Những tư tưởng cơ bản của triết học Phật giáo

0

Phật giáo là một trào lưu tư tưởng lớn ở Ấn Độ cổ đại. Xuất hiện vào thế kỷ VI trước công nguyên. Người sáng lập ra Phật giáo là Buddha (Phật) còn có nghĩa “giác ngộ”. Ông sinh khoảng năm 623 trước công nguyên, sống gần 80 năm. Sau khi ông mất, các học trò của ông đã phát triển tư tưởng của ông thành hệ thống tôn giáo – triết học lớn ở Ấn Độ có ảnh hưởng rộng rãi, sâu sắc trong đời sống tinh thần và tâm linh của nhân loại.

Kinh điển Phật giáo hiện nay rất đồ sộ, gồm ba bộ phận gọi là Tripitaka (Tam Tạng) gồm kinh (Sùtra) – Tạng kinh, được coi là sự ghi lại lời của Buddha thuyết pháp; luật (Vinaya) – Tạng luật tức là những điều mà giáo đoàn Phật giáo phải tuân theo và luận (Sàstra) – Tạng luận, tức là sự luận giải các vấn đề Phật giáo của các học giả – cao tăng về sau. Nghiên cứu tư tưởng triết học Phật giáo trên hai phương diện: bản thể luận và nhân sinh quan.

1. Bản thể luận

Phật giáo cho rằng các sự vật và hiện tượng, cũng như con người là không có thực, là ảo giả do vô minh đem lại. Thế giới (nhất là thế giới hữu sinh – con người) được cấu tạo do sự tổng hợp của các yếu tố vật chất (sắc) và tinh thần (danh). Danh và sắc được chia làm 5 yếu tố (gọi là ngũ uẩn).

Danh và sắc chỉ tụ hội với nhau trong một thời gian ngắn rồi lại chuyển sang trạng thái khác. Cho nên, không có cái tôi (vô ngã). Bản chất tồn tại của thế giới là một dòng biến chuyển liên tục (vô thường), không thể tìm ra nguyên nhân đầu tiên và không thể có cái vĩnh hằng.

Thế giới (sự vật và hiện tượng) luôn biến đổi theo chu trình: Sinh – Trụ – Di – Diệt (hoặc: Thành – Trụ – Hoại – Không) theo luật nhân quả. Khái niệm “Duyên” của Phật giáo được coi vừa là kết quả (quá trình cũ) và là nguyên nhân (quá trình mới).

2. Nhân sinh quan

Phật giáo bác bỏ Brahman (Thần sáng tạo) và Atman (cái tôi) nhưng lại tiếp thu tư tưởng luân hồi và nghiệp của Upanisad. Mục đích cuối cùng của Phật giáo là tìm ra con đường giải thóat đưa chúng sinh ra khỏi vòng luân hồi bất tận. Để đi tới giải thóat, Phật nêu lên “Tứ Diệu đế” tức là bốn chân lý tuyệt diệu, thiêng liêng mà mọi người phải nhận thức được.

a. Khổ đế: Phật giáo cho rằng cuộc đời là bể khổ, bao gồm 8 thứ khổ, gọi là “Bát khổ”:

(1) Sinh; (2) Lão; (3) Bịnh; (4) Tử; (5) Thụ biệt ly: Yêu thương nhau phải xa nhau; (6) Oán tăng hội: Ghét nhau phải hội tụ với nhau; (7) Sở cầu bất đắc: Muốn mà không được; (8) Thủ ngũ uẩn: Khổ vì có sự tồn tại của thân xác.

b. Nhân đế

Nhân đế còn gọi là tập đế, vì cho rằng mọi cái khổ đều có nguyên nhân. Đó là 12 nhân duyên, còn gọi là “Thập nhị nhân duyên”:

  1. Vô minh là không sáng suốt, không nhận thức được thế giới, sự vật và hiện tượng đều là ảo giả mà cứ cho đó là thực. Thế giới (sự vật, hiện tượng) đều do các Duyên hòa hợp với nhau tạo nên.
  2. Duyên hành là hoạt động của ý thức, sự giao động của tâm, của khuynh hướng, và đã có mầm mống (manh nha) của nghiệp.
  3. Duyên thức là tâm thức từ chỗ trong sáng cân bằng trở nên ô nhiễm, mất cân bằng. Cái tâm thức đó tùy theo nghiệp lực mà tìm đến các nhân duyên khác để hiện hình, thành ra một đời khác.
  4. Duyên danh – sắc là sự hội tụ của các yếu tố vật chất và tinh thần.
  5. Duyên lục nhập là quá trình tiếp xúc với lục trần (lục căn: cơ quan cảm giác; lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).
  6. Duyên xúc là sự tiếp xúc giữa lục căn, lục trần.
  7. Duyên thụ là cảm giác do tiếp xúc mà nảy sinh ra yêu ghét buồn vui.
  8. Duyên ái là yêu thích, ở đây chỉ sự nảy sinh dục vọng.
  9. Duyên thủ muốn giữ lấy, chiếm lấy.
  10. Duyên hữu là xác định chủ thể chiếm hữu (cái ta) thì phải tồn tại (hữu) tức là đã có hành động tạo nghiệp.
  11. Duyên sinh: Đã có tạo nghiệp, tức là có nghiệp nhân ắt có nghiệp quả, tức là phải sinh ra ta.
  12. Duyên lão – tử: Có sinh tất có già và chết đi. Sinh – lão – tử là kết quả cuối cùng của một quá trình, nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân của một kiếp trong vòng luân hồi mới.

c. Diệt đế là khẳng định cái khổ có thể tiêu diệt được, có thể chấm dứt được luân hồi.

d. Đạo đế

Tu để thành Phật quả, nhập được Niết bàn, là quả cao nhất của người tu Phật và cũng là mục đích duy nhất của Phật học. Nhưng vì nghiệp lành dữ không giống nhau, tri thức không đều nhau mà Phật giáo chia các pháp môn thành 5 loại gọi là năm THỪA. Khái quát tất cả các môn pháp trên chúng ta có thể coi con đường giải thóat, diệt khổ của Phật giáo bao gồm 8 con đường (Bát đạo chính):

  1. Chính kiến: Hiểu biết đúng đắn nhất là Tứ diệu đế.
  2. Chính tư duy: Suy nghĩ đúng đắn.
  3. Chính ngữ: Giữ lời nói chân chính.
  4. Chính nghiệp: Nghiệp có tà nghiệp và chính nghiệp. Tà nghiệp: phải giữ giới. Chính nghiệp: Thân nghiệp – Khẩu nghiệp – Ý nghiệp.
  5. Chính mệnh: Phải tiết chế dục vọng và giữ giới (giữ các điều răn).
  6. Chính tinh tiến: Phải hăng hái, tích cực trong việc tìm kiếm và truyền bá Phật giáo.
  7. Chính niệm: Phải thường xuyên nhớ Phật, niệm Phật.
  8. Chính định: Phải tĩnh lặng, tập trung tư tưởng mà suy nghĩ về tứ diệu đế, về vô ngã, vô thường và nỗi khổ.

Với ” Bát chính đạo” con người có thể diệt trừ được vô minh, giải thóat và nhập vào Niết bàn là trạng thái hoàn toàn yên tĩnh, sáng suốt, chấm dứt sinh tử luân hồi.

3. Phật giáo Việt Nam

Phật giáo truyền vào Việt Nam khoảng thế kỷ đầu công nguyên đến nay đã hơn 2000 năm. Phật giáo đã tạo ra tín ngưỡng, văn hóa, phong tục tập quán cho đến nhân sinh quan từ tư tưởng đến tình cảm của con người Việt Nam. Đã có thời kỳ Phật giáo tồn tại song song với Khổng giáo, Lão giáo tạo thành thế giới quan của người Việt. Ngày nay đã khác Nho giáo và Lão giáo còn chăng chỉ tồn tại như một tàn dư. Nhưng Phật giáo với tính cách là một tín ngưỡng, một tôn giáo dân tộc vẫn còn tồn tại, nó có nguyên nhân về mặt lịch sử và những điều kiện xã hội, nhận thức về Phật giáo.

Ngày nay khi nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam và đánh giá về vai trò của Phật giáo Việt Nam có nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng sự hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam không thể tách rời một quá trình từ một tôn giáo ngoại lai đến bản địa, từ một vùng đến nhiều vùng, từ một số ít người tin theo đến đại đa số mọi người trong nước ngưỡng mộ, từ thô sơ, đơn giản đến sâu sắc và bề thế. Nó cũng trải qua nhiều thăng trầm của những biến cố lịch sử, nhưng Phật giáo đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền văn hóa truyền thống của người Việt trong quan niệm về cái vô thường, vô ngã, thuyết nhân quả, tư tưởng từ bi bác ái, v.v…

Sự truyền bá Phật giáo vào Việt Nam là cả một quá trình lâu dài về mặt lịch sử, nhưng lúc đầu trực tiếp từ Ấn Độ sang từ hướng Tây nam sau đó thay thế từ hướng Bắc xuống. Do đó, các Tông phái Thiền tông ở Trung Quốc lần lượt được đưa vào Việt Nam. Việc du nhập diễn ra với nhiều hướng khác nhau, nhiều thời điểm khác nhau, nhiều tông phái khác nhau, tình hình đó đã để lại dấu ấn trong các giai đoạn phát triển của phật giáo Việt Nam. Rõ ràng, đó là một trong những cơ sở tạo nên nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam.

4. Vị trí của phật giáo trong văn hóa tinh thần truyền thống Việt Nam

Văn hóa tinh thần truyền thống bao gồm: Chủ nghĩa yêu nước và ý chí bất khuất đấu tranh để dựng ngước và giữ nước, tinh thần nhân nghĩa, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, tính lạc quan yêu đờ, tính cần cù dũng cảm, v.v…

Phật giáo: Tư tưởng vị tha (tự tha), từ bi bác ái, cứu khổ cứu nạn, tương thân, tương ái. Nếp sống trong sạch, giản dị chăm lo làm điều thiện, v.v…Về tinh thần nhân đạo trong mọi quan hệ người với người, đậm nét nhất là sắc thái tình nghĩa. Tình, ở đây là tình thương, lòng yêu thương nhau trong khổ đau, hoạn nạn theo triết lý nhân sinh phật giáo.

Nhân bản luận phật giáo có một vị trí đặc biệt trong văn hóa tinh thần truyền thống Việt Nam với các giá trị tư tưởng tôn giáo – triết học – đạo đức dân tộc. Các giá trị tư tưởng này đươc thể hiện rất đa dạng thành các giá trị văn học, nghệ thuật, quan niệm sống, lối sống, đạo lý làm phong phú thêm văn hóa truyền thống của người Việt. Đó là các giá trị đề cao tính nội tâm, hướng nội của con người… chẳng hạn, lối sống nội tâm như tư tượng tự tha (chấp ngã – vô ngã) đến vị tha bởi sự hướng thiện qua dưỡng sinh, thơ thiền, tranh thiền, thư pháp, trà đạo, hoa đạo, vô đạo… được đánh giá như những đóng góp độc đáo của phật giáo vào văn hóa tinh thần tuyền thống Việt Nam.

Tư tưởng ở “hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, “không ai giàu ba họ không ai khó ba đời”, v.v… cho đến việc hình thành những phong tục tập quán về việc thờ cúng tổ tiên kết hợp với tín ngưỡng phật giáo trong tín ngưỡng dân gian người Việt cũng là một nét đẹp của văn hóa cổ truyền…

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và làm cho hệ tư tưởng – văn hóa có thể bảo tồn, phát huy và hoàn thiện các giá trị tuyền thống, không thể không tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của nhân loại. Đồng thời phải kiên quyết đấu tranh sự xâm nhập của văn hóa độc hại, của các giá trị ngoại lai phản tiến bộ. Và chỉ trên cơ sở đó, các giá trị nhân bản tiến bộ của phật giáo mới có thể giữ gìn và phát huy với tư cách những nét độc đáo so với các giá trị văn hóa khác trong tuyền thống văn hóa tinh thần Việt nam.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.