Chính sách tài khóa là gì?

0

1. Khái niệm

Chính sách tài khóa là việc sử dụng ngân sách Nhà nước để tác động vào nền kinh tế khi chính phủ quyết định đánh thuế để huy động nguồn thu và thực hiện các khoản chi để cung cấp hàng hóa công, đó là những hoạt động liên quan đến chính sách tài khóa. Hay nói khác đi, khi bàn luận về chính sách tài khóa thường tập trung vào khía cạnh phân tích ảnh hưởng của những thay đổi trong ngân sách Nhà nước đến tổng thể kinh tế (qua thay đổi các biến GNP, GDP), thất nghiệp, lạm phát.

Như vậy, chính sách tài khóa là việc chính phủ sử dụng công cụ thu và chi ngân sách để điều tiết nền kinh tế. Do đó, chênh lệch thu chi ngân sách sẽ phản ảnh những trạng thái của chính sách tài khóa, cụ thể:

  • Chính sách tài khóa thắt chặt (Thu hẹp) (contractionary fiscal policy): Khi chính phủ thu lớn hơn chi bằng cách giảm chi tiêu, tăng thuế.
  • Chính sách tài khóa nới lỏng (Mở rộng) (expansionary fiscal policy): Khi chính phủ chi lớn hơn thu bằng cách tăng chi tiêu, giảm thuế.

Khi thực hiện các chính sách tài khóa khác nhau sẽ dẫn đến chênh lệch thu và chi ngân sách và vấn đề phát sinh là mức độ bội chi ngân sách của chính phủ. Thông thường chính phủ không chỉ quan tâm đến mức độ bội chi mà còn quan tâm đến thay đổi bội chi.

2. Chính sách tài khóa và tổng cầu xã hội

Trong điều kiện nền kinh tế mở, Keynes phân tích tổng cầu xã hội thành các yếu tố chi tiêu như sau:

AE = C + I + G + X – M

Trong đó:

  • AE: tổng cầu xã hội
  • C: Chi tiêu dùng của dân cư
  • I: Chi đầu tư theo kế hoạch của doanh nghiệp, bao gồm đầu tư tài sản cố định và đầu tư hàng tồn kho
  • G: Chi tiêu chính phủ
  • X – M: Cán cân thanh toán quốc tế

Tiêu dùng được quyết định bởi nhiều yếu tố và một trong số đó là thu nhập. Khi thu nhập tăng lên thì chi tiêu sẽ tăng theo. Dựa trên mối quan hệ này, Keynes đã hình thành mô hình số nhân như sau:

AE = AE0 + AEmY

Trong đó:

  • AE0 là chi tiêu tự định, phản ánh phẩn chi tiêu mà người tiêu dùng phải chi ra cho dù họ không có thu nhập (nghĩa là họ vẫn phải chi tiêu cho lương thực, quần áo cho dù không có thu nhập).
  • AEm là khuynh hướng tiêu dùng biên, phản ánh chi tiêu thay đổi khi thu nhập thay đổi. Hay nói cách khác phản ánh sự thay đổi so với thay đổi thu nhập, được xác định theo công thức
  • Y là thu nhập

Khi thị trường cạnh tranh cân bằng, tổng cung bằng tổng cầu. Trong điều kiện thị trường hoàn hảo, tổng cầu chính là tổng chi tiêu xã hội, tổng cung chính là tổng thu nhập xã hội, nên ta có:

Y = AE hay Y = AE0 + AEmY

Suy ra:

Y = AE/ (1- AEm)

Số nhân: K = 1/(1-AEm) được gọi là số nhân chi tiêu. Dễ dàng thấy được K > 1

(Do AEm lớn hơn 0), khi đó:

Y = K * AE0

Khi chính sách tài khóa làm thay đổi AE0 một khoảng ∆AE0, dẫn đến sản lượng cân bằng thay đổi với qui mô lớn hơn nhiều lần ∆Y = K * AE0 , sự thay đổi này được kỳ vọng đạt mục tiêu Y = Yp phủ trong điều hành chính sách công.

3. Chính sách tài khóa – công cụ kinh tế vĩ mô

Để hiểu tác động của chính sách tài khóa đến thay đổi tổng cầu, chúng ta có thể phân tách tổng cầu thành các thành tố:

∆Y = ∆AE = K * {∆C (+), ∆I (+), ∆G (+), ∆(X-M) (+)}

Từ phân tích trên có thể thấy thay đổi bất kỳ thành tố nào cấu thành chi tiêu AE0 đều có thể đạt được kết quả như chính sách tài khóa.

Tuy nhiên chính phủ sẽ thực hiện chính sách tài khóa thông qua hai công cụ là thuế T và chi tiêu chính phủ G.

Mục tiêu là ∆Y = Y – YP

Với K = 1/(1-AEm)

Suy ra: ∆G = ∆Y/K

∆T = ∆Y/(-mpc.K)

Như vậy chính phủ có thể làm thay đổi tổng cầu AE của xã hội bằng chính sách tài khóa thông qua hai công cụ thuế T và chi tiêu chính phủ G. Tuy nhiên, chính sách tài khóa còn gây ra tác động khác, ảnh hưởng đến chính sách tiêu dùng, đầu tư, ngoại thương … Do dó, việc thực hiện chính sách tài khóa của chính phủ đứng trước một số thách thức:

– Chính phủ có thể làm thay đổi tổng cầu theo chính sách thắt chặt hay mở rộng.

– Trong nền kinh tế mở, chính sách tài khóa cũng tác động đến tỷ giá hối đoái và cán cân thương mại.

– Chính sách tài khóa làm thay đổi các thành phần của tổng cầu. Cụ thể trong trường hợp chính phủ chấp nhận bội chi ngân sách và phát hành trái phiếu để bù đắp bội chi. Trong bối cảnh này, chính phủ sẽ cạnh tranh với khu vực tư nhân trong vay vốn, kéo theo lãi suất thị trường gia tăng, gây ra hiện tượng chèn lấn đầu tư tư nhân. Chính sách tài khóa mở rộng trong trường hợp này đã làm giảm một phần sản lượng do khu vực tư tạo ra. Vì thế thách thức đặt ra đối với chính sách tài khóa mở rộng là chính phủ phải thiết lập chính sách chi đầu tư hiệu quả để thu hút trở lại đầu tư của khu vực tư.

(Nguồn tài liệu: Th.s Bùi Thị Phương Linh, Giáo trình Tài chính Tiền tệ, 2020)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.