Xã hội hóa là gì? Cơ chế, vai trò, môi trường xã hội hóa

0

Xã hội hóa (Socialization) là gì? Đâu là mục đích, vai trò của xã hội hóa? Tìm hiểu về quá trình xã hội hóa.

1. Những quan niệm về xã hội hóa

Khi ra đời chúng ta phải đương đầu với một thế giới xã hội, ít nhất thể hiện ở những hậu quả đối với hành vi của chũng ta cũng như các thực tế khác mà chúng ta gặp phải. Chúng ta như những cá nhân được cái xã hội cụ thể, mà trong đó chúng ta đang sống và nhóm xã hội mà chúng ta là thành viên, nhào nặn. Sở dĩ như vây là vì thế giới xung quanh chúng ta, bao gồm cả thế giới xã hội, quy định những hành vi của chúng ta, ép buộc chúng ta hành động theo những khuôn mẫu nhất định. Như Berger (nhà xã hội học Anh, 1966) đã nói: “xã hội thâm nhập chúng ta cũng như mạnh mẽ như vây bọc chúng ta. Chúng ta lệ thuộc vào xã hội chủ yếu qua sự đồng cảm chứ không phải bị chinh phục. Chúng ta bị mê hoặc bởi bản chất xã hội của riêng chúng ta. Những bức tường xã hội, có sẵn từ trước khi chúng ta ra đời, đã vây bọc chúng ta, nhưng cũng được chính chúng ta xây dựng nên. Chúng ta đã bị giam cầm với chính sự hợp tác của chúng ta”. Theo Berger chúng ta có cả hai vai trò với xã hội quanh ta là xây dựng xã hội và tuân thủ những quy định của xã hội. Từ đó cho ta thấy bản chất vừa là tuân thủ, vừa là sáng tạo của con người trong xã hội.

Khái niệm xã hội hóa ngày nay được dùng với hai nội dung chính là: xã hội truyền lại những gì cho mỗi cá nhân trong xã hội và tạo ra nhân cách của họ ra sao, cá nhân thể hiện vai trò của mình đối với xã hội và hòa nhập vào xã hội như thế nào. Hiện nay có nhiều quan niệm về xã hội hóa khác nhau do xuất phát từ cách nhìn nhận bản chất con người khác nhau. Có ba quan niệm cơ bản sau đây:

– Quan niệm thứ nhất không đề cập đến tính chủ động sáng tạo của cá nhân trong quá trình thu nhận kinh nghiệm xã hội. Các cá nhân đường như bị gò vào các chuẩn mực khuôn mẫu mà không chống đối lại được. Nói cách khác, mỗi cá nhân được xã hội mặc cho một “chiếc áo văn hóa” phù hợp với từng nơi, từng địa điểm, từng giai đoạn của cuộc sống nhưng cá nhân không có quyền lựa chọn mình. Ví như thuyết X (Douglas Mc Gregor nhà quản lý Mỹ 1960) cho rằng hầu hết mọi người vẫn thích bị chỉ huy nhiều hơn, chứ không muốn gánh vác trách nhiệm, và muốn được an phận là trên hết. Với triết lý này, con người bị thúc đẩy bởi tiền bạc, bổng lộc và sự đe dọa trừng phạt. Do vậy ông chủ trương giám sát chặt con người bằng các quy định. Còn các nhà triết học cổ Phương Đông cho rằng con người bản chất là tham lam, độc ác và tàn bạo “Nhân tri sơ tính bản ác”. Từ quan điểm đó họ cho rằng phải giám sát chặt con người bằng các quy định của xã hội.

– Quan niệm thứ hai khẳng định tính tích cực sáng tạo, chủ động của cá nhân trong quá trình xã hội hóa. Cá nhân không chỉ tiếp thu những kinh nghiệm xã hội mà còn tham gia vào quá trình tạo ra các kinh nghiệm xã hội. Ví dụ như thuyết Y (Douglas Mc Gregor nhà quản lý Mỹ 1960) cho rằng về bản chất con người không lười biếng, không đáng ngờ vực. Con người có thể tự định hướng và sáng tạo trong công việc nếu được thúc đẩy hợp lý. Do vậy, ông chủ trương tạo ra các điều kiện để thúc đẩy tính độc lập tự chủ và sáng tạo của con người. Còn các nhà triết học cổ Phương Đông cho rằng “Nhân tri sơ tính bản thiện” tức là con người sinh ra là trong trắng, thánh thiện. Con người trong xã hội bộc lộ những bản chất tham lam, bạo lực, lười nhác… là do xã hội tạo ra nó. Chủ trương của họ là lấy giáo dục xã hội làm nền tảng để tạo ra và giữ gìn cái trong trắng và thánh thiện.

– Quan niệm thứ ba cho rằng con người có cả hai mặt thụ động, lười nhác và tham lam lẫn chủ động, sáng tạo và tích cực. Xã hội, một mặt truyền lại cho họ những khuôn mẫu trong hành vi, song mặt khác, cũng tạo điều kiện cho họ phát huy được tính chủ động, sáng tạo và tích cực trong công việc xây dựng xã hội văn minh lành mạnh.

Từ đó, ta có thể thống nhất khái niệm: Xã hội hóa là quá trình mà qua đó cá nhân học hỏi, lĩnh hội nền văn hóa của xã hội như các khuôn mẫu xã hội, quá trình mà nhờ nó cá nhân đạt được những đặc trưng xã hội của bản thân, học được cách suy nghĩ và ứng xử phù hợp với vai trò xã hội của mình, hòa nhập vào xã hội.

Như vậy, thực chất của quá trình xã hội hóa là tạo ra nhân cách cho mỗi con người trong xã hội.

2. Cơ chế xã hội hóa

Quá trình xã hội truyền lại nền văn hóa cho mỗi cá nhân theo những cách khác nhau. Bằng những cách đó cá nhân học hỏi được nền văn hóa xã hội. Những cách này được gọi là cơ chế xã hội hóa. Có hai cơ chế xã hội hóa cơ bản sau đây:

a. Cơ chế định chế

Cơ chế định chế là cơ chế mà xã hội truyền lại những chuẩn mực, khuôn mẫu bắt buộc cho mỗi cá nhân. Cá nhân phải trải qua quá trình học hỏi, thực hành và thực hiện nó trong cuộc sống của mình. Ví dụ như chúng ta học được các tri thức khoa học, học được những kỹ năng lao động nhất định mà xã hội đã đạt được, đồng thời chúng ta còn học được kinh nghiệm của những người đi trước để vận dụng vào cuộc sống của mình.

b. Cơ chế phi định chế

Cơ chế phi định chế là cơ chế trong đó mỗi cá nhân học được ở xã hội những điều cần thiết một cách tự nhiên. Cơ chế phi định chế được thực hiện thông qua hai cách là bắt chước và lây lan.

Bắt chước là sự mô phỏng, tái tạo, lặp lại hành động, hành vi cách thức suy nghĩ và ứng xử của một người hay một nhóm người nào đó. Với tư cách là một biện pháp tiếp thu các kinh nghiệm xã hội, bắt chước được các cá nhân dùng để lựa chọn những hành động, hành vi mà mình cho là đúng và thích thú.

Lây lan là quá trình truyền các hành vi xã hội từ người này qua người khác một cách tự nhiên. Lây lan khác bắt chước là ở chỗ các hành vi xã hội được lan truyền ngay cả khi họ không có ý định bắt chước hay học tập. Sự lan truyền hành vi xã hội ở người này sang người khác trong những điều kiện nhất định là cách mà nhiều người học được những kinh nghiệm trong ứng xử xã hội. Ví dụ như những đứa trẻ trong gia đình có những hành vi mà bố mẹ không dạy và không bắt chước ai. Những hành vi đó gần như giống với bố mẹ nó thời nhỏ. Vì vậy, ngạn ngữ Việt Nam đã có câu: “Con nhà tông chả giống lông thì giống cánh” để ám chỉ sự lan truyền hành vi từ bố mẹ sang con cái.

2. Vai trò của xã hội hóa

Kết quả của xã hội hóa là tạo ra nhân cách của mỗi con người trong xã hội. Mỗi thế hệ trải qua các giai đoạn nhất định của xã hội hóa mà đạt được khả năng, năng lực hoạt động để thể hiện vai trò của chính mình trong xã hội. Trong xã hội hiện đại hiện nay, hoàn thiện nhân cách của con người là cả một quá trình dài suốt cuộc đời của người ấy. Sự hoàn thiện nhân cách đó phụ thuộc vào quá trình giáo dục xã hội. Theo nghĩa rộng “giáo dục” được hiểu là sự tác động đến con người của toàn bộ hệ thống của các mối quan hệ xã hội với mục đích chuyển tải kinh nghiệm xã hội, do đó các cá nhân có thể thu nhận được các kinh nghiệm này ở mọi nơi, trong mọi nhóm xã hội khác nhau. Trong trường hợp này khái niệm xã hội hóa đồng nhất với khái niệm giáo dục.

Xã hội hóa còn tạo sự hoàn thiện, phát triển nhân cách của mỗi người bởi lẽ mỗi một cá nhân thể hiện vai trò của mình trong xã hội trong những điều kiện chủ động sáng tạo của mình để xây dựng xã hội. Quá trình đó giúp cho cá nhân nâng cao chất lượng hành vi xã hội của mình, tham gia góp phần sáng tạo cho xã hội. Như vậy con người không chỉ tiếp thu thụ động những kinh nghiệm xã hội để tạo nên nhân cách mà còn sáng tạo ra nhiều cái mới, cái tiến bộ hơn để xã hội ngày càng phát triển, đấy cũng chính là quá trình phát triển nhân cách của cá nhân từ thấp tới cao, từ đơn giản đến hoàn thiện.

Sự hoàn thiện nhân cách này được diễn ra trong các điều kiện xã hội nhất định. Vì vậy, xã hội phải tạo ra các môi trường xã hội lành mạnh và định hướng rõ ràng trong các môi trường đó nhằm tác động một cách có ý thức và quá trình xã hội hóa.

3. Môi trường xã hội hóa

Môi trường xã hội hóa là nơi cá nhân thực hiện thuận lợi các tương tác xã hội của mình nhằm mục đích thu nhận và tái tạo kinh nghiệm xã hội. Dù có bản chất xã hội và tiên để tự nhiên phù hợp, con người không thể trở thành một nhân cách toàn diện nếu không được đặt trong môi trường thích hợp. Môi trường xã hội hóa là vườn ươm của nhân cách và đây cũng chính là ngả đường mở rộng để các kinh nghiệm xã hội có thể đến với các cá nhân.

Tác nhân xã hội hóa

Tác nhân xã hội hóa

Các nhà xã hội học đều nhất trí về môi trường xã hội hóa gồm các loại sau đây:

3.1. Gia đình

Gia đình như là nhóm xã hội đầu tiên mà mỗi cá nhân trong mọi xã hội thường phải phụ thuộc vào, do đó gia đình là một môi trường xã hội hóa có tầm quan trọng rất lớn. Mỗi con người từ lúc sinh ra đến lúc chết đi đều gắn với một gia đình cụ thể. Trong mỗi gia đình đều có một tiểu văn hóa, tiểu văn hóa này được xây dựng trên nền tảng của văn hóa chung nhưng với đặc thù riêng của từng gia đình. Các tiểu văn hóa này được tạo thành bởi nền giáo dục gia đình, truyền thống gia đình, lối sống gia đình… Các cá nhân sẽ tiếp nhận các đặc điểm của tiểu văn hóa này. Những kinh nghiệm sống, các quy tắc ứng xử, các giá trị… Đầu tiên con người được nhận chính là từ các thành viên trong gia đình như bố, mẹ, ông, bà, anh, chị…

Sau khi lớn lên xây dựng gia đình, những đứa trẻ trước kia lại tạo ra một gia đình mới, một tiểu văn hóa mới có đặc trưng riêng của nó, đó là sự pha trộn giữa văn hóa chung của xã hội, tiểu văn hóa gia đình bố mẹ là sự sáng tạo của chính người tạo dựng văn hóa mới. Như vậy những cặp vợ chồng mới tiếp nhận được các giá trị mới, các khuôn mẫu mới và thực hiện tiếp quá trình xã hội hóa với thế hệ mới. Mỗi gia đình cần phải xem xét đến xã hội hóa trong gia đình ở ba khía cạnh sau:

+ Thiết chế giáo dục là những quy định trong hành vi và lối sống, nhằm tạo ra sự thống nhất các hành động trong gia đình.

+ Giáo dục gia đình là sự truyền lại những cái đúng, cái sai và tri thức cho mỗi cá nhân nhằm tạo ra những tri thức cao và hành vi đúng cho mỗi cá nhân.

+ Hành vi của mỗi người lớn trong gia đình thể hiện nhân cách của họ. Những hành vi này sẽ truyền lại cho các thế hệ sau bằng các con đường bắt chước và lây lan. Chính vì vậy những người lớn trong gia đình phải là các tấm gương mẫu mực trong hành vi để con trẻ noi theo.

3.2. Nhà trường

Trường học là cơ quan chủ yếu chịu trách nhiệm hình thành cho trẻ em các tri thức khoa học và kỹ thuật, các giá trị chuẩn mực văn hóa mà xã hội mong đợi. Trong xã hội công nghiệp nhà trường quan trọng đến mức là tuyệt đại đa số trẻ em trước khi trưởng thành, hội nhập vào guồng máy lao động và hoạt động xã hội đều phải được thông qua đào tạo trong nhà trường. Nếu tính cả nhà trẻ mẫu giáo, trung bình mỗi cá nhân thường dành 12, 15, 18 và 21 năm học chính thức. Do đó, xã hội hóa trong nhà trường thường hướng vào những vấn đề cơ bản sau đây:

+ Giáo dục tri thức là trang bị cho người học các tri thức của nhân loại về tự nhiên, xã hội, con người và những kỹ năng khác trong hoạt động nhận thức, lao động của mỗi cá nhân. Nhờ đó, con người có được bản lĩnh và năng lực làm việc cao.

+ Giáo dục nhân cách cho con người học qua việc định hướng sự lựa chọn các hành vi xã hội, các chuẩn mực, các khuôn mẫu xã hội để cho mỗi con người tự lựa chọn và thể hiện hành vi của mình sao cho hợp logic nhất trong những trường hợp và hoàn cảnh xã hội nhất định.

+ Hoạt động của nhà trường là những hoạt động có tổ chức theo những quy định của xã hội. Những hoạt động này nhằm tạo cho người học những cảm nhận về cá nhân với tập thể và các nguyên tắc hoạt động của tập thể, qua đó, rèn luyện ý thức trách nhiệm của cá nhân với tập thể và cộng đồng.

+ Hành vi của thầy cô giáo và các nhân viên khác được coi là chuẩn mực và gương mẫu, mà mỗi người học cần phải noi theo. Đặc biệt là ở các lớp dưới, khi mà đứa trẻ mới hòa nhập xã hội lần đầu tiên thông qua nhà trường, thì hành vi của thầy cô giáo có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của học sinh.

Xã hội hóa thông qua giáo dục

Xã hội hóa thông qua giáo dục

3.3. Các nhóm xã hội

Nhóm xã hội mà mỗi người đang sống và hoạt động cùng với nó, có chức năng cơ bản là thỏa mãn nhu cầu giao tiếp, nhu cầu giải trí giữa các cá nhân. Trong thực tế, quan hệ giữa các cá nhân trong nhóm xã hội là tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến quá trình xã hội hóa.

Quan hệ bạn bè là quan hệ bình đẳng, cùng vị thế xã hội nên các cá nhân thường chia sẻ thái độ, tâm tư và cảm xúc với nhau. Tác động của nhóm nhiều khi mạnh mẽ tới mức lấn át cả ảnh hưởng của gia đình và nhà trường.

Quan hệ đồng nghiệp là quan hệ của những người cùng hoạt động chung trong một nhóm lao động nào đó. Quan hệ này vừa mang tính chất tổ chức, vừa mang tính chất đồng cảm nghề nghiệp, trong quan hệ này người ta có thể chia sẻ tình cảm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau và trao gửi kinh nghiệm cho nhau trong hoạt động.

Quan hệ đồng sở thích là quan hệ theo một sở thích hoặc quan điểm nào đó. Quan hệ này giúp cho mỗi người tìm được sự hứng thú trong hoạt động và sự đồng cảm trong cuộc sống.

Các nhóm xã hội tham gia vào các quá trình xã hội hóa chủ yếu qua các khía cạnh sau:

+ Quy chế của nhóm là những quy định mà nhóm đặt ra cho mỗi thành viên để đảm bảo và duy trì hoạt động nhóm. Quy chế của nhóm có tính chất bắt buộc đối với thành viên của nhóm vì vậy nó chi phối rất lớn đến hành vi của mỗi cá nhân.

+ Hành vi đồng lứa là một loại hành vi ở một lứa tuổi hay dạng hoạt động nào đó. Hành vi đồng lứa do sự bắt chước và lây lan tạo nên, nó đã kết các thành viên vào trong nhóm và tạo ra sức mạnh của nhóm.

+ Các kinh nghiệm xã hội được các thành viên truyền cho nhau trong quá trình hoạt động và tạo ra sức mạnh chung của nhóm. Các thành viên tham gia vào nhóm sẽ được truyền lại những kinh nghiệm có tính chất đặc thù riêng của nhóm đó và giúp cho họ tạo dựng kinh nghiệm của cá nhân.

3.4. Thông tin đại chúng

Truyền thông đại chúng là thiết chế sử dụng những phát triển kỹ thuật ngày càng tinh vi của công nghiệp để phục vụ sự giao lưu tư tưởng, những mục đích thông tin, giải trí và thuyết phục tới đông đảo khán thính giả, bằng phương tiện báo chí, truyền hình, truyền thanh, sách, tạp chí, quảng cáo… các sản phẩm của truyền thông đại chúng đã trở thành một phần liên kết với sinh hoạt hằng ngày của đại đa số các thành viên trong xã hội. Nó chiếm tỷ lệ đáng kể thời gian rảnh rỗi của mọi người, và cung cấp cho mọi người bức tranh về hiện thực xã hội trong phạm vi to lớn. Với mức phổ biến rộng lớn như vậy, ngành truyền thông có tiềm năng tạo nên những môi giới xã hội hóa có tính chiến lược. Như Golding đã nói: “Ngành truyền thông là trung bình trong việc cung cấp những ý tưởng và hình ảnh mà con người sử dụng để giải thích và hiểu một số lớn kinh nghiệm hằng ngày của họ”. Đặc biệt hơn chúng tiêu biểu cho một kênh được thiết chế hóa để phân phối tri thức xã hội và do đó, nó tiêu biểu cho một công cụ mạnh mẽ của kiểm soát xã hội.

Trong lĩnh vực xã hội hóa, thông tin đại chúng có tính hai mặt. Một mặt nó tăng cường ý nghĩa của các giá trị, các chuẩn mực văn hóa cũng như các tri thức khoa học đa dạng và bổ ích thông quan các chương trình giáo dục, qua các nội dung được truyền đi. Mặt khác, các phương tiện này có thể làm méo mó, lệch lạc việc tiếp nhận các thông tin qua các chương trình không lành mạnh do tính thương mại hóa hoặc thiếu thận trọng của nhà lập chương trình truyền tin, dẫn đến trẻ em lẩm tưởng những gì được in ấn truyền tải qua tivi, phim ảnh… đều là những thứ được xã hội thừa nhận.

Trong nhiều trường hợp, các giá trị thông tin không phù hợp với giá trị chuẩn mực văn hóa chung và đối ngược trực tiếp với những cái được dạy dỗ trong nhà trường và gia đình, nó cản trở việc xã hội hóa tích cực đối với trẻ. Một đòi hỏi cấp bách trong thời đại ngày nay là sự kiểm duyệt có định hướng thông tin đại chúng để loại bỏ những lệch lạc trong nhận thức xã hội của mọi người.

4. Phân đoạn xã hội hóa

4.1. Vấn đề phân đoạn xã hội hóa

Thời điểm để tính quá trình xã hội hóa là một vấn đề được bàn bạc và thảo luận rất nhiều. Song hiện nay cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Như theo Freud nhà phân tâm học người Áo thì quá trình xã hội hóa chủ yếu diễn ra từ khi đứa trẻ sinh ra cho đến hết quá trình trưởng thành về tình dục tức là khoảng 13 – 16 tuổi. Tuy nhiên, nhiều tác giả khác thì cho rằng quá trình này kéo dài đến khi hết đời người. Vấn đề ở đây là chúng ta xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc của quá trình xã hội hóa.

Nhìn chung đa số các nhà khoa học nghiên cứu về quá trình xã hội hóa đều cho rằng quá trình xã hội hóa bắt đầu từ khi con người được sinh ra. Còn thời điểm kết thúc của quá trình xã hội hóa thì chưa có sự thống nhất. Có tác giả cho rằng nó kết thúc khi cá nhân trưởng thành về mặt sinh lý, có tác giả cho rằng nó kết thúc khi hết khả năng lao động. Theo G.Brim quá trình xã hội hóa kéo dài cả đời con người, nghĩa là nó kết thúc khi con người qua đời. Song, ông cũng nhấn mạnh rằng xã hội hóa ở trẻ em và người lớn có sự khác nhau ở các điểm cơ bản sau:

  • Người lớn thường thay đổi hành vi của mình ở các quá trình xã hội hóa, trong khi đó trẻ em lại tạo lập và thu nhận lấy các giá trị căn bản.
  • Người lớn có thể nhận xét, đánh giá về các giá trị chuẩn mực mà họ cần tuân theo, còn trẻ em thường chỉ thụ động tiếp nhận.
  • Quá trình xã hội hóa của người lớn đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Bởi vì thông thường những đứa trẻ ngoan tuân theo sự chỉ dẫn của người lớn, còn người lớn sẽ phải suy tính xem xét cái gì có lợi nhất, cái gì ít thiệt hại nhất thì họ mới làm theo.
  • Quá trình xã hội hóa ở người lớn được thiết kế nhằm giúp cá nhân có thế có được những kỹ năng nhất định, còn xã hội hóa ở trẻ em liên quan nhiều đến các động cơ hành động.

Một số tác giả nghiên cứu về quá trình xã hội hóa ở người lớn đã cho rằng nó là quá trình thích ứng của cá nhân với các khủng hoảng, kể cả những khủng hoảng bất ngờ và khủng hoảng có thể biết trước. Trong quá trình thích ứng, người lớn lựa chọn hành vi này hay hành vi khác đều có tính toán một cách cẩn thận và sau quá trình thích ứng là những kinh nghiệm xã hội mà họ đã được học.

4.2. Các giai đoạn của quá trình xã hội hóa

Phân đoạn quá trình xã hội hóa có rất nhiêu cách khác nhau và dựa trên nhiều căn cứ khác nhau. Hiện nay phân đoạn xã hội hóa chưa có sự thống nhất quan điểm với nhau, vì vậy tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu mà ta có các cách phân đoạn nhất định. Sau đây là phân đoạn của một số tác giả:

a. Phân đoạn quá trình xã hội hóa của G. Mead (nhà xã hội học Mỹ)

Theo Mead, kết quả của quá trình xã hội hóa là một nhân cách gồm hai thành phần của cái tôi, cái tôi chủ động “I” và cái tôi bị động “Me”. Quá trình này trải qua ba giai đoạn là:

– Bắt chước: đây là giai đoạn mà con người sao chép hành vi của người khác một cách bị động hoặc chủ động.

– Đóng vai: đây là giai đoạn mà con người đã nhận thức được những hành vi tương ứng với vai trò xã hội nhất định, đặc biệt là các vai trò trong phạm vi quan sát được. Ví dụ, đứa trẻ quan sát được vai trò của bố, mẹ, ông, bà,… Trong một vài tình huống nào đó nó đã nhập vai như là bố, mẹ, ông, bà,… Đây là giai đoạn giúp cho con người hiểu được những suy nghĩ và hành động của người khác khi họ thực hiện vai trò của mình, phân tích và phán xử hành vi của họ để tạo thành kinh nghiệm xã hội cho cá nhân mình.

– Trò chơi: ở giai đoạn này con người cần phải biết được sự đòi hỏi không phải chỉ một cá nhân nào đó mà là của cả xã hội chung. Giai đoạn này đã giúp cho con người thấy rõ được cái tôi chủ động, cái tôi bị động và cái chúng ta, phân biệt rõ mình, người khác và cộng đồng. Đây là cơ sở để con người hòa chung vào cuộc sống cộng đồng.

b. Phân đoạn quá trình xã hội hóa của G.Andreeva (nhà xã hội học Nga)

Với mục đích nghiên cứu về các hoạt động của con người trong xã hội, G.Andreeva đã phân chia quá trình xã hội hóa thành ba giai đoạn là giai đoạn trước lao động, giai đoạn sau lao động và giai đoạn trong lao động.

– Giai đoạn trước lao động: bao gồm toàn bộ thời kỳ từ lúc con người được sinh ra cho đến khi họ bắt tay vào lao động. Giai đoạn này gồm hai giai đoạn nhỏ là:

  • Giai đoạn trẻ thơ là giai đoạn mà đứa trẻ tiếp thu một cách thụ động, máy móc các hành vi và là giai đoạn vui chơi ở nhà hoặc vườn trẻ, nhà mẫu giáo. Giai đoạn này từ lúc trẻ sinh ra đến lúc đi học.
  • Giai đoạn học hành là giai đoạn đứa trẻ tiếp nhận tri thức và kỹ năng lao động. Vì vậy giai đoạn này đứa trẻ đã có sự tiếp nhận các hành vi một cách có mục đích, có ý thức. Đứa trẻ càng lớn lên thì càng bộc lộ hành vi tiếp nhận có chọn lọc để tự hình thành cho mình năng lực hành vi riêng.

– Giai đoạn lao động: bắt đầu từ khi cá nhân tham gia lao động và kết thúc khi không tham gia lao động (về hưu). Trong giai đoạn này, cá nhân vừa tiếp thu kinh nghiệm xã hội, vừa tích lũy kinh nghiệm cá nhân, vừa bộc lộ năng lực hành vi trong các hoạt động hằng ngày. Giai đoạn này được đánh giá là vô cùng quan trọng trong quá trình xã hội hóa vì một số lý do sau đây:

  • Con người tiếp thu, củng cố, phát triển các tri thức, kinh nghiệm xã hội để nâng cao năng lực hành vi cá nhân.
  • Lao động đã giúp cho con người hiểu rõ được cái tôi và cái chúng ta để sống hòa đồng vào cộng đồng xã hội.
  • Lao động là quá trình thể hiện năng lực hành vi cá nhân có ích cho xã hội và tham gia đóng góp, xây dựng xã hội phát triển.
  • Lao động thể hiện rõ vai trò của cá nhân trong xã hội, là cơ sở để đánh giá và củng cố năng lực hành vi cá nhân.

– Giai đoạn sau lao động: đó là khi cá nhân kết thúc quá trình lao động của mình, về nghỉ hưu. Hiện nay có hai quan niệm trái ngược nhau ở giai đoạn này. Có quan niệm cho rằng khái niệm xã hội hóa hoàn toàn không có ở giai đoạn này vì các chức năng xã hội của nó bị thu hẹp lại. Tức là không có chuyện người già tiếp thu kinh nghiệm, hay thậm chí sản xuất ra nó. Quan niệm thứ hai cho rằng cần phải nhìn nhận một cách tích cực đối với quá trình xã hội hóa ở giai đoạn này, bởi vì xã hội hiện đại ngày nay đã kéo dài tuổi thọ của con người và đồng thời cũng tạo ra các điều kiện phát huy tính tích cực xã hội của người già. Nhiều người già đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo các kinh nghiệm xã hội. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khoa học kỹ thuật thay đổi nhanh chóng, thông tin được phổ biến rộng rãi có tính chất quốc tế, đòi hỏi xã hội phải tái tạo các kinh nghiệm xã hội và truyền đạt những kinh nghiệm, những giá trị cho thế thệ trẻ.

c. Phân đoạn quá trình xã hội hóa của các nhà triết học cổ Phương Đông

Các nhà triết học cổ Phương Đông dựa vào năng lực hành vi xã hội đã chia thành 3 giai đoạn:

– Giai đoạn vị thành niên: đây là giai đoạn nhân cách của đứa trẻ đang hình thành, bắt đầu từ lúc sinh ra và đến dưới 18 tuổi. Giai đoạn này cá nhân tiếp thu tri thức, kinh nghiệm xã hội để tạo ra nhân cách riêng cho mình. Giai đoạn này đứa trẻ chưa tự lập được trong cuộc sống, vì vậy nó chưa chịu trách nhiệm xã hội đối với hành vi của mình. Do đó, vai trò của nhà trường và gia đình là rất quan trọng trong việc định hành nhân cách đứa trẻ.

– Giai đoạn thành niên: đây là giai đoạn từ 18 tuổi đến dưới 30 tuổi. Trong giai đoạn này nhân cách của đứa trẻ tiếp tục được củng cố và phát triển. Cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi xã hội của mình. Năng lực hành vi xã hội đang phát triển theo chiều rộng. Tức là cá nhân vẫn đang tiếp tục học tập để tiếp thu tru thức và kinh nghiệm nhằm ngày càng mở rộng sự hiểu biết của mình và nâng cao dần năng lực hành vi cá nhân.

– Giai đoạn tự lập trong cuộc sống: giai đoạn này bắt đầu từ 30 tuổi đến lúc qua đời. Trong giai đoạn này nhân cách của con người vẫn tiếp tục được củng cố và phát triển năng lực hành vi xã hội đã có sự phát triển sâu sắc. Con người có thể tự lập hoàn toàn trong suy nghĩ và hành động trong giai đoạn này cá nhân bộc lộ tính độc lập, tự chủ và sáng tạo là cao nhất, do đó khả năng cống hiến cho xã hội là cao nhất.

Sự phân đoạn quá trình xã hội hóa theo quan niệm này giúp cho ta thấy rõ trách nhiệm xã hội và vai trò xã hội của cá nhân trong suốt cuộc đời của họ. Về mặt luật pháp, người ta coi giai đoạn thành niên trở đi là giai đoạn con người có năng lực hành vi pháp luật. Về tổ chức, người ta cho rằng giai đoạn vị thành niên và giai đoạn thành niên còn hoàn toàn phụ thuộc, giai đoạn tự lập cá nhân có vai trò lãnh đạo xã hội (bậc thấp là lãnh đạo tác nghiệp, bậc cao là lãnh đạo chiến lược).

5. Vị trí, vị thế và vai trò xã hội

Có thể xem quá trình xã hội hóa cá nhân là một quá trình học hỏi để thực hiện các vai trò mà cá nhân cần thực hiện. Thực chất quá trình xã hội hóa là cơ chế xâm nhập vào quan hệ giữa con người và xã hội. Mọi xã hội đều có cơ cấu phức tạp bao gồm vị trí, vị thế, vai trò xã hội khác nhau được liên kết với nhau thông qua các quan hệ xã hội tương tác xã hội. Điều đó quy định quá trình cá nhân gia nhập vào xã hội, chiếm một vị trí nào đó trong xã hội và thực hiện những hành động nhất định để “sản xuất” và “tái sản xuất” cơ cấu xã hội. Bởi vậy, để ra nhập vào xã hội, mỗi cá nhân cần hiểu rõ những vị trí, vị thế và vai trò xã hội.

  • Vị trí xã hội
  • Vị thế xã hội
  • Vai trò xã hội

(Nguồn tài liệu: TS. Nguyễn Thế Phán, Giáo trình Xã hội học, NXB Lao động Xã hội)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.