Nghệ thuật là gì? Bản chất và chức năng của nghệ thuật
Nghệ thuật là gì? Bản chất và Các chức năng của nghệ thuật
Nội Dung
1. Khái niệm nghệ thuật
Khái niệm nghệ thuật, hiện nay được dùng với 3 nghĩa:
Bạn đang xem: Nghệ thuật là gì? Bản chất và chức năng của nghệ thuật
1. Nghệ thuật được dùng để chỉ bất kì tài nghệ nào. Chẳng hạn: tài nghệ của cầu thủ đá bóng, tài nghệ lái máy bay, tài nghệ phẫu thuật, tài nghệ chơi cờ, tài nghệ quân sự (nghệ thuật quân sự của Đảng ta, chẳng hạn) .v.v…
2. Nghệ thuật được dùng để chỉ hoạt động sáng tạo ra vật dụng, mà ở đấy đẹp nổi lên như một yêu cầu dứt khoát phải có, thậm chí nhiều khi là hàng đầu. Ví dụ, hoạt động sáng tạo ra các đồ dùng thủ công mỹ nghệ, sản xuất cây cảnh, thiết kế trang phục .v.v…
3. Nghệ thuật được dùng để chỉ một hình thái ý thức xã hội đặc thù, một hình thái cao nhất, tập trung nhất của quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực. Hình thái ấy có sự kết hợp hữu cơ, liên tục giữa tư duy bằng hình tượng và hoạt động sáng tạo thế giới theo quy luật của cái đẹp nhận thức. Chẳng hạn, các tác phẩm âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, văn chương nghệ thuật .v.v…
2. Bản chất của nghệ thuật
Trong cơ cấu đời sống xã hội, nghệ thuật có vị trí như thế nào? Cái gì đã quyết định chiều hướng phát sinh và phát triển của nó? Từ lâu, người ta đã có những kiến giải khác nhau về vấn đề này. Có người tìm nguyên nhân ở Thượng đế, có kẻ tìm trong kết cấu chủ quan của trí tuệ của người sáng tác, có người tìm ngay trong bản thân nghệ thuật.
Chủ nghĩa Mác không giải thích nghệ thuật bằng Thượng đế, đã đành, mà cũng không giải thích nó bằng chính nó. Xem nghệ thuật là một hiện tượng xã hội, Chủ nghĩa Mác xuất phát từ những mối liên hệ thực tế giữa nó với toàn bộ các hiện tượng xã hội để giải thích nghệ thuật: nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến thức, nảy sinh từ cơ sở hạ tầng, do cơ sở hạ tầng quyết định, đồng thời, có tác dụng năng động với cơ sở hạ tầng. Xem nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội thuộc thường tầng kiến trúc và lý giải nó trong mối quan hệ biện chứng giữa cơ sơ hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, lần đầu tiên trong lịch sử mỹ học nhân loại, mỹ học Mác -Lê nin đã đem đến cho nhân loại một kiến giải duy nhất đúng đắn về bản chất của nghệ thuật. Và, cũng chính nhờ quan niệm đúng đắn và khoa học đó, mỹ học Mác- Lê nin đã có khả năng thâm nhập sâu vào bản chất, quy luật, đặc trưng của nghệ thuật.
Nghệ thuật là một hình thức ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng
Chủ nghĩa Mác- Lênin chia cơ cấu đời sống xã hội thành 2 bộ phận. Toàn bộ kết cấu kinh tế của xã hội là cơ sơ hạ tầng. Tất cả những hiện tượng xã hội hình thành và phát triển trên cở sở kinh tế bao gồm những tư tưởng xã hội và những thiết chế tương ứng với tư tưởng ấy là kiến thức thượng tầng.
C. Mác viết: Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cơ sở thực tại, trên đó dựng lên một kiến thức thượng tầng pháp lý và chính trị, và tương ứng với những cơ sở thực tại thì có những hình thái ý thức xã hội nhất định.
Những tư tưởng xã hội và những thiết chế tương ứng thuộc thượng tầng kiến trúc bao gồm: những tư tưởng chính trị, pháp luật, đạo đức, khoa học, triết học, tôn giáo, nghệ thuật.v.v… và các thiết chế tương ứng: nhà nước, chính đảng, giáo hội, các tổ chức văn hóa…
Như thế, nghệ thuật là một hình thức ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc.
Cơ sở hạ tầng với nghệ thuật
a. Cơ sở hạ tầng quyết định nghệ thuật: Tương quan giữa kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng là tương quan giữa ý thức và tồn tại. C. Mác viết: Không phải ý thức con người quyết định sự tồn tại của con người; ngược lại, chính tồn tại xã hội của con người quyết định ý thức của con người.
Kiến trúc thượng tầng của xã hội do quan hệ kinh tế tức là cơ sở hạ tầng sinh ra và bị cơ sở hạ tầng quyết định. Cơ sở kinh tế nào sẽ có kiến trúc thượng tầng ấy. Khi cơ sở hạ tầng có sự biến đổi căn bản thì kéo theo sự biến đổi cơ bản trong kiến trúc thượng tầng. C. Mác chỉ rõ: Cơ sở kinh tế thay đổi thì tất cả cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ ấy cũng đảo lộn ít nhiều nhanh chóng. Là một hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc, như bất kì một hình thái ý thức xã hội nào khác, nghệ thuật do cơ sở kinh tế sinh ra, bị cơ sở hạ tầng quyết định. Do đó, đi tìm hiểu nghệ thuật không phải tìm ở Thượng đế, cũng không phải tìm ngay trong bản thân nó, mà trước hết tìm ngay ở cái đã sinh ra nó, đã quyết định nó. Nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội, cho nên cần phải tìm nguyên nhân đầu tiên – tạo nên tất cả sự biến đổi của nghệ thuật- trong tồn tại của con người, trong cơ sở kinh tế của xã hội (C. Mác) . Trên bình diện tổng quát, ta thấy, cơ sở kinh tế quyết định sự nảy sinh và phát triển của nghệ thuật. Cơ sở kinh tế là nền tảng của xã hội, nó quyết định nội dung và tính chất của xã hội, vì thế, nó quyết định nội dung và tính chất của kiến trúc thượng tầng do nó tạo nên, trong đó có nghệ thuật.
Như thế, cơ sở kinh tế quyết định nội dung và tính chất của nền nghệ thuật xã hội. Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã quyết định nội dung và tính chất của nền nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Đó là nền nghệ thuật có nội dung xã hội chủ nghĩa tức là cuộc sống mới, con người mới, có tính dân tộc đậm đà, tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc. Nhân tố kinh tế là nhân tố khách quan quyết định tiền đề lịch sử về tính chất cũng như về tinh thần của đời sống xã hội trong đó có nghệ thuật. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa với đại sản xuất công nghiệp đã tạo ra một giai cấp công nhân, là người làm chủ lịch sử trong thời đại mới, thời đại xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Vậy là, chính nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tạo ra yếu tố dân chủ và xã hội chủ nghĩa của nghệ thuật xã hội chủ nghĩa nảy sinh từ trong giai cấp công nhân. Cơ sở kinh tế quyết định bản chất của các cuộc đấu tranh giai cấp trong đó có nghệ thuật tham gia. Nền kinh tế Việt Nam thời Nguyễn Du vẫn là nền kinh tế phong kiến tự túc tự cấp, mâu thuẫn cơ bản trong quan hệ sản xuất là mâu thuẫn giữa nông dân và các tập đoàn phong kiến. Trong thời kì này, yếu tố kinh tế hàng hóa đã xuất hiện, vai trò đồng tiền đã có tác dụng mạnh. Đồng tiền, với sự tác oai, tác quái của nó đã bắt đầu bị lên án: làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền. Nhưng hiện thực trong truyện Kiều vẫn chưa thoát khỏi khuôn khổ của cuộc sống xã hội phong kiến. Vì vậy, tính chất của cuộc đấu tranh giai cấp trong truyện Kiều là tính chất của cuộc đấu tranh giai cấp giữa một bên là các tập đoàn phong kiến và một bên là những người bất hạnh, quyền sống bị chà đạp. Cơ sở kinh tế quyết định trình độ tư duy, quyết định tính chất của thế giới quan, quyết định mọi phong tục, tập quán… Cơ sở kinh tế cũng tạo điều kiện khách quan cho sự nảy nở các tài năng, tạo điều kiện cho sự tiếp thu các tư tưởng, kinh tế còn quyết định tính chất lịch sử và xã hội và do đó quyết định tính chất lịch sử và xã hội của nghệ thuật.
Qua trên, ta thấy kinh tế quyết định mọi phương diện của nghệ thuật. Vì vậy, khi tìm hiểu nội dung và tính chất của bất kì một nền nghệ thuật nào cũng phải chú ý tới cơ sở kinh tế đã sản sinh ra nó. Nhưng lại sẽ phạm sai lầm nếu quá say mê về thống kê kinh tế để cố tìm một sợi dây liên hệ trực tiếp giũa các hiện tượng kinh tế và hiện tượng nghệ thuật. Ở Liên xô, trước đây, đã có thời kì sách giáo khoa văn học xác định một mối quan hệ nhân quả giữa những con số xuất cảng và nhập cảng lúa mì ở Nga đầu thế kỉ XIX với thơ ca Puskin. Đây là biểu hiện một cách hiểu dung tục quan điểm chủ nghĩa Mác – nghĩ rằng nghệ thuật lệ thuộc một cách trực tiếp, máy móc vào các hiện tượng kinh tế.
Vì sao vậy? Điều này có gì mâu thuẫn với những luận điểm đã nêu trên không? Thực ra, cơ sở kinh tế chỉ quyết định một cách gián tiếp đối với nghệ thuật, bản thân nó không trực tiếp đẻ ra một giá trị nghệ thuật nào. Về vấn đề này, Chủ nghĩa Mác- Lênin đã vạch ra một cách rất rõ ràng về các mối liên hệ trực tiếp và gián tiếp của các loại hình thái ý thức xã hội với cơ sở kinh tế.
Trong các hình thái ý thức xã hội, có loại liên hệ trực tiếp với cơ sở hạ tầng như tư tưởng chính trị, nhà nước, pháp quyền.v.v… Loại này cơ sở kinh tế trực tiếp sản sinh ra nó và khi cơ sở kinh tế thay đổi thì lập tức chúng thay đổi theo. Lại có loại hình thái ý thức liên hệ gián tiếp với cơ sở kinh tế, cách xa cơ sở kinh tế, bị cơ sở kinh tế quyết định gián tiếp như: triết học, khoa học, tôn giáo, nghệ thuật. Engels đã vạch rõ nghệ thuật một hình thái ý thức xã hội cách xa cơ sở kinh tế, là lĩnh vực ý thức bay cao hơn hết trong không trung; và Người giải thích: Ở đây cơ sở kinh tế không sáng tạo ra một cái gì mới cả, nó chỉ quy định phương hướng cải biến và phát triển thêm của các tài liệu thực tế hiện có, nhưng ngay cả đến điều này cũng chỉ là tác dụng một cách gián tiếp
Như thế, kinh tế không trực tiếp sáng tạo ra một cái gì mới cho nghệ thuật cả, nó chỉ là cơ sở để mở đường cho cái mới hình thành và phát triển. Giữa cơ sở kinh tế và nghệ thuật là toàn bộ đời sống xã hội (vật chất và tinh thần) với tất cả những quan hệ nhân sinh vô cũng phức tạp và thiên hình vạn trạng, với tất cả những lĩnh vực khác nhau, tác động lẫn nhau. Nghệ thuật chính là sản phẩm cuả toàn bộ đời sống xã hội. Bác Hồ đã khẳng định xã hội nào, văn nghệ ấy. Điều đó thật là chí lý. Ra đời và phát triển trong những điều kiện vật chất và tinh thần nhất định, nó là con đẻ của một hình thái xã hội, một hình thái kinh tế xã hội tức là chế độ kinh tế và toàn bộ kiến trúc thượng tầng tương ứng với nó. Cho nên, cơ sở kinh tế không phải là nhân tố duy nhất quyết định đối với nghệ thuật. Chúng ta, không được vì xem trọng nhân tố kinh tế mà bỏ qua các nhân tố khác rất quan trọng như đấu tranh giai cấp, truyền thống văn hóa… ảnh hưởng trực tiếp tới nghệ thuật. Nhân tố kinh tế chỉ là nhân tố quyết định xét đến cùng. Engels đã nhấn mạnh: Theo quan niệm duy vật lịch sử, thì trong lịch sử, nhân tố quyết định cuối cùng là sức sản xuất và tái sản xuất đời sống kinh tế. Cả Marx và tôi, chúng tôi không khẳng định điều gì hơn cả. Nhưng nếu người ta muốn xuyên tạc lời nói đó đến nỗi bảo rằng câu ấy ý nói nhân tố kinh tế duy nhất quyết định, thì người đó biến câu ấy thành một câu trống rỗng, trừu tượng, phi lý
Chính vì vậy mà Sự phồn vinh của nghệ thuật thì không nhất thiết lúc nào cũng tương ứng với sự phồn vinh của cơ sở kinh tế.
Tuy là không trực tiếp, nhưng kinh tế là nguyên nhân quyết định với nghệ thuật. Vậy, có thể lập được chăng một biểu đồ về sự tương ứng song song giữa sự phát triển kinh tế và phát triển nghệ thuật? Phải chăng một xã hội có cơ sở kinh tế phát triển cao thì đương nhiên sản sinh ngay ra một nền nghệ thuật có chất lượng cao, và ngược lại? Thực sự thì, giữa cơ sở kinh tế và nghệ thuật nghệ thuật không phải lúc nào cùng có sự phát triển tương ứng. Trái lại, trong lịch sử, thường có sự không ăn khớp giữa sự phát triển của nghệ thuật thời đại với sự phát triển của cơ sở hạ tầng- tức chế độ kinh tế. Khi nghiên cứu nghệ thuật của quá khứ, Marx đã chỉ ra: Đối với nghệ thuật thì có những thời kỳ phồn vinh lại tuyệt nhiên không tương ứng với sự phát triển chung của xã hội, và do đó, cũng tuyệt nhiên không tương ứng với cơ sở vật chất tức là xương cốt của tổ chức xã hội, nếu có thể nói đựơc như thế. Ví như người Hy Lạp so với người thời nay hay như Shakespeare chẳng hạn.
Về phương diện kinh tế thì thời Hy Lạp cổ đại thấp kém hơn thời kỳ tư bản chủ nghĩa; và thời kỳ kinh tế tư bản chủ nghĩa thế kỷ XVI cũng thấp kém hơn thời kỳ phát triển cao của tư bản chủ nghĩa tư bản về sau này. Nhưng tình hình này không nhất thiết dẫn tới chỗ nghệ thuật nghệ thuật thời Home và Shakespeare phải thấp kém hơn thời tư bản chủ nghĩa phát triển. Sự thực thì ngược lại, những tác phẩm của Home ra đời trong điều kiện kinh tế thấp kém nhưng vẫn là những tác phẩm mẫu mực của nghệ thuật, của lịch sử văn hóa nhân loại. Chính C. Mác đã khẳng định điều này: …Nghệ thuật Hy Lạp, thể anh hùng ca, vẫn cho ta một sự thỏa mãn về thẩm mỹ, và về một phương diện nào đó, chúng vẫn còn được dùng làm tiêu chuẩn, làm cái mẫu mực mà chúng ta chưa đạt tới. Sự phát triển không tương ứng của nghệ thuật đối với kinh tế đã được xem như là một trong những quy luật cơ bản của sự phát triển. Chúng ta giải thích thễ nào về quy luật này? Trước hết, đứng về phía kinh tế mà xét thì, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội cách xa cơ sở kinh tế, do đó cơ sở kinh tế quyết định một cách gián tiếp. Cơ sở kinh tế không trực tiếp sản sinh ra một giá trị nghệ thuật nào. Về phía nghệ thuật, là một hình thái ý thức xã hội, nó có tính chủ thể, tính độc lập tương đối, có quy luật phát sinh và phát triển riêng. Ý thức xã hội có thể lạc hậu so với tồn tại xã hội, và trong những điều kiện nào đó có thể vượt lên trước sự tồn tại xã hội. (Đặc biệt là trong khoa học – sự phát hiện những quy luật khách quan của sự phát triển của sự vật). Nghệ thuật có thể đi sau hoặc đi trước ít nhiều so với cơ sở kinh tế. Nghệ thuật có thể dự báo một thời đại mới sắp ra đời. Ví dụ hiện tượng Gorki (Bài ca con chim ưng, Bài ca con chim báo bão) chẳng hạn. Mặt khác, ý thức xã hội có quy luật kế thừa và phát triển. Ý thức xã hội tuy là phản ánh tồn tại xã hội nhưng nó vẫn có giá trị tự thân. Nó kế thừa mạnh mẽ những giá trị tinh thần của thời đại trước, tiếp thu tinh hoa tinh thần của mọi dân tộc. Lại nữa, giữa các hình thái ý thức xã hội bao giờ cũng có sự tác động lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, trong khi kinh tế là yếu tố quyết định gián tiếp tới nghệ thuật thì nghệ thuật lại chịu ảnh hưởng trực tiếp của hàng loạt yếu tố khác như chính trị, triết học, đạo đức, khoa học, nghệ thuật… Nghệ thuật chịu ảnh hưởng trực tiếp và dữ dội nhất của chính trị và đấu tranh giai cấp. Có thể khẳng định rằng đấu tranh giai cấp là nguyên nhân có ý nghĩa quyết định to lớn và quan trọng đối với nghệ thuật.
Trong xã hội có giai cấp và nảy sinh đấu tranh giai cấp, nội dung chủ yếu của thời đại được biểu hiện trong đấu tranh giai cấp. Nghệ thuật, sản phẩm của thời đại, dĩ nhiên mang trong mình nó nội dung giai cấp đó của thời đại. Đây cũng là một lý do quan trọng giải thích vì sao để nghiên cứu nghệ thuật đạt kết quả tốt người ta cần thiết phải phân tích mối tương quan giai cấp trong xã hội ở thời kỳ nghệ thuật ra đời. Nền nghệ thuật Việt Nam đạt được thành tựu xuất sắc lại rơi vào thời kỳ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, lúc kinh tế suy bại. Logic của vấn đề là ở chỗ xã hội có thối nát, kinh tế có suy vong dẫn đến đấu tranh giai cấp bùng lên. Thế kỷ XVIII, nửa đầu đầu thế kỷ XIX là thời kỳ bão táp của dân tộc. Cuộc đấu tranh giai cấp biến động dữ dội- một bên là sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi tập đoàn phong kiến thống trị thối nát và một bên là sự vùng dậy mạnh mẽ không thể gì dập tắt được của phong trào quần chúng mà đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn. Chính bão táp đó của cuộc sống đã dội vào nghệ thuật, tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới tư tưởng, tình cảm của người sáng tác để rồi có những kiệt tác như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái…
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là bản chất tự do sáng tạo của nghệ thuật. Nghệ thuật không chỉ là hành động nhận thức, phản ánh đơn thuần mà còn là một hoạt động có tính chất thực tiễn vật chất, hoạt động sáng tạo. Mà, sự phát triển tài năng sáng tạo của con người không phải bất cứ thời kỳ nào cũng giống nhau. Có chế độ xã hội trong đó tài năng của con người được phát triển tự do, có chế độ xã hội thì ngược lại, tài năng bị kìm hãm, mai một. Chế độ Tư bản chủ nghĩa mặc dù sức sản xuất phát triển cao nhưng nhân cách con người bị què quặt, tự do và sáng tạo của nghệ sĩ bị đè nén, con người trở thành hàng hóa nên không thể có nghệ thuật tốt đẹp. Chính C. Mác đã khẳng định: …Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa thù địch với một số ngành nhất định trong sản xuất tinh thần, như nghệ thuật và thi ca chẳng hạn. Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là nền sản xuất hàng hóa đã biến con người thành hàng hóa.
Nền sản xuất sản sinh ra con người không những với tính cách là hàng hóa, không những với tính cách là con người hàng hóa, con người với sự quy định của hàng hóa; nó sản xuất ra con theo sự quy định ấy, như một thực thể mất tính người cả về mặt tinh thần lẫn thể xác (…) sản phẩm của nền sản xuất đó là hàng hóa có một ý thức và có một hoạt động độc lập,… là con người hàng hóa
Chế độ Xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa sẽ đưa kinh tế phát triển đến mức thỏa mãn mọi nhu cầu của các thành viên trong xã hội, con người sẽ được giải phóng khỏi mọi sự ràng buộc và Người nào mang trong mình một Raphael thì đều có điều kiện tự do phát triển
b. Nghệ thuật tác động trở lại cơ sở hạ tầng: Mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng là mối quan hệ biện chứng. Nếu như hạ tầng cơ sở quyết định kiến trúc thượng tầng, thì đến lượt mình, kiến trúc thượng tầng lại tác động tích cực đến hạ tầng cơ sở. Nó có nhiệm vụ bảo vệ, duy trì, củng cố và phát triển hạ cơ sở. Do hạ tầng cơ sở sinh ra nhưng nghệ thuật không phụ thuộc một cách máy móc thụ động, đơn giản một chiều. Nó có tính độc lập tương đối, tính chủ thể, nó cũng tác động trở lại hạ tầng cơ sở. Nó có thể góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp củng cố hoặc cản trở sự phát triển đời sống xã hội. C. Mác- Ph. Ăngghen đã chỉ rõ tính năng động của ý thức xã hội, trong đó có nghệ thuật. Sự phát triển về chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học và nghệ thuật.v.v… đều dựa vào sự phát triển kinh tế. Nhưng tất cả các lĩnh vực đó ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng đến cơ sở kinh tế. Vậy tác động trở lại của nghệ thuật đối với cơ sở kinh tế là như thế nào?
Nói nghệ thuật tác động trở lại kinh tế thì không có nghĩa là xem nghệ thuật như một thứ lao động có thể trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, hay một yếu tố có khả năng tạo tiền đề cho đời sống xã hội con người. Nghệ thuật là một hình thái ý thức, có nghĩa là nó là một hoạt động có ý thức, tinh thần (chứ không phải hoạt động thực tiễn vật chất). Cho nên, tác động của nó là tác động về mặt ý thức tư tưởng, thông qua ý thức, tư tưởng. Nếu hạ tầng cơ sở quyết định sự ra đời và sự phát triển của nghệ thuật thông qua chính trị, thông qua đấu tranh giai cấp và đấu tranh xã hội, thì đến lượt mình nghệ thuật ảnh hưởng trở lại cơ sở hạ tầng cũng thông qua đấu tranh giai cấp và đấu tranh xã hội với tư cách là một thứ vũ khí đấu tranh giai cấp, đấu tranh tư tưởng, đấu tranh xã hội. Nghệ thuật phản động phục vụ cho chính trị của giai cấp thống trị thì có tác dụng củng cố quan hệ bóc lột và trật tự xã hội của giai cấp địa chủ phong kiến, tư sản phản động. Ngược lại, nghệ thuật cách mạng, phục vụ cho cuộc đấu tranh giai cấp của quần chúng cách mạng, phục vụ cho lợi ích nhân dân, cho trật tự xã hội mới. Quần chúng là người làm nên lịch sử, là lực lượng trực tiếp, làm ra của cải vật chất cho xã hội. Nghệ thuật tác động đến cơ sở kinh tế qua con đường đấu tranh tư tưởng, cải tạo tư tưởng của họ bằng phương tiện nghệ thuật. Bản thân ý thức, tư tưởng không trực tiếp cải tạo được thế giới vật chất, nhưng khi nó được con người nhận thức và biến thành hoạt động thực tiễn thì nó lại có sức mạnh cải tạo to lớn như một sức mạnh vật chất. C. Mác khẳng định: Cố nhiên vũ khí phê phán không thể thay thế sự phê phán bằng vũ khí, lực lượng vật chất phải do lực lượng vật chất đánh đổ, nhưng ngay cả lý luận nữa cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó thâm nhập sâu vào quần chúng.
Nghệ thuật cũng nằm trong quy luật ấy. Nó có thể tác động mạnh mẽ đến kinh tế như một lực lượng vật chất khi nó xây dựng được hình tượng nghệ thuật sinh động sâu sắc, dội mạnh vào tư tưởng, tình cảm, đạo đức, trí tuệ và nhận thức của quần chúng, mà nói như Hugo là làm cho tư tưởng biến thành những cơn lốc.
Ý thức xã hội có tác dụng hai chiều, có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển kinh tế. Vai trò của ý thức tư tưởng được xác định cụ thể ở chỗ chúng thuộc giai cấp nào, đáp ứng nhu cầu của ai. Nghệ thuật cách mạng thì có tác dụng thúc đẩy xã hội tiến lên, nghệ thuật phản động thì kìm hãm sự phát triển của xã hội. nó tác oai, tác quái, đầu độc tư tưởng con người. Nó trói tay bị mắt, bưng tai con người. Thứ nghệ thuật dâm ô, đồi trụy, bạo lực… cùng với đường lối văn hóa giáo dục phản động, đồi bại sẽ tạo ra một lớp người lấy hưởng lạc làm mục đích, lấy bóc lột, tiền tài, lợi nhuận giành giật cướp đoạt làm đối tượng.
Xem thêm : Cách vẽ quỷ cưa đẹp đơn giản ấn tượng nhất
Cần thiết phải thấy tác dụng ngược lại- kìm hãm của nghệ thuật- để ngăn ngăn ngừa loại nghệ thuật đồi bại, đến nay, vẫn còn được lén lút lưu truyền.
3. Chức năng của nghệ thuật
Là một hình thái xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc, cũng như bất kì một hình thái ý thức nào khác, nghệ thuật nghệ thuật có tác dụng tích cực trở lại đối với toàn bộ đời sống xã hội. Nhưng nghệ thuật lại là một hình thái ý thức xã hội đặc thù vì vậy nó tác đông tới xã hội theo phương thức riêng của mình, mà không một hình thái ý thức nào có thể thay thế được. Phần việc đặc thù mà nghệ thuật đảm nhiệm đối với đời sống tinh thần con người, cái suy đến cùng quyết định giá trị xã hội không thể thay thế được của nghệ thuật, đó là chức năng của nó. Chỉ có thông qua chức năng của mình, nghệ thuật mới phát huy được tác dụng tích cực của mình.
Khái niệm chức năng của nghệ thuật là khái niệm dùng để xác định ý nghĩa và giá trị của nghệ thuật đối với đời sống xã hội. Muốn thấu hiểu chức năng của nghệ thuật, hay nói cách khác là, muốn thấu rõ ý nghĩa, giá trị tác dụng của nghệ thuật thì chỉ có đặt nó trong mối liên hệ mật thiết với toàn bộ cơ cấu đời sống xã hội, với đối tượng phản ánh, với đời sống tinh thần phong phú của con người. Có như thế mới tránh được thái độ hạ thấp nghệ thuật, xem văn nghệ là trò chữ, là công việc nhàn rỗi, là trò mua vui giải trí tầm thường.
Các chức năng chủ yếu
a. Chức năng nhận thức cuộc sống của nghệ thuật: Nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội. Luận điểm đó của mỹ học Mác- Lênin có một ý nghĩa quan trọng trong việc xác định giá trị của nghệ thuật. Trước hết là giá trị nhận thức. Nghệ thuật phát sinh và phát triển từ lâu trong đời sống xã hội loài người, nhưng không phải ai cũng thấy được giá trị nhận thức của nó.
Maritain nhà triết học người Pháp đã viết: Nếu nghệ thuật là một phương tiện để nhận thức, thì rõ ràng rằng nó thấp hơn nhiều so với hình học.
Kayser, nhà lý luận văn học theo chủ nghĩa cấu trúc viết:Tác phẩm văn học sống và phát sinh không phải là hồi quang của một cái gì khác mà là một cấu trúc ngôn ngữ khép kín. Hoặc quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật của mỹ học duy tâm phương Đông, phương Tây cũng không thừa nhận giá trị nhận thức của nghệ thuật.
Ngược hẳn với những quan điểm duy tâm đó, mỹ học Mác- Lênin cho nghệ thuật là phương tiện mãnh liệt mà còn người dùng để nhận thức thế giới. Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác luôn thấy rõ và nhấn mạnh ý nghĩa nhận thức của văn học nghệ thuật. C. Mác và Ph. Ăng ghen đã nhiều lần nêu rõ ý nghĩa nhận thức của nghệ thuật. Về bộ tiểu thuyết Tấn trò đời của Balzac, bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống của xã hội Pháp trong nửa đầu thế kỷ XIX, Ph. Ăngghen viết: Balzac mô tả toàn bộ lịch sử xã hội Pháp, trong đó ngay cả những chi tiết kinh tế (thí dụ như việc phân phối lại quyền tư hữu thực tế về quyền tư hữu cá nhân sau cách mạng) tôi đã học tập được nhiều hơn là tất cả các sách của nhà sử học, các nhà kinh tế học, các nhà thống kê chuyên nghiệp thời ấy cộng chung lại.
Cũng như C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đánh giá cao khả năng hiểu biết, khám phá, sáng taọ của văn học. Một thí dụ tiêu biểu là người đã đánh giá cao L. Tolstoi ở khả năng nhận thức và phản ánh đời sống xã hội qua tác phẩm của ông. Người đã xem Tolstoi là tấm gương phản chiếu cách mạng Nga. Phạm Văn Đồng cũng đã từng phát biểu rất chí lý rằng: Văn học nghệ thuật là công cụ để hiểu biết, khám phá, sáng tạo lại thực tại xã hội.
Nghệ thuật có chức năng nhận thức cuộc sống. Nhưng vì sao nghệ thuật khác các hình thức nhận thức khác?
C. Mác khẳng định:Ý thức con người chẳng qua là tồn tại được ý thức. Ý thức xã hội là phản ánh tồn tại xã hội. Sự phản ánh đó có thể đúng hay méo mó lệch lạc nhưng muốn hay không là những ý niệm, khái niệm, quan niệm có được trong đầu óc của con người là bắt nguồn từ hiện thực. Nghệ thuật là một hình thái ý thức, cho nên cũng như bất kỳ một hình thức nào khác, nó có khả năng phản ánh tồn tại của xã hội. Nhận thức con người chẳng qua là sự phản ánh thực tại vào đầu óc con người mà thôi. Vì vậy nghệ thuật có chức năng nhận thức hiện thực.
Sáng tạo nghệ thuật nghệ thuật trước hết là một hành động nhận thức (tức là sự hiểu biết) nhận thức về sự vật, về con người, về đời sống xã hội và về cả chính bản thân mình nữa. Muốn sáng tạo trước hết phải nhận thức, phải hiểu biết. Bản thân sự nhận thức không phải là cái gì bẩm sinh hay huyền bí, nó có nguồn gốc từ thực tiễn, từ trong lao động sản xuất, từ trong cuộc đấu tranh chống thiên nhiên, xã hội của con người. Không hiểu biết cuộc sống thì cũng có nghĩa là không nhận thức và do đó không thể có nghệ thuật. Nhưng nhận thức không phải chỉ đơn thuần là hiểu biết theo nghĩa sát sạt của từ này, mà nó phải tiến lên cấp độ cao hơn là khám phá, tức là phát hiện ra những mặt nào, yếu tố nào bản chất, là quy luật trong sự phức tạp, muôn màu muôn vẻ của hiện thực. Hiện thực là muôn màu muôn vẻ, đa tạp, cái ngẫu nhiên và cái tất nhiên tồn tại lẫn lộn, nhiều khi cái bản chất, cái quy luật lại biểu hiện ra dưới hình thức cái ngẫu nhiên, cái tạm thời, cái không bản chất. Nghệ thuật nhận thức cuộc sống là phải luôn luôn tìm ra cho được cái quy luật của đời sống. Nếu không làm được điều đó thì ý nghĩa nhận thức của nghệ thuật chỉ dừng lại ở hiểu biết đơn giản, máy móc và bên ngoài của hiện thực mà thôi. Lại nữa, nghệ thuật không chỉ nhận thức để mà nhận thức, hiểu biết để mà hiểu biết mà là để sáng tạo ra một công cụ nhận thức mới cho con người. Đó là tác phẩm nghệ thuật. Cho nên, ngoài việc hiểu biết sâu sắc, rộng rãi về thế giới, nghệ thuật còn phải khám phá ra phát hiện ra bản chất bản chất quy luật thế giới. Sáng tạo là một yêu cầu cực kỳ quan trọng của chức năng nhận thức của nghệ thuật. Lênin nói: Ý thức con người không chỉ phản ánh thế giới khách quan mà còn sáng tạo ra thế ra thế giới khách quan nữa. Sáng tạo là yêu cầu của mọi hình thức nhận thức của con người. Nhận thức của con người không phải không phải là sự phản ánh thế giới một cách thụ động, máy móc là sự sáng tạo lại một hiện thực mới cao hơn, hiện thực mà nghệ sĩ đã nhận thức được. Và tác phẩm nghệ thuật thực sự là một công cụ của nhận thức khi nghệ sĩ có sự sáng tạo đó. Tác phẩm phẩm nghệ thuật thực sự sẽ hoàn thành sứ mạng là công cụ nhận thức khi người thưởng thức tiếp xúc với nó không phải là tiếp xúc với cái thế giới mà mình đã nhận thấy ở ngoài đời mà tiếp xúc với cái thế giới mới hợp lý hơn, đáng sống hơn, nên có hơn.
Nói nghệ thuật là một hình thái ý thức cũng có nghĩa là nói tới chức năng nhận thức đặc thù- nghệ thuật trong toàn bộ hệ thống ý thức của con người. Và cũng có nghĩa là khẳng định tính chất khoa học của nghệ thuật. Văn học là khoa học, tính khoa học của nó là ở chỗ nó đưa lại những nhận thức, những hiểu biết đúng đắn và sinh động về tự nhiên xã hội (cuộc sống, con người) trên những mặt thuộc bản chất quy luật, sự vận động, phát triển. Với ý nghĩa đó mà Phạm Văn Đồng đã viết: Văn học, nghệ thuật là một công cụ để hiểu biết, để khám phá, để sáng tạo lại thực tại xã hội. Nó là khoa học. (…) Nghệ thuật là một sự hiểu biết, văn học là một sự hiểu biết, khoa học là một sự hiểu biết, hiểu biết cao sâu lắm.
Nói văn học là một khoa học chính là để nhấn mạnh ý nghĩa tầm quan trọng, tính chính xác của khả năng nhận thức, biểu hiện, khám phá thế giới của nó. Nhưng sẽ rất sai lầm nếu đem đánh đồng nhận thức khoa học và nhận thức nghệ thuật. Nhận thức của nghệ thuật không phải như nhận thức của khoa học. Sự khác nhau đó được phân biệt trên 2 bình diện sau. Một mặt, tri thức mà nghệ thuật đem lại cho con người về bản chất và quy luật của thế giới không phải bằng những khái niệm, công thức, định lý… mà bằng phương thức thể hiện riêng, phương tiện đặc thù. Đó là những hình tượng nghệ thuật.
Tóm lại: Nghệ thuật có khả năng nhận thức vô cùng to lớn trên nhiều bình diện của hiện thực đời sống về tự nhiên cũng như về xã hội. Nhưng đó là nhận thức về phương diện triết học, chính trị, xã hội, tâm lý và thẩm mỹ.v.v… Nó là cuốn sách giáo khoa về đời sống. Chức năng nó diễn ra trong quá trình nghệ sĩ nhận thức hiện thực bằng tác phẩm nghệ thuật; tác phẩm nghệ thuật, đến lượt mình, trở thành một công cụ thẩm mỹ giúp người đọc nhận thức cuộc sống và hiện thực qua những khám phá và sáng tạo nghệ sĩ.
b. Chức năng giáo dục của nghệ thuật: Trong Luận cương về Phơbách, C. Mác viết: Triết học không những chỉ nhằm giải thích đúng đắn thế giới khách quan mà quan trọng hơn là cải tạo thế giới.
Lênin cũng khẳng định: Nghĩa là thế giới không thỏa mãn con người và con người quyết định biến đổi thế giới bằng hành động của mình..
Những tư tưởng vĩ đại đó không chỉ có ý nghĩa trên địa hạt triết học đơn thuần, hay ở lĩnh vực nhận thức nào mà có ý nghĩa cho mọi lĩnh vực nhận thức chân chính của con người. Nghệ thuật là một hình thái ý thức đặc thù, nhưng tựu trung vẫn là một hình thái ý thức xã hội, nó nằm trong quy luật nhận thức chung trên của con người. Vì vậy, nghệ thuật không chỉ có chức năng nhận thức thế giới mà còn có chức năng cải tạo thế giới. Tác dụng cải tạo của nghệ thuật, vì vậy là một thuộc tính tất yếu, là một đặc điểm mang tính quy luật, tính bản chất.
Tính giáo dục của nghệ thuật là ở chỗ, làm thay đổi hoặc nâng cao tư tưởng, quan điểm, nhận thức của con người theo chiều hướng tiến bộ hoặc cách mạng, giúp cho con người từ chỗ tán thành đến hành động theo lý tưởng nhân vật hoặc lý tưởng tác giả. Hoặc bằng những hình tượng nghệ thuật sinh động và hấp dẫn, tác giả giúp con người phân biệt được tốt xấu, đúng sai, từ đó liên hệ đến mình và xác định cho mình một thái độ, một lập trường nhất định theo những điều đã hấp thụ qua tác phẩm.
Tóm lại, nghệ thuật thực hiện chức năng giáo dục đối với người thưởng thức ở những phương diện sau: học tập, nâng cao trình độ văn hóa; rèn luyện, trau dồi giác quan thẩm mỹ; tu dưỡng đạo đức, phẩm chất; cải tạo thế giới quan và quan điểm chính trị xã hội.
Bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng có thể tác dụng này hay tác dụng khác đối với người thưởng thức: có tác dụng tiêu cực, có tác dụng tích cực, có tác dụng tức thời, có tác dụng vĩnh cửu.
Nghệ thuật thực hiện chức năng giáo dục bằng cách: trước hết là ở khuynh hướng tư tưởng của nghệ sĩ thể hiện ngay trong việc nhận thức và phản ánh hiện thực. Tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm ý thức nghệ sĩ, là kết quả hoạt động có nhận thức của nghệ sĩ. Qua tác phẩm, người sáng tác bao giờ cũng gửi gắm, ký thác, truyền đạt một cái gì đó cho người đọc. Đó là lập trường quan điểm, tư tưởng, ý nghĩa và những lời giải đáp cùng những ước vọng của người sáng tác trước cuộc sống. Những điều gửi gắm đó nếu rung động được lòng người thì giúp họ nhận thức được đúng đắn cuộc sống và khiến họ đi đến những suy nghĩ và hành động đúng.
Thứ đến là ở nội dung tư tưởng, ở khuynh hướng tuyên truyền, động viên và giáo dục của tác phẩm từ các nhân vật điểm hình đại diện cho tư tưởng tác giả, thông qua tâm tư, suy nghĩ, triết lý sống của nhân vật được trình bày dưới dạng này, hay dạng khác. Hình tượng Từ Hải trong Truyện Kiều ngoài ý nghĩa là mơ ước tự do và công lý của Nguyễn Du, nó còn có tác dụng khơi dậy ở người ý chí độc lập tự do, ý thức không cam tâm làm nô lệ, ý thức tháo cũi sổ lồng, đạp bằng mọi bất công ở con người. Hình tượng Kiều lại giáo dục con người ta lòng hiếu nghĩa với mẹ cha, lòng chung thủy vợ chồng, ý thức luôn vươn dậy trong cuộc sống.v.v… Nó còn thể hiện ở tính thẩm mỹ của tác phẩm. Tức là ở lý tưởng thẩm mỹ và hình thức nghệ thuật mà tác giả vận dụng để truyền đạt có hiệu quả nhất những tư tưởng và kiến giải của mình đến người thưởng thức.
Nghệ thuật có nhiệm vụ xây dựng những hình tượng nghệ thuật mang lý tưởng thẩm mỹ, đó là cuộc sống đáng sống và con người đáng có. Hình tượng Từ Hải là một hình tượng mang lý tưởng thẩm mỹ của tác giả: lý tưởng về con người anh hùng đầy lòng nhân đạo, bình đẳng, bác ái và ý thức quật cường không cam tâm làm nô lệ. Từ Hải còn là niềm vui mừng, nỗi ước muốn của quần chúng lao động. Nếu như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh.v.v… là những hình tượng làm cho người đọc căm ghét, thì Từ Hải là nhân vật làm cho người ta yêu thương, trân trọng, đấy chính là mặt trái và mặt phải của tác dụng thẩm mỹ của hình tượng nghệ thuật.
Tác dụng cải tạo của nghệ thuật còn là ở hình thức nghệ thuật. Nghệ thuật trong sáng giản dị tạo cho người ta cảm giác nhẹ nhõm; nghệ thuật sinh động phong phú, hấp dẫn làm con người ta trở nên yêu cuộc sống hơn. Chức năng giáo dục của nghệ thuật còn là tính chiến đấu của nó. Nghệ thuật là vũ khí đấu tranh giai cấp. Tính chất vũ khí của nghệ thuật biểu hiện tập trung ở chỗ: cải tạo là phê phán cái cũ, cái xấu, cái lạc hậu, đề xuất cái mới, cái tốt, cái tiến bộ cách mạng. Nếu nghệ thuật chỉ vạch ra cái tiêu cực không thôi thì mới làm được nhiệm vụ phá mà chưa làm được nhiệm vụ xây. Như thế có nghĩa là chưa thực hiện trọng vẹn chức năng cải tạo. Mặt khác, không có sự xây nào mà không gắn với phê phán, phá bỏ cái cũ, cái xấu, cái lạc hậu, cái cản trở sự phát triển đi lên. Lénine đã từng gọi Người mẹ của Gorki là quyển sách kịp thời bởi vì chính Người mẹ đã có sức cải tạo, sức mạnh của vũ khí tính thần và tư tưởng đối với giai cấp công nhân Nga lúc bấy giờ. Người nói (theo thuật lại của Gorki): Quyển sách này là cần thiết, nhiều công nhân đã tham gia phong trào cách mạng một cách vô ý thức, tự phát, và bây giờ họ đọc Người mẹ, điều đó sẽ mang lại lợi ích lớn cho bản thân họ.
Và quả thật, những hình tượng điển hình về những công nhân- những chiến sĩ cách mạng Nga, qua sự miêu tả của nhà sáng lập ra nền nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa, đã tỏ ra là những tấm gương mà nhờ đó mà nhiều thế hệ chiến sĩ đấu tranh nhằm giải phóng nhân loại khỏi ách áp bức đã học được.
Nghệ thuật là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, là sản phẩm có ý thức của người nghệ sĩ, là sản phẩm của tài năng tư tưởng tình cảm của người nghệ sĩ. Vì vậy, chức năng cải tạo của nghệ thuật đạt được tới đâu là do người đẻ ra nó. Sáng tạo nghệ thuật ngoài sự hiểu biết, tài năng ra còn là vấn đề lý tưởng sống. Lý tưởng sống của nghệ sĩ gắn liền với chức năng cải tạo của văn học. Một tâm hồn bệnh hoạn, yếu đuối, một lý tưởng sống hưởng lạc thì chỉ tạo được những hình tượng nghệ thuật nhằm trụy lạc hóa con người không hơn, không kém.
Lý tưởng nghệ sĩ luôn gắn liền với một giai cấp nhất định. Nghệ sĩ là người phát ngôn cho giai cấp và những lực lượng nhất định. Nói đến chức năng cải tạo của nghệ thuật là nói đến việc nghệ sĩ dùng tác phẩm của mình để truyền đạt lý tưởng sống của mình và cũng là lý tưởng của giai cấp mình, cuả một lực lượng xã hội, một thời đại nhất định mà mình đang sống. Càng gắn lý tưởng mình với lý tưởng tiến bộ của thời đại bao nhiêu thì nghệ sĩ càng phát huy chức năng cải tạo của nghệ thuật mình bấy nhiêu. Bởi vì lý tưởng thời đại cũng tức là lý tưởng của quần chúng nhân dân, người chủ nhân lịch sử. Lịch sử nghệ thuật đã chứng tỏ rằng có những tác phẩm nghệ thuật có sức sống trường cửu, có sức cải tạo lớn lao là do lý tưởng nghệ sĩ gắn bó với lý tưởng thời đại đó, lý tưởng nhân loại cần lao lúc đó.
Đặc trưng chức năng giáo dục của nghệ thuật là ở chỗ: nghệ thuật giáo dục con người thông qua con đường tình cảm. Từ xúc động, lay động về tình cảm mà người đọc liên hệ đến bản thân, tự giác nhận ra đúng, sai. Nghệ thuật giáo dục con người không phải bằng biện pháp cưỡng bách, hành chính gò ép mà hoàn toàn tự giác, thoải mái. Nghệ thuật giáo dục bằng hình thức hấp dẫn vui tươi, cuốn hút. Ở đây, tưởng như giáo dục vui chơi, giải trí là một. Tác dụng giáo dục của nghệ thuật là lâu bền, từ từ nhưng vô cùng sâu sắc.
c. Chức năng thẩm mỹ của nghệ thuật: Trong các hình thái con người đồng hóa tự nhiên về mặt thẩm mỹ thì nghệ thuật là hình thái cao nhất, tập trung nhất, đầy đủ nhất của quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực. Nói như thế có nghĩa là, con người, trong hoạt động thực tiễn của mình, bao giờ cũng sáng tạo thế giới theo quy luật của cái đẹp. Trong Bản thảo kinh tế – triết học 1844, Mác viết:
Xem thêm : Tìm hiểu trợ cấp thôi việc bao nhiêu tiền?
Súc vật chỉ nhào nặn vật chất theo thước đo và nhu cầu của giống loài của nó, còn con người thì có thể sản xuất theo bất cứ giống loài nào và ở đâu cũng có thể áp dụng thước đo thích hợp cho đối tượng, do đó con người cũng nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp.
Không chỉ nghệ thuật, mà bất kỳ hoạt động thực tiễn vật chất nào của con người cũng đều có ý nghĩa thẩm mỹ. Tuy vậy, phải nhận rằng cái đẹp trong nghệ thuật là tập trung nhất, là mãnh liệt nhất, là biểu hiện cao nhất của quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực. Trong đời sống tinh thần của con người thì nghệ thuật đảm đương trọng trách biểu hiện và truyền thụ cái đẹp. Những hình thái ý thức khác của xã hội như triết học, khoa học, v.v… đều có chức năng nhận thức và giáo dục của nó. Nhưng chỉ có trong nghệ thuật, chức năng thẩm mỹ mới được đặt ra một cách bắt buộc.
Chức năng thẩm mỹ của nghệ thuật bộc lộ ở chỗ: làm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, phát triển năng lực, thị hiếu thẩm mỹ của con người. Cũng tức là, nghệ thuật làm thỏa mãn nhu cầu về lý tưởng, ước mơ, sự hoàn thiện hoàn mỹ của con người trước thế giới.
Nghệ thuật thực hiện chức năng thẩm mỹ bằng nhiều cách. Trước hết là làm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của người đọc bằng việc miêu tả và phản ánh cái đẹp trong tự nhiên và xã hội. Cái đẹp là cái khả năng đưa đến cho người ta mộ khoái cảm, một thích thú, một niềm xúc động khi con người nhìn thấy hoặc thưởng thức. Những cái được gọi là đẹp phải là cái chân thực, sinh động, hài hòa, thống nhất được các mặt tiêu biểu và đa dạng của sự vật, có khả năng tác động trực tiếp vào giác quan con người (thị giác và thính giác). Việc phản ánh này thường có chọn lọc và gắn liền với quá trình điển hình hóa, tài năng sáng tạo của nghệ sĩ. Nhờ vậy, cái đẹp của đời sống khi đã được đưa vào nghệ thuật thì nó đẹp gấp bội. Bởi vì, ngoài đời sống, nó đã đẹp, khi đi vào nghệ thuật nó lại được trau chuốt gọt dũa bởi bàn tay tài hoa của nghệ sĩ. Thử đơn cử một ví dụ về nghệ thuật ngôn từ, bài ca dao sau:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Nói đến sen là nói đến cái đẹp. Sen là đẹp, nhưng chỉ nhìn nó ở ngoài đời thì chưa thấy hết cái đẹp của nó. Phải nhìn nó trong nghệ thuật ta mới thấy hết, càng nhìn càng thấy đẹp, đẹp từ màu sắc, hương vị, hình thức, phẩm chất. Giải thích cái đẹp trong nghệ thuật có phần duy tâm, nhưng Hégel đã khẳng định: Ngay bây giờ chúng ta có thể khẳng định rằng cái đẹp trong nghệ thuật cao hơn cái đẹp của tự nhiên. Nghệ thuật không chỉ miêu tả, phản ảnh cái đẹp trong tự nhiên, xã hội mà còn sáng tạo ra cái đẹp, cái mới vốn không có trong hiện thực- tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật là kết tinh tài năng sáng tạo trên cơ sở chất liệu hiện thực chứ không phải là bản thân hiện thực. Nó không chỉ là tư tưởng, tình cảm tài năng của nghệ sĩ mà nó còn là cái đẹp mới.
Bên cạnh cái đẹp của tự nhiên: vừng trăng, bầu trời, ánh sáng, cánh cò, dòng sông… là cái đẹp do bàn tay nghệ sĩ tạo ra: áng thơ, bản nhạc, điệu múa, … Đây là một tự nhiên đẹp thứ 2.
Nghệ thuật phát huy tác dụng chức năng thẩm mỹ đối với con người bằng cách rèn luyện năng lực thẩm mỹ cho con người trên rất nhiều bình diện. Nghệ thuật làm cho cảm xúc thẩm mỹ của con người ngày một tinh tế. Do tiếp xúc với nghệ thuật mà các giác quan của con người tinh tế, nhạy bén, đưa đến khả năng cảm thụ nhiều hơn, lớn hơn. Ví dụ giữa tai người không sành nhạc và sành nhạc, có tiếp xúc rèn luyện nhiều trong môi trường âm nhạc. Người sành nhạc có lỗ tai có khả năng thẩm âm tốt hơn người không sành nhạc.
Nghệ thuật đào luyện năng khiếu thẩm mỹ, tức là tạo ra năng lực sáng tạo, đánh giá các đẹp ở con người. Năng lực thẩm mỹ là một sự trao truyền, học tập lẫn nhau qua nhiều thế hệ. Không ai có thể sáng tạo hay thưởng thức được nghệ thuật nếu chưa hề biết đến nghệ thuật. Chỉ có tôi luyện trong nghệ thuật thì năng lực nghệ thuật mới phát triển. Có vấn đề tài năng trong lĩnh vực này, nhưng tài năng đó là cả một sự hun đúc của nhiều thế hệ. Nghệ thuật hun đúc cho con người khả năng cảm thụ tinh tế, đánh giá chính xác cái đẹp trong cuộc sống, đồng thời, hình thành cho con người một nhận thức sâu sắc về cái đẹp. Thưởng thức nghệ thuật đồng thời là sự tiếp nhận giáo dục về nghệ thuật. C. Mác viết: Nếu anh muốn hưởng thụ nghệ thuật, thì anh phải là con người có kiến thức về nghệ thuật.
Kiến thức về nghệ thuật không thể và chỉ đơn thuần là kết quả sự tiếp thụ theo con đường giáo dục bởi khoa mỹ học theo trường lớp sách vở mà còn bằng cả con đường trực tiếp thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật. Con đường này tuy tự phát nhưng vô cùng sâu sắc.
Nghệ thuật xây dựng cho con người quan điểm thẩm mỹ, thái độ thẩm mỹ một cách sinh động và sâu sắc. Vì con người tiếp thu nó không phải dưới dạng kết luận, phán đoán trừu tượng như trong khoa nghiên cứu nghệ thuật. Không một bài giảng về nghệ thuật nào có thể thay thế được điều mà con người trực tiếp nhận qua tác phẩm nghệ thuật.
Nghệ thuật xây dựng cho con người lý tưởng thẩm mỹ. Con người, sản phẩm đẹp nhất của tạo vật là đối tượng của nghệ thuật. Nghệ thuật đã chọn cho mình một đối tượng đặc biệt: tinh hoa của trời đất, người ta là hoa đất (Tục ngữ), Con người là cái đẹp nhất trong thế giới mà chúng ta cảm giác được (Tchernychevski), Con người là lý tưởng của các đẹp (Kant). Nhưng nghệ thuật vẫn xây dựng những con người lý tưởng. Đó là lý tưởng thẩm mỹ. Vì mục đích nghệ thuật là không phải chụp lại, hay tái hiện tất cả những gì về phẩm chất mà con người hiện có. Con người trong nghệ thuật là con người sẽ có, cần có. Đó là con người lý tưởng. Do bản thân con người không bao giờ tự thỏa mãn với mình mà luôn luôn có nhu cầu vươn lên cái cao xa hơn – vươn lên con người lý tưởng.
Quan hệ giữa các chức năng
Nghệ thuật là một hình thái ý thức đặc thù, nó mang tính thẩm mỹ. Tính thẩm mỹ này gắn liền với bản chất của nghệ thuật. Nếu tách rời hoặc không thấy đặc thù thẩm mỹ thì hoặc là không hiểu được bản chất nghệ thuật, hoặc hạ thấp nó, hoặc biến nó thành một cái gì khác ngoài nó. Khi nói đến chức năng nhận thức của nghệ thuật, dù có đề cập đến khả năng nhận thức to lớn của nó thế nào mặc lòng mà không thấy đây là sự nhận thức có tính đặc thù thẩm mỹ, nhận thức từ góc độ thẩm mỹ thì tức là đánh đồng nghệ thuật với mọi hoạt động nhận thức khác, và cũng tức là hạ thấp giá trị nhận thức của nghệ thuật dẫn đến hạ thấp hoặc thủ tiêu nghệ thuật.
Chức năng thẩm mỹ của nghệ thuật chỉ có thể phát huy được tác dụng mãnh liệt khi nghệ thuật đạt được giá trị tự nhận thức cao. Ngược lại, nghệ thuật chỉ có thể đạt được tính thẩm mỹ cao đẹp khi nó đạt được giá trị nhận thức sâu. Diderot nói: Cái đẹp chẳng qua là chân lý. Như thế, nghệ thuật không phải là cái gì phi lý, hoặc siêu nhiên mà nó
quan hệ đến vấn đề chân lý. Tác phẩm nghệ thuật càng tiếp cận với cuộc sống càng phản ánh được chân lý khách quan một cách sâu sắc thì càng có tính nghệ thuật cao. Xưa nay, những tác phẩm nghệ thuật lớn, bất hủ không có tác phẩm nào lại chỉ đạt một trong hai mặt này. Xét về mặt hình thức nhận thức thì nghệ thuật có hình thức nhận thức đặc thù so với các hình thái ý thức khác, đó là hình thức nhận thức thẩm mỹ, nhận thức theo góc độ cái đẹp. Nhưng xét về mặt bản chất nhận thức thì nghệ thuật thống nhất với các hoạt động nhận thức khác của con người. Nếu như chức năng thẩm mỹ là đặc trưng của nghệ thuật thì chức năng nhận thức là bản chất của nghệ thuật.
Mọi hình thức nhận thức chân chính của con người đều vươn đến mục đích cải tạo của mình. Nhưng mỗi hình thức nhận thức đó lại thực hiện chức năng cải tạo theo đặc trưng riêng. Nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng thực hiện chức năng cải tạo, giáo dục của mình theo góc độ thẩm mỹ, bằng cách thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ. Dưới hình thức thẩm mỹ, bằng phương tiện thẩm mỹ, nghệ thuật tiến hành giáo dục và cải tạo con người.
Cải tạo giáo dục con người có rất nhiều hình thức, đó có thể bằng luân lý, đạo đức học, bằng chính trị và bằng hành chính.v.v… Nhưng biện pháp nhẹ nhàng mà sâu sắc, tinh tế mà mạnh mẽ là biện pháp nghệ thuật. Nghệ thuật trực tiếp tác động vào tình cảm con người để giáo dục, cải tạo con người.
Thư Ban chấp hành trung ương Đảng Lao Động Việt Nam gửi Đại hội toàn quốc lần thứ III viết: Là tiếng nói tình cảm, là hình thức nhuần nhị và sắc bén của tư tưởng có tác dụng sâu rộng và lâu bền trong đời sống tinh thần của nhân dân, văn nghệ giữ một vai trò quan trọng trong việc xây dựng đạo đức, tình cảm và tác phong xã hội chủ nghĩa.
Một tác phẩm nghệ thuật muốn đạt tới chức năng cải tạo và giáo dục của mình thì trước hết phải đạt được tính nghệ thuật cao. Với những hình tượng nghệ thuật sinh động, có sức truyền cảm, nghệ thuật tác động vào tình cảm con người; khi những hình tượng nghệ thuật có sức lay động tình cảm con người thì tình cảm đó là xuất phát điểm, là sức bật cho lý trí và hành động của con người.
Nghệ thuật không phải là vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh. Tự nó, nghệ thuật đã mang tính cải tạo giáo dục của mình. Tuy nhiên muốn có giá trị thẩm mỹ cao, nghệ thuật phải đạt tới sức cải tạo mạnh mẽ, ngược lại để cải tạo và giáo dục nghệ thuật lại phải đạt được tính thẩm mỹ cao.
Nếu như chức năng thẩm mỹ là đặc trưng của nghệ thuật thì chức năng giáo dục là nhiệm vụ của nghệ thuật.
Nghệ thuật là một hình thái ý thức, một hình thức nhận thức của con người như bất kỳ một hình thức nhận thức nào khác. Nghệ thuật nhận thức không phải là để nhận thức mà nhận thức là cải tạo, biến đổi thế giới. Cho nên, chức năng nhận thức và chức năng cải tạo giáo dục nghệ thuật là không thể tách rời nhau. Muốn cải tạo thì trước hết phải nhận thức, nhận thức là để cải tạo, nhận thức càng sâu thì cải tạo càng mạnh.
Chức năng nhận thức và giáo dục gắn chặt với nhau và gắn chặt với ý thức thẩm mỹ. Trong nghệ thuật, nhận thức là nhận thức dưới góc độ cái đẹp. Giáo dục là giáo dục thông qua nhận thức thẩm mỹ và bằng phương tiện thẩm mỹ. Ý nghĩa thẩm mỹ là tác phẩm nghệ thuật là ở chỗ hiệu quả giáo dục cải tạo nó đạt được.
Tóm lại, nghệ thuật nghệ thuật có 3 chức năng chủ yếu: nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ. Ba chức năng đó là quan hệ khăng khít và xuyên thấu vào nhau và cùng tác động tới con người. Trong cả ba chức năng đó, không được xem nhẹ một chức năng nào và cũng không thể tách bạch ra từng chức năng một trong thực tế. Nói một cách chính xác và khoa học ra thì nghệ thuật có một chức năng chủ yếu nhận thức- giáo dục – thẩm mỹ. Bởi vì thẩm mỹ, giáo dục, nhận thức, thực chất là 3 phương diện khác nhau của một vấn đề, của một sự vật. Chức năng này đồng thời biểu hiện chức năng kia và tồn tại trong chức năng kia và ngược lại.
Ngoài 3 chức năng chủ yếu trên đây, nghệ thuật còn có nhiều chức năng quan trọng khác như: chức năng giao tiếp, chức năng thanh lọc, chức năng giải trí.v.v… Nghệ thuật phát huy tác dụng đa chức năng đối với đời sống.
Xem thêm: Đặc trưng của nghệ thuật
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức