Lịch sử Mã Lai (Malaysia) cận đại (Thế kỷ 16-20)
Nội Dung
I – Xã hội Mã Lai và sự xâm nhập của thực dân phương Tây
1. Xã hội Mã Lai trước khi thực dân phương Tây xâm lược
Án ngữ cửa ngõ của con đường qua lại giữa nhiều đại dương, bán đảo Mã Lai chiếm một vị trí địa lý lịch sử đặc biệt. Nơi đây từng chứng kiến sự gặp gỡ những trào lưu văn minh phương Đông. Nền văn minh Ấn Độ, Trung Hoa đã để lại đây nhiều dấu ấn. Vào thời kỳ cận đại, eo biển Mã
Lai trở thành nơi thông thương quan trọng giữa châu Á phì nhiêu và châu Âu tư bản đang khao khát thị trường, vì thế Mã Lai trở thành miếng mồi tranh chấp giữa các nước tư bản.
Bạn đang xem: Lịch sử Mã Lai (Malaysia) cận đại (Thế kỷ 16-20)
Về chính tri, Mã Lai là một bán đảo gồm nhiều vương quốc, trong lịch sử hầu như chưa bao giờ thống nhất. Những vương quốc nhỏ này cô lập với nhau, tự làm yếu mình đi rất nhiều nên thường bị thế lực bên ngoài xâu xé. Mã Lai bị kẹt giữa hai thế lực phong kiến tương đối mạnh là Xiêm và Inđônêxia. Xiêm từ phương Bắc xuống và Inđônêxia từ Xumatơra, Giava lên. Sự phân cắt phong kiến trên bán đảo đã tạo nên tình hình là một số vương quốc lớn mạnh hơn luôn luôn dùng quân sự bắt một số vương quốc nhỏ bé thần phục. Vương quốc Giôho đã từng khống chế một vùng rộng lớn phía nam bán đảo và cả một phần đất đai của Xumatơra.
Ảnh hưởng của đạo Ítxlam ở vùng này rất mạnh. Vào thế kỷ XIV-XV, đạo Ítxlam đã giành được địa vị thống trị. Các quốc vương mang danh hiệu Suntan được tôn là người thay chúa Ala trị vì vương quốc. Suntan có quyền hành tuyệt đối, thống trị cả phần hồn lẫn phần xác của thần dân.
Những chúa phong kiến ở đây tìm thấy trong đạo Ítxlam cái giáo lý vững mạnh để củng cố quyền lực phong kiến của mình. Đạo Ấn Độ bị thay thế.
Trước khi bị thực dân phương Tây xâm chiếm, quan hệ phong kiến và chế độ kinh tế tự nhiên chiếm địa vị thống trị. Đại đa số cư dân trong nước là nông dân bị cột chặt vào đất đai bởi quan hệ ruộng đất phong kiến và sự phụ thuộc về thân phận. Chúa phong kiến dùng tôn giáo khẳng định quyền lũng đoạn ruộng đất và quyền bóc lột “thiêng liêng” của mình.
Nền kinh tế tự nhiên lạc hậu, tính chất đóng kín và phân tán của công xã nông thôn, ảnh hưởng của tăng lữ đạo Ítxlam, sự bóc lột nặng nề của địa chủ, tất cả đã gây tác hại lớn cho việc phòng thủ đất nước sau này.
Dân số Mã Lai vào thế kỷ XVII-XVIII không quá 25 vạn người, đại đa số làm nghề nông, nghề cá. Họ tụ tập theo dọc hai bên triền sông, ven biển và những nơi đất đai phì nhiêu như Pahang, Pêrắc, Kêlantan, Mua, Bênam, Tơrenganu v.v.. và những vùng ven biển phía tây, phía đông giàu có, đặc biệt những cánh đồng phía bắc phì nhiêu. Nhưng cho đến thời kỳ cận đại, đời sống của nhân dân Mã Lai còn thấp, kinh tế ít phát triển, trừ những cửa khẩu buôn bán sầm uất như Malắcca. Nền kinh tế phong kiến tự nhiên vẫn thống trị trong toàn xã hội.
Ngoài việc trồng lúa ra, từ thời trung thế kỷ, người Mã Lai đã biết trống các loại cây hương liệu để bán cho thương nhân nước ngoài. Nhưng quy mô buôn bán không lớn, chỉ là nguồn thu nhập phụ của nông dân.
Thủ công nghiệp của Mã Lai tương đối phát triển, chủ yếu phục vụ đời sống xa hoa của vua chúa, cho những buổi lễ hội cung đình. Nghề kim hoàn và các kỹ thuật chạm trổ tinh vi đạt đến trình độ điêu luyện. Những người thợ thủ công Mã Lai nổi tiếng trên thế giới về kỹ xảo làm đồ trang sức bằng vàng, ngọc châu v.v.. Tuy vậy, sản xuất thủ công nghiệp của Mã Lai trong giai đoạn này không đóng vai trò gì lớn trong nền kinh tế xã hội.
Nông dân và thợ thủ công Mã Lai hoàn toàn không có quyền lợi chính trị. Họ là người sản xuất của cải cho xã hội và là tầng lớp bị áp bức bóc lột tàn tệ. Thuế má nặng nề và những quan hệ ràng buộc phức tạp của phong kiến làm cho đời sống của họ rất nghèo khổ. Đồng thời nỗi khổ đau do chiến tranh liên miên giữa các vương quốc gây ra và mọi gánh nặng phí tổn đều đổ lên đầu nông dân và thợ thủ công. Từ khi bọn thực dân phương Tây đến xâm lược Mã Lai, đời sống nhân dân càng thêm điêu đứng.
2. Sự giành giật ban đầu giữa thực dân Bồ Đào Nha và Hà Lan ở Mã Lai
Những vùng kinh tế của Mã Lai cũng trải qua các giai đoạn lịch sử thăng trầm phức tạp. Thế kỷ XIII-XIV, Xingapo đã từng nổi tiếng là thành phố buôn bán sầm uất, có nhiều quan hệ với nước ngoài. Nhưng trong cuộc chiến tranh với vương quốc Giava, thành phố này bị phá hủy hoàn toàn, vì vậy trong giai đoạn sau, Malắcca lớn lên và thay thế Xingapo. Sự lớn mạnh về kinh tế dần dần đưa Vương quốc Malắcca lên vị trí hàng đầu trong số các vương quốc trên bán đảo.
Với vị trí kinh tế quan trọng, Maclắcca đã trở thành miếng mồi hấp dẫn đối với bọn tư bản phương Tây. Thực dân Bồ Đào Nha là kẻ đi đầu trong công cuộc xâm lược vùng này.
Ngày 2-5-1511 Anbukéc dẫn 19 chiến thuyền cùng 1400 tên lính Bồ Đào Nha và Ấn Độ từ Côsin tiến về Malắcca. Cuộc chiến tranh thực dân tàn bạo bắt đầu. Nhân dân Malắcca dưới sự chỉ huy của Suntan Mamua đã chiến đấu rất dũng cảm. Có lúc ông dẫn đầu hàng ngàn quân với đàn voi chiến xung trận. Đội quân viễn chinh của Bồ Đào Nha nhiều lần bị thiệt hại nặng tưởng như không thể nào chinh phục nổi xứ này. Cuộc chiến tranh kéo dài hàng tháng trời, nhưng cuối cùng nhờ ưu thế kỹ thuật, quân Bồ Đào Nha đã hạ được thành Malắcca. Cuộc chiến đấu còn kéo dài trong nhiều năm sau nhưng cuối cùng bị dập tắt.
Sau khi chiếm được Malắcca, Bồ Đào Nha biến nó thành cứ điểm buôn bán hương liệu ở phương Đông. Đồng thời lợi dụng vị trí chiến lược của Malắcca làm bàn đạp tiến ra các vùng khác. Đến thế kỷ XVI, thực dân Bồ Đào Nha trở thành kẻ lũng đoạn lớn nhất về hương liệu và hàng hóa phương Đông ở châu Âu. Trong hàng trăm năm, chúng khống chế cả một vùng ảnh hưởng rộng lớn gồm các địa điểm ở châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc, Iran, Mã Lai, Inđônêxia, Nam Mỹ v.v… Malắcca giữ một vị trí kinh tế và chiến lược vô cùng quan trọng đối với thực dân Bồ Đào Nha.
Nhưng đến giữa thế kỷ XVII, Bồ Đào Nha suy yếu dần, không cạnh tranh nổi với các nước tư bản đang lên. Những thuộc địa của Bồ Đào Nha dần dần rơi vào tay các nước thực dân khác. Bằng vũ lực uy hiếp và thủ đoạn lường gạt, Hà Lan đã chiếm được quần đảo hương liệu ở Inđônêxia và Malắcca.
Sau khi chiếm được Malắcca, Công ty Đông Ấn Độ của Hà Lan liền mở rộng thế lực đến các vương quốc phía bắc vốn phụ thuộc Xiêm. Chúng xúi giục các vương quốc này đánh nhau, làm suy yếu lẫn nhau rồi dùng vũ lực bắt phải thần phục. Hệ thống thuộc địa của Hà Lan, dù ở Inđônêxia hay ở Mã Lai cũng đều xây dựng nên “một bức tranh miêu tả những sự giết hại, phản trắc, sa đọa và đê tiện, không thời nào có thể sánh kịp”.
Nhưng thời kỳ thống trị của Hà Lan ở Mã Lai cũng nhanh chóng kết thúc cùng với sự kết thúc địa vị bá quyền trên biển của chúng. Thời kỳ huy hoàng của ưu thế thương nghiệp qua đi, giai đoạn bá quyền về công nghiệp quyết định vị trí của các nước tư bản bắt đầu. Nước Anh tư bản công nghiệp đang lên trở thành đối thủ đáng gờm của Hà Lan. Thực dân tư bản thương nghiệp Hà Lan phải nhường bước cho thực dân tư bản công nghiệp Anh.
3. Cuộc tranh giành Mã Lai giữa tư bản Anh và Hà Lan
Từ cuối thế kỷ XVI, người Anh đã bắt đầu chú ý nhiều đến bán đảo Mã Lai.
Công ty Đông Ấn Độ của Anh phái người đến thăm dò Mã Lai (Malắcca), thâm nhập một số vùng ở Pênang và Kêđắc. Đến thế kỷ XVIII, sau những cuộc đọ sức thể hiện rõ ưu thế của công nghiệp, Anh mới dần dần trở thành một nước tư bản thực dân có thế lực. Công ty Đông Ấn Độ của Anh từ một lực lượng thương nghiệp trở thành một lực lượng quân sự có quyền ký kết hòa ước, chiếm lĩnh đất đai. Cũng chính từ lúc đó, Anh đặt cơ sở cho nền thống trị ở phương Đông trong hàng mấy thế kỷ.
Mục tiêu của đế quốc Anh là chiếm lấy vùng đất phì nhiêu rộng lớn Ấn Độ và Trung Quốc. Anh cố xây dựng những cứ điểm chiến lược quan trọng trên đường biển đi về phương Đông. Chính vì vậy, Công ty Đông Ấn Độ của Anh đã đưa vào chương trình xâm lược của chúng việc chiếm bán đảo Mã Lai.
Năm 1771 thực dân Anh đến Kêđắc đàm phán với Suntan ở đây. Kêđắc là một vương quốc nhỏ ở phía bắc Mã Lai luôn luôn bị Xiêm tấn công uy hiếp. Vào thế kỷ XVIII, nền thống trị phong kiến ở vương quốc này cực kỳ thối nát, mâu thuẫn trong tầng lớp quý tộc và mâu thuẫn giữa nông dân với phong kiến ngày càng sâu sắc. Các cuộc tranh giành ngôi báu thường xuyên xảy ra và nhất là các cuộc chiến tranh của nông dân chóng lại chế độ bóc lột hà khắc đã làm cho chế độ phong kiến lung lay. Suntan vô cùng bối rối. Giữa lúc đó, thực dân Anh lợi dụng thời cơ nhảy vào, hứa sẽ viện trợ quân sự, giúp đỡ Kêđắc tránh khỏi sự xâm lược của Xiêm, và trấn áp phong trào đấu tranh của nông dân. Để bảo vệ quyền lợi ích kỷ, ngày 12-8-1786 Suntan Kêđắc đồng ý ký hiệp ước với Công ty Đông Ấn Độ của Anh. Hiệp ước quy định: Pênang thuộc quyền sở hữu của người Anh và Anh sẽ giúp Suntan Kêđắc “bảo vệ khi có kẻ xâm lược”. Lịch sử nô dịch nhân dân Mã Lai của thực dân Anh bắt đầu từ hiệp ước này.
Xem thêm : Phương pháp nghiên cứu khoa học
Năm 1795, Anh tổ chức đội quân viễn chinh đánh chiếm Malắcca là nơi có vị trí quan trọng về mặt kinh tế và quân sự, có thể làm tiền đồn tốt nhất để tấn công Giava, một trung tâm của Pháp-Hà Lan ở phương Đông. Vương quốc Malắcca bị chinh phục, Râyphơlít được phái làm toàn quyền với mục đích chuẩn bị tấn công cả Giava và quần đảo Mã Lai.
Năm 1800, thực dân Anh chiếm một phần đất duyên hải của Kêđắc. Quan hệ giữa Anh và Hà Lan lúc này có thay đổi, năm 1814 Napôlêông bị đánh bại, Anh muốn lôi kéo Hà Lan về phía mình để cô lập Pháp, ở hội nghị Viên, thực dân Anh buộc phải trả lại Giava và Malắcca cho Hà Lan, nhưng vẫn giữ Pênang và vùng ven biển Kêđắc.
Sau khi buộc phải rút khỏi Giava và Malắcca, Râyphơlít đã phát hiện ra Xingapo, một hòn đảo nằm án ngữ giữa bán đảo Mã Lai với Xumatơra, là mảnh đất có một vị trí đặc biệt. Xingapo với diện tích 585km2 là yết hầu của eo Malắcca, khi đó vẫn còn là một hòn đảo hoang tàn, có thể xây dựng thành một thương cảng lớn và một pháo đài ở vùng biển Đông Nam Á.
Sau khi được chính quyền chuẩn y, Râyphơlít dẫn một số chiến thuyền đến đảo Xingapo buộc Suntan Giôho và Malắcca đồng ý cho lập đại lý công ty buôn bán của Anh ở đây.
Lợi dụng những mâu thuẫn trong nội bộ hoàng tộc của vương quốc Giôho và sự đe dọa của Hà Lan, Râyphơlít đã giành được một hiệp ước có lợi về vấn đề Xingapo. Ngày 6-121819, Suntan mới lên ngôi đã cùng với Râyphơlít ký hiệp ước cho Anh quyền xây dựng đại lý buôn bán trên bất kỳ nơi nào trong lãnh thổ Giôho và được độc quyền buôn bán ở Xingapo. Để trả công, Công ty Đông Ấn Độ của Anh trợ cấp hàng năm cho Suntan 5.000 pê xô và một nửa thu nhập quan thuế ở Xingapo. Vì bị Hà Lan phản đối, Anh phải triệu hồi Râyphơlít. Nhưng ý định xâm lược của Anh vẫn không thay đổi và đến năm 1824, chúng hoàn toàn chiếm Xingapo.
Trong một thời gian ngắn, Xingapo trở thành cứ điểm chiến lược trên con đường đến Trung Quốc. Nhưng Anh muốn khống chế toàn bộ bán đảo Mã Lai là nơi rất giàu nguyên liệu công nghiệp, Malắcca do Hà Lan khống chế trở thành cái gai chướng mắt. Bằng áp lực kinh tế và thủ đoạn đe dọa, Anh đã chen bật Hà Lan ra và chiếm lấy Malắcca.
Năm 1824, Anh và Hà Lan ký điều ước quy định Hà Lan sẽ giao cho Anh những lãnh địa của Hà Lan ở Ấn Độ và Malắcca; Anh sẽ giao những cứ điểm xây dựng ở Xumatơra cho Hà Lan, và hứa không xây dựng gì thêm trên đất Xumatơra nữa. Tất nhiên, đối với Hà Lan, đây là sự thừa nhận thế lực lớn mạnh của Anh; còn với Anh thì đây chỉ là cơ hội để lấn tới. Thực ra, Anh vẫn ở lại Xumatơra và sau này ngày càng thâm nhập kinh tế một cách mạnh mẽ.
Điều ước trên đã tạo thêm điều kiện cho thực dân Anh xâm lược toàn bộ Mã Lai. Sau khi đẩy tư bản Hà Lan ra khỏi Mã Lai, thực dân Anh tiến hành ngay hai việc cơ bản:
- Để để phòng việc tiếp xúc và liên kết giữa các vương quốc Mã Laivới Xiêm, Anh buộc các Suntan Pêrắc và Sêlango ký hiệp ước chống lại Xiêm.
- Buộc Pêrắc cắt một số đất cho Anh.
Những lãnh địa Anh chiếm được của Mã Lai hợp thành một tuyến cứ điểm khống chế chặt chẽ bán đảo và eo biển. Để thống nhất về tổ chức, thực dân Anh thành lập “lãnh thổ thuộc địa eo biển” bao gồm trung tâm Xingapo, Malắcca, Pênang. Đứng đầu là tổng đốc người Anh, trực thuộc Tổng đốc tỉnh Bengan (Ấn Độ).
Năm 1867 vùng thuộc địa eo biển đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của Bộ thuộc địa Anh.
II – Chính sách thống trị và bóc lột của đế quốc Anh ở Mã Lai
1. Anh xâm lược đất dai và phong trào đấu tranh của nhân dân
Đối với chủ nghĩa đế quốc Anh, Mã Lai không chỉ là cứ điểm chiến lược và thị trường tiêu thụ, mà còn là nơi đầu tư và khai thác nguyên liệu vô cùng phong phú. Đặc biệt khoáng sản thiếc phân bố hầu hết miền Trung và Bắc Mã Lai là nguồn lợi rất lớn. Mã Lai còn có nhiều sản phẩm nông nghiệp như cao su, dừa, canhkina v.v… Những nguồn tài nguyên lớn này càng thúc giục đế quốc Anh đẩy mạnh công cuộc chinh phục toàn bán đảo.
Từ năm 1874 đến 1909, thực dân Anh áp dụng chính sách mua chuộc, uy hiếp và dùng vũ lực mở rộng địa bàn khống chế, buộc các vương quốc ký nhiều hiệp ước nô dịch.
Trong nhiều vương quốc ở Mã Lai, việc khai mỏ thiếc đã có từ rất sớm nhưng phần lớn do người Hoa tiến hành theo phương pháp giản đơn. Những chủ người Hoa thuê đất của chúa phong kiến Mã Lai, phải nộp 10% thu nhập cho Suntan, tuyển mộ những người nghèo đói từ miền Nam Trung Quốc đến làm thuê.
Thực dân Anh quyết định giành bằng được quyền khai thác thiếc. Năm 1874, quân Anh tấn công xâm lược Pêrắc và buộc Suntan Pêrắc ký hiệp ước nô dịch. Căn cứ vào hiệp ước, Anh được phái một viên khâm sứ bên cạnh Suntan nắm mọi việc giao dịch với nước ngoài và kiểm soát nguồn thu nhập của Suntan. Suntan chỉ có quyền cai quản tôn giáo và các nghi lễ mà thôi. Thực dân Anh trên thực tế đã nắm quyền ở Pêrắc, khống chế toàn bộ chính trị và kinh tế ở Pêrắc. Dĩ nhiên quyền khai thác mỏ thiếc lập tức chuyển giao từ tay chủ người Hoa sang tay thực dân Anh.
Phong trào chống Anh bùng nổ năm 1879, lan ra toàn vương quốc gây nhiều khó khăn cho việc cai trị và bóc lột của thực dân Anh, giết chết viên khâm sứ. Thực dân Anh điều lính từ Hương Cảng và Ấn Độ đến vùng khởi nghĩa để đàn áp. Hàng ngàn thường dân bị chặt đầu. Tất cả người già, phụ nữ, trẻ em đều bị giết. Công cuộc “khai hóa” của người Anh đối với Mã Lai thấm đỏ máu người dân vô tội.
Ở Sêlango cũng xẩy ra tình hình tương tự. Năm 1874, thực dân Anh mượn cớ bảo vệ thuyền buôn khỏi bị cướp đã đổ bộ vào Sêlangơ, buộc Suntan ký hiệp ước tương tự như Pêrắc. Nhưng nhân dân Sêlango không khuất phục, đã tiến hành kháng chiến kiên cường. Nghĩa quân lợi dụng điều kiện thiên nhiên, rừng, núi, địa hình quen thuộc để duy trì cuộc chiến tranh du kích trong thời gian khá làu. Thực dân Anh khốn đốn trong nhiều năm, gọi đó là cuộc chiến tranh “khủng khiếp”.
Thực dân Anh ỷ vào ưu thế kỹ thuật, chiếm Sêlango. Nghĩa quân và đông đảo nhân dân Sêlango vì không chịu sống dưới ách nô lệ nhục nhã đã lánh nạn sang vương quốc Sungây Ugiông. Suntan của vương quốc này là Táctu Banđa, người anh hùng đầy lòng nhân từ và dũng cảm. Ông đã giúp đỡ những người dân Sêlango tị nạn và cho các đội nghĩa quân lưu tán trú chân. Thực dân Anh nhân cơ hội đưa quân tấn công đánh chiếm vương quốc nhỏ bé này. Vì lực lượng không cân xứng, mặc dù Táctu Banđa và quân đội chiến đấu dũng cảm, song vẫn thất bại.
Tiếp sau đó, hàng loạt các vương quốc khác ở Mã Lai bị Anh chiếm đóng, bọn giám sát người Anh ngang nhiên vào đóng ở hoàng cung và trực tiếp khống chế các vương quốc. Đối với Vương quốc Giôho, Anh tiến hành chinh phục vào năm 80 của thế kỷ XIX đặt dưới ách đô hộ của thực dân Anh.
Năm 1888, chính quyền Anh gây sức ép buộc Pahang thừa nhận viên quan đại diện của chúng. Quý tộc và địa chủ Pahang không đồng ý, đã thuyết phục Suntan chống lại. Cuộc chiến tranh kéo dài hàng năm cho đến lúc lực lượng nghĩa quân yếu dần, quân Anh mới dồn nghĩa quân về biên giới để tiêu diệt.
Đầu thế kỷ XX, đế quốc Anh tiếp tục chinh phục những vương quốc
còn lại. Chúng dòm ngó các vương quốc phía Bắc thuộc phạm vi ảnh hưởng của Xiêm. Những vùng đất này rất hợp với việc trồng cây cao su, một món hàng chiến lược.
Năm 1909, Anh ký với Xiêm hiệp ước Băng Cốc. Theo điều ước này, Xiêm nhường cho Anh 4 vương quốc thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình là Kêđắc Polít, Kêlantan, Tarenganu.
Các cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Mã Lai đã thất bại. Tư bản thực dân Anh lôi cuốn Mã Lai vào thị trường tư bản thế giới. Từ việc khống chế eo biển Malắcca đến việc mua đảo Pênang, chiếm Xingapo, thực dân Anh cạnh tranh với tư bản Hà Lan và cuối cùng đẩy ảnh hưởng của Xiêm ra khởi vùng này, chiếm lấy toàn bán đảo.
2. Chính sách cai trị của đế quốc Anh ở Mã Lai
Xem thêm : Đơn Vị Thiên Văn Là Gì?
Thực dân Anh xây dựng nền thống trị ngay trên cơ sở không thay đổi của cơ cấu phong kiến trong các vương quốc. Trừ vùng “lãnh thổ thuộc địa eo biển”, sự thống trị của Anh về hình thức là gián tiếp, thông qua người Mã Lai để bóc lột người Mã Lai. Các vương quốc lớn vẫn phân cắt như xưa tuy đều bị phụ thuộc vào thực dân Anh về chính trị và kinh tế.
Để thuận lợi cho việc cai trị và bóc lột, thực dân Anh chia Mã Lai thành những khu vực hành chính khác nhau.
– Vùng “thuộc địa eo biển” gồm Xingapo, Pênang, tỉnh Oenlitxlây,Dindinh va Malắcca do thực dân Anh nắm trực tiếp, đứng đầu là tổng đốc.
– Năm 1895, Anh ép buộc Pêrắc, Sêlango, Semvulan và Pahang kýhiệp ước thành lập “Liên bang Mã Lai”, Trong cái gọi là Liên bang Mã Lai đó, thực dân Anh thi hành chính sách quản lý gián tiếp thông qua một viên khâm sứ người Anh làm nhiệm vụ giám sát và cố vấn, nhưng thực ra nắm mọi việc quản lý hành chính trong các vương quốc này. Bộ máy chính quyền các cấp đều do người Mã Lai đảm nhiệm, nhưng chỉ làm nhiệm vụ thu thuế và gìn giữ “trật tự an ninh xã hội” và chịu sự kiểm soát ngặt nghèo của viên khâm sứ Anh, mà không được quyền quyết định bất cứ một vấn đề gì. Trên thực tế, thực dân Anh đã thi hành chính sách dùng người bản xứ cai trị người bản xứ rất thâm độc.
– Đối với các vương quốc không gia nhập Liên bang như Tơrenganu,Giôho, Kêđắc, Pơlít và Kêlantan, thực dân Anh cũng quản lý thông qua đại diện núp dưới danh nghĩa là “quan cố vấn”.
Với kinh nghiệm sẵn có của Anh ở Ấn Độ, chúng không gộp toàn bộ Mã Lai thành một thể thống nhất về chính trị mà giữ nguyên tình trạng phân cắt phong kiến. Như vậy sẽ tránh được sự chống đối quyết liệt của tầng lớp quý tộc phong kiến trong các vương quốc. Hơn thế nữa, chúng còn có thể lợi dụng tầng lớp này để tiếp tay bóc lột nhân dân.
3. Chính sách vơ vét nguyên liệu và đầu tư của đế quốc Anh ở Mã Lai
Năm 1896, chính quyền thực dân Anh thi hành luật ruộng đất, tuyên bố ruộng đất ở Mã Lai đều thuộc quyền sở hữu của người Anh, chỉ có thương lượng với chính phủ Anh thuê đất thì mới được quyền sử dụng. Như vậy là nhân dân Mã Lai bị tước mất quyền sử dụng ruộng đất của mình. Trái lại, thực dân Anh tha hồ chiếm đất, khai mỏ, lập đồn điền và đầu tư bóc lột nhân dân. Từ năm 1910, Anh nắm quyền khai mỏ thiếc và luyện thiếc.
Thiếc là nguồn lợi thiên nhiên rất giàu có của Mã Lai trữ lượng lớn vào bậc nhất thế giới. Quặng thiếc nằm hầu như ngay ở trên mặt đất, không sâu quá 50 – 100 thước Anh, nên việc khai thác hết sức thuận lợi. Hàm lượng thiếc chiếm tỉ lệ rất cao, đến 72% trong quặng. Thiếc trở thành hàng chiến lược của Anh để cạnh tranh với Mỹ. Hầu hết thiếc của Mã Lai đều xuất sang Mỹ. Năm 1909, Anh ra lệnh cấm các công ty nước ngoài, đặc biệt là công ty của Mỹ luyện thiếc ở Mã Lai. Tư bản Mỹ buộc phải mua quặng thiếc của Anh.
Ngoài ra, Anh còn lũng đoạn quyền khai thác các mỏ vàng, vôn phram, than đá v.v… Số than đá xuất khẩu của Mã Lai đầu thế kỷ XX mỗi năm đạt khoảng 50.000 tấn trong tổng sản lượng 300.000 tấn.
Mã Lai không chỉ giàu về khoáng sản mà nông sản cũng hết sức phong phú. Quyền khống chế đất đai là chìa khóa mở đường cho tư bản Anh phát triển kinh doanh cao su, một thứ hàng chiến lược trên thị trường tư bản. Năm 1906, số cao su xuất khẩu của Mã Lai chỉ có 430 tấn, đến năm 1916 tăng lên 99.063 tấn, năm 1921 lên 165.000 tấn. Các đồn điền cao su chiếm hàng triệu mẫu Anh đất đai. Năm 1922, cao su chiếm 1.178.000 mẫu Anh trong khi diện tích trồng lúa, chỉ có 199.000 mẫu Anh nghĩa là nhiều gấp 6 lần.
Nhân dân Mã Lai đói khổ vì mất đất, lúa gạo không đủ ăn phải nhập của nước ngoài. Hàng ngàn vạn người lao động bị phá sản sẵn sàng mang thân đi bón gốc cao su hay vùi sâu trong vùng mỏ. Những chính sách bóc lột tàn bạo của bọn thực dân tư bản tạo nên hàng ngàn vạn quần chúng vô sản hóa, biến họ thành nguồn nhân công rẻ mạt của chủ nghĩa tư bản.
Để có thể vơ vét tài nguyên ngày càng nhiều, thực dân Anh từ năm 1885 bắt đầu xây dựng đường sắt từ Taiping đến Oenđơ và sau đó ở ven biển phía Tây. Nhiều đường sắt nối liền các cảng với trung tâm mỏ thiếc chạy từ Bắc tới Nam, đến năm 1909, kéo dài đến Xingapo. Đường giao thông ở Mã Lai phát triển một cách nhanh chóng nhằm chuyển nhanh tài nguyên từ các hầm mỏ, đồn điền cao su đến các cảng để bán ra thị trường thế giới .
