Cặp phạm trù khả năng – hiện thực

0

1. Nội dung cặp phạm trù khả năng – hiện thực

Khi đã nhận thức được bản chất và các mâu thuẫn vốn có của sự vật, hiện tượng, chủ thể nhận thức đã có thể phán đoán được sự vật, hiện tượng đó, do sự phát triển của những mâu thuẫn bên trong nó quy định, số biến đổi theo hướng nào, nghĩa là đã có thể nhận thức được đồng thời cả hiện thực và khả năng biến đổi của sự vật, hiện tượng đó. Biện chứng của sự liên hệ lẫn nhau giữa quá khứ, hiện tại và tương lai được phản ánh trong các phạm trù “hiện thực” và “khả năng”.

Phạm trù khả năng phản ánh thời kỳ hình thành đối tượng, khi nó mới chỉ tồn tại dưới dạng tiền đề hay với tư cách là xu hướng. Vì thế khả năng là phạm trù phản ánh tổng thể các tiền đề của sự biến đổi, sự hình thành của hiện thực mới, là cái có thể có, nhưng ngay lúc này chưa có; hiện thực là phạm trù phản ánh kết quả sinh thành, là sự thực hiện khả năng, và là cơ sở để định hình những khả năng mới.

Một cách đơn giản hơn, khả năng là cái hiện chưa xảy ra, nhưng nhất định sẽ xảy ra khi có điều kiện thích hợp. Hiện thực là cái đang có, đang tồn tại gồm tất cả các sự vật, hiện tượng vật chất đang tồn tại khách quan trong thực tế và các hiện tượng chủ quan đang tồn tại trong ý thức, là sự thống nhất biện chứng của bản chất và các hiện tượng thể hiện bản chất đó. Theo nghĩa này, hiện thực khách quan và hiện thực chủ quan được dùng để phân biệt các hiện tượng vật chất với các hiện tượng tinh thần, về thực chất, hiện thực là sự thống nhất giữa bản chất của đối tượng với vô vàn các hiện tượng của nó, tạo nên tính xác định động cho đối tượng trong một không gian, thời gian cụ thể.

Mối liên hệ giữa khả năng và hiện thực. Là những mặt đối lập, khả năng và hiện thực thống nhất biện chứng với nhau: chúng loại trừ nhau theo những dấu hiệu căn bản nhất, nhưng không cô lập hoàn toàn với nhau. Sinh ra từ trong lòng hiện thực và đại diện cho tương lai ở thời hiện tại, khả năng làm bộc lộ hết tính tương đối của hiện thực. Thông qua tính tương đối đó mà hiện thực hóa sự liên tục của các quá trình biến đổi. Mọi đối tượng đều bắt đầu phát triển từ sự chín muồi các tiền đề sinh thành của nó. Hiện thực bao chứa trong mình số lớn các khả năng, nhưng không phải tất cả đều được hiện thực hóa. Sự hiện thực hóa từng khả năng đòi hỏi các điều kiện tương ứng, nhưng rất có thể thiếu điều kiện như thế. Trong xã hội, sự hiện thực hóa một khả năng nào đó không tách rời hoạt động thực tiễn, mà hoạt động đó chỉ có thể thành công khi con người tính đến các khả năng vốn có ở hiện thực, ở các xu hướng biến đổi khách quan của nó. Mục đích, phương tiện và các phương thức của hoạt động đó xét đến cùng cũng gắn với các hoàn cảnh khách quan tương ứng. Đồng thời chính hoạt động thực tiễn như là quá trình chuyển hóa mục đích (khả năng) thành sản phẩm của hoạt động (hiện thực) là sự thống nhất khả năng và hiện thực. Dĩ nhiên, mức độ tự do và hiệu quả của hoạt động đó không phải là vô hạn, mà cũng bị các quy luật khách quan quy định.

Các dạng khả năng. Hiện thực thường có nhiều mặt, nhiều xu hướng vận động, nhiều khả năng biến đổi. Chúng giữ vai trò không ngang nhau trong sự vận hành và phát triển hiện thực. Chẳng hạn, sự hiện thực hóa một số khả năng này quy định sự chuyển hóa đối tượng từ trạng thái này sang trạng thái khác vẫn trong khuôn khô chính bản chât đó, sự hiện thực hóa những khả năng khác lại đòi hỏi sự biến đổi bản chất của đối tượng, biến nó thành đối tượng khác. Trong quá trình thực hiện một số khả năng đối tượng chuyển từ thấp lên cao, nhưng ở những khả năng khác – thì lại hạ từ cao xuống thấp. Có khả năng liên quan đến biến đổi về chất, số khác lại liên quan đến biển đổi về lượng của đối tượng. Một số khả năng gắn với cái tất nhiên trong đối tượng, số khác – với cái ngẫu nhiên. Có khả năng được hiện thực hóa trong các điều kiện được tạo lập ở hiện tại, nhưng một số khác lại chờ các điều kiện đó được tạo ra ở tương lai xa. Hoạt động thực tiễn của con người làm thay đổi hiện thực khách quan chính là thực hiện các khả năng nhất định bằng cách tạo ra những điều kiện tương ứng.

Có nhiều cơ sở phân loại khả năng. Có thể chia các khả năng thành hai nhóm phụ thuộc vào việc cái gì quy định chúng: các thuộc tính và mối liên hệ tất nhiên hay ngẫu nhiên. Những khả năng bị quy định bởi những thuộc tính và mối liên hệ tất nhiên của đối tượng được gọi là khả năng thực; còn những khả năng bị quy định bởi các thuộc tính và mối liên hệ ngẫu nhiên, – là khả năng hình thức. Khả năng thực trong những điều kiện thích hợp tất yếu được thực hiện, còn khả năng hình thức – có thể được thực hiện cũng có thể không. Sự phân biệt khả năng thực và khả năng hình thức có ý nghĩa to lớn đối với hoạt động thực tiễn: khi đặt ra mục đích, xây dựng chương trình, thực hiện hành vỉ, con người cần phải xuất phát từ những khả năng thực. Những khả năng hình thức không thê làm cơ sở cho hoạt động có kế hoạch.

Các khả năng chỉ được hiện thực hóa khi có các điều kiện thích hợp. Phụ thuộc vào mối liên hệ với những điều kiện này như thế nào, khả năng được chia ra thành khả năng cụ thể và khả năng trừu tượng. Loại thứ nhất là những khả năng mà để thực hiện chúng hiện đã có đủ điều kiện, loại thứ hai là những khả năng mà ở thời hiện tại còn chưa có những điều kiện thực hiện chúng, nhưng điều kiện có thể xuất hiện khi đối tượng đạt tới một trình độ phát triển nhất định. Để lập những kế hoạch trước mắt, xác định cách thức giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn đã chín muồi thì cần phải xuất phát từ khả năng cụ thể, chứ không thể căn cứ vào các khả năng trừu tượng.

2. Ý nghĩa phương pháp luận.

Thứ nhất, khả năng và hiện thực tồn tại trong mối liên hệ không tách rời nhau và luôn chuyển hóa cho nhau; do hiện thực được chuẩn bị bằng khả năng còn khả năng hướng tới sự chuyển hóa thành hiện thực, nên trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn cần dựa vào hiện thực chứ không thể dựa vào khả năng. Tuy nhiên, vì khả năng biếu hiện khuynh hướng phát triển của sự vật, hiện tượng trong tương lai nên khi đề ra kế hoạch, phải tính đến mọi khả năng để kế hoạch đó sát với thực tiễn. Nhiệm vụ của hoạt động nhận thức là phải xác định được khả năng phát triển của sự vật, hiện tượng và tìm ra khả năng ấy trong chính bản thân nó, bởi khả năng nảy sinh vừa do sự tác động qua lại giữa các mặt bên trong, vừa do sự tác động qua lại giữa sự vật, hiện tượng với hoàn cảnh bên ngoải.

Thứ hai, phát triển là quá trình mà trong đó khả năng chuyển hóa thanh hiện thực, còn hiện thực này trong quá trình phát triến của mình lại sinh ra các khả năng mới, các khả năng mới ấy trong điều kiện thích hợp lại chuyển hóa thành hiện thực, tạo thành quá trình vô tận; do vậy, sau khi đã xác định được các khả năng phát triển của sự vật, hiện tượng, thì mới nên tiến hành lựa chọn và thực hiện khả năng.

Thứ ba, trong quá trình thực hiện khả năng đã lựa chọn, cần chú ý là trong một sự vật, hiện tượng có thể chứa nhiều khả năng khác nhau, do vậy cần tính đến mọi khả năng để dự kiến các phương án thích hợp cho từng trường hợp có thể xảy ra.

Thứ tư, cùng trong những điều kiện nhất định, ở cùng một sự vật, hiện tượng có thể tồn tại một số khả năng và ngoài một số khả năng vốn có, thì khi có điều kiện mới bổ sung, ở sự vật, hiện tượng sẽ xuất hiện thêm một số khả năng mới dẫn đến sự xuất hiện một sự vật, hiện tượng mới, phức tạp hơn. Bởi vậy, trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn phải lựa chọn khả năng trong số hiện có, trước hết là chú ý đến khả năng gần, khả năng tất nhiên vì chúng dễ chuyển hóa thành hiện thực hơn.

Thứ năm, khả năng chỉ chuyển hóa thành hiện thực khi có đầy đủ các điều kiện cần thiết nên cần tạo ra các điều kiện đó để nó chuyển hóa thành hiện thực, cần tránh sai lầm, hoặc tuyệt đối hóa vai trò của nhân tố chủ quan, hoặc xem thường vai trò ấy trong quá trình biến đổi khả năng thành hiện thực.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.