Đặc điểm của quy luật xã hội

0

Phân tích những đặc điểm của quy luật xã hội?

Tính khách quan của quy luật xã hội

Chủ nghĩa duy vật lịch sử và các khoa học xã hội khác khi nghiên cứu về xã hội, là nghiên cứu những mối liên hệ tất nhiên, bản chất, ổn định có tính lặp lại của các hiện tượng xã hội, để trên cơ sở đó tìm ra những quy luật khách quan của xã hội. Trong hệ thống những quy luật của xã hội, có những quy luật chung và phổ biến và đồng thời có những quy luật đặc thù. Quy luật tự nhiên diễn ra có tính chất tự phát theo những chu kỳ vận động vốn có của nó. Quy luật tự nhiên thường không có sự tác động trực tiếp của con người. Ngược lại những quy luật xã hội thể hiện sự trao đổi hoạt động của con người với nhau, chúng không thể tồn tại ngoài hoạt động của con người, nhưng cũng không phụ thuộc vào ý thức của con người. Có nghĩa là, trước tiên quy luật xã hội phải có đầy đủ những đặc trưng của quy luật nói chung, đó là tính khách quan, tất yếu và phổ biến.

Quy luật xã hội thường biểu hiện ra như một xu hướng chứ không thể hiện trực tiếp ở từng người, từng việc. Tính xu hướng của các quy luật xã hội là tự nó vạch ra con đường đi của mình thông qua vô vàn cái ngẫu nhiên. Ngoài những đặc trưng chung của quy luật nói chung, quy luật xã hội còn có những đặc trưng riêng.

Quy luật xã hội tồn tại và tác động trong những điều kiện nhất định. Đó là những điều kiện tất yếu khách quan của lịch sử thể hiện sự hình thành và tác động của các quy luật xa hội. Ví dụ, sự hình thành giai cấp và quy luật đấu tranh giai cấp, v.v… Sự tác động của quy luật xã hội đều thông qua hoạt động của con người. Do vậy, lợi ích trở thành một yếu tố quan trọng trong cơ chế hoạt động của quy luật xã hội và trong nhận thức của con người về nó. Nhưng kết quả tác động của những quy luật xã hội không phụ thuộc và ý muốn chủ quan của từng cá nhân mà nó phụ thuộc vào lợi ích của cộng đồng người.

Để nhận thức được các quy luật xã hội cần phải có phương pháp khái quát hóa và trừu tượng hóa. Bởi vì, sự biểu hiện và tác động của các quy luật xã hội thường diễn ra trong một thời gian lâu dài, có khi là trong suốt quá trình lịch sử, do đó không thể dùng thực nghiệm để thẩm định như các quy luật tự nhiên. Để nhận thức được các quy luật xã hội cần phải nghiên cứu những nguyên nhân thúc đẩy sự vận động và phát triển của xã hội.

Trong hệ thống các quy luật xã hội, thì quy luật quan hệ sản xuất phụ thuộc vào tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là một quy luật chung và phổ biến nhất. Trong đó sản xuất vật chất bao giờ cũng là cơ sở cho sự tồn tại vận động và phát triển của xã hội.

Quan hệ giữa quy luật xã hội và hoạt động có ý thức của con người

Quan hệ giữa quy luật xã hội và hoạt động có ý thức của con người là mối quan hệ giữa tự do và tất yếu trong hoạt động nói chung của con người. Quy luật xã hội bao gìơ cũng tồn tại khách quan độc lập với ý thức của con người, nhưng con người có thể nhận thức và vận dụng thành công các quy luật xã hội thông qua hoạt động có ý thức của con người.

Khi con người chưa nhận thức được các quy luật khách của xã hội, thì sự tác động của quy luật vào trong hoạt động của con người mang tính tự phát, ngẫu nhiên, buộc con người lệ thuộc vào tính tất yếu khách quan của nó. Khi con người nhận thức được các quy luật khách quan của xã hội, thì con người đã làm chủ được tính tất yếu. Tính khách quan tự phát chuyển thành tính khách quan có sự điều tiết của con người một cách tự giác.

Tự do là sản phẩm của sự phát triển lịch sử khi mà con người đã có thể làm chủ được tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình. Điều đó có nghĩa là người tự do là người hiểu được cái tất yếu, vận dụng được cái tất yếu trong hoạt động của mình và đạt được mục đích mà mình đã đề ra.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.