Vai trò xã hội là gì?

0

Vai trò xã hội là gì? Đặc trưng, phân loại và các yếu tố ảnh hưởng đến vai trò xã hội.

Khái niệm

Vai trò xã hội là một khái niệm cơ bản để xem xét hành vi của cá nhân trong hoạt động xã hội.

Vai trò của cá nhân như một vai diễn với một hoặc nhiều chức năng mà cá nhân đó phải đảm trách trước xã hội. Một vai trò là tập hợp các chuẩn mực hành vi thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ được gắn liền với một vị thế xã hội nhất định. Trong quá trình hòa nhập vào xã hội, cá nhân học cách đóng các loại vai trò khác nhau thông qua các mối quan hệ, cá nhân có bao nhiêu mối quan hệ, thì có bấy nhiêu vai trò.

Đặc trưng của vai trò xã hội

  • Vai trò là sự kết hợp của khuôn mẫu tác phong bên ngoài (hành động) và tác phong tinh thần ở bên trong (kiến thức, sự suy nghĩ).
  • Vai trò xã hội mô tả các tác phong đồng nhất được xã hội chấp nhận.
  • Vai trò được thực hiện trong sự phù hợp với các chuẩn mực xã hội nói chung, với sự mong đợi của người xung quanh, không phụ thuộc vào cá nhân – người thực hiện vai trò.
  • Các cá nhân chấp nhận vai trò (vai trò chủ động, vai trò lựa chọn) chủ yếu dựa vào mức độ phù hợp của chúng với nhu cầu và lợi ích cá nhân trong sự tồn tại phát triển của mình.
  • Một cá nhân có thể đóng nhiều vai trò.
  • Các loại vai trò:

+ Vai trò chủ yếu – thứ yếu, chính – phụ.

+ Vai trò then chốt, vai trò không then chốt.

Phân loại vai trò xã hội

Có năm loại vai trò xã hội mà cá nhân thường đảm trách:

Vai trò định chế: là vai trò cá nhân thể hiện phải theo cách thức nhất định mang tính chế tài của hành động khuôn mẫu đã vạch sẵn của tổ chức chính trị – xã hội nào đó.

  • Vai trò thông thường: là vai trò cá nhân học hỏi, bắt chước một cách giản đơn, tự nhiên.
  • Vai trò kỳ vọng: là vai trò mà mỗi cá nhân đảm nhiệm đáp ứng mong đợi của nhiều người.
  • Vai trò gán: là vai trò do xã hội hay một nhóm xã hội gán cho cá nhân.
  • Vai trò tự chọn: là vai trò cá nhân thực hiện theo ý muốn.

Mối quan hệ giữa vị thế xã hội và vai trò xã hội là mối quan hệ đồng thuận

Vị thế là cơ sở xác định vai trò của cá nhân. Nhiều vị thế sẽ dẫn đến nhiều vai trò, vị thế càng cao vai trò càng quan trọng. Vị thế như thế nào thì vai trò như thế ấy. Vị thế quyết định vai trò, hay vị thế là chỗ đứng của vai trò. Khi vị thế thay đổi thì vai trò cũng thay đổi theo.

Việc thực hiện tốt hay không tốt vai trò đều có ảnh hưởng đến vị thế xã hội của các cá nhân. Nếu thực hiện tốt vai trò thì sẽ củng cố và thăng tiến vị thế, nếu không thực hiện tốt vai trò sẽ làm suy giảm vị thế.

Nói cách khác, vị thế xã hội là cái cho biết mỗi người là ai, còn vai trò xã hội là cái cho biết điều mà ta phải làm ở vị thế ấy. Mỗi người đều có thể đảm nhiệm nhiều vai trò xã hội khác nhau.

Vị thế xã hội mang tính ổn định khá cao trong một thời gian dài, còn vai trò xã hội chỉ mang tính tương đối, luôn thay đổi trong từng hoàn cảnh.

Các yếu tố ảnh hưởng đến vị thế và vai trò xã hội của cá nhân

Vai trò và vị thế xã hội của cá nhân trong xã hội bắt nguồn từ nhiều phương diện, như: vị trí kinh tế, thành phần chủng tộc, tầng lớp – giai cấp, trình độ học vấn, tay nghề chuyên môn… và sự phân công lao động của thể chế xã hội.

Các yếu tố ảnh hưởng đến vai trò và vị thế xã hội của cá nhân là:

  • Khả năng, nghị lực vươn lên trong xã hội của cá nhân.
  • Đặc trưng nhân cách, tâm sinh lý của cá nhân.
  • Đặc điểm xã hội của cá nhân.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.