Mã Lai vốn giàu nguyên liệu nhưng tư bản Anh lại muốn biến bán đảo này thành khu kinh tế nông nghiệp và vùng mỏ phụ thuộc vào guồng máy công nghiệp Anh. Chính vì vậy, ngoài một số xưởng máy gia công, sửa chữa hay phục vụ cho cuộc sống của bộ máy thống trị, thì không có một nhà máy lớn nào. Lớn nhất là xưởng sửa chữa tàu và xưởng luyện thiếc ở Xingapo.
Tất cả nền công nghiệp và nông nghiệp Mã Lai phát triển theo chiều hướng phụ thuộc. Nền công nghiệp què quặt và nông nghiệp chuyên sản xuất nguyên liệu cùng với chế độ độc quyền kinh doanh làm cho kinh tế Mã Lai lệ thuộc hoàn toàn vào chủ nghĩa tư bản Anh. Chúng lũng đoạn nền kinh tế Mã Lai từ khâu sản xuất đến khâu vận chuyển, từ chính sách thuế má trong nước đến việc xuất khẩu. Chúng biến Mã Lai thành một mảnh đất riêng của chúng.
Thực dân Anh còn nắm các nguồn tài chính và ngân hàng. Những ngân hàng đầu tiên lập ra năm 1889 ở Pêrắc, sau đó nhiều chi nhánh xuất hiện ở các địa phương đều ở trong tay tư bản Anh.
III – Phong trào đấu tranh của nhân dân Mã Lai
Do quá trình, lịch sử, tình hình cư dân Mã Lai rất phức tạp, Người Mã Lai chỉ chiếm hơn 40%, người Hoa chiếm tỉ lệ thấp hơn một chút. Số còn lại là người Ấn Độ, Ảrập.
Lúc đầu các cuộc đấu tranh đều tự phát, hết sức tản mạn. Tinh thần đấu tranh của nhân dân các vương quốc Pêrắc, Sêlango, Sungây Ugiông, Malắcca v.v.. tuy rất dũng cảm, làm kẻ thù khiếp sợ, nhưng cuối cùng đều bị thất bại. Đầu thế kỷ XX, do ảnh hưởng của cuộc cách mạng 1905 ở Nga, phong trào cách mạng Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ, nhất là do ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế xã hội trong nước, Mã Lai bắt đầu bước vào một giai đoạn đấu tranh mới.
Việc đầu tư của tư bản thực dân, dẫu sao cũng đem lại một kết quả khách quan làm nảy sinh và phát triển những nhân tố mới trong xã hội. Giai cấp tư sản ra đời và đặc biệt là giai cấp công nhân dần dần phát triển.
Riêng công nhân mỏ thiếc có đến 10 vạn.
Do điều kiện địa lý Mã Lai trở thành nơi trú chân của nhiều nhà cách mạng phương Đông, và là một nơi giao lưu các luồng tư tưởng cách mạng ở khu vực Đông Nam Á. Nhờ vậy, phong trào cách mạng ở đây sôi nổi hẳn lên từ đầu thế kỷ XX. Năm 1900, Tôn Trung Sơn đến Xingapo; tháng 21906 lập phân hội Đồng Minh ở Xingapo và xuất bản Trung Hưng nhật báo. Phong trào yêu nước lan rộng trong mọi tầng lớp nhân dân Mã Lai. Năm 19071908, một số cuộc bạo động lẻ tẻ nổ ra ở Xingapo mang mầu sắc dân chủ tư sản với khẩu hiệu đấu tranh đòi cải thiện đời sống và phát triển kinh tế.
Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất càng đến gần, bọn đế quốc càng ra sức áp bức bóc lột các dân tộc thuộc địa. Phong trào đấu tranh của nhân dân Mã Lai ngày càng phát triển. Ngay binh lính người Ấn trong đội quân Xipay của thực dân Anh chẳng những không đàn áp nhân dân Mã Lai mà còn nổi dậy chống lại bọn sĩ quan Anh ở Xingapo.
Phong trào đấu tranh đã bắt đầu nẩy nở và phát triển trên toàn lãnh thổ Mã Lai. Xu hướng hợp thành một làn sóng đấu tranh giành quyền lợi cho dân tộc bắt đầu phát triển lên một giai đoạn mới.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức