Hệ thống kỹ năng học tập
Nội Dung
1. Cơ sở phân loại hệ thống kĩ năng học tập
Trong quá trình học tập, người học phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cụ thể bằng nhiều dạng hoạt động khác nhau. Nói cách khác, quá trình học tập được tổ chức bằng một cơ cấu đặc biệt gồm các nhiệm vụ học tập và hỗ trợ học tập. Không thể kể hết những nhiệm vụ chi tiết, mà nên xác định cơ cấu tổng quát của chúng. Nói chung, cơ cấu đó giúp ta giải đáp một câu hỏi chung: để học tập thì người học phải thực hiện những loại nhiệm vụ cơ bản nào? Đó là:
- Nhận thức nội dung học vấn;
- Quản lí việc học của mình;
- Giao tiếp và quan hệ xã hội trong học tập và các hoạt động hỗ trợ học tập.
Sự kết hợp cả 3 loại nhiệm vụ này mới đúng là học tập. Lâu nay nhiều người thường lẫn học tập với nhận thức, bỏ qua những nhiệm vụ quan trọng khác trong học tập.
Bạn đang xem: Hệ thống kỹ năng học tập
1.1. Các nhiệm vụ nhận thức
Được thực hiện bằng các hoạt động nhận thức mà đối tượng là tri thức, phương thức hoạt động, kinh nghiệm cảm xúc… trong nội dung học vấn các môn học. Để tiến hành nhận thức, người học phải thực hiện nhiều hoạt động cụ thể khác nhau:
- Tìm kiếm, tích lũy, lưu giữ thông tin học tập, dữ liệu và sự kiện cần thiết cho nhiệm vụ học tập nhất định.
- Đánh giá, chọn lọc và xử lí những tư liệu đó thành bài học cho mình.
- Áp dụng bài học đó dưới dạng tri thức, kĩ năng, thái độ… để giải quyết vấn đề nhận thức của mình.
- Phát triển năng lực và kĩ năng xã hội tương ứng với bài học.
Tất cả những nhiệm vụ trên có thể được tiến hành hoặc dưới hình thức nghiên cứu lí thuyết hoặc dưới hình thức thực hành, thực nghiệm, hoặc cả hai hình thức học tập này.
1.2. Các nhiệm vụ quản lí học tập
Được thực hiện bằng các hoạt động quản lí như tổ chức, lập kế hoạch, kiểm tra-tự kiểm tra, đánh giá-tự đánh giá, chỉ đạo-tự chỉ đạo. Đối tượng của những hoạt động này không phải nội dung học vấn, mà là kết quả học tập và rèn luyện, thời gian, tiến độ học tập, hành vi học tập, nhu cầu và thái độ học tập, phong cách, cường độ và nhịp độ học tập, các nguồn lực học tập như học liệu, phương tiện, dụng cụ, thiết bị, môi trường học tập. Tóm lại, người học phải thực hiện một số nhiệm vụ quản lí chung sau:
- Quản lí kế hoạch, đặc biệt là thời gian, mục tiêu và kết quả học tập.
- Quản lí hành vi, phong cách, cường độ học tập.
- Quản lí phương tiện, môi trường học tập.
- Quản lí nhu cầu, thái độ học tập.
- Quản lí và thích ứng với các tình huống, biến cố tâm lí-xã hội trong học tập và chế ngự sốc nếu nó có thể xảy
1.3. Các nhiệm vụ giao tiếp và quan hệ xã hội trong học tập
Được thực hiện bằng các hoạt động giao tiếp như trao đổi, chia sẻ, thảo luận, hội họp, tham gia ý kiến, làm việc hợp tác, bày tỏ ý kiến, hỏi ý kiến bạn học hoặc giáo viên… trong học tập. Đối tượng của những hoạt động này là quan hệ người-người và những giá trị nảy sinh từ quá trình và hậu quả của các quan hệ ấy. Người học phải giải quyết một số vấn đề sau trong giao tiếp và quan hệ học tập:
- Trình bày ý kiến, quan điểm của mình và tiếp nhận, đánh giá ý kiến, quan điểm của người khác.
- Tham gia hoạt động cùng nhau hay làm việc hợp tác ở qui mô nhóm-tổ hoặc qui mô lớp, trường.
- Kèm cặp, tư vấn lẫn nhau trong học tập, tức là tương trợ bạn bè và biết tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè.
- Làm việc trực tiếp với giáo viên ở cương vị cá nhân hay cương vị đại diện cho tổ, lớp, các bạn khác về những vấn đề học tập.
- Tìm hiểu và giải thích những vấn đề, sự kiện tâm lí ( tình cảm, thái độ, ý thức, hành vi) và xã hội (văn hóa học tập, thành tích học tập, kinh nghiệm học tập…) trong quá trình học tập của mình, của nhóm, của lớp và của trường.
- Đối thoại hoặc có hành động xử lí tích cực khác để giải quyết những bất đồng hay xung đột trong học tập.
1.4. Tổng quát
Trong học tập, những nhiệm vụ nêu trên tương đối khác nhau vì các hoạt động thực hiện nhiệm vụ có những đối tượng khác nhau. Và điều quan trọng hơn là chúng liên quan đến những kĩ năng hành động khác nhau. Căn cứ vào cơ cấu 3 nhiệm vụ này có thể xác định 3 nhóm hay 3 phạm trù kĩ năng học tập tương ứng:
- Nhóm những kĩ năng nhận thức học tập;
- Nhóm những kĩ năng giao tiếp và quan hệ học tập;
- Nhóm những kĩ năng quản lí học tập.
Nếu tổ chức những kĩ năng cụ thể nhưng cơ bản và tối cần thiết trong mỗi nhóm nói trên thì có thể tạo nên danh mục hệ thống kĩ năng học tập chung. Hệ thồng như vậy có tính chặt chẽ và nội dung của nó gắn liền với quá trình học tập cũng như hoạt động của người học ngày nay. Đó là những căn cứ cần thiết nhất để xác định hệ thống những kĩ năng học tập hiện đại.
2. Những kĩ năng học tập chung trong môi trường học tập hiện đại
2.1. Nhóm những kĩ năng nhận thức học tập
Mỗi nhóm kĩ năng bao gồm một số kĩ năng tổ hợp, kĩ năng tổ hợp lại bao gồm nhiều kĩ năng bộ phận, mỗi kĩ năng bộ phận này lại cấu thành từ một số kĩ năng chi tiết hơn. Để mô tả đầy đủ từng kĩ năng tổ hợp cần có nhiều điều kiện nữa. Vì vậy chúng tôi chỉ trình bày những nét khái quát của chúng qua một khung cấu trúc, đến mức độ bộ phận và chi tiết.
2.1.1. Kĩ năng tìm kiếm, khai thác các nguồn học tập (thông tin, tư liệu, dữ liệu, tài liệu tham khảo, các dạng học liệu khác)
Kĩ năng làm việc với sách và các tài liệu dạng in, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là đọc hiểu văn bản viết, văn bản kí hiệu, sơ đồ, bảng biểu thống kê…, sách tham khảo, báo chí…, ghi chép tư liệu, viết tóm tắt và làm thư mục.
Kĩ năng nghe-ghi đồng thời và ghi nhớ thông tin học tập, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là nghe hiểu ngôn bản nói, ghi chép lại bằng ngôn ngữ của mình và lưu giữ hoặc ghi nhớ tài liệu bằng trí óc, bằng các phương tiện kĩ thuật hỗ trợ học tập như máy ghi âm, máy tính cá nhân… trên lớp học, tại hội nghị, hội thảo, trên các kênh truyền thông đại chúng và giáo dục từ
Kĩ năng tra cứu, khai thác và sử dụng dữ liệu điện tử hay dữ liệu số, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là lấy dữ liệu từ đĩa CD-ROM, các sách điện tử, từ điển điện tử, phần mềm quản lí cơ sở dữ liệu và thư viện điện tử… và lưu giữ chúng bằng máy tính, máy ảnh kĩ thuật số hoặc ghi chép bằng giấy bút.
Kĩ năng quan sát, điều tra và thu thập sự kiện, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là theo dõi, quan sát tiến trình và kết quả thí nghiệm, thực nghiệm, chọn lọc và hệ thống hóa tư liệu thu được, viết và trình bày báo cáo thực nghiệm hay thực hành bằng những cấu trúc và công cụ logic khác nhau như ma trận, biểu đồ, mô hình toán học, mô tả thống kê…
Kĩ năng truy cập và khai thác thông tin, tư liệu, học liệu trên mạng (mạng LAN, mạng Intranet và Internet) và hệ thống thư tín điện tử, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là tìm địa chỉ website bằng từ khóa, bằng các công cụ tra cứu điện tử, gửi và nhận thư điện tử, download các kiểu tệp tư liệu khác nhau xuống máy cá nhân, sử dụng các chương trình trực tuyến để duyệt web, nhận biết những tư liệu học tập cần thiết trong khi làm việc trực tuyến.
Kĩ năng sử dụng, tra cứu mục lục và tìm tài liệu thư viện bằng công cụ truyền thống và công cụ điện tử, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là tự tìm kiếm, tra cứu hoặc chủ động nhờ người khác giúp nếu gặp công nghệ phức tạp mà mình chưa biết dùng bao giờ.
2.1.2. Kĩ năng xử lí, tổ chức, đánh giá thông tin và nội dung học tập
Đây là kĩ năng tổ hợp gắn bó rất chặt chẽ với những kĩ năng, phương pháp và tri thức khoa học bộ môn cụ thể như Toán, Ngôn ngữ, Vật lí, Hóa học, Lịch sử v.v… Vì lẽ này giáo viên thường hiểu lầm, chẳng hạn phương pháp dùng tỉ số để giải toán tỉ lệ (là phương pháp toán học) thành phương pháp học toán, hoặc kĩ năng giải toán có các yếu tố hình học ở tiểu học (là kĩ năng toán học) thành kĩ năng học tập môn số học, v.v… Nó gồm những kĩ năng bộ phận sau.
Kĩ năng tổng quan tư liệu và khái quát hóa nội dung học tập, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là nhận biết các thành phần tri thức, kĩ năng, phương pháp bộ môn trong tư liệu (dữ liệu, tài liệu, thông tin), đưa chúng vào một cấu trúc tổ chức hoặc một trật tự logic nhất định có tính chất tổng quát để hình thành khái niệm, hoặc để xây dựng cơ sở dữ liệu nâng cao hơn, có tính chất tổng hợp hơn. Đây thực chất là kĩ năng làm tư liệu ở trình độ phân tích-tổng hợp và khái quát hóa, trong đó bao hàm cả khả năng đánh giá thông tin, lựa chọn và tạo dạng cho thông tin học tập theo phong cách hoạt động nhận thức cá nhân.
Kĩ năng nêu câu hỏi, đặt vấn đề, nêu giả thiết, phán đoán và lập luận, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là khả năng tái hiện tri thức, kĩ năng và kinh nghiệm nhận thức đã có từ trước, dựa vào chúng và vận dụng chúng để quan sát sự vật, tài liệu, hiểu tư tưởng và nội dung học tập, thiết lập các liên tưởng và quan hệ logic để ghi nhớ hoặc áp dụng, hoặc để cải thiện kĩ năng môn học; để đặt ra vấn đề hay giả thiết mới bằng phán đoán và lập luận logic nhằm nâng cao trình độ lĩnh hội nội dung, vượt khỏi tính cụ thể cảm tính để đạt tới trình độ siêu nhận thức (nắm được những liên hệ và giá trị siêu văn bản, siêu bài học).
Xem thêm : Chứng khoán là gì? Phân loại và Đặc điểm
Kĩ năng định hướng trong các tình huống học tập, phát hiện vấn đề, xác định nhiệm vụ và ra quyết định về cách giải quyết vấn đề, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là khả năng phân biệt dữ kiện và vấn đề, các điều kiện hỗ trợ, phát hiện các điểm tựa và liên hệ nhân quả, liên hệ phụ thuộc, xác định qui trình hành động tương ứng với những nhiệm vụ phải giải quyết và các thuật giải hay các chiến lược giải quyết vấn đề học tập.
Kĩ năng kết hợp việc tập trung chú ý, phân phối chú ý và di chuyển chú ý phù hợp với những biến đổi và hình thái khác nhau của đối tượng nhận thức, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là khả năng phân biệt, nhận diện cái chủ yếu và cái thứ yếu, cái cơ bản và cái không cơ bản, cái bản chất và cái hiện tượng, cái bộ phận và cái toàn thể… trong nội dung học tập, trong tình huống học tập, để đạt được trình độ nhận thức khái quát hóa lí luận và biện chứng.
Kĩ năng hệ thống hóa các sự kiện, các đơn vị học vấn, các bài học, các chủ đề, các công thức, các lí thuyết, các mô hình, các biểu trưng, các dấu hiệu, các giá trị và các chuẩn mực, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là khả năng tổ chức hay kiến tạo học vấn cá nhân của mình khi đã lĩnh hội được thành những công cụ trí tuệ (mind tools) có tính hệ thống và sắc bén của mình – cơ sở bên trong để phát triển những kĩ năng nhận thức cao hơn, những phong cách học tập hiệu quả hơn.
Kĩ năng kết hợp sử dụng các hành động và thao tác trí tuệ khác nhau theo chiến lược tổng thể để hiểu, áp dụng và phát triển nội dung học tập, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là khả năng thực hiện và di chuyển linh hoạt các hành động như: tái tạo qui nạp, tái tạo diễn dịch, tái tạo khái quát hóa, tìm tòi qui nạp, tìm tòi diễn dịch, tìm tòi khái quát hóa, nghiên cứu qui nạp, nghiên cứu diễn dịch, nghiên cứu khái quát hóa ( Saransev G.I. 1998). Việc sử dụng kết hợp 9 kĩ năng trí tuệ hay kĩ năng logic này một cách tự giác và hiệu quả, thích hợp với tính chất, logic của tài liệu học tập và với mức độ tính độc lập, tính tích cực cần thiết lúc đó của người học sẽ giúp hình thành một kĩ năng nhận thức hết sức quan trọng trong nhiều môn học, đặc biệt là toán và khoa học thực nghiệm.
2.1.3. Kĩ năng áp dụng, biến đổi, phát triển kết quả nhận thức và học tập dưới các hình thức khác nhau
Kĩ năng áp dụng kết quả nhận thức để đánh giá các sự kiện khoa học và thực tiễn đời sống hàng ngày, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là sử dụng tri thức và kĩ năng môn học, học vấn liên môn để phân tích, giải thích và nhận xét các sự kiện xảy ra, chẳng hạn như đánh giá thời tiết, nhận xét các hiện tượng vật lí, hóa học, các sự cố trong lao động hay bảo vệ môi trường tự nhiên, những vấn đề xã hội như an toàn giao thông, trật tự xây dựng đô thị, khai thác và bảo tồn nguồn nước sạch; đánh giá những sự kiện xảy ra ngay tại lớp và trường.
Kĩ năng chuẩn bị kiểm tra, thi và tiến hành làm bài kiểm tra, bài thi, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là khả năng tổng duyệt tất cả những đề tài và nội dung thuộc chương trình kiểm tra và thi về cả lí thuyết lẫn thực hành-ứng dụng, lựa chọn những kiểu và loại bài đại diện cho cả chương và cả môn học để làm thử với yêu cầu thời gian và nhịp độ khớp với qui định kiểm tra và thi; luyện tập kĩ xảo và khả năng tập trung suy nghĩ vào yêu cầu kiểm tra và thi, kĩ năng trả lời hoặc giải đáp đúng yêu cầu, câu hỏi trong đề kiểm tra và đề thi; rèn luyện thói quen tiết kiệm thời gian đồng thời với thái độ bình tĩnh khi tìm hiểu đề kiểm tra và thi, khi tiến hành giải quyết vấn đề trong bài; kĩ năng trình bày ngắn gọn, đầy đủ, chặt chẽ và sáng sủa bài làm của mình.
Kĩ năng áp dụng kết quả nhận thức để tổ chức thí nghiệm, thực nghiệm, thực hành kiểm chứng và mở rộng các sự kiện, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là thường xuyên suy nghĩ và hoài nghi những điều đã học nếu chưa kiểm nghiệm qua hàng loạt bài tập lí thuyết và thực hành, các thí nghiệm và thực nghiệm do chính mình tạo ra và tự giác tiến hành; khả năng mô phỏng những thí nghiệm, thực nghiệm đã học để tổ chức những thí nghiệm, thực nghiệm ngoài sách vở nhằm tích lũy thêm sự kiện và kiểm tra những điều đã học một cách trực tiếp và sống động.
Kĩ năng biến đổi và áp dụng các kết quả nhận thức để hình thành những tri thức và kĩ năng liên môn, xuyên môn và tích hợp đa lĩnh vực, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là khả năng chọn lọc những yếu tố căn bản nhất, nền tảng nhất, những tri thức và kĩ năng cốt yếu nhất dưới dạng nguyên tắc, qui luật và mô hình quan niệm luận từ các môn học, các lĩnh vực học tập, các hoạt động khác nhau của mình (Toán, các Khoa học tự nhiên và thực nghiệm, các Khoa học xã hội-Nhân văn, Đạo đức, Nghệ thuật v.v…) để tổ chức hay kiến tạo những khung quan niệm có tầm khái quát cao và có tính năng nhận thức chung, tổng quát, có thể sử dụng làm công cụ đa năng trong hoạt động trí tuệ.
Kĩ năng áp dụng các kết quả nhận thức bộ môn để tạo lập cơ sở của văn hóa học tập, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là đánh giá đúng đắn những logic và tính chất đặc thù của học vấn bộ môn, (chẳng hạn ngôn bản thì có những yếu tố cấu trúc thực thể, nhưng văn chương, nghệ thuật với tính cách là các giá trị thẩm mĩ thì không có cấu trúc thực thể thô thiển như vậy, mặc dù chúng đều được thể hiện trong văn bản tác phẩm), áp dụng những phương thức tiếp nhận và lĩnh hội thích hợp với chúng, tránh học vẹt và giáo điều; khả năng vận dụng linh hoạt các phương thức nhận thức: cái gì cần luyện tập nhiều thì phải chịu khó luyện tập, cái gì cần suy nghĩ nhiều để tìm tòi thì phải chịu khó suy nghĩ, cái gì cần trải nghiệm thực tế nhiều thì phải chịu khó trải nghiệm và giao tiếp v.v… Nói cách khác, các đối tượng nhận thức cho dù là hiện tượng vật chất hay tinh thần luôn có ít nhất 2 khía cạnh: 1- khía cạnh logic khách quan đúng như nó tồn tại, thí dụ: dòng điện tử chuyển động tạo nên dòng điện ở mạch ngoài, phân tử nước là kết hợp của 2 nguyên tử Hydro và 1 nguyên tử Oxy; 2- khía cạnh giá trị vừa khách quan vừa chủ quan, vừa đúng như nó tồn tại vừa không hẳn như vậy, và kĩ năng nhận thức ở trình độ có văn hóa học tập cao cho phép cá nhân nhận thức được cả 2 khía cạnh đó đồng thời, tức là sự nhận thức toàn vẹn, chân thực.
Kĩ năng áp dụng và chuyển hóa tri thức, kĩ năng bộ môn thành nhu cầu và kĩ năng hành vi, hành động xã hội, năng lực thực tiễn hay năng lực xã hội, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là khả năng di chuyển học vấn hàn lâm sách vở sang những tình huống và hoàn cảnh xã hội thực tiễn, trước hết trong sinh hoạt hàng ngày ở lớp, trường và gia đình, chẳng hạn như kĩ năng tuân thủ luật giao thông, luật bảo vệ môi trường, điều lệ trường phổ thông…; khả năng hành động tương đối độc lập trong cuộc sống và học tập để học được nhiều hơn và hiệu quả hơn do không lệ thuộc cứng nhắc vào học vấn sách vở và có sự tùy biến theo tình huống cụ thể. Trong những tình huống xã hội, kể cả việc học, thường các vấn đề và thách thức không xuất hiện đơn giản như những định lí, công thức, qui tắc, nguyên tắc, qui trình, lí thuyết hay khuôn mẫu bài bản trong nội dung các môn học. Không thể lấy nguyên xi những học vấn này để ứng phó hay giải quyết vấn đề, mà chỉ có thể và nhất thiết phải dựa vào chúng để giải quyết song phương thức giải quyết vấn đề lúc này là những kĩ năng xã hội rộng lớn.
2.2. Nhóm những kĩ năng giao tiếp và quan hệ học tập
2.2.1. Kĩ năng trình bày ngôn ngữ giao tiếp bằng văn bản, lời nói với giáo viên, lớp và trường về những vấn đề học tập
Kĩ năng viết và trình bày đơn từ, báo cáo cá nhân về việc học tập, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là nắm được cấu trúc và phong cách trình bày mỗi loại văn bản thông qua kĩ năng xây dựng đề cương, tạo phác thảo, chỉnh lí và triển khai nội dung phù hợp với ý tưởng và logic của vấn đề, xác định được dung lượng tối ưu của ngôn bản; rèn luyện thói quen viết báo cáo học tập dưới dạng nhật kí cá nhân, nhật kí gia đình hoặc những hình thức tóm tắt của chúng theo định kì hoặc theo chủ đề học tập.
Kĩ năng phát biểu ý kiến trước nhiều người ( nhóm học tập, lớp, các thày cô giáo, hội cha mẹ học sinh…), trong đó yêu cầu cơ bản nhất là khả năng chuẩn bị nội dung và hình thức ngôn bản phản ánh tốt nhất (rõ ý nhất, biểu cảm nhất và ngắn gọn nhất) và khả năng diễn xuất bằng lời nói kết hợp với hành vi bổ trợ như quan sát, lưu ý người nghe…; khả năng sử dụng các nghi thức lời nói thích hợp với người nghe và ngữ cảnh, tạo ấn tượng tốt về diễn văn của mình.
Kĩ năng tham gia, trao đổi ý kiến trong học tập dưới hình thức thảo luận, hội nghị học tập, thực hành theo nhóm, tham quan, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là khả năng theo dõi tiến trình thảo luận, hội nghị, đặc biệt là ý kiến và hành động của mọi người, và phát hiện được những sự kiện, vấn đề, công việc, nhiệm vụ còn mang tính chất thách thức mà mình có thể bổ khuyết, phát triển hoặc thay đổi bằng hiểu biết, lập trường hoặc năng lực riêng của mình; khả năng tiếp nhận và đánh giá ý kiến, quan điểm hoặc kết quả hành động của những thành viên khác trong nhóm theo nguyên tắc thân thiện và khuyến khích, thừa nhận lẫn nhau và học hỏi lẫn nhau.
Kĩ năng sử dụng các nghi thức ngôn ngữ và nghi thức giao tiếp với giáo viên và nhà trường với tư cách cá nhân và tư cách đại diện cho những người khác, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là xác định đúng nghi thức ngôn ngữ nói và viết thích hợp và có hiệu quả với mỗi đối tượng và mục đích giao tiếp khác nhau, trong mỗi ngữ cảnh khác nhau. Chẳng hạn khi trả lời thầy, cô giáo, cán bộ giáo dục và người lớn nói chung, học sinh không nên dùng nghi thức câu nghi vấn, câu than, câu ẩn dụ…; khi hỏi những người này, không dùng câu sai khiến, yêu cầu hay mệnh lệnh; khi đại diện cho lớp, tổ không dùng nghi thức giao tiếp cá nhân mà phải tuân theo phong cách ngôn ngữ hành chính.
Kĩ năng đối thoại, thương lượng và giải quyết những bất đồng, xung đột về quan điểm và hành vi học tập, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là khả năng kiềm chế hành vi lời nói, hành vi không lời cho thích hợp với tình huống đối thoại, hoàn cảnh xảy ra bất đồng hay xung đột, không làm chúng gay gắt hơn mà dịu bớt đi trong khi biểu thị ý kiến, thái độ và hành động của mình, cũng như trong khi tiếp nhận hay phản đối ý kiến, thái độ và hành động của phía kia, đạt tới kĩ năng giao tiếp khoan hòa.
Kĩ năng biểu đạt bằng ngôn ngữ và hành vi không lời sự thông cảm, đồng cảm và hiểu biết quan điểm, ý tưởng, tình cảm, tâm trạng của người khác (bạn học, giáo viên, cha mẹ), trong đó yêu cầu cơ bản nhất là sử dụng đúng nghĩa và đúng mực lời nói, hành vi biểu đạt khác của mình khi muốn bày tỏ sự thông cảm, đồng cảm và sự hiểu biết tâm trạng riêng tư của người khác, và cách bày tỏ thích hợp với mỗi đối tượng giao tiếp khác nhau trong học tập.
2.2.2. Kĩ năng giao tiếp học tập thông qua các hình thức tương tác và quan hệ
Kĩ năng hành vi giao tiếp khi kèm cặp, giúp đỡ bạn hoặc người khác trong học tập, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là khả năng thể hiện hành vi tế nhị, tự nhiên và tận tâm để người khác tiếp nhận sự trợ giúp của mình một cách thẳng thắn và hiệu quả nhất, làm cho họ luôn cảm nhận rằng sự giúp đỡ mà họ nhận được là vô tư, bình đẳng và đáng trân trọng, và đó là sự chia sẻ thân tình giữa những người tốt với nhau.
Xem thêm : Các tư tưởng triết học thời Phục hưng
Kĩ năng ứng xử và biểu thị lòng cảm kích khi nhận sự giúp đỡ, kèm cặp của bạn, giáo viên hoặc người khác trong học tập, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là khả năng bày tỏ thái độ trân trọng sự giúp đỡ, ý thức trách nhiệm cao trong học tập, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được đặt ra trong quan hệ hợp tác giữa hai bên để không làm người giúp mình thất vọng; không tỏ ra tự ái nhưng cũng không tỏ ra quá lệ thuộc, ỷ lại, ngược lại biết mạnh dạn ứng xử bình thường, tự nhiên và tự tin. Sử dụng các hình thức ứng xử và biểu thị lòng cảm kích một cách thích hợp: lời nói, việc làm đáp lại, xúc cảm, tinh thần học hỏi chân thành, cố gắng vượt khó khăn, hành vi quan tâm…
Kĩ năng biểu thị tính thân thiện và ân cần với người khác trong học tập, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là khả năng và thái độ hòa mình vào khung cảnh chung của nhóm hay lớp, khai thác những mối thiện cảm và cơ hội trợ giúp lẫn nhau, thường xuyên hướng đến hoàn thiện quan hệ bạn hữu thông qua thái độ và hành vi ân cần, coi trọng công việc và kết quả làm việc của người khác, kể cả qua cách đánh giá hay nhận xét kết quả học tập của bạn.
Kĩ năng thực hiện tự phê bình và phê bình trong học tập, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là nhận thức lí trí đầy đủ về những khó khăn, thách thức của lao động học tập và đó là điều xảy ra với bất kì ai, với tất cả mọi người, trong đó có cả mình, không ngại sai lầm, không sợ bị phê phán, không ác cảm và thành kiến với sai lầm của người khác nhưng cũng không thờ ơ lạnh nhạt; biết sử dụng những hình thức hành vi thừa nhận sai lầm, bác bỏ ý kiến sai lầm của người khác, nhận định sai lầm và thừa nhận tính đúng đắn trong ý kiến của người khác, góp ý có tính xây dựng, những hành vi khẳng định và phủ nhận ôn hòa nhưng dứt khoát về lập trường; khả năng phân biệt mức độ tự phê bình và phê bình thỏa đáng trong những tình huống cần thiết và hướng sự phê bình vào hành vi, chứ không nhằm vào phẩm cách hay giá trị cá nhân của người khác.
Kĩ năng làm việc cùng nhau trong nhóm hợp tác với tư cách thành viên có nhiệm vụ được phân công riêng, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là nhận thức rõ giới hạn trách nhiệm của mình trong công việc chung và cơ chế trách nhiệm đã hình thành hay đã qui ước trong nhóm, hành động theo cơ chế đó một cách độc lập, chủ động, không ỷ lại, không chồng chéo, không can thiệp thô bạo vào phạm vi trách nhiệm của người khác; thể hiện thái độ chân thành dù vui ( với thành công của bạn) hay buồn ( với thất bại của bạn), dám làm dám chịu trước kết quả công việc của mình và trước người khác; khả năng trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và điều kiện học tập với người khác để mỗi người đều làm tốt việc của mình và cả nhóm đều đạt được mục tiêu chung.
Kĩ năng tổ chức và tham gia các sinh hoạt tập thể phục vụ học tập (hội thi, báo lớp, sưu tầm tư liệu…), trong đó yêu cầu cơ bản nhất là biết cách tham gia một vài hay toàn bộ công việc tổ chức các hình thức sinh hoạt tập thể nhằm mục đích học tập, đồng thời tham gia sinh hoạt với tư cách hành động trực tiếp trong một số vai trò nhất định như thí sinh, đấu thủ, vận động viên, diễn viên, phóng viên, nghiên cứu viên hay điều tra viên, báo cáo viên hay người giải đáp… và luôn sẵn sàng dù ở vai trò tổ chức hay vai trò hành động trực tiếp; thái độ tham gia tự nguyện, nhiệt tình và sáng tạo, hành vi tham gia hiệu quả và thẩm mĩ, tôn trọng và khích lệ sự tham gia của các bạn khác.
2.2.3. Kĩ năng giao tiếp đặc biệt nhờ sử dụng các phương tiện viễn thông và công nghệ thông tin hiện đại nhằm mục đích học tập
Kĩ năng sử dụng và tham gia diễn đàn học tập trên mạng ( Forum), trong đó yêu cầu cơ bản nhất là biết cách tìm kiếm những diễn đàn học tập bổ ích (thí dụ hiện nay có một số diễn đàn sử dụng tiếng Việt như Góc học sinh-sinh viên, Trái tim Việt Nam Online, Tin học, Website for you, v.v…), biết tự chuẩn bị những chủ đề tham gia một cách nghiêm túc và kiên trì nhằm đạt tới kết quả học tập có ích chứ không phải chỉ để giải trí hay đùa vui, và chuẩn bị hàng chuỗi chủ đề hay chương trình tham gia diễn đàn tương tự như một chương trình tự học tập và bồi dưỡng theo năng khiếu hoặc sở thích cá nhân; hiểu biết và tôn trọng những qui định bảo mật hoặc cam kết nội bộ của diễn đàn mà mình tham gia cũng như hành vi giao tiếp văn hóa trên Internet; biết tổng kết định kì quá trình tham gia diễn đàn và đúc kết những bài học riêng cho mình cả về học tập lẫn kĩ năng công nghệ thông tin để tham gia ngày càng có hiệu quả hơn.
Kĩ năng sử dụng điện thoại chỉ dẫn và tư vấn học tập, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là hiểu biết địa chỉ tư vấn viễn thông của các chuyên gia hay thày cô giáo, chuẩn bị chu đáo và thật tỉ mỉ tất cả những điều cần hỏi ý kiến, những chủ đề hay bài học cần được tư vấn hay chỉ dẫn và chuẩn bị đầy đủ những phương tiện cần thiết để ghi chép, lưu giữ tư liệu thu được; nếu muốn sử dụng tư liệu cá nhân của nhà tư vấn phải biết xin phép trước và thông báo mục đích sử dụng của mình một cách trung thực; biết thông báo kịp thời kết quả hay thành tựu học tập tốt của mình cho nhà tư vấn nắm được nếu như kết quả hay thành tựu đó có phần đóng góp của những chỉ dẫn hay tư vấn của họ.
Kĩ năng giao tiếp và khai thác tài nguyên học tập qua các phần mềm giáo dục phù hợp, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là khả năng nhận diện các phần mềm giáo dục phục vụ học tập ( hệ thống hóa, ôn tập, luyện tập, sáng tạo, trắc nghiệm thành tích, trắc nghiệm trí tuệ, trắc nghiệm năng lực, phần mềm mở rộng chương trình học tập…), biết cài đặt chương trình chạy phần mềm vào máy cá nhân, biết bảo quản đĩa CD-ROM chứa phần mềm mỗi khi sử dụng, biết sử dụng các giao diện và lệnh để truy cập, tải và in nội dung học tập khi cần thiết, biết nhận diện và cài đặt những chương trình tiện ích kèm theo phần mềm nếu buộc phải có chúng mới khai thác và đọc được tư liệu hoặc mới cài đặt và chạy được phần mềm (nhất là phần mềm đa phương tiện) – thường là Acrobat Reader, QuickTime Player, Real Player, Macromedia, Dirext, Flash, ACDSee, Winzip, v…
Kĩ năng yêu cầu, đăng kí và đặt hàng học tập trực tuyến theo mục đích của mình, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là biết các thủ tục đăng kí (Registration), đặt hàng ( Order), đăng nhập ( Sign Up), yêu cầu ( Request), vào lớp khi đã là học viên hay thành viên ( Sign in hoặc Login), mã đăng kí ( Recode) cùng những khoản thông báo, khai báo khác bằng tiếng Anh và tiếng Việt ( hiện được dùng với bảng mã font Unicode) khi chọn giáo trình hay chương trình học trực tuyến ( chẳng hạn trên website Study in Australia), biết các kĩ thuật mở bài, trả thi, kiểm tra và lấy điểm trực tuyến kết hợp với sử dụng thư điện tử, điện thoại hoặc diễn đàn, biết download tài liệu học tập dưới dạng các kiểu file khác nhau xuống máy hoặc in chúng trực tuyến nếu tài liệu đó không được phép lấy xuống máy cá nhân, biết sắp xếp và tổ chức tài liệu học tập thành cơ sở dữ liệu theo chuyên đề, chủ đề, bài học hay học phần thích hợp, dễ tìm và dễ đọc khi cần đến.
Kĩ năng sử dụng các mẫu thư từ, văn bản điện tử để trao đổi thông tin và giao tiếp học tập trên internet, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là hiểu và có kĩ năng sử dụng các tài nguyên cho sẵn trong hệ điều hành ( thí dụ Windows) và các bộ Office để chọn và lấy các mẫu công văn, thư từ, đơn từ, văn bản dự án, văn bản trắc nghiệm, thường được đặt tên là các Templates, Forms chứa trong các chương trình Microsoft Word, Microsoft PowerPoint, Microsoft Access, Microsoft FrontPage, hoặc khai thác các mẫu do Internet cung cấp miễn phí; kĩ năng sử dụng các font chữ, kiểu chữ và kiểu định dạng thích hợp với loại văn bản gửi đi.
Kĩ năng đọc hiểu và sử dụng các hộp thoại thông thường trên máy tính cá nhân để giao tiếp và khai thác tài nguyên học tập, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là nhận biết ý nghĩa của các nút, các dòng, các ô, các dấu, các biểu tượng khác nhau trên các hộp thoại của hệ điều hành, của Ofice, của các chương trình ứng dụng, các chương trình duyệt web, các chương trình hay phần mềm đồ họa, các phần mềm học tập, các phần mềm cơ sở dữ liệu, v.v… và có kĩ năng sử dụng chúng đúng chỗ, đúng yêu cầu kĩ thuật khi nạp hay gỡ chương trình, khi mở và chạy phần mềm, khi gõ lệnh hay thực hiện những thao tác cần thiết để giao tiếp với nội dung học tập và khai thác thông tin trong đó.
2.3. Nhóm kĩ năng quản lí học tập
2.3.1. Kĩ năng tổ chức môi trường học tập cá nhân
Kĩ năng chuẩn bị và tổ chức các phương tiện, dụng cụ học tập, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là tự giác và biết cách kiểm tra sự đầy đủ và thích hợp của sách, dụng cụ đo và tính toán, tài liệu học tập, các phương tiện khác của mình trước khi bắt tay vào nhiệm vụ hay bài học mới, trước khi bước vào luyện tập, thi hay kiểm tra, phát hiện được thiếu sót hoặc sai lệch trong việc chuẩn bị và tổ chức phương tiện của mình để kịp thời khắc phục, tránh được bất ngờ và thất bại do những sơ suất đó gây
Kĩ năng tổ chức, sắp xếp chỗ làm việc và các điều kiện học tập, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là nhận thức rõ tầm quan trọng và có thói quen cũng như khả năng quan sát thường xuyên chỗ làm việc và học tập của mình, bố trí hợp lí nội thất, để bàn ghế gọn gàng, tạo không gian thoáng đãng và sạch sẽ, thu xếp đồ đạc, dụng cụ học tập có trật tự , sắp xếp sách vở, học liệu, phương tiện kĩ thuật (thí dụ – máy tính) thích hợp với cách làm việc và phong cách học tập cá nhân, sao cho mọi đồ vật, phương tiện, điều kiện đều ở chỗ tốt nhất của nó, vừa gọn vừa dễ tìm, tìm và cất đi nhanh mỗi khi cần dùng đến.
Kĩ năng bảo quản, giữ gìn phương tiện, học liệu và điều kiện học tập, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là có thói quen và biết cách sử dụng phương tiện, học liệu, điều kiện học tập sao cho lâu bền, khắc phục những hỏng hóc thông thường, hiểu tính chất và cấu trúc của chúng, khéo léo và thận trọng khi sử dụng và khai thác các phương tiện kĩ thuật hiện đại như máy tính, máy chiếu, phần mềm, đĩa dữ liệu, phim ảnh, điện thoại, các thiết bị điện và điện tử, các dụng cụ hóa học và hóa chất v.v…, cũng như khi học tập trong những môi trường dã ngoại, trên đường đi, tại hiện trường lao động như nhà máy, doanh nghiệp, cánh đồng, công trường, các cơ sở du lịch và di tích lịch sử văn hóa.
Kĩ năng khởi xướng thành lập nhóm học tập hoặc học kèm cặp lẫn nhau, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là nhận thức và thái độ tích cực về giá trị của các quan hệ nhóm, về sự tham gia và hợp tác trong học tập, có thiện chí và khả năng đề xuất ý tưởng về lập nhóm học tập hoặc nhóm cặp đôi để kèm cặp nhau trên cơ sở hiểu biết các bạn, kiểm tra và đánh giá thường xuyên lẫn nhau, biết rõ ưu nhược điểm của nhau, biết bổ khuyết những gì cho nhau, mối quan tâm đến mục tiêu và thành công của các bạn và của lớp nói
Kĩ năng bảo quản, lưu trữ các hồ sơ học tập cá nhân ( bài kiểm tra, bài thi, bảng điểm, giấy khen, biên bản kỉ luật…), trong đó yêu cầu cơ bản nhất là thái độ cẩn thận và thói quen giữ gìn hồ sơ học tập, biết cách lưu trữ bằng các phương tiện thông thường và các phương tiện kĩ thuật hiện đại, biết phân loại chúng hợp lí và tổ chức cơ sở dữ liệu ngăn nắp, dễ tìm kiếm, không thất lạc và bền lâu, thường xuyên kiểm tra và sửa chữa, bảo dưỡng hồ sơ nếu chúng bị hư hại hoặc chuyển sang lưu giữ dưới hình thức khác hiệu quả hơn.
Kĩ năng chuẩn bị và tổ chức môi trường học dã ngoại, trong đó yêu cầu cơ bản nhất là khả năng sắp xếp các phương tiện vận chuyển, các phương tiện học tập và học liệu cần thiết nhưng tối giản, các dụng cụ phục vụ di chuyển và hoạt động tại nơi tập kết như lều trại, dây buộc, mái che, đèn chiếu sáng, máy và thiết bị cần thiết cho học tập, đồ dùng y tế, thực phẩm và nước uống…, khả năng tổ chức sinh hoạt và học tập ngoài trời cùng nhau và độc lập đáp ứng yêu cầu hiệu quả và qui tắc an toàn.
2.3.2. Kĩ năng hoạch định quá trình và các hoạt động học tập
- Kĩ năng quản lí thời gian và nghỉ ngơi trong học tập
- Kĩ năng lập kế hoạch ôn tập, luyện tập cá nhân.
- Kĩ năng lập kế hoạch học độc lập ( tự học) và nâng
- Kĩ năng lập kế hoạch học thi và thực hiện kế hoạch.
- Kĩ năng xác định các mục tiêu và phương pháp học tập cá nhân phù hợp với những mục tiêu đã định.
- Kĩ năng lập kế hoạch rèn luyện và phát triển các phong cách học tập thích hợp với nhiệm vụ học tập.
2.3.3. Kĩ năng kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả học tập
- Kĩ năng xem xét các kết quả kiểm tra và phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm, thiếu sót.
- Kĩ năng đánh giá thường xuyên hành vi học tập cá nhân của mình và của người khác.
- Kĩ năng kiểm tra thường xuyên học lực của mình thông qua các hình thức trắc nghiệm khác
- Kĩ năng kiểm tra thường xuyên sức khỏe và vệ sinh cá nhân trong học tập.
- Kĩ năng sử dụng các tình huống khác nhau để tiếp nhận sự đánh giá từ người khác về việc học của mình.
- Kĩ năng đánh giá so sánh kết quả học tập giữa các môn, giữa các thời kì, giữa mình và các bạn.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức