Nghệ thuật Nguyên thủy

0

1. Đặc điểm chung của Mỹ thuật Nguyên thủy

1.1. Đặc điểm về đối tượng nghệ thuật

Trong các hình vẽ còn lại trên vách, hang, động nơi con người thời nguyên thủy sinh sống chủ yếu là các hình thú hoặc đơn lẻ hoặc bầy đàn, ở một số tác phẩm đã có ý thức bố cục các hình tượng theo một chủ đề nhất định. Người nguyên thủy đã rất thành công khi vẽ con vật. Nhất là các hoạt động của chúng được diễn tả khá điêu luyện và rất sống động. Đối tượng chủ yếu trong nghệ thuật giai đoạn này là các con thú như ngựa, bò, hươu, tuần lộc… điều này có thể lý giải được. Với cuộc sống nguyên thủy, các con vật đó đã góp phần nuôi dưỡng con người, chúng là nguồn thức ăn chính của họ, là đối tượng gần gũi nhất đối với con người.

Nghệ thuật luôn bắt nguồn từ thực tế, người nguyên thủy cũng không thể vượt quá cuộc sống hiện thực của mình, tầm hiểu biết của mình.

1.2.  Đặc điểm về kỹ thuật, chất liệu

Một vấn đề đặt ra: Người nguyên thủy vẽ bằng gì? Và cách họ vẽ ra sao? Màu vẽ được gọi là mầu thổ hoàng. Đó là một loại màu được chế tạo bằng cách mài các khoáng chất thành bột rồi pha với nước. Màu đỏ lấy từ đá hematite (ô xit sắt hay đất son) màu trắng từ đá Kalin hoặc phấn, màu đen từ dioxit mangan hay than đá. Một số cộng đồng người còn biết đun nóng các khoáng chất để tạo ra màu mới. Đôi khi để có chất kết dính màu thổ hoàng người nguyên thủy đã biết dùng mỡ, hoặc tuỷ sống động vật và nhựa cây. Kỹ thuật vẽ thì đơn giản, có thể dùng que, tay để vẽ. Chất liệu của điêu khắc phong phú lơn. Có thể họ khắc, chạm lên xương, sừng, ngà voi hay đá mềm…

2. Thành tựu nghệ thuật Nguyên thủy

Ngày nay chúng ta đã tìm được trên một trăm hang động có hình  vẽ. Phần lớn đều nằm ở miền Bắc Tây Ban Nha và miền Nam nước Pháp. Tuy vậy có hai hang còn lưu giữ nhiều hình vẽ đẹp. Đó là hang Anta – mi – ra (Tây Ban Nha) và hang Látxcô (Pháp). Đây được coi là hai bảo tàng lớn của nguyên thủy. Hang Anta – mi – ra được phát hiện năm 1863 do một sự tình cờ. Sau 16 năm tìm hiểu, nghiên cứu về các hình vẽ bò rừng ở trong hang con người thế kỷ XIX mới tin rằng hang Anta – mi – ra chính là một trong những địa điểm nổi tiếng của mỹ thuật thời nguyên thủy. Trong hang có nhiều hình vẽ con bò rừng (Bi đông) trong các dáng khác nhau và rất sống động. Ngoài những đặc điểm được miêu tả chính xác các hình vẽ này còn được thể hiện với những đường nét mềm mại, đậm nhạt sinh động. Nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật còn gọi hang Anta – mi – ra là “Tòa tiểu giáo đường Xicxtin của thời nguyên thủy”.

Hang Latxcô (Pháp) lại do một nhóm trẻ em đi chơi trong khu rừng Latxcô, do một sự bất ngờ chúng tìm thấy một chiếc hang lớn. Trên vách và trần hang chúng thấy có nhiều hình vẽ thú vật. Trong đó rõ và đẹp nhất là hình ngựa, bò… Ngựa ở hang Latxcô được thể hiện có màu sắc và đậm nhạt gợi khối. Những hình vẽ này thành công đến mức người ta có thể ví nó với hình vẽ ngựa của các hoạ sĩ Trung Quốc, những bậc thầy về diễn tả con vật. Theo một số nhà nghiên cứu cho rằng lối vẽ màu ở đây khá độc đáo. Màu được thổi lên hình vẽ qua một ống sậy hoặc ống xương. Các hình vẽ được tô màu đỏ là chủ yếu. Trên hình vẽ có một số mảng màu được cạo bớt đi để diễn tả khối, tạo sự sinh động cho hình tượng. Các tranh vẽ còn lại đến ngày nay được định tuổi từ khoảng 15.000 đến 10.000 năm trước công nguyên.

Bên cạnh hình thú, ở đây còn có hình tượng con người: Những người đi săn bị thương ở giữa các con vật, hình người ném lao hoặc hình người nhảy múa với mặt nạ thú…

Cách chúng ta hơn 5.000 năm trước đây, con người mới phát hiện ra chữ viết, lúc đầu chỉ là những hình vẽ tượng trưng, những ký hiệu để trao đổi. Ví dụ hình tròn có chấm ở giữa là mặt trời (¤ )… Dần dần các chữ tượng hình xuất hiện. Như vậy thì từ “Nghệ thuật tạo hình” hay “Mỹ thuật” như ta thấy ngày nay xuất hiện sau những hình vẽ trên vách hang động thời tiền sử rất nhiều. Khi con người thời tiền sử vẽ hoặc khắc vạch lên vách, trần hang động nơi họ sinh sống có lẽ họ cũng chưa nghĩ rằng đó là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Những hình vẽ đó gắn với cuộc sống, với các đồ vật, nơi sinh hoạt của con người. Về một mặt nào đó, trong tư duy nguyên thủy việc vẽ hình cũng giống như việc săn bắt hay các công việc khác. Nó không chỉ mang ý nghĩa nghệ thuật mà còn gắn với cái có ích. Ngoài ra nghệ thuật tạo hình lúc này còn gắn với những tín ngưỡng, ma thuật. Theo E. H. Gombrich, tác giả cuốn “Câu chuyện nghệ thuật” thì “Tranh và tượng được họ dùng để thực hành pháp thuật”. “Những người thợ săn thời kỳ này nghĩ rằng chỉ cần vẽ hình con mồi và có lẽ tấn công chúng bằng giáo mác hay rìu đá, những con thú thật sẽ khuất phục sức mạnh của họ”. Tất nhiên đây là sự phỏng đoán của con người ngày nay khi nghiên cứu về 2 lịch sử mỹ thuật của thời nguyên thủy.

Ngoài 2 ý nghĩa trên, các hình vẽ còn có ý nghĩa là những thông tin nhắn gửi cho các thế hệ sau về cuộc sống, sinh hoạt của con người thời tiền sử. Ví dụ qua các hình vẽ thú vật như bò rừng, ngựa, voi, ma mút… cho chúng ta biết về các động vật thời nguyên thủy, ở bức tranh khác ta được chứng kiến cách đánh cá, cách quăng lưới, cách sử dụng các con cá mồi lớn. Thậm chí con người thời kỳ đó vẽ chỉ để giải trí. Những con người đầu tiên có mặt ở khắp nơi trên thế giới: Người Olduvai ở Đông phi, người Bắc Kinh (Trung Quốc), người Nêanđéctan (Đức), người Crôma nhông (Pháp)… Dấu vết về nghệ thuật của họ vì vậy cũng trải ra trên một địa bàn rất rộng lớn: từ Châu Phi, Châu Á đến Châu Âu (Bắc Âu).

Nghệ thuật nguyên thủy

3. Tính tượng trưng, ước lệ trong nghệ thuật Nguyên thủy

Nghệ thuật luôn bắt nguồn từ thực tế, người nguyên thủy cũng không thể vượt quá cuộc sống hiện thực của mình, tầm hiểu biết của mình. Cuộc sống ấy hướng vào những gì gần gũi, thân quen nhất. Đó chính là sự tìm hiểu các loài thú để có thể săn bắt được, hoặc tránh xa những con thú nguy hiểm, dữ tợn… Tất cả những điều đó được thể hiện qua hình vẽ. Nghệ thuật nguyên thủy vì vậy mới chỉ dừng lại ở việc diễn tả một cách tài tình các con thú. Hình tượng con người cũng được đề cập tới, nhưng nghệ sĩ nguyên thủy đã sử dụng các sơ đồ hoá, hoặc phong cách hoá đơn giản và ước lệ khi vẽ con người.

Ngược lại trong điêu khắc lại phát hiện thấy hầu hết là tượng người, mà chủ yếu là phụ nữ, được phát hiện nhiều nơi trên thế giới. Tượng có thể có kích thước to nhỏ khác nhau. Cái nhỏ nhất khoảng 3,5cm, cái lớn nhất khoảng 23cm. Các bức tượng này được làm bằng nhiều chất liệu như ngà, sừng, xương, đá hoặc đất nung chúng có chung đặc điểm là: Tỉ lệ chung chưa được chú ý, chưa cân đối. Phần đầu và tay chân không được diễn tả kỹ. Phần được chú trọng nhất là phần thân cùng với sự cường điệu phóng đại các chi tiết: Ngực, mông, bụng. Phần chân dung hầu như không được diễn tả. Có lẽ các nghệ sĩ khi làm những pho tượng này đã bị chi phối bởi những suy nghĩ đặc biệt, mang theo tinh thần tư duy nguyên thủy.

Phong cách bao trùm mỹ thuật nguyên thủy là phong cách tả thực. Nghệ sĩ nguyên thủy đã đi từ đơn giản đến phức tạp dần. Nhưng dù đơn giản hay phức tạp họ đều đi đến một cái đích: Đó là cố gắng diễn tả đối tượng một cách đúng nhất và sống động nhất. Điều này chứng tỏ sự quan sát kiên trì và chính xác những đặc điểm của đối tượng. Sở dĩ người nguyên thủy thích tả thực vì những bức vẽ đó chưa đơn thuần là nghệ thuật mà nó còn gắn liền với nhiều chức năng khác. Những chức năng đó đòi hỏi hình vẽ phải chính xác, phải giống thực một cách tối đa. Lúc ban đầu, hình vẽ được diễn tả bằng nét là chính. Người thời nguyên thủy chú ý nhất đến đường sống lưng của con vật. Có thể nói đó chính là trục tạo dáng cho hình tượng nghệ thuật. Sau này, khi tư duy đã phát triển, con người biết tìm ra các màu vẽ, rồi tìm cách diễn tả chỗ đậm, chỗ sáng. Từ nét đậm nhạt, màu sắc, từ những hình đơn lẻ đến các bức tranh có ý thức bố cục, đề tài, đó chính là sự phát triển của mỹ thuật thời nguyên thủy thông qua loại hình nghệ thuật vẽ hình, chạm khắc hình lên vách, trần hang động. Cùng với phong cách tả thực, các nghệ sĩ nguyên thủy còn biết cách điệu, ước lệ hoá, sơ đồ hoá. Lấy bức chạm “Một đàn hươu qua sông” trên một mảnh xương tìm thấy ở hang Mê – ri làm ví dụ. Tác giả đã rất giỏi khi chạm hình 3 con hươu đầu đàn và một con cuối đà, ở giữa tác giả chỉ diễn tả các cặp sừng cao dần, phía dưới dùng các gạch chéo với cách làm như vậy tác giả đã cho chúng ta thấy một đàn hươu rất đông đang di chuyển. Các hoa văn gạch chéo, hay những cặp sừng tượng trưng.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.