Kinh tế chính trị tư sản cổ điển

0

Lược sử hình thành và phát triển Kinh tế chính trị tư sản cổ điển.

Cuối thế kỷ XVII, khi quá trình tích lũy ban đầu của chủ nghĩa tư bản  đã kết thúc và thời kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản đã bắt đầu, nhiều vấn đề kinh tế của chủ nghĩa tư bản đặt ra vượt quá khả năng giải thích của chủ nghĩa trọng thương, đòi hỏi phải có lý luận mới. Vì vậy, kinh tế chính trị tư sản cổ điển đã ra đời và phát triển mạnh ở Anh và Pháp.

Kinh tế chính trị tư sản cổ điển ở Anh mở đầu từ Uyliam Pétti (1623-1687) đến Ađam Xmít (1723-1790) và kết thúc ở Đavít Ricácđô (1772-1823). U. Pétti được mệnh danh là người sáng lập ra kinh tế chính trị tư sản cổ điển; A. Xmít là nhà kinh tế của thời kỳ công trường thủ công; Đ. Ricácđô là nhà kinh tế của thời kỳ đại công nghiệp cơ khí của chủ nghĩa tư bản, là đỉnh cao lý luận của kinh tế chính trị tư sản cổ điển.

Các nhà kinh tế chính trị tư sản cổ điển đã chuyển đối tượng nghiên cứu từ lĩnh vực lưu thông sang lĩnh vực sản xuất, mà trong đó “lao động làm thuê của những người nghèo là nguồn gốc làm giàu vô tận cho những người giàu”. Lần đầu tiên các nhà kinh tế chính trị tư sản cổ điển đã áp dụng phương pháp trừu tượng hóa khoa học để nghiên cứu các hiện tượng và quá trình kinh tế để vạch ra bản chất của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, trường phái này đã nêu được một cách có hệ thống các phạm trù và quy luật kinh tế của xã hội tư bản như: giá trị, giá cả, tiền tệ, tư bản, lợi nhuận, lợi tức, địa tô, tiền lương, tái sản xuất xã hội… Đồng thời họ là những người ủng hộ tự do cạnh tranh theo cơ chế thị trường tự điều chỉnh.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế chính trị tư sản cổ điển còn nhiều hạn chế, coi quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản là quy luật tự nhiên, tuyệt đối, vĩnh viễn. Nhận xét chung về kinh tế chính trị tư sản cổ điển, C. Mác viết: “Ricácđô, người đại biểu vĩ đại cuối cùng của nó, rốt cuộc cũng đã lấy một cách có ý thức sự đối lập giữa những lợi ích giai cấp, giữa tiền công và lợi nhuận, giữa lợi nhuận và địa tô, làm khởi điểm cho công trình nghiên cứu của mình và ngây thơ cho rằng sự đối lập đó là một quy luật tự nhiên của đời sống xã hội. Với điều đó, khoa học kinh tế tư sản đã đạt tới cái giới hạn cuối cùng không thể vượt qua được của nó”.

Đầu thế kỷ XIX, khi cuộc cách mạng công nghiệp đã hoàn thành, mâu thuẫn kinh tế và giai cấp của chủ nghĩa tư bản đã bộc lộ rõ nét: 1825 mở đầu cho các cuộc khủng hoảng kinh tế có chu kỳ, phong trào đấu tranh của giai cấp vô  sản ngày càng lớn mạnh đe dọa sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, trường phái kinh tế chính trị tư sản tầm thường đã xuất hiện nhằm bảo vệ lợi ích cho giai cấp tư sản, biện hộ một cách có ý thức cho chủ nghĩa tư bản. C.Mác đã nhận xét: “Sự nghiên cứu không vụ lợi nhường chỗ cho những cuộc bút chiến của những kẻ viết văn thuê, những sự tìm tòi khoa học vô tư nhường chỗ cho lương tâm độc ác và ý đồ xấu xa của bọn chuyên nghề ca tụng”.

Những đại biểu điển hình của kinh tế chính trị tư sản tầm thường là Tômát Rôbớc Mantút (1766-1834) ở Anh; Giăng Batixtơ Xây (1767-1823) ở Pháp.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.