Ngô Thì Sĩ – Không hổ là bậc danh nho
Đất nước ta có những dòng họ mà trải qua nhiều đời, chỉ đeo đuổi một lãnh vực trong hoạt động nghệ thuật hoặc phát về con đường khoa bảng. Ở Nghệ An và Hà Tĩnh, ta có thể kể đến dòng họ Nguyễn ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân; họ Phan Huy ở huyện Thiên Lộc; họ Hồ ở huyện Quỳnh Lưu v.v… Hoặc nổi danh âm nhạc có thể kể đến họ Trần ở làng Vĩnh Kim (Mỹ Tho)… Tinh hoa của những dòng họ này, nghĩ cho cùng cũng là niềm tự hào chung cho mọi con dân trong một đất nước. Ở xã Tả Thanh Oai trấn Nam Sơn (Hà Tây) có dòng họ Ngô Thì cũng là một dòng họ nổi danh về văn học. Dù chưa tạo nên một trường phái, một khuynh hướng sáng tác trong tiến trình văn học Việt Nam, nhưng các cây bút lỗi lạc của dòng họ này thì thế hệ nào cũng có và để lại nhiều tác phẩm có giá trị lâu dài. Xin được bắt đầu từ Ngô Thì Sĩ.
Ngô Thì Sĩ có ông nội là Ngô Thì Trân, cha là Ngô Thì Ức và em là Ngô Thì Đạo đều có tài về văn học. Con của Ngô Thì Sĩ là Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Hương, Ngô Thì Trí… đều là những nhân vật lẫy lừng trong trường văn trận bút. Họ đã lập ra một Ngô gia văn phái (Môn phái văn học nhà họ Ngô). Mở đầu cho văn phái này là Ngô Thì Trân (1679-1760) và tác giả cuối cùng là Ngô Thì Giai (1818-1881), tổng cộng gồm 16 tác giả. (Tuy nhiên, theo Từ điển văn học thì văn phái này bắt đầu từ Ngô Thì Ức (1709-1936) – như vậy văn phái này thực sự chỉ có 15 tác giả). Nhắc đến Ngô gia văn phái, chúng ta lập tức nghĩ đến một dòng họ giàu truyền thống trước tác văn học, nhiều người đỗ đạt… Khi viết tựa cho bộ Ngô gia văn phái, danh sĩ Phan Huy Ích (con rể của Ngô Thì Sĩ) đã viết: “Nay nhờ phúc ấm của tổ tiên mà dòng văn đời đời tiếp nối, tinh hoa đầy rẫy trong văn từ, mà bản lĩnh vẫn quy vào đạo lý. Rõ ràng là phong cách của một đại gia, vẻ đẹp, mùi thơm của mọi người không phải riêng một nhà mình. Toàn tập có hơn hai mươi quyển, gần đây đã truyền bá khắp trong nước, ai cũng ca tụng”.
Bạn đang xem: Ngô Thì Sĩ – Không hổ là bậc danh nho
Ngô Thì Sĩ sinh ngày 15/10/1726 hiệu Ngọ Phong, tự Thế Lộc. Năm lên 10 tuổi thì cha qua đời, Ngô Thì Sĩ được ông nội nuôi ăn học. Do quan niệm nếu con trai chỉ đậu Hương cống thì cháu mình phải đỗ đạt cao hơn nữa, do đó, Ngô Thì Sĩ được ông nội dạy rất nghiêm khắc. Lớn lên, Ngô Thì Sĩ được nhập môn với các bậc danh nho như Nghiêm Bá Đĩnh, Nhữ Đình Toản. Năm 18 tuổi, ông thi đậu Giải nguyên khoa thi Hương, nhưng hỏng khoa thi Hội. Tương truyền rằng, ông có tư tưởng phóng khoáng được thể hiện qua bút pháp mới lạ, không phù hợp với lối văn trong thi cử nên thường bị đánh rớt. Trong tác phẩm Vũ Trung tùy bút, Phạm Đình Hổ có kể lại những điều bất công trong thi cử thời bấy giờ: “Đầu đời Cảnh Hưng, có ông Ngô Thì Sĩ nổi tiếng là bậc hay chữ, bị bọn quan đương thời ghen ghét, khi đến thi Hội, các khảo quan dò xét, hễ quyển nào giọng văn hơi giống nhau thì bảo: “Quyển này hẳn là khẩu khí Ngô Thì Sĩ”, thế là họ hết sức bới móc đánh hỏng đi. Chúa Trịnh Doanh biết có thói lệ ấy, nên khi thi cử xong rồi, truyền đem quyển hỏng của Ngô Thì Sĩ ra duyệt lại. Các khảo quan bấy giờ nhiều người bị truất phạt, nhưng vẫn không cấm được cái tệ ấy”. Dù vậy, Ngô Thì Sĩ vẫn không nhụt chí, ông vẫn quyết tâm đeo đuổi con đường khoa bảng. Mãi đến năm 1766 – lúc 40 tuổi – ông mới đậu Hoàng giáp. Phạm Đình Hổ có kể một chi tiết khá thú vị: “Khoa năm Bính Tuất (1766) Ngô công bị bệnh tả, vào thi trường đệ tứ, cố làm qua loa cho xong quyển. Khảo quan chấm quyển, bảo: “Quyển này kim văn thì luyện đạt lắm, đáng cho văn Hội nguyên, nhưng văn khí hơi yếu, không phải giọng văn Ngô Thì Sĩ”. Chấm đến quyển ông Nguyễn Bá Dương lại bảo nhau: “Quyển này văn khí mạnh mẽ khác thường, giống giọng văn Ngô Thì Sĩ, nhưng kim văn lại kém, Thì Sĩ tất không làm như thế”. Vì họ hồ đồ, không biết định quyển nào là văn Ngô Thì Sĩ mà đánh hỏng, nên Thì Sĩ mới chiếm Hội nguyên!”. Nghe ra khá nực cười cho các quan chấm thi thời ấy. Có lẽ, cũng nên đọc lại bài thơ Sáng sớm tới trường thi của Ngô Thì Sĩ để thấy được nỗi nhục nhằn của học trò thế kỷ XVIII lúc lai kinh ứng thí: “Cất bước từ khi chửa sáng trời/ Mũi thở như lùa gió, mồ hôi vã ra như mưa, cũng không dám dừng chân nghỉ/ Đầu phơi dưới nắng gay gắt như đổ lửa, đến chấy cũng phải chết/ Chân dính bùn chừng như cỏ có thể mọc trên đó/ Mặc cho đàn muỗi bu lại trên môi/ Mặc cho hàng vạn con kiến bò trong bụng/Bạn cũ không nhìn ra bộ dạng mới của mình/ Đứng bên cạnh hỏi tên họ là gì!”.
Suốt 13 năm ròng đi thi nhưng đều bị đánh hỏng, bởi vậy gia đình ông rất nghèo, nhờ đó khiến ông có được Bài văn trách ma nghèo tuyệt hay! Ngô Thì Sĩ 40 xuân mới nên danh phận, thế cũng đã may. Trong khi đó, cha ông nản chí trong khoa cử, lui về sống ẩn dật. Còn ông nội mãi đến năm 73 tuổi mới đậu khoa Hành từ, được bổ chức đứng đầu chính sự ở một huyện! Dù đậu muộn màng, nhưng từ đây, con đường hoạn lộ của Ngô Thì Sĩ tương đối thuận lợi. Năm 1767 ông được bổ chức Hiến sát Thanh Hoa (tức Thanh Hóa ngày nay). Trong bài ký viết ở công đường Ty hiến sát – cơ quan trông coi về việc tư pháp, xét xử – ông đã viết để răn người và tự răn mình: “Đây là nhà làm việc chứ không phải để ngắm cảnh. Những kẻ bước lên nhà này, hoặc quan hoặc lại phải nhớ rằng được no ấm đều nhờ ơn nước, bổng lộc là máu mỡ của dân. Non sông gấm vóc nhìn ngắm suốt ngày ắt phải nhớ đây là mảnh đất thành trì của vua ta, phải thận trọng giữ gìn cho vững chắc. Thấy kẻ mặt gầy áo rách, vì cớ nào đó mà đến đây ắt phải nghĩ đó là con dân vua ta, phải giảng giải vỗ về, để họ được an cư lập nghiệp. Làm cho phong tục được tốt đẹp, khiến cho có nơi nghe hỏi mà không có kẻ vu cáo, giấy tờ sổ sách không phiền hà, hình phạt ít dùng đến… Còn nếu như dung túng bọn cường hào, lừa gạt kẻ mồ côi gái góa, khéo dùng từ để thắt buộc khi xử án, giỏi ăn hối lộ để làm giàu, chẳng để tâm đến cái gốc của nước, chỗ dựa của dân, túi tham vơ vét, đầy rồi bỏ đi, để lại tiếng xấu làm tủi hổ non sông, những kẻ như thế thực là con mọt lớn của nước nhà…”. Trong đời làm quan, Ngô Thì Sĩ đã làm đúng điều tự răn như thế. Người vợ của ông cũng không tham tiền đút lót mà làm hại đến thanh danh của chồng. Năm 1768 gặp kỳ thi Hương có sĩ tử đến nhờ cậy đút lót chồng, bà cự tuyệt nghiêm khắc:
Xem thêm : Âm nhạc thời kỳ trung cổ
– Tôi lẽ nào vì chút lợi nhỏ xíu mà hại đến tiết tháo thanh liêm của chồng tôi!
Ngoài ra những việc kiện tụng, nài xin, bà đều không nghe ai cầu cạnh. Năm 1770, Ngô Thì Sĩ được giao làm Tham chính Nghệ An. Khi coi thi do có lầm lẫn – nhưng chủ yếu do bè phái dèm pha, ganh ghét – nên ông bị triều đình cách chức. Trở về làm dân, ông đóng cửa viết sách, xem lợi danh trên đời này là phù vân: “Phú quý cũng nồng mà cũng nhạt”.
Năm 1774, chúa Trịnh đi tuần phương Nam, biết ông bị oan nên mới có ý cất nhắc. Qua năm sau ông được triệu vào Kinh làm hiệu lý Viện Hàn lâm kiêm hiệu chính quốc sử. Ít lâu sau ông được thăng chức Thiêm đô Ngự sử, nhân đó, ông có điều trần bốn việc: “Xin định rõ phép khảo xét các quan. Xin sửa sang luật lệ kiện tụng. Xin truy tôn các bậc tiên nho. Xin sửa lại thể thức làm văn”. Ông lại điều trần về việc binh, việc dân, chúa đều khen và làm theo. Ít lâu sau, ông được bổ làm Đốc trấn Lạng Sơn. Đây cũng là dịp thử thách tài năng và bản lĩnh của Ngô Thì Sĩ. Lúc bấy giờ, hạt Lạng Sơn đang đói vì mất mùa, dân chúng xiêu tán bỏ đi nơi khác, người chết đói đầy đường. Khi đến, ông đã tìm cách cấp cứu, rồi chiêu dụ dân lưu tán về khẩn ruộng hoang, tự mình đứng ra đôn đốc việc cày bừa. Có thể thấy được quan điểm của ông qua bản điều trần về việc này, những điểm chính là: cường hào ác bá chiếm ruộng đất thì nay bị thu thuế với mức thuế thu ruộng công. Ruộng đất bỏ hoang thì giao cho hào mục địa phương chiêu dụ dân về cày cấy, nếu không thì sung vào ruộng công và mộ dân nơi khác đến canh tác. Nhờ vậy, dân lưu tán vì đói, vì việc quan nặng nề lần lượt kéo về. Không những thế, với người nông dân cày cấy trên đất của mình, ông đã nghĩ đến lúc thời chiến họ sẽ là người lính cầm vũ khí chiến đấu. Ông viết: “Đó là phép giấu binh lính trong phép “tỉnh điền” của nhà Chu, gửi quân lệnh vào trong nội chính nước Tề ngày xưa. Tích trữ nhiều và phòng ngừa đầy đủ, binh khí có sẵn để đề phòng những sự bất ngờ, nước giàu thì quân mạnh, gốc vững thì nước được yên”. Năm đó được mùa lớn, trộm giặc tiêu tan, trong hạt lại yên ổn “lúa chín rộ, trên đồng dưới lũng lúa rủ vàng, trong ấp ngoài thôn vựa cót đầy ắp”, ai ai cũng khen quan Đốc Ngô Thì Sĩ.
Khi việc tuần phòng được nhàn rỗi, ông đích thân đi xem xét, hỏi han dân tình, tìm hiểu phong tục và ngao du sơn thủy. Có thể nói không chỗ nào mà ông không đặt chân đến. Những chốn thanh u, hiểm trở đều được ông đến đề thơ, ngâm vịnh. Chính ông là người đặt tên cho động Nhị Thanh như ông cho biết: “Động sao gọi là Nhị Thanh? Người làng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tự hiệu là Nhị Thanh, đứng ra sửa sang, nên vì thế mà thành” và nó đã trở thành một điểm du lịch lý tưởng đến ngày nay. Những năm tháng ở Lạng Sơn theo lời Giáng chỉ: “Ở lâu trong đài sảnh, nên biết sự khó nhọc của dân. Hãy vì nước vỗ về nuôi dưỡng dân điêu linh, chớ ngại chốn biên cảnh xa xôi mà từ chối”, Ngô Thì Sĩ đã vâng mệnh và làm tròn nhiệm vụ được giao. Ông đã ở đây cho đến lúc qua đời, năm 1780. Đánh giá về ông, Phan Huy Chú ghi nhận: “Ông học vấn sâu rộng, văn chương hùng vĩ, làm rạng rỡ cho tông phái nhà Nho, là một đại gia ở Nam Châu (tức vùng Sơn Nam, huyện Thanh Oai, thuộc Sơn Nam Thượng). Tuy ông không được làm quan to nhưng đức trạch về thi thư của ông để lại đời sau được nhờ vẫn chưa hết”. Thật vậy, Ngô Thì Sĩ đã đóng góp ở nhiều mặt “mà không hổ là bậc danh nho”.
Xem thêm : Mức cầu tiền tệ là gì? Nhân tố ảnh hưởng đến mức cầu
Trước hết, ông là một thi sĩ, là một nhân vật quan trọng trong Ngô gia văn phái. Các sáng tác của ông được tập hợp trong các tập Anh ngôn thi tập, Anh ngôn phú tập, Ngọ phong văn tập, Khuê ai lục… đề cập đến nhiều vấn đề trong xã hội với cảm xúc chân thành. Đáng chú ý nhất là ở tập Khuê ai lục mà các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhận định đây là tác phẩm “với tình cảm thống thiết, lời lời gây xúc động sâu sắc, được coi như một nét mới trong thơ trữ tình của Việt Nam thời trung đại” (Tổng tập văn học Việt Nam – tập 10A, trang 163). Lần đầu tiên Ngô Thì Sĩ đã đem tình yêu, hạnh phúc gia đình của chính ông để đưa vào thơ văn với những cảm xúc mãnh liệt, chân thực nhất. Thật đáng ngạc nhiên, những bài thơ khóc vợ của Ngô Thì Sĩ lại có những tứ thơ cực kỳ hiện đại:
Yêu nàng muốn vẽ ảnh nàng
Giữ lại nhan sắc huy hoàng không phai
Nàng cười: – Tóc bạc hãy hay
Ngờ đâu nàng vội vén mây về trời
Độc đáo nhất vẫn là mười bài tứ tuyệt Mười nhớ; rồi Mười không thương nhớ. Trong đó có bài:
Nhớ nàng lại mặc áo nàng
Mùi hương phảng phất dịu dàng thơm lâu
Đường kim mũi chỉ nàng khâu
Vẫn còn đó. Nay người đâu? Nát lòng!
Ngô Thì Sĩ còn là một nhà sử học, ngoài bộ Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Việt sử ký tục biên (cùng biên soạn với một số người khác) phải kể đến bộ Việt sử tiêu án, trong đó ông có bình luận xác đáng, bổ sung cho sử cũ – viết từ thời Hồng Bàng đến ngoại thuộc nhà Minh. Ngô Thì Sĩ còn là một nhà chính trị xuất sắc. Qua những bản điều trần nhằm cải cách tình trạng xã hội và qua những việc làm thiết thực, Ngô Thì Sĩ đã làm tròn trách nhiệm của một trí thức khi tham gia chính sự. Thế nhưng khi “tự họa” về mình, ông khiêm tốn viết: “Người là ai? Khăn áo đạo sĩ, vẻ mặt nhà nho. Thân cao một thước sáu, lưng nhỏ ba chét tay, râu thưa tóc mai trụi, má hóp lưỡng quyền gầy. Văn dốt vũ dát, chính sự vụng, đi đứng tuềnh toàng, không một nét đáng ghi lại”.
Những kẻ hậu sinh chúng ta, nay vẫn học được ở con người tự nhận là “văn dốt vũ dát” ấy nhiều điều quý báu. Đáng quý nhất, là không đầu hàng số phận, là cái chí tự vượt qua được cái nghèo để đạt mục đích lớn trong đời. Trong Bài văn trách ma nghèo của “ông họ Ngô sống trong cảnh túng thiếu, hằng ngày gạo củi bức bách”, ông viết: “Nhà ta dột nát, ngươi bảo chưa thể sửa chữa; khách khứa, tế tự không chu đáo đầy đủ, ngươi bảo chưa thể rộng rãi. Những điều ngươi thỉnh cầu, ta đều nghe theo; ta có mưu tính gì ngươi đều ngáng trở, khiến ta năm nay vì đấu lương mà gãy lưng, một đồng tiền cũng chẳng dính tay. Năm nay được mùa, ấm áp mà vẫn bị đói rét, nông nỗi ấy đều do ngươi làm ra”. Những lời trách này được ma nghèo trả lời thấu đáo, mà qua đó chúng ta thấy được nhân sinh quan của Ngô Thì Sĩ. Ông viết: “Tiên sinh lầm rồi! Cứ xem từ thời Hạ, Thương, Chu trở xuống, ở các nơi danh hương hiền phố, các vị khanh tướng có danh tiếng trong thiên hạ, hết thảy đều qua tay tôi điểm hóa trước, sau đó mới luyện đức tốt, thêm trí lực, rồi mới lập nên sự nghiệp phi thường. Thí dụ như Y Doãn trước nấu bếp, Thái Công Vọng làm nghề mổ gia súc, Nịnh Tử chăn trâu, Tô Quý Tử mặc áo cầu rách, đó đều là những tấm gương rõ ràng ở đời trước. Có mười mẫu ruộng chỉ làm được ông lão nông; có nghìn vàng ở chợ chỉ được khen là anh lái buôn giàu. Nhưng một chàng áo vải thường làm nên khanh tướng, thế thì cái nghèo có phụ gì người đời đâu!”. Lời khuyên này thật chí lý thay! Ma nghèo còn nói: “-Giàu vốn làm cho đời sống người ta phong phú, nhưng nghèo há chẳng lại rèn luyện ta nên người đó sao? Tôi nghe nói: lợi nhiều thì trí mờ ám, tiền dễ thì thêm mắc lỗi”. Chính vì ý thức được điều này, nên sau khi đã đạt được chí, ra làm quan ăn lộc nước, Ngô Thì Sĩ không mảy may vì chữ lợi mà làm mờ thanh danh của mình. Ông từng ngao du sơn thủy, đọc sách, viết sử, làm thơ… há chẳng phải là người xem thường chữ lợi đó sao? Xem thường chữ lợi để đạt chí, đạt danh, Ngô Thì Sĩ đã làm được điều đó. Không phải ngẫu nhiên mà danh sĩ Phan Huy Ích đã hết lời ca ngợi gia đình vợ mình – so sánh với gia đình Tô Đông Pha nhà Tống – và viết về bố vợ của mình là Ngô Thì Sĩ “được núi sông hun đúc, thấu hiểu khí bao la của trời đất, nắm được tinh hoa của sách vở, phong cách hào phóng hùng hồn, tinh vi, uyên bác…”.
(Nguồn: Lê Minh Quốc, Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Tập 10, Các nhà chính trị, NXB Trẻ)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức