Trào lưu văn học là gì?
Trào lưu văn học là một hiện tượng lịch sử gắn liền với sự vận động mạnh mẽ của tiến trình văn học, nhằm khắc phục những mâu thuẫn nội tại, để đưa văn học phát triển sang một giai đoạn khác, hoặc theo một hướng nhất định nào đó.
Trào lưu văn học chỉ thực sự ra đời khi chấm dứt tình trạng văn – sử – triết bất phân. Trong văn học phương Tây, chỉ đến thời đại văn học cận đại mới xuất hiện trào lưu văn học. Bởi vì, nó là con đẻ của một giai đoạn với những điều kiện xã hội, và một hệ tư tưởng nhất định. Chẳng hạn, chủ nghĩa cổ điển chỉ có thể ra đời ở thế kỷ XVII, trong điều kiện xã hội “giai cấp tư sản chưa đủ mạnh để lật đổ chế độ phong kiến, nhưng phong kiến cũng không còn đủ sức để giữ vững cái ngôi vị tưởng như vĩnh cửu của mình” (Lenin, trong Phê phán sự phê phán có tính chất phê phán). Hai giai cấp tồn tại trong thế quân bình, cùng dựa vào nhau để cùng tồn tại. Tình hình đó làm nảy sinh một nền triết học có tính chất chiết trung, nghĩa là đi giữa đôi bờ tư tưởng của cả hai giai cấp, đó là chủ nghĩa duy lý, mà đại biểu xuất sắc về mặt triết học là René Descartes, người đề ra một phương pháp nhận thức có tính biện chứng là phương pháp nghi ngờ. Trong công trình triết học Discourrs de la méthode (tạm dịch là Luận về phương pháp) xuất bản năm 1637, Descartes nhằm phản ứng lại phương pháp tư duy và nhận thức của triết học kinh viện đã tồn tại từ thời trung cổ, đề xuất một phương pháp nhận thức bằng lý trí con người. Tư tưởng cốt lõi của ông thể hiện trong công trình xuất bản bốn năm sau đó là Meditaions méttaphysiques (tạm dịch Suy ngẫm siêu hình), ông đẩy sự nghi ngờ lên đến mức phi lý: ông nghi ngờ không biết mình đang thức hay đang ngủ, không loại trừ khả năng người ta có thể nói năng, đi lại trong khi ngủ. Ông nghi ngờ cả sự tồn tại của tấm thân vật chất của chính mình, là không biết mình đang sống hay đang chết. Từ đó, ông suy luận rằng, muốn nghi ngờ phải có chủ thể nghi ngờ tồn tại, mới có thể diễn ra quá trình nghi ngờ, từ đó ông đưa ra một kết luận “tam đoạn luận” như sau: “Tôi nghi ngờ tức là tôi tư duy, tôi tư duy tức là tôi tồn tại”, để cuối cùng lại đi đến vế cuối một cách siêu hình: “Tôi tồn tại tức là Chúa tồn tại” (Nguyễn Văn Dân, Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học xã hội). Bời vì, Chúa sáng tạo ra con người, con người còn tồn tại, ắt hẳn là Chúa sẽ tồn tại. Tước bỏ đi tất cả những yếu tố siêu hình, cái còn đọng lại có ý nghĩa biện chứng nhất định của nó. Chính Engels chứ không phải ai khác, đã từng định nghĩa rằng: “Sống có nghĩa là chết.” Sống là quá trình đi đến cái chết, chứ không ai tồn tại vĩnh viễn mãi được.
Bạn đang xem: Trào lưu văn học là gì?
Xem thêm : Auguste Comte và Xã hội học
Các nhân tố cấu thành trào lưu văn học là một phong trào sáng tác gồm tác giả, tác phẩm, các tổ chức văn học. Nói đến trào lưu văn học cổ điển chủ nghĩa không thể không nói đến các tác giả như Racine, Corneille, Molierè với hàng loạt các tác phẩm như Lecid, Lão hà tiện, Kẻ đạo đức giả, Trưởng giả học làm sang,… Trong trào lưu văn học, không chỉ tính đến số lượng và chất lượng tác phẩm, lực lượng sáng tác, mà còn phải để ý đến lực lượng những nhà phê bình văn học. Chủ nghĩa cổ điển Pháp, bên cạnh Racine, Corneille, Molierè không thể không kể đến Boileau với “luật tam duy nhất” đã định vị cho giá trị của văn học cổ điển. Nói đến trào lưu văn học nước ta những năm 1930 – 1945, không thể không tính đến Thiếu Sơn với Phê bình và cảo luận (1933), Trương Chính với Dưới mắt tôi (1939), Hoài Thanh – Hoài Chân với Thi nhân Việt Nam (1942), bên cạnh những Hải Triều, Nguyễn Bách Khoa, Lê Tràng Kiều, Lê Thanh, Vũ Ngọc Phan…
Trong trào lưu văn học thường có một tổ chức trung tâm, nêu lên một cương lĩnh lý luận, trong đó đề ra những yêu cầu cho sáng tác hoặc tổng kết những kinh nghiệm sáng tác. Mỗi tổ chức văn học đều có một địa điểm gặp gỡ, xoay quanh một nhà xuất bản, một tờ báo, một khách thính. Văn đoàn Tự lực với tờ Phong hóa, Ngày nay, nhà xuất bản Đời nay ở nước ta là một ví dụ. Khi đã có một tổ chức chặt chẽ, nó là nòng cốt để phát huy sức mạnh chủ đạo, thì trào lưu văn học trở thành một trường phái văn học, nghĩa là một “trường học” về nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật để noi theo sáng tác của một tác giả vĩ đại như trường phái Tolstoi, trường phái Puskin… Tổ chức văn học không phải bao giờ cũng xuất hiện trước khi có trào lưu. Nhưng hẳn là, khi có tổ chức xuất hiện với cương lĩnh, quan điểm, mục tiêu, đường lối của nó, thì trào lưu văn học phát triển mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, sau Cách mạng tháng Mười (1917), trào lưu hiện thực xã hội chủ nghĩa đã hình thành, nhưng đến năm 1934, Hội Nhà văn Liên Xô mới thành lập. Tương tự trào lưu văn học cách mạng nước ta bắt đầu từ thơ ca Xô viết Nghệ Tĩnh đến các tác phẩm như Ngục Kon Tum (1939) của Lê Văn Hiến, Từ ấy của Tố Hữu (1940) nhưng đến 1957 Hội Nhà văn Việt Nam mới được thành lập. Ngược lại đôi khi có tổ chức, có cương lĩnh, tuyên ngôn nhưng không dấy lên được một trào lưu sáng tác có ảnh hưởng sâu rộng, ghi lại dấu ấn trong tiến trình văn học, chỉ là một nhóm nhỏ như nhóm Xuân Thu Nhã tập, trường phái thơ Loạn; hoặc là nhóm Tao đàn thời Lê Thánh Tông, thời chưa có lý thuyết văn chương, chưa có trình độ lý luận sáng tác, họat động của họ không thoát ra khỏi những “khách thính” của văn chương cung đình. Chỉ khi nào gần như cùng lúc, nhiều người cùng có ý thức về tác dụng và vai trò của văn học trong đời sống xã hội và thực tiễn đã tạo được sự chuyển biến nhận thức và dấy lên một phong trào sáng tác rầm rộ, tạo được thành tựu sáng tác đáng ghi nhận, đó là lúc trào lưu văn học xuất hiện.
Đặc điểm của một trào lưu văn học xuất phát từ nhu cầu xã hội, tổng kết được kinh nghiệm sáng tác, thể hiện những nguyên tắc tư tưởng – xã hội của chính trào lưu đó. Trong Lời tựa của các tập thơ Điêu tàn, Đau thương, Tinh huyết của các tác giả Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê đã thể hiện quan niệm về thơ, cương lĩnh sáng tác được coi là tuyên ngôn của trường thơ Loạn: “Hàn Mặc Tử nói: làm thơ tức là điên. Tôi thêm: làm thơ là sự phi thường. Thi sĩ không phải là người. Nó là người Mơ, người Say, người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát khỏi Hiện tại. Nó xáo trộn Dĩ vãng. Nó ôm trùm Tương lai” (Dẫn theo Thơ mới 1932 – 1945, tác giả cả tác phẩm, Nxb Hội nhà văn, H. 1998, tr. 322). Trong Tựa kịch Cromoen của mình, V. Hugo thể hiện quan điểm sáng tác của chủ nghĩa lãng mạn, khi tập trung nhấn mạnh yêu cầu về tự do sáng tác, trở về với thiên nhiên và sự thật, vai trò của thể loại kịch trong sáng tạo nghệ thuật… Các yếu tố thể hiện đặc điểm của một trào lưu ngoài sự gần gũi về phong cách, thể loại, kỹ thuật, về nội dung có sự giống nhau về đề tài, chủ đề và khuynh hướng tư tưởng. Trước Cách mạng tháng Tám (1945), trào lưu văn học lãng mạn nước ta thường đi sâu khai thác các đề tài về tình yêu, tự do hôn nhân, đề cao cuộc sống cá nhân, tìm lối thoát cho cái tôi, đẩy cái tôi phát triển đến đỉnh cao của nó. Gặp phải một thực tiễn xã hội phong kiến – thực dân áp bức bóc lột dễ đưa đến sự khủng hoảng, trốn chạy vào đời sống trụy lạc, nhục thể. Trào lưu văn học hiện thực phê phán lại đi sâu vào cuộc sống của người nông dân, người trí thức và những thành phần dưới đáy của xã hội. Chủ đề là yếu tố thuộc về cá nhân, nhưng mỗi trào lưu đều có sự gần gũi nhau: văn học hiện thực phê phán lên án tố cáo sự chà đạp nhân phẩm con người, đẩy người nông dân đến sự bần cùng đến mức tha hóa như trường hợp Sống mòn, Chí Phèo; trong khi văn học lãng mạn lại đấu tranh cho tình yêu, cho sự giải phóng cá nhân thoát khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Về khuynh hướng tư tưởng, các trào lưu giống nhau cách nhìn nhận, đánh giá về hiện thực, giống nhau về mô hình thế giới quan… Tất nhiên, đằng sau những quan điểm này vẫn tiềm ẩn những quan điểm chính trị, triết học và mỹ học nhất định. Cùng khai thác về một đề tài người kỹ nữ, nhưng do quan niệm khác nhau của các trào lưu mà Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tiếng hát sông Hương của Tố Hữu và Lời kỹ nữ của Xuân Diệu khác nhau hoàn toàn về giá trị hình tượng, tư tưởng nghệ thuật và triết lý nhân sinh. Thậm chí, không phải hễ cứ là tác giả trong cùng một trào lưu đều có ý thức đầy đủ về mục tiêu sáng tạo và giống nhau về mọi yếu tố, giữa Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng khác với Ngày mới, Hai đứa trẻ của Thạch Lam và càng xa khoảng cách với Dòng nước ngược của Tú Mỡ.
Xem thêm : Hưởng trợ cấp lần đầu theo nghị định 76
Nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật của một trào lưu, không phải là những nguyên tắc tư tưởng và những nguyên tắc nghệ thuật thuần túy cộng lại, mà là một sự tích hợp, xuyên thấm giữa tư tưởng và nghệ thuật. Do vậy, không nên hoàn toàn “tin tưởng vội vàng” vào những tuyên ngôn của những nhà nghệ sĩ, mà quan trọng là phải xuất phát từ thành tựu của thực tiễn sáng tạo. Cũng từ những tích hợp của nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật của mỗi trào lưu mà cần phải phân biệt tư duy hiện thực với chủ nghĩa hiện thực và tư duy lãng mạn với chủ nghĩa lãng mạn. Nguyên tắc tư duy hiện thực và nguyên tắc tư duy lãng mạn có khắp mọi nơi, từ khi có nghệ thuật đã có những kiểu tư duy sáng tác này, phát triển đến đỉnh cao của nó, được đúc kết thành lý thuyết là chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực. Trào lưu văn học bao giờ cũng chịu sự quy định chi phối của một thế giới quan, một hệ tư tưởng nhất định, vì hạt nhân của nó là phương pháp sáng tác. Trong khi đó, kiểu sáng tác không liên quan trực tiếp đến những vấn đề về lý tưởng mà thiên về đề cập các mối quan hệ trong hiện thực khách quan bên trong tác phẩm với thế giới hiện thực mang tính nghệ thuật được tác giả tạo ra trong tác phẩm của mình. Sáng tác văn học nào cũng là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, nhưng nhìn lại lịch sử văn học xưa nay, có loại thiên về miêu tả khách quan là kiểu sáng tác hiện thực, có loại thiên về biểu hiện chủ quan, biểu hiện những ước mơ, lý tưởng là kiểu sáng tác lãng mạn. Đó là hai nguyên tắc xây dựng hình tượng khác nhau. Một bên là lấy đề tài từ đời sống thực và tái hiện hình tượng như nó vốn có. Một bên là lấy đề tài từ đời sống thực và tái tạo hiện thực như mình mong muốn. Không có kiểu sáng tác nào ưu việt hơn kiểu sáng tác nào. Vấn đề là ở chỗ nội dung cụ thể của lý tưởng thẩm mỹ, sự chi phối của nó trong quá trình nhận thức hiện thực, bởi nó không phụ thuộc vào yêu cầu về tư tưởng, thế giới quan, và tính lịch sử – cụ thể. Mỗi kiểu sáng tác chứa đựng nhiều phương pháp sáng tác, và tất nhiên, cũng nhiều trào lưu văn học.
Việc phân chia kiểu sáng tác hiện thực và kiểu sáng tác lãng mạn chỉ là thao tác khoa học. Trong thực tiễn văn học, hai kiểu sáng tác tái tạo và tái hiện không hoàn toàn tách rời nhau, mà gắn bó mật thiết với nhau. Trong khi tái hiện kiểu hiện thực đã bao hàm sự tái tạo, thể hiện khát vọng mong muốn của tác giả. Trong khi tái tạo hiện thực cũng không thoát khỏi sự tái hiện những khung cảnh cuộc sống với tất cả những mối quan hệ xã hội, thể hiện bản chất người của con người. Trong đúc kết kinh nghiệm một đời văn của mình qua tác phẩm Tôi học viết như thế nào?, M.Gorki đã khẳng định: “Ở các nghệ sĩ vĩ đại, chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn thường kết hợp với nhau”. Điều này ông nhằm nhấn mạnh sự kết hợp của tư duy nghệ thuật, bởi vì đó chính là sự ảnh hưởng, kế thừa chứ không phải kết hợp.
(Theo: Phạm Phú Phong, Giáo trình Tiến trình Văn học)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức