Nguyễn Bình – Người thống nhất các lực lượng vũ trang Nam bộ đầu năm 1946 (Tiểu sử + Câu chuyện)
Nguyễn Bình – Người thống nhất các lực lượng vũ trang Nam bộ đầu năm 1946 – là ai?
Trong hệ thống nhà tù tại Việt Nam do bọn xâm lược xây dựng nhằm giam cầm, thủ tiêu, khủng bố ý chí, tinh thần của người đối kháng có lẽ nổi tiếng nhất vẫn là Côn Đảo (La Grande Condore). Nhà tù này được hình thành từ bao giờ? Thử đọc lại một tài liệu đáng tin cậy:
Bạn đang xem: Nguyễn Bình – Người thống nhất các lực lượng vũ trang Nam bộ đầu năm 1946 (Tiểu sử + Câu chuyện)
“Hôm nay, thứ năm ngày 28/11/1861 lúc mười giờ sáng
Tôi ký tên dưới đây, Lespès Sébatian Nicolas Joachim – trung úy hải quân cai quản chiến hạm thuộc hải quân hoàng gia – tuân lệnh của thống đốc Pháp, tôi tuyên bố chiếm hữu quần đảo Côn Lôn nhân danh vua Nã Phá Luân đệ tam, hoàng đế nước Pháp.
Vì lẽ ấy, quốc kỳ Pháp được kéo lên trên Côn Đảo kể từ ngày này.
Biên bản việc chiếm hữu này được lập trước mặt các võ quan thuộc thông báo hạm Nogazaray.
Làm trên đất liền, trước vũng Tây Nam (vũng Đầm) tại Côn Lôn vào ngày, tháng năm nói trên.
Cùng ký tên: Trung úy Lespès, trung úy Manon, chuẩn úy hạng nhì L.Duteil”.
Nội dung của bản tuyên cáo này, thực chất chỉ là biên bản cướp biển của thực dân Pháp đối với Côn Đảo và nó được triều đình nhà Nguyễn công nhận vào năm 1862, khi mà hòa ước Nhâm Tuất buộc vua Tự Đức phải nhường đứt ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và quần đảo này cho chúng. Cũng trong năm này, toàn quyền Bonard ra lệnh xây dựng “địa ngục trần gian” để giam cầm những người Việt Nam yêu nước, những người không cam chịu cúi đầu nô lệ. Thật khó có thể thống kê từ năm 1862 cho đến ngày thống nhất non sông, sạch bóng quân thù năm 1975 có bao nhiêu người đã bị giam cầm hoặc bỏ xác nơi này?
Trong số các phạm nhân ấy, có một nhân vật với số phận rất đặc biệt là Sơn Vương, tên thật Nguyễn Văn Thoại sinh năm 1909 tại Gò Công, bắt đầu biết mùi cơm tù từ năm 17 tuổi cho đến năm… 64 tuổi! Vào đời, ông là nhà văn viết tiểu thuyết hiện thực phê phán ký bút danh Sơn Vương và nổi tiếng là một tay anh chị trong giới giang hồ ở khu vực chợ Cầu Ông Lãnh (Sài Gòn), từng bị tù tội nhiều lần và lần đầu bị đày ra Côn Đảo vào năm 1934. Lịch sử cũng oái ăm, trong cơn lốc thời cuộc năm 1945 sau khi phái đoàn Việt Minh đón những người tù chính trị về đất liền, ông cùng phạm nhân nổi dậy chiếm đảo. Ngày 15/12/1945, một ban hành chính mới được bầu cử và ông đắc cử chủ tịch. Như vậy, trong danh sách chúa đảo qua các thời kỳ có tên ông, từ đây, ông xưng “đế hiệu” Sơn Vương và gọi Côn Đảo là Côn Lôn quốc, tất nhiên có phải có quốc ca, quốc kỳ! Nhưng mộng chưa thành thì tháng 4/1946, thực dân Pháp tái chiếm Côn Đảo. Kể từ đó, ông… trở lại phòng giam cho đến năm 1968 mới được thả tự do!
Lướt qua đôi nét về Sơn Vương, bởi thuở trai trẻ giang hồ ông kết nghĩa anh em với một nhân vật nổi tiếng, sau này ta kính trọng với tên gọi “trung tướng Nguyễn Bình”.
Ông Nguyễn Bình tên thật Nguyễn Phương Thảo, sinh năm 1908 trong một gia đình nông dân tại Hưng Yên, con trai thứ ba của ông bà cụ Nguyễn Thế Phong và Ngô Thị Long nên thường được gọi Ba Thảo. Năm 1919, ông theo người anh ruột – đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng – ra học tại Hải Phòng. Ảnh hưởng từ tinh thần yêu nước của người anh, năm 1925 Ba Thảo cùng học sinh trường Kỹ nghệ Hải Phòng tham gia lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Chính vì thế, ông bị đuổi học. Trở về nhà, ông làm thợ giặt ủi rồi làm công nhân tàu biển D’Artagnan. Chính nhờ những chuyến đi này, khi vào Sài Gòn, ông có dịp kết bạn với những tay hảo hớn trọng nghĩa khinh tài. Thời gian này Ba Thảo cùng Sơn Vương và đám giang hồ cư ngụ trên lầu tiệm may Nam Chấn Hưng ở số 2 đường Lafrèbre (nay đường Nguyễn Công Trứ). Với hào khí của tuổi trẻ, không cúi đầu chịu đựng bất công của xã hội thực dân, họ đã in bằng xu – xoa hoặc đánh máy bài thơ Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc đem phát tán lén lút cho nông dân ở các vùng quê hoặc bí mật trao cho các giáo viên yêu nước để họ phổ biến cho học sinh. Trong hồi ký, Sơn Vương cho biết:
“Anh Thảo có ý định trốn đi Pháp để hoạt động chánh trị… Muốn đi là phải có tiền và muốn có tiền phải có cơ sở làm ăn sanh ra lợi tức. Trong nhóm anh em đồng bọn chúng tôi có 4, 5 người thạo nghề giặt ủi. Anh Thảo muốn lập tiệm giặt, nhưng lại không có tiền. Tôi bèn về quê năn nỉ ỷ ôi với cha tôi, xin được 200 đồng đem lên đưa hết cho anh Thảo lập tiệm giặt. Tiệm ấy thuộc vùng Cầu Ông Lãnh lấy tên Thảo – Sơn (tên anh và tôi ghép lại). Lúc ấy vào khoảng năm 1928.
Trong lúc anh Thảo lo về mặt kinh doanh, thì tôi lại hoạt động về mặt văn hóa chống xâm lăng. Sách tôi xuất bản cỡ bỏ túi theo kiểu sách Livres Roses bên Pháp, nội dung đầy tính chất xã hội, chống bọn cường hào ác bá, bênh vực bọn người khố rách áo ôm, tức gián tiếp đả phá chế độ thực dân. Sách viết phù hợp với tâm lý quần chúng lại bán với giá phải chăng, phù hợp với túi tiền của các lớp bình dân đại chúng. Không những các em học sinh mà các ông già, bà lão cũng thích đọc sách của tôi. Nhứt là quyển Chén cơm lạt của người thất nghiệp bán chạy như tôm tươi. Cho in lần đầu 3.000 quyển, chỉ trong một tuần là hết sạch!
Lần tái bản, tôi cho in gấp đôi. Nếu không việc gì xẩy ra, tôi có thừa tiền nuôi anh em, còn có thể lo cho anh Thảo xuất dương nữa là khác.
Rủi thay, Khi in gần xong, bỗng có tin cho hay: phủ Thống đốc Nam kỳ đang thảo Nghị định cấm lưu hành quyển sách này! Bao nhiêu tiền cọc đóng trước cho nhà in Đức Lưu Phương số 118 đường D’Espagne (nay đường Lê Thánh Tôn) phải mất toi, vì nhà in phải trả tiền thợ, tiền in và tiền giấy. Sách bị tịch thu, nhà in bị khủng bố và nơi “sào huyệt” của chúng tôi, tức tiệm giặt ủi cũng bị lục xét lung tung!
Không những thế, tiệm giặt ngày càng lỗ lả, vì vùng Cầu Ông Lãnh nhỏ hẹp mà đã có những 5, 6 tiệm giặt ra đời trước. Cạnh tranh không nổi nên đóng cửa tiệm. Việc anh Thảo Âu du phải đình lại đã đành, nhưng vấn đề cơm gạo cho mấy mươi người đang hoạt động trong bóng tối, lấy gì chi phí hàng ngày? Tình trạng bi đát ấy đã thúc đẩy tôi nẩy sinh cái ý kiến phải làm “kinh tế mạo hiểm” theo đám kiểu đám anh hùng Lương Sơn Bạc từ thuở xa xưa”.
Nói cách khác đó là kiểu “lục lâm thảo khấu”, lấy của người giàu giúp cho người nghèo. Đáng chú ý nhất là vụ Sơn Vương cùng Ba Thảo và các chiến hữu gan dạ lập mưu chận xe của tên René Gaillard – phó giám đốc sở cao su Mimot và là quản trị viên của hãng Caffort. Toàn bộ số tiền khổng lồ 48.000 ngàn đồng mà y vừa nhận ở Đông Dương ngân hàng đã bị cướp một cách ngoạn mục.
Sau phi vụ này, cuộc đời của Ba Thảo và Sơn Vương rẽ sang một ngả khác.
Là người nuôi lý tưởng tìm con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc, Ba Thảo tìm đọc rất nhiều sách báo tiến bộ. Bấy giờ, ông rất thích một nhà báo ký tên Nam Kiều thường viết trên tờ Đông Pháp. Những bài báo nẩy lửa tố cáo chế độ thối nát, không khoan nhượng với chính sách thuộc địa đã gợi mở trong tâm trí ông nhiều vấn đề suy nghĩ. Chính vì thế, trong một ngày đẹp trời, ông đã đến toà báo để tìm gặp nhà báo mình yêu thích. Thì ra, người ký tên Nam Kiều chính là Trần Huy Liệu cũng người Bắc, quê ở Nam Hà – một đảng viên của Việt Nam Quốc dân đảng, được đảng giao nhiệm vụ phát triển đảng ở Nam kỳ. Qua những lần trò chuyện, Ba Thảo quyết định gia nhập đảng và dấn thân vào con đường hoạt động chính trị. Nhưng chẳng bao lâu, năm 1929, Ba Thảo và Trần Huy Liệu bị giặc Pháp bắt đày ra “địa ngục trần gian”. Trong khi đó, số phận Sơn Vương cũng không may mắn hơn, do một đàn em vì mê số tiền thưởng 5.000 đồng nên đã “bán” ông cho mật thám Pháp! Ông bị tống giam nhiều nơi và cũng bị đày Côn Đảo.
Côn Đảo là nơi rèn luyện, thử thách chí khí, phẩm chất, bản lĩnh của những người anh hùng. Chính thời gian ở đây, Ba Thảo và một số đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng đã có sự lựa chọn mới, nhận thức mới trong tư tưởng.
Dù đã sa vào tay kẻ thù, nhưng đảng viên của các đảng phái vẫn tiếp tục rèn luyện, học tập, tuyên truyền phát triển đảng nhằm tạo thanh thế cho đảng. Tất nhiên, ai cũng cho rằng, đảng của mình là ưu việt nhất, tiến bộ nhất, được quần chúng ủng hộ nhất v.v… Thậm chí ngay các thành viên trong một đảng cũng đánh giá, tranh luận đường lối, chủ trương về đảng của họ. Vì thế nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra và không ít lần dẫn đến những cuộc ẩu đả. Trong hồi ký, Trần Huy Liệu cho biết sự chuyển biến tư tưởng của một lớp người tù: “Sau những ngày tranh luận bằng báo chí xuất bản trong nhà tù và thư từ riêng lẻ, một cuộc trưng cầu ý kiến giữa những người bị bắt là Việt Nam Quốc dân đảng tại Côn Đảo gồm cả những người bị kết án khổ sai, cấm cố, phát lưu ở trại tù số 1, số 2, số 3 và rải rác cơ sở trên đảo đã đi đến tổng biểu quyết. Hầu hết đều tuyên bố theo chủ nghĩa Tam dân. Một số công nhận chủ nghĩa Tam dân là chủ nghĩa chính thức của đảng, nhưng còn phải nghiên cứu rồi sẽ có ý kiến… Kết quả chỉ có 6 người chúng tôi tuyên bố dứt khoát không theo chủ nghĩa Tam dân, nhưng vẫn đứng trong hàng ngũ Việt Nam Quốc dân đảng là: Tưởng Dân Bảo, Nguyễn Văn Viễn, Lê Văn Phúc, Hoàng Thúc Dị, Nguyễn Phương Thảo, Trần Huy Liệu”.
Dần dần, trong những ngày này do tiếp xúc, tranh luận với những người cộng sản, có không ít những đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng gia nhập Đảng Cộng sản. Sự lựa chọn này là cả một quá trình đấu tranh tư tưởng dữ dội, một sự dằn xé nội tâm. Qua tâm tư của
Trần Huy Liệu, ta có thể hiểu thêm về sự lựa chọn của Ba Thảo: “Để đạt tới mục đích, người cách mạng có thể tùy tình thế, chọn phương tiện chứ không thể khư khư bám lấy một phương tiện nào một khi đã thấy nó bất lực. Một lẽ rất hiển nhiên là có chủ nghĩa cách mạng rồi mới có đảng cách mạng. Có tổ chức đảng trước còn cách mạng, nhưng sau không còn cách mạng nữa và thậm chí là quay sang phản cách mạng. Đã vậy cái quan niệm “gái trinh không lấy hai chồng” không thể áp dụng trong trường hợp cách mạng. Cố nhiên người cách mạng phải trung thành với chủ nghĩa mà mình theo và phải có đảng tính vững vàng. Nhưng một khi xét thấy hai cái đó mâu thuẫn với nhau, đảng dần dần xa với lý tưởng cách mạng mà mình theo đuổi thì hai tiếng “phản đảng” mà có người buộc cho tôi không có ý nghĩa phản cách mạng”.
Xem thêm : Vai trò thế giới quan và phương pháp luận của triết học
Dù ý thức như thế, nhưng những người này vẫn bị ghép vào tội “phản đảng” và bị thanh trừng! Khi tuyên bố gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, Trần Huy Liệu bị chính anh em trong Việt Nam Quốc dân đảng thủ tiêu bằng cách dùng dao cắt cổ, may mà không chết; Ba Thảo bị đâm chột mắt trái; Tưởng Dân Bảo bị đâm sau gáy bằng thuổng v.v…
Năm 1935, được thả tự do Ba Thảo vẫn tiếp tục hoạt động sôi nổi, tất nhiên nhân sinh quan của ông nay đã khác trước. Vì thế năm 1938, ông lại bị mật thám Thái Nguyên bắt giam rồi chuyển cho Sở Mật thám Hưng Yên quản lý.
Trong thời gian này, dù không khí chính trị đang ngột ngạt, bị thực dân khủng bố, đánh phá khắp nơi nhưng Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn kiên quyết không rời bỏ lý tưởng giải phóng dân tộc. Đảng bám lấy mục tiêu tổ chức toàn dân đoàn kết, xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, bởi nói như Lênin: “Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, giai cấp vô sản không có vũ khí nào khác hơn là tổ chức”. Trên cơ sở đó tháng 10/1941, Mặt trận Việt Minh được hình thành.
Với Ba Thảo, khi Mặt trận Việt Minh ra đời, dù đang bị mật thám quản lý theo dõi nhưng ông vẫn chấp hành chỉ đạo của cơ sở Đảng.
Ông được Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) – ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng – phái lên Lai Châu tìm mua nguyên liệu để chế tạo lựu đạn; vận động binh lính người Việt trong quân đội Pháp bán hoặc lấy cắp vũ khí để chuyển cho các cơ sở cách mạng ở Hà Nội và Hải Phòng. Để không lộ tông tích, ông quyết định đổi tên Nguyễn Bình. Qua các chuyến đi gian nan và nguy hiểm, bản lĩnh của ông ngày càng tôi luyện và thông thuộc đường đi nước bước ở những nơi từng qua. Chính vì thế, khi thời cơ chính trị chín muồi, Nguyễn Bình đã có những quyết định hết sức táo bạo.
Lúc mâu thuẫn giữa thực dân Pháp và phát-xít Nhật đã lên đến đỉnh điểm: trong đêm 9/3/1943, Nhật nổ súng tấn công Pháp. Lợi dụng tình hình này, Nguyễn Bình đề xuất ý kiến với Xứ ủy đánh ngay vào đồn Bần Yên Nhân (Hưng Yên) cướp vũ khí của bọn lính Pháp. Ông cùng một số đồng chí gan dạ khéo đóng giả sĩ quan Nhật để đàng hoàng vào đồn. Ngay khi địch mở cửa, lập tức lực lượng dân quân đã nhanh chóng tiến quân ồ ạt. Bị đánh bất ngờ, bọn Pháp trở tay không kịp. Thắng lợi của trận đánh này, ngoài việc thu được khá nhiều vũ khí, chiến lợi phẩm thì điều quan trọng hơn nữa là nó đã tạo cho quần chúng niềm tin vào cách mạng. Sau đó, Nguyễn Bình được điều về Hải Phòng, ông được tiếp tục giao nhiệm vụ bằng mọi cách tìm vũ khí cho tổ chức.
Tình hình xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ngày một phát triển mạnh mẽ, không chỉ ở nông thôn mà còn lan rộng đến thành thị. Trước thời cơ này, từ ngày 15 đến ngày 20/4/1945 tại Hiệp Hòa (Bắc Giang), hội nghị quân sự đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức để phát động cao trào kháng Nhật và bàn những việc cần kíp chuẩn bị cho cho cuộc tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến. Hội nghị đã quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng, thành lập Việt Nam giải phóng quân, tổ chức các đội tự vệ, tự vệ chiến đấu, phát triển chiến tranh du kích trong cả nước và thành lập 7 chiến khu. Cả 7 chiến khu này đều mang tên các anh hùng dân tộc: Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Trần Hưng Đạo ở Bắc bộ; Trưng Trắc, Phan Đình Phùng ở Trung bộ; Nguyễn Tri Phương ở Nam bộ.
Chấp hành chủ trương này, Nguyễn Bình cùng một số yếu nhân như Hải Thanh, Trần Cung, Nguyễn Hiền… đứng ra xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị cho việc lập chiến khu Trần Hưng Đạo. Ngày ra đời của chiến khu này được đánh dấu bằng một sự kiện quan trọng: rạng sáng ngày 8/6/1945 các hướng quân đã tiến đánh chiếm các đồn Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch. Một lúc đập tan bốn đồn của địch, thủ tiêu chính quyền bù nhìn, lập ủy ban Nhân dân cách mạng là một chiến công đáng tự hào. Từ đây, chiến khu Trần Hưng Đạo đã hình thành trong thế chiến lược chung của công cuộc kháng Nhật. Đây là một địa bàn chiến lược ở vùng đông bắc Bắc bộ; phía đông nam sát vịnh Bắc bộ; phía bắc giáp Bắc Giang. Và do vị trí địa lý, nó nối liền với Khu giải phóng – tức vùng đất rộng lớn thuộc châu, huyện các tỉnh Cao Bằng, Bắc Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên… mà Tân Trào được chọn làm “thủ đô”. Chính vì thế, quân Nhật đã hai lần tiến đánh chiếm lại Đông Triều trong các ngày 10 và 17/6/1945, nhưng thất bại. Trong tập Lịch sử quân đội nhân Việt Nam (NXB Quân đội Nhân dân – 1977) của Ban Nghiên cứu lịch sử quân đội thuộc Tổng cục chính trị nhận định: “Tiếng vang của chiến khu Trần Hưng Đạo đã cổ cũ nhân dân Đông Bắc đứng lên chống Nhật, chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa, là một trong những căn cứ chống Nhật oanh liệt” (tr. 149).
Một khi đã tập hợp được quần chúng và tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện để tổ chức thành lực lượng vũ trang thì lực lượng ấy có sức mạnh như vũ bão. Chính Nguyễn Bình và những người lãnh đạo các đội du kích đã chứng minh điều đó. Sau khi nắm bắt thời cơ, họ đã chỉ huy các lực lượng vũ trang đánh chiếm Uông Bí, Bí Chợ và giải phóng thị xã Quảng Yên trước khi nổ ra Cách mạng tháng Tám. Đây là một thành tích quân sự nổi bật của chiến khu Trần Hưng Đạo.
Thời điểm này tình hình chính trị trong nước và trên thế giới có những chuyển biến quan trọng: ngày 6/8/1945 Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hirosima; ngày 8/8/1945 thành phố Nagasaki cũng chung số phận. Trước tổn thất to lớn này, ngày 14/8/1945 Nhật hoàng chính thức đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện. Tin Nhật đầu hàng càng thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm giành lại chính quyền ở các nước thuộc địa châu Á. Nhận thấy thời cơ đã chín muồi, đúng ngày Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng, Tổng bộ Việt Minh quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và phát lệnh tổng khởi nghĩa.
Những ngày đầu tháng 9/1945, do sự phát triển của các lực lượng dân quân và theo chỉ thị của Trung ương, chiến khu Trần Hưng Đạo đổi thành Ủy ban Quân sự liên tỉnh miền duyên hải Đông Bắc – gồm các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai và Hải Ninh. Nguyễn Bình được giao nhiệm vụ Tư lệnh và Lê Quang Hòa được Đảng phái xuống làm chính trị viên. Trên cương vị của mình, Nguyễn Bình tham gia chỉ huy giành chính quyền ở Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương.
Cuộc ra quân trong cả nước của hàng triệu người dân bị áp bức đã tạo nên thành công vang dội của Cách mạng tháng Tám. Thắng lợi này, “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(Hồ Chí Minh). Dù vậy, các thế lực phản động trong và ngoài nước vẫn không không từ bỏ âm mưu đánh phá Nhà nước cách mạng còn non trẻ.
Tại Nam bộ, bám theo chân quân đội Anh, thực dân Pháp tuyên bố sẽ tái chiếm “bình định Đông Dương”! Đọc lại Tuyên cáo Quốc dân của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, ta có thể hình dung được những ngày cam go tại Sài Gòn ngay sau Cách mạng tháng Tám:
“Đồng bào Nam bộ!
Vì coi quân Anh là đại biểu của Đồng minh tới đất nước chúng ta giải giáp quân Nhật để đem lại hòa bình cho dân chúng Đông Dương, nên chúng tôi – Ủy ban Nhân dân Nam bộ – luôn giúp quân đội Anh làm nhiệm vụ được dễ dàng. Mặc dù có nhiều điều bất mãn, chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi quốc dân nên nén lòng căm giận để đợi cuộc vận động ngoại giao với Đồng minh trên trường quốc tế. Nhưng do sự nhân nhượng và dung túng của quân Anh, bọn thực dân Pháp đã làm nhiều điều quá đáng.
Đêm 22/9, chúng cùng với quân đội Anh chiếm Sở Bưu điện và Sở Cảnh sát. Sáng ngày 23/9, quân đội Pháp công nhiên chiếm trụ sở Ủy ban Hành chánh Nam bộ và Quốc gia tự vệ cuộc. Chúng đã gây ra nhiều cuộc đổ máu ở đường phố Sài Gòn. Rõ ràng quân đội Anh đã làm trái trách nhiệm mà Đồng minh đã ủy thác cho họ…”.
Nam bộ là thịt của thịt Việt Nam, là máu của máu Việt Nam. Trước tình thế này, Trung ương nhanh chóng phái lực lượng vào Nam để “chia lửa”, đồng cam cộng khổ với đồng bào Nam bộ. Một trong những người có thể đảm đương nhiệm vụ gian khó này là Nguyễn Bình. Ông nhận trọng trách mà Bác Hồ “chọn mặt gửi vàng”. Đây là một vinh dự, một sự tin tưởng mà Bác đã trao cho ông, bởi mãi đến năm 1946 Nguyễn Bình mới chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đúng một tháng sau ngày Nam bộ kháng chiến, Nguyễn Bình có mặt tại Thủ Dầu Một. Vốn từng xông pha trận mạc, có kinh nghiệm tổ chức, kinh nghiệm lãnh đạo quân đội và căm thù sâu sắc bọn cướp nước nên vừa mới chân ướt chân ráo vào Nam – một địa bàn hoạt động cách mạng quen thuộc từ thời trai trẻ – Nguyễn Bình đã tự tay viết Thông báo số 1 gửi đồng bào Nam bộ, trong đó có đoạn hào hùng:
“Tôi được lịnh vào Nam cùng đồng bào đánh giặc, giữ nước. Với nhiệm vụ này, tôi thề trước Tổ quốc, trước đồng bào rằng: Sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, chưa thành công tôi không chạy trốn, chưa thành công tôi quyết không lui về. Nếu Nam bộ mất, tôi cùng chết với Nam bộ. Khẩu súng Wicker tôi mang theo người là vật kỷ niệm của đồng bào, đồng chí thành Tô Hiệu (Hải Phòng) tặng tôi trong giờ đưa tiễn với ý thức dặn dò và gửi gắm niềm tin. Tôi đã lặng lẽ và xúc động nhận nó với tâm nguyện: “Vì dân, vì nhà diệt quân thù và sẽ dùng nó tự sát khi phải cái nhục mất nước”.
Đây là cuộc toàn dân kháng chiến cứu nước, không phân biệt già, trẻ, gái, trai. Đồng bào hãy đồng tâm quyết đánh và quyết thắng.
Chống giặc tại nhà, tại làng, thôn, ấp, suối, rừng. Không cộng tác với giặc, không buôn bán, làm công cho giặc. Thực hiện triệt để vườn không nhà trống.
Đối với địch thực hiện ba không: không nghe, không thấy, không biết.
Đánh địch bằng mọi thứ vũ khí; không có súng thì dùng dao, bai, cuốc, xẻng, gậy gộc…
Chúng ta quyết đánh và quyết thắng”.
Văn bản này công bố ngày 22/10/1945, hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Tuyên cáo Quốc dân của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ quát triệt cho quần chúng. Cuối tháng 10/1945, các phòng tuyến của ta quanh Sài Gòn đều bị giặc Pháp chọc thủng và chúng từng bước nống ra toàn Nam bộ và Nam Trung bộ. Trước nguy cơ nền độc lập bị quân xâm lược đe dọa cao độ, các lực lượng kháng chiến dưới nhiều màu sắc chính trị, tôn giáo khác nhau đã đứng lên kêu gọi nhân dân đánh Pháp. Mối quan tâm lớn nhất của Xứ ủy Nam bộ là phải tổ chức, thống nhất các lực lượng kháng chiến này. Một nhân chứng, về sau là thượng tướng Trần Văn Trà đánh giá đây là “thời kỳ hỗn quân hỗn quan” ở Nam bộ. Các lực lượng này, mạnh ai ai đánh, muốn đánh đâu thì đánh chứ không có sự thống nhất, thậm chí họ còn đánh lẫn nhau! Và ông cho biết: “May Trung ương phái đồng chí Nguyễn Bình vào phụ trách quân sự Nam bộ cuối năm 1945. Chúng tôi nêu ý kiến với đồng chí ngay từ khi mới vào:
Xem thêm : Cặp phạm trù tất nhiên – ngẫu nhiên
– Dựa vào uy thế của Trung ương mong đồng chí làm được nhiệm vụ lịch sử lúc đầu kháng chiến này là thống nhất chỉ huy các lực lượng, đi vào trật tự và kỷ luật thì kháng chiến mới thành công. Giải phóng quân xin vì nhiệm vụ ấy mà chấp hành mệnh lệnh của đồng chí.
Đồng chí Nguyễn Bình đã làm được nhiệm vụ nặng nề và khó khăn đó vào năm 1946. Do chủ yếu là nhờ vào uy tín của Trung ương, của Bác Hồ, nhưng cũng là do năng lực vận động và thuyết phục của đồng chí. Tinh thần dũng cảm, bất chấp hiểm nguy trong thời buổi loạn lạc của chiến tranh khiến nhiều người thán phục đã giúp thêm cho đồng chí hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi một con người, chỉ cần làm được một sự việc giá trị trong một thời kỳ lịch sử nhất định đã là vô cùng quý giá. Đồng chí Nguyễn Bình đưa lại trật tự kháng chiến ở miền Đông Nam bộ, thống nhất quản lý chỉ huy các lực lượng vũ trang từ nhiều nguồn gốc thực tập của buổi đầu là một sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ” (Trần Văn Trà – Gửi người đang sống – NXB Trẻ – 1998, tr.98)
Với vai trò của mình, Nguyễn Bình đã thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào?
Sau khi quan sát thực tế từ địa hình, địa thế và tình hình nhân dân, ông chủ trương trước mắt phải tìm một địa điểm xây dựng căn cứ địa cách mạng, thiết lập tổng hành dinh để lãnh đạo quân sự toàn Nam bộ. Địa điểm ông chọn là xã An Phú – nằm ven hữu ngạn sông Sài Gòn. Sau đó, phải nhanh chóng tổ chức hội nghị quân sự gồm bộ đội các tỉnh Nam bộ, các lực lượng đang chiến đấu tại Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh lân cận để bàn việc đoàn kết thành một khối thống nhất trong hệ thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đúng 8 giờ sáng ngày 22/11/1945, Hội nghị An Phú Xã có tầm vóc lịch sử đã chính thức khai mạc dưới sự điều khiển của Nguyễn Bình và ông được Hội nghị đã nhất trí bầu làm Tổng Tư lệnh Quân Giải phóng Nam bộ. Một nhân chứng, sau này là thiếu tướng Tô Ký có kể lại trong hồi ký: “Trong hội nghị, anh Ba Bình xác định mấy nhiệm vụ phải làm ngay, là:
– Thống nhất biên chế, thống nhất danh hiệu Giải phóng quân Nam bộ.
– Các đơn vị là lực lượng vũ trang của địa phương, có nhiệm vụ chiến đấu chống địch lấn chiếm, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân. Khi cần, rút mỗi địa phương một số đơn vị để tổ chức những trận đánh lớn, đánh nhiều ngày, gây thiệt hại nặng cho địch, có tiếng vang trong nước và thế giới, làm cho nhân dân và kẻ thù thấy rằng cuộc kháng chiến không phải tàn lụi mà có đầy đủ sức mạnh đánh lâu dài. Nam bộ đánh kìm chân địch để miền Bắc kéo dài được hòa bình, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc”.
Ngay sau khi hội nghị kết thúc, Nguyễn Bình tự tay viết bản Thông cáo số 2, trong đó nhấn mạnh: “Từ ngày 22/11/1945 các lực lượng vũ trang sẽ thống nhất quân hiệu Giải phóng quân Nam bộ. Ngoài lực lượng chánh quy, các tỉnh còn tổ chức các đơn vị trợ chiến gồm địa phương quân và quân du kích, gọi tắt là dân quân. Các tổ chức vũ trang nhiều hay ít, tập thể hay cá nhân không nằm trong hệ thống Quân Giải phóng kể trên coi như hoạt động bất hợp pháp, phải giải tán để tránh tình trạng manh động, vô chánh phủ”.
Ngày 10/12/1945, chấp hành chỉ thị Kháng chiến kiến quốc của Trung ương, Xứ ủy đã triệu tập Hội nghị Quân sự mở rộng tại một xã trên sông Vàm Cỏ. Các đại biểu thống nhất chia Nam bộ thành ba chiến khu là Khu 7, 8, 9 và xây dựng các khu Lạc An, Đồng Tháp, U Minh làm căn cứ cho các chiến khu. Bộ đội chính thức đổi tên Vệ quốc quân. Địa bàn Khu 7 gồm Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh – do Nguyễn Bình làm Khu trưởng. Hiện nay, Quân khu 7 lấy ngày 10/12 hàng năm làm Ngày truyền thống. Sự thống nhất các lực lượng là một bước ngoặc quan trọng trong lịch sử kháng chiến Nam bộ. Ngay sau đó, chấp hành chỉ thị của Trung ương là phải tiến hành công tác đào tạo cán bộ, Nguyễn Bình đã thành lập trường Quân chính Khu 7. Hiện nay, ngày 12/12 đã trở thành Ngày Truyền thống của trường. Các “Khóa học Hồ Chí Minh”, “Khóa học Võ Nguyên Giáp” đã góp phần to lớn cho việc đào tạo cán bộ quân sự trên chiến trường Nam bộ trong những năm 1945, 1946.
Có thể khẳng định những việc làm kịp thời này, trong đó có sự đóng góp rất lớn của Nguyễn Bình đã tạo cho lực lượng vũ trang ở Nam bộ ngày càng ổn định và nhanh chóng trưởng thành, đủ sức mạnh để đối đầu với kẻ địch lớn mạnh gấp nhiều lần về nhân lực, vũ khí. Điều này được chứng minh bằng hàng loạt trận chiến đấu đã diễn ra ở Suối Đá, Bầu Đôn, An Tịnh (Tây Ninh), Lộc Ninh, Bình Khánh, Ông Khương (Thủ Dầu Một), Đức Hòa (Chợ Lớn), Chiến khu Đ (Biên Hòa) v.v…
Dù vậy, thời gian này tổ chức Đảng vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát trong các chi đội, nhất là các Chi đội Bình Xuyên. Đây là lực lượng vũ trang hợp nhất các nhóm vũ trang giang hồ và các lực lượng khác ở Nhà Bè (Sài Gòn) do Xứ ủy và Lâm ủy Hành chính Nam bộ tổ chức và chỉ đạo sau Cách mạng tháng Tám. Lực lượng này do Dương Văn Dương chỉ huy. Ông Dương lấy theo họ mẹ, quê ở xã Tân Quy Đông, quận Nhà Bè (nay thuộc quận 7 – Thành phố Hồ Chí Minh), lớn hơn Nguyễn Bình 8 tuổi. Năm 24 tuổi, ông đã là tay anh chị khét tiếng, hùng cứ ở vùng Tân Quy, Nhà Bè. Năm 39 tuổi ông cùng em trai Nam Hà làm công nhân cho hãng đóng tàu Nhật Nichian và bí mật lập ra Thanh niên bí mật đoàn. Lợi dụng lúc Nhật đầu hàng đồng minh, ông lấy một số súng trang bị cho tổ chức của mình. Sau khi thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Nam bộ, ông đưa tổ chức của mình vào lực lượng vũ trang cách mạng và lấy tên bộ đội Bình Xuyên. Để thu phục nhân tài, tranh thủ lực lượng này và thực hiện chính sách đoàn kết toàn dân đánh Pháp, Nguyễn Bình đã bổ nhiệm Dương Văn Dương làm Khu phó Khu 7, chỉ huy mặt trận Tây nam Sài Gòn. Có thể nói, trong những ngày đầu ra quân, bộ đội Bình Xuyên đã đóng góp nhiều công sức hợp đồng tác chiến để tạo nên những chiến thắng vẽ vang. Nhưng sau đó, nội bộ Bình Xuyên có sự phân tán nhất là sau khi Dương Văn Dương hy sinh. Ông mất ngày 16/1/1946, trúng đạn máy bay Pháp trong đợt rút quân về Bến Tre. Về sau, ông được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy phong quân hàm thiếu tướng. Một vinh dự lớn nữa là đầu năm 1947, tên ông được đặt cho con kinh dài nhất, dài 45km, nối từ huyện Tân Thạnh (Long An) sang tỉnh Đồng Tháp, thay cho tên cũ Lagrande. Và trung đoàn 300 vì thành tích đánh giặc giỏi cũng được mang tên ông.
Sau khi Dương Văn Dương mất, trong hồi ký của thiếu tướng Tô Ký cho biết: “Anh Nguyễn Bình với Tư cách Tư lệnh Nam bộ đã bổ nhiệm Lê Văn Viễn là Phó Tư lệnh Khu 7 để thống nhất lực lượng Bình Xuyên về quân khu. Khi có tư cách chỉ huy bộ đội Bình Xuyên và Phó Tư lệnh Khu 7, Bảy Viễn lại tin dùng và dựa vào một số phần tử không có thiện chí, thậm chí chống đối cách mạng. Bảy Viễn và bọn này chịu sự chỉ huy của Pháp: lập “chiến khu xanh” đối lập với chiến khu đỏ (Chiến khu Đ) của ta. Nhưng lực lượng này ngày một phân hóa, cuối cùng vào năm 1948 Bảy Viễn và một nhóm phản động đã từ bỏ kháng chiến chạy theo Pháp”. Trước tình thế này, vừa chấn chỉnh, củng cố lại lực lượng, Nguyễn Bình còn kiên quyết xử lý nghiêm minh những phần tử xấu tưởng chừng như bất trị để đề cao kỷ luật quân đội và tạo cho quần chúng niềm tin về cách mạng.
Không chỉ có công trong việc thống nhất lực lượng kháng chiến, mở trường đào tạo cán bộ quân sự, Nguyễn Bình còn chủ trương táo bạo là phải tổ chức lực lượng đánh thẳng vào hang ổ của giặc Pháp ngay tại Sài Gòn. Và chính ông đã tạo nên một huyền thoại “xuất quỷ nhập thần” khi nhiều lần đơn thương độc mã vào nội thành. Qua móc nối, từ cuối tháng 11/1945, một trí thức yêu nước là luật gia Lê Đình Chi đã đưa Nguyễn Bình từ chiến khu An Phú Đông về Thị Nghè. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ và hướng dẫn nhiệt tình của luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, ông đột nhập an toàn vào vào giữa Sài Gòn, ăn ở tại biệt thự cũ của luật sư Vĩnh tại số 35 đường Pierre (nay Mai Thị Lựu). Nguyễn Bình đã dành nhiều thời gian quan sát cách bố trí đồn bót của giặc để từ đó vạch ra phương án đánh thẳng vào cơ quan đầu não của chúng. Đầu năm 1946, Nguyễn Bình thực hiện chủ trương đưa cán bộ và cán bộ dũng cảm nhất quay ngược trở lại Sài Gòn, ông bảo:
– Các đồng chí về thành, rừng người bảo vệ các đồng chí còn tốt hơn rừng cây.
Trong tập Lược sử chiến sĩ quyết tử do Câu lạc bộ truyền thống vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn cho biết: “Sau khi bàn bạc với các Chi đội trưởng và chỉ huy một số phân đội vũ trang, Khu bộ trưởng Nguyễn Bình ra lệnh chấn chỉnh thống nhất lại các đơn vị vũ trang tự lập như Ban Trinh sát Hùng Vương, Ban Trinh sát Quân chính, Ban Vô hình, Ban Ám sát, Ban Trừ gian, Đội Cảm tử Nguyễn Bình, Nhóm Dao găm… lấy một tên chung là Ban Công tác Thành. Cuộc họp ở Gò Cát, xã Bình Hòa Hưng (giáp ranh Chợ Lớn) và sau đó ở ấp 4 xã Vĩnh Lộc, huyện Hóc Môn ngày 6/1/1946 với kết luận mang tính chất quyết định: “Có thể đánh du kích ngay giữa lòng địch, xuất phát từ căn cứ nằm giữa lòng dân”. Ngoài ra, ông còn chỉ đạo thành lập Ban Công tác 145 hoạt động tình báo nhằm tìm hiểu hoạt động chính trị, quân sự của đối phương.
Rõ ràng, ngay từ khi vào Nam, Nguyễn Bình đã làm tròn nhiệm vụ, không phụ lòng tin cậy của Bác Hồ và Trung ương, vì thế ông được khen thưởng xứng đáng. Trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, người được phong quân hàm Đại tướng đầu tiên là Võ Nguyên Giáp, do Bác Hồ ký sắc lệnh số 110-SL ngày 20/1/1948; và chỉ năm ngày sau, ngày 25/1/1948, người được phong quân hàm Trung tướng đầu tiên là Nguyễn Bình, cũng do Bác đã ký Sắc lệnh 115-SL.
Bước sang năm 1948, cục diện chiến trường trong cả nước đã có những thay đổi rõ rệt, nhất là sau chiến thắng Việt Bắc. Từ chiến lược đánh nhanh, giải quyết nhanh, thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn đánh kéo dài, quay về bình định vùng đã chiếm đóng và lấn chiếm vùng tự do của ta. Đây là giai đoạn đấu tranh giằng co quyết liệt giữa ta và địch. Tháng 10/1948, Bộ Tư lệnh Nam bộ được thành lập, Bác Hồ ký Sắc lệnh số 18-SL cử Nguyễn Bình làm Tư lệnh. Trên cương vị mới, ông đã cùng Xứ ủy và Bộ Tư lệnh chỉ đạo, lãnh đạo lực lượng vũ trang các khu trên toàn chiến trường Nam bộ ngày càng phát triển, phối hợp hợp nhịp nhàng với cuộc kháng chiến trong cả nước để đi đến những thắng lợi có tính chất quyết định.
Tháng 6/1951, Nguyễn Bình nhận lệnh ra Việt Bắc báo cáo tình hình Nam bộ. Trước khi đi, theo nhật ký của Trần Huy Liệu – người đã dẫn dắt, giới thiệu ông vào Việt Nam Quốc dân đảng, thì: “Mấy tháng trước, một người bạn từ Nam ra cho mình biết là Thảo (tên thật của Nguyễn Bình) vừa mổ mắt và dường nguy kịch lắm. Thảo đã bị hỏng một mắt rồi, còn một mắt nữa, nếu không chữa nhanh sẽ bị mù nốt. Một hội đồng bác sĩ đã nghiên cứu chữa mắt cho Thảo và không dám bảo đảm tính mệnh trong khi thiếu phương tiện và phải lấy một con ngươi ra. Nhưng Thảo đã thản nhiên viết giấy cam đoan cho bác sĩ móc mắt và không tiêm thuốc mê, cho tới khi gục xuống bất tỉnh”. Bản lĩnh ấy kể ra cũng anh hùng và ít nhiều toát lên bản lĩnh của một chiến tướng.
Chuyến đi của Nguyễn Bình bắt đầu ngày 6/7/1951, đi từ Tân Uyên trong Chiến khu Đ, cùng đi với ông có đội bảo vệ 22 người. Dọc đường đi, ông bị phục kích và hy sinh ngày 29/9/1951 tại một phum Kpal Rô Mia, xã Sêrêpok, huyện Sêsan, tỉnh Stungteng (Kampuchia). Ngày 29/8/1952, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh 84-SL “Nay truy tặng Trung tướng Nguyễn Bình – Tư lệnh chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Nam bộ Huân chương quân công hạng Nhất”. Ngày 6/3/2000 Nhà nước ta truy tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh.
Gần năm mươi năm sau, Bộ Quốc phòng chỉ đạo đoàn cán bộ chính sách đi tìm hài cốt của trung tướng Nguyễn Bình. Những người tham gia chuyến đi nặng tình đồng đội, đền ơn đáp nghĩa với người đã khuất, may mắn được gặp nhân chứng là ông Nhoi Sarô ở làng Kapal Rô Mia. Có mặt trong chuyến đi này, thiếu tướng Phùng Đình Ấm kể:
“Qua gợi ý của đoàn, ông già lần lượt kể câu chuyện dài cả 49 năm về trước, cái năm trung tướng Nguyễn Bình đến làng, ông mới vừa 24 tuổi và là đội trưởng dân quân. Ông bảo: “Bộ đội Việt Nam ở trong làng tôi hai đêm. Không biết người chỉ huy tên gì, cấp gì theo thói quen đồng bào chúng tôi gọi là “Lục Thum” (tức ông Lớn). Tôi cho “Lục” biết ở đây bọn “Commando” gác cầu thỉnh thoảng vào làng bắt heo, gà, “Lục” ở phải đề phòng. Không ngờ tai họa đến với “Lục”, bất thình lình bọn chúng đến làng, phát hiện “Lục” ở ngoài chòi ruộng, chúng đã nổ súng và “Lục” đã bị đạn hy sinh. Hôm đó tôi đưa đường cho ông Vàng và 15 bộ đội Việt Nam đi liên lạc ở làng Ray Cô, đón anh em Việt Nam ở sông Sê Ông đến, khi trở về thì sự việc đã xảy ra, tôi vô cùng đau đớn, tiếc thương “Lục”. Lập tức tôi, Rom Chưm và một người làng nữa cùng với bộ đội Việt Nam khiêng vác “Lục” đi khoảng 6km, dùng thuyền độc mộc vượt sang bờ nam Sêrêpok. Tội nghiệp “Lục Thum” người cao to như Tây, hỏng con mắt trái, có 3 – 4 cái răng vàng, đã chết lúc còn trẻ lắm. Để chôn cất, tôi phải đốt đuốc bằng tre nứa để soi sáng cho bộ đội Việt Nam đào hố thật rộng, sâu đến ngực, khi chôn xong thì trời đã một giờ sáng. Lúc đó còn mùa mưa, nước sông dâng cao, nghe bộ đội Việt Nam nói là tháng 9 của năm 1951. Sau đó bộ đội Việt Nam rút về phía Nam. Chừng ba ngày, ông Vàng cùng anh em trở lại đắp nấm mộ thật cao; không biết đã lấy xác đi chưa? Nếu chưa thì xác còn đấy. Ngôi mộ nằm gần con đường lên xuống bến, nên hàng ngày bà con đi qua, đi lại thấy ngôi mộ vẫn còn nguyên, năm nào đồng bào cũng phát dọn cây cối xung quanh không cho chúng mọc lấp thành rừng” (báo Sài Gòn Giải phóng ngày 11/3/2000).
Từ thông tin quan trọng này, đoàn đã tìm ra ngôi mộ của Nguyễn Bình nằm trên mảnh đất cách bờ sông Srê pốc chừng 70 – 80m. Sau đó, lễ cải táng được tổ chức tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Tại buổi lễ truy điệu trọng thể ngày 11/3/2000 ở Bộ Tư lệnh Quân khu 7, trong Lời điếu của thượng tướng Phạm Văn Trà – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – có đoạn khẳng định:
“Đồng chí Nguyễn Bình là một người cộng sản kiên trung, một tướng lĩnh quả cảm, nghĩa hiệp, giàu đức hy sinh, lòng dũng cảm và tài thao lược. Đồng chí đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tên tuổi Nguyễn Bình luôn gắn với Chiến khu Đông Triều, Chiến khu duyên hải Bắc bộ, với Sài Gòn – Chợ Lớn, Đông Nam bộ và Nam bộ. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là một tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam học tập, noi theo. Công lao và tên tuổi của đồng chí mãi mãi sáng ngời trên đài Tổ quốc ghi công”.
(Nguồn: Lê Minh Quốc, Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Tập 10, Các nhà chính trị, NXB Trẻ)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức