Nguyễn Hữu Tiến – Người vẽ hồn tổ quốc
Nguyễn Hữu Tiến – Người vẽ hồn tổ quốc – là ai?
Chắc chắn, qua các thời đại ông cha ta giữ nước và dựng nước, mỗi triều đại đều có quốc kỳ. Nhưng không thấy sử sách ghi cụ thể ra sao. Trong quyển Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam trong phần phụ chú “Các thứ cờ thời xưa” có cho biết một cách chung chung: “Quốc kỳ hay đại kỳ: treo bên trái kỳ đài hình chữ nhật bằng chừu, nỉ hoặc dạ tốt sắc vàng, ba bề có riềm như răng cưa bằng dạ sắc vàng nhạt, trong thêu con rồng. Ngày đại lễ treo cờ rộng 9 thước, dài 10 thước. Ngày thường triều và mồng một, ngày rằm treo cờ rộng 8 thước, dài 9 thước. Những ngày thường treo cờ rộng 7 thước 5 tấc, dài 8 thước 5 tấc” (trang 73). “Thời xưa” ở đây không rõ là thời nào, nhưng có chi tiết đáng lưu ý là trong lá cờ “có thêu con rồng”. Có thể, có thời kỳ vua chúa nước ta dùng lá cờ ấy. Nhưng sự sụp đổ của một vương triều cũng dẫn đến việc thay đổi quốc kỳ; hoặc triều nối tiếp chưa có quốc kỳ là điều dễ hiểu. Do đó, mới có giai thoại là khi tiến sĩ Phan Thanh Giản dẫn đầu phái đoàn nước ta sang Pháp để thương thuyết chuộc lại ba tỉnh miền Đông đã mất vào tay bọn xâm lược, lúc ấy không có đem theo quốc kỳ. Do quên, hay do thời Tự Đức chưa có quốc kỳ thì không rõ. Khi phái đoàn đến kênh Suez, tay thuyền trưởng thông báo phái đoàn phải treo cờ lên – nhằm báo cho nước bạn biết để họ bắn súng chào theo đúng nghi lễ quốc tế. Các quan đại thần của ta ngớ người ra. Làm sao bây giờ? May thay tiến sĩ Phạm Phú Thứ có sáng kiến lấy tấm vải bọc hành lý treo lên giả làm cờ. Thấy tấm vải màu đỏ này bay phất phơ trên cột buồm, hải quân cảng Suez cho là cờ Việt Nam, bắn 21 phát súng thần công chào mừng phái đoàn! Chuyện này tất nhiên không đáng tin cậy.
Bạn đang xem: Nguyễn Hữu Tiến – Người vẽ hồn tổ quốc
Khi hoàn toàn đặt ách đô hộ trên toàn cõi nước ta, thực dân Pháp chỉ cho treo cờ của chúng – cờ tam sắc. Đó là một nỗi nhục của người dân mất nước. Do đó, những người yêu nước khi dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng đều nghĩ đến lá quốc kỳ. Họ đặt niềm tin mãnh liệt khi sạch bóng quân thù thì lá cờ này sẽ tung bay ngạo nghễ dưới bầu trời tự do của Tổ quốc. Và đó cũng là ước mơ của một dân tộc nô lệ. Sứ mệnh của lịch sử đã trao cho các đảng cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới thực hiện được nguyện vọng thiêng liêng của dân tộc. Người chiến sĩ cách mạng đã vẽ lá quốc kỳ – linh hồn của Tổ quốc – là Nguyễn Hữu Tiến.
Từ thị xã Phủ Lý (Hà Nam) xuôi theo quốc lộ 1 rồi rẽ vào con đường dẫn đến thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên ta sẽ được đi dưới bóng tre râm mát. Nơi đây không biết từ bao giờ vang lên câu ca dao buồn não ruột:
Duy Tiên đồng bãi mai rùa
Ăn hạt thóc mùa, tát nước quanh năm
Trước đây làng còn có tên là làng Gạo, trai gái gặp nhau cất lên tiếng hát huê tình cũng nói đến cái đói nghèo:
Cô kia mà thắt lưng xanh
Có về làng Gạo với anh thì về
Làng Gạo có cây bồ đề
Có giàn hoa lý, có nghề bắt cua
Đó là quê hương của Nguyễn Hữu Tiến. Ông sinh ngày 5/3/1901, từ nhỏ đã học giỏi nhất trong làng. Lớn lên, ông kiếm sống bằng nghề dạy học, nghĩ đó là cơ hội tốt để giáo dục cho thế hệ trẻ biết cái nhục mất nước để sau này rửa nhục cho nước. Ông kể những chuyện nhằm khơi dậy tinh thần ái quốc cho học trò như chuyện Đề Yêm- tướng giỏi của anh hùng Nguyễn Thiện Thuật đã từng hành quân qua làng mình. Dân làng rất yêu mến và đem lương thực ủng hộ nghĩa quân, vì đó là những người sống vì nước. Từ những câu chuyện nhỏ như trên, ông dẫn học trò ra Hà Nội dự buổi xử án cụ Phan Bội Châu (23/11/1925); hoặc cổ động học trò theo mình mang bức trướng ghi bốn chữ “Tinh thần bất tử” ra Nam Định đi dự lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh vừa tạ thế (26/3/1926). Hàng ngày, giấu mình trong bộ quần áo cũ, ông thầy giáo Tiến lặng lẽ làm công việc của mình, nhưng trong lòng biết bao trăn trở.
Xem thêm : Lý thuyết về đại diện (Agency theory)
Bấy giờ, một sinh viên của trường Bách nghệ Hà Nội bị đuổi học do bãi khóa trở về Duy Tiên – là Trần Tử Yến. Nguyễn Hữu Tiến có gặp Yến, qua bàn bạc với nhau về tình hình đất nước, họ nghĩ đến lúc cần phải tập trung trai tráng trong làng để giáo dục, tuyên truyền về tinh thần yêu nước. Sau khi tập hợp xong, họ chọn những thanh niên hăng hái nhất để hướng dẫn hoạt động cách mạng. Có lần, nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, tổ chức này đã treo cờ búa liềm trên tít cây gạo làng Lũng Xuyên và rải truyền đơn tố cáo sự tham nhũng của bọn hương lý. Từ đó, chúng khiếp vía, không dám hạch sách, nhũng nhiễu bà con nông dân nữa. Lúc này, tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đã thâm nhập vào Duy Tiên, Nguyễn Hữu Tiến tham gia vào Hội. Khi chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập thì ông được bầu làm bí thư. Phong trào cách mạng nơi đây ngày một sôi nổi và tổ chức được mạng lưới quần chúng rất ý thức trong việc bảo vệ cán bộ của Đảng. Có lần, một tỉnh ủy viên về làng công tác, không biết là giặc dang bố ráp. Bỗng từ dưới cánh đồng, một thôn nữ đang cấy lúa cất lên tiếng hát ngọt ngào:
– Ai ơi đã trót hẹn hò
Cây đa bến cũ, con đò khác xưa
Đang lầm lũi đi, nghe tiếng hát vọng lên, tưởng là lời trêu ghẹo, nhưng đến khi câu hát lặp lại lần thứ hai thì cán bộ này sực hiểu ngay, vội quay chân và chạy thoát! Đến năm 1931, Nguyễn Hữu Tiến sa vào tay giặc Pháp và bị kết án tử hình, ông chống án và bị chúng đày lên Sơn La, rồi đày ra Côn Đảo. Không thể cam chịu chết dần chết mòn trong tù ngục của đế quốc, ông cùng đồng đội tổ chức vượt ngục và trót lọt. Sự việc này diễn ra vào đêm 30/4/1935, gồm 5 đảng viên cộng sản là Tạ Uyên, Nguyễn Hữu Tiến, Tống Văn Trân, Phạm Hồng Thám và Nguyễn Văn Trọng. Họ về đến Bạc Liêu và sau đó hoạt động ở Liên tỉnh ủy Long Xuyên, Hậu Giang.
Từ tháng 9/1939, tình hình chính trị có nhiều biến động. Chiến tranh thế giới lần thứ hai chính thức nổ ra từ khi phát xít Đức tấn công Ba Lan. Ngày 1/9/1939, Pháp nhảy vào vòng chiến và ra sức phòng thủ Đông Dương. Tướng Goerges Catroux được cử sang làm Toàn quyền thay cho Brévié. Mới chân ướt chân ráo sang Đông Dương, G. Catroux đã ban hành những nghị định đẫm máu nhằm đánh tận gốc các tổ chức yêu nước. Trước tình thế nghiêm trọng này, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương và kêu gọi toàn dân: “Chỉ có chiến tranh giải phóng các dân tộc mới thật sự là chiến tranh vì công lý, vì tự do”. Trên tinh thần đó, từ tháng 3/1940 đã có đề cương khởi nghĩa Nam Kỳ do Xứ ủy đề ra. Trước đó, mùa đông năm 1939, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ và Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Võ Văn Tần giao cho Nguyễn Hữu Tiến nhiệm vụ vẽ quốc kỳ để chuẩn bị khởi nghĩa. Tham khảo nhiều ý kiến và trong trí óc nhớ lại lá cờ đỏ trên quê hương Cách mạng tháng Mười, ông đã vẽ cờ của Tổ quốc. Bằng tư duy hình tượng trong sáng tác văn học, nhà văn Sơn Tùng đã miêu tả giây phút thiêng liêng ấy như sau: “Giữa đêm đen! Gương mặt Nguyễn Hữu Tiến tụ sáng trước đèn. Anh nghiêng người trên phiến đá in, bàn tay lượn thận trọng, lẹ làng. Hình tượng lá cờ Tổ quốc hiện dần lên theo bàn tay anh. Trong tim anh, trái tim đã từng ấp ủ ước mơ từ thuở thiếu thời một hồn thiêng đất nước cũng đã bừng lên sắc cờ chói lọi!”. Đó là lá cờ đỏ sao vàng như ngày nay chúng ta đã từng được thấy. Nguyễn Hữu Tiến giải thích ý nghĩ bằng những câu thơ:
Nền cờ thắm máu đào vì nước
Sao vàng tươi da của giống nòi
Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi
Hỡi sĩ-nông-công-thương-binh
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh
Ngọn cờ đỏ sao vàng đã ngạo nghễ tung bay trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ oanh liệt. Điều lạ lùng, thời điểm này, lãnh tụ Hồ Chí Minh đang bị giam trong nhà lao của bọn Tưởng Giới Thạch, có viết bài thơ Thụy bất trước ( Ngủ không được):
Nhất canh… nhị canh… hựu tam canh,
Triển chuyển, bồi hồi thụy bất thành.
Tứ, ngũ canh thì tài hợp nhãn,
Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh.
dịch theo bản của Nam Trân:
Một canh, hai canh, lại ba canh,
Trằn trọc, băn khoăn, giấc chẳng thành.
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt,
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.
Ở đây có một sự trùng hợp rất chính xác về hình ảnh lá cờ của Tổ quốc. Tháng 2/1941 lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được trao cho Trung đội cứu quốc đầu tiên của nước ta mới thành lập tại Bắc Sơn. Tháng 4/1941, Mặt trận Việt Minh thành lập, trong chương trình Việt Minh ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp Nhật, sẽ lập nên chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm quốc kỳ”. Đây là văn bản đầu tiên nói về lá cờ của chính quyền Cách mạng. Rồi trung tuần tháng 8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định lấy cờ Việt Minh (cờ đỏ sao vàng năm cánh) làm lá cờ khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ở thời điểm này, báo Việt Nam Độc Lập – cơ quan của Việt Minh Cao-Bắc
-Lạng do Bác Hồ sáng lập, số 107 ra ngày 1/10/1941, có bài thơ Cờ đỏ ngôi sao giải thích ý nghĩa lá cờ Tổ quốc:
Đỏ là màu nhiệt huyết của đồng bào
Dồn dật lại phong trào giải phóng
Và:
Năm cánh là hình dung đoàn kết
Cả sĩ, nông cho đến công, thương, binh
Toàn dân ta đều nhất trí đồng tình
Đoàn kết chặt như ngôi sao năm cánh
Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ghi vào Hiến pháp: “Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh”. Năm 1976, sau khi thống nhất Nam-Bắc, Quốc hội lấy tên nước ta là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và tiếp tục giữ cờ lá đỏ sao vàng làm quốc kỳ.
Chính vì lá cờ là hồn của Nước nên ở những thời điểm quan trọng của lịch sử, người được kéo cờ là một vinh dự lớn. Trong lễ Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945) tại Quảng trường Ba Đình, hai người phụ nữ được vinh dự này là cô Đàm Thị Loan – chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và cô Lê Thi – chiến sĩ của đội Quyết tử Trung đoàn Thủ Đô. Trong lễ mừng giải phóng Thủ Đô (10/10/1954) người vinh dự được kéo cờ tại cột cờ thành Hà Nội là anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị. Và mãi mãi đến thiên thu lá cờ của Tổ quốc ta vẫn tung bay khắp năm châu bốn biển, như một biểu tượng bất tử của hồn thiêng sông núi Việt Nam.
Trở lại với thời điểm Nguyễn Hữu Tiến vẽ lá cờ của Tổ quốc. Sau đó, trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, ngày 30/7/1940 ông cùng chị Nguyễn Thị Minh Khai bị giặc Pháp lùng bắt tại cơ quan của Đảng ở Chợ Lớn. Lúc đó, Nguyễn Hữu Tiến là ủy viên Trung ương Đảng và chị Nguyễn Thị Minh Khai là ủy viên Xứ ủy kiêm bí thư Thành ủy Sài Gòn- Chợ Lớn đã bị chúng xử bắn. Nguyễn Hữu Tiến vĩnh viễn không trở về thôn Lũng Xuyên quê nhà nữa. Mấy năm gần đây, huyện ủy Duy Tiên có cử đoàn công tác vào tận Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) để tìm hài cốt người con ưu tú của quê hương nhưng không tìm thấy. Bây giờ, trên nền nhà cũ của ông, tỉnh Nam Hà đã cho xây dựng Nhà lưu niệm Nguyễn Hữu Tiến. Điều thú vị là trong đó có bức tranh của nhạc sĩ Văn Cao – tác giả Tiến quân ca, quốc ca của Việt Nam – vẽ Nguyễn Hữu Tiến đang ngồi vẽ quốc kỳ Việt Nam.
(Nguồn: Lê Minh Quốc, Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Tập 10, Các nhà chính trị, NXB Trẻ)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức