Lý Luận Nhận Thức Duy Vật Biện Chứng
Nội Dung
1. Các nguyên tắc của lý luận nhận thức duy vật biện chứng
Một là, thừa nhận thế giới vật chất tồn tại khách quan bên ngoài và độc lập với ý thức con người. Đây là nguyên tắc nền tảng của lý luận nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định, thế giới vật chất tồn tại khách quan, độc lập với ý thức, với cảm giác của con người và loài người nói chung, mặc dù người ta có thể chưa biết đến chúng.
Hai là, công nhận cảm giác, tri giác, ý thức nói chung là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, các cảm giác của chúng ta (và mọi tri thức) đều là sự phản ánh, đều là hình ảnh chủ quan của hiện thực khách quan: “Cảm giác là một hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”. Nhưng không phải sự phản ánh thụ động, cứng đờ của hiện thực khách quan giống như sự phản ánh vật lý của cái gương trong quan niệm của chủ nghĩa duy vật trước Mác. Đó chính là quan niệm trực quan của chủ nghĩa duy vật siêu hình, không đánh giá đúng mức vai trò tích cực của chủ thể, của nhân cách và hoạt động thực tiễn của con người trong phản ánh.
Bạn đang xem: Lý Luận Nhận Thức Duy Vật Biện Chứng
Ba là, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn để kiểm tra hình ảnh đúng, hình ảnh sai của cảm giác, ý thức nói chung. Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm tra hình ảnh đúng, hình ảnh sai của cảm giác, ý thức nói chung; là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý. Tất nhiên, “… thực tiễn mà chúng ta dùng làm tiêu chuẩn trong lý luận về nhận thức, phải bao gồm cả thực tiễn của những sự quan sát, những sự phát hiện về thiên văn học…”. Do vậy, “Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức”.
2. Bản chất của nhận thức
Nhận thức là một loại hoạt động của con người, là quá trình phản ánh chủ động, tích cực, sáng tạo thế giới khách quan vào trong đầu óc người. Hoạt động đó được thực hiện thông qua hoạt động thực tiễn; lấy thực tiễn làm cơ sở, làm mục đích, làm động lực và làm tiêu chuẩn xác định tính đúng đắn của các tri thức ấy.
Chủ thể nhận thức là con người với bản chất xã hội nên quá trình nhận thức thường bị chi phối bởi điều kiện lịch sử, về kinh tế, chính trị -xã hội, truyền thống văn hoá; đặc điểm tâm sinh lý, đặc biệt là năng lực nhận thức, tư duy của chủ thể.
Khách thể nhận thức là hiện thực khách quan trong phạm vi hoạt động của con người. Nhận thức là sự phản ánh của chủ thể đối với khách thể. Không có sự vật, hiện tượng nào trong thế giới khách quan mà con người không thể biết được. Những tri thức của con người về thế giới được thực tiễn kiểm nghiệm là tri thức xác thực, tin cậy.
Nhận thức là sự phản ánh hiện thực khách quan, nhưng đó không phải là sự phản ánh thụ động, tức thì mà là sự phản ánh chủ động, tích cực, có sáng tạo; từ chưa biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều, từ nông đến sâu, từ hiện tượng đến bản chất.
Ý nghĩa của vấn đề: Nhận thức không chỉ phản ánh những cái đã và đang tồn tại mà còn phản ánh những cái sẽ tồn tại, có thể giúp con người dự báo tương lai. Nhận thức không chỉ giải thích thế giới mà còn cải tạo thế giới.
3. Các giai đoạn của nhận thức
Nhận thức là quá trình biện chứng từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và đến thực tiễn…
– Trực quan sinh động (hay nhận thức cảm tính) là giai đoạn đầu của quá trình nhận thức, phản ánh trực tiếp hiện thực khách quan bằng các giác quan, qua các hình thức cơ bản là cảm giác, tri giác và biểu tượng.
Cảm giác là hình thức đầu tiên của phản ánh hiện thực, là kết quả tác động của sự vật vào giác quan con người. Nó chỉ phản ánh được những mặt, những thuộc tính riêng lẻ của sự vật như nóng, lạnh, màu sắc, mùi vị… Cảm giác có vai trò to lớn trong quá trình nhận thức và thay đổi khi được rèn luyện.
Tri giác là sự phản ánh đối tượng trong tính toàn vẹn, trực tiếp tổng hợp nhiều thuộc tính khác nhau của sự vật do cảm giác đem lại. Từ tri giác, nhận thức cảm tính chuyển lên hình thức cao hơn là biểu tượng.
Xem thêm : Tam giáo đồng nguyên và ảnh hưởng đối với văn hóa truyền thống Trung Quốc
Biểu tượng là hình ảnh về sự vật được tái hiện trong đầu một cách khái quát, khi không còn tri giác trực tiếp với sự vật. Nó chỉ giữ lại những nét chung về bề ngoài của sự vật. Biểu tượng cũng như cảm giác, tri giác, đều là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, nhưng biểu tượng phản ánh sự vật một cách gián tiếp và có thể sáng tạo ra một biểu tượng khác tương tự.
Đặc điểm chung của giai đoạn nhận thức cảm tính là phản ánh có tính chất hiện thực, trực tiếp, không thông qua khâu trung gian. Sự phản ánh đó tuy phong phú, sinh động, nhưng chỉ là phản ánh bề ngoài, hiện tượng của sự vật.
– Tư duy trừu tượng (hay nhận thức lý tính) là giai đoạn cao của quá trình nhận thức, dựa trên cơ sở tài liệu do trực quan sinh động đưa lại. Chỉ qua giai đoạn này, nhận thức mới nắm được bản chất, quy luật của hiện thực. Tư duy trừu tượng được biểu hiện dưới các hình thức cơ bản: khái niệm, phán đoán, suy lý.
Khái niệm là hình thức cơ bản của tư duy trừu tượng phản ánh cái chung, bản chất, tất yếu của sự vật. Khái niệm được hình thành là từ hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức của con người. Khái niệm được diễn đạt bằng ngôn ngữ là từ ngữ, đó là vật liệu đầu tiên để xây dựng nên những tri thức khoa học. Khi vận dụng, phải linh hoạt, mềm dẻo cho phù hợp.
Phán đoán là một hình thức của tư duy trừu tượng, dựa trên sự liên kết, vận dụng những khái niệm đã có, nhằm khẳng định hay phủ định, một hay nhiều thuộc tính sự vật. Mỗi phán đoán được biểu đạt bằng một “mệnh đề” nhất định.
Phán đoán cũng không ngừng vận động, phát triển từ đơn giản đến phức tạp, gắn liền với quá trình phát triển của thực tiễn, nhận thức, nên nó là hình thức để biểu đạt quy luật khách quan của sự vật, hiện tượng. Phán đoán có nhiều loại như phán đoán khẳng định, phủ định, đơn nhất, đặc thù…
Suy lý là hình thức cơ bản của tư duy trừu tượng. Nếu như phán đoán dựa trên sự liên kết các khái niệm, thì suy lý dựa trên cơ sở những phán đoán đã được xác lập, và những mối liên hệ có tính quy luật của những phán đoán đó, để đi đến những phán đoán mới có tính chất kết luận.
Suy lý không chỉ cho phép ta biết được những cái đã, đang xảy ra, mà còn cho biết cả những cái sẽ xảy ra. Nếu có sự phân tích sâu sắc, toàn diện, nắm chắc được quy luật vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng thì có thể dự báo được tương lai của chúng.
Giai đoạn nhận thức lý tính tuy không phản ánh trực tiếp hiện thực khách quan, nhưng phản ánh trừu tượng, khái quát, vạch ra bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng. Đó là nhận thức đáng tin cậy, gần với chân lý khách quan, đáp ứng được mục đích của nhận thức.
Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính là hai giai đoạn của một quá trình nhận thức. Tuy chúng có sự khác nhau về vị trí, mức độ và phạm vi phản ánh, nhưng có liên hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau. Mỗi giai đoạn đều có mặt tích cực và mặt hạn chế. Giai đoạn nhận thức cảm tính, tuy nhận thức hiện thực trực tiếp thế giới khách quan, nhưng đó chỉ là nhận thức những hiện tượng bề ngoài, giản đơn, nông cạn. Còn nhận thức lý tính, tuy không phản ánh trực tiếp sự vật hiện tượng, nhưng vạch ra những mối liên hệ bản chất, tất yếu bên trong, vạch ra quy luật vận động phát triển của sự vật, hiện tượng.
Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính là hai giai đoạn của quá trình nhận thức, xét đến cùng, đều bắt nguồn từ thực tiễn, đều lấy sự vật, hiện tượng làm đối tượng, nội dung phản ánh. Giữa chúng có liên hệ mật thiết với nhau. Nhận thức cảm tính là tiền đề, điều kiện của nhận thức lý tính. Nhận thức lý tính không thể thực hiện gì hết nếu thiếu tài liệu của nhận thức cảm tính đưa lại.
Ngược lại, nhận thức lý tính sau khi đã hình thành thì tác động trở lại nhận thức cảm tính làm cho nó nhận thức nhạy bén hơn, chính xác hơn trong quá trình phản ánh hiện thực. Tư duy trừu tượng phản ánh gián tiếp hiện thực nên dễ có nguy cơ phản ánh sai lạc. Do vậy, nhận thức của tư duy trừu tượng phải quay về thực tiễn, để thực tiễn kiểm nghiệm, từ đó mà phân biệt giữa nhận thức đúng với nhận thức sai.
Xem thêm : Tín dụng là gì? Bản chất, chức năng và Phân loại
Như vậy, từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng trở về thực tiễn, là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý khách quan. Trong đó, thực tiễn vừa là tiền đề xuất phát, vừa là điểm kết thúc của một vòng khâu, một quá trình nhận thức. Kết thúc vòng khâu này lại là điểm khởi đầu của vòng khâu khác cao hơn. Đó là quá trình vô tận, liên tục của sự nhận thức chân lý khách quan.
4. Thực tiễn và vai trò của nó đối với nhận thức
+ Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất, cảm tính, có tính chất lịch sử- xã hội của con người nhằm cải tạo thế giới khách quan để phục vụ nhu cầu của con người. Hoạt động thực tiễn rất phong phú nhưng có ba hình thức cơ bản là hoạt động sản xuất vật chất; hoạt động chính trị- xã hội và hoạt động thực nghiệm khoa học. Trong đó, hoạt động sản xuất ra của cải vật chất là hoạt động cơ bản nhất vì nó quyết định sự tồn tại và phát triển xã hội.
Thực tiễn là cơ sở, nguồn gốc của nhận thức. Thực tiễn cung cấp những tài liệu hiện thực, khách quan, làm cơ sở để con người nhận thức; trực tiếp tác động vào thế giới khách quan, qua đó đối tượng bộc lộ ra những đặc trưng, thuộc tính, những quy luật vận động để con người nhận thức được.
Thực tiễn là động lực và mục đích của nhận thức. Thực tiễn thường xuyên vận động, phát triển nên nó luôn luôn đặt ra những nhu cầu, nhiệm vụ, phương hướng mới cho nhận thức. Hoạt động của con người, bao giờ cũng có mục đích, yêu cầu và tổ chức thực hiện mà không phải lúc nào cũng có sẵn trong đầu óc. Nếu mục đích, yêu cầu, cách thức thực hiện đúng thì hoạt động thực tiễn thành công. Nhận thức của con người không chỉ để giải thích thế giới mà là để cải tạo thế giới theo nhu cầu, lợi ích của mình. Thực tiễn là động lực và mục đích của nhận thức.
Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Thực tiễn cao hơn nhận thức vì nó vừa có là hiện thực phong phú, vừa có tính phổ biến là hoạt động vật chất khách quan, có tính lịch sử – xã hội. Hiện thực lịch sử xảy ra một lần nhưng nhiều người nhận thức và nhận thức nhiều lần khác nhau.
Người ta không thể lấy nhận thức để kiểm tra nhận thức, không thể lấy nhận thức này làm chuẩn để kiểm tra nhận thức kia vì chính bản thân nhận thức được dùng làm tiêu chuẩn để kiểm tra nhận thức khác chưa chắc đã đúng. Chỉ có thực tiễn mới là tiêu chuẩn thật sự, duy nhất của chân lý.
+ Ý nghĩa của vấn đề: Phải đảm bảo sự “thống nhất lý luận và thực tiễn’’, lý luận phải xuất phát từ thực tiễn, luôn có ý thức tự giác kiểm tra mọi nhận thức của mình thông qua thực tiễn, không cho phép con người biến một hiểu biết bất kỳ nào đó thành chân lý vĩnh viễn, bất biến cho mọi lúc, mọi nơi, đồng thời phải chống mọi biểu hiện của bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.
5. Chân lý
+ Chân lý là những tri thức của con người phù hợp với hiện thực khách quan, được thực tiễn kiểm nghiệm. Chân lý là kết quả quá trình con người nhận thức thế giới khách quan.
Chân lý có tính khách quan. Chân lý tuy là nhận thức của con người nhưng nội dung của nó chính là hiện thực khách quan, không lệ thuộc vào con người.
Chân lý có tính cụ thể, không có chân lý chung chung trừu tượng đúng cho mọi điều kiện hoàn cảnh, mà chỉ có chân lý cụ thể, xác định, gắn với điều kiện, hoàn cảnh, gắn với không gian, thời gian cụ thể.
Chân lý có tính tương đối và tính tuyệt đối. Chân lý tương đối là tri thức của con người phản ánh đúng hiện thực khách quan nhưng chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chưa bao quát hết thảy mọi mặt của hiện thực khách quan và luôn luôn bị chế ngự bởi điều kiện lịch sử. Chân lý tuyệt đối là tri thức của con người về thế giới khách quan nhưng đạt được sự hoàn toàn đúng đắn, đầy đủ và chính xác về mọi phương diện.
+ Ý nghĩa của vấn đề: Người theo chủ nghĩa duy vật không thể đem suy nghĩ chủ quan của mình làm căn cứ cho lý luận. Trong một giới hạn nhất định nếu thoát ly không gian, thời gian thì chân lý có thể biến thành sai lầm và ngược lại.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức