Thuyết Âm dương và tư tưởng cốt lõi của Dịch

0

Cùng với học thuyết Ngũ hành, học thuyết Âm dương là quan điểm về vũ trụ quan trọng nhất của triết học Trung Quốc cổ đại. Nếu như học thuyết Ngũ hành chủ yếu giải thích cơ cấu của vũ trụ, thì học thuyết Âm dương lại đi sâu vào lí giải nguồn gốc và sự biến đổi của vạn vật trong thế giới. Quan điểm về “âm”, “dương” đã được nói đến trong sách “Quốc ngữ” viết vào thế kỉ IV tr. CN. Học thuyết Âm dương đặc biệt được thể hiện trong tư tưởng của “Kinh Dịch”, tác phẩm cổ điển vĩ đại nhất của Trung Hoa thời cổ trong đó ý nghĩa triết lí vũ trụ và nhân sinh của nó hết sức phong phú và sâu sắc.

Theo “Kinh Dịch” thì sự biến dịch trong vũ trụ từ Vô cực đến Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi (nghi âm và nghi dương) ; Lưỡng nghi sinh Tứ tượng (Thái dương, Thiếu dương, Thái âm, Thiếu âm, biểu tượng cho bốn yếu tố vật lí : lửa, kim khí, nước, gỗ) ; Tứ tượng sinh ra Bát quái (tám quẻ) tượng trưng cho tám yếu tố vật chất cơ bản của thế giới. Mỗi quẻ gồm ba vạch, vạch liền biểu tượng cho khí dương (-), vạch đứt biểu tượng cho khí âm (- -), lần lượt chồng lên theo thứ tự sẽ được : Kiền là trời, Khôn là đất, Chấn là sấm, Tốn là gió, Khảm là nước, Li là lửa, Cấn là núi, Đoài là đầm. Lấy mỗi quẻ trong tám quẻ lần lượt chồng lên nhau tạo ra 64 quẻ kép, gọi là Trùng quái…, từ đó sinh ra vạn vật đều thuận lẽ tính mệnh và làm tròn đạo biến hoá ; phân tán ra thì muôn phần khác nhau, thống nhất về đạo thì đó là một. Mỗi quẻ kép có sáu hào (vạch), ba vạch trên là ngoại quẻ, ba vạch dưới là nội quẻ, tổng cộng có 384 hào.

Trong “Kinh Dịch” có ba điểm căn bản, một là “Dịch”, hai là “Tượng”, và ba là “Từ” là vạch ra trạng thái luôn biến hoá của vạn vật. Nguyên nhân sự biến hoá không ngừng của vũ trụ là do sự liên hệ, tác động giữa hai nguyên động lực của thế giới “âm” và “dương” vừa đối lập, vừa ràng buộc, tương tác, bồi bổ lẫn nhau trong Thái cực. Do vậy , “Kinh Dịch” mới viết : “Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hoá”, “Sinh sinh chi vị dịch”. Tượng là sự biến dịch của vạn vật được biểu tượng qua các quẻ. Các quẻ đều tượng trưng ý nghĩa nào đó về sự vật, hiện tượng gọi là “Tượng”. Vậy “Tượng” là nguyên bản để làm mẫu, vật là cái được mô phỏng theo nguyên bản mà thành vậy.

Vì thế “Kinh Dịch” nói : “Dịch là tượng vậy, tượng là phỏng theo vậy”. Nhưng nếu chỉ dựa vào “Tượng” biểu thị được ý tượng thôi thì không đủ biết được mọi ý nghĩa, mọi điều cát hung, động tĩnh của “Tượng” hàm chứa trong quẻ, nên phải có “Từ”. “Bởi thế cho nên tượng là do thánh nhân thấy điều sâu kín của thiên hạ mà suy ra hình dáng và lấy tượng ở vật thích nghi nên gọi là tượng ; đấng thánh nhân thấy sự hoạt động trong thiên hạ, xem sự hội tụ và thông thường mà thi hành điều lễ, trình bày bằng lời nói để quyết đoán sự tốt, xấu nên gọi là hào”.

Theo học thuyết Âm dương, nguyên lí tối cao và là nguồn gốc biến hoá của mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ là sự liên hệ, tác động giữa hai thế lực “âm”, “dương” trong Thái cực. Thái cực là nguyên thể đầu tiên của thế giới bao hàm trong nó hai mặt đối lập “âm” và “dương”. “Dương” nguyên nghĩa là ánh sáng mặt trời và những gì thuộc về ánh sáng mặt trời ; “âm” là bóng tối và những gì thuộc về bóng tối. Trong sự phát triển về sau, “âm” và “dương” được coi là hai thế lực cơ bản của vũ trụ ; tiềm ẩn trong Thái cực, biểu thị và chi phối vạn vật trong thế giới, từ tự nhiên đến xã hội từ “đạo trời” đến “đạo người”, từ vật vô cùng lớn đến vật vô cùng nhỏ, từ cái giản đơn đến cái phức tạp, từ cỏ cây, động vật đến con người như : trời và đất, sáng và tối, nóng và lạnh, hút và đẩy, cương và nhu, động và tĩnh, trong và đục, nặng và nhẹ, thể chất và tinh thần, đồng hoá và dị hoá, giống đực và giống cái, vua và tôi, cha và con, chồng và vợ, hưng và vong, chính và tà, hàn và nhiệt, khí và huyết, phủ và tạng, tì và vị…

Trong Thái cực, “âm”, “dương” là hai mặt, hai thế lực hoàn toàn đồng đẳng với nhau, vừa đối lập, đun đẩy nhau vừa chế ước, liên hệ, hấp dẫn, tương tác nhau. Có mặt “âm” mới có mặt “dương”, trong khí “âm” có khí “dương” và trong khí “dương” đã bao hàm khí “âm”. “Hệ từ hạ truyện” viết : “Dương quái đa âm ; âm quái đa dương”. Chính từ sự đối lập, liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau giữa hai mặt “âm” và “dương” trong một thể thống nhất là Thái cực, đã tạo nên trời đất, bốn mùa, các yếu tố cơ bản của vạn vật, và làm nảy sinh ra vạn vật, muôn loài phong phú, đa dạng trong thế giới ; khiến cho sự vật, hiện tượng vận động, biến hoá không ngừng. Do vậy, “Kinh Dịch” mới viết : “Dựng đạo trời là âm dương, dựng đạo đất là nhu cương”, “Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hoá”.

“Âm dương” còn cho rằng, trời có năng tính của thế lực dương, gọi là “Kiền”, làm cho vạn vật sinh sôi nảy nở. Đất có năng tính của thế lực âm gọi là “Khôn”, làm cho vạn vật trưởng thành và loài người sở dĩ có sự khác nhau nam và nữ cũng do hai thế lực ấy tạo nên.

Theo Âm dương gia, quy luật phổ biến và tất yếu khách quan chi phối sự biến đổi mọi lĩnh vực của hiện thực là do sự tác động giữa hai thế lực vật chất cơ bản của vũ trụ trong Thái cực. Nhưng tuỳ sự hấp thụ khí “âm” hay khí “dương” nhiều hoặc ít, tăng hay giảm mà sự biến hoá của sự vật, hiện tượng trong vũ trụ có những đặc tính và hình thức thiên hình, vạn trạng. Từ đó, Âm dương gia cho rằng, thế giới vận động vĩnh viễn và đưa ra quan điểm “ngày càng mới”. Họ đưa ra lí luận sự vật biến hoá luôn phát triển theo chiều hướng mới và theo một quy luật nhất định.

Tuy nhiên, họ vẫn hiểu quá trình vận động chung của thế giới là quá trình tuần hoàn, luật biến hoá cơ bản của sự vật “ngày càng mới” và biến đổi chỉ là một giai đoạn trong quá trình tuần hoàn chung mà thôi. Hơn nữa, trong học thuyết Âm dương vẫn còn nhiều yếu tố của chủ nghĩa duy tâm thần bí, như quan điểm “Thiên tôn địa ti” cho rằng trật tự sang hèn trong xã hội là bắt chước trật tự của “trời đất”. Họ đem trật tự đẳng cấp xã hội gán cho giới tự nhiên, rồi lại dùng hình thức bịa đặt ra đó để chứng minh sự hợp lí vĩnh viễn của chế độ đẳng cấp xã hội. Học thuyết Âm dương liên hệ khăng khít với quyền lợi của quý tộc mới ở Trung Quốc đương thời.

Học thuyết Âm dương là kết quả của quá trình khái quát nhiều kinh nghiệm thực tiễn lâu dài của nhân dân Trung Quốc thời cổ đại. Mặc dù còn mang tính chất trực quan, chất phác, ngây thơ và có những quan điểm duy tâm, thần bí về lịch sử xã hội, nhưng trường phái triết học Âm dương đã bộc lộ rõ khuynh hướng duy vật và tư tưởng biện chứng tự phát của mình trong quan điểm về cơ cấu và sự vận động, biến hoá của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên cũng như trong xã hội. Do vậy, học thuyết Âm dương đã được nhiều thế lực cầm quyền trong các triều đại phong kiến Trung Quốc khai thác, nhất là thuyết duy tâm thần bí và quan niệm lịch sử tuần hoàn của các Âm dương gia. Các thế lực này đã sử dụng nó như một công cụ đắc lực về mặt tinh thần để duy trì và củng cố địa vị thống trị của mình đối với nhân dân Trung Quốc thời cổ đại.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.