Lịch sử Xiêm (Thái Lan) cận đại (Thế kỷ 18-20)
Lịch sử cận đại Thái Lan bắt đầu từ năm 1768, kết thúc năm 1917. Thời kỳ từ 1768-1917 là thời kỳ nhân dân Xiêm vùng lên đấu tranh mạnh mẽ chống ách bóc lột phong kiến. Xã hội phong kiến Xiêm chuyển biến theo hướng xã hội tư bản, là thời kỳ đấu tranh gay gắt giữa các cường quốc phương Tây để nô dịch Xiêm. Việc bảo vệ nền độc lập của đất nước trong thời kỳ này đã trở thành một mục tiêu lớn của các trào lưu tư tưởng trong xã hội Xiêm.
Nội Dung
I – Nước Xiêm trước khi thực dân phương Tây xâm nhập
1. Thống nhất đất nước và chính sách bành trướng của các vua Xiêm
Tắc Xin lên ngôi vua năm 1768. Việc đầu tiên mà nhà vua quan tâm là thống nhất đất nước, tiêu diệt những chúa phong kiến lớn và một số người cầm đầu Phật giáo không chịu thừa nhận chính quyền trung ương.
Bạn đang xem: Lịch sử Xiêm (Thái Lan) cận đại (Thế kỷ 18-20)
Năm 1770 cuộc đấu tranh này kết thúc, các đất đai của chúa phong kiến được sáp nhập vào quốc gia Xiêm. Mặt khác, chính quyền mới tìm cách bành trướng lãnh thổ. Đối tượng cướp bóc và áp bức của giai cấp phong kiến Xiêm là các quốc gia nhỏ bé như Lào, Campuchia, Mã Lai khi đó chưa thống nhất, chưa có chính quyền trung ương. Đồng thời ách áp bức phong kiến ở trong nước ngày càng tăng. Đó là lý do chính dẫn đến cuộc khởi nghĩa lớn nổ ra năm 1782. Cuộc khởi nghĩa nổ ra trước tiên ở cố đô Ayuthaia do Bun Nắc cầm đầu. Quân khởi nghĩa tiến về bao vây kinh đô mới là Tanburi. Hoảng sợ trước sức mạnh của quân khởi nghĩa Tắc Xin phải cạo trọc đầu, trốn vào một ngôi chùa và cải trang thành người tu hành. Cung vua cùng với kho bạc lọt vào tay quân khởi nghĩa. Nhưng cuộc khởi nghĩa không kéo dài được lâu. Một tướng trẻ có tài của Tắc Xin là Chao Paia Tracori đã dùng sức mạnh của toàn bộ quân đội vương quốc đè bẹp cuộc khởi nghĩa. Lợi dụng thời cơ thuận lợi, Chao Paia Tracơri cướp luôn ngôi vua và tự phong là Rama I (1782-1809), mở đầu triều đại Rama còn tồn tại đến ngày nay. Thủ đô mới là BăngCốc.
Rama I tiến hành một loạt cuộc xâm lăng những quốc gia Lào nhỏ bé như Chiềngxen, Chiềngrai, Viêng Chăn… Đặc biệt cuộc chiến tranh với nhà nước Viêng Chăn rất gay go, có lúc vua Viêng Chăn là Anu chiếm được vùng Khôrát của Xiêm. Nhưng cuối cùng Viêng Chăn cũng bị quân Xiêm thôn tính. Các quốc gia nhỏ bé khác ở bán đảo Malắcca cũng không tránh khỏi con mắt nhòm ngó của phong kiến Xiêm. Kết quả là các công quốc như Patani, Kêđắc, Kêlantan, Tơrenganu đều lần lượt bị rơi vào tình trạng phụ thuộc nhà nước phong kiến Xiêm. Do sự kình địch của tư bản phương Tây, trước hết là Anh, giai cấp phong kiến Xiêm không thực hiện được mộng bá chủ của mình trên khắp bán đảo này.
Bọn phong kiến Xiêm cũng đã nhiều lần can thiệp vào nội bộ của Việt Nam. Năm 1783 Nguyễn Phúc Ánh cầu cứu quân Xiêm sang giúp về đánh Tây Sơn. Tướng Xiêm là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem hơn 2 vạn quân và 300 chiếc thuyền, phối hợp cùng quân Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn, Nguyễn Huệ đã thắng to ở trận Rạch Gầm-Xoài Mút (Mỹ Tho) năm 1785: 2 vạn quân Xiêm cùng toàn bộ chiến thuyền và quân của Nguyễn Ánh bị diệt. Chiêu Tăng, Chiêu Sương chỉ còn có 2.000 quân hộ vệ chạy thoát. Nhưng triều đình Xiêm vẫn có tham vọng đánh chiếm Việt Nam. Năm 1833 vua Xiêm đã cử tướng Bôđin thống lĩnh 4 vạn quân cùng chiến thuyền chia làm 3 mũi sang đánh Việt Nam. Cánh quân thứ nhất theo đường thủy chiếm Hà Tiên, Châu Đốc. Cánh thứ hai đi đường bộ do chính Bôđin chỉ huy vượt qua lãnh thổ Campuchia, trên đường tiến quân đã đánh chiếm PhnômPênh. Cánh thứ ba qua đất Lào, tiến vào vùng Quảng Trị và Nghệ Tĩnh. Trước sức đề kháng và tấn công mãnh liệt của quân dân ta, quân Xiêm thất bại to đành phải rút lui không những khỏi Nam Bộ mà cả Campuchia nữa.
2. Tổ chức nhà nước và tình hình kinh tế xã hội
Chính quyền nhà nước nằm trong tay quan lại phong kiến. Đứng đầu đẳng cấp phong kiến là nhà vua. Giúp vua có 3 hội đồng:
- Hội đồng các hoàng thân (Chaopha)
- Hội đồng thượng thư (Cờrôm)
- Hội đồng tư pháp (Brắcnan).
Quyền hành chính tập trung trong tay các bộ. Hai bộ lớn nhất là Maháttai và Calahôm. Bộ Maháttai (Bộ Nội vụ) kiểm soát các tỉnh miền Bắc và cưỡng bức nhân dân phục dịch nhà nước. Bộ Calahôm (Bộ Chiến tranh) kiểm soát các tỉnh miền Nam và phụ trách quốc phòng. Nhưng gặp lúc chiến tranh thì người đứng đầu 2 bộ này đều là tướng chỉ huy tối cao quân đội. Theo đạo luật năm 1815 thì quốc gia chia thành các tỉnh, có nội tỉnh và ngoại tỉnh tùy theo vị trí địa dư và tính chất phụ thuộc. Đứng đầu mỗi tỉnh có hoàng thân Chaopha được phái tới từ trung ương hoặc nhà cầm quyền địa phương hay quan chức do nhà vua bổ nhiệm. Đơn vị hành chính cơ sở là xã. Trách nhiệm của người đứng đầu xã là phải nộp đủ thuế, huy động lao dịch đầy đủ cho nhà nước và chiêu tập dân binh khi cần.
Hệ thống đẳng cấp phong kiến Xiêm phức tạp, dưới vua có các chức quan: Chaopha, Chao (cai trị những tỉnh lớn nhất); ChaoPaia (đứng đầu các bộ hoặc tỉnh lớn), Paia (quan trong các bộ, trưởng đồn trú, cai trị tỉnh bé) và nhiều chức khác như Phơra, Luăng, Cum, Mươn … Các chức quan thấp nhất ở thôn xã là Naipan, Nairốt, Naixip. Đáng chú ý là các chức tước phong kiến này đều cha truyền con nối.
Kẻ sở hữu tối cao đất đai trong nước là nhà vua. Bọn quan lại phong kiến đều được nhà vua cấp đất theo hệ thống Xắctina. Ví dụ theo hệ thống này thì Chaopha được 5 vạn khoảnh, Chao Paia được 1 vạn, Naipan có thể được từ 25 – 400. Nhà chùa cũng nắm trong tay một diện tích đất rộng lớn. Người đứng đầu chùa lớn thường có 4 – 5 nghìn nông dân phục dịch riêng.
Hình thức bóc lột chủ yếu đối với nông dân là thuế 1/10. Ngoài ra hàng năm họ phải dành một thời gian nhất định (3-4 tháng) để phục dịch cho nhà vua và địa chủ. Nông dân chia ra làm hai loại chính:
- Pơraiban: dân tự do.
- Kha: bị tước quyền tự do.
Pơraiban có Xắctina từ 25 khoảnh trở lên. Đến 18 tuổi họ phải đăng ký với nhà nước, bị chia làm 2 loại: dân cư và quân sự. Việc phân chia này có tính chất vĩnh viễn, cha truyền con nối. Trong mỗi loại lại chia thành từng ngành chuyên môn gọi là “Mu”. Mỗi Mu làm một việc nhất định cho nhà nước và thuộc một bộ quản lý. Ví dụ Mu xây dựng, Mu canh giữ cung vua, Mu chăn voi nhà vua, Mu làm hầm mỏ… Theo tính toán của một người Anh thì mỗi năm có chừng 40 vạn người phục dịch cho nhà vua. Ngoài thuế 1/10, nông dân còn bị đánh thuế trâu bò, nhà cửa, vườn cây… Bọn quan lại địa phương cũng bóc lột nông dân thậm tệ. Chỉ sau khi nộp tiền chuộc tương đối cho bọn này, người nông dân mới mong thoát khỏi tạp dịch nặng nề.
Kha – nghĩa đen là nô lệ. Nhưng ở thế kỷ XIX phần lớn người thuộc loại Kha đã trở thành nông dân phụ thuộc, mặc dầu hình thức phụ thuộc khá nặng nề.
Tuy nhiên, từ nửa đầu thế kỷ XIX, ở Xiêm đã xuất hiện những mầm mống kinh tế của quan hệ tư bản chủ nghĩa. Nhiều công trường thủ công của tư nhân được xây dựng như luyện gang, làm đường, khai mỏ thiếc, đóng tàu… Mỗi xưởng có từ 200 – 600 công nhân được tuyển mộ từ dân tự do. Một số mặt hàng có chất lượng cao được xuất cảng như gang, đường.. Ngay nhà nước phong kiến, nhà vua và địa chủ cũng mở một số xí nghiệp, ở đó, thợ thủ công lành nghề bị cưỡng bức lao động, và thành phần công nhân tự do (phần lớn là Hoa kiều) tăng dần lên. Họ đã đóng được những chiếc thuyền trọng tải 800 tấn. Những công trường làm súng và khai thác có quy mô khá lớn. Tuy nhiên các quan hệ tư bản mới nảy sinh bị kìm hãm vì các thiết chế phong kiến, trước hết là vì sở hữu phong kiến đối với đất đai và tài nguyên thiên nhiên. Người nông dân bị buộc chặt vào mảnh đất của địa chủ, gây nên tình trạng thiếu nhân công trong các công trường thủ công.
II – Chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm nhập Xiêm
1. Các hiệp ước không bình đẳng và hậu quả của chúng
Từ thế kỷ XV trở đi, thương nhân Âu châu đã lẻ tẻ đến buôn bán ở Xiêm và tìm cách xâm nhập vào nước này. Trước hiểm họa xâm lăng, triều đình Xiêm ra lệnh đóng cửa biển. Việc buôn bán với phương Tây chỉ được khôi phục vào những năm 20 của thế kỷ XIX. Vào thời gian này, Anh muốn ký với Xiêm một hiệp ước thương mại nhưng không thành công, vì tham vọng của Anh quá lớn. Trong thời gian chiến tranh Anh-Miến lần thứ nhất (18241826) dưới áp lực của Anh, Xiêm đã phái một số quân giúp Anh chống Miến Điện. Mặt khác, Xiêm cũng lo đến lượt mình bị Anh xâm chiếm nên ra sức đề phòng, nhất là khi Anh gây ra cuộc Chiến tranh thuốc phiện chống Trung Quốc (1839-1842). Lúc này giai cấp phong kiến Xiêm chia làm 2 phái lớn. Phái thứ nhất đại diện cho tập đoàn phong kiến quan lại và địa chủ muốn bảo vệ đặc quyền phong kiến cũ, giữ hình thức cai trị nhà nước như trước, chống mọi cải cách, chống mở rộng buôn bán với Tây phương. Phái thứ hai đại diện cho tập đoàn quan lại lớn ở thủ đô làm giàu nhờ buôn bán, cho vay nặng lãi và đại diện cho các tầng lớp thương nhân giàu có. Họ chủ trương cải cách ôn hòa trong lĩnh vực đời sống chính trị và xã hội, mở rộng buôn bán với nước ngoài và qua đó, bảo vệ nền độc lập của đất nước.
Giữa thế kỷ XIX Anh đã hoàn thành việc xâm chiếm Ấn Độ, một phần Mã Lai và Miến Điện. Như vậy Xiêm có chung một biên giới dài với các thuộc địa của Anh. Điều kiện để đánh chiếm Xiêm chưa chín mùi, nên Anh xâm nhập bằng con đường ngoại giao. Năm 1855 phái đoàn Anh do toàn quyền Anh ở Hương Cảng là Baorinh dẫn đầu đến Băng Cốc. Vì sợ xảy ra một cuộc xung đột quân sự khi so sánh lực luợng không cho phép, vua Xiêm là Mông cút (Rama IV 1851- 1868) nguời đứng đầu phái thứ hai buộc phải ký với Anh hiệp ước không bình đẳng đầu tiên (4-1855). Hiệp ước quy định ngoại kiều Anh có quyền lãnh sự tài phán, thị trường Xiêm mở rộng cửa cho thương nhân Anh. Đồng thời Anh được thiết lập tòa lãnh sự ở Băng Cốc, thuế đánh vào hàng Anh chỉ bằng 3% giá thị trường, thực dân Anh có quyền tự do khai mỏ, tự do chở thuốc phiện vào bán ở Xiêm mà không bị đánh thuế. Thậm chí tàu chiến của Anh có thể đi vào sông Mê Nam và thả neo ở Pắc Nam.
Năm 1856 Xiêm cũng ký một hiệp ước tương tự nhu thế với Mỹ và Pháp; năm 1858 ký với Đan Mạch rồi lần lượt ký với Bồ Đào Nha, Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Na Uy, Ý, Bỉ; năm 1898 ký với Nga. Chủ định của nhà cầm quyền Xiêm là muốn lợi dụng sự có mặt của các nước tư bản ở Xiêm để chúng mâu thuẫn và kiềm chế lẫn nhau, trên cơ sở đó Xiêm tránh tai họa trở thành thuộc địa của một trong các cường quốc tư bản.
Năm 1867 một hiệp ước khác được ký kết giữa Xiêm và Pháp theo đó Xiêm công nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Campuchia (thực tế Pháp chiếm Campuchia từ năm 1863). Về phần mình, Pháp nhận nhường cho Xiêm 2 tỉnh của Campuchia là Báttambăng và Xiêm Riệp. Đây rõ ràng là sự mua bán, trao đổi của hai kẻ xâm lược đối với đất nước và chủ quyền của Campuchia.
Việc ký kết các hiệp ước không bình đẳng trên gây nên hậu quả tai hại đối với xã hội Xiêm. Nó là giai đoạn đầu tiên Xiêm biến thành nước phụ thuộc. Trước hết, bằng các hiệp ước đó, Xiêm biến thành nơi cung cấp lương thực, nguyên liệu rẻ mạt và thị trường tiêu thụ hàng hóa cho các nước tư bản. Gạo xuất khẩu năm 1850 chỉ bằng 1,2% số thu hoạch cả năm. Từ sau khi hiệp ước được ký kết, gạo xuất sang các nước tư bản tăng rất nhanh: 1855 – 2,5%; 1875 – 23%; 1895 – 60%. Đối với các nước phụ thuộc, con số đó nói lên tình trạng đất nước bị bòn rút ngày càng nhiều. Trên cơ sở đó , thị trường bên trong và bên ngoài của Xiêm được mở rộng phần nào, các đặc quyền thương mại của bọn phong kiến lớn và nhà vua trên một mức độ đáng kể bị thủ tiêu. Nhưng vì Xiêm bị kéo vào hệ thống kinh tế tư bản do áp lực của các nước tư bản Tây Âu nên nó không giải quyết tình trạng lạc hậu của nước Xiêm phong kiến. Trái lại, hàng loạt ngành thủ công nghiệp cổ truyền và thủ công trường bị phá sản (đúc khí giới, đóng tàu, làm đường, khai mỏ, chế thuốc, nhuộm, dệt vải…). Hậu quả thứ hai là nhân dân Xiêm bị bóc lột hết sức nặng nề vì việc buôn bán không ngang giá. Các nước phương Tây mua nguyên liệu và thực phẩm của Xiêm với giá rẻ mạt, ngược lại bán đắt các loại hàng công nghiệp.
Vệ mặt khách quan, sự nối liền Xiêm với hệ thống kinh tế thế giới đã đẩy nhanh quá trình tan rã của nền kinh tế tự nhiên ở Xiêm, đẩy nhanh sự xuất hiện quan hệ tư bản với những thành phần kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ. Có một số thủ công trường và nhà máy chạy bằng động cơ hơi nước được xây dựng. Tầng lớp thương nhân kinh doanh công nghiệp bắt đầu xuất hiện.
2. Các cường quốc Anh và Pháp hoàn thành việc phân chia khu vực ảnh hưởng ở Xiêm
Chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, các đế quốc phương Tây tăng cường xâm chiếm thuộc địa và thôn tính nốt các quốc gia còn giữ được độc lập. Năm 1885-1886 trong chiến tranh Anh-Miến lần thứ 3, Anh đã chiếm toàn bộ Miến Điện. Còn Pháp, sau khi đánh chiếm xong Việt Nam và Campuchia (1884) cũng muốn nuốt ngay mảnh đất Xiêm màu mỡ và một số đất Lào khi đó phụ thuộc Xiêm. Xiêm đứng trước nguy cơ mất nước. Nhưng Anh và Pháp không dễ gì có thể một mình nuốt trôi được nước Xiêm. Chính mâu thuẫn đó đã buộc chính phủ Pháp đi đến một đề nghị hòa giải để bảo đảm quyền lợi thực dân của cả Anh và Pháp: trung lập hóa Xiêm để tránh một cuộc chiến tranh có thể xảy ra giữa hai bên, biến Xiêm thành một khu đệm nằm giữa các thuộc địa của Anh và của Pháp trên bán đảo Trung Ấn.
Mùa hè năm 1893, Pháp tiến thêm một bước bắt Xiêm phải nhượng bộ đất đai. Chúng cho quân từ 3 ngả (Quảng Trị, Vinh, Campuchia) tiến sang chiếm đóng tả ngạn sông Mê Công và vùng Xtungtreng. Đồng thời Pháp cho hạm đội tiến vào vịnh Thái Lan rồi ngược dòng Mê Nam, tiến hành bao vây Xiêm từ mặt biển. Yêu sách của Pháp là Xiêm phải công nhận chủ quyền của Việt Nam (thực chất là của Pháp) đối với Lào và Campuchia. Tham vọng đó của Pháp được các đế quốc khác nhất là Anh làm ngơ, mặc dù triều đình Xiêm yêu cầu chúng can thiệp, chặn bàn tay của Pháp. Trước áp lực quân sự của Pháp, triều đình Xiêm phải ký Hiệp ước ngày 3-10-1893. Nội dung chính của Hiệp ước quy định vùng đất dọc phía tây sông Mê Công với chiều ngang 25 km phải trở thành khu phi quân sự; quân Pháp được chiếm đóng Chantaburi; Pháp đặt lãnh sự quán tại Kòrạt và Nạn (miền Đông Xiêm); Xiêm không được xây dựng đồn trú ở Báttambăng và Xiêm Riệp.
Xem thêm : “Tôi là ai?” – Khám phá bản thân, nhận thức chính mình
Như vậy, một phần đất của LuôngPhabăng ở hữu ngạn sông Mê Công (đất Lào) và 2 tỉnh Báttambăng, Xiêm Riệp (đất Campuchia) vẫn còn thuộc quyền của vua Xiêm. Pháp đã nhượng bộ Xiêm một phần đất đai của hai nước Campuchia, Lào để giành quyền làm chủ đối với một số vùng tả ngạn sông Mê Công.
Kế hoạch biến Xiêm thành khu đệm và khu ảnh hưởng của 2 đế quốc Anh-Pháp được chính thức hóa bằng thỏa hiệp Luân Đôn ký ngày 15-11896 không có sự tham gia của chính quyền Xiêm. Theo thỏa hiệp này, phía Tây sông Mê Nam thuộc ảnh hưởng Anh, phía đông thuộc Pháp. Thung lũng sông Mê Nam có thủ đô Băng Cốc ở giữa được tự chủ toàn vẹn. Thỏa hiệp ngăn cấm một trong hai nước Anh-Pháp không được ký một hiệp ước tay đôi nào cho phép nước thứ ba can thiệp vào vùng này.
Vói việc ký kết các hiệp ước này, Xiêm đã thật sự trở thành một nước phụ thuộc vào hai đế quốc Anh và Pháp.
III – Sự phát triển quan hệ Tư bản chủ nghĩa và sự phân hóa xã hội Xiêm đầu thế kỷ XX
1. Cuộc cải cách của Rama V và Rama VI cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
Nếu Môngcut (Rama IV) là người đã ký kết nhiều hiệp ước không bình đẳng với phương Tây thì Chulaloongcon (Rama V: 1868-1910) lại là người có đầu óc cấp tiến tìm cách tháo gỡ khỏi sự ràng buộc của các hiệp định không bình đẳng. Rama V tiến hành cải cách trong những năm cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX nhằm canh tân đất nước theo kiểu tư bản chủ nghĩa, đồng thời duy trì quyền lực chính trị và kinh tế của giai cấp quý tộc phong kiến Xiêm.
Công việc có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là xóa bỏ chế độ nô lệ đã
tồn tại lâu đời ở Xiêm và là trở ngại lớn đối với sự phát triển kinh tế. Trước đây, Rama IV cũng đã ra lệnh cấm bán những người nô lệ vì nợ trên 15 tuổi và cấm bán vợ để trang trải nợ nần. Năm 1874, Rama V ban hành sắc luật thủ tiêu chế độ nô lệ vì nợ. Sắc luật này chỉ được áp dụng trong vùng lãnh thổ chính của Xiêm mà không thi hành đối với các Vương quốc phụ thuộc Xiêm. Đến năm 1905, chế độ nô lệ dưới mọi hình thức được tuyên bố thủ tiêu hoàn toàn.
Năm 1899, chính phủ cũng tuyên bố xóa bỏ chế độ lao dịch cho Nhà nước. Đông đảo nông dân thoát khỏi nghĩa vụ đi làm 3 tháng mỗi năm trên các công trường quốc gia. Nhưng họ phải nộp một khoản tiền cho chính quyền địa phương.
Những chính sách trên có ý nghĩa tiến bộ vì nó giải phóng một phần sức lao động, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Đương nhiên, dưới chế độ thống trị phong kiến, những người nông dân vừa thoát khỏi thân phận nô lệ không được giải phóng thực sự khỏi ách bóc lột của giai cấp quý tộc địa chủ. Nhưng hoàn cảnh mới cũng kích thích họ hăng hái tham gia sản xuất hơn vì dẫu sao, họ cũng được hưởng một phần sản phẩm do họ làm ra.
Mục tiêu hàng đầu của Nhà nước Xiêm là tăng nhanh việc xuất khẩu gạo. Chính phủ thi hành chính sách giảm nhẹ thuế đối với ruộng đất ở miền Trung Xiêm, là nơi sản xuất 95% lượng gạo để xuất khẩu. Chủ ruộng ở đây được hưởng một số điều kiện tương đối dễ dãi hơn, trong khi ở các vùng miền Bắc và Đông Bắc, chẳng những thuế ruộng đất tăng lên mà còn chịu thêm thuế dừa và nhiều thứ thuế khác nữa.
Bằng những biện pháp trên, sản lượng gạo trong những năm cuối thế kỷ XIX tăng lên rõ rệt. Do đó, gạo xuất khẩu ngày càng nhiều.
Năm 1885, xuất khẩu 225 ngàn tấn
Năm 1890, xuất khẩu 480 ngàn tấn
Năm 1895, xuất khẩu 465 ngàn tấn
Năm 1900, xuất khẩu 500 ngàn tấn
Như vậy, trong vòng 15 năm, lượng gạo xuất khẩu tăng gấp hơn 2 lần. Việc xuất khẩu gỗ tếch từ 1885-1895 cũng tăng lên gấp 4 lần, từ 15,2 ngàn tấn lên 61,3 ngàn tấn.
Nhờ đó, nền kinh tế Xiêm có những bước chuyển biến quan trọng. Ngoại thương đạt đến mức suất siêu: năm 1885, tiền bán hàng xuất khẩu nhiều hơn tiền mua hàng nhập khẩu 435 ngàn livrơ stecling, năm 1893 lên đến 2216 ngàn, gấp hơn 5 lần. Các ngành công thương nghiệp được kích thích mạnh mẽ. Giai cấp quý tộc và thương nhân Xiêm đầu tư vào công nghiệp xay xát gạo. Năm 1890, riêng Băng Cốc có 25 nhà máy xay lớn được trang bị máy mới, trong đó có nơi thuê đến 400 công nhân. Nhà máy cưa lớn đầu tiên ra đời năm 1894 thì chỉ vài năm sau đã có 4 nhà máy cưa. Công ty xe điện được thành lập năm 1887, sớm nhất so với các nước khác ở Đông Nam Á.
Nhưng bên cạnh các cơ sở kinh doanh của người Xiêm, tư sản Hoa kiều cũng nắm nhiều ngành kinh tế quan trọng, mở nhiều nhà máy xay, nhà máy cưa, hiệu buôn và ngân hàng. Sự cạnh tranh của tư sản người Hoa đã hạn chế bước phát triển của nền kinh tế dân tộc Xiêm.
Từ năm 1892, Rama V tiến hành cuộc cải cách hành chính. Sau khi cử nhiều đoàn đi nghiên cứu thể chế của một số nước châu Âu, giai cấp thống trị Xiêm coi mô hình nhà nước quân chủ lập hiến của đế quốc Đức là phù hợp với tình hình Xiêm. Vua vẫn là người có quyền lực tối cao trong toàn quốc. Bên cạnh vua có Hội đồng Nhà nước đóng vai trò cơ quan tư vấn, khởi thảo luật pháp, hoạt động gần như một nghị viện. Bộ máy hành pháp của triều đình được thay thế bằng Hội đồng chính phủ gồm 12 bộ trưởng. Những nhân vật cầm quyền thường là dòng dõi quý tộc, được gửi sang du học ở các nước Anh, Pháp, Đức… Một mặt, họ tiếp thu phong cách làm việc Tây phương, mặt khác, họ bảo vệ tích cực quyền lợi của giai cấp quý tộc phong kiến tư sản hóa ở nước Xiêm.
Năm 1894, cuộc cải cách hành chính lan xuống cấp tỉnh, tạo nên sự thay đổi quan trọng trong hệ thống cai trị ở Xiêm. Tòa án, quân đội, trường học… đều được tổ chức lại theo kiểu châu Âu.
Cuộc cải cách tài chính năm 1892 xóa bỏ chế độ thầu thuế. Việc thu thuế do các nhân viên nhà nước trực tiếp tiến hành làm tăng nguồn thu nhập của ngân sách đồng thời giảm bớt phần nào sự quấy nhiễu nông dân do bọn thầu thuế gây ra. Chế độ phạt tù vì không trả được nợ được bãi bỏ.
Vua Vatriravut (Rama VI 1910-1925) vẫn tiếp tục mở rộng cuộc cải cách nhằm đẩy mạnh hơn nữa bước phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Xiêm. Đạo luật tháng 1-1911 khẳng định việc hoàn toàn thủ tiêu chế độ nô lệ dưới mọi hình thức ở Xiêm. Nông nghiệp không ngừng tăng tiến nhờ biện pháp tăng diện tích gieo mạ và khai hoang. Năm 1910, lượng gạo xuất khẩu lên đến 900 ngàn tấn gần gấp đôi so với năm 1900. Công nghiệp cũng tiến triển nhanh với sự xuất hiện nhiều nhà máy mới. Năm 1912 ở Băng Cốc có 50 nhà máy xay hoạt động, tăng gấp hai lần năm 1890. Ngành đóng thuyền khai trương vào đầu thế kỷ XX, Công ty tàu thủy Xiêm-Hoa được thành lập. Nhà nước bỏ vốn kinh doanh đường sắt. Con đường sắt đầu tiên khánh thành vào năm 1892 từ Băng Cốc đi Pắc Nam. Cùng năm đó bắt đầu xây dựng đường sắt Băng Cốc-Cò Rạt. Đến năm 1914, mạng lưới đường sắt trên toàn nước Xiêm dài 2.000 km. Nhưng nhìn chung, những chuyển biến trong lĩnh vực nông công nghiệp (trồng lúa, xay xát gạo, khai thác rừng, làm đường sắt, lập nhà máy cưa…) đều nhằm phục vụ việc xuất khẩu gạo và gỗ sang các nước đế quốc, chủ yếu là Anh. Nó không tạo cho nền kinh tế Xiêm một cơ sở vững chắc, một nền công nghiệp tự chủ mà luôn luôn ở vào địa vị phụ thuộc chủ nghĩa tư bản nước ngoài.
2. Tư bản nước ngoài đầu tư vào Xiêm
Xem thêm : Cách tính xác suất xổ số Vietlott trúng giải độc đắc dễ như ăn kẹo
Bên cạnh sự phát triển của chủ nghĩa tư bản dân tộc Xiêm, tư bản nước ngoài chủ yếu là Anh cũng tăng cường bỏ vốn vào thị trường này. Đế quốc Anh chiếm độc quyền khai thác rừng và xuất khẩu gỗ tếch để đóng tàu. Năm 1894 ở Băng Cốc mới có 3 nhà máy cưa lớn của người châu Âu thì đến năm 1912 tăng lên 6. Năm 1890, cũng ở thành phố này chỉ có 5 nhà máy xay của người châu Âu thì đến năm 1912 tăng lên gấp 3 lần. Năm 1908 có 12 công ty nước ngoài bỏ vốn vào công nghiệp khai khoáng. Tư bản Anh nắm các nguồn khai thác thiếc, vàng, vônfram; khống chế từ 70 – 80% hàng xuất nhập khẩu của Xiêm. Khoảng 90% số gạo xuất khẩu của Xiêm được bán sang Hồng Công và Xingapo là thuộc địa của Anh. Bên cạnh 4 ngân hàng Xiêm-Hoa, các nước châu Âu cũng mở ngân hàng, tăng thêm vốn đầu tư vào công thương nghiệp và cho chính phủ Xiêm vay vừa để lấy lãi, vừa để làm công cụ khống chế Nhà nước Xiêm về mặt chính trị.
Đầu thế kỷ XX, đế quốc Đức bắt đầu xâm nhập thị trường Xiêm, Đức xuất sang Xiêm thiết bị xe lửa và máy xay xát. Đặc biệt, trong cuộc cạnh tranh với Anh, công ty tàu biển Đức đã có nhiều tàu chạy trên các tuyến đường từ Xiêm ra nước ngoài.
Tư bản Nhật cũng xuất hiện và tăng cường ảnh hưởng rất nhanh trên thị trường Xiêm. Còn tư bản Pháp đóng vai trò chủ yếu là kẻ cho vay nặng lãi cho nhà nước và giai cấp quý tộc-tư sản Xiêm.
Như vậy, cuộc cải cách do các vua Rama V và Rama VI tiến hành đã tạo cho nước Xiêm một bộ mặt mới theo mẫu hình phương Tây. Nhưng vì không có một giai cấp tư sản lớn mạnh nên toàn bộ cuộc cải cách này đều do nhà nước quân chủ phong kiến Rama tiến hành. Nó không động chạm đến nền tảng của nền kinh tế phong kiến là chế độ ruộng đất, vẫn duy trì các hình thức bóc lột phong kiến đối với nông dân, vẫn bảo vệ quyền lực của giai cấp quý tộc trong mọi lĩnh vực của đời sống. Cho nên, kết quả của quá trình cải cách tuy có một số nét tiến bộ theo hướng tư bản chủ nghĩa, nhưng không tạo cho đất nước một bước chuyển biến cách mạng khi bước vào quỹ đạo tư bản chủ nghĩa thế giới.
Đồng thời, ảnh hưởng của tư bản phương Tây trong đời sống chính trị và kinh tế của Xiêm thông qua việc thi hành các hiệp ước không bình đẳng vẫn kìm giữ nước này trong vòng lệ thuộc. Sự cạnh tranh của tư sản người Hoa cũng hạn chế trên một chừng mực đáng kể bước phát triển của nền kinh tế dân tộc Xiêm.
3. Đấu tranh ngoại giao để thủ tiêu các hiệp ước bất bình đẳng
Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, Xiêm mở cuộc thương lượng ngoại giao với hy vọng từng bước tiến tới thủ tiêu các hiệp ước bất bình đẳng. Năm 1897 sau khi ký xong những hiệp ước với Anh và Pháp, vua Rama V liền đi sang một số nước châu Âu để gặp Chính phủ Anh, Pháp, Đức, Nga… Chính phủ Xiêm lúc đầu dựa vào Nga, nhờ Nga đóng vai trò trung gian điều hòa quan hệ giữa Xiêm và Pháp. Kết quả dàn xếp của đại diện Nga ở Băng Cốc là cuộc hội đàm giữa toàn quyền Đông Dương Đume năm 1899 với Chính phủ Xiêm. Nhưng hai bên không ký kết được một hiệp nghị nào vì tham vọng của Pháp không thay đổi.
Trong thời gian này, ảnh hưởng và sự xâm nhập của các đế quốc Anh, Nhật và Đức ở Xiêm được tăng cường, Pháp rất lo ngại trước sức tấn công của các cường quốc trên đối với Xiêm. Bởi vậy Pháp muốn nhanh chóng ký kết với Xiêm một hiệp ước nhằm bảo vệ quyền lợi thực dân của mình. Theo hiệp ước ký tháng 2-1904 giữa Pháp và Xiêm thì một số tỉnh thuộc hữu ngạn sông Mê Công (Mêlupơrây, Tônlêrêpu, Bátxắc) và 2 vùng Cơrát, Đanxai trên vịnh Xiêm phải cắt cho Pháp. Xiêm cũng nhường cho Pháp một số đất đai dọc sông Mê Công để xây dựng hải cảng. Xiêm phải hứa rằng quân đội Xiêm đóng ở miền Đông Bắc và những người lao động xây dựng cảng, đường sắt, kênh đào ở khu vực này đều là người gốc Xiêm mà không dùng người nước ngoài. Về phần mình Pháp nhận rút khỏi vùng Chantaburi của Xiêm mà Pháp đã dùng vũ lực chiếm năm 1893. Pháp cũng bỏ một số quyền lãnh sự tài phán và công nhận chủ quyền của Xiêm ở vùng hữu ngạn sông Mê Công thuộc tỉnh Luông Phabăng.
Năm 1907, bằng một hiệp ước mới, Pháp, buộc Xiêm nhường các tỉnh Báttambăng, Xiêm Riệp và Xixôphôn để đổi lấy 2 vùng Đanxai và Cơrát. Những công dân Pháp đến Xiêm sau hiệp ước này không được hưởng quyền lãnh sự tài phán. Tổng cộng đất đai Xiêm phải nhường cho Pháp vượt quá 2 vạn km2 nhưng hầu hết là đất của Lào và Campuchia khi đó đang lệ thuộc Xiêm.
Các hiệp ước Xiêm-Pháp trên đã gây nên mối lo ngại cho Anh. Với tư cách là những nước đồng minh chống Đức, tháng 4-1904, Anh và Pháp khẳng định lại việc chia đôi lãnh thổ Xiêm thành 2 vùng ảnh hưởng thuộc Anh và thuộc Pháp. Nhưng Anh cũng gia tăng áp lực đối với chính phủ Xiêm để đi đến một hiệp nghị ký năm 1909. Theo hiệp nghị này thì Xiêm phải cắt cho Anh các tỉnh Kêlantan, Tơrenganu và Kêđác là những Xuntan phụ thuộc Xiêm trên bán đảo Malắcca với diện tích trên 4 vạn km2. Về phần mình, Anh tuyên bố bỏ quyền lãnh sự tài phán và cho Xiêm vay tiền xây dựng con đường sắt xuyên bán đảo Malắcca.
Đến năm 1909 quyền lãnh sự tài phán của các nước ngoài nói chung đã bị bãi bỏ ở Xiêm. Việc này, trên một mức độ đáng kể đã khôi phục chủ quyền của Xiêm, làm cho Xiêm vẫn giữ được nền độc lập hình thức. Nhưng để giành được nó, chính phủ Xiêm đã khôn khéo nhượng bộ các cường quốc phần đất đai mà hầu hết là các thuộc quốc của Xiêm và những quyền lợi khác.
Tuy vậy, Xiêm vẫn bị phụ thuộc vào các nước tư bản. Các hiệp ước bất bình đẳng còn chưa bị thủ tiêu (biểu thuế quan thấp, hiệp nghị phân vùng ảnh hưởng giữa Pháp và Anh còn có giá trị…).
Vương quốc Xiêm trên danh nghĩa thì vẫn giữ độc lập chính trị, nhưng thực tế lại mắc vào lưới phụ thuộc về tài chính và ngoại giao. Vì vậy, đấu tranh để thoát khỏi ách nô dịch của nước ngoài, làm cho Xiêm giành được quyền tự chủ hoàn toàn vẫn là mục tiêu cơ bản của nhân dân Xiêm. Khi đó, nhiệm vụ lịch sử to lớn này chưa thực hiện được ở Xiêm vì chưa có một giai cấp nào có khả năng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, lãnh đạo được đông đảo quần chúng nổi dậy đấu tranh.
Trong những năm chiến tranh thế giới thứ nhất, Xiêm tuyên bố đứng trung lập, không tham gia khối nào. Mãi đến tháng 5-1917, trước thắng lợi của phe Hiệp ước, Xiêm mới gia nhập khối các nước Hiệp ước AnhPháp-Nga và đến tháng 7 năm đó tuyên chiến với Đức, Áo-Hung. Sau sự kiện này, Xiêm tham gia Hội Quốc liên. Địa vị của Đức ở Xiêm bị Anh thay thế hoàn toàn.
4. Sự phân hóa giai cấp và sự ra đời “chủ nghĩa quốc gia quân chủ” ở Xiêm
Những cải cách của Rama V đã tạo nên những thay đổi nhất định trong sự phân hóa xã hội Xiêm cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.
Sự xóa bỏ chế độ nô lệ và việc tăng cường xuất khẩu gạo đã du nhập quan hệ sản xuất hàng hóa nhỏ trong nông thôn. Giai cấp nông dân chiếm 9/10 dân số được hưởng một số điều kiện dễ chịu, nhưng vẫn không thoát khỏi ách bóc lột phong kiến. Chế độ phát canh thu tô vẫn duy trì, nhất là nông dân các vùng ngoài Trung Xiêm nơi không có khả năng xuất khẩu gạo thì vẫn chịu cảnh nộp tô thuế nặng nề. Vì thế, năm 1889, một cuộc khởi nghĩa nông dân lớn bùng nổ tại Chiềng Mai, vương quốc phía Bắc Xiêm. Dưới ngọn cờ của Paia Pap, nghĩa quân chiến đấu dũng cảm chống lại quân chính phủ. Bị thất bại, một số đơn vị nghĩa quân di chuyển sang vương quốc San (thuộc Miến Điện) để củng cố lực lượng. Năm 1890, họ đánh trở về đến sông Mường Phăng nhưng một lần nữa phải bỏ trốn vào rừng.
Năm 1902, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra gần như cùng một lúc ở miền Nam (trong các Xuntan Mã Lai), miền Bắc (trong công quốc Prê) và miền Đông bắc (thuộc tỉnh Ubon). Cuộc khởi nghĩa Ubon có quy mô lớn hơn cả do Pibun đứng đầu, kéo dài từ tháng 11901 đến tháng 21902.
Những cuộc đấu tranh đó chứng tỏ rằng mặc dầu tiến hành cải cách, các dòng vua Rama không hề có ý định thực sự giải phóng nông dân và mâu thuẫn giữa phong kiến với giai cấp nông dân vẫn chưa được giải quyết.
Cùng với sự phát triển của công thương nghiệp, giai cấp công nhân bắt đầu xuất hiện ở Xiêm từ những năm cuối thế kỷ XIX. Khi đó có khoảng 100.000 công nhân, nhưng phần lớn là công nhân nông nghiệp. Trừ một số cơ sở kinh doanh có quy mô lớn, còn hầu hết các nhà máy chỉ thuê chừng vài chục công nhân nên không tránh khỏi tình trạng phân tán. Phần lớn công nhân lại là người gốc Trung Quốc vì một năm số người Hoa nhập cư vào Xiêm có đến 17,6 ngàn. Ngoài ra còn có nhiều công nhân gốc Miến Điện, Mã Lai; công nhân gốc Thái chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ. Tình hình đó hạn chế sự thống nhất trong đội ngũ công nhân, ảnh hưởng đến sự phát triển ý thức giác ngộ giai cấp và làm yếu phong trào đấu tranh. Năm 1897, nghiệp đoàn đầu tiên của công nhân được thành lập trong ngành xe điện ở Băng Cốc. Một số cuộc bãi công đòi quyền lợi của công nhân gốc Hoa trong những năm 1889, 1910… chưa đem lại kết quả. Phong trào công nhân Xiêm nhìn chung còn ở giai đoạn sơ khai và tự phát.
Giai cấp tư sản, tiểu tư sản thành thị cũng phát triển cùng với sự lớn mạnh của kinh tế tư sản dân tộc. Nhưng vì các nhà máy và hãng buôn lớn, nếu không thuộc về người phương Tây thì cũng lại ở trong tay tư sản gốc Hoa nên lực lượng tư sản dân tộc người Thái rất yếu. Đại diện cho nguyện vọng của bộ phận này là lớp trí thức du học ở nước ngoài và một số sĩ quan quân đội. Họ mong muốn một sự thay đổi sâu sắc trong xã hội Xiêm, tiếp nhận chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và âm mưu tổ chức ám hại nhà vua năm 1912 để lật đổ chế độ quân chủ, nhưng thất bại.
Sau những cải cách của Rama V, giai cấp phong kiến củng cố thế lực trong xã hội. Họ tuyên truyền chủ nghĩa quốc gia quân chủ, lấy Nhật Bản làm khuôn mẫu. Điều đó phản ánh ý thức hệ của giai cấp quý tộc thống trị muốn canh tân đất nước để thoát khỏi ách nô dịch của các đế quốc, nhưng vẫn duy trì quyền lợì của triều đại Rama cùng với bộ phận quý tộc và đại tư sản. Họ muốn tiến lên chủ nghĩa tư bản nhưng không cắt đứt sợi dây ràng buộc với chế độ phong kiến, muốn giành lại độc lập cho đất nước, nhưng không dám phát động quần chúng đấu tranh thoát khỏi sự khống chế của Anh và Pháp. Họ tìm lời giải đáp trong sự truyền bá rộng rãi chủ nghĩa quốc gia quân chủ; thức tỉnh ý thức dân tộc, phục hưng nền văn hóa dân tộc và xây dựng khối cộng đồng dân tộc trong khuôn khổ của nhà nước quân chủ phong kiến, dựa trên tinh thần thống nhất các dân tộc Thái. Họ ca ngợi sự hòa hợp giữa Vua và Nhân dân nhằm xóa nhòa mâu thuẫn giai cấp vốn có của xã hội phong kiến. Rama VI và tổ chức thanh niên do ông lập nên là “Hổ dữ” ra sức tuyên truyền cho chủ nghĩa quốc gia quân chủ.
Cho nên những cải cách mang tính chất tư sản của Rama V và Rama VI có tác dụng tích cực nhất định đối với sự phát triển kinh tế xã hội, làm cho vương quốc không bị rơi vào tình trạng thuộc địa như các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Tuy còn duy trì được nền độc lập về hình thức; nhưng cuộc đấu tranh giải phóng thực sự khỏi sự khống chế của các nước đế quốc và chế độ phong kiến vẫn còn là nhiệm vụ đặt ra đối với nhân dân Xiêm.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức