Cặp phạm trù bản chất – hiện tượng

0

Khi đã có được nhận thức khá đủ về các mặt, mối liên hệ tất yếu và các đặc tính riêng lẻ của sự vật, hiện tượng, thì nhận thức vẫn chưa vươn tới sự phản ánh đầy đủ về bản chất của nó. Vì vậy, cùng với sự tích luỹ tri thức, xuất hiện nhu cầu nhận thức các mối liên hệ phụ thuộc, qua lại lẫn nhau giữa các mặt, giữa chính các mối liên hệ đó và đặt chúng trong sự thống nhất biện chứng, coi chúng là các yếu tố của một thể thống nhất hữu cơ. Giải quyết thành công nhiệm vụ này dẫn nhận thức vươn tới sự phản ánh đầy đủ bản chất của sự vật, hiện tượng tương ứng.

1. Nội dung

Bản chất là phạm trù chỉ tổng thể các mối liên hệ khách quan, tất nhiên, tương đối ổn định bên trong, quy định sự vận động, phát triển của đối tượng và thể hiện mình qua các hiện tượng tương ứng của đối tượng.

Hiện tượng là phạm trù chỉ những biểu hiện của các mặt, mối liên hệ tất nhiên tương đối ổn định ở bên ngoài; là mặt dễ biến đổi hơn và là hình thức thể hiện của bản chất đối tượng.

Bản chất và hiện tượng đều tồn tại khách quan trong mối liên hệ hữu cơ, cái này khổng thể tồn tại thiếu cái kia. Về cơ bản, bản chất và hiện tượng có xu hướng phù hợp với nhau, bởi mỗi đối tượng đều là sự thống nhất giữa bản chất với hiện tượng và sự thống nhất đó được thê hiện ở chỗ, bản chất tồn tại thông qua hiện tượng còn hiện tượng phải là sự thể hiện của bản chất; bản chất “được ánh lên” nhờ hiện tượng (Hêghen).

Tuy vậy, “nếu hình thái biểu hiện và bản chất sự vật trực tiếp đồng nhất với nhau, thì mọi khoa học sẽ trở nên thừa” [C.Mác, Tư bản, Tập 3: Toàn bộ quá trình sản xuất tư bàn nghĩa, Phần thứ 2, C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, t. 25, phần II, tr.540.]; trong những điều kiện nhất định, bản chất thể hiện dưới hình thức đã bị cải biến, xuyên tạc những yếu tố thực sự của bản chất bằng cách bổ sung vào hay bớt đi từ bản chất một vài tính chất, yếu tố do hoàn cảnh cụ thể và các mối liên hệ ngẫu nhiên quy định, làm hiện tượng phong phú hay nghèo nàn hơn bản chất. Nhưng bản chất luôn là cái tương đối ổn định, ít biến đổi hơn, còn hiện tượng “động” hơn, thường xuyên biến đổi. V.I. Lênin viết, “không phải chỉ riêng hiện tượng là tạm thời, chuyển động, lưu động, bị tách rời bởi những giới hạn chỉ có tính chất ước lệ, mà bản chất của sự vật cũng như thế” [V.I.Lênin (2005), Bút ký triết học,Toàn tập, t, 29, Sđd. tr. 268].

Bản chất gắn bó chặt chẽ với cái phổ biến (là một trong số những mối liên hệ cơ bản nhất tạo thành cơ sở cho sự thống nhất về một hệ thống chỉnh thể tất cả các cái riêng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, xâu chuỗi tất cả chúng về một mối), phản ánh cái chung tất yếu, cái chung quyết định sự tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng; còn hiện tượng phản ánh cái cá biệt, cái đơn nhất. Bản chất cũng là tính quy luật, bởi nói đến bản chất là nói đến tổng số các quy luật quyết định sự vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng. Từ đây, có thể hiểu không phải ngẫu nhiên mà V.I. Lênin nhấn mạnh về tính cùng cấp độ, có thể dùng lẫn cho nhau của cảc phạm trù “Quy luật”, “Bản chất” và “Cái phổ biến”.

2. Ý nghĩa phương pháp luận

Thứ nhất, bản chất chỉ thể hiện mình thông qua hiện tượng và hiện tượng lại thường biểu hiện bản chất dưới hình thức đã bị cải biến nên trong mọi hoạt động, không thể chỉ nhận biết sự biểu hiện bên ngoài (hiện tượng), mà cần đi sâu vào bên trong để tìm hiểu và làm sáng tỏ bản chất thường giấu mình sau hiện tượng; dựa vào các quy luật khách quan quy định sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng.

Thứ hai, bản chất là sự thống nhất giữa các mặt, các mối liên hệ tất nhiên vốn có của sự vật, hiện tượng, bản chất là địa bàn thống lĩnh của các mâu thuẫn biện chứng và chúng được giải quyết trong quá trình phát triển dẫn đến sự biến đổi của bản chất, tạo ra sự chuyển hóa của đối tượng từ dạng này sang dạng khác nên các phương pháp đã được áp dụng vào hoạt động cũ trước đây cũng phải thay đổi bang các phương pháp khác, phù hợp với bản chất đã thay đổi của đối tượng.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.