Hàn Phi và nội dung tư tưởng Pháp gia
Hàn Phi Tử (khoảng 280 – 233 tr. CN) là một vị công tử vương thất nhà Hàn ở miền Tây tỉnh Hà Nam bây giờ.
Thời kì Xuân Thu – Chiến Quốc xã hội Trung Hoa đang chuyển từ hình thái xã hội suy tàn sang hình thái xã hội phong kiến, làm trật tự cương thường xã hội, đạo đức suy đồi. Để cải biến xã hội ấy, nếu Nho gia chủ trương “nhân trị”, Mặc gia lấy “kiêm ái”, Đạo gia chủ trương sống theo đạo tự nhiên “vô vi” để trị nước, thì Pháp gia với những căn cứ lí luận và lịch sử của mình, đã coi hình pháp là công cụ quan trọng cho sự ổn định phát triển xã hội và củng cố chế độ chuyên chế phong kiến ở Trung Quốc.
Bạn đang xem: Hàn Phi và nội dung tư tưởng Pháp gia
Kế thừa và phát huy quan điểm duy vật về tự nhiên của Lão Tử, Hàn Phi Tử đã giải thích sự phát sinh và phát triển của vạn vật đều tự có cái “lý” của nó. Trong đó, “đạo” là quy luật phổ biến của giới tự nhiên vĩnh viễn tồn tại là không thay đổi ; những cái “lí” là sự biểu hiện khác nhau của “đạo” trong mỗi sự vật cụ thể là “bất thường” luôn biến hoá và phát triển. Theo quan điểm ấy, ông không những yêu cầu mọi người dựa trên quy luật khách quan của sự vật để hành động mà còn cho hành động con người phải thay đổi tuỳ theo sự biến hoá của “lí”, chống chủ nghĩa thủ cựu, cố chấp và bảo thủ.
Căn cứ vào học thuyết “đạo” và “lí”, Hàn Phi cho rằng, phép trị nước không thể viện dẫn theo đạo đức và phương pháp của cổ nhân như Nho gia, Mặc gia và Lão giáo chủ trương. Theo ông, khi lí đã thay đổi thì phương pháp trị nước, cải cách chế độ xã hội có tính tất yếu, đó là pháp trị. Không những thế, trên quan điểm duy vật, ông thừa nhận rằng tự nhiên không có ý chí ; ý muốn chủ quan của con người cũng không thể sửa đổi được quy luật của tự nhiên ; vận mệnh con người là do con người tự quyết định.
Với tư tưởng ấy, ông đã kịch liệt phê phán những học thuyết thần bí tôn giáo đương thời. Ông cho rằng, sự vận hành của thiên thể không thể quyết định được điều hoạ phúc của con người mà không có gì chứng thực là có quỷ thần. Người cai trị mê tín quỷ thần tất nhiên sẽ thất bại. Kiên quyết phủ nhận lí luận chính trị thần quyền, Hàn Phi cũng căn cứ vào hoàn cảnh sinh hoạt của con người để giải thích nguồn gốc sinh ra quỷ thần. Theo ông, trong đời sống, con người gặp phải tai nạn và rủi ro không thể giải quyết được nên mới tin quỷ thần, nếu con người không sinh bệnh tật, không bị tai hoạ, ra sức làm việc và tiết kiệm tiền của, quỷ thần sẽ không thể làm rối loạn được tinh thần của con người. Với những tư tưởng ấy, Hàn Phi được coi là nhà vô thần luận nổi tiếng của Trung Quốc cổ đại.
Về lịch sử, Hàn Phi cho rằng, lịch sử xã hội loài người luôn luôn biến đổi, từ trước đến nay không có chế độ xã hội nào vĩnh viễn tồn tại. Hàn Phi đã phân chia quá trình lịch sử ra làm ba thời kì, mỗi thời kì lịch sử đó có những đặc điểm và tập quán xã hội riêng, ứng với trình độ phát triển nhất định của sức sản xuất và văn minh xã hội. Thời thượng cổ, con người biết lấy cây làm nhà và phát minh ra lửa để nấu chín thức ăn. Thời trung cổ con người đã biết trị thủy, khắc phục thiên tai. Thời cận cổ bắt đầu xuất hiện giai cấp và xảy ra các cuộc chinh phạt lẫn nhau.
Hàn Phi cho rằng, động lực căn bản quyết định sự biến đổi của lịch sử là do sự thay đổi dân số và của cải xã hội nhiều ít : “Thời Nguyên Thủy, đàn ông không cần cày cấy, để duy trì sự sống đã có đủ hoa quả hoang dại để ăn ; đàn bà không cần dệt vải vì đã có lông chim, da thú đủ mặc. Lúc đó số người thì rất ít mà tài sản thì có thừa. Vì vậy, nhân dân không phải dùng hình phạt nặng, mà dân tự nhiên an trị. Ngày nay, người thì đông mà của cải ít, mọi người phải làm việc vất vả mà vẫn không đủ ăn”. Khi ấy mới sinh ra cướp giật, chiến tranh và xuất hiện chế độ hình phạt để ngăn ngừa hành vi tranh đoạt lẫn nhau. Do vậy, kẻ thống trị phải căn cứ vào nhu cầu khách quan của lịch sử, tuỳ đặc điểm, hoàn cảnh thời thế mà lập ra chế độ, đặt chính sách, phương pháp trị nước mới cho thích hợp. “Không có một thủ pháp luôn luôn đúng” với mọi thời đại. Cho nên, bậc thánh nhân không cốt trau dồi chuyện xưa, không nói theo những nguyên tắc bất biến.
Xem thêm : Kế hoạch Đờ Lát Đơ Tátxinhi 1950
Khi bàn việc làm ở đời thì dựa theo tình hình của thời mình mà đặt ra những biện pháp. Theo Hàn Phi : “Phép trị dân không cố định, chỉ dùng pháp luật để trị mà thôi”. Pháp luật mà biến chuyển được theo với thời đại thì thiên hạ trị… Thời thế thay đổi mà phép trị dân không đổi thì loạn.
Đây là quan điểm biểu hiện rõ tính chất duy vật và tư tưởng biện chứng tự phát về lịch sử và phương pháp trị nước của Hàn Phi. Ông đã xem lợi ích vật chất như là cơ sở của các quan hệ xã hội và hành vi của con người. Tuy Hàn Phi chưa thấy được động lực thực sự của lịch sử, nhưng với cố gắng đi tìm nguyên nhân biến đổi của đời sống xã hội thì đó là một bước tiến dài so với quan điểm duy tâm tôn giáo về lịch sử thời đó.
Chống thái độ ngoan cố, thủ cựu trong chính trị, Hàn Phi còn đưa ra lí luận “tham nghiệm” cho rằng, bất cứ sự vật và quan điểm nào cũng cần phải kinh qua hoạt động thực tế và thí nghiệm khách quan mới có thể đánh giá được chính xác. Dựa trên quan điểm ấy, ông phê phán chủ nghĩa phục cổ trong phép trị nước của Nho gia, Mặc gia và Lão giáo rằng : “Đạo của vua Nghiêu, vua Thuấn cai trị dân mà học phái trên viện dẫn đã ba ngàn năm trước, không có gì chứng thực ; đã không có gì chứng thực mà lại mưu toan lấy nó làm mực thước cho nền chính trị hiện tại và ai cũng nhận mình là “chính truyền” thì là ảo tưởng, nếu không phải là ngu xuẩn thì giả dối”.
Hàn Phi còn phát huy thuyết “Tính ác” của Tuân Tử, đưa ra học thuyết luân lí cá nhân vị lợi để khẳng định tính đúng đắn của phương pháp trị nước bằng hình pháp của ông. Tuy nhiên, qua đó ông cũng đã có sự đóng góp quan trọng vào lí luận về đạo đức và tâm lí con người trong triết học Trung Quốc cổ đại. Hàn Phi cho rằng, con người sinh ra là có bản tính ích kỉ, vị lợi “thích điều lợi và tìm nó, ghét cái hại và tránh nó…”. Vì thế, người ta “luôn chỉ lo mưu lợi cho riêng mình”. Những quan hệ xã hội như người đó đều xây dựng trên cơ sở tính toán, lợi hại cá nhân.
Bởi vậy, theo Hàn Phi, kẻ thống trị và Nhà nước phải căn cứ vào tâm lí luôn “tránh hại và cầu lợi” của con người để đặt ra pháp luật, trọng thưởng, nghiêm phạt để duy trì trật tự xã hội. Nếu dùng nhân nghĩa để giáo hoá con người, dùng tâm lí để phán xét phải trái và định công tội sẽ rơi vào tình trạng thiếu công minh, vì ông vua nào mà chẳng có lòng tự dục, ân oán. Vậy “người trên theo nhân nghĩa mà trị dân thì dân sẽ theo nhân nghĩa, chỉ có con người ta vốn ác”. Hơn nữa, nếu dùng nhân nghĩa để trị nước, yên dân thì hạng người hiền trong thiên hạ nếu có cũng rất ít. Còn hạng người bất thiện thì rất nhiều. Cho nên, “trị nước không cậy người tự làm thiện, mà khiến người không được làm trái. Cậy người tự làm thiện thì trong nước chẳng được mười người, khiến người không được làm trái thì một nước có thể khiến cho yên. Kẻ trị nước dùng số đông mà bỏ ít, cho nên không vụ đức và vụ pháp. Ôi ! Nếu phải đợi gỗ thẳng mới làm tên bắn thì trăm đời chưa có tên, nếu phải đợi gỗ tròn mới làm ra bánh xe thì trăm đời chưa có bánh xe”.
Tư tưởng về pháp trị trong đạo trị nước đến Hàn Phi đã trở thành một học thuyết với nội dung hoàn chỉnh. Vậy nội dung tư tưởng pháp trị của Hàn Phi là gì ? Theo Hàn Phi, pháp trị là tổng hợp giữa “pháp”, “thế” và “thuật”. Trong đó “pháp” là nội dung của chính sách cai trị, “thế” và “thuật” như là phương tiện để thực hiện chính sách đó. Cả ba “pháp, thế và thuật đều là công cụ của đế vương”.
“Pháp” là một phạm trù của triết học Trung Quốc cổ đại, có thể hiểu theo nghĩa hẹp là quy định, luật lệ, hiến lệnh có tính chất khuôn mẫu mà mọi người trong xã hội phải tuân thủ ; theo nghĩa rộng, pháp có thể coi như là thể chế, chế độ chính trị xã hội. Trong thiên “Định pháp”, Hàn Phi nói : “Luật pháp là hiến lệnh soạn ra dành riêng ở quan phủ”. ở thiên “Nam tam” ông giải thích rõ về “pháp” rằng : Những công cụ quan trọng của vị nhân chủ, ngoài pháp với thuật ra không có gì khác. Pháp là những điều luật biên chép trong đồ thư, bày ra nơi quan phủ, ban bố trong dân… Pháp không có gì bằng rõ ràng, minh bạch”.
Vậy “pháp” là tiêu chuẩn, căn cứ khách quan để định rõ danh phận, phải trái, công tội, từ đó mọi người biết rõ được bổn phận, trách nhiệm của mình. Cho nên, bậc minh chủ sai khiến bề tôi không đặt ý ngoài pháp, không ban ơn ở trong pháp, không có hành động nào trái pháp và quan lại được coi là những bậc thầy về pháp luật trong thiên hạ.
Xem thêm : Ý thức là gì? Nguồn gốc, bản chất, kết cấu (Triết học Mác Lenin)
Pháp gia và Vai trò của nó trong lịch sử tư tưởng học thuật Trung Quốc
Tư tưởng Pháp gia là một loại triết học chính trị ra đời trong cuộc đấu tranh kịch liệt khi xã hội biến đổi mạnh mẽ vào thời Chiến quốc. Lịch sử Trung Quốc phát triển tới thời kì này đã gần hoàn thành việc chuyển từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến. Kèm theo sự biến đổi trong cơ sở kinh tế, chế độ tông pháp quý tộc xây dựng trên cơ sở chế độ nô lệ cũng bắt đầu tan rã, chế độ gia tộc lấy quan hệ huyết thống làm cơ sở cùng với lễ nhạc là cái dùng để giữ gìn gia tộc đó cũng mất đi sức mạnh thống trị của nó. Giữa vua tôi cũng mất đi sợi dây ràng buộc của huyết thống thị tộc trước kia, mà biến thành một loại quan hệ giống như giữa kẻ bán và người mua. Trong tình hình “lễ băng, nhạc hoại” đó, các học phái đều tuyên truyền cho chế độ xã hội lí tưởng của mình. Về mặt này, Pháp gia đề ra chủ trương chính trị hiện thực và rõ ràng nhất.
Pháp gia đại biểu cho lợi ích của giai cấp địa chủ mới lên. Nhiệm vụ đặt ra trước họ là : quét sạch những tàn dư kinh tế của quý tộc chủ nô, phế bỏ đặc quyền của quý tộc, mở ra con đường phát triển của kinh tế địa chủ và xây dựng chế độ chuyên chế phong kiến trung ương tập quyền. Trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng, họ yêu cầu kết thúc tình trạng trăm nhà đua tiếng, nhiều thuyết tranh cãi nhau. Tư tưởng Pháp gia đơn giản, dứt khoát, chú trọng vấn đề lớn, lấy việc tăng cường quân quyền, thực hành pháp trị làm chủ trương cơ bản.
Pháp luật và chính lệnh thời cổ không hề được công bố cho dân biết, việc định ra pháp lệnh cũng không có trình tự nhất định. Luật mới, luật cũ cứ việc ban bố, khiến dân không biết chấp hành thế nào. Nguyên nhân của việc đó là bọn quý tộc thống trị muốn thông qua việc độc quyền về luật pháp để uy hiếp bách tính, duy trì quyền lợi đặc biệt của chúng. Pháp gia thì chủ trương rõ ràng rằng luật pháp cần được “ghi chép trong sách vở, công bố tại công sở cho trăm họ đều biết”, “Vua tôi, trên dưới, sang hèn đều phải tuân theo pháp luật”. Họ tích cực chủ trương thông qua việc “biến pháp” (thay đổi pháp luật) để đánh đổ việc lũng đoạn pháp luật của quý tộc, dùng nền chính trị của quan chức thay thế cho nền chính trị của quý tộc, tập trung quyền lực trong tay hoàng đế phong kiến. Trên cơ sở đó, họ công bố pháp lệnh, thống nhất chế độ, khen thưởng việc sản xuất và đánh trận, thực hiện một loạt biện pháp cải cách, đồng thời phế trừ mọi việc giáo dục văn hóa khác để thống nhất tư tưởng từ trên xuống dưới trong toàn quốc.
Sự ra đời, phát triển và hình thành tư tưởng Pháp gia diễn ra song song với những biến đổi trong xã hội, với sự đọ sức giữa các thế lực và các phe phái chính trị và sự xác lập chế độ phong kiến. Thời Xuân Thu, có những đại biểu Pháp gia thời kì đầu như Quản Trọng, Tử Sản đều là những người nắm chính quyền, những người đi đầu trong việc thực hiện chính sách Pháp gia. Thời Chiến Quốc có Lý Khôi, Ngô Khởi, Thương Ưởng, Thân Bất Hại, lần lượt thực hiện biến pháp ở các nước. Trong số họ từng có người nhiều lần bị va vấp, thậm chí phải trả giá bằng sinh mạng. Đồng thời, trong lĩnh vực tư tưởng Pháp gia và Nho gia đã triển khai tranh luận kịch liệt. Thời Xuân Thu, học phái Nho gia còn chiếm ưu thế rõ rệt, sau khoảng giữa thời Chiến Quốc, địa vị hoàn toàn đảo ngược lại. Sự đảo ngược đó chính là sự phản ánh việc thay đổi chế độ xã hội đã cơ bản hoàn thành. Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, ông lại dùng biện pháp mạnh mẽ hơn để thi hành chính sách Pháp gia, khiến cho địa vị thống trị của Pháp gia đạt tới đỉnh cao.
Sau khi Tần thống nhất Trung Quốc, lí luận của Pháp gia được thực hiện hoàn toàn. Nhưng tư tưởng Pháp gia được Tần Thủy Hoàng đưa lên địa vị độc tôn, đã không giúp cho vương triều Tần được an định lâu dài. Hình pháp nghiêm khắc của nó, ngược lại, đã làm cho triều Tần nhanh chóng diệt vong. Đời Hán lại xuất hiện Nho học do Đổng Trọng Thư làm đại biểu. Đến Hán Vũ
Đế, đã bại truất bách gia, độc tôn nho thuật, xác lập địa vị thống trị chính thống của Nho học trong xã hội phong kiến. Nhưng ảnh hưởng của tư tưởng Pháp gia trong lịch sử vẫn vô cùng rõ rệt. Hán Vũ Đế truy “độc tôn Nho thuật”, nhưng về thực chất, vẫn là ngoài thì Nho, trong thì Pháp. Trên thực tế, tư tưởng Pháp gia vẫn giúp cho việc duy trì nền thống trị về chính trị. Bắt đầu từ Hán Vũ Đế tới cuối đời Thanh, xu thế lớn của nền chính trị Trung Quốc đều không ra ngoài tình hình ngoài là Nho, trong là Pháp và điều tiết bằng đạo, tức lấy Nho học để trang điểm cho chính trị, lấy Pháp gia để nâng đỡ cho chính trị, lấy Đạo gia để điều tiết chính trị.
Bách gia chư tử thời Tiên Tần, tuy đều tìm tòi kế sách hay để trị nước, nhưng hoàn toàn chú ý đến tư tưởng chính trị, thì chỉ có Pháp gia. Những nhân vật đại biểu cho Pháp gia thời kì này có rất nhiều người là nhà chính trị nắm quyền lực thực tế ở các nước. Do đó, chú trọng đến nhu cầu thực tế, không chuộng nói suông đã trở thành một đặc điểm quan trọng của tư tưởng Pháp gia. Địa vị có được của tư tưởng Pháp gia trong lịch sử tư tưởng học thuật Trung Quốc cổ đại chủ yếu không phải do giá trị lí luận, mà là ở giá trị thực tế. Trong cuộc chiến loạn mấy trăm năm thời Chiến Quốc, Pháp gia đã dẫn tới việc thành lập một nhà nước phong kiến đại nhất thống. Chế độ phong kiến qua bàn tay Pháp gia đã lập nên chế độ quận, huyện mấy ngàn năm nay, các vương triều sau về đại thể đều làm theo chế độ của Tần. Suốt chiều dài lịch sử, tư tưởng Pháp gia như một dòng nước ngầm, gây ảnh hưởng từ đầu đến cuối. Rất nhiều nhà tư tưởng, nhà chính trị tiến bộ đời sau đều kế thừa tinh thần biến cách của Pháp gia ở các mức độ khác nhau. Hàn Phi Tử là tập đại thành của tư tưởng Pháp gia Tiên Tần, cũng là một trong những trước tác kinh điển quan trọng nhất về chính trị học của xã hội phong kiến trong lịch sử Trung Quốc.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức