William Shakespeare: Nhà thơ – nhà soạn kịch thiên tài
WILLIAM SHAKESPEARE (1564 – 1616) NHÀ THƠ – NHÀ SOẠN KỊCH THIÊN TÀI.
I – Shakespeare: Nhà thơ – nhà soạn kịch thiên tài
1. Từ bóng tối vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao của nghệ thuật
Shakespeare sinh ngày 23 tháng 4 năm 1564 tại thị trấn Stratford on Avon River- thị trấn nho hai ngàn dân thuộc miền Trung Nước Anh. Cha ông bỏ nghề nông ra thị trấn làm nghề bao tay. Về sau khá giả, mở thêm cửa hiệu bán len dạ và bao tay tự chế. Ông lại được dân chúng tín nhiệm bầu làm thị trưởng thị trấn mấy nhiệm kì liền. Lên bảy tuối, cậu bé Shakespeare cắp sách đến trường Grammar School ở thị trấn (loại trường hỗn hợp tiểu học và trung học khá phổ biến thời đó. Trường dạy các môn phổ thông, tiếng Hi Lạp, tiếng Latin, ngữ pháp Anh và một ít văn chương cổ Hi lạp La mã). Nhưng anh không thể học hết trung học, năm 14 tuổi gia đình nợ nần sa sút, cha mất chức thị trưởng, anh phải bỏ học đi làm kiếm sống. Năm 18 tuổi anh cưới một phụ nữ hơn mình 8 tuổi tên là Anne Hathaway. Sau ba năm có con gái đầu lòng, kế đó sinh đôi một trai một gái, đứa con trai tên là Hamnet, được 11 tuổi thì nó ốm chết.
Năm 23 tuổi, Shakespeare để lại vợ con ở quê, lên đường ra kinh đô London với hai bàn tay trắng và trái tim hăm hở. Ông làm nhiều nghề kiếm sông. Rồi ông đến với rạp hát đầu tiên của nước Anh – rạp Theater. Ông giữ ngựa cho khán giả, soát vé, nhắc vở và làm diễn viên. Ông soạn lại, cải biên một số vở cũ, viết chung với người khác vài vở mới. Sau đó Shakespeare sáng tác một mình. Ông say mê đọc nghiên cứu cuốn sách “Sử biên niên của Anh, Ireland và Scotland” coi đó là sách gối đầu giường nhằm nắm chắc lịch sử dân tộc. Ông đọc sách “Truyện danh nhân” để hiểu rõ lịch sử La Mã cổ đại. Để hiểu về đất nước Ý hiện đại ông làm quen với học giả người Ý Jovani Florio đang sống lưu vong ở Anh có mang theo nhiều sách quí, bản thân ông đã là pho từ điển sống hỗ trợ đắc lực cho Shakespeare. Nhờ có máy in, sách dịch, các thứ sách tiếng Anh Latin Hi Lạp Pháp Ý Do thái rất nhiều cho người đọc. Nhưng còn vốn sống chưa đủ, nhất là sự hiểu biết về đời sông thượng lưu quí tộc cung đình và xã hội London, Shakespeare tìm cách giao du tiếp xúc với bá tước Southampton. Nhà quí tộc này đã bắc cầu cho ông đến với giới thượng lưu. Lại thêm dăm năm sống gần gũi một nhà buôn người Pháp ở khu trung tâm thương mại London giúp ông thêm vốn sống và tìm hiểu văn hóa và ngôn ngữ Pháp.
Shakespeare nhanh chóng nổi bật trên văn đàn và kịch trường, chỉ sau 5 năm ở kinh đô, tên tuổi ông đã vang dội. Hai mươi năm cần mẫn ở đây ông để lại gần 40 vở kịch, hai bản trường ca và một tập thơ 154 bài sonnet. Trung bình mỗi năm viết hai vở, Shakespeare được coi là nhà thơ và nhà viết kịch lớn nhất của thời đại. Thời ấy người ta gọi ông là The Honey- Tougued Poet (nhà thơ có giọng nói ngọt ngào), là The Swan on Avon River (con thiên nga sông Avon), là “người vung ngọn giáo náo động kịch trường Anh” . Johnson nhà viết kịch Anh nổi tiếng đã nhận xét sau khi Shakespeare mất: “Shakespeare không chỉ thuộc về thời đại mình, ông còn là nghệ sĩ của muôn đời”. Các nhà thơ Victor Hugo (Pháp), Bielinski, Liev Tolstoi và Maxim Gorki (Nga) đều coi ông là bậc thầy . Trong các bài viết về nghệ thuật, Karl Marx, Engels cũng yêu cầu nghệ sĩ học tập Shakespeare theo phương hướng “Shakespeare hóa” .
2. Vui buồn bốn đoạn đời sáng tác của Shakespeare
Giai đoạn 1
Từ 1590 đến 1594 với các vở Hài kịch của những hiểu lầm, Hai chàng công tử thành Verona,Công cốc vất vả vì tình, vở kịch lịch sử Henry IX và kịch rùng rợn Titert Andronicot. Đây là giai đoạn tập sự chập chũng vào nghề, đang tìm đường cho cây bút, chưa tạo được bản sắc riêng, còn bị ràng buộc với quá khứ truyền thống của kịch Anh.
Sau đó ông viết Hai bản trường ca là:
- Venus và Adonis – dựa theo thần thoại Hi Lạp, miêu tả mối tình say đắm và bi thảm của nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp với chàng trai Adonis .
- Rape of Lucrece (vụ cưỡng bức nàng Lucrece)
Và một số bài sonnet làm say mê độc giả. Đến đây, nhà thơ Shakespeare được coi là bá chủ thi đàn Anh .
Cuối giai đoạn này, ông viết vở Romeo and Juliet với tất cả cảm hứng lạc quan tươi sáng.
Giai đoạn hai: Lạc quan và yêu nước
Từ 1594 đến 1600, Shakespeare cho ra mắt khán giả các vở kịch lịch sử “Henry IV ” phần sau, “Henry V” và hàng loạt vở hài kịch vui nhộn tươi sáng như “Ầm ĩ vì chuyện không đâu Xin tùy thích” (As you like it), The Twefth Night, The Dream of Summer Night,The Merchant Of Venice, The Merry Ladies in Windsor . . . Tài năng nhà thơ bừng nở, vẫn lạc quan yêu đời yêu người, tự hào say sưa yêu nước Anh.
Xem thêm : Lợi ích của vi khuẩn đường ruột với cơ thể con người
Giai đoạn ba: Bi kịch thật sự của thời đại
Từ 1601 đến 1608
Những vở bi kịch xuất sắc nhất của Shakespeare ra đời như Hamlet, Othello, Macbeth, Anthony and Cleopatre, King Lear… Xen kẽ vẫn có những vở hài kịch như : All ‘s well when it ends well,Troileis and Creida. Những cảm hứng lạc quan của nhà thơ đã giảm dần, cơ hồ biến mất nhường chỗ cho cảm hứng bi quan sâu sắc: phê phán những mặt đen tối xấu xa, lên án cái ác, cường quyền và bạo lực, báo trước sự bế tắc của thời đại . Những tác phẩm thời kì này mang tầm cao tư tưởng nghệ thuật, chiều sâu tâm lí đã nâng vị trí của Shakespeare lên đỉnh cao trong lịch sử văn học thế giới.
Giai đoạn cuối 1609 -1613 -Tiếng hót về chiều của con thiên nga sông Avon .
Bế tắc, nhà thơ quay laị với những đề tài tình duyên thơ mộng trắc trở và kết thúc có hậu tốt đẹp theo kiểu lãng mạn trung cổ. Như các vở Periclet, Simbeliner,The Tempest, A Winter Story. Vở kịch lịch sử Henry VIII ra mắt cuối giai đoạn này. Điều đáng chú ý là mâu thuẫn trong kịch đã trùng xuống, dịu đi, không còn quyết liệt như giai đoạn trước.
Từ 1613 Shakespeare ngừng viết, trở về quê nhà, thi thoảng mới ra thăm thủ đô. Ông viết sẵn chúc thư và từ giã cuộc đời bi kịch vào ngày 23 tháng 4 năm 1616 ở tuổi 52. Nhà thơ được an táng tại nhà thờ Holi Trinity, thị trấn Stratford on Avon. Đài tưởng niệm và tượng bán thân của ông được đắp vào bức tường ngôi giáo đường sau khi ông qua đời.
II – Giới thiệu tác phẩm kịch của Shakespeare
KỊCH LỊCH SỬ
Nhóm 1: đề tài lịch sử nước Anh, dựa vào cuốn lịch sử “Sử biên niên của nước Anh nước Ireland và Scotland” .
Nhóm 2: đề tài lịch sử La Mã cổ đại .
Shakespeare bước vào kịch trường giữa lúc tình cảm yêu nước và tinh thần dân tộc của dân Anh bốc lên cao chưa từng thấy. Chiến thắng đánh tan hạm đội vô địch Acmanda của Tây ban nha khiến hải quân Anh trở thành “con sói biển” tung hoành khắp các đại dương đưa nước Anh lên địa vị cường quốc hùng mạnh nhất châu Âu. Triều đại Elizabeth đang được quần chúng ngưỡng mộ, nữ hoàng được ca ngợi là người chèo lái đưa con tàu Anh quốc vượt muôn trùng sóng bể cập bến vinh quang. Cảm xúc đó được bộc lộ cuồng nhiệt ở London. Hai chục vạn dân kinh thành sẵn sàng đổ ra đường phố tung hô nữ hoàng vạn tuế khi bà xuất hiện, rồi nhảy múa ca hát. Shakespeare đắm mình trong bầu không khí đó, ông dựng lại quá khứ lịch sử hào hùng để ca ngợi nhân dân mình, ca tụng những ông vua, những tướng lĩnh anh hùng có tên và vô danh đã làm rạng rỡ đất nước. Nhà thơ ủng hộ chế độ quân chủ tập trung thống nhất quốc gia và khát vọng hòa bình của nhân dân. Ông cũng rút ra những bài học lịch sử khi dựng lên những hôn quân bạo chúa, nhu nhược bất tài, quan chức đắm đuối hưởng lạc thì hậu quả diệt vong thật khó tránh khỏi. Ông nhìn thấy sức mạnh của nhân dân có thể làm nghiêng ngả ngai vàng. Nhà thơ nhắc nhở nhân dân đừng quên cảnh giác với mọi âm mưu thủ đoạn lừa gạt của bọn quí tộc (kịch Julius Caesar, Coriolanus) .
Kịch lịch sử của Shakespeare là những bức tranh hoành tráng miêu tả những sự kiện biến cố tiêu biểu của các giai đoạn lịch sử. Xem kịch chúng ta thấy cả cuộc chiến tranh trăm năm Anh – Pháp, Cuộc chiến Hai hoa hồng . . . Nhiều vở kịch lịch sử của ông được phổ biến rộng khắp thế giới bốn thế kỉ qua.
HÀI KỊCH
Hai giai đoạn đầu Shakespeare viết nhiều hài kịch – giai đoạn lạc quan, nhưng càng về sau tiếng cười đã dần dần thay bằng nước mắt bi kịch. Nhà thơ viết hài kịch để mua vui cho công chúng, khẳng định tình yêu là chất men say cho cuộc sống, là hạnh phúc tuyệt vời nhất trên cõi thế gian, là nguồn sức mạnh chiến thắng tất cả những gì chống lại con người . Nhìn chung hài kịch Shakespeare tràn ngập cảm hứng khẳng định cuộc sống. Tuy nhiên đến vở hài kịch Chàng thương gia ở thành Venice mặc dù tiếng cười sảng khoái cất lên mừng thắng lợi của tình bạn và tình yêu thì hình tượng gã Shylock vẫn còn đó như một mối đe dọa ngầm, ám ảnh tâm trí người xem. Đây là vở hài kịch có tính hiện thực.
BI KỊCH – TẦM CAO CỦA THIÊN TÀI
Xem thêm : Kỹ năng thuyết trình hiệu quả
Ngay trong giai đoạn đầu khi đang say sưa với hài kịch và kịch lịch sử, Shakespeare đã viết vở bi kịch đầu tiên Romeo and Juliet, kế đó Julius Caesar. Có lẽ khi đang chiều chuộng công chúng bằng những hài kịch, nhà thơ đã cảm nhận được mối nguy cơ đe dọa con người, đe dọa chủ nghĩa nhân văn, mưu toan bóp nghẹt tiếng cười, lăm le gây tang tóc đau thương . Kể từ năm 1600 về sau, ông viết hàng loạt bi kịch với chủ đề cuộc sống đấu tranh khốc liệt giữa cá nhân và xã hội, trong đó những thế lực đen tối quyết tâm tiêu diệt những ai định cản trở nó, chống lại tham vọng thống trị của nó. Đặc biệt, nhà thơ phát hiện một thế lực đen tối đang sinh sôi nảy nở nhưng cực kì nguy hiểm- đó là đồng tiền và những kẻ nắm giữ nó. Nhà thơ báo động rằng giờ đây “nó” đang vượt ra khỏi những giới hạn nhỏ hẹp để vươn lên địa vị thống trị những quốc gia, mưu toan thống trị toàn thế giới, “biến cả thế giới thành nhà tù mà nó là cai ngục”. Trong vở kịch Hamlet, tác giả đã tố cáo nó như thế, đến vở Timont at Athens, ông lại vạch mặt nó :
. . . Vàng, hoàng kim óng ánh quí giá vô ngần, chỉ bấy nhiêu cũng đủ đổi trắng thay đe, biến tốt thành xấu, biến kẻ gian thành người ngay, hèn hạ thành cao sang, già cả thành trẻ trung, khiếp nhược thành dũng cảm !
Đó là cái gì vậy hỡi thần linh bất tử ?
Đó là cái vật khiến các cha cố và tín đồ ngoảnh mặt làm ngơ bàn thờ của các vị
Tên nô lệ màu vàng ấy xây dựng và phá hủy tôn giáo của các vị, làm cho kẻ độc ác được hưởng phước lành, làm cho những kẻ ghê tởm được tôn sùng, đặt bọn trộm cắp lên ghế nguyên lão .
Và làm cho chúng được hưởng chức tước danh vọng và được người ta quị lụy .
Nó làm cho mụ đàn bà góa già nua tàn tạ thành cô dâu mới
Hãy thôi đi, kẻ đáng bị đày xuống địa ngục, con đĩ chung của loài người . . .
Nhà thơ còn tố cáo sự câu kết giữa thế lực mới và cũ (tư sản và phong kiến với thế lực mới hình thành) để bóc lột áp bức con người. Sự câu kết khiến Hamlet phải kêu lên:
“Đan Mạch là nhà tù đen tối nhất trong cái nhà tù thế giới này”. Chúng đẩy con người lùi dần tới bờ vực thẳm. Những gì mà chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng hứa đem lại cho con người thì giờ đây đang bị các thế lực đen tối chà đạp và tước bỏ không thương tiếc. Bi kịch Shakespeare phản ánh sự bế tắc và tan vỡ của chủ nghĩa nhân văn trước sức công phá của những thế lực phản nhân văn. Nhưng nhà thơ không truyền bá chủ nghĩa bi quan, chủ nghĩa thất bại. Nhà thơ tin tưởng con người có thiên hướng vươn lên tới đỉnh cao Chân – Thiện – Mĩ, tin vào khả năng vô tận, lí trí sáng suốt và lương tri của họ. Hamlet và Ophelia, Othello và Desdemona, vua Lear và Cordelia con gái ông tuy đều phải chết bi thảm oan uổng nhưng đó là những cái chết tràn đầy sức mạnh tố cáo và lời hiệu triệu đấu tranh cho sự sống.
Cái gì làm nên sức mạnh nghệ thuật của bi kịch Shakespeare ?
Bên cạnh những khám phá, phát hiện và dự báo nói trên còn có khả năng miêu tả và thể hiện những khám phá đó trong nghệ thuật kịch.
Khi viết bi kịch nhà thơ đã trộn lẫn bi với hài, cái cao cả với cái ti tiện, bi với hùng… như là hiện thực vậy .
Hành động kịch của Shakespeare theo qui tắc cổ đại Hi Lạp là duy nhất (Arietote đã đúc kết) nhưng không phải là đơn nhất .Ông đưa thêm những hành động phụ nhằm mở rộng khoét sâu mâu thuẫn khiến cho bi kịch càng phát triển kích thước qui mô và phức tạp gay gắt hơn.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức