Nguyễn Sơn – Lưỡng Quốc tướng quân (Tiểu sử + Câu chuyện)

0

Nguyễn Sơn – Lưỡng Quốc tướng quân – Là ai?

Nếu ngày xưa, có những ông Trạng ở nước ta do tài năng và kiến thức uyên bác, lịch lãm khi đi sứ đã khiến triều đình Trung Hoa phải khâm phục và phong tặng “lưỡng quốc trạng nguyên” thì ở thế kỷ XX, tướng Nguyễn Sơn cũng xứng đáng được gọi “lưỡng quốc tướng quân” do tài năng của ông trong lãnh vực chính trị – quân sự. Nhà thơ Hữu Loan viết những dòng thơ có thể khái quát được đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của một vị tướng “râu hùm, hàm én”:

Nguyễn Sơn như con tàu biển khổng lồ
Mang giông tố đại dương đi đến đâu Không cho sóng ngủ
Nguyễn Sơn như núi lửa mọc ở đâu
Là gây những đám cháy vòng quanh
Từ Vạn lý Trường chinh
Nguyễn Sơn về Liên khu Tư
Những năm đầu kháng chiến
Liên khu Tư của Nghệ Tĩnh lầm lỳ
Và nước Liên khu Tư
Đã biết thế nào là giông biển
Và rừng Liên khu Tư
Đã biết thế nào cháy rừng

Rõ ràng đây là tính cách của một người bộc trực, ăn sóng nói gió. Đánh giá về ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu: “Anh Nguyễn Sơn là một chiến sĩ cách mạng ưu tú của Đảng, một tướng có công của quân đội ta. Đặc biệt, anh là vị tướng nước ngoài duy nhất của Quân Giải phóng Trung Quốc, đã tham gia cách mạng và kháng chiến ở Trung Quốc trong nhiều năm. Như vậy, có thể nói Nguyễn Sơn là một chiến sĩ quốc tế đã để lại tấm gương tốt đẹp về tình hữu nghị giữa Cách mạng Việt Nam và Cách mạng Trung Quốc. Nguyễn Sơn là một chiến sĩ cộng sản kiên định, một người có khí phách, có chút ngang tàng; nhưng phải nói anh là vị tướng có tài năng. Anh Sơn chẳng những có tài về quân sự mà còn có khả năng về chính trị, về tuyên huấn, về tuyên truyền. Anh lại có phong cách riêng – “rất Nguyễn Sơn”.

Nguyễn Sơn (1908-1956)

Nguyễn Sơn (1908-1956)

Nguyễn Sơn tên thật là Vũ Nguyên Bác, sinh ngày 1/10/1908 tại phố Yên Ninh (Ba Đình – Hà Nội) nhưng quê gốc ở làng Kiêu Kị, nơi có nghề truyền thống dát vàng nổi tiếng. Từ tuổi thanh xuân, khi đang học trường Sư phạm Bắc kỳ, ông đã được Nguyễn Công Thu – liên lạc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đón sang Trung Quốc huấn luyện. Trước lúc chuẩn bị ra nước ngoài, ông giả vờ cãi nhau với vợ vì vợ hỗn với bố vợ để lấy cớ bỏ đi. Lúc thoát ly, vợ chồng ông chỉ mới có một đứa con gái ba tháng tuổi.

Trong tự truyện, ông viết: “Tới Trung Quốc mùa thu năm 1925, được sự bồi dưỡng của nhà yêu nước lão thành Hồ Chí Minh, tôi bắt đầu tiếp thu những hiểu biết về khoa học xã hội, lịch sử phát triển của xã hội, A, B, C về chủ nghĩa cộng sản, nhất là được Hồ Chí Minh tổng kết lịch sử phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam, phê phán con đường của một số người, đã có ảnh hưởng đến tôi rất lớn, và tôi tin tưởng ở con đường cơ bản là phải tuyên truyền, tổ chức quần chúng để khởi nghĩa vũ trang, và trên một mức độ nào đó dựa vào sự viện trợ của cách mạng quốc tế”. Trong thời gian này, ông gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Sau đó, ông được đưa vào học khóa bốn trường Quân sự Hoàng Phố. Ông được nhà trường đào tạo về các mặt quân sự để sau này trở về nước tổ chức đấu tranh vũ trang. Lúc này, ông lấy tên Hồng Tú, vì quê nhà có ngọn Hồng Lĩnh, Hồng Sơn từng là căn cứ kháng chiến lẫy lừng của các bậc tiền nhân. Qua đó, ông tự nhắc nhở mình phải trở thành người ưu tú, tuấn kiệt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tại trường Quân sự Hoàng Phố, ông gia nhập Quốc dân đảng, nhưng sau khi Tưởng Giới Thạch làm cuộc chính biến phản bội chủ trương “Liên Nga, liên cộng, phù trợ công binh”, ông ra khỏi đảng. Tháng 8/1927, ông bí mật vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và trở thành một trong những người đầu tiên tham gia lực lượng vũ trang. Tiền thân của lực lượng vũ trang này là tổ chức Hồng quân công nông do Đảng Cộng Sản Trung Quốc lãnh đạo, ra đời trong tiến trình của các cuộc khởi nghĩa Nam Xương (1/8/1927), khởi nghĩa Vụ gặt mùa thu (9/1927), rồi khởi nghĩa Quảng Châu (12/1927). Trong khởi nghĩa Quảng Châu, Nguyễn Sơn có tham gia và đã chiến đấu anh dũng. Sau khi bị Quốc dân đảng đàn áp thảm khốc, cuộc khởi nghĩa này thất bại, Nguyễn Sơn trốn sang Thái Lan rồi quay trở lại Trung Quốc. Do Quốc dân đảng thường gọi người cộng sản là hồng thủy (nước lũ) và mãnh thú – để tuyên chiến với kẻ thù, ông lấy luôn tên Hồng Thủy. Còn Mao Trạch Đông lúc thân mật thường gọi ông là “Tiểu Hồng”.

Và ông đã xứng danh Tiểu Hồng khi tham gia một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử quân đội cách mạng Trung Quốc. Trong quá trình đấu tranh giành chính quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lập được nhiều căn cứ, gọi là các khu Xô – viết. Từ năm 1930 – 1934, các khu căn cứ đã bị quân đội Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch vây quét cả thảy 5 lần. Trong cuộc truy quét lần thứ 5, để bảo toàn lực lượng, Hồng quân công nông Trung Quốc buộc phải tiến hành cuộc Vạn lý trường chinh. Họ rút lui từ các căn cứ vùng đông nam lên căn cứ Thiểm Tây – Cam Túc – Ninh Hạ vùng tây bắc. Trong cuộc trường chinh nổi tiếng này, một người Việt Nam duy nhất tham gia chính là Nguyễn Sơn. Lúc đó, ông đã là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản nước Cộng hòa Xô – viết Trung Hoa, Ủy viên Chính phủ Dân chủ Công nông Xô – viết Trung ương. Vạn lý trường chinh cực kỳ gian khổ, bắt đầu từ tháng 10/1934 và kết thúc vào tháng 10/1936. Họ phải vượt 12.000 km, qua 11 tỉnh, vượt non cao rừng thẳm, núi cao tuyết phủ, vượt qua các trận đánh chận truy kích của kẻ thù. Từ 300.000 người trường chinh, nhưng khi về đến đích chỉ còn khoảng 30.000 người! Sau cuộc trường chinh, Nguyễn Sơn được giao giữ nhiều trọng trách như tổng biên tập báo “Kháng địch” của Biên khu Tân Sát Ký, giảng viên chính trị Trường cán bộ quân chính kháng Nhật…

Trong đời thường, Nguyễn Sơn hòa đồng với mọi người nhưng tính cách của ông bộc trực, nóng như lửa, không thỏa hiệp với cái xấu, không kết bè với lũ cơ hội. Chính vì như thế, ông đã ba lần bị bọn xấu gièm pha, chụp mũ “đặc vụ cao cấp”, “gián điệp quốc tế” để khai trừ ra khỏi Đảng. Nhưng thời gian đã chứng minh ông là một chiến sĩ quốc tế trong sáng, tham gia vào công cuộc giải phóng nhân dân Trung Quốc vô tư, không vụ lợi nên đã được khôi phục lại danh dự. Tính cách của ông đã được một người phụ nữ Trung Quốc đem lòng yêu mến và tự nguyện trăm năm xe tơ kết tóc.

Năm 1937, lúc đang công tác ở Ngũ Đài, ông cần một nữ cán bộ có văn hóa, có năng lực để lãnh đạo công tác phụ nữ. Cán bộ khu là Từ Lục Chi đã giới thiệu ông với một cô gái xinh đẹp tên là Trần Ngọc Anh (tức Trần Kiếm Mậu hoặc Trần Kiếm Qua – sau này sẽ là Thành ủy viên Bắc Kinh). Những tưởng mọi việc thuận buồm xuôi gió, nhưng không: một, quân lệnh không cho phép bộ đội yêu phụ nữ địa phương; hai, người cha của cô không đồng ý, ông sợ con cái mình sẽ theo chồng về Việt Nam. Thậm chí còn có người người dị nghị nói ra nói vào:

– Người Trung Quốc có hàng vạn hàng triệu, sao phải đi kiếm người nước ngoài?

Cô thẳng thắn đáp:

– Anh ấy giúp chúng ta làm cách mạng, lãnh đạo chúng ta chống Nhật, sao lại không yêu anh ấy được?

Chính nhờ thế, tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái. Trong năm tháng từng trải trận mạc, Nguyễn Sơn đã chứng tỏ có nghị lực phi thường và khả năng chịu đựng ghê gớm. Nếu trong thơ ca kháng chiến Nam bộ thời chống Pháp có bài thơ viết về anh thương binh Cụ Hồ, khi lên bàn mổ để cưa chân đã hát Quốc ca để vượt qua cơn đau khủng khiếp, thì Nguyễn Sơn đã nghiến răng chịu đựng như thế. Điểm giống nhau ở cả hai trường hợp này là do thiếu thốn nên họ không được dùng đến thuốc tê. Bà vợ Nguyễn Sơn kể lại: “Thời kháng chiến, thuốc men ở vùng giải phóng vô cùng quý hiếm. Thuốc tê là loại thuốc không thể thiếu khi mổ chấn thương. Vì muốn dành thuốc tê cho các đồng chí bị thương ở tiền tuyến, Hồng Thủy ba lần thỉnh cầu Bation khi mổ cho ông tuyệt đối không dùng đến thuốc tê. Bation đồng ý. Hồng Thủy biết rõ là bác sĩ Bation khi mổ xẻ rất ghét nghe thấy bệnh nhân kêu rên. Trước khi mổ, Bation đưa cho Hồng Thủy một miếng lụa để ông cắn chặt lại khi đau quá để tránh tổn thương răng và lưỡi. Hồng Thủy không dùng đến. Mổ xẻ dù nhỏ cũng là cắt thịt da. Khi dao mổ hạ xuống, Hồng Thủy đau đến nỗi nổ đom đóm mắt, da dẻ nhợt nhạt, mồ hôi từ lông mày chảy tong tong. Ông cắn chặt răng, tay nắm lại, gắng hết sức không bật ra tiếng kêu rên. Sau đó, ông nhắm mắt lại, thở dốc, từ đầu đến cuối không kêu rên một tiếng. Mổ xong, Bation giơ một ngón tay cái lên, khen:

– Hồng Thủy cừ lắm! Anh thật dũng cảm”.

Vui duyên mới với người vợ Trung Quốc, nhưng ông vẫn không quên nhiệm vụ của mình. Sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chủ tịch cho gọi ông về nước để góp phần xây dựng lực lượng vũ trang trường kỳ kháng chiến. Vì tình yêu Tổ quốc, ông phải từ biệt vợ và con thơ để trở về quê nhà. Trước lúc đi, ông âu yếm nói với vợ:

– Đêm hôm qua, anh nằm mơ thấy mẹ đứng trên đỉnh núi Hồng Sơn gọi anh, bảo anh về. Em ạ, em có nhớ bài thơ Tiễn Đỗ Phủ đi nhận chức ở Thục Xuyên của Vương Bột không?

Người vợ gật đầu và cả hai cùng đọc (tạm dịch):

Từ kinh đến giữ Tam Tần
Gió sương mù mịt Ngũ Tân xa vời
Lênh đênh bể hoạn cuối trời
Chung trong cảnh ngộ xa rời được đâu
Còn tri kỷ chốn bể dâu
Thì chân trời có xa đâu mà buồn
Đừng như nhi nữ sầu tuôn
Biệt ly bén giọt lệ buồn đẫm khăn

Và trong lúc chia tay, Mao Trạch Đông thân mật đùa:

– Hồng Thủy có tính cách thông minh, sáng suốt nhưng rất bướng. Một cán bộ như vậy nếu dùng tốt thì đó là “tuấn mã”, một “thiên lý mã”, nhưng mặt khác lại là một con ngựa bất kham.

Về nước, từ năm 1946 đến năm 1947 ông được Chính phủ cử giữ chức hiệu trưởng Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi – là một trong những trường quân sự đầu tiên của quân đội ta đào tạo các cán bộ quân sự sơ cấp. Trên cương vị hiệu trưởng cùng với chính viên Trần Thùy, Nguyễn Chính Cầu, ông đã đào tạo được khoảng 400 cán bộ để cung cấp cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau đó, Nguyễn Sơn lần lượt giữ các trọng trách như tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng; cục trưởng Cục quân huấn Bộ Tổng tham mưu; tư lệnh kiêm chính ủy Liên khu IV.

Về những đóng góp của Nguyễn Sơn đối với lực lượng vũ trang, đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Anh luôn chú trọng đào tạo cán bộ”. Đây là điều rất quan trọng, bởi từ người lính trưởng thành từ cuộc kháng chiến, ông thấu hiểu vai trò của người cán bộ có tầm quan trọng như thế nào trong quân ngũ. Chính vì thế, khi là tư lệnh kiêm chính ủy Liên khu IV, Nguyễn Sơn đã “rèn quân chỉnh cán” một cách bài bản, quy củ và góp phần tích cực đưa bộ đội vào nề nếp chính quy… Chính ông là người đầu tiên đã có sáng kiến tổ chức một hình thức rèn luyện mới dành cho cán bộ và bộ đội, gọi là “đại hội tập”. Có thể hiểu rằng, đây là cuộc diễn tập nhằm kiểm tra trình độ, bản lĩnh của cán bộ chiến sĩ đã được huấn luyện. Trên cơ sở đó, đơn vị tham gia phải giải quyết những huống được đặt ra trong thực tế, chẳng hạn, gặp bom mìn, hầm bẫy hoặc bị địch phục kích… Như vậy, suốt dọc đường hành quân, ngoài việc rèn luyện kỹ thuật tác chiến thì đơn vị tham gia phải trao đổi kinh nghiệm và bàn bạc các phương án đánh địch v.v…

Lễ ra mắt bộ đội địa phương tại Liên khu IV (1948)

Ngoài việc góp phần không nhỏ trong việc xây dựng lực lượng chính quy, lực lượng dân quân tự vệ, Nguyễn Sơn còn viết sách lý luận về các vấn đề quân sự để bộ đội học tập như ø Chiến thuật, Dân quân – một lực lượng chiến lược, Chủ nghĩa Lênin… Không những giỏi về quân sự mà ông còn tỏ ra là người am hiểu sâu sắc về văn hóa nghệ thuật và ông còn có tài hùng biện, có thể nói thao thao bất tuyệt về một đề tài mình tâm đắc, khiến người nghe bị cuốn hút. Có lẽ đây là một trong những ấn tượng khó quên của các văn nghệ sĩ khi được làm việc chung với ông như Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Lạp, Bửu Tiến, Đào Duy Anh, Hữu Loan, Hồ Dzếnh, Phạm Văn Đôn, Vũ Ngọc Phan, Hằng Phương, Trương Tửu, Hải Triều, Nguyễn Khánh Toàn… Họ đã giữ lại trong tình cảnh những hình đẹp dành cho ông. Nhà thơ Hữu Loan có kể lại một vài chi tiết trong đời thường của ông thời ở Liên khu IV:

“Ở đây, ông được bộ đội và nhân dân đặc biệt yêu mến. Người ta kể về ông rất nhiều giai thoại. Ví dụ như việc phong tướng cho Nguyễn Sơn, ở chợ Đà (Thọ Xuân – Thanh Hóa) Nguyễn Sơn nói vui: “Tôi là thừa tướng chứ không phải thiếu tướng!”. Nguyễn Sơn rất phóng túng ngang tàng. Khi đi công tác, ông thường đi một mình, trên chiếc xe đạp Stéc – linh, chứ không mang theo tùy tùng. Có lần trên đê sông Chu, ông bấm chuông cho bà con đi chợ tránh đường. Tiếng chuông khá gay gắt. Mấy bà cự lại: “Làm gì mà hách như ông tướng thế?”. Nguyễn Sơn đáp lại: “Thì tướng đây chứ còn gì nữa!”. Nguyễn Sơn cao lớn, da đen, râu hùm, hàm én. Có người ví ông như Từ Hải, ông cáu văng tục. Hách thế, nhưng Nguyễn Sơn lại rất ân cần, tình cảm với mọi người. Có lần đang lần mò trong rừng mạn núi Nưa, ông gặp một đoàn thiếu niên lôi thôi, lếch thếch từ phía trong đi ra đang lớ ngớ tìm đường. Hỏi ra thì biết đấy là thiếu sinh quân, ông reo lên: “À hay lắm! Ta là người lập ra Trường Thiếu sinh quân đây!”. Rồi ông mời mấy cậu bé vào quán ăn chè lam, uống nước chè xanh và chỉ đường cho về trường. Đối với anh em văn hóa văn nghệ, Nguyễn Sơn cũng ưu ái đặc biệt. Lúc ấy Ban Tuyên huấn khu bộ có tới 172 người. Thấy anh em vất vã, ông ra lệnh cấp sinh hoạt phí cho lính văn nghệ gấp đôi lính thường. Trình độ văn hóa và sự hiểu biết văn nghệ của Nguyễn Sơn rất cao. Có lần ở núi Nưa, có cả giáo sư Đặng Thai Mai tham dự, Nguyễn Sơn đã nói 8 tiếng đồng hồ về Truyện Kiều”.

Một điều không kém phần thú vị, dù bận rộn với việc “rèn quân chỉnh cán” trong kháng chiến, nhưng ông vẫn quan tâm đến lãnh vực văn hóa. Nhà thơ Hồ Dzếnh nhớ lại: “Thiếu tướng Nguyễn Sơn vẫn vui lòng nhận những cuộc bút chiến và tranh luận trên tinh thần tự do dân chủ cao độ, duy trì triệt để những lập luận của mình, đồng thời cũng để tận lực khai triển những ý nghĩ đối lập của người khác. Những lúc chan hòa sôi nổi như thế, nhà quân sự như quên hẳn cây súng bên mình để chỉ chìm đắm bởi những rung động sảng khoái.

Rồi vừa dứt ra những cuộc tranh luận hào hứng, Nguyễn Sơn đã lại tiếp ngay vào công tác quân đội, một sức bền bỉ dẻo dai, không phân biệt ngày đêm…”

Do có nhiều cống hiến cho công tác quân sự- chính trị nên năm 1948, ông phong quân hàm Thiếu tướng do Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh phong cùng đợt với tướng Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm. Đặc biệt riêng Nguyễn Sơn còn được Bác Hồ gửi tấm thiếp với dòng chữ: “Tặng Sơn đệ” (tặng chú Sơn) với lời khuyên:

Đảm dục đại
Tâm dục tế
Trí dục viên
Hành dục phương

12 chữ này, Bác Hồ đã lấy từ lời nói của Tôn Tử Mạo trong sách Minh tâm bửu giám: “Đảm dục đại nhi tâm dục tiểu; trí dục viên nhi hạnh dục phương. Niệm niệm hữu như lâm địch nhật; tâm tâm thường tự quá kiều thời”, nghĩa là: “Cái mật muốn được lớn (dũng cảm), trái tim muốn được nhỏ (tinh tế); trí khôn muốn được tròn (dễ xoay chuyển), tính nết muốn được vuông (ngay thẳng, đứng đắn). Lúc nào cũng nghĩ ngợi như đến trước mặt kẻ địch; khi nào cũng giữ lòng cẩn thận như lúc qua cầu nguy hiểm”.

Thiếp thư của Bác Hồ gởi tướng Nguyễn Sơn năm 1948

Với những câu này, Bác khuyên tướng Nguyễn Sơn phải “to gan lớn mật”, dũng cảm trong chiến đấu, táo bạo dám nghĩ, dám làm những việc lớn; tấm lòng phải tế nhị, trong sáng, tinh tế, khiêm tốn; suy nghĩ phải trọn vẹn; hành động phải chín chắn… Chỉ 12 chữ ngắn gọn, nhưng rất đầy đủ ý nghĩa. Điều này cho thấy Bác rất quan tâm đến tướng Nguyễn Sơn. Và khi nhận được tấm thiệp này, Nguyễn Sơn rất “tâm phục khẩu phục” về lời căn dặn của Bác.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta ngày một thắng lợi. Bước qua năm 1950, tình hình có nhiều chuyển biến quan trọng. Các dân tộc yêu hòa bình ngày càng ủng hộ cuộc kháng chiến của dân tộc ta và công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 18/1/1950 nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc là quốc gia trước nhất đặt quan hệ quan hệ ngoại giao. Trên cơ sở này, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập những quan hệ sâu sắc hơn. Theo bà Trần Kiếm Qua, thời gian này phía Trung Quốc ngoài viện trợ các nhu cầu cho chiến tranh chống Pháp thì họ: “Đồng thời cử ngay La Quý Ba làm đại biểu liên lạc của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (sau được cử là Đoàn trưởng Đoàn cố vấn chính trị) và cử Vi Quốc Thanh làm Đoàn trưởng Đoàn cố vấn quân sự đến Việt Nam công tác, ngoài ra còn phái Trần Canh làm Đại biểu Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc giúp Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong quá trình tổ chức và chỉ huy chiến dịch Biên giới. Chiến dịch Biên giới đại thắng đã làm cho căn cứ Việt Bắc được cũng cố, mở rộng, đã nối liền Việt Nam với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa thành một dải. Hình thế chiến tranh chống Pháp đã có một bước chuyển biến lớn. Hồ Chí Minh khi tiếp La Quý Ba có đề xuất muốn cử Hồng Thủy tới Trung Quốc để tăng cường liên lạc giữa hai Đảng, hai nước, hai quân đội để hai bên có thể giải quyết mọi tình huống tốt hơn, hiệp đồng điều chỉnh các công việc liên quan đến việc viện trợ Việt Nam chống Pháp. La Quý Ba lập tức báo về Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và đã nhanh chóng được trả lời đồng ý để Hồng Thủy trở về Trung Quốc”.

Như vậy, một lần nữa Nguyễn Sơn đã sang nước bạn với nhiệm vụ mà Bác Hồ đã giao phó. Tại đây, ông giữ chức cục phó Cục điều lệnh Giải phóng quân Trung Quốc, giám đốc tòa soạn tạp chí Huấn luyện chiến đấu. Tháng 9/1955 ông được phong quân hàm Thiếu tướng – như vậy ông là người Việt Nam được nhận vinh dự này của Quân đội nhân dân Trung Quốc. Ngoài ra, nước bạn cũng phong tặng Huân chương Bát Nhất hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Giải phóng hạng Nhất cho ông nhằm tuyên dương những cống hiến xuất sắc đối với cách mạng Trung Quốc.

Công việc đang tiến hành tốt đẹp thì mùa hè năm 1956, ông bị ho nhiều, qua khám nghiệm mới biết bị u ác tính ở giai đoạn cuối. Lúc này, ông rất nhớ Tổ quốc và xin được đưa về nước. Lúc 15 giờ 30 ngày 21/10/1956 ông vĩnh viễn đi vào cõi hư vô tại bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô ở Hà Nội – vì căn bệnh ung thư.

Đám tang ông diễn ra trọng thể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ làm lễ truy điệu tặng Thiếu tướng Nguyễn Sơn Huân chương quân công hạng Nhì; ông Hoàng Sơn, thay mặt Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng đọc điếu văn và nêu rõ: “Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ và cùng với các bạn chiến đấu của mình, đồng chí đã góp phần tiêu hao và tiêu diệt quân địch, làm chậm bước tiến của chúng ở miền Nam Trung bộ. Đồng chí đã tham gia rèn luyện quân đội, góp phần vào việc đào tạo các lớp cán bộ đầu tiên của trường Lục quân và trong việc bổ túc cán bộ quân sự”.

Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh và tại Hà Nội đều có con đường mang tên Nguyễn Sơn.

(Nguồn: Lê Minh Quốc, Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Tập 10, Các nhà chính trị, NXB Trẻ)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.