Tiến trình văn học là gì? Các quy luật vận động nội tại

0

Cũng như nhiều sự vật, hiện tượng khác, sự tồn tại, vận động của văn học bao giờ  cũng như những hệ thống chính thể không ngừng phát triển tiến hóa trong các mối quan hệ tương tác đa dạng và phức tạp, nghĩa là tồn tại, vận động theo một dòng chảy, một tiến trình nhất định. Từ đó, hình thành nên tiến trình văn học của một quốc gia, một dân tộc, một vùng đất, một khu vực, cao hơn, là một tiến trình văn học thế giới, nhất là từ sau thế kỷ XVIII, khi phương thức sản xuất tư bản phát triển đến cực thịnh, biến chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa đế quốc, cùng với sự giao lưu về kinh tế và văn hóa, “một nền văn học thế giới được hình thành trên cơ sở vô số các nền văn học dân tộc và khu vực” (Marx). Bản thân văn học của mỗi quốc gia, mỗi khu vực và toàn thế giới, lại có tiến trình văn học của từng giai đoạn, từng thời kỳ, thời đại lịch sử, từng trào lưu, trường phái khác nhau, nhưng nó lại có sự thống nhất với nhau về bản chất và cấu trúc. Đó là tiến trình văn học nào cũng tồn tại thông qua hình thức chữ viết, ấn loát, truyền bá giao lưu.

Khái niệm Tiến trình văn học

Tiến trình văn học còn là sự vận động của văn học có tính đặc thù, theo quy luật nội tại của nó, bao gồm nhiều giai đoạn, diễn ra theo một trật tự nhất định không thể đảo ngược, có mở đầu, có diễn biến, có kết thúc. Chẳng hạn, văn học Việt Nam 1930 – 1945, là một tiến trình văn học đặc sắc trong quá trình hiện đại hóa văn học nước ta. Do hoàn cảnh lịch sử phức tạp, sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của báo chí, hình thức tồn tại văn học thời kỳ này có sự phân hóa rõ rệt. Người ta dựa vào điều kiện sáng tác và phương thức truyền bá để chia văn học thời kỳ này thành hai bộ phận: văn học công khai và bí mật. Dựa vào khuynh hướng tư tưởng – thẩm mỹ và nguyên tắc sáng tác, người ta chia văn học thời kỳ này thành ba dòng song song cùng tồn tại, trong đó có sự chênh lệch về ưu thế khác nhau: chiếm ưu thế tuyệt đối thời kỳ 1930 – 1936 là văn học lãng mạn, 1936 – 1945 là văn học hiện thực phê phán, 1940 – 1945 và cả thời kỳ 1945 trở về sau là văn học cách mạng… Văn học không phải là hiện tượng nhất thành bất biến, mà là một phạm trù lịch sử, nó là một tiến trình vận động tự nhiên, nhưng không phải là trật tự biên niên, cũng không phải là sự đắp đổi, dễ dàng thay thế giản đơn các sự kiện văn học. Tiến trình văn học bao giờ cũng gắn liền với lịch sử xã hội.

Tiến trình văn học không phải là lịch sử văn học. Tiến trình văn học và lịch sử văn học có sự thống nhất nhưng không đồng nhất. Lịch sử văn học là một bộ môn rộng lớn trong khoa học về văn học, nhằm khám phá những hiện tượng, những chỉnh thể, những tác giả, tác phẩm trong quá trình phát triển có tính liên tục của một giai đoạn, một thời kỳ văn học. Vì vậy, tiến trình văn học cũng là đối tượng nghiên cứu của lịch sử văn học. Nhưng lịch sử văn học còn là bản thân tiến trình vận động, phát triển của các hiện tượng văn học, tiến trình tích lũy liên tục các giá trị qua các thời kỳ. Khái niệm tiến trình văn học khác với lịch sử văn học ở chỗ nó nhằm chỉ sự vận động của văn học trong tổng thể của đời sống văn học, nó không chỉ bao gồm các tác giả, tác phẩm, người đọc, các hình thức tồn tại như truyền miệng, chép tay, in ấn, xuất bản, báo chí, các tổ chức văn học mà còn có sự ảnh hưởng qua lại với các loại hình nghệ thuật khác, các hình thái ý thức xã hội khác, nhất là với chính trị, triết học, đạo đức,… chỉ có cái nhìn tổng thể như thế mới thấy được quá trình tiến hóa, thay đổi về bản chất, chức năng, ý thức, tiếp nhận và cả hình thức văn học. Cũng trong cái nhìn tiến trình văn học, ta có thể thấy được sự xuất hiện các hiện tượng, các tác giả, các quan niệm văn học, ý thức về đặc trưng văn học, ngôn ngữ văn học, các kiểu sáng tác, các loại thể, các trào lưu, phong cách, phương pháp sáng tác và phê bình văn học, Tóm lại, tiến trình văn học là một bộ phận của lịch sử văn học, khái niệm tiến trình cho ta một cái nhìn tổng thể, cung cấp một cái nền để ta nhận ra được ý nghĩa, tầm vóc của các hiện tượng văn học và sự đóng góp của chúng cho sự phát triển của văn học.

Tiến trình văn học là khái niệm của mỹ học và lý luận văn học hiện đại. Xuất phát từ tư duy nguyên hợp và phép biện chứng tự phát không cho phép các lý luận mỹ học và văn học cổ đại, mà đại biểu xuất sắc là Platon và Aristote nhìn thấy văn học như một tiến trình vận động và phát triển không ngừng nghỉ. Do hạn chế lịch sử, các nhà lý luận thời phục hưng chỉ làm phép so sánh đối chiếu với cổ đại, trong ý thức của họ chỉ nhằm khôi phục cổ đại, mô phỏng cổ đại, xem cổ đại là mẫu mực, chứ chưa ý thức về thời đại mới trong lịch sử phát triển của nghệ thuật nhân loại. Mỹ học của chủ nghĩa cổ điển, mà đại biểu xuất sắc là Boileau lại chỉ áp đặt cho nghệ thuật những chuẩn mực có tính chất quy phạm, là sản phẩm của lý trí chứ không phải của tình cảm cảm xúc. Rốt cuộc, họ cũng giống như thời phục hưng, lấy cổ đại làm chuẩn mực một cách phi lịch sử, chưa nhận ra sự vận động của lịch sử và cũng như cổ đại và phục hưng, họ chưa nhận ra văn học là một tiến trình.

Phải đến thời đại khai sáng, với cuộc cách mạng tư sản đã thổi bùng lên ngọn lửa nóng rực của những đổi thay về đời sống vật chất và tinh thần, tạo những mầm mống đầu tiên của quan điểm lịch sử về tiến trình văn học. Công lao phải được ghi nhận qua các công trình nghiên cứu của Forste, Lessing, Diderot, Schiller, Herder… Cả Forste và Lessing đều nhìn thấy hoàn cảnh lịch sử tác động quan trọng đến sự hình thành và phát triển của văn học nghệ thuật. Nhưng phải đợi đến chủ nghĩa cổ điển Đức (xuất hiện song hành cùng với tư tưởng khai sáng của những trào lưu tư sản phương Tây) với hệ thống tư tưởng của Hégels mới xuất hiện một quan niệm hoàn chỉnh về tiến trình văn học. Lịch sử là một tiến trình, trong đó biểu hiện ở những thời đại khác nhau, nhân loại sinh sống khác nhau, nghệ thuật cũng là một tiến trình, vì mỗi thời đại có một nền nghệ thuật tương ứng. Quan điểm lịch sử của Hégels không chỉ là biểu hiện trực tiếp của ý thức về thời đại, mà còn bao trùm toàn bộ sự vận động của thế giới. Với ông, lịch sử phát triển của nghệ thuật là một bộ phận hợp thành của tiến trình lịch sử chung, mang tính toàn nhân loại.

Với sự ra đời và phát triển của triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, khái niệm về tiến trình văn học ngày càng được mở rộng, bổ sung và có những biến đổi về chất:

Tiến trình văn học là sự vận động, phát triển nội tại của các nguyên tắc tư tưởng-nghệ thuật trong hoạt động tư duy sáng tạo, vừa là một bộ phận của tiến trình lịch sử, vừa là một hiện tượng có tính đặc thù, nó luôn ở trạng thái động chứ không nhất thành bất biến.

Các quy luật vận động nội tại của tiến trình văn học

Thứ nhất, là một bộ phận của lịch sử xã hội, cũng như bản thân văn học, tiến trình văn học không tồn tại độc lập mà có mối quan hệ phổ biến với các hình thái ý thức xã hội khác, các loại hình nghệ thuật khác và chịu sự chi phối của cơ sở kinh tế. Đồng thời, nó có mục đích tự thân của nó, nên nó có tính độc lập tương đối thể hiện sự đặc thù của hình thái nghệ thuật. Do vậy, từ trong vận động nội tại của tiến trình văn học, đã phải tuân thủ quy luật giao lưu ảnh hưởng giữa các hiện tượng văn học.

Sự tác động của văn học diễn ra trên nhiều cấp độ, với nhiều quy mô khác nhau. Một thời đại văn học nhất định có thể tác động, ảnh hưởng đến sáng tác của nhiều nhà văn thuộc nhiều thời đại khác nhau. Văn học cổ đại Hy Lạp đã từng là đỉnh cao chói sáng, ảnh hưởng sâu sắc đến văn học phục hưng, để rồi hàng trăm năm sau vẫn là mẫu mực của chủ nghĩa cổ điển ở châu Âu. Trào lưu lãng mạn và hiện thực Pháp thế kỷ XIX cũng đã từng tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào Thơ mới, Tự lực văn đoàn và chủ nghĩa hiện thực phê phán nước ta những năm ba mươi của thế kỷ trước. Đó là chưa nói đến những tác động hẳn nhiên của những thiên tài, đã tỏa bóng tâm hồn và tư duy sáng tạo đến nhiều thế hệ sau như Goeth trong văn học Đức, Puskin trong văn học Nga, Nguyễn Du trong văn học Việt Nam. Có những tác động chỉ diễn ra có tính chất cá nhân giữa các tác giả, cũng có những tác động diễn ra giới hạn trong phạm vi nội bộ văn học của một dân tộc, nhưng cũng có những tác động trong phạm vi một vùng, một khu vực, hoặc mở rộng ra trên quy mô toàn thế giới. Nhân tố cốt lõi để tạo ra những tác động, ảnh hưởng, quy định tính chất và quy mô chính là sự giao lưu văn hóa và sự tương đồng về lịch sử – xã hội.

Tác động văn học có thể diễn ra trong một quá trình trực tiếp hay gián tiếp thông qua nhiều hình thái ảnh hưởng lẫn nhau. Do điều kiện lịch sử, dù muốn hay không cũng phải thừa nhận rằng, sự phát triển của văn học Việt Nam chịu sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp từ văn học Trung Hoa, rồi văn học Pháp. Đọc những tác phẩm của Trần Đăng Khoa có ít nhiều những dấu vết của giọng điệu Xuân Diệu, đọc văn chương của Trần Thùy Mai có chút buồn thương man mác của Võ Hồng. Tác động văn học cũng có thể diễn ra một cách gián tiếp qua nhiều khâu trung gian. Nền văn học Ấn Độ ảnh hưởng đến văn hóa Campuchia qua con đường của văn hóa Trung Hoa, bởi vì văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Độ đã có sự tác động hòa trộn, ảnh hưởng lẫn nhau. Hình thái tác động thông thường là bắt chước, mô phỏng có sáng tạo, nó góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, tạo ra sự biến đổi các quan điểm thẩm mỹ và tư duy nghệ thuật. Ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng Pháp đã tạo ra một trào lưu Thơ mới đem lại thành tựu xuất sắc cho thơ ca Việt Nam. Cái làm nên sự vĩ đại của Nguyễn Du là Truyện Kiều đã chịu ảnh hưởng về ý đồ tự sự từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đã tạo ra một quan niệm nghệ thuật về con người hoàn toàn mới mẻ và không thể thay thế. Hàng loạt tiểu thuyết phóng tác của Hồ Biểu Chánh như Cay đắng mùi đời (phỏng theo Không gia đình của H. Malot), Ngọn cỏ gió đùa (phỏng theo Những người khốn khổ của V.Hugo), Chúa Tàu Kim quy (phỏng theo Monté Cristo của A. Dumas bố); hoặc vở kịch nói đầu tiên Chén thuốc độc của Vũ Đình Long với kịch của các nhà cổ điển Pháp… Tác động văn học nhằm sáng tạo ra chỉnh thể mới, mang tư tưởng – nghệ thuật mới, nó chính là động lực của sự phát triển, tiến hóa của quá trình văn học.

Ảnh hưởng và giao lưu là quy luật tất yếu của văn học, không đồng nghĩa với việc sao chép ý tưởng, chi tiết, tình tiết và tính cách nhân vật như trong trường hợp sự lặp lại gần như nguyên xi của truyện ngắn Dòng sông tật nguyền của Phạm Thanh Khương đối với Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đã quá nổi tiếng nhiều năm trước đó. Đó là sự sao chép không phải là giao lưu, ảnh hưởng tạo nên sự sáng tạo.

Thứ hai, quy luật vận động của văn học luôn có sự kế thừa và cách tân, đồng thời còn có sự lặp lại của những hiện tượng văn học không cùng nguồn cội phát sinh. Kế thừa và sáng tạo là kiểu tác động thể hiện sự tiến hóa của tiến trình văn học. Tư duy sáng tạo của tác giả bao giờ cũng là sản phẩm của quá trình tích lũy, kế thừa từ thuở ấu thơ trong đời sống gia đình, từ trường lớp, xã hội tạo nên vô thức, tiềm thức và sống dậy ý thức khi bước vào hoạt động sáng tạo. Trong hoạt động sáng tạo, kế thừa là quy luật tất yếu. Sáng tác văn học là một hoạt động có ý thức, nhằm thể hiện thái độ nhân sinh. Người viết phải đối thoại, nối lời, tiếp lời, thậm chí tranh biện với ý kiến của người cùng thời và tiền nhân. Vì thế, kế thừa không chỉ là lặp lại hoàn toàn những gì đã có, mà trong đó đã bao hàm sự sáng tạo. Kế thừa không chỉ có ý nghĩa hình thức mà còn ở nội dung. Dễ dàng nhìn thấy sự kế thừa về hình thức, như kế thừa câu thơ lục bát truyền thống trong Truyện Kiều, trong thơ Nguyễn Bính, hoặc thơ Phạm Công Trứ:

Em ơi em nuốt lời thề

Anh lầm anh tưởng gái quê thật thà (Lời thề cỏ may)

nhưng rất khó nhìn thấy kế thừa về nội dung như truyền thống yêu nước như một mạch nguồn liên tục chảy mãi trong nền văn học dân dộc ta, hoặc đạo lý về uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo… Trở lại bài Lời thề cỏ may của Phạm Công Trứ, nếu đem so sánh với Chân quê của Nguyễn Bính, ta thấy tuy bên ngoài là sự kế thừa về hình thức nhưng bên trong có sự cách tân về nội dung: Cũng sử dụng thể thơ lục bát, cùng nói đến sự đổi thay  của cô gái, nhưng ở Chân quê chàng trai chủ động, lắm lời, chàng trai cố giữ cái cũ, cái tốt đẹp; còn ở Lời thề cỏ may, cô gái chủ động, lắm lời, chàng trai chỉ buồn trong im lặng, cô gái đại diện cho cái mới, cho thời đại mới đang thắng dần cái cũ, để cho chàng một mình đối diện với trăng đêm:

Trăng vàng đêm ấy bờ đề

Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may.

Ngoài ra, còn phải kể đến sự phủ định trong kế thừa, tạo ra sự giễu nhại, đối chọi một cách tương phản, cũng là sự sáng tạo làm cho tiến trình văn học vận động. Ngược lại, do sự tác động và ảnh hưởng qua lại, khi có cùng điều kiện lịch sử, cũng không ít hiện tượng tương đồng, trùng lặp, cho dù không có tác động qua lại, không có quan hệ ảnh hưởng, như có sự tương đồng giữa Giông tố của Vũ Trọng Phụng và Lôi Vũ của Tào Ngu, Chí Phèo của Nam Cao và AQ chính truyện của Lỗ Tấn, Lang Rận của Nam Cao và Cho đỡ buồn của M. Gorki. Đã có quá nhiều người đi tìm để chứng minh nhà văn họ Vũ đã đọc Tào Ngu, hoặc trước khi viết Chí Phèo, Nam Cao đã đọc Lỗ Tấn, nhưng đều thất bại. Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng Lang Rận Cho đỡ buồn có nhiều điểm trùng nhau “từ tư tưởng, nhân vật, đến một số tình tiết, chi tiết quan trọng” (Nguyễn Đăng Mạnh, Những bài giảng về văn học) mà chắc chắn một điều là khi viết Lang Rận, Nam Cao chưa hề đọc Cho đỡ buồn của M.Gorki.

Những hiện tượng diễn ra trùng lặp nói trên, có thể khẳng định được rằng không chỉ có quy luật kế thừa và cách tân mà còn có sự lặp lại của những hiện tượng văn học không cùng nguồn cội phát sinh. Không có quan hệ ảnh hưởng, tác động qua lại, do nhiều nguyên nhân khác nhau: có sự tương đồng về hoàn cảnh lịch sử xã hội, do quy luật phát triển theo đường tròn xoắn ốc của quá trình nhận thức hoặc là sự vận động song hành của nhiều chu trình nghệ thuật trong quá trình văn học của nhân loại.

Thứ ba, tiến bộ nghệ thuật và tính vĩnh hằng của các giá trị thẩm mỹ thể hiện quy luật không lặp lại của nghệ thuật. Có hai ý kiến trái ngược nhau. Có người cho rằng không có tiến bộ nghệ thuật, bởi vì thời đại nào cũng có vĩ nhân của thời đại đó, không ai thời nay có thể sánh được với Homeros, Goeth, Puskin hay Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Quan niệm này là sai lầm bởi vì người ta đồng nhất một cách lẫn lộn giữa tiến bộ nghệ thuật với tầm cỡ tài năng của các vĩ nhân. Ngược lại, nhiều người vin vào triết học duy tâm khách quan của Platon, nhằm hạ thấp giá trị nhận thức của nghệ thuật, chỉ ra những hạn chế của nghệ thuật so với triết học và tôn giáo, tiên đoán về ngày tận thế của nghệ thuật, cũng là sự phủ nhận sự tiến bộ của nó. Tiến trình văn học không phải bao giờ cũng phát triển thuận chiều mà có khi lên khi xuống, theo một “vòng tròn xoắn ốc, những đỉnh điểm không bao giờ gặp nhau” (Lenine). Vượt qua những mâu thuẫn, những bước hụt hẫng, thoái trào, tư duy nghệ thuật của nhân loại ngày càng hoàn thiện, nâng cao. Mỹ học mác-xít, với cái nhìn biện chứng, đã nhìn thấy quy luật chung của nghệ thuật là những tiến trình sau bao giờ cũng có những nét ưu việt tiến bộ hơn so với tiến trình văn học trước đó. Như vậy, văn học nhân loại luôn vận động theo chiều hướng phát triển. Ý nghĩa của tiến bộ văn học không giống với tiến bộ của khoa học hoặc triết học. Trong khoa học, cái mới bao giờ cũng thay thế cái cũ, cái cũ hòa tan hoàn toàn trong cái mới. Còn trong văn học, cái cũ hoặc là tồn tại trong cái mới, hoặc là được cái mới kế thừa và cách tân. Tiến bộ nghệ thuật cần được hiểu như là sự nâng cao, sự hoàn thiện loại hình và trình độ tư duy hình tượng, mở ra cho nghệ thuật những khả năng to lớn trong nhận thức, khám phá, chiếm lĩnh thế giới hiện thực, đồng thời thỏa mãn ngày càng cao khát vọng thẩm mỹ của con người. Chẳng hạn, phương thức xây dựng “tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” của chủ nghĩa hiện thực đã tạo ra đột phá nâng cao trình đột tư duy hình tượng, giúp văn học nắm bắt được sự phong phú đa dạng của thế giới và những bí ẩn của đời sống con người. Cũng từ đó, các trào lưu hiện thực hiện đại, đã kế thừa, cách tân và ngay cả phủ định, để đề ra những nguyên tắc mới phù hợp với trình độ tư duy và tiến bộ nghệ thuật của nhân loại.

Như đã nói, tiến bộ của văn học nghệ thuật là có thật, nhưng không giống với tiến bộ của khoa học, là tiến trình văn học sau không thể thay thế cho tiến trình văn học trước, thể hiện quy luật không lặp lại. Văn học hiện đại không thể thay thế văn học cổ điển, cũng không thể thay thế văn học dân gian mà cùng tồn tại bên nhau, mỗi tiến trình, mỗi tác giả, tác phẩm đều có một vị trí nhất định đối với công chúng và thời đại lịch sử. Như vậy, giá trị văn học có tính vĩnh hằng. Bởi vì, mỗi tác giả, tác phẩm là kết tinh của mỗi thời đại, soi vào “tấm gương” văn học, ta sẽ thấy được diện mạo, bóng dáng của một thời đã qua. Biểu hiện lịch sử, xã hội của mỗi thời đại, mỗi dân tộc có những đặc điểm nhất định, không bao giờ lặp lại, tạo nên những vẻ đẹp riêng. Tình cảm và tư duy con người chịu sự chi phối của điều kiện xã hội. Marx cho rằng: “Sức hấp dẫn của nghệt thuật Hy Lạp đối với chúng ta không mâu thuẫn với tính chất cổ xưa của cái xã hội đã sản sinh ra nghệ thuật đó. Ngược lại, sức hấp dẫn đó chính là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội đó và nó gắn liền với sự kiện là những điều kiện xã hội chưa chín muồi đã sản sinh ra nghệ thuật đó và chỉ có trong những điều kiện đó mới sản sinh ra được – những điều kiện xã hội đó vĩnh viễn không bao giờ trở lại nữa” (Marx – Engels – Lenine, Về văn học nghệ thuật, Nxb Sự thật). Thừa nhận sự tiến bộ là thừa nhận quy luật không lặp lại của nghệ thuật, thừa nhận tính vĩnh hằng của những giá trị nghệ thuật, đó là quá trình phát triển của trình độ tư duy hình tượng, làm cho quá trình văn học nhân loại ngày càng trở nên giàu có, đa dạng.

Quan niệm về phân kỳ lịch sử của tiến trình văn học

Văn học là tấm gương phản chiếu thời đại, mỗi bước ngoặt của lịch sử xã hội trực tiếp hay gián tiếp, sớm hay muộn đều tác động đến đời sống văn học. Văn học nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của con người, cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh xã hội. Mỗi thời đại, có một diện mạo văn học riêng, từ khi bắt đầu có những tiến bộ, cách tân, đi đến định hình, phá vỡ những quy tắc quy phạm trước, hình thành những phương thức biểu hiện mới mẽ. Khi những điều mới mẽ này biến thành những chuẩn mực, quy phạm cản trở tiến bộ nghệ thuật, đòi hỏi phải có những cách tân đổi thay. Tiến trình văn học là quá trình phá vỡ những điển mẫu lỗi thời để sáng tạo ra những điển mẫu mới. Vì vậy tiến trình văn học không phải là lịch sử văn học, nhưng nó cũng phải tìm đến với những phân kỳ lịch sử với tư cách là quy luật vận động nội tại của bản thân văn học.

Thứ nhất, tiến trình văn học là một phương diện của tiến trình lịch sử xã hội, cho nên lâu nay các nhà nghiên cứ lịch sử dựa vào phương pháp lịch đại để phân kỳ lịch sử văn học theo các cột mốc lịch sử xã hội. Chẳng hạn, ở nước ta, những người làm lịch sử văn học viết, dựa vào sự tồn tại của các triều đại phong kiến để phân kỳ tiến trình lịch sử văn học. Chữ Hán du nhập vào nước ta từ thời Triệu Đà (207 – 137) trước Công nguyên, đến thế kỷ thứ V sau Công nguyên, nó đã trở thành công cụ đắc lực cho các nhà sư chép kinh. Căn cứ vào những gì còn tồn tại đến ngày nay, người ta phân kỳ văn học trung đại nước ta theo thời đại văn học, như văn học Lý – Trần (bởi vì tác phẩm lâu nhất được tìm thấy là Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn), văn học thời Lê – Nguyễn (bắt đầu từ Nguyễn Trãi). Đến khi Pháp mở đầu cuộc xâm lược vào Việt Nam bằng cuộc tấn công vào Đà Nẵng 1858 đến khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập năm 1930 là văn học cận đại, từ 1930 trở về sau là văn học hiện đại.

Tiến trình văn học là một bộ phận của tiến trình xã hội, dựa vào các mốc lịch sử xã hội để phân chia tiến trình văn học là chính xác, nhưng không toàn diện. Bởi vì văn học là một hiện tượng đặc thù, nó còn tồn tại theo quy luật nội tại của nó, nó có quy luật vận hành riêng. Những bước ngoặt của tiến trình văn học không phải bao giờ cũng trùng khít với bước ngoặt lịch sử xã hội. Động lực thúc đẩy quá trình văn học là quy luật tác động, ảnh hưởng, trong đó thường xuyên diễn ra cuộc đấu tranh lâu dài giữa hai khuynh hướng bảo thủ và cách tân, giữa những quan niệm nghệ thuật, những nguyên tắc nhận thức con người và thế giới, những nguyên tắc tư tưởng, và hình thức nghệ thuật đã lỗi thời, cổ hủ, lạc hậu với tư tưởng và hình thức nghệ thuật mới mẻ, tiến bộ. Thái Bá Vân có lý khi cho rằng: “Lịch sử nói chung phán xét những gì đã qua, nhưng lịch sử nghệ thuật thì phán xét những gì còn lại.” Văn học có lịch sử riêng, thống nhất nhưng không đồng nhất với lịch sử chính trị xã hội một cách giản đơn. Cần phải dựa vào các phạm trù nghệ thuật để định hướng tiến trình văn học.

Thứ hai, vào nửa đầu thế kỷ XX, những nhà nghiên cứu văn học ở Liên Xô (cũ) và sau đó là ở nước ta, dựa vào phương pháp nghệ thuật (hay còn gọi là phương pháp sáng tác) để định hướng tiến trình văn học. Đây là xuất phát cho quan điểm coi văn học là một hình thái ý thức nhằm phản ánh hình thái kinh tế – đời sống hiện thực. Phương pháp sáng tác là hệ thống những nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật thúc đẩy, chi phối quá trình sáng tạo của tác giả, từ việc chọn lựa đề tài đến việc khái quát, đánh giá đời sống thông qua thế giới hình tượng. Nói đến phương pháp là nói đến thế giới quan, nảy sinh trong một điều kiện lịch sử nhất định, lặp đi lặp lại trong sáng tác, tạo thành những đặc điểm chung của một giai đoạn, một thời kỳ văn học. Dựa vào những nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật mà các nhà nghiên cứu ở Liên Xô (cũ) phân kỳ, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX liên tục những tiến trình chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa tình cảm, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ứng dụng lý thuyết ấy vào Việt Nam, chúng ta có sự tồn tại song hành của văn học lãng mạn, văn học hiện thực, văn học cách mạng vào những năm 1930 – 1945, để cuối cùng nền văn học cách mạng chiếm ưu thế với sự hình thành chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Vì thế, có người đã phân chia giọng điệu văn học nước ta từ 1930-1945 là ngôn từ âm tính, 1945 – 1975 là ngôn từ dương tính, từ 1975 đến nay âm dương kết hợp và có cả tục tính, như chính ngôn ngữ  trần tục của đời sống!

Nếu chỉ dựa vào các nguyên tắc tư tưởng làm nên phương pháp nghệ thuật mà không xem xét các mốc lịch sử xã hội, dễ đưa đến tình trạng bỏ sót những tác động của đời sống chính trị xã hội vào trong tác phẩm, coi văn học đứng bên ngoài lịch sử, thậm chí đối lập với tiến trình lịch sử.

Thứ ba, cũng xuất phát từ những nhà nghiên cứu Xô viết mà mở đầu là Iu. Boriev, dựa vào khuynh hướng sáng tác, coi như là phương pháp sáng tác đã được khách quan hóa thành phương thức tư duy hình tượng tạo thành những trào lưu văn học. Khuynh hướng tạo ra một phong trào sáng tác được đông đảo tác giả tuân theo, với một tuyên ngôn nghệ thuật, một cương lĩnh sáng tạo hình thành các trào lưu văn học, cao hơn, các trường phái văn học. Ngược lại, theo M. Bakhtin, cao hơn những trào lưu, thường phải là thể loại văn học và chính thể loại văn học mới là yếu tố chính của tiến trình văn học. Ông cho rằng, mỗi thể loại, nhất là thể loại lớn, thể hiện một thái độ thẩm mỹ đối với hiện thực của con người: “Đằng sau cái vẻ bên ngoài sặc sỡ và đầy tạp âm ồn ào của tiến trình văn học, người ta không nhìn thấy vận mệnh to lớn và cơ bản của văn học và ngôn ngữ, mà những nhân vật chính nơi đây trước hết là thể loại, còn trào lưu, trường phái chỉ là những nhân vật hạng nhì và hạng ba” (M. Bakhtin – Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường Viết văn Nguyễn Du xb, H. 1992, tr.28). Mỗi thời đại lịch sử có một thể loại riêng, trong đó những thể loại trung tâm thể hiện tâm thức, tầm nhìn những quan niệm và chuẩn mực giá trị của con người thời đại. Vì vậy, theo ông, lịch sử văn học trước hết là lịch sử hình thành, phát triển, tương tác giữa các thể loại.

Thứ tư, có người dựa vào phong cách để phân kỳ tiến trình văn học. Bởi vì, sự vận động của phong cách theo nghĩa rộng là sự tiến hóa của văn học, nó chính là những tổ hợp các đặc điểm hình thức nghệ thuật mang tính ổn định, bền vững. Likhachov là người đề ra quan niệm này, trong Sự phát triển của văn học Nga từ thế kỷ X đến thế kỷ XVII, ông chia thành hai phong cách: phong cách tiên phát, sơ khởi (mô phỏng, giản dị giống như thật) và phong cách thứ sinh (bài trí, hình thức, ước lệ) và chia tiến trình văn học từ phục hưng, chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa hiện thực vào loại sơ khới tiên phát, còn chủ nghĩa lãng mạn vào loại thứ sinh (Dẫn theo La Khắc Hòa, Lý luận văn học, tập 3, Nxb Đại học Sư phạm).

Một trào lưu mới, trong mấy năm gần đây, các nhà nghiên cứu văn học Nga, mà đứng đầu là X. X. Averinsev, căn cứ vào sự luân chuyển của các loại hình ý thức nghệ thuật, vào đặc trưng nghệ thuật ngôn từ và thực tiễn văn học để phân chia thành ba thời kỳ văn học. Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ thống ngự của thế giới quan thần thoại và ý thức nghệ thuật mang tính cơ sở. Đó là thời kỳ sáng tác truyền miệng, tồn tại cùng trạng thái nguyên hợp, do đó không có lý thuyết văn chương, không có tuyên ngôn, cương lĩnh sáng tạo. Các phạm trù thi pháp nói lên sự hiện hữu của văn học chỉ đơn giản là tác giả, thể loại, phong cách. Thời kỳ thứ hai là thời kỳ cổ đại Hy Lạp đến giữa thế kỷ XVIII, bao gồm nhiều giai đoạn nhỏ, chịu sự thống ngự của ý thức nghệ thuật nệ cổ, chủ nghĩa truyền thống, thể hiện thi pháp phong cách, thi pháp thể loại. Thời kỳ thứ ba, bắt đầu từ thế kỷ ánh sáng với sự ra đời chủ nghĩa lãng mạn, thể hiện ý thức sáng tạo mang tính cá nhân và thi pháp tác giả trở thành ưu việt, thể hiện ý thức thời đại…

Nhìn chung, các quan niệm trên ở nhiều mức độ khác nhau, đều ít nhiều có căn cứ  xác đáng, nhưng nhìn một cách tương đối toàn diện, nhất quán, thực chất và cụ thể trên toàn bộ tiến trình văn học, đều có ít nhiều nhược điểm. Cần phải có sự kết hợp của nhiều hệ thống để có một quan điểm tối ưu, kết hợp giữa khái niệm trào lưu và phương pháp, thời đại và phong cách, mới có thể nhìn nhận tiến trình văn học như một dòng chảy, như chính quá trình văn học đã diễn ra.

(Theo: Phạm Phú Phong, Giáo trình Tiến trình Văn học)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.