Cải lương là gì? Tâm hồn của người Nam Bộ

0

Nghệ thuật Cải lương ra đời và phát triển ở Việt Nam chưa lâu, mới chỉ xấp xỉ một thế kỷ, nhưng nó đã từng có giai đoạn phát triển cực thịnh. Ra đời trong những năm tháng đầu thế kỷ XX, trong hoàn cảnh đất nước đang phải gồng mình chịu sự áp bức của thực dân Pháp, cải lương gắn bó mật thiết với đời sống, tâm tư, tình cảm của những người nông dân Nam Bộ trước cảnh lầm than, phải chịu một cổ hai tròng: thực dân và phong kiến.

Cải lương ra đời là một nguồn sống tinh thần của người dân, để nhân dân lao động bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình và nó trưởng thành rất nhanh. Những năm đầu thập niên 1920, Cải lương còn chập chững những bước đầu tiên. Năm 1931, Cải lương đã chính thức được giới thiệu ở ngoài nước với danh nghĩa một loại hình nghệ thuật ngang hàng Tuồng, Chèo đã có từ nhiều thế kỷ trước…

Cải lương là gì

Cải lượng là gì?

Cải lương nghĩa đen là “đổi mới”, sửa đổi cho tốt hơn. Từ xa xưa, về loại hình sân khấu, người dân Việt Nam chỉ có nghệ thuật Chèo, Tuồng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, hát Bội ở Nam Bộ, đến khi loại hình nghệ thuật Cải lương ra đời, với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của âm nhạc phương Tây, với ý nghĩa là cải tiến các điệu hát cũ cho tốt hơn, hay hơn, người ta dùng từ “Cải lương” để gọi loại hình nghệ thuật mới này.

Tiền thân của Cải lương là các bài ca tài tử được hát trong những buổi lễ tư gia, tân hôn, thăng quan, giỗ chạp… không bao giờ được hát trên sân khấu hay trước đông người. Người có công đưa nghệ thuật này đến với công chúng có thể nói là ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều), đứng đầu một ban nhạc tài tử. Vì muốn có nhiều khán giả đến xem nên ông đã thương lượng với một ông chủ khách sạn ở Mỹ Tho cho nhóm ca tài tử của ông biểu diễn cho khách xem. Buổi biểu diễn đầu tiên, năm 1911, được công chúng đón nhận nồng nhiệt và đã “lọt mắt xanh” của một ông chủ rạp hát gần đó. Sau đó nhóm ca tài tử của ông Tư Triều được mời biểu diễn trên sâu khấu của rạp hát. Thời kỳ đầu này, các buổi biểu diễn rất đơn giản, các tài tử mặc những bộ áo dài, khăn xếp, ngồi trên một bộ ván xếp trên sân khấu để biểu diễn. Dần dần, cách biểu diễn này phát triển ra các địa phương khác, đến với Sài Gòn hoa lệ. Tên Cải lương xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1920 tại gánh hát Tần Thịnh trên câu liên đối

“Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”

Nguồn gốc và các tác phẩm

Âm nhạc là xương sống của Cải lương. Dàn nhạc trong Cải lương bắt nguồn từ dàn nhạc lễ trong cung đình. Từ thời chúa Nguyễn, ở đàng trong, đã có những đội quân nhà chúa lên đường vào miền Nam khai hoang lập ấp. Trong đội quân này cũng có những đội nhạc theo chân vào miền Nam định cư. Xa triều đình, gần với quần chúng nhân dân, âm nhạc không còn phục vụ những buổi lễ mà phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân nên biên chế thành phần của các nhạc cụ cũng thay đổi, bớt đi những nhạc cụ như trống, kèn, chỉ giữ lại các “đàn cây” là những đàn giây kéo như hồ, nhị và gẩy như tranh, kìm, sến, tam…

Phong trào “đàn cây” ngày càng phát triển và có chỗ đứng vững vàng trong lòng quần chúng nhân dân. Tính chất của nhạc lễ dần thay đổi từ trang nghiêm, tâm linh chuyển sang chất đời thường, gắn với tâm tư người lao động. Sự biến đổi về chất cũng dẫn đến biến đổi về tên gọi, ban nhạc lễ được thay bằng tên ban nhạc tài tử (nghĩa là không chuyên nghiệp).

Do chơi đàn cây hoà tấu từng nhóm nhỏ hoặc độc tấu nên kỹ thuật ngày càng chau chuốt và phát triển nhiều ngón, kỹ xảo tinh tế. Nhiều nhạc cụ được cải cách và xuất hiện nhiều nhạc cũ được du nhập từ phương Tây như ghi ta phím lõm. Về bài bản, làn điệu cũng có nhiều đổi thay, các bài nhạc lễ như Long ngâm, Long đăng… không còn phù hợp với tâm tư quần chúng. Âm nhạc tài tử phát triển các bài dân ca Huế và Nam Bộ, cải biến những bản nhạc cổ Trung Bộ như Kim tiền Huế, Hành Vân Huế… và sáng tác nhiều bài mới trên cơ sở âm điệu dân tộc như Giang Nam, Phụng Hoàng, Tứ Đại, Văn Thiên Tường….

Khởi đầu, nhạc và lời của âm nhạc tài tử được biểu diễn với hình thức ca ra bộ, phục vụ tư gia lúc trà dư tửu hậu, các buổi tiệc tùng, cưới hỏi. Khi lên sân khấu Sài Gòn, trước sự du nhập mạnh mẽ của các đoàn kịch hát Trung Quốc, tranh ảnh, đĩa hát của phương Tây, vì vậy Cải lương chịu ảnh hưởng nhiều của các loại hình âm nhạc nước ngoài: thêm vào các loại trống, kèn, phương pháp diễn tấu mang tính sân khấu, xuất phát từ nội dung chủ đề của kịch bản.

Những vở cải lương đầu tiên lấy tích từ thơ ca dân gian như Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Trưng Trắc Trưng Nhị, hoặc phóng tác theo các vở hát bội như Mộc Quế Anh, Phụng Nghi Đình… Rồi dần dần các vở cải lương được sáng tác có tính chất tâm lý xã hội, dựa vào những câu chuyện đời thường như Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu…

Từ nhạc cổ và nhạc lễ chuyển thành nhạc tài tử, từ nhạc tài tử tiến lên hình thức ca ra bộ rồi chuyển thành loại hình nghệ thuật sân khấu, có kịch bản văn học, diễn viên, nhạc công, thiết kế mỹ thuật, quá trình hình thành sân khấu cải lương là quá trình kế thừa và phát triển truyền thống âm nhạc dân tộc và tiếp thu văn hoá nước ngoài.

Có thể nói, sân khấu Cải lương là sản phẩm tất yếu của hoàn cảnh xã hội Việt Nam, hay nói đúng hơn là xã hội Nam bộ lúc bấy giờ. Người dân phải sống dưới ách áp bức một cổ hai tròng của thực dân và phong kiến. Cải lương ra đời là một nguồn sống tinh thần của người dân, để nhân dân lao động bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình. Chính vì vậy, nó trưởng thành rất nhanh. Những năm đầu thập niên 1920, Cải lương còn chập chững những bước đầu tiên. Năm 1931, Cải lương đã chính thức được giới thiệu ở ngoài nước với danh nghĩa một loại hình nghệ thuật ngang hàng tuồng, chèo đã có từ nhiều thế kỷ trước. Cải lương thu hút được đông đảo khán giả và hát Bội dần phải chịu phần thua kém. Thế rồi từ Nam Bộ, nó Bắc tiến và đã có thời gian tuồng, chèo phải nhường bước. Trong hơn nửa thế kỷ, sân khấu cải lương vượt xa các loại hình sân khác khác về thế mạnh, có thời nó chiếm ngôi vị độc tôn, thu hút khán giả nhiều hơn các loại hình sân khấu khác, chỉ kém có điện ảnh.

Tuy nhiên, trong những năm cuối thế kỷ 20, nghệ thuật cải lương có chiều đi xuống, đây cũng là một thực trạng của nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc khác. Điều này đòi hỏi sự đầu tư của nhà nước cũng như những người làm nghề để giữ gìn sức sống cho một loại hình nghệ thuật dân tộc. Đầu năm nay, những buổi biểu diễn của các nhà hát thành phố Hồ Chí Minh, phục dựng những vở cải lương nổi tiếng đã thu hút đông đảo khán giả yêu cải lương. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho sự phục hồi của một loại hình nghệ thuật đã có thời chiếm ngôi vị độc tôn trong lòng khán giả yêu nghệ thuật Nam Bộ nói riêng và khán giả Việt Nam nói chung.

Nguồn: Tổng hợp.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.