Lịch sử Miến Điện (Myanmar) cận đại (Thế kỷ 18-20)
Nội Dung
I – Miến Điện trước thời kỳ xâm lược của thực dân Anh
1. Thống nhất đất nước
Cho đến đầu thế kỷ XVIII, Miến Điện bị chia xẻ thành nhiều vương quốc. Các tiểu vương quốc phong kiến chỉ công nhận chính quyền trung ương của triều đại Taungu (thủ đô là Ava) về hình thức, còn giữa các vương quốc thường xảy ra chiến tranh liên miên thôn tính lẫn nhau. Chiến tranh cũng nổ ra ngay dưới chân thành Ava, đe dọa sự sống còn của triều đại Taungu. Nhưng thời kỳ sụp đổ hoàn toàn của chính quyền trung ương thực sự bắt đầu từ cuộc khởi nghĩa của người San và người Môn bùng nổ năm 1740.
Người Môn sau khi được công ty Đông Ấn của Pháp giúp vũ khí, năm 1752 đã đánh chiếm thủ đô Ava. Nhưng họ không chiếm đóng được lâu dài. Phong trào đấu tranh của người Miến lan rộng khắp nơi chống lại sự thống trị của người Môn. Đứng đầu phong trào này là một hào trưởng tên là Alaun Pai.
Bạn đang xem: Lịch sử Miến Điện (Myanmar) cận đại (Thế kỷ 18-20)
Năm 1754, Alaun Pai giải phóng được Ava, năm sau ông tiến quân mạnh mẽ về phía nam, đuổi người Môn ra khỏi cửa sông Iraoađi. Để kỷ niệm chiến công hiển hách của mình, tại đây, Alaun Pai cho xây dựng thành phố Rănggun có nghĩa là “Kết thúc chiến tranh”.
Nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục. Năm 1756-1757 Alaun Pai đánh chiếm vương quốc Môn (thủ đô là Pêgu). Lần lượt các vương quốc San, Manipua cũng rơi vào tay người Miến.
Như vậy là đến giữa thế kỷ XVIII, quốc gia phong kiến Miến Điện được thống nhất (trừ vùng Aracan đến đầu thế kỷ XIX mới sáp nhập). Alaun Pai lên làm vua, sáng lập triều đại Cônbaun, triều đại này tồn tại cho đến khi Anh thôn tính toàn Miến Điện, năm 1885.
2. Tổ chức nhà nước phong kiến tự chủ
Miến Điện chưa bao giờ được thống nhất và có một chính quyền trung ương mạnh mẽ như dưới triều đại Cônbaun.
Đứng đầu nước là vua (Mingi). Vua tự xưng là “chúa tể của mặt trời mọc và voi trắng, người cai quản sự sống, sự chết và tài sản của tất cả mọi sinh linh”. Vua đồng thời là người đứng đầu Phật giáo.
Bộ máy cai trị ở trung ương gồm 2 cơ quan:
- Hội đồng nhà nước tối cao (Khơluđô).
- Cơ mật viện (Biêđai).
Khơludô là cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao đóng vai trò trung gian giữa vua và các cấp dưới, nó có nhiệm vụ ban bố các đạo dụ của nhà vua, chuẩn y việc bổ nhiệm các quan chức do vua đề cử, là tòa án tối cao xét xử các án tử hình. Khơluđô thường có 57 vị quan, về danh nghĩa do vua đứng đầu, nhưng thực tế do 4 vị quan (Vungi) lớn nhất chủ trì. Mỗi Vungi trông coi một số công việc nhất định.
Biêdai là cơ quan trung gian giữa vua và Khơluđô. Mọi việc quan trọng nhất của nhà nước, vua đều bàn bạc ở đây, và qua Biêđai, lệnh vua được truyền cho Khơluđô để ban bố.
Về mặt hành chính cả nước chia thành tỉnh; mỗi tỉnh có quan Miôvun đứng đầu. Giúp việc Miôvun có hội đồng hàng tỉnh. Tỉnh chia thành nhiều Miô, đứng đầu Miô có quan Miôtútgi. Miôtútgi là chỗ dựa chủ yếu của chính quyền trung ương, điều khiển mọi công việc trong Miô như thu thuế, xử kiện, bắt phu và là người đứng đầu dân binh. Lý trưởng các xã do Miôtútgi bổ nhiệm.
Ở các vùng dân tộc ít người (San, Môn…) thì việc cai trị do quý tộc địa phương đảm nhiệm. Vua phái đến đây đại diện chính quyền trung ương để giám sát và cho quân đến đóng để kiềm chế sự nổi dậy của họ.
Quân đội chia ra 2 loại :
- Quân cận vệ tuyển mộ từ những nông dân đặc biệt gọi là Ácmudan.
- Dân binh gồm tất cả những nông dân thường
Quân đội có nhiều binh chủng: bộ binh, kỵ binh, voi trận, pháo binh, hạm đội.
Đạo Phật có địa vị rất lớn trong xã hội, được coi là quốc giáo. Mỗi người dân Miến trong đời mình phải vào tu ở chùa ít ra 1 lần. Trẻ con học tập ở chùa. Ở đấy, các nhà sư dạy chúng học đọc, học tính và học kinh kệ. Các nhà sư chiếm một tỉ lệ khá đông trong nhân dân (riêng ở 1 chùa chính của Rănggun Sueđagôn có đến 1.000 sư). Nhà chùa sống nhờ vào tặng vật của nhà nước và nhân dân, họ không lao động, không phải đi phu phen tạp dịch. Vua cấp cho họ ruộng đất hoặc cho hưởng thuế cả một vùng nông thôn rộng lớn. Đạo Phật là chỗ dựa tinh thần quan trọng của chế độ quân chủ phong kiến Miến Điện.
3. Chế độ kinh tế-xã hội Miến Điện
Trong nhà nước phong kiến Miến Điện, quan hệ sản xuất phong kiến giữ địa vị thống trị, vua được coi là người sở hữu tất cả đất đai trong nước. Hình thức sở hữu ruộng đất có những loại sau:
- Đất nhà vua và nhà nước: Số đất này ngày càng tăng thêm do các vua Miến mở rộng việc xâm lăng. Tất cả miền Hạ Miến, một phần Thượng Miến là đất của vua và nhà nước. Tô thuế hoàn toàn nhập vào quốc khố và nhà vua tùy ý sử dụng. Vua còn có nguồn thu nhập bằng tô thuế ở các phần đất khác trong nước.
- Đất phong cấp: Nhà vua phong cấp ruộng đất cho những người trong hoàng tộc và quan lại cao cấp (gọi là Miôda). Số đất cấp cho mỗi người thường là một tỉnh hoặc một thành phố và vùng phụ cận, các Miôda sống ở thủ đô, đem ruộng phát canh cho nông dân và thu tô. Vì là quan chức trong bộ máy nhà nước nên Miôtútgi cũng được vua cấp đất. Quyền sở hữu đất đai của Miôtútgi lúc đầu có tính chất tạm thời, dần dần có tính chất thừa kế và trở thành sở hữu riêng. Miôtútgi cũng phát canh và thu tô đất đai của họ.
- Đất tư: do việc mua bán đất đai, khai phá rừng hoặc do ruộng được phong cấp chuyển thành.
- Đất nhà chùa: Vào thế kỷ XVIII, XIX loại đất này thu hẹp dần vì chính sách trưng thu của các vua Miến.
- Đất công xã.
Nông dân chia ra 3 loại :
- Ácmuđan vừa là nông dân, vừa là lính. Họ canh tác trên đất đai nhà nước. Họ không phải nộp thuế cho nhà nước, nhưng phải đi lính cho vua và cứ 3 – 4 gia đình thì nuôi một người lính.
- Ati gồm phần lớn nông dân. Họ cày cấy trên ruộng đất của Miôda, Miôtútgi hoặc Oatútgi (lý trưởng). Họ phải nộp nhiều thứ thuế và chịu chế độ lao dịch nặng nề. Thuế thường chiếm gần nửa thu hoạch, phải nộp bằng sản vật hoặc bằng tiền, ngoài ra còn các thứ đảm phụ phong kiến khác. Gặp lúc chiến tranh, Ati cũng phải đi lính. Nói chung tình cảnh của Ati khó khăn hơn Ácmuđan.
- Lamain cày cấy trên ruộng đất của nhà nước. Họ phải nộp thuế, lao dịch cho vua và ra trận khi có chiến tranh. Đời sống của Lamain tương tự như Ati.
Nông dân thuộc loại này không được chuyển sang loại khác, họ bị lệ thuộc hoàn toàn vào một chúa phong kiến nhất định. Ngoài việc đóng thuế, nông dân còn phải xây dựng đường sá, các công trình thủy lợi, xây dựng đền chùa, phục dịch trong chiến tranh. Ách áp bức phong kiến và sự chuyên quyền của bọn quan lại là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Ban đầu hình thức đấu tranh phổ biến của nông dân là chạy trốn khỏi tên phong kiến cai trị. Nhưng cũng nổ ra những cuộc đấu tranh vũ trang.
Trong năm 1810, ở Mâythin có cuộc khởi nghĩa lớn của nông dân, vua nhiều lần phái quân đến đàn áp, nhưng đều bị thất bại. Cuộc khởi nghĩa kéo dài 5 năm. Đặc biệt các cuộc khởi nghĩa của người Môn và người Aracan ở Hạ Miến có một quy mô lớn. Ở đây, ách bóc lột phong kiến chồng chéo với ách áp bức dân tộc. Ngoài ra, các cuộc chiến tranh liên miên (MiếnMôn, Miến-Xiêm) càng làm cho nông dân xơ xác, kiệt quệ. Các cuộc đấu tranh này kéo dài suốt từ nửa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Vua Miến nhiều lần phái quân đến đàn áp, nhiều nông dân bị giết hại. Hàng chục ngàn người phải bỏ chạy sang Xiêm. Thành phó Pêgu trước kia đông đúc, nay chỉ còn mấy ngàn người.
Các cuộc đấu tranh của nông dân nói chung đều thất bại nhưng cũng góp phần làm cho chế độ phong kiến lung lay và suy yếu.
Trước khi thực dân Anh đô hộ, ở Miến Điện đã xuất hiện mầm mống quan hệ tư bản chủ nghĩa. Thị trường trong nước được mở rộng, việc buôn bán giữa Thượng Miến và Hạ Miến rất tấp nập. Đặc biệt quan hệ thương mại giữa Miến Điện với Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Arập và Đông Nam Á cũng khá phát triển. Hàng xuất khẩu nổi tiếng là gỗ tếch và bông. Các thành phố buôn bán sầm uất lúc bấy giờ là Rănggun, Bátxây, Bamô… Nghề thủ công cũng có một bước phát triển đáng kể, đặc biệt là nghề dệt vải, se sợi, làm thuốc nhuộm. Vải vóc Miến Điện tiêu thụ cả ở thị trường ngoài nước. Một số thủ công trường đã xuất hiện như xưởng đóng thuyền (có chiếc trọng tải 150 tấn), khai thác quặng mỏ (sắt, chì, đồng…), đặc biệt là khai thác dầu lửa. Ở Thượng Miến, vùng Enandaun có 336 cơ sở khai thác dầu, mỗi năm sản xuất chừng 600 tấn dầu chưa lọc. Đã xuất hiện các hình thức hợp tác giản đơn và sự chuyên môn hóa sản xuất ở một số vùng. Dưới triều vua Minđôn (1853-1878) trong triều đình đã xuất hiện đảng Cải cách chủ trương phát triển nước nhà theo con đường tư bản chủ nghĩa Âu châu, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến. Bản thân vua Minđôn cũng là một nhà cải cách, ông đã cho đúc tiền (1861), khuyến khích kinh doanh công thương nghiệp, nhập khẩu một số tàu thủy và máy móc mua từ châu Âu, xây dựng điện tín…
Xem thêm : Phép biện chứng chất phác trong triết học Lão Tử
Tuy nhiên những mầm mống quan hệ tư bản chủ nghĩa này phát triển một cách chậm chạp, vì quan hệ sản xuất phong kiến kìm hãm. Phải đợi đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chủ nghĩa tư bản ở Miến Điện mới có một bước phát triển đáng kể.
II – Thực dân Anh xâm lược và thôn tính Miến Điện
Quan hệ giữa Miến Điện và các quốc gia châu Âu đã có từ rất sớm. Thương nhân châu Âu đã đến Miến từ thế kỷ XV (người Vênêxia, Nga…). Người Anh đến vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII họ đã lập những thương điếm đầu tiên ở Nêgơrai và Bátxây. Từ giữa thế kỷ XVIII, người Anh tìm cách can thiệp vào nội bộ Miến Điện. Trong cuộc chiến tranh của vua Alaun Pai chinh phục người Môn ở Hạ Miến, công ty Đông Ấn của Anh giúp người Miến, còn công ty Đông Ấn của Pháp thì giúp người Môn. Cuộc đấu tranh để tranh giành ảnh hưởng giữa người Anh và người Pháp ở Miến Điện bắt đầu từ đấy. Nhưng lúc bấy giờ quốc gia phong kiến Miến Điện còn đủ mạnh để chặn đứng âm mưu nô dịch của hai kẻ địch nguy hiểm này. Đến thế kỷ XIX, Miến Điện trở thành nạn nhân xâm lược của thực dân Anh.
Đầu thế kỷ XIX thực dân Anh đã xâm chiếm gần hết bán đảo Ấn Độ, xứ Bengan của Ấn Độ tiếp giáp Miến Điện đã trở thành thuộc địa của Anh. Từ căn cứ này, thực dân Anh tìm cách xâm lược Miến Điện.
Thực dân Anh chú ý đến Miến Điện trước hết vì vị trí chiến lược quan trọng của nước này. Từ đây, (trước hết là Hạ Miến), Anh sẽ củng cố được chỗ đứng chắc trên vịnh Bengan, tạo nên một mắt xích trung gian trên đường từ Ấn Độ đi Malắcca để qua Thái Bình Dương. Miến Điện còn là cửa ngõ để xâm nhập vùng Tây nam Trung Quốc. Sự giàu có về lúa gạo và tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt là gỗ tếch và các mỏ kim loại, dấu lửa) của Miến Điện càng thôi thúc dã tâm xâm lược của thực dân Anh.
1. Cuộc chiến tranh xâm lược Miến Điện lần thứ nhất (1824-1826)
Đầu những năm 20 thế kỷ XIX, quan hệ Anh-Miến rất căng thẳng. Để có cớ gây chiến, Anh thường gây ra các vụ xung đột biên giới, đòi Miến rút quân ra khỏi các công quốc Ấn Độ như Manipua, Atxam, Kasa… mà Miến chiếm được trước kia. Anh tích cực hành động vì đầu những năm 20, Mỹ cũng có dã tâm xâm lược Miến Điện và đã đạt được một số thắng lợi về thương mại ở nước này.
Tháng 3-1824 Anh tuyên chiến với Miến Điện. Quân Anh sau khi phá vỡ tuyến phòng thủ của Miến, đã dần dần chiếm được các tỉnh duyên hải ở phía Nam và đầu năm 1825 chiếm được các vùng Tây Bắc. Quân đội Miến do tướng Banđula chỉ huy tuy trang bị kém xa quân Anh nhiều, nhưng tinh thần dũng cảm của các binh sĩ đã làm cho quân Anh nhiều phen khốn đốn, đặc biệt là trận chiến thắng quân Anh ở Prômơ. Quân Anh không những chỉ gặp sự phản kháng của lực lượng quân đội thường trực mà còn vấp phải cuộc kháng chiến của nhân dân. Nhân dân đã làm vườn không nhà trống, tổ chức thành từng đội nhỏ tấn công đồn bốt và cản trở các cuộc hành quân của địch. Do đó âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh và mở rộng việc xâm chiếm của địch không thực hiện được. Tháng 2-1826 hai bên ký kết điều ước Ianđabô, theo đó Miến Điện buộc phải:
- Nhường cho Anh vùng Atxam, Manipua (các công quốc Ấn Độ).
- Cắt cho Anh 2 tỉnh giàu có là Aracan và Tênátxêrim ở miền duyên hải phía nam.
- Bồi thường cho Anh một triệu bảng.
2. Cuộc chiến tranh xâm lược Miến Điện lần thứ hai (18521853)
Sau chiến tranh Anh-Miến lần thứ I, Anh chưa thể gây chiến ngay để chiếm nốt các phần đất khác của Miến vì chúng đang tiến hành chiến tranh xâm lược Apganixtan và xứ Pengiáp. Mãi đến tháng 4-1852 Anh mới nhân vụ triều đình Miến phạt 2 nhà tư bản Anh ở Rănggun vì tội buôn gian bán lận, mở cuộc tấn công lần thứ hai. Từ tháng 4 đến tháng 61852 thực dân Anh chiếm được các vùng quan trọng ở Hạ Miến như Rănggun, Bátxây, Mataban và các vùng khác. Dần dần toàn bộ Hạ Miến lọt vào tay chúng. Đây là vùng đất phì nhiêu, giàu có nhất của Miến Điện, làm cho Miến bị bao vây, mất đường thông ra biển, vì gặp phải sức phản kháng mạnh mẽ của nhân dân, nên thực dân Anh không thực hiện được tham vọng chiếm toàn bộ đất nước. Tháng 6-1853 chiến sự kết thúc. Thực dân Anh hợp nhất các vùng đã chiếm được trong 2 cuộc chiến tranh thành xứ “Miến Điện thuộc Anh”. (British Burma).
Việc Anh chiếm đóng Hạ Miến đã làm bùng nổ cuộc chiến tranh du kích mạnh mẽ của nhân dân Môn sinh sống ở đây, kéo dài từ 1853 đến 1860. Thực dân Anh buộc phải thừa nhận là khắp nơi nhân dân “khởi nghĩa và bạo động”, vì vậy, để duy trì ách chiếm đóng thực dân, chúng phải tăng quân số từ 8.100 lên đến 19.000 tên.
Nhân dân Hạ Miến dưới ách chiếm đóng của Anh bị dồn đến chỗ cùng đường: chưa kịp khôi phục nhà cửa, ruộng vườn bị chiến tranh tàn phá thì thực dân Anh đã đặt lên vai họ gánh nặng của nhiều thứ thuế mới. Nạn đói hoành hành khắp nơi gây nên cảnh chết chóc thảm thê. Nông thôn tiêu điều xơ xác, vì vậy, họ chỉ có một con đường cứu sống là chống lại ách thống trị thực dân. Nhiều đội du kích được thành lập bao gồm nông dân, ngư dân, thương nhân và cả một bộ phận quân lính triều đình. Một bộ phận phong kiến và sư sãi cũng tham gia kháng chiến. Nhiều cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra, một số thành phố (như Bilin, Pêgu) bị giành đi cướp lại nhiều lần giữa thực dân Anh và quân du kích. Trong cuộc kháng chiến này nổi lên một số lãnh tụ du kích tiêu biểu đã từng làm cho quân Anh khiếp sợ như Miatun, Haung Hi. Nơi có phong trào du kích mạnh là Bátxây. Ở đây hoạt động của quân du kích đã phối hợp chặt chẽ với cuộc khởi nghĩa của toàn dân.
Do tinh thần phản kháng mạnh mẽ của nhân dân nên thực dân Anh phải mất đến 8 năm và chịu nhiều tổn thất nặng nề mới đặt được ách thống trị ở Hạ Miến. Cuộc kháng chiến của nhân dân Hạ Miến là một trong những trang sử vẻ vang, góp phần làm cho việc thôn tính thượng Miến của thực dân Anh bị hoãn lại một thời gian dài.
3. Cuộc chiến tranh xâm lược Miến Điện lần thứ ba (1885)
Trong khi chưa chiếm được Thượng Miến, quân Anh đã bắt vua Miến phải ký các hiệp ước nô dịch như cho Anh quyền buôn bán tự do ở vùng này, thuế quan hạ 5% so với giá hàng, đại diện Anh và quân lính Anh được đến đóng ở thủ đô Mađalai và thành phố thương mại Bamô giáp Trung Quốc. Thượng Miến ở trong tình thế bị bao vây và cô lập. Thượng Miến có một vị trí quan trọng đối với đế quốc Anh. Chúng coi nơi đây là nơi có thể khai thác các nguyên liệu quý (đặc biệt là gỗ tếch và dầu lửa), tiếu thụ hàng hóa và là khu vực đầu tư. Chiếm được Thượng Miến, đế quốc Anh có thể xâm nhập vào Trung Quốc bằng con đường từ phía tây nam.
Các đế quốc khác như Mỹ, Ý, Đức và đặc biệt là Pháp cũng tích cực tìm cách nô dịch phần đất này của Miến Điện. Mỹ, Ý, và Đức đã bắt vua Miến ký những hiệp ước thương mại có lợi cho chúng. Nhưng Pháp giành được ưu thế hơn vì vua Miến có ý định dựa vào Pháp để ngăn chặn bàn tay xâm lược của Anh. Sau nhiều lần đàm phán, năm 1885 Hiệp ước Pháp-Miến được ký kết. Theo đó, Pháp có quyền tối huệ quốc và quyền lãnh sự tài phán, công dân Pháp có quyền kinh doanh công thương nghiệp, hạ thấp thuế quan đánh vào hàng Pháp… Hai hiệp định mật khác cho phép Pháp có nhượng địa làm đường sắt, lập đội thương thuyền trên sông Iraoađi, lập nhà băng, khai thác mỏ. Pháp nhận Miến Điện là “nước trung lập” dưới sự bảo hộ của Pháp, Ý, Đức; Pháp cũng hứa giúp vũ khí cho Miến Điện.
Đế quốc Anh theo dõi diễn biến của tình hình trên với một vẻ lo ngại đặc biệt vì sợ rằng Thượng Miến sẽ rơi vào tay Pháp. Trong khi Pháp còn lo đối phó với tình hình phức tạp ở Việt Nam và Mađagátxca, Anh quyết định hành động ngay. Nhân việc triều đình Miến Điện phạt Công ty Anh về tội lậu thuế (chuyển 8 vạn cây gỗ ra ngoài mà chỉ báo 3 vạn cây). Phó vương Anh ở Ấn Độ lập tức gửi tối hậu thư đòi phải để nhà cầm quyền Anh tham gia giải quyết vụ án, phải để quân Anh đến đóng ở Manđalai, phải trao quyền ngoại giao cho Anh và nếu 7 ngày sau vua Miến không trả lời thì Anh “tự do hành động”. Triều đình sợ xẩy ra chuyện lôi thôi, quyết định rút vụ án. Nhưng không kịp, tiếng súng xâm lăng đã nổ. Chỉ 2 tuần sau khi chiến tranh bùng nổ (11-1885) thủ đô Miến là Manđalai bị chiếm. Vua cuối cùng của Miến Điện là Tibao (1879-1885) bị đày sang Cancútta. Ngày 1-1-1886 Phó vương Ấn Độ tuyên bố sáp nhập Miến Điện vào Ấn Độ như là một tỉnh “thuộc địa của thuộc địa”.
Như vậy là công cuộc chinh phục Miến Điện của thực dân Anh đã hoàn thành. Để làm việc đó, thực dân Anh đã phải mất hơn 60 năm (1824-1885).
Sau khi thủ đô thất thủ, một phong trào kháng chiến mạnh mẽ của nhân dân bùng nổ, kéo dài hơn 10 năm (1885-1896). Cuộc kháng chiến mang tính chất nhân dân, động lực chính là nông dân. Phong trào có quy mô rộng lớn nhất vào những năm 1886-1889. Các đội du kích được thành lập, tấn công vào mọi nơi có quân địch cư trú, cắt đứt điện thoại, phá hoại đường giao thông của chúng. Để đàn áp nghĩa quân, địch đã phải tăng quân gấp 4 lần, đến 35.000 tên. Một số lãnh tụ nghĩa quân nổi tiếng được sự ủng hộ hết lòng của nhân dân như Sơve lan, Bôtrô, Mêung, Ieng… Lửa chiến tranh du kích bùng cháy không những ở vùng trung tâm của đất nước mà còn ở các vùng núi, vùng biên cương – nơi cư trú của các dân tộc ít người. Người Chin và Cachin ở phía tây và phía bắc Miến Điện chống quân Anh cho đến năm 1896. Người Caren ở phía đông và phía nam phối hợp hành động. Người San ở phía bắc cầm vũ khí đứng dậy chống quân Anh. Ở Hạ Miến, người Môn cũng nổi dậy. Nghĩa quân ở đây đã đuổi được quân Anh ra khỏi các thành phố như Pêgu, Xittang, Bilin… và một số vùng nông thôn.
Cuộc chiến tranh nhân dân diễn ra trong 10 năm làm bọn thực dân Anh hao người tốn của. Mãi đến cuối năm 1896 chúng mới dập tắt được cuộc kháng chiến. Tuy thất bại, nhưng cuộc đấu tranh của nhân dân Miến đã chứng tỏ tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí bất khuất căm thù địch của họ. Tinh thần đấu tranh của nhân dân Miến rất ngoan cường, nhưng cuối cùng đã thất bại. Cuộc đấu tranh của nhân dân Miến Điện khi đó thiếu một tổ chức và một trung tâm lãnh đạo thống nhất, hành động của nghĩa quân thiếu sự phối hợp chặt chẽ, sự đầu hàng phản bội của một số phần tử phong kiến quý tộc tham gia phong trào, và sau hết hậu phương không ổn định vì các phe đảng ở triều đình chém giết lẫn nhau để tranh giành ngôi thứ.
III – Miến Điện trong thời kỳ thực dân Anh đô hộ
1. Thiết lập bộ máy thống trị thực dân Anh
Sau khi thôn tính xong, Anh biến Miến Điện thành một tỉnh của Ấn
Độ, lập bộ máy cai trị quan liêu thống nhất trong toàn Miến Điện. Quyến lực tối cao trong nước tập trung vào tay viên toàn quyền Anh, trực thuộc Phó vương Ấn Độ. Dưới toàn quyền có các tổng đốc người Anh cai trị các khu. Đơn vị hành chính cơ sở do Tútgi đứng đầu. Tútgi vừa là người thu thuế, vừa là quan tòa, cảnh sát và quan cai trị hành chính. Quyền lực của Tútgi được mở rộng trong một số làng, tạo thành đơn vị hành chính cơ sở. Thực dân Anh bổ nhiệm phần lớn Tútgi từ người Miến. Ở các Tiểu quốc San, Karen… bọn Anh cai trị gián tiếp qua các lãnh chúa, quý tộc địa phương.
Hội đồng nhà nước (Khơluđô) và Cơ mật viện (Biêđai) bị giải tán. Trên thực tế, triều đình phong kiến bị thủ tiêu. Thay vào đó, năm 1897 thực dân Anh lập ra “Hội đồng lập pháp” trực thuộc toàn quyền Anh. Thoạt tiên, Hội đồng lập pháp chỉ có 9 người do toàn quyền chỉ định, là một cơ quan có tính chất tư vấn. Năm 1909, Hội đồng mở rộng đến 15 người trong đó không có một người Miến nào được tham gia.
Trong bộ máy nhà nước, nhất là ở cấp cao, nơi nào không đủ người Anh, bọn thực dân dùng người Ấn Độ. Quân đội và cảnh sát phần lớn là người Ấn. Về sau có cả người Miến tham gia, nhưng chủ yếu là các dân tộc thiểu số. Bằng thủ đoạn này thực dân Anh muốn gây sự thù hằn giữa người Miến với người Ấn, giữa các dân tộc ở Miến hòng thực hiện chính sách “chia để trị”.
2. Thực dân Anh tăng cường bóc lột Miến Điện
Hình thức bóc lột chủ yếu của thực dân Anh ở Miến Điện là thuế hiện vật đánh vào ruộng đất. Thuế này chiếm đến hơn nửa giá trị tổng số các loại thuế. Tútgi có trách nhiệm thu thuế nộp cho thực dân Anh, chúng được hưởng 10% số thuế thu được. Các loại thuế ngày càng nhiều và mức thuế ngày càng cao là một gánh nặng đè lên vai nông dân lao động, làm cho đời sống của họ ngày càng điêu đứng, cực khổ.
Nhằm bóc lột và vơ vét lúa gạo, thực dân Anh mở rộng diện tích cấy lúa. Năm 1865 ở Hạ Miến ruộng cấy lúa chỉ chiếm 993.000 acrơ (1 acrơ = 0,4047 ha), năm 1880 diện tích này tăng lên hơn gấp 3 và đến năm 1960 tăng gần 7 lần. Tư bản Anh xuất khẩu gạo vơ vét bằng thuế và thu mua với giá rẻ mạt. Nhờ khai thông kênh Xuyê (1869) nên gạo Miến Điện được bán sang Âu châu với một khối lượng lớn. Giá thóc ngày càng tăng: năm 1860 giá 100 thùng thóc là 45 rupi, năm 1880 tăng lên 100 rupi. Trong khoảng mấy chục năm, Miến Điện là nước xuất cảng gạo nhiều nhất thế giới. Đối với một thuộc địa, quyền khai thác và xuất khẩu ở trong tay đế quốc thực dân thì số lượng gạo (và các hàng hóa khác) bán ra ngoài càng tăng chỉ có nghĩa là tài nguyên đất nước càng bị bòn rút, nhân dân càng khổ cực.
Xem thêm : Ý nghĩa màu xanh dương trong tình yêu, phong thủy, thời trang
Thóc gạo được sản xuất bằng phương pháp canh tác hết sức thô sơ theo lối phong kiến.
Thực dân Anh không hề chú ý cải thiện chút nào điều kiện sản xuất của người nông dân.
Mặt khác, do khuynh hướng khai thác kiểu thực dân, Miến Điện trở thành nước độc canh lúa, phụ thuộc vào thị trường tư bản, kinh tế phát triển què quặt.
Sau khi chiếm Thượng Miến, thực dân Anh có nguồn gỗ tếch rất lớn.
Vào khoảng cuối thế kỷ XIX hàng năm Anh bán ra ngoài hơn 270.000 cây. Do đó Miến Điện trở thành một trong những nước cung cấp gỗ tếch nhiều nhất thế giới.
Về công nghiệp, tư bản Anh chỉ chú ý phát triển ngành chế biến nông sản xuất khẩu và khai thác quặng mỏ. Những ngành này nằm trong tay tư bản Anh. Chúng không hề nghĩ đến việc mở mang công nghiệp nặng. Trong công nghiệp nhẹ, phát triển nhất là công nghiệp xay xát gạo. Năm 1859 xuất hiện nhà máy xay đầu tiên ở Miến Điện. Năm 1880 đã có 49 nhà máy xay trong số 74 nhà máy, năm 1900: 83/136, năm 1910: 165/301. Các nhà máy cưa cũng được xây dựng. Rănggun là thành phố tập trung phần lớn các nhà máy xay và nhà máy cưa. Thực dân Anh cũng chú ý tới dầu lửa của Miến Điện. Năm 1886 chúng lập ra “Công ty dầu lửa Miến Điện”, một công ty vào loại lớn nhất châu Á. Dầu khai thác ngày càng nhiều: từ 5,9 triệu ganlon (1 ganlon = 4,546 lít) năm 1901 lên đến 254,6 triệu ganlon năm 1914. Đầu thế kỷ XX, tư bản Anh mới khai thác quặng ở Miến Điện, nhưng chỉ chú ý đến quặng bạc và chì ở tiểu vương quốc San, vônfram ở tiểu vương quốc Caren, thiếc ở Tênátxêrim.
Để chuyên chở nguyên liệu cướp được ra các hải cảng và đưa hàng vào bán ở nội địa, thực dân Anh xây dựng hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy. Đường sắt đầu tiên được xây dựng năm 1877 dài 200km, đến năm 1914 đã có 2.500km đường sắt. Tổng số vốn đầu tư của Anh ở Miến Điện đến năm 1914 lên tới khoảng 15-17 triệu bảng Anh. Năm 1900 người ta đếm được 301 xí nghiệp với 45.000 công nhân.
Đến cuối thế kỷ XIX mới xuất hiện các nhà máy xay và nhà máy cưa của tư sản Miến Điện, nhưng quy mô rất nhỏ. Giai cấp tư sản địa phương lớn mạnh lên trong đại chiến thứ I. Chiến tranh làm tăng thêm nhu cầu vật dụng mà Anh không thể cung cấp được, nên giai cấp tư sản dân tộc được phép đảm đương. Số nhà máy tăng lên, năm 1918 tổng số nhà máy là 500 với số công nhân 71.000 người, trong đó có nhiều nhà máy thuộc tư sản dân tộc. Nhưng nói chung, trong hoạt động kinh doanh của mình, họ bị cạnh tranh gay gắt không những từ phía tư sản Anh mà cả tư sản Ấn Độ nữa.
Tóm lại, mạch máu kinh tế hoàn toàn nằm trong tay tư bản Anh. Do kết quả khai thác của Anh, ở Miến Điện đã xuất hiện thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa nhưng phát triển què quặt vì chỉ có những ngành nào phục vụ cho tư bản Anh mới được phép tồn tại – đó là những ngành công nghiệp khai thác và chế biến. Tư bản dân tộc tuy có phát triển nhưng rất chậm chạp, yếu ớt và lệ thuộc vào tư bản Anh.
3. Tình hình các giai cấp trong xã hội Miến Điện
Ở Thượng Miến, trước khi Anh xâm chiếm đã hình thành chế độ chiếm hữu ruộng đất phong kiến-địa chủ với quy mô nhỏ. Sau khi xâm chiếm, thực dân Anh vẫn để nguyên cho nó tồn tại. Nhưng ở Hạ Miến, nơi phần lớn là đất đai chưa khai phá, thực dân Anh đem chia đất này ra từng mảnh lớn cho thương nhân, bọn cho vay nặng lãi và các quan chức. Do vậy, ở đây xuất hiện chế độ chiếm hữu ruộng đất lớn. Đó là tiền đề của sự ra đời tầng lớp địa chủ mới có liên hệ chặt chẽ với thực dân Anh và là cơ sở xã hội cho sự thống trị của Anh ở Miến Điện. Đến lượt mình, bọn địa chủ mới này chia ruộng đất được cấp thành từng mảnh nhỏ và phát canh cho nông dân, tạo nên một lớp tá điền mới bị bóc lột theo lối nửa phong kiến.
Giai cấp nông dân bị phân hóa sâu sắc. Trước hết là do quá trình mất đất của nông dân không ngừng diễn ra. Hiện tượng này xảy ra rõ nhất ở Hạ Miến. Nông dân không có đủ phương tiện để canh tác nên phải đem đất cầm cố ở bọn cho vay nặng lãi và nếu không trả đúng kỳ hạn thì sẽ bị mất đất. Quá trình mất đất và phân hóa của nông dân diễn ra nhanh hơn và sâu sắc hơn ở Thượng Miến. Nếu như cuối thế kỷ XIX, số nông dân tá điền ở Hạ Miến chỉ chiếm hơn 1/5 tổng số nông dân thì đến đầu đại chiến I chiếm đến hơn 1/3.
Về mặt pháp lý, tá điền tuy được tự do về thân phận, không bị trói chặt vào một tên địa chủ nhất định nhưng họ bị bóc lột về kinh tế và bị áp bức về tinh thần rất nặng nề. Muốn cấy rẽ đất của địa chủ, tá điền phải làm giao kèo. Nhưng giao kèo ngắn hạn, thường quy định chỉ 1-2 năm để chủ đất không ngừng tăng tô và làm áp lực đối với tá điền.
Sự phân hóa nông dân đã dẫn đến xuất hiện 2 tầng lớp mới trong nông thôn: vô sản nông nghiệp và phú nông. Phú nông có ruộng đất riêng hoặc thuê của địa chủ lớn và thuê nhân công. Sự xuất hiện tầng lớp phú nông là biểu hiện của quan hệ tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp, nhưng ở Miến Điện quan hệ này rất yếu. Tầng lớp vô sản nông nghiệp hình thành từ những nông dân mất đất. Họ đi làm thuê theo thời vụ, thường là lúc công việc đồng áng bận rộn vào ngày mùa, thời gian còn lại họ vào thành phố tìm việc làm. Do đó đời sống của họ rất bấp bênh. Theo tài liệu thống kê chính thức, năm 1891 ở Miến Điện có 682.000 công nhân nông nghiệp, năm 1901 số này lên đến 1.800.000. Công nhân nông nghiệp tập trung chủ yếu ở Hạ Miến mà trong đó người Ấn Độ chiếm một tỉ lệ khá đông: hàng năm có từ 10 – 20 vạn người Ấn Độ sang Miến làm ăn, hết thời vụ một số ở lại, một số trở về nước. Cùng với tá điền và một số tiểu nông, công nhân nông nghiệp bị bóc lột hết sức nặng nề.
Vào khoảng vài chục năm cuối thế kỷ XIX ở Miến Điện đã xuất hiện những người vô sản công nghiệp. Họ là con đẻ của sự phát triển quan hệ tư bản trong nước, đặc biệt là ở Hạ Miến. Lúc đầu, họ là những công nhân Ấn Độ, dần dần số công nhân người Miến tăng lên do quá trình mất đất và phân hóa giai cấp diễn ra ở nông thôn. Phần lớn họ là những công nhân máy xay, máy cưa làm cho tư bản Anh. Đời sống của họ rất cực khổ: lương thấp, ngày làm việc kéo dài, không có luật bảo hiểm lao động. Do điều kiện bị bóc lột nặng nề, giai cấp nông dân và công nhân sẽ tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh dân tộc.
Giai cấp tư sản dân tộc hình thành từ chủ đất, thương nhân và bọn cho vay nặng lãi. Họ bỏ vốn vào thương nghiệp, vào công nghiệp xay xát và cưa. Quá trình tư bản hóa tầng lớp trên chiếm hữu ruộng đất của xã hội Miến Điện diễn ra đầy mâu thuẫn. Địa chủ trở thành chủ tư bản không phải do chuyển nền kinh tế nông nghiệp của mình theo lối kinh doanh tư bản bằng cách áp dụng máy móc và thuê công nhân, mà là do chuyển một phần vốn ra kinh doanh công nghiệp. Do đó, trong quan hệ với tá điền, nhà tư bản vẫn là địa chủ bóc lột theo lối phong kiến trong quan hệ với công nhân, họ lại là chủ xí nghiệp. Đặc điểm đó không tạo nên một cuộc cách mạng ruộng đất trong nông thôn như ở nhiều nước tư bản Âu châu. Trái lại, nguồn tô tức (bằng tiền và bằng hiện vật) của địa chủ lại biến thành nguồn vốn đầu tư và nguyên liệu cho nhà tư bản (thóc lúa cho nhà máy xay, gỗ rừng cho nhà máy cưa). Do đó, giai cấp tư sản địa phương mang tính bảo thủ, gắn bó chặt chẽ với sự tồn tại của quan hệ sản xuất phong kiến. Đồng thời, nó lại lệ thuộc vào chủ nghĩa tư bản đế quốc về mặt kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm, nên không thể dứt bỏ được mối liên hệ với tư bản chính quốc. Mặt khác, giữa họ và bọn thực dân cũng nẩy ra mâu thuẫn do chỗ họ bị bọn thực dân hạn chế kinh doanh và cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Vì vậy, với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, họ có khả năng trở thành một lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh chống đế quốc.
4. Sự xuất hiện phong trào giải phóng dân tộc Miến Điện
Dưới ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Anh, nhân dân Miến Điện không ngừng đấu tranh giành độc lập dân tộc. Với sự chuyển biến về kinh tế và sự ra đời những giai cấp mới, vào đầu thế kỷ XX, ở Miến Điện đã nẩy sinh phong trào giải phóng dân tộc. Cơ sở xã hội của phong trào là giai cấp tư sản dân tộc, giai cấp công nhân và nông dân. Cơ sở tư tưởng của nó không phải là chủ nghĩa quốc gia phong kiến hẹp hòi, bảo thủ, mà là chủ nghĩa quốc gia tư sản mới ra đời. Giai cấp tư sản dân tộc khi đó trở thành người đại diện cho nguyện vọng độc lập chung của các tầng lớp nhân dân. Điều đáng chú ý là ở Miến Điện, Phật giáo là quốc giáo có ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân, còn tăng lữ là một lực lượng xã hội và chính trị quan trọng. Sự thống trị của Anh đã làm suy yếu vai trò và địa vị của tăng lữ, vì Anh tước bỏ của họ nhiều đặc quyền đặc lợi (không trợ cấp vật chất, xóa bỏ quyền xét xử, hạn chế việc dạy dỗ…). Vì vậy, giới Phật giáo cũng tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống đế quốc. Còn đối với nhân dân thì đấu tranh bảo vệ Phật giáo như là một hình thức để bảo vệ truyền thống và tập quán dân tộc. Do đó, phong trào giải phóng dân tộc ở Miến Điện được bắt đầu từ việc đấu tranh để bảo vệ và phục hưng Phật giáo.
Năm 1897, ở Manđalai xuất hiện tổ chức đầu tiên bảo vệ Phật giáo lấy tên là “Hội Phật giáo”. Hội này mở trường dạy giáo lý và cổ súy lòng yêu nước, nhiều nhà hoạt động chính trị nổi tiếng sau này đều được đào tạo ở đây. Năm 1902, một tổ chức tương tự được thành lập ở thành phố Bátxây. Năm 1904, Hội Liên hiệp Phật giáo của trường Đại học Rănggun xuất hiện. Tất cả các tổ chức trên đã tạo cơ sở để thành lập một tổ chức toàn quốc năm 1906 là “Hội liên hiệp thanh niên Phật giáo”, Trong số những người sáng lập ra Hội có U Maungi, U Mêôn, U Kin… Tổ chức có chi nhánh các nơi và hàng năm tổ chức hội nghị toàn quốc. Cương lĩnh của Hội chủ trương phục hưng Phật giáo, phổ cập giáo dục phổ thông sơ cấp không mất tiền, đòi bình đẳng về giáo dục giữa người Anh và người Miến, đấu tranh với những tập tục xấu, đòi người Âu châu phải bỏ giày khi vào chùa, giáo dục tình cảm yêu nước trong nhân dân. Hội Liên hiệp thanh niên Phật giáo mở nhiều thư viện, in tuần báo Người Miến và nguyệt san Phật tử Miến. Năm 1909-1910. Hội có 346 hội viên, 15 chi nhánh. Hội thường phối hợp hành động với một tổ chức khác thành lập năm 1907 là “Hội tuyên truyền Phật giáo” có 1.210 hội viên. Về hình thức Hội Liên hiệp thanh niên Phật giáo không phải là một tổ chức chính trị, chưa xác định mục tiêu chống Anh để giành độc lập dân tộc mà mới đòi một số quyền bình đẳng và mở mang dân trí nhưng thực tế nó là linh hồn của chủ nghĩa quốc gia tư sản. Năm 1911, xuất hiện nhật báo tiếng Miến do U Bale – một trong những người lãnh đạo Liên hiệp thanh niên Phật giáo sáng lập. Tò báo giữ một vai trò quan trọng trong việc thức tỉnh ý thức dân tộc.
Trong những năm chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nhiều tổ chức yêu nước mới ra đời, có đại biểu của nông dân, thợ thủ công, tư sản dân tộc, trí thức và một số địa chủ tham gia. Các tổ chức này có liên hệ trực tiếp hoặc gia nhập Liên hiệp thanh niên Phật giáo. Đến năm 1918, Liên hiệp thanh niên Phật giáo đã có 50 chi nhánh. Trước chiến tranh hoạt động chính trị của Hội còn yếu ớt. Từ 1916-1917 trở đi với lớp lãnh đạo mới và trẻ, hoạt động của Hội mang màu sắc chính trị rõ ràng. Phái lãnh đạo trẻ do U Chikhơlai và U Bale đứng đầu. Hội nghị toàn quốc năm 1917 là một cái mốc quan trọng của Hội, trong đó phái trẻ chiếm ưu thế. Họ đã đấu tranh thắng lợi để đưa vào nghị quyết một số vấn đề như cấm người châu Âu mang giày vào chùa, chống dành toa xe riêng cho người Âu, không để ruộng đất lọt vào tay người nước ngoài, đuổi các đại biểu không do dân bầu ra khỏi Hội đồng lập pháp, đòi tách Miến Điện ra khỏi Ấn Độ…
Trong lúc những người theo chủ nghĩa quốc gia tư sản hoạt động bằng ngòi bút và diễn đàn thì tiếng súng khởi nghĩa chống thực dân Anh của nghĩa quân du kích vẫn tiếp tục nổ. Đặc biệt có cuộc đấu tranh của các đội du kích ở vùng Pagan do Bôtrô lãnh đạo kéo dài cho đến năm 1920.
Trong chiến tranh thế giới thứ I, Miến Điện phải tăng cường cung cấp nguyên liệu và nhân lực cho thực dân Anh để chúng tiến hành cuộc chiến tranh đế quốc. Thực dân Anh tăng thuế và khai thác triệt để các tài nguyên thiên nhiên của Miến (vônfram, dầu, gỗ…) để phục vụ chiến tranh. Chúng đã bắt 18.600 người Miến vào lính đề làm bia đỡ đạn trên chiến trường. Giá sinh hoạt đắt đỏ, một số công nhân bị sa thải vì hạn chế xuất cảng gạo. Số nông dân mất đất phá sản nhiều hơn. Vì vậy nhiều cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân đã nổ ra. Đặc biệt có cuộc khởi nghĩa của người Chin chống thực dân Anh bắt lính và các cuộc bãi khóa của học sinh trường trung học ở Rănggun có quy mô tương đối lớn.
Tóm lại, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Miến Điện đã xuất hiện phong trào giải phóng dân tộc do giai cấp tư sản dân tộc lãnh đạo. Mặc dù nhân dân đã có ý thức về chính trị, phong trào vẫn chưa thoát khỏi khuôn khổ của một phong trào tự phát, mục tiêu của nó còn hạn chế trong mức độ cải lương, chưa tạo nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ. Tuy nhiên, nó đánh dấu sự thức tỉnh ban đầu của phong trào giải phóng dân tộc ở Miến Điện.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức