheim xã hội đơn giản nhất là Bầy. Bầy là một tổ hợp xã hội sơ đẳng nhất. Trong bầy các cá nhân như những nguyên tử phân bổ bên cạnh nhau. Bầy là chất nguyên sinh của giới xã hội, nó là cơ sở tự nhiên của mọi sự phân loại xã hội, lúc đó ta có xã hội thị tộc, bộ lạc đồng thời với việc xác định các phần tử hình thành nên cấu trúc của loại xã hội nào đó chúng ta phải quy về hình thái xã hội.
Theo ông hình thái xã hội là sự kết hợp các yếu tố tạo thành xã hội giống như sự phân bố và kết hợp của yếu tố, của nguyên tử, các yếu tố xã hội kết hợp với nhau tạo thành môi trường bên trong xã hội, quy định trình độ phát triển của xã hội. Có hai loại yếu tố tạo thành môi trường xã hội: các sự vật (bao gồm cả các dạng vật chất gia nhập xã hội cả hoạt động trước đó do con người tạo ra như luật pháp, phong tục, các công trình văn học nghệ thuật…) và con người. Sự kết hợp của các yếu tố bên trong này (đặc biệt là số lượng các đơn vị xã hội và mức độ tập trung của các cá thể) là điều kiện quyết định cho mọi hiện tượng xã hội. Mặt khác chất keo để tạo nên sự liên kết các yếu tố xã hội không phải là sức mạnh vật chất mà đó là tình cảm đạo đức con người. Như vậy theo quan niệm của Durkheim xã hội là xã hội tinh thần đạo đức lương tri và trí tuệ.
(Nguồn: TS. Nguyễn Thế Phán, Giáo trình xã hội học, NXB Lao động Xã hội)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức