Chính sách đô hộ của nhà Minh và khởi nghĩa Lam Sơn (Tkỷ XV)
Sau khi Hồ Quý Ly thất bại (1407), nước ta bị phong kiến Minh đô hộ. Nhà Minh đã thi hành nhiều chính sách vơ vét, bóc lột về của cải và tìm cách đồng hóa nhân dân ta.
Chính sách đô hộ của nhà Minh
Chiếm được nước ta, nhà Minh muốn vĩnh viễn xóa bỏ nước ta, sáp nhập hẳn vào lãnh thổ Trung Quốc. Năm 1407, nhà Minh hạ chiếu đổi nước ta thành quận Giao Chỉ. Chính quyền đô hộ ở Giao Chỉ được tổ chức như một chính quyền địa phương của nhà Minh và lệ thuộc trực tiếp vào triều đình nhà Minh.
Bạn đang xem: Chính sách đô hộ của nhà Minh và khởi nghĩa Lam Sơn (Tkỷ XV)
Chính quyền đô hộ còn ra sức cướp đoạt ruộng đất để lập đồn điền. Hàng vạn nông dân bị mất ruộng. Bên cạnh đó, chúng còn đặt ra nhiều thứ thuế đánh vào mọi hạng người và mọi nghề. Đối với thuế ruộng, chúng bắt dân ta phải khai 1 mẫu thành 3 mẫu nên thực tế ruộng đất tăng gấp 3 lần. Đối với các nghề thủ công đều phải nộp tiền hoặc sản phẩm. Việc buôn bán trong nước bị đánh thuế nặng, nhà Minh nắm độc quyền về buôn bán muối. Còn buôn bán với nước ngoài bị cấm chỉ hẳn.
Ngoài thuế, nhân dân ta còn phải thực hiện chế độ lao dịch nặng nề trong các công trình xây dựng, khai thác tài nguyên, tìm các lâm thổ sản quý. Bọn quan lại đô hộ còn bắt hàng loạt thợ thủ công giỏi mang về Trung Quốc, thậm chí bắt cả phụ nữ và trẻ em để bán làm nô tỳ.
Xem thêm : Điều gì đã xảy ra trước vụ nổ Big Bang?
Mặt khác, để thủ tiêu nền văn hóa lâu đời của dân tộc ta và đồng hóa nhân dân ta, trong quá trình thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược và đô hộ, nhà Minh tìm mọi cách hạn chế học hành, thi cử, biến trường học thành nơi đào tạo tay sai phục vụ chính quyền đô hộ. Chúng còn tiến hành đốt sách vở, phá hủy các bia đá, tịch thu một số sách vở quý mang về Trung Quốc như: Đại Việt sử ký toàn thư, Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Binh thư yếu lược và các bộ luật Hình thư đời Lý, Hình Luật đời Trần… Thậm chí, chúng còn bắt nhân dân ta phải thay đổi cách ăn mặc, phong tục tập quán: cấm con trai, con gái không được cắt tóc ngắn; phụ nữ phải mặc áo ngắn, quần dài.
Như vậy, trong suốt thời kỳ nhà Minh đô hộ nước ta (1407 – 1427), chúng đã thực hiện chính sách đàn áp, khủng bố tàn khốc và vơ vét, bóc lột của cải nhân dân ta làm cho kinh tế nước ta bị đình trệ, đời sống nhân dân ngày càng khổ cực. Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc ta với chính quyền đô hộ nhà Minh ngày càng sâu sắc, làm thổi bùng lên hàng loạt các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiêu biểu là khởi nghĩa Lam Sơn.
Khởi nghĩa Lam Sơn
Tháng 2/1416, Lê Lợi cùng 18 người thân tín đã họp nhau tại Lũng Nhai (thuộc núi rừng Lam Sơn, Thọ Xuân – Thanh Hóa) để làm lễ tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em, quyết tâm đánh giặc cứu nước.
Tháng 2/1418, Lê Lợi cùng toàn thể nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Lê lợi tự xưng là Bình Định Vương, ra lời kêu gọi nhân dân đứng lên chống giặc cứu nước. Theo Lam Sơn thực lục, lực lượng ban đầu của nghĩa quân còn rất ít ỏi*. (* Xem thêm Lịch sử Việt Nam (từ nguồn gốc đến ngày nay), sđd, tr 126.)
Xem thêm : Quan hệ thẩm mỹ là gì? Nguồn gốc, bản chất, tính chất
Vì vậy, trong những ngày đầu nghĩa quân gặp rất nhiều khó khăn trước sự vây ráp của kẻ thù. Khởi nghĩa Lam Sơn trải qua 3 giai đoạn:
– Giai đoạn tích cực tiến công, chống địch vây quét (1418 – 1423): Cuộc khởi nghĩa vừa dấy lên thì bị quân Minh tập trung lực lượng đàn áp, nghĩa quân phải rút lên xứ Mường Một (Thanh Hóa) và sau đó là núi Chí Linh. Ở đây nghĩa quân rơi vào tình thế hết sức hiểm nghèo. Trước tình hình đó, Lê Lai đã cải trang thành Lê Lợi và dẫn 500 quân, 2 voi chiến, tự xưng là “chúa Lam Sơn” kéo ra phá vòng vây. Lê Lai bị xử bằng hình phạt rất tàn bạo. Quân Minh rút về Tây Đô. Lê Lợi liền tập hợp lại lực lượng và trở về căn cứ Lam Sơn. Quân Minh lại tiếp tục kéo quân lên đàn áp, khiến nghĩa quân phải rút lên núi Chí Linh lần 2. Tuy bị tổn thất nặng nề nhưng nghĩa quân vẫn giữ vững ý chí chiến đấu và được nhân dân hết lòng ủng hộ.
– Giai đoạn chuyển hướng vào Nghệ An, xây dựng căn cứ địa và tấn công quân địch, giành thế chủ động về chiến lược (1424 – 1425): Theo kế hoạch của Nguyễn Chích, nghĩa quân rời Thanh Hóa vào Nghệ An. Tháng 10/1424, nghĩa quân bất ngờ tập kích đồn Đa Cang (Thọ Xuân – Thanh Hóa), tiêu diệt hơn 1.000 tên địch. Trên đường vào Nghệ An, nghĩa quân giành thắng lợi lớn ở Bồ Lạp, Trà Long, Khả Lưu, Bồ Ải. Với những thắng lợi trên, quân chủ lực của Nghệ An hầu như bị tiêu diệt, toàn bộ phủ Nghệ An được giải phóng. Quân Minh chỉ giữ được thành Nghệ An và rơi vào thế cố thủ, bị động. Từ Nghệ An, nghĩa quân tiến ra phía Bắc, giải phóng Diễn Châu, Thanh Hóa và tiến vào phía Nam, giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa. Đến đây, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thực sự lớn mạnh, chuẩn bị chuyển sang giai đoạn mới.
– Giai đoạn phản công tiêu diệt địch trên phạm vi cả nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến (1426 – 1427): Tháng 9/1426, nhận thấy sự suy yếu của địch, Lê Lợi và bộ tham mưu quyết định tấn công ra Đông Đô và giành nhiều thắng lợi: Ninh Kiều, Nhân Mục, Xa Lộc, Tốt Động, Chúc Động… Chiến thắng đó đã làm phá sản hoàn toàn âm mưu giành lại thế chủ động của địch. Toàn bộ hệ thống chính quyền và đồn lũy địch ở các địa phương từ Thanh Hóa trở ra dần tan rã. Địch phải tập trung trong các thành lũy lớn như: Đông Quan, Điêu Diêu (Gia Lâm), Thị Cầu (Bắc NInh), Xương Giang (Bắc Giang), Khâu Ôn (Lạng Sơn)… và cầu cứu viện binh của triều đình. Tháng 1/1427, triều đình nhà Minh đã điều động 15 vạn viện binh sang cứu nguy cho Vương Thông. Lê Lợi và bộ chỉ huy quyết tâm lãnh đạo quân khởi nghĩa đánh tan quân Minh. Với chiến thắng Tốt Động, Chúc Động, quân ta đã đập tan ý chí xâm lược của quân Minh, buộc Vương Thông phải chấp nhận “Hội thề Đông Quan” (12/1427) và rút quân về nước. Đất nước ta được hoàn giải phóng, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước – thời Lê Sơ.
(Nguồn tham khảo: Trần Văn Thức, Giáo trình tiến trình lịch sử Việt Nam)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức