Quan hệ sản xuất là gì? Biểu hiện và Kết cấu của quan hệ sản xuất

0

Quan hệ sản xuất là gì? Quan hệ sản xuất biểu hiện cho điều gì? Trình bày các loại hình quan hệ sản xuất cơ bản hiện nay ở Việt Nam?

Khái niệm quan hệ sản xuất

Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa con người và con người trong quá trình sản xuất vật chất. Theo một nghĩa chung nhất thì quan hệ sản xuất là một yếu tố của phương thức sản xuất, là mặt xã hội của phương thức sản xuất. Quan hệ sản xuất là quan hệ kinh tế của một hình thái kinh tế – xã hội nhất định. Mối quan hệ giữa con người và con người trong quan hệ sản xuất bao giờ cũng thể hiện tính chất, bản chất của quan hệ lao động và dưới góc độ chung nhất nó thể hiện bản chất kinh tế của một hình thái kinh tế – xã hội nhất định. Quan hệ sản xuất mang tính khách quan độc lập với ý thức của con người.

Xem thêm: Lực lượng sản xuất là gì? Các yếu tố, tính chất và trình độ của LLSX

Vị trí của Quan hệ sản xuất

Quan hệ sản xuất gồm ba mặt: quan hệ về sở hữu đối với tư liệu sản xuất, quan hệ trong tổ chức và quản lý sản xuất, quan hệ trong phân phối sản phẩm sản xuất ra.

Quan hệ sản xuất biểu hiện mối quan hệ giữa người với người, do con người tạo ra, nhưng nó hình thành một cách khách quan trong quá trình sản xuất, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. C.Mác viết: “Trong sản xuất, người ta không chỉ quan hệ với giới tự nhiên. Người ta không thể sản xuất được nếu không kết hợp với nhau theo một cách nào đó để hoạt động chung và để trao đổi hoạt động với nhau. Muốn sản xuất được, người ta phải có những mối liên hệ và quan hệ nhất định với nhau; và quan hệ của họ với giới tự nhiên, tức là việc sản xuất”. Quan hệ sản xuất là hình thức xã hội của sản xuất; giữa ba mặt của quan hệ sản xuất thống nhất với nhau, tạo thành một hệ thống mang tính ổn định tương đối so với sự vận động, phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất.

Kết cấu của quan hệ sản xuất, bao gồm:

quan hệ sản xuất

– Quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất: là quan hệ giữa các tập đoàn người trong việc chiếm hữu, sử dụng các tư liệu sản xuất xã hội; là quan hệ xuất phát, cơ bản, trung tâm của quan hệ sản xuất, luôn có vai trò quyết định các quan hệ khác. Bởi vì, lực lượng xã hội nào nắm phương tiện vật chất chủ yếu của quá trình sản xuất thì sẽ quyết định việc quản lý quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm. Xét về mặt lịch sử quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất đã được thể hiện dưới hai hình thức cơ bản, đó là sở hữu tư nhân và sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất.

– Quan hệ tổ chức quản lý sản xuất: là quan hệ giữa các tập đoàn người trong việc tổ chức sản xuất và phân công lao động. Quan hệ này có vai trò quyết định trực tiếp đến quy mô, tốc độ, hiệu quả của nền sản xuất; có khả năng đẩy nhanh hoặc kìm hãm sự phát triển của nền sản xuất xã hội.

– Quan hệ phân phối sản phẩm lao động: là quan hệ giữa các tập đoàn người trong việc phân phối sản phẩm lao động xã hội, nói lên cách thức và quy mô của cải vật chất mà các tập đoàn người được hưởng. Quan hệ này có vai trò đặc biệt quan trọng, kích thích trực tiếp lợi ích con người; là “chất xúc tác” kinh tế thúc đẩy tốc độ, nhịp điệu sản xuất, làm năng động hóa toàn bộ đời sống kinh tế xã hội. Hoặc ngược lại, nó có thể làm trì trệ, kìm hãm quá trình sản xuất.

Trong ba mặt quan hệ của quan hệ sản xuất đều có sự tác động qua lại lẫn nhau và quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất là quan hệ giữ vai trò quyết định trong quan hệ sản xuất. Đồng thời quan hệ sở hữu tư nhân và sở hữu xã hội là sự khác nhau về bản chất và có tính chất đối lập.

Các loại hình quan hệ sản xuất cơ bản hiện nay ở Việt Nam

Nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, không có nghĩa là xóa bỏ các quan hệ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, mà chỉ phát triển sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất.

Hiện nay trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nên việc duy trì và phát triển hình thức sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là một yêu cầu khách quan mang tính quy luật. Bởi vì, trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, thì sở hữu tư nhân như một bộ phận tự nhiên của quá trình kinh tế nhiều thành phần cũng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao đời sống của nhân dân. Mặt khác, duy trì và phát triển kinh tế tư nhân, thì đồng thời với nó là thu hút nguồn lực về vốn, về lao động, về quá trình chuyển giao công nghệ mới, v.v… Nhưng nó đều thông qua sự quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ giữ vai trò quyết định và điều tiết chung đối với các hình thức sở hữu này phải phục vụ cho lợi ích của nhân dân.

Trong cơ cấu kinh tế xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam, thì hình thức sở hữu công cộng ngày càng được hoàn thiện và phát triển. Trong đó kinh tế quốc doanh bao giờ cũng giữ vai trò chủ đạo, quyết định đối với nền kinh tế hiện nay. Cho nên, xét về loại hình quan hệ sản xuất cơ bản hiện nay ở nước ta bao gồm quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa dựa trên cơ sở sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất và quan hệ sản xuất cũ dựa trên hình thức sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, nhưng nó thống nhất và mang tính mâu thuẫn trong một cơ cấu kinh tế thống nhất – kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa và dưới sự quản lý của nhà nước.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